“Nhận thức xung quanh rất quan trọng, nhận thức bản thân chính là chìa khóa để trở thành nhà vô địch.”
– Khuyết danh
CHAMPION
Awareness of a Champion
NHẬN THỨC CỦA NHÀ VÔ ĐỊCH
"Nhận thức = Lưu tâm đến mọi thứ."
Hiểu chính mình
Nhà vô địch luôn biết điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Một khi họ nhận thức được thế mạnh của mình, họ sẽ cố gắng tập luyện và củng cố để phát huy chúng. Đó có thể là cú đánh thuận tay “sát thủ” của một vận động viên quần vợt, hay khả năng đọc trận đấu của một cầu thủ bóng đá. Dù thế mạnh là gì đi nữa, vận động viên cần ý thức được tài năng mình sở hữu và phát huy chúng để chúng có thể giúp họ đạt được chiến thắng, giành lấy vinh quang.
Hiểu chính mình.
Tương tự như vậy, các vận động viên cũng có những thiếu sót và điểm yếu. Ví dụ như vận động viên quần vợt mà chúng ta đã đề cập ở trên, anh ấy có cú đánh thuận tay “sấm sét”, nhưng cú đánh trái tay lại là điểm yếu mà đối thủ có thể tận dụng. Với cầu thủ bóng đá, anh lại có sức chịu đựng kém, nên ngay cả khi anh ta “đọc” trận đấu rất tốt, phán đoán được các diễn tiến trên sân, anh cũng không thể nào trụ được đến cuối trận.
Vậy thì vận động viên có thể làm gì để khắc phục điểm yếu của mình? Chỉ có một cách duy nhất, là tiếp tục tập luyện, đồng thời trau dồi những kỹ năng còn thiếu. Vận động viên quần vợt ở trên có thể tập luyện cú đánh trái tay để cải thiện nó. Tương tự, chàng cầu thủ bóng đá phải tập luyện nhiều hơn để cải thiện sức chịu đựng của mình. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, các vận động viên có thể làm cho điểm yếu của mình dần phai nhạt và một vài người thậm chí có thể biến chúng thành thế mạnh!
Hiểu đối thủ
Trong một trận chiến, ngoài việc chuẩn bị quân đội và hậu cần cần thiết, thì để có được một chiến dịch thành công, việc am hiểu về đối thủ cũng là một điều cực kỳ quan trọng. Quy mô của quân thù như thế nào, họ đã chuẩn bị sẵn sàng đến đâu, họ sẽ sử dụng những vũ khí nào, đó chỉ là một số câu hỏi cơ bản mà một nhà chiến lược cần phải biết. Bước ra chiến trường mà không biết kẻ thù của mình là ai thì chẳng khác nào tự đâm đầu vào chỗ chết.
Chuẩn bị đội quân.
Trong thể thao cũng vậy, các vận động viên cần biết rõ đối thủ của mình là ai, những điểm mạnh, điểm yếu của họ là gì. Huấn luyện viên là những người thu thập thông tin về đối thủ, sau đó sẽ bỏ thời gian để phân tích và tìm ra điểm yếu của những đối thủ ấy. Khi có được những thông tin cần thiết, huấn luyện viên sẽ ra những chiến lược và sách lược rõ ràng để giúp vận động viên của mình đánh bại được đối thủ và giành chiến thắng chung cuộc.
Như vậy, chuẩn bị sẵn sàng và luyện tập đầy đủ sẽ bao gồm cả việc hiểu rõ đối phương, nắm được điểm mạnh và điểm yếu của họ. Chỉ có như vậy, vận động viên mới có cơ hội bảo vệ chức vô địch của mình.
Hiểu rõ bản thân mình và đối thủ
Tôn Tử – nhà chiến lược Trung Hoa nổi tiếng – từng nói: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Đúng là như vậy. Khi biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, chúng ta sẽ ý thức được khả năng mình có đến đâu. Và nếu chúng ta mở rộng điều đó để biết được cả điểm mạnh điểm yếu của đối thủ, thì một nửa phần thắng đã thuộc về ta.
Nhà sách lược.
Đánh bại mọi khó khăn
Michael Chang, tay vợt người Mỹ, nổi tiếng với sự bền bỉ và khả năng nhận thức nhạy bén về những gì đang xảy ra trong suốt trận đấu. Trong trận đấu với Ivan Lendl ở vòng 4 của giải Pháp mở rộng – French Open năm 1989, Chang đã thể hiện rất xuất sắc và trở thành hạt giống quan trọng.
Ivan Lendl là tay vợt số một thế giới với ba lần vô địch. Điều này khiến cho mọi người dự đoán anh sẽ dễ dàng giành chiến thắng trước Chang – một tay vợt hạt giống thứ 15 và chỉ mới 17 tuổi.
Mọi thứ diễn ra đúng theo kịch bản, khi Lendl giành được chiến thắng một cách khá dễ dàng ở hai chặng đầu tiên với tỷ số 6 - 4, 6 - 4. Tuy nhiên, trong chặng thứ ba, Chang đã vươn lên và giành thắng lợi với tỷ số 6 - 3. Suốt nửa thời gian ở chặng thứ tư, Chang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chứng chuột rút ở chân. Anh biết rằng để có thể tiếp tục trận đấu và giành chiến thắng, anh phải có những chiến thuật mới.
