Ngay chiều hôm đó, Matt gửi một bức thư điện tử đến bác Jack để cảm ơn sự giúp đỡ lớn lao cùng tình cảm tốt đẹp mà cả nhà bác đã dành cho anh trong những ngày nghỉ vừa qua. Cuối thư, Matt viết: “Cháu đính kèm theo đây bản ghi chú những điều cháu đã đúc kết trong kỳ nghỉ cuối tuần vừa rồi. Cháu hy vọng là chúng sẽ có ích cho việc giảng dạy của bác. Cháu cảm ơn bác rất nhiều. Với cháu, bác là một người tuyệt vời. Cầu chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bác và gia đình”.
Một Phút Xin lỗi bắt đầu bằng việc trung thực trả lời những câu hỏi sau:
• Sai lầm thật sự của tôi là gì?
• Tôi đóng vai trò gì trong việc gây ra rắc rối đó?
• Tôi đã thật sự thấu hiểu mọi việc chưa?
• Tại sao tôi lại hành động như vậy?
• Phải chăng hành động của tôi xuất phát từ sự sợ hãi?
• Tôi đã suy nghĩ gì khi hành động như vậy?
• Đây có phải là lần đầu tôi phạm lỗi không?
• Hay hành động sai trái của tôi đã trở thành thói quen?
• Phải chăng tôi đã đánh mất niềm tin mà mọi người từng gửi gắm nơi tôi?
• Những người khác có bị ảnh hưởng từ hành động sai trái của tôi không?
• Đâu là bản chất sâu xa nhất của con người tôi mà tôi không dám đối diện?
• Làm thế nào để chứng minh với mọi người rằng tôi sẽ không lặp lại sai lầm đó nữa?
Và sau đó, hãy trung thực với chính mình:
• Tôi là người thành thật và tôi dám thừa nhận sai lầm của mình.
• Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hành động sai trái của mình.
• Tôi sẽ xin lỗi ngay khi có thể, bất kể sẽ phải gánh chịu hậu quả như thế nào.
• Trình bày với người/những người đã vì tôi mà bị tổn thương.
• Bày tỏ thái độ ăn năn và cảm giác hối hận của tôi về lỗi lầm mình đã gây ra.
Cuối cùng, kết thúc bằng sự chính trực:
• Tôi hiểu rằng việc làm của tôi trái ngược với mẫu người mà tôi đang cố trở thành.
• Bản chất con người tôi không giống như cách cư xử nhất thời mà tôi đã thể hiện.
• Tôi tha thứ cho lỗi lầm của mình.
• Tôi sẽ cố gắng đền bù tất cả những thiệt hại mà tôi đã gây ra.
• Tôi chứng minh với mọi người rằng tôi đã sửa chữa lỗi lầm thông qua việc thay đổi hành vi cư xử của mình.