C
húng ta bắt đầu từ đâu?
Chúng ta bắt đầu từ một bản ngã duy nhất: chính bản thân mình.
Có lẽ bạn đã từng đôi lần cảm thấy mình thậm chí không thể hoàn toàn hiểu hết chính con người mình. Điều đó không có gì là lạ, hầu hết mọi người đều từng đôi lần cảm thấy như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế, bạn hiểu rõ con người bạn hơn bạn nghĩ. Hãy nắm lấy sự hiểu biết đó, sắp xếp nó đúng cách, và tận dụng nó.
Đầu tiên, bạn đã từng để ý đến việc có một vài món ăn bạn rất thích, vài món khác thì lại không?
Tất nhiên là có - câu hỏi này thật là ngớ ngẩn mà! Giờ thì hãy hỏi bản thân câu hỏi thứ hai như sau:
Tại sao bạn thích vài món ăn nhất định hơn những món khác?
Lại một câu hỏi ngớ ngẩn - vì mùi vị của chúng ngon hơn chứ sao nữa! Nhưng bằng cách nào mà bạn biết vị món này ngon hơn vị món kia? Làm sao bạn có thể đánh giá mùi vị nào là tuyệt nhất? Và tại sao không phải ai cũng đồng tình với ý kiến của bạn?
Trên thực tế, chẳng phải điều này cũng đúng với mọi thứ mà bạn yêu thích trong đời? Vài thứ rõ “tốt” và vài thứ thì “tệ” - tuy vậy, có vẻ như giữa người với người chẳng hề có quan niệm thống nhất. Bạn có thể rất thích vài thứ gì đó, nhưng những người khác lại chẳng hề hứng thú gì với chúng.
Điều gì nói với bạn rằng thứ đó là “tốt”?
Chính là tâm trí của bạn, dĩ nhiên, nhưng nó có một cách khá đặc biệt để nói điều đó với bạn. Khi bạn yêu thích thứ gì đó, bạn đang trải nghiệm cảm giác khỏe mạnh về thể chất hoặc tinh thần.
Và khi điều gì đó khiến bạn không vui, bạn nảy sinh cảm giác không thoải mái.
Cảm giác hạnh phúc mơ hồ, khó xác định này là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn. Nó cho bạn biết bạn thích gì và không thích gì; và nhờ đó, nó định hướng cho các hành động và quyết định của bạn.
Có lẽ các nhà sinh học có thể giải thích rằng “cảm giác” là thứ thuộc về thể chất, được tạo ra từ não bộ. Nhưng điều thực sự quan trọng ở đây là bạn cần biết bằng cách nào mà cảm giác đó lại xảy ra. Nó xảy ra. Bạn biết nó xảy ra. Bạn trải nghiệm nó. Và bạn cũng đã trải nghiệm cảm giác đối lập với cảm giác đó.
Nhưng cảm giác này là gì?
Với mong muốn gọi nó bằng cái tên hay hơn, chúng tôi gọi nó là hạnh phúc. Hãy định nghĩa nó một cách chính xác, để rồi bạn sẽ biết đích xác hàm ý của tôi khi tôi sử dụng từ ngữ này.
Hạnh phúc là cảm giác khỏe mạnh về mặt tinh thần.
Hạnh phúc không phải là một chiếc chăn ấm, một bộ phim hay, hoặc một bữa tối ngon miệng. Hạnh phúc là cảm giác khỏe mạnh mà bạn nhận thức được từ tận sâu trong tâm hồn - nó có thể đến từ một chiếc chăn ấm, một bộ phim hay, hoặc một bữa tối ngon miệng.
Và khi bạn dừng lại để suy ngẫm một chút, bạn nhận ra rằng mọi thứ bạn làm đều nhằm mục đích mang đến hạnh phúc.
Khi làm bất cứ việc gì, bạn đang mong đợi (hoặc hi vọng) việc đó sẽ mang đến cho bạn cảm giác khỏe mạnh mà chúng ta gọi là hạnh phúc. Hoặc chỉ đơn giản là bạn đang tránh cảm giác khó chịu mà chúng ta gọi là bất hạnh.
Bạn đã từng nghĩ về điều này chưa? Rằng mọi hành động bạn từng thực hiện, đều nhằm mục đích mang lại hạnh phúc cho chính bạn.
Lời tuyên bố như vậy chắc chắn sẽ luôn có những ngoại lệ. Ví dụ, bạn có thể sẽ nói: “Vừa mới mấy hôm trước, tôi đã làm một việc tốt cho một người bạn, và mục đích của tôi lúc đó là vì hạnh phúc của anh ấy, không phải vì chính tôi. Chẳng phải đây là một ngoại lệ hay sao?”
