N
ếu bạn sống đơn độc một mình giữa đảo hoang nơi sa mạc, bí mật của thành công rất hiển nhiên: tận dụng nguồn tài nguyên hữu hạn theo những cách sẽ mang lại cho bạn nhiều niềm hạnh phúc nhất.
Nhưng bạn đang sống giữa thế giới văn minh này, và bạn không ngừng có mối liên quan đến người khác. Điều này có nghĩa là bạn phải cân nhắc, có dự liệu về những gì người khác sẽ làm vì bạn, cho bạn, cùng bạn, hay chống lại bạn, bất chấp bạn…
Bạn có thể cho rằng bản thân mình hoàn toàn độc lập, có quyền tự cung tự cấp. Nhưng ngay lúc này, hãy thử đánh mắt nhìn quanh, nhìn từng thứ một trong tất cả những thứ mà bạn yêu thích. Có bao nhiêu trong số chúng là do bạn hoàn toàn tự mình làm ra? Có lẽ chẳng có thứ nào. Bạn có được chúng bằng cách trao đổi với người khác. Và đó là lý do tại sao bạn phải để tâm đến hành động và khao khát của người khác.
Vậy hãy để tôi xác định những gì xảy ra trong mối tương tác giữa hai con người.
Việc đầu tiên cần làm là nhận thức được khái niệm kiếm lời.
Kiếm lời là gì?
Kiếm lời là mức độ gia tăng của niềm hạnh phúc bằng cách thay thế một tình huống này với tình huống khác. Định nghĩa này xác định rõ bản chất nguyên thủy của lợi nhuận - từ bỏ một thứ để đạt được thứ khác có thể mang đến niềm hạnh phúc lớn lao hơn.
Một người có thể tìm ra một cách thức mới mẻ để thực thi một nhiệm vụ, cách thức mới này mang đến cho anh ta nhiều sự hạnh phúc hơn so với cách cũ. Bởi vậy anh ta từ bỏ cách làm cũ và tiếp nhận cách làm mới, cũng vì anh ta đánh giá cao cách làm mới hơn cách làm cũ. Anh ta kiếm lời.
Hoặc anh ta có thể thực hiện một cuộc trao đổi với người khác, trong đó, anh ta sẽ từ bỏ một thứ để đổi lấy thứ khác mà anh ta đánh giá cao hơn.
Bản chất cơ bản của việc kiếm lời là tăng thêm hoặc dư thừa. Một giá trị bị từ bỏ để đổi lấy giá trị tốt hơn. Chúng ta có thể thấy điều này rất rõ trong một thương vụ kinh doanh. Người doanh nhân đầu tư chi phí để đổi lấy doanh thu bán hàng mà anh ta nhận được. Nếu những gì anh ta thu về nhiều hơn những gì anh ta bỏ ra, chúng ta nói rằng anh ta vừa kiếm lời - sự gia tăng của những gì khiến anh ta hạnh phúc.
Điều này cũng được áp dụng trong nhiều tình huống tương tự, đối với mỗi người trong mỗi hoàn cảnh. Anh ta đang thử buôn bán một vài món tài nguyên hữu hạn để đổi lấy thứ khác sẽ mang đến cho anh ta nhiều sự thỏa mãn hơn. Nếu anh ta hành xử khôn ngoan, anh ta thắng. Nếu không, anh ta bại - trong trường hợp này, anh ta sẽ cố gắng làm việc hiệu quả hơn vào lần sau.
Hãy nhìn vào những cách kiếm lời mà một người có thể thực hiện.
Khi một người bán ô tô đổi một cái ô tô mới lấy 3.000 đô la, anh ta kiếm lời - bởi anh ta định giá 3.000 đô la cao hơn chiếc xe. Anh ta thích việc có được 3.000 đô la hơn là có chiếc xe, nên anh ta tự nguyện thực hiện vụ trao đổi này.
