“Không gì là không thể… nếu ta nghĩ như thế.”
- Khuyết danh
CHAMPION
Motivation of a Champion
ĐỘNG LỰC CỦA NHÀ VÔ ĐỊCH
Động lực = Kích thích và thúc đẩy để hành động.
Điều thúc đẩy chúng ta
Chúng ta có thể được thúc đẩy bởi nhiều lý do khác nhau, từ danh tiếng của bản thân, đến việc mang lại vinh quang cho đồng đội. Dù lý do là gì thì chúng ta cũng dành 100%, hay thậm chí nhiều hơn nữa, “công lực” của bản thân để đạt được những mục tiêu đặt ra.
Điều gì thúc đẩy chúng ta?
Các vận động viên cũng thường được thúc đẩy bởi nhiều lý do khác nhau để đạt được uớc mơ trở thành nhà vô địch. Hãy nghĩ xem, nếu một vận động viên không có khao khát thành công thì sẽ như thế nào? Cho dù người ấy có tài năng hay năng khiếu nổi trội thế nào đi nữa, thì họ cũng sẽ không bao giờ với tới đỉnh vinh quang.
Jimmy là một tay bóng bàn tài năng, và cũng rất khát khao được khẳng định mình bằng chiến thắng. Và anh đã thành công, chiến thắng hết giải đấu này đến giải đấu khác, đạt được chức vô địch này đến chức vô địch khác. Tuy nhiên, một ngày nọ, anh ngừng thi đấu. Dù lý do là bởi anh không còn hứng thú với thể thao nữa, hay anh cảm thấy không còn mục tiêu nào cao hơn để vươn tới, thì có một điều hết sức rõ ràng – không còn động lực để thúc đẩy bản thân thêm nữa. Khi thiếu động lực, ngay cả một vận động viên tài năng nhất cũng không thể gặt hái được nhiều.
Con trai cầu thủ nổi tiếng
Đối với Fandi Ahmad, tiền đạo huyền thoại của bóng đá Singapore, việc chơi bóng đá đã ngấm vào trong máu. Cha của anh, Ahmad Wartam, một cựu thủ môn quốc gia vào những năm 1960, chính là nguồn cảm hứng và động lực để anh tham gia vào thể thao. Ông cũng là người nuôi dưỡng tình yêu của anh đối với các trận đấu, khi thường xuyên luyện tập đá bóng cùng anh.
Con trai cầu thủ nổi tiếng.
Nhưng điều làm Fandi muốn trở nên điêu luyện với bộ môn này đó là niềm hứng thú và lượng adrenaline cuộn chảy trong anh khi chơi bóng hoặc khi đại diện thi đấu cho trường nơi anh theo học. Điều đó sau này đã chuyển thành niềm tự hào khi đại diện cho câu lạc bộ và cho đất nước mình. Với anh, sự phấn khích tuyệt vời khi mang lại chiến thắng cho câu lạc bộ và cho nước nhà chính là lý do cho màn trình diễn xuất sắc và nhất quán với những kỹ năng đá bóng của mình.
Nhấc bổng vinh quang
Udomporn Polsak, vận động viên cử tạ của Thái Lan, đã trở thành nữ vận động viên Thái Lan đầu tiên giành chiến thắng tại Thế vận hội sau khi giành huy chương vàng hạng cân 53 kg vào năm 2004 ở Athens. Đó không phải là một cuộc hành trình dễ dàng đối với cô. Thành công của cô đến từ sự chăm chỉ tập luyện trong nhiều năm liền, cũng như sự hỗ trợ to lớn mà cô nhận được từ đội ngũ huấn luyện viên và đồng bào của cô. Đó chính là nguồn động lực tuyệt vời để Udomporn vươn tới thành công.
Đánh bại cái tốt nhất
Có một bài hát của R. Kelly tên là I Believe I Can Fly – một bài hát truyền cảm hứng, cổ vũ cho niềm tin hướng đến điều tốt đẹp nhất và cố gắng vươn lên tầm cao mới. Niềm tin này được chia sẻ bởi các vận động viên giỏi nhất trên thế giới, những người không bao giờ hài lòng với thành tích họ đã đạt được, không thỏa mãn tận hưởng vinh quang mà luôn muốn vươn lên, đánh bại những kỷ lục thế giới.
Xoải cánh trên tầm cao mới.