Bóng mặt trăng.
Trước tiên, Chang quyết định rằng anh cần phải làm chậm lại nhịp độ trận đấu, bởi cơn chuột rút đang ảnh hưởng đến tốc độ của anh. Anh đã làm điều này bằng cách đánh những cú “bóng mặt trăng” – tức những quả lốp cao. Lendl, được biết đến như một trong những người chơi điềm tĩnh và sáng tạo nhất, đã bất ngờ với chiến thuật này của Chang, nên đã mất nhịp độ và sự bình tĩnh. Anh cũng bắt đầu cự cãi với trọng tài và đám đông khán giả. Chang lúc này tiếp tục thực hiện chiến thuật làm đối thủ mất bình tĩnh bằng cách phát bóng dưới vai; điều này đã làm Lendl bị sốc và mất đi một điểm quan trọng trong chặng thứ năm.
Trong chặng thứ năm và chặng cuối cùng, mặc cho chấn thương, Chang đã chiến đấu rất mạnh mẽ và dẫn trước Lendl hai điểm. Dự tính làm ngắt quãng sự tập trung của Lendl, Chang đã thực hiện một hành động táo bạo. Anh đứng vào phía trong vạch giao bóng trong khi chờ Lendl phát bóng. Hành động này được xem như tự sát, bởi người chơi sẽ không có nhiều thời gian phản ứng để trả bóng. Bối rối trước hành động của Chang, Lendl đã thực hiện hai cú giao bóng hỏng liên tiếp, quyết định chiến thắng vào tay Michael Chang. Trận đấu kết thúc sau 4 giờ và 37 phút. Và chỉ bảy ngày sau đó, Chang nâng trên tay chiếc cup French Open sau khi đánh bại Stefan Edberg trong một trận đấu ly kỳ khác, trở thành cầu thủ trẻ tuổi nhất giành chiến thắng của giải đấu này.
Nhà vô địch!
Trận đấu giữa Chang và Lendl là một ví dụ kinh điển cho cách một vận động viên thể hiện nhận thức tuyệt vời về sức mạnh bản thân và những vấn đề mà anh đang gặp phải, cũng như nhận thức về đối thủ để đưa ra một chiến thuật đúng đắn trong trận đấu. Và điều này cuối cùng đã giúp anh giành được chiến thắng cho bản thân.
Nhận thức tình huống
Bên cạnh việc nhận thức điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, cũng như của đối thủ, một trạng thái nhận thức cốt yếu khác mà vận động viên cần phải phát triển đó là nhận thức tình huống. Điều này có nghĩa là trong suốt cuộc chơi hoặc trận đấu, vận động viên cần phải hiểu khi nào nên vận dụng một chiến lược khác để có thể thay đổi nhịp độ trận đấu, nhằm tạo ra kết quả thuận lợi cho họ.
Không chút manh mối.
Sarah là một tuyển thủ cầu lông rất giỏi, với đầy đủ những kỹ năng có thể giúp cô giành được nhiều danh hiệu sáng giá. Tuy nhiên, cô lại thiếu khả năng nhận thức tình huống, khiến hết lần này đến lần khác cô không đủ linh động để thích ứng với những thay đổi trong trận đấu. Vì vậy, chỉ mỗi kỹ năng thôi đôi khi là chưa đủ. Một vận động viên cần phát triển nhận thức về tình huống mới có thể giành được thắng lợi cho bản thân.
Cảm nhận những cú đánh
Taufik Hidayat – vận động viên cầu lông người Indonesia, cựu vô địch thế giới – đã khiến nhiều người kinh ngạc khi tiến thẳng vào trận chung kết đơn nam tại Thế vận hội mùa Hè năm 2004. Trên chặng đường đến với trận chung kết, anh đánh bại những tên tuổi hàng đầu như Peter Gade, Boonsak Ponsana và gặp đối thủ người Hàn Quốc Shon Seung-mo trong trận chung kết. Anh đã vận dụng khả năng nhận thức tình huống nhạy bén, kết hợp tận dụng kho “vũ khí” sẵn có của mình bao gồm những pha đập cầu trái tay, nhảy đập cầu thuận tay và những cú đánh úp ngược để đánh bại đối thủ của mình. Nỗ lực của Taufik đã được đền đáp khi anh giành được huy chương vàng, mang vinh quang về cho đội nhà Indonesia.
Cảm nhận những cú đánh.
Thiền sư
Phil Jackson, cầu thủ và huấn luyện viên NBA với 12 lần vô địch NBA (hai lần với tư cách là cầu thủ của đội New York Knicks, sáu lần với tư cách là huấn luyện viên trưởng của đội Chicago Bulls, và bốn danh hiệu còn lại đạt được khi là huấn luyện viên trưởng của đội Los Angeles Lakers), được biết đến như là một “thiền sư”.