Nhưng cùng lúc đó, khi một người mua ô tô đổi 3.000 đô la lấy một chiếc ô tô mới, anh ta cũng đang kiếm lời - bởi anh ta định giá chiếc ô tô cao hơn 3.000 đô la. Anh ta thích việc có được chiếc ô tô hơn là có 3.000 đô la, nên anh ta tự nguyện từ bỏ số tiền đó vì chiếc ô tô này.
Tất nhiên, có lẽ anh ta thích có đồng thời cả 3.000 đô la lẫn chiếc ô tô. Nhưng tài nguyên của anh ta có hạn, anh ta chỉ có thể có một trong hai thứ. Nên anh ta chọn thứ phù hợp với những giá trị của mình. Và anh ta quyết định rằng anh ta sẽ hạnh phúc hơn với việc có được chiếc ô tô hơn là giữ khư khư 3.000 đô la trong ngân hàng hoặc tiêu món tiền đó vào thứ khác. Anh ta kiếm lời bằng cách sử dụng nguồn tài nguyên hữu hạn của mình để gia tăng hạnh phúc cho bản thân.
Tương tự, bạn kiếm lời khi bạn đầu tư thời gian và năng lượng để đổi lấy thu nhập. Bạn đánh giá số tiền bạn kiếm được (và những gì bạn tiêu số tiền đó vào) cao hơn bất cứ thứ gì khác bạn có thể thu về bằng thời gian và năng lượng.
Một người nội trợ kiếm lời khi cô ấy nhận được một sản phẩm có giá trị cao hơn (theo quan điểm của cá nhân cô ấy) so với mức giá cô ấy phải trả để sở hữu nó.
Trong mỗi trường hợp như vậy, một người sẽ hành động để nâng cao hạnh phúc của chính mình - bằng cách từ bỏ thứ gì đó có giá trị cao hơn.
Ngay cả những người lười biếng cũng đang kiếm lời - theo cách riêng phù hợp với những giá trị của chính anh ta. Anh ta từ bỏ những đồng tiền mà anh ta có thể kiếm được bởi anh ta đánh giá quãng ngày vô công rồi nghề cao hơn.
Vậy cho nên, con người có thể kiếm lời theo nhiều cách: qua tiền, tri thức, sự viên mãn, hiểu biết về tâm linh, thời gian nhàn rỗi… Tùy vào từng hoàn cảnh nhất định, đó đều là những thứ làm gia tăng niềm hạnh phúc cho một cá nhân nhất định.
Trong chương cuối, chúng ta có thể thấy mỗi người sẽ sử dụng nguồn tài nguyên hữu hạn của bản thân theo những cách nhằm mục đích thu về niềm hạnh phúc tối ưu - khi anh ta hiểu được điều gì mang lại hạnh phúc cho bản thân. Giờ thì, với định nghĩa về kiếm lời - sự gia tăng niềm hạnh phúc - mà tôi vừa đưa ra, chúng ta có thể tóm tắt tất cả trong một câu đơn giản như sau:
Tất cả mọi người đều tìm cách kiếm lời - theo cách này hay cách kia.
Nghĩa là mỗi cá nhân sống trên đời đều đang tìm kiếm sự gia tăng hạnh phúc của chính mình - theo bất cứ cách nào mà anh ta tin là anh ta có thể.
Điều này, một lần nữa, là sự công nhận sự thật rằng mỗi con người đều đang làm những gì mà anh ta muốn làm bằng chính nguồn tài nguyên hữu hạn của mình.
Điều này không có nghĩa là con người không thể tưởng tượng nên một cuộc sống hạnh phúc cho chính mình. Nhưng xét đến những tài nguyên mà anh ta có, và những khả năng có thể xảy đến với anh ta, thì anh ta sẽ luôn làm những gì mà anh ta muốn làm.