Tưởng vậy mà không phải vậy. Hãy nhìn lại và xem xét hành động của chính bạn. Nếu như anh bạn kia vui vẻ với những gì bạn làm, chẳng phải nó sẽ mang lại cho bạn cảm giác thoải mái về mặt tinh thần sao? Và nếu vì lý do nào đó mà anh kia không vui vì những điều bạn đã làm, chẳng phải bạn cũng sẽ không hề cảm thấy vui vẻ?
Và, một khi đã nhìn ra cơ hội để thực hiện hành động này, chẳng phải bạn sẽ cảm thấy khó chịu nếu về sau, bạn không được thực hiện hành động đó?
Đó là những gì diễn ra mỗi lần bạn hành động. Một cách vô thức hoặc có ý thức, bạn đang tìm kiếm cảm giác khỏe mạnh về thể chất hoặc tinh thần mà chúng tôi gọi là hạnh phúc. Phải chăng cảm giác đó, hoặc việc thiếu đi cảm giác đó, nói cho bạn biết rằng bạn thích hay không thích điều gì. Nó nói cho bạn biết những món ăn nào bạn thấy “ngon miệng” và những người bạn nào mà bạn thích được ở bên.
Niềm hi vọng về hạnh phúc thúc đẩy mọi quyết định của bạn. Vài quyết định được đưa ra để mang đến một “lượng” hạnh phúc nhất định cho bạn ngay lập tức. Số khác được đưa ra nhằm phục vụ cho những mục tiêu dài hạn hơn trong tâm trí. Bạn thậm chí có thể chịu đựng một nỗi bất hạnh nào đó trong một khoảng thời gian ngắn - nhưng chỉ vì bạn mong đợi sự hi sinh này sẽ mang đến cho bạn hạnh phúc lớn lao hơn về lâu về dài.
Giờ thì, giá trị của bài tự kiểm tra ngắn gọn này là gì?
Vô số giá trị là đằng khác! Bởi vì bằng việc thấu hiểu bản năng tìm kiếm hạnh phúc của chính mình, bạn cũng sẽ thấu hiểu được người khác. Mọi người, ai ai cũng đang tìm kiếm hạnh phúc.
Mỗi cá nhân bạn gặp trong đời đều đang đưa ra những quyết định để mang lại hạnh phúc cho cuộc đời của chính mình. Trên thực tế, đó là định luật nhân tính đầu tiên:
Tất cả mọi người đều tìm kiếm hạnh phúc.
Từ thuở ấu thơ, mỗi con người đều nhận thức được cảm giác khỏe mạnh về thể chất hoặc tinh thần mà chúng ta gọi là hạnh phúc. Anh ta nhận ra rằng sẽ có những lúc anh ta thấy thoải mái và có những lúc anh ta cảm thấy khó chịu.
Anh ta để ý thấy rằng có những hành động và điều kiện cụ thể sẽ mang đến cho anh ta cảm giác hạnh phúc - trong khi đó, những hành động và điều kiện khác lại là nguyên nhân gây nên sự khó chịu. Bởi vậy, anh ta hướng cuộc đời đến việc thiết lập những điều kiện mang đến cho anh ta sự hạnh phúc.
Anh ta cũng chỉ ra sự khác biệt giữa món ăn “ngon” và món ăn “dở” - như bạn đã từng. Mặt khác, anh ta cũng hiểu được sự khác nhau giữa những tình huống mang lại hạnh phúc và những tình huống mang lại bất hạnh.
Anh ta biết rằng bản thân sẽ cảm thấy tốt hơn khi mọi hóa đơn của mình đã được chi trả và anh ta vẫn còn 50 đô la trong ví - tốt hơn hẳn việc chẳng còn đồng nào.
Anh ta biết ai là người mà anh ta cảm thấy vui vẻ khi được ở bên, và người nào khiến anh ta cảm thấy không thoải mái - nên anh ta sẽ đến bên những người mà anh ta yêu mến.
Nhưng liệu có phải mọi hành động của con người đều nhằm mục đích hạnh phúc?
Vậy người đàn ông từ bỏ cả khối tài sản triệu đô để trở thành kẻ ăn bám tha hóa thì sao? Anh ta cũng đang tìm kiếm hạnh phúc ư? Tất nhiên. Có lẽ anh ta không thể chịu nổi trách nhiệm của việc sở hữu một gia tài kếch xù và cảm thấy bản thân sẽ tìm được hạnh phúc từ cuộc sống vô âu vô lo của một kẻ ăn bám. Nhưng dù lý do của anh ta là gì, thì đến cuối cùng, anh ta cũng mong rằng hành động của mình sẽ đem đến hạnh phúc.