Rõ ràng một vận động viên chỉ có thể trở thành nhà vô địch khi có thể vượt qua người giỏi nhất. Điều này có thể diễn ra dưới hình thức trở thành vận động viên số một thế giới hay giữ kỷ lục thế giới ở môn nào đó. Chỉ khi các vận động viên đạt đến giai đoạn như vậy, họ mới có thể cảm thấy họ đã đặt chân lên đỉnh cao của môn thể thao mà họ đang chơi.
Cá chuồn
Mark Spitz, vận động viên bơi lội người Mỹ, đã tuyên bố chắc nịch rằng ông sẽ giành được bảy huy chương vàng trong tất cả các sự kiện mà ông tham gia tại Thế vận hội Munich năm 1972. Ông đã tham gia bơi tự do cự ly 100 mét, 200 mét; bơi bướm 100 mét, 200 mét; bơi tự do tiếp sức cự ly 4 x 100 mét, 4 x 200 mét và bơi tiếp sức kết hợp ở cự ly 4 x 100 mét. Và thật vậy, đúng như lời tuyên bố, ông giành được bảy huy chương vàng và thiết lập kỷ lục thế giới mới trong mỗi bộ môn. Với thành tích đó, ông trở thành người đầu tiên đạt được 7 huy chương vàng ở một kỳ Olympic.
Cá chuồn bay?
Ba mươi sáu năm sau, Michael Phelps, một vận động viên bơi lội người Mỹ khác, đã tham gia Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008. Anh tham gia vào ba nội dung đồng đội và năm nội dung cá nhân. Anh đã mang vàng về cho nước nhà ở tất cả các nội dung trên, và còn hơn thế nữa, đã thiết lập kỷ lục thế giới và kỷ lục Olympic mới ở mỗi nội dung mình tham gia. Phelps đã giành được tám huy chương vàng trong một kỳ Thế vận hội, vượt qua cả kỷ lục của Spitz và giúp anh lập nên kỷ lục người nắm giữ nhiều huy chương vàng nhất trong một kỳ Olympic.
Đây thực sự là những ví dụ điển hình cho việc những người giỏi nhất đánh bại tiêu chuẩn “cao nhất”.
Chinh phục vị trí cao hơn
Tất nhiên là các vận động viên nên đặt ra cho mình những mục tiêu tốt nhất và cố gắng hết mình để đạt được chúng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa họ là những kẻ thất bại nếu không phải là người về đích đầu tiên. Xét cho cùng, cũng chỉ có một người chiến thắng mà thôi (thông thường là như thế, nhưng đôi khi việc chia sẻ chức vô địch cho những người đạt cùng một điểm số vẫn xảy ra). Đối với nhiều người trong chúng ta, cố gắng hết mình để trở nên tốt đẹp hơn đã là một thành tựu. Những thành tựu đó giúp chúng ta có thể tiến xa và cao hơn nữa trên con đường phía trước.
Cố gắng hết mình.
4 phút 1 dặm
Trong nhiều năm, mọi người đều không tin rằng có một ai đó có thể chạy được một dặm (khoảng 1.600 mét) dưới bốn phút. Đơn giản là với họ, khả năng con người không thể làm được điều này. Các vận động viên chuyên nghiệp cũng tin đó là sự thật.
Tất cả mọi người đều tin điều đó, ngoại trừ Roger Bannister, một chàng sinh viên y khoa người Anh. Bannister tin rằng con người có khả năng vượt qua được giới hạn bốn phút, và anh đã tự đặt ra mục tiêu để đạt được điều này. Những nỗ lực ban đầu của Bannister không thành công, nhưng cuối cùng anh đã phá vỡ giới hạn bản thân và xóa bỏ định kiến huyền thoại “4 phút 1 dặm” ấy vào năm 1954, khi hân hoan chạm vạch đích với thời gian là 3 phút 59,4 giây.
Bây giờ là mấy giờ?
Tự khẳng định bản thân
Bạn có từng nhìn thấy các vận động viên đôi khi thì thầm điều gì đó với chính mình trong lúc thi đấu? Có vẻ như họ đang nói chuyện với chính mình? Đúng vậy, họ thực sự nói chuyện với bản thân – một hình thức tự khẳng định. Họ trò chuyện với chính mình để tự vực dậy tinh thần hay tự thúc đẩy bản thân.
Tự khẳng định bản thân.