Đối với người này, việc đó có thể là kiếm ra 1 triệu đô la và sau đó tha hồ tiêu xài hoang phí. Đối với người kia, nó lại có thể là sự thỏa mãn khao khát mang tính “nhân đạo” bằng cách làm “việc tốt” cho người khác. Dù vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đó đều là những gì mà con người muốn làm, dựa trên những tiêu chuẩn của chính anh ta.
Ngay cả khi một người thích làm bộ như một “kẻ tử vì đạo” - tức là hi sinh cho người khác - thì anh ta vẫn đang làm những gì anh ta muốn. Trên thực tế, hãy thử ngăn chặn anh ta “hi sinh” và xem điều đó sẽ khiến anh ta buồn bã ra sao!
Mỗi con người đều đang làm thứ mà anh ta muốn làm.
Bước đầu tiên trong việc cố gắng chung sống hòa bình với người khác là nhận ra mỗi người đều đang làm những gì mà anh ta muốn. Xem xét những hành động của anh ta, khám phá động cơ phía sau những hành vi của anh ta, tìm ra lý do anh ta muốn làm như vậy. Và, như chúng ta sẽ thấy ở tương lai xa hơn, điều này sẽ trao cho bạn cơ hội giành được sự trân trọng của anh ta và sự hợp tác ở mức độ mà những người khác có thể chẳng bao giờ có được.
Hai người cùng kiếm lời
Bạn không hề đơn độc trên thế giới này, một điều hiển nhiên rằng những người khác - cũng như bạn - đều đang kiếm lời cho riêng họ. Điều này có gây nên vấn đề không? Liệu hai bạn có chạm trán nhau, đụng độ trên con đường của nhau, và gây ra một cuộc chiến sống còn?
Có một câu cổ ngôn như sau: “Một người được nghĩa là phải có một người mất.” Nhiều người cho rằng câu ngạn ngữ đó là hoàn toàn đúng. Tuy vậy, nó lại hoàn toàn sai.
Tại sao?
Bởi hạnh phúc mang tính tương đối. Và thứ làm người này vui sướng không có nghĩa là sẽ khiến người kia cũng vui mừng. Điều đó có nghĩa là hai con người - với những giá trị khác nhau - có thể sắp xếp một cuộc trao đổi giữa đôi bên, cuộc trao đổi sẽ làm thỏa mãn cả hai người họ. Chẳng ai cần thắng ai cả. Cả hai người đều cùng là người chiến thắng.
Ví dụ, chúng ta thấy người mua ô tô cũng kiếm lời nhiều ngang với người bán ô tô. Mỗi người đều từ bỏ một thứ gì đó, mang giá trị nào đó, để đổi lấy một thứ khác mà anh ta cho rằng có giá trị hơn. Chẳng ai phải hi sinh cho đối phương cả.
Giả sử rằng, nếu hạnh phúc không mang tính tương đối - mỗi người đều có chính xác giá trị như nhau. Hiển nhiên, họ có thể không cần thực hiện trao đổi dưới những điều kiện như vậy. Chẳng hạn, một trong số họ sẽ có nhiều giá trị nhất. Người còn lại sẽ có ít giá trị nhất. Cách duy nhất để sự thay đổi nào đó có thể xảy ra là một người lấy trộm từ người còn lại.
Nhưng, may thay, cuộc đời vốn dĩ không hề như vậy. Ai cũng có những giá trị khác nhau cho riêng mình. Điều này có nghĩa là chỉ khi hai người cam tâm tình nguyện cùng bước vào một cuộc trao đổi, thì cả hai mới có thể cùng kiếm lời.
Bởi hạnh phúc mang tính tương đối, những trao đổi kiếm lời qua lại lẫn nhau là hoàn toàn có thể.
Cả người mua lẫn người bán ô tô đều kiếm lời khi họ thực hiện trao đổi - bởi mỗi người đều tự gia tăng hạnh phúc của riêng mình, tùy thuộc vào tiêu chuẩn riêng của mỗi người.
