Nếu bạn thấy mình đang buồn bã, mệt mỏi vì làm việc quá tải hay khó chịu vì một lời nói hay hành động khiếm nhã, tôi khuyên bạn nên thử việc này: Hãy chỉ ngắm nhìn nước. Hãy đi tới bờ ao gần đó hay một dòng suối và chăm chú nhìn vào những làn sóng nhẹ nhàng phản chiếu ánh Mặt trời. Nếu trời đang mưa, hãy tìm một vũng nước nhỏ và ngắm những hạt mưa tạo thành những vòng tròn hết ẩn lại hiện. Hoặc khi bạn đang rửa bát trong bồn, hãy nhìn chăm chú vào những khối hình được tạo thành khi ánh sáng từ cửa sổ hòa vào dòng nước đang ào ào chảy xuống.
Tôi khuyên bạn làm điều này vì bạn khám phá ra rằng nước đưa bạn đến một thế giới khác, nơi bạn sẽ cảm thấy nước trong mình đang được gột sạch; bạn sẽ có thể trở về với con người thực sự của mình. Chỉ là trong chốc lát bạn đã quên mất mình chính là nước. Khi bạn để nước nhẹ nhàng chảy ra tâm trí và cơ thể, nó sẽ chữa lành cho bạn từ nơi sâu thẳm nhất.
Dòng chảy của nước có rất nhiều điều để truyền dạy cho chúng ta. Thực tế, sống là trôi chảy. Dường như nước trong cơ thể bạn có khát khao được tuôn chảy. Cũng như vậy, tâm hồn cũng cần được tuôn chảy. Khi tâm hồn được phép tuôn chảy, bạn cảm thấy trút được một gánh nặng khỏi cơ thể, vì tâm hồn và cơ thể chính là hai mặt cùng tồn tại trong bạn.
Nếu bạn từng bị xúc phạm, hãy tha thứ cho người đã xúc phạm bạn. Và nếu bạn cảm thấy nặng nề vì chính sự công kích của mình với người khác, hãy tha thứ cho bản thân. Sự tha thứ mở ra con đường giúp bạn được tuôn chảy tự nhiên và tự do về phía tương lai.
Vũ trụ nắm giữ một sức mạnh tiềm ẩn dành cho bạn trong mỗi giây phút cuộc đời trôi qua. Bạn hãy cởi mở để những điều tốt đẹp ấy tuôn chảy về phía bạn, để bạn sẽ có thể vươn ra đón nhận một tương lai tuyệt vời. Nếu bạn không thể vực dậy một trái tim tan vỡ dù đã cố gắng đến đâu, điều cuối cùng bạn có thể làm là trở lại và thay đổi quá khứ. Nhưng luôn luôn có khả năng dòng chảy của cuộc đời sẽ đưa bạn tới một nơi tuyệt vời hơn cả những điều bạn đã từng hy vọng. Mỗi giây của cuộc đời là một ngã tư mới với những khả năng mới. Nếu nhận ra được điều này, bạn có thể giải phóng mình khỏi những gánh nặng, bạn sẽ thấy những vấn đề của mình mới nhỏ bé làm sao và bạn sẽ không còn bị trói buộc vào quá khứ nữa.
Nước dạy chúng ta cách sống, cách tha thứ, cách tin tưởng. Nếu bạn lắng tai nghe các cơ hội trong cuộc đời, ngay lập tức, bạn sẽ có thể nghe thấy âm thanh của làn nước trong lành chảy qua cơ thể bạn, ngay cả trong lúc này. Đó là âm thanh của cuộc đời bạn – một giai điệu chữa lành.
Nước là một phần nhịp điệu cuộc sống
Nước chảy trong chúng ta là một phần của nước chảy ngoài tự nhiên và một phần của nhịp điệu cuộc sống đang rộn ràng trong toàn vũ trụ.
Ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới, từ lâu, người ta đã nói rằng Mặt trăng thống trị nước. Thủy triều chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi chuyển động của Mặt trăng. Có lẽ những đợt thủy triều lên và xuống là phản ứng dễ nhận thấy nhất của Mặt trăng, nhưng sự sống được tìm thấy ở đâu thì ở đó chắc chắn có mối liên hệ với chuyển động của Mặt trăng. Con trai cảm nhận được lực hút của Mặt trăng và mở vỏ ra vào lúc thủy triều lên cao. Chu kỳ sinh sản của nhím biển ăn khớp hoàn toàn với chu kỳ của Mặt trăng. Và chim mòng biển hầu như luôn vào bờ đẻ trứng vào đêm trăng tròn, vì nhiều lý do khác ngoài việc ánh sáng được tăng cường.
Chúng ta không thể cho rằng cơ thể con người, với 70% là nước, lại là một ngoại lệ. Bà đỡ nào cũng sẽ xác nhận với bạn rằng vào kỳ trăng tròn, có nhiều trẻ em chào đời hơn. Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ cũng tuân theo thời gian tính theo Mặt trăng.
Nhiều người có trực giác nhạy bén nói rằng họ được tiếp năng lượng vào những đêm trăng tròn. Năng lượng trăng tròn được liên hệ với sự điên dại và những câu chuyện về người Sói. Thập chí cả từ lunatic (mất trí) cũng bắt nguồn từ từ lunar (Mặt trăng).
Hoàn toàn hợp lý khi hầu hết các nền văn hóa cổ đại trên thế giới dều sử dụng lịch Mặt trăng để đo lường thời gian. Lịch Mặt trăng – hòa hợp gần gũi với chu kỳ cuộc sống – là một công cụ quan trọng để lên kế hoạch thu hoạch mùa màng. Khi nhịp điệu của chúng ta đồng điệu với chuyển động của Mặt trăng, chúng ta có thể bắt nhịp dễ dàng hơn với dòng chảy của nước bên trong mình. Điều này chẳng là gì khác ngoài sống theo nhịp điệu mà tự nhiên đang chơi. Đó cũng là một phần trí tuệ gần như đã bị đánh mất ở con người hiện đại.
Tương tự như lịch Mặt trăng là lịch 13 tháng mà người Maya sử dụng, lịch này có đôi chút khác biệt với lịch Mặt trăng. Tôi được biết về tiến sĩ Jose Arguelles và vợ ông – Lloydine, những người đã lấy việc in các bản copy của loại lịch này và phổ biến việc sử dụng nó ra toàn thế giới làm sứ mệnh của mình. Họ tin rằng nếu lịch này được sử dụng trên toàn cầu thì con người sẽ bắt đầu sống trong nhịp điệu của tự nhiên, nhờ đó mở ra con đường dẫn tới giải pháp cho rất nhiều vấn đề mà xã hội hiện đại đang phải đối mặt.
Theo loại lịch này, năm mới bắt đầu vào ngày 26 tháng Sáu. Khi 365 ngày của năm được chia thành 28 phần – số ngày trong một tháng, bạn sẽ có 13 tháng và một ngày dôi ra. Trong lịch của người Maya, ngày dôi ra của năm được gọi là “ngày phi thời gian”. Trong ngày hôm đó, tất cả các công việc sẽ được bỏ qua một bên, những lời cầu nguyện được cất lên và của sự phồn vinh được ngợi ca qua tiếng cười và điệu múa.
Mặc dù việc đổi sang dùng lịch lấy Mặt trăng làm cơ sở có thể không được thực tế và không phải ai cũng muốn như vậy, nhưng chúng ta vẫn có thể bắt nhịp với Mặt trăng và nhịp điệu cuộc sống theo cách của mình. Cơ thể con người chính là một vũ trụ thu nhỏ. Bắt nhịp với vũ trụ thu nhỏ này cho phép chúng ta trải nghiệm trọn vẹn năng lượng tuôn chảy từ vũ trụ. Khi chúng ta hòa làm một với vũ trụ, ta sẽ khám phá ra sự giản đơn và thanh thoát mà nó vốn là mục đích của cuộc đời chúng ta và cũng là điều vốn dành cho chúng ta.