Thiền sư.
Đối mặt với những cầu thủ “đỏng đảnh”, “khó chìu” là điều diễn ra như cơm bữa đối với các huấn luyện viên, và với Phil Jackson cũng không phải ngoại lệ. Mặc dù ông có cơ hội được làm việc với những cầu thủ tài năng nhất như Michael Jordan, Scottie Pippen, Kobe Bryant và Shaquille O’Neal, nhưng ông cũng phải đối mặt với những cầu thủ khó chơi như Dennis Rodman. Ông biết cách kiểm soát cái tôi của những ngôi sao thể thao và đưa những vị “khó chìu” ấy vào khuôn khổ. Ông biết rằng các cầu thủ ông có trong tay đều tài năng, và chính ông là người phải giúp cho họ tận dụng được tiềm năng của mình, đó là lý do vì sao ông thường được biết đến như là “người hỗ trợ”. Với khả năng quản lý tốt các cầu thủ, ông có thể giúp họ thể hiện những gì xuất sắc nhất của bản thân.
Về mặt chiến lược, Jackson cũng có tay nghề. Ông đặt niềm tin vào đội bóng rổ và liên tục đảm bảo các đội mà ông huấn luyện hoạt động trên tinh thần đồng đội chứ không phải cá nhân riêng lẻ, dù cho những cá nhân ấy có xuất sắc đến mấy. Chiến thuật chính mà ông áp dụng – “Triangle Offense, Tấn công Tam giác” – nhấn mạnh sự cần thiết của tinh thần làm việc tập thể để cùng nhau tìm thấy những điểm yếu của đội hậu vệ đối phương.
Bên cạnh đó, Phil Jackson cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc giữ vững tinh thần thoải mái và bình tĩnh, và cũng vì lý do này mà biệt danh “thiền sư” đã được trao cho ông. Không ít lần ông tổ chức các buổi thiền như một phần của quá trình tập luyện. Thông qua những hoạt động này, các cầu thủ học được cách giữ bình tĩnh hơn, và điều này giúp họ ổn định tinh thần trong những thời khắc quyết định của trận đấu.
Có thể nói, Jackson biết được điểm mạnh ở các cầu thủ của mình, và dựa trên cái tôi của từng người, ông làm cho họ cảm nhận rằng mình được đánh giá cao. Các buổi tập huấn của ông được thiết kế để không chỉ củng cố tinh thần đồng đội, mà còn giúp cho các cầu thủ chơi đúng tiềm lực của bản thân.
Thật vậy, rất thích hợp để mô tả Phil Jackson như là một bậc thầy về chiến lược và là một trong những huấn luyện viên giỏi nhất của NBA.
Bản năng “sát thủ”
Điều này nghe có vẻ thật bạo lực và chẳng mấy thích hợp, bởi xét cho cùng, các vận động viên đâu phải được đào tạo để giết chóc. Tuy nhiên, phát triển bản năng “sát thủ” là cần thiết để các vận động viên giành được chiến thắng và trở thành nhà vô địch. Bản năng này trỗi dậy khi các vận động viên biết rằng đối thủ của họ đang chơi không đúng phong độ hoặc gặp phải vấn đề nào đó. Nhận biết tình huống như vậy, họ sẽ chơi với ngọn lửa khát chiến trong lòng để hạ gục đối phương.
Bản năng “sát thủ”.
Đôi lúc, chúng ta nghe về các cuộc chơi hoặc trận đấu mà các vận động viên không đủ bản năng “sát thủ” để giành chiến thắng. Thiếu đi bản năng này đã trao cho đối thủ cơ hội xoay ngược tình thế và giành chiến thắng cuối cùng. Cũng giống như nhận thức tình huống, vận động viên cần phải phát triển bản năng “sát thủ” của mình để giành chiến thắng trong trận đấu và trở thành nhà vô địch.
Một con dao găm đâm vào tim
Tay ném bóng quyết định.
Rất nhiều vận động viên hàng đầu đã phát triển khả năng phi thường này để chinh phục các trận đấu bằng bản năng “sát thủ” của họ. Từ tay golf cừ khôi Tiger Woods đến tay vợt phi thường Roger Federer, hay phù thủy bóng đá Christiano Ronaldo, tất cả họ đều thể hiện khả năng xoay chuyển tình thế và giành lấy chiến thắng về mình.
Trong số những vận động viên xuất sắc này, huyền thoại bóng rổ Michael Jordan sẽ mãi mãi được nhắc đến với hình ảnh một mình làm nên chiến thắng trong các trận đấu. Ông đã phát triển bản năng giành chiến thắng cao đến nỗi làm khiếp sợ các đối thủ. Ông nổi tiếng với những cú ném bóng quan trọng quyết định thắng thua ở những giây cuối cùng, và nó cũng ném vào lòng đối thủ nỗi đau khó phai của người thua cuộc.
Kết luận
Hiểu chính mình và hiểu đối thủ, biết được khi nào và cách nào để ứng phó với những biến đổi trong trận đấu, thì chiến thắng đã nằm trong tay ta.