Tâm trí con người không thể hình thành lý do cho bất cứ hành động cá nhân nào - trừ khi anh ta nghĩ rằng hành động đó sẽ mang đến hạnh phúc cho bản thân anh ta. Anh ta gãi tai - để thoát khỏi cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Anh ta chọn một công việc - trong lĩnh vực mà anh ta cảm thấy nó sẽ mang đến cho bản thân anh ta niềm hạnh phúc tuyệt vời hơn tất thảy. Hạnh phúc đó có thể đến từ số tiền mà anh ta sẽ kiếm được, từ sự ủng hộ của vợ anh ta, hoặc từ việc giảm bớt áp lực trong công việc.
Một người có thể vì một ai đó mà từ bỏ cuộc sống của chính mình - bởi anh ta cảm thấy rằng sống mà không có người đó sẽ là một cuộc sống chỉ toàn nỗi bất hạnh.
Không phải hành động nào cũng mang lại hạnh phúc. Con người luôn có những sai lầm. Nhưng mọi hành động đều được thực hiện nhằm mục đích mang lại hạnh phúc.
Chẳng có cuộc đời nào giống cuộc đời nào
Tất cả mọi người đều có chung một đặc điểm: ai ai cũng tìm kiếm hạnh phúc. Xa hơn nữa, mỗi người chúng ta đều có những điểm riêng khác biệt. Mỗi người sống một cuộc đời riêng, và chúng hoàn toàn khác nhau. Mỗi người có một nền tảng khác nhau, một tầm tri thức khác nhau.
Cho nên, mỗi người sẽ trải nghiệm hạnh phúc theo những cách rất khác nhau. Ví dụ, có người tìm thấy hạnh phúc trong việc đọc sách. Một người khác lại thích việc mang đến niềm vui - hoặc thậm chí có thể là mang đến nỗi bất hạnh - cho mọi người!
Với một số người, tiêu sạch một triệu đô la sẽ mang đến cảm giác khoái lạc tột cùng - trong khi với một vài người khác, kiếm ra một triệu đô la mới là việc mang lại hạnh phúc.
Một vài người sống một đời khổ hạnh, kham nhẫn nơi trần thế, và liệu trước phần thưởng mà mình sẽ nhận được là sự hạnh phúc vĩnh cửu nơi thiên đàng.
Tất cả những điều này có nghĩa là gì?
Ý nghĩa ở đây rất đơn giản, đó là: hạnh phúc mang tính tương đối.
Mỗi người có một tập giá trị khác nhau. Mỗi người sẽ tìm kiếm và đạt được hạnh phúc theo những cách khác nhau. Thứ mang lại cảm giác hạnh phúc cho người này có thể chẳng có tác động gì đến người khác - thậm chí đôi khi còn gây nên sự khó chịu tột bậc.
Mỗi người tự lựa chọn cho chính mình những gì mà anh ta cần trong đời.
Nếu ai đó làm điều gì đó có vẻ chẳng có tí giá trị nào với bạn, đơn giản là vì anh ta đã chọn làm theo những gì phù hợp với mong muốn của anh ta - không phải với mong muốn của bạn.
Và đó cũng là định luật nhân tính thứ hai, một định luật hết sức quan trọng:
Hạnh phúc mang tính tương đối.
Chẳng điều gì có thể mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Niềm hạnh phúc mà một mục tiêu nào đó mang lại chỉ có thể được xác định bởi mỗi cá nhân độc lập.
Điều này đưa đến cho chúng ta hai định luật nhân tính đặc trưng: Tất cả mọi người đều tìm kiếm hạnh phúc và Hạnh phúc mang tính tương đối. Nhưng vẫn còn một định luật nữa mà chúng ta phải nhận thức được, trước khi tiến xa hơn.
Mỗi cá nhân trên đời chỉ có một lượng thời gian, năng lượng, tri thức, của cải nhất định. Những thứ đó là tài nguyên của anh ta - và đó thực sự là sự thiếu hụt mà anh ta đang phải gánh chịu.
Một người chỉ có ngần ấy năm để sống. Anh ta phải làm tất cả những gì mình muốn trong vòng ngần ấy năm thôi. Anh ta chỉ có ngần ấy giờ mỗi ngày để sử dụng, để giành được những gì mình muốn. Và anh ta cũng chỉ có ngần ấy năng lượng và tri thức.