Trên thế giới này, có rất nhiều người đi tìm kiếm sự hàn gắn bên trong và rất có thể trong đó bao gồm cả bạn nữa. Có lẽ vì môi trường chúng ta đã tạo ra cho mình tiến triển quá nhanh chóng và giờ đây, chúng ta thấy mình giữa một thế giới đau thương và mệt mỏi do chính mình tạo ra. Làm thế nào ta cứu được mình khỏi thế giới đó? Hãy lắng nghe giai điệu tuôn chảy từ thế giới quanh bạn. Khi cảm nhận được nhịp điệu đó chảy trong làn nước đang góp phần mang lại sự sống cho mình, bạn sẽ hòa làm một với các tinh thể nước. Đây là cuộc đời mà rất nhiều người trong chúng ta đang tìm kiếm. Đó là cảm giác chữa lành mà chúng ta biết sâu thẳm trong tâm hồn, nó đang chờ đợi chúng ta. Ai cũng đang tìm kiếm sự cứu rỗi.
Âm nhạc – một năng lượng chữa lành
Alan Roubik là một nghệ sĩ dương cầm người Mỹ – người đã đặt nền tảng cho sự nghiệp âm nhạc của mình trên nguyên tắc âm nhạc có khả năng chữa lành. Bên cạnh việc là một nghệ sĩ, Alan còn là một nhà sản xuất âm nhạc cho các chương trình quảng cáo trên truyền hình và các bộ phim, ông cũng có công ty thu âm riêng của mình. Sự trong lành trong tiếng dương cầm của ông quả là có một không hai: Rất nhiều thính giả nói rằng họ cảm thấy cơ thể mình trở nên trong suốt khi nghe nhạc của ông.
Khi còn là một cậu bé, Alan đã trải qua một trải nghiệm mà qua đó, ông tin rằng âm nhạc có sức mạnh chữa lành và từ đó, ông đã lấy việc soạn nhạc để chữa lành làm nền tảng cho sự nghiệp của mình. Ở tuổi lên ba, ông đã là một thần đồng và bắt đầu chơi đàn organ, từ năm lên chín tuổi, ông tập trung vào đàn dương cầm và việc sáng tác, biểu diễn. Nhưng năm ông 10 tuổi, cuộc đời ông đột ngột thay đổi. Dây thần kinh trụ trên cánh tay phải của ông bị tổn thương trong một giờ thể dục ở trường, khiến việc cử động ngón tay trở nên cực kỳ đau đớn và gần như là không thể.
Ông không thể chơi dương cầm trong vài tháng. Các cơ trên ngón tay ông bắt đầu yếu đi. Dường như con đường tới tương lai của ông đột nhiên trở thành một ngõ cụt không lối thoát và nhận thức rằng rất có thể ông sẽ phải từ bỏ âm nhạc – điều ông yêu say đắm, khiến ông chìm sâu trong tuyệt vọng.
Ông cố gắng nghĩ về những tương lai khác, nhưng lúc nào ông cũng thấy mình ngồi trước cây đàn dương cầm.
Và rồi một ngày nọ, có lẽ là trong cơn tuyệt vọng cùng cực, ông đặt tay lên phím đàn và để tất cả những gì chất chứa trong tim được trào ra. Alan nói rằng thứ ông cảm thấy ở giây phút ấy là điều gì đó giống như hạnh phúc nơi ngón tay mình. Ông có thể cảm thấy năng lượng sống đang tuôn chảy và sự cộng hưởng giữa tiếng đàn và chuyển động của những ngón tay ông.
Tay của Alan dường như hồi phục gần như ngay lập tức và chẳng bao lâu sau ông đã có thể chơi tốt như trước kia – thậm chí còn hay hơn.