Bạn không thể thực sự gọi việc này là một “cuộc trao đổi ngang bằng”. Bởi chẳng bên nào nghĩ rằng đó là một cuộc trao đổi ngang bằng cả. Mỗi người đều xem nó như một cuộc trao đổi không ngang bằng - theo thiên kiến của anh ta. Mỗi người từ bỏ thứ này để đổi lấy thứ kia - thứ có giá trị cao hơn - chứ không phải thứ có giá trị ngang bằng.
Mỗi người đều đang kiếm lời, và điều này càng xác thực một sự thật rằng có ít nhất hai món lời trong mọi cuộc trao đổi. Đôi khi nhiều hơn hai - hoặc vì có nhiều hơn hai bên trong cuộc trao đổi, hoặc vì những người khác cũng sẽ thu lợi theo cách gián tiếp.
Nhưng luôn luôn có ít nhất hai món lời trong mọi giao dịch.
Vậy còn cái gọi là một “cuộc mua bán thảm họa” thì sao? Giả sử các đại lý ô tô ban đầu trả 3.500 đô la cho chiếc ô tô đó, cố gắng bán nó với giá 4.000 đô la và giờ thì chiếc xe được niêm yết giá 3.000 đô la. Liệu chúng ta có thể nói rằng anh ta đã kiếm lời khi chiếc xe được bán với giá 3.000 đô la?
Dĩ nhiên, anh ta quyết định rằng anh ta sẽ thu về giá trị lớn hơn khi bán đi chiếc xe với giá thấp hơn giá anh ta định giá ban đầu - còn hơn là ôm khư khư lấy chiếc xe với mức giá cao hơn đó. Thông thường, anh ta sẽ thích bán nó với giá 4.000 đô la hơn, nhưng lúc này anh ta biết rằng anh ta không thể làm vậy. Trên thực tế, anh ta còn muốn bán nó với giá 10.000 đô la cơ! Nhưng anh ta biết anh ta không thể làm như vậy được.
Giờ anh ta phải quyết định giữa (1) bán nó với giá 3.000 đô la; hoặc (2) ôm khư khư lấy nó với mức giá niêm yết phi thực tế đó. Anh ta tự nguyện từ bỏ phương án thứ hai bởi anh ta đánh giá cao phương án thứ nhất hơn. Nên nếu anh ta thành công trong việc bán chiếc xe với giá 3.000 đô la, anh ta cũng đã kiếm lời, xét theo giá trị hiện tại mà anh ta có. Bán nó đi khiến anh ta hạnh phúc hơn là giữ nó lại.
Một lần nữa, chúng ta cần nhận thức rằng cả người mua xe và người bán xe đều đang làm những gì họ muốn - trong phạm vi khả năng có thể khả dụng cho họ. Bất kể về sau người còn lại nói gì, hay những người khác sẽ bàn tán ra sao, mỗi người đều đang làm những gì mà anh ta muốn.
Đây là kiểu “sai lầm phổ biến” - nghĩa là quan niệm sai lầm là căn nguyên cội rễ của mọi sự lầm đường lạc lối.
Quan niệm sai lầm là niềm tin rằng mỗi người sẽ tự nguyện chấp nhận thứ gì đó không giúp anh ta kiếm lời.
Chẳng ai lại từ bỏ một phần tài nguyên của mình cho một thứ mà anh ta định giá thấp hơn cả. Khi bạn nghĩ anh ta sẽ làm như vậy, bạn đang đâm đầu vào thất bại. Anh ta có thể thực hiện một trao đổi mà bạn sẽ chẳng bao giờ làm - nhưng anh ta sẽ không tự nguyện thực hiện một trao đổi đem lại những giá trị thấp hơn.
Ví dụ, bạn quan sát một người đàn ông đang mua một món đồ trong cửa hàng với giá 2 đô la. Bạn biết rằng anh ta có thể mua một món đồ giống hệt như vậy ở cửa hàng khác với giá chỉ 1 đô la. Liệu anh ta có đang làm một việc không giúp anh ta kiếm lời?