Ta có thể thực hiện điều này dưới nhiều hình thức khác nhau. Vài vận động viên đơn giản là thì thầm với chính mình: “Mình làm được! Mình có thể đánh bại đối thủ này!”. Những người cảm xúc hơn có thể gào to hoặc thét lên để nâng cao tinh thần. Trong các trận quần vợt, không hiếm khi nghe thấy các vận động viên thét lên: “Tiến lên! Mình làm được mà!” sau khi ghi điểm. Ưu thế của việc thét lên để tự khẳng định bản thân bằng lời nói có thể làm đối phương bị tác động đáng kể, nó có thể làm mất tinh thần của đối thủ trong suốt quá trình thi đấu. Cho nên sau này, khi bạn nhìn thấy những vận động viên nói chuyện với chính mình thì điều đó không có nghĩa là họ đã bị rối trí vì những áp lực đang đối mặt. Thực chất là họ đang tự tạo động lực thúc đẩy bản thân bằng việc tự khẳng định đấy!
Đấu sĩ đấu bò Tây Ban Nha
Rafael Nadal, còn được biết đến như là “đấu sĩ đấu bò Tây Ban Nha” trong thế giới quần vợt, nổi tiếng với những lời tự khẳng định của mình. Bất cứ khi nào ghi được một bàn thắng trong trận đấu, đặc biệt là sau quãng thời gian dài đánh trả qua lại, anh thường hét lên và tung ra những nắm đấm thể hiện cảm xúc mãnh liệt. Đây không chỉ là một hình thức “thắp lửa” tinh thần, mà còn có tác dụng làm mất tinh thần đối phương. Bằng những kỹ năng của mình cùng khả năng di chuyển không mệt mỏi quanh sân, cộng thêm những quả đấm được giơ lên và những lời tự khẳng định, không có gì ngạc nhiên khi Nadal là một cầu thủ hết sức đáng gờm trong thế giới quần vợt.
Chứng minh người khác sai
Một trong những hình thái mạnh mẽ nhất của động lực mà vận động viên có được đó là nhu cầu phải chứng minh người khác sai. Bạn có bao giờ cảm thấy “mất mặt” bởi người khác cho rằng bạn không đủ giỏi để làm một việc nào đó không? Có thể họ nghĩ bạn không đủ thông minh để dẫn đầu lớp hoặc không đủ nhanh để tham gia thi chạy tiếp sức cho đội trường. Dù lý do là gì đi nữa, cảm giác bị xem thường là một thứ động lực hết sức mạnh mẽ.
Chứng minh người khác sai.
Rất nhiều vận động viên giỏi bị hạ thấp, bị khinh thường, nhưng điều này chỉ làm cho họ có thêm động lực để chứng minh rằng điều mọi người nghĩ là không có cơ sở. Từ những cầu thủ bóng rổ vĩ đại như Michael Jordan cho đến những vận động viên quần vợt như Michael Chang, tất cả đều đã thi đấu để chứng minh cho những người đã phỉ báng họ rằng những gì mọi người nghĩ là sai. Và trên thực tế họ đã làm được điều này.
Câu chuyện tiếp theo chỉ là một trong nhiều câu chuyện về việc những người lép vế đã vượt lên và trở thành người chiến thắng như thế nào.
Đội khúc côn cầu trên băng
Đội khúc côn cầu trên băng của Mỹ tham gia Thế vận hội năm 1980 chỉ là một nhóm được đánh giá là “lôm côm”, với hầu hết là các bạn trẻ nghiệp dư. Họ mới được tập hợp vài tháng trước đó và khó có thể được xem là một đội mạnh có khả năng giành huy chương vàng.
Đối mặt với đội tuyển Liên Xô, họ thực sự là những người lép vế. Liên Xô là một đội mạnh, đã được tập luyện kỹ càng, chuyên nghiệp và khó có thể bị đánh bại.
Bất chấp mọi trở ngại.
Tuy nhiên, thất bại thê thảm mà đội tuyển Mỹ được dự báo phải đối mặt đã không bao giờ xảy ra. Thay vào đó, kết quả hết sức bất ngờ đã diễn ra, đội tuyển Mỹ vượt qua mọi trở ngại để đánh bại đội tuyển huyền thoại Liên bang Xô Viết – ứng cử viên của chức vô địch, và giành chiến thắng với tỷ số 4 - 3. Đây là một trong những kết quả gây bất ngờ nhất trong lịch sử thi đấu khúc côn cầu trên toàn thế giới. Và để hoàn thành nốt câu chuyện thần kỳ này, đội Mỹ đã tiếp tục đánh bại Phần Lan để giành tấm huy chương vàng, làm nên một mùa Thế vận hội đáng nhớ.
Kết luận
Con đường đi đến vinh quang phải xuất phát từ bên trong bản thân mỗi người chúng ta. Chúng ta cần nhìn ra động lực thúc đẩy bản thân, từ đó hành động để tiến đến thành công phía trước.