Tôi gặp Alan lần đầu vào năm 1995 qua sự giới thiệu của một nhà khoa học, người đã sáng chế ra máy Phân tích cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Analyzer – MRA) – một thiết bị đo hado có khả năng đo được các rung động cực nhỏ. Khi phối hợp với nhà khoa học này, chúng tôi đề nghị Alan sáng tác một bản nhạc thể hiện sức mạnh chữa lành của hado. Chúng tôi muốn có loại âm nhạc chữa lành có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Khi bản phối được hoàn thành và ghi lại, chúng tôi để cho nước tiếp xúc với nó và đúng như mong đợi, các tinh thể hình thành từ nước đẹp và vô cùng tinh tế – nét đặc trưng của đặc tính chữa lành.
Khi chúng tôi cho Alan xem các tấm ảnh tinh thể, ông nói rằng ông rất kinh ngạc khi thấy tất cả các tinh thể hình thành đều giống hệt hình ảnh ông nhìn thấy trong tâm trí khi sáng tác bản nhạc này.
Alan là một trong số rất nhiều nghệ sĩ nhận ra rằng âm nhạc là một dạng thức chữa trị. Nhưng chúng ta cũng biết rằng âm nhạc cổ điển, nhạc Jazz và nhạc dân gian từ khắp nơi trên thế giới cũng có khả năng chữa lành theo cách riêng của chúng.
Tôi cho nước nghe nhạc cổ điển của các nhà soạn nhạc khác nhau và rồi chụp ảnh các tinh thể tạo thành. Rồi chúng tôi lấy chỉ số đo lường hado của các bức ảnh bằng thiết bị MRA. Kết quả cho thấy hado – về tinh thần và thể chất – có tiếp nhận ảnh hưởng từ âm nhạc. Tôi có chia sẻ một số kết quả này trong cuốn Sức mạnh thực sự của nước. Sau đây là hai khám phá nữa:
Bản Ride of the Valkyries của Wagner:
Hado cảm xúc: Thương thân
Hado thể chất: Sự khuây khỏa của nỗi đau gián tiếp
Bản Prelude to “The afternoon of a Faun”:
Hado cảm xúc: Căng thẳng vì môi trường xung quanh
Hado thể chất: Giảm bớt và ngăn chặn các vấn đề về lưng
Hàm ý của tất cả những điều này là âm nhạc có khả năng dẫn dắt chúng ta trên con đường chữa lành. Có vẻ như điều này đặc biệt đúng với nhạc cổ điển – thứ âm nhạc đã vượt qua thử thách của thời gian. Khi nước được tiếp xúc với loại nhạc này, nghiên cứu của tôi đã phát hiện ra rằng nước trở nên giàu năng lượng và các tinh thể xinh đẹp sẽ được hình thành.
Âm nhạc còn đại diện cho thời đại và môi trường mà nó được sáng tác. Nếu nhìn vào những thời kỳ khác nhau của lịch sử, bạn sẽ thấy rằng các giai điệu khác nhau đều có các thể loại âm nhạc đặc trưng nhất định. Sở dĩ như vậy là bởi các dạng và mức độ căng thẳng của xã hội ấy phải trải qua sự thay đổi cùng thời gian và cần được chữa lành. Điều này dẫn đến sự sáng tạo trong âm nhạc đồng điệu với tần số phổ biến trong xã hội.
Hãy nghĩ đến thể loại nhạc Jazz ra đời ở New York từ những năm 1940. Toru Yazawa – một thành viên của một ban nhạc nổi tiếng ở Nhật được biết đến với cái tên Alice – từng chia sẻ với tôi một câu chuyện nhỏ về nhạc Jazz.
Jazz bắt nguồn từ các bản nhạc blue được người Mỹ gốc Phi chơi và hát. Khi loại nhạc này được kết hợp với ban kèn đồng của New Orleans, kết quả là một thể loại nhạc mạnh mẽ và tự do được gọi là Jazz New Orleans. Nhạc Jazz ở thời kỳ này phần lớn là các giai đoạn ba đoạn đơn giản, đó chính là lý do vì sao nó lại đơn giản và vui tươi.