Anh ta sử dụng thời gian, năng lượng và tri thức để tạo nên của cải vật chất - hoặc bán thời gian và năng lượng cho người khác để đổi lấy của cải vật chất. Của cải của anh ta bao gồm tài sản sẵn có và tiền bạc mà anh ta sử dụng để mua thêm những tài sản khác.
Bởi vậy, thời gian, năng lượng, và của cải vật chất - tài nguyên của anh ta - luôn là hữu hạn. Tuy vậy, anh ta có thể nghĩ ra đủ thứ chuyện vui vẻ để tận hưởng cuộc đời. Anh ta biết rằng mình chẳng bao giờ có thể làm việc đủ chăm chỉ để kiếm được tất cả những điều đó, cũng như anh ta sẽ chẳng thể sống đủ lâu để có được tất cả những điều đó.
Nghĩa là anh ta phải lựa chọn. Anh ta phải chọn giữa vô vàn những khả năng khác nhau đang bày ra trước mắt - để tận dụng tối đa năng lượng và thời gian mà mình có. Anh ta liên tục đưa ra những lựa chọn để mang lại cho bản thân nhiều hạnh phúc nhất có thể, cùng lúc với việc tốn ít thời gian và năng lượng nhất có thể.
Điều này nghĩa là con người ai cũng lười biếng? Không, không phải lười biếng theo nghĩa mà chúng ta thường hiểu. Nó có nghĩa rằng không ai đủ thời gian và năng lượng để làm mọi thứ mình muốn. Nên chúng ta phải chọn quá trình hành động sao cho tốn ít thời gian và năng lượng nhất có thể.
Điều này, bởi vậy, chính là định luật nhân tính thứ ba của chúng ta:
Tài nguyên là hữu hạn.
Và vì tài nguyên là hữu hạn như vậy, một con người sẽ biết cách sử dụng những tài nguyên của anh ta để mang lại cho bản thân nhiều sự hạnh phúc nhất có thể.
Nói ngắn gọn, anh ta cần lựa chọn.
Và bởi anh ta phải lựa chọn, anh ta có cái gọi là tập giá trị.
Một giá trị đơn giản là lượng hạnh phúc mà một người mong có được từ một mục tiêu hay lý tưởng nào đó. Một thứ sẽ có giá trị lớn hơn thứ khác bởi người đó tin rằng anh ta sẽ giành được nhiều hạnh phúc hơn từ thứ đó thay vì thứ kia.
Anh ta tự động coi trọng thứ này cao hơn thứ kia - bởi anh ta không thể có tất cả mọi thứ.
Mỗi người đều có tập giá trị của riêng mình. Tập giá trị của người này sẽ khác với tập giá trị của người kia. Trên thực tế, mọi người thường khó mà hiểu được tập giá trị của người khác. Một người tưởng chừng như chẳng quan tâm đến bất cứ điều gì, cũng vẫn có một tập giá trị nào đó. Anh ta coi trọng những thứ mà chúng ta coi là “buồn tẻ”, hơn là việc rèn luyện tinh thần và năng lượng thể chất để đạt được những thứ khác.
Đây chính là câu chuyện cuộc đời: mỗi người đều tìm kiếm hạnh phúc. Định nghĩa của anh ta về những gì mang lại hạnh phúc cho bản thân sẽ khác biệt với định nghĩa của những người khác, hạnh phúc mang tính tương đối với anh ta. Tài nguyên của anh ta (thời gian, năng lượng, tri thức, và của cải) đều hữu hạn, nên anh ta phải liên tục lựa chọn giữa vô vàn quá trình hành động khác nhau đang bày ra trước mắt mình. Và anh ta làm điều này bằng cách định giá cho mọi thứ mà anh ta thấy. Những giá trị khiến anh ta thích thứ này hơn là thứ kia.
Bây giờ hãy quan sát những người quanh bạn. Liệu họ có nảy sinh những cái nhìn sáng sủa về những gì mà chúng ta vừa nhận ra? Mỗi cá thể trong toàn nhân loại đều đang tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình - và anh ta làm điều đó theo cách chỉ duy nhất anh ta có. Anh ta tìm kiếm để sống cuộc đời như anh ta mong muốn. Anh ta không sống cho bạn, hay cho tôi, anh ta sống cho chính bản thân mình.
Nhưng đó chính là chìa khóa mang đến cho bạn nguồn thu nhập cao hơn, những mối quan hệ tuyệt vời hơn với bạn bè, gia đình, cộng sự kinh doanh.
Giờ đây, hãy nhìn xa trông rộng để thấy được điều này có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời của bạn…