Tất nhiên là không. Có lẽ anh ta thích sự thuận tiện ở cửa hàng này, hoặc hài lòng với dịch vụ mà anh ta nhận được, hay thậm chí là vì anh ta ngưỡng mộ vẻ đẹp của cô bán hàng chẳng hạn. Dù lý do của anh ta là gì, nó cũng đủ mạnh để khiến anh ta tự nguyện để bỏ thêm 1 đô la cho giá trị mà anh ta nhận được ở đây (thứ giá trị mà anh ta không thể nhận được từ cửa hàng khác).
Tin rằng người đàn ông này chủ ý làm một việc không giúp anh ta kiếm lời chính là việc thực thi thứ sai lầm phổ biến kia. Và thứ ảo tưởng đó không khó để thực hiện. Bạn có thể nhìn thấy những ví dụ thực tiễn về nó mỗi ngày. Một vài ví dụ rất rõ ràng, một vài thì ý nhị, khó phát hiện hơn.
Ví dụ, một người bán hàng bất lịch sự thực hiện thứ sai lầm phổ biến đó như sau: anh ta tin rằng những vị khách hàng sẽ tiếp tục đến mua hàng, bất chấp sự khiếm nhã của anh ta - thứ khiến việc mua hàng trở thành việc không giúp khách hàng kiếm lời từ đó nữa.
Một ví dụ ý nhị cho sự sai lầm phổ biến này là kiểu tuyên bố mà có lẽ bạn được nghe khá thường xuyên, theo mẫu sau hoặc mẫu khác tương tự:
“Nếu chính phủ đã không điều tiết được nền kinh tế, General Motors sẽ tăng giá gấp đôi.”
Đâu là sự ảo tưởng trong tuyên bố này? Tất nhiên, đó là trong niềm tin rằng khách hàng sẽ trả bất cứ mức giá nào mà General Motors đưa ra - bất kể nó bất lợi về mặt lợi ích cho khách hàng như thế nào. Niềm tin đó giả định rằng GM sẽ định giá mẫu xe Chevrolet với mức giá là 6.000 đô la và tiếp tục bán được nhiều như hôm nay. Và điều này tất nhiên không phải sự thật.
Tài nguyên của khách hàng là hữu hạn. Nên anh ta phải từ bỏ thứ gì đó để có được chiếc xe Chevrolet. Và hơn cả mức giá chính xác đó, anh ta phải từ bỏ nhiều hơn cho chiếc xe đáng giá với anh ta. Trong trường hợp đó, anh ta không mua - bất kể GM có cố gắng biện bạch cho việc tăng giá đến mức nào.
Xa hơn một chút, chúng ta sẽ thấy được cách mà sự “sai lầm phổ biến” này là nguyên nhân của thất bại như thế nào. Nhưng lúc này, hãy chỉ đơn giản là kiên quyết không bao giờ phạm sai lầm khi nghĩ rằng con người đôi khi tự nguyện làm việc gì đó hơn là những việc mà họ muốn làm. Điều như vậy là không thể.
Bạn có thể không bao giờ loại bỏ được bản năng kiếm lời tự nhiên của con người. Nó luôn tồn tại. Mỗi người muốn sống cuộc đời của mình dựa trên chính những giá trị của anh ta (bất kể anh ta là ai), không phải giá trị của người khác. Ngay cả khi bạn tự nhiên chặn đứng con đường của anh ta, bạn cũng không thể ngăn anh ta tìm kiếm hạnh phúc, mà chỉ có thể khiến chặng đường của anh ta khó khăn hơn.
Mỗi người sẽ làm những gì mà anh ta muốn. Và với sự nhận thức rõ ràng này, chúng ta có thể chuyển sang phần những gì bạn phải làm để có được những gì mà bạn muốn…