Theo thời gian, trung tâm nhạc Jazz chuyển về New York và trong những năm cuối cùng của Thế chiến thứ hai, một hình thức nhạc Jazz mới gọi là nhạc Jazz hiện đại bắt đầu xuất hiện. Nhạc Jazz hiện đại có các hợp âm phức tạp hơn các âm thanh mà bình thường sẽ tạo thành một tiếng gầm được phối hợp, rồi những âm thanh khác lại chồng lên nhau, tạo ra một cảm giác mới mẻ, bừng sáng một cách độc đáo của nhạc Jazz hiện đại.
Trong suốt thời gian đó, thành phố New York cũng như toàn nước Mỹ đang phải trải nghiệm một trạng thái bứt rứt, lo lắng vì sự xuất hiện của Liên bang Xô Viết và những kẻ thù đáng sợ khác, tạo nên một áp lực dẫn tới cuộc các chiến tranh ở Triều Tiên và Việt Nam. Những người sống ở New York vào thời điểm đó phải trải qua một dạng căng thẳng chưa từng ai biết đến. Có lẽ, thứ âm nhạc đơn giản hơn (ba hợp âm) là điều cần thiết để hàn gắn những mối quan hệ con người đơn giản hơn, trong khi thứ âm nhạc phức tạp hơn lại cần thiết để hàn gắn những mối quan hệ phức tạp hơn. Nói một cách đơn giản, âm nhạc, bên cạnh việc là một môn nghệ thuật và giúp giải trí, hơn tất cả, nó còn là một hình thức chữa lành.
Chữa lành với Hado
Như tôi đã đề cập trong cuốn Sức mạnh thực sự của nước, tôi đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực y học hado. Y học hado tập trung vào nguyên nhân ngầm ẩn của các triệu chứng bệnh, ngược lại với thông lệ y học vẫn yêu cầu chúng ta phải uống thuốc hay trải qua phẫu thuật để xử lý các triệu chứng bệnh. Y học hado làm việc với rung động riêng biệt của chính căn bệnh. Tôi có thể nói chắc chắn rằng rồi sẽ đến ngày y học hado được chấp nhận rộng rãi. Ngày nay, phần lớn mọi người đi tới cửa hàng thuốc để tìm giải pháp cho những căn bệnh nhẹ của mình, nhưng có lẽ sẽ có ngày thay vì nhận được một đơn thuốc, chúng ta sẽ nhận được một đơn nhạc để điều trị căn bệnh đang hành hạ mình. Một ngày như thế có thể sẽ không còn xa như bạn nghĩ.
Tất cả các triệu chứng bệnh đều rung động ở một tần số riêng. Bằng việc biết tần số đó, người ta sẽ có thể trùm lên bước sóng của triệu chứng một bước sóng đối nghịch; do vậy, tần số của căn bệnh bị đánh tan và các triệu chứng sẽ dịu bớt. Đây đã là cách làm thực tế ở chừng mực nào đó của phương pháp chữa trị bệnh Parkinson1 và các căn bệnh về thần kinh khác.
1 Parkinson là rối loạn thoái hoá của hệ thần kinh trung ương, làm suy yếu khả năng vận động, lời nói và các chức năng khác.
Y học hado không chỉ làm việc với bộ phận cụ thể trên cơ thể nơi có các triệu chứng; đồng thời, nó còn giúp làm thuyên giảm nguyên nhân thực sự phía sau căn bệnh, thường là các cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, nếu một người đang mắc bệnh về gan thì gần như chúng ta sẽ thấy người đó luôn tức giận. Bước sóng tạo nên từ sự tức giận cũng giống như bước sóng tạo nên từ các phân tử của tế bào cấu tạo gan, do đó, các bước sóng của sự tức giận và gan có cùng nhịp điệu với nhau. Theo cùng cách đó, cảm xúc buồn phiền có cùng nhịp điệu với máu và vì thế những người hay buồn phiền thường có xu hướng dễ dàng nhiễm bệnh bạch cầu và đột quỵ do xuất huyết. Sự cáu bẳn trường kỳ sẽ phá hủy hệ thần kinh, thường dẫn tới đau đớn, nhạy cảm và cứng cơ ở phần cổ dưới và vai.
Một khía cạnh quan trọng của y học hado là cơ thể người được coi như một vũ trụ thu nhỏ. Cơ thể của chúng ta có 60 nghìn tỉ tế bào, mỗi tế bào mang một trách nhiệm riêng, đồng thời phối hợp hài hòa với các thế bào khác để tạo nên chính con người chúng ta. Các cơ quan, dây thần kinh và các tế bào của cơ thể có tần số riêng của chúng. Cơ thể giống như một dàn nhạc tráng lệ với sự hòa âm của rất nhiều âm thanh. Khi đâu đó trong cơ thể có vấn đề không ổn, một trong các âm thanh sẽ bị lệch tông.
Và thậm chí khi chỉ có một âm thanh lạc điệu, toàn bộ bản phối sẽ không còn như nó vốn có nữa.
Nha sĩ Kazumasa Muratsu đã được chứng kiến những kết quả đáng chú ý ở các bệnh nhân ông đã điều trị trên cơ sở nhìn nhận những chiếc răng chính là các bộ phận trong cơ thể. Trong một trường hợp, một trong các bệnh nhân của ông đã nhiều năm không thể nắm chặt được tay lại, nhưng khi bác sĩ Muratsu bỏ chỗ trám răng kim loại ở hàm trên ra và chỉnh lại khớp của cô, cô hồi phục lại được chức năng đầy đủ của bàn tay. Cô cũng nhận thấy rằng cô không còn phải chịu đựng tình trạng đau mãn tính ở phần lưng dưới và chân phải nữa.
Điều này chỉ ra rằng răng có ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và các rắc rối phát sinh ở răng có thể ảnh hưởng tới phần còn lại của cơ thể theo cách rất khó đoán. Bác sĩ Muratsu nói rằng trên thực tế răng là một phần của trung tâm kiểm soát căn bản của cơ thể.
Nhưng y học hiện đại lại nhìn nhận cơ thể người như một cỗ máy gồm các bộ phận độc lập và phương pháp chữa bệnh họ đưa ra chỉ thực hiện việc chăm sóc một khiếm khuyết cụ thể tại một bộ phận cụ thể đang bị hỏng hóc mà thôi. Nhưng nếu một triệu chứng được chăm sóc và kéo theo nó lại là vấn đề ở một chỗ khác trên cơ thể thì quá trình lành bệnh rõ ràng là không thực sự diễn ra. Toàn bộ ý nghĩa của y học hado là sức khỏe của toàn bộ cơ thể, đó là lý do vì sao từ chữa lành – chứ không phải là “cứu chữa” – lại phù hợp hơn.
Các dạng khác của y học hado
Chúng ta có thể thấy rằng y học hado có rất nhiều hứa hẹn, nhưng tôi không muốn tạo cho bạn ấn tượng rằng kỹ thuật này có gì mới mẻ. Các nguyên tắc này đã được các nền văn hóa cổ đại biết rõ từ rất sớm và gắn liền với cuộc sống hàng ngày của họ. Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp mà những hiểu biết từ thời xa xưa được kiểm nghiệm lại để rồi người ta khám phá ra rằng, những ứng dụng đó đến hôm nay vẫn phát huy tác dụng.
Việc sử dụng tinh chất hoa chính là một phương pháp chữa lành cổ xưa đặt nền móng cho y học hado. Năng lượng và sự rung động của hoa được truyền vào nước và nhờ uống thứ nước này, người bệnh nhận được cả những lợi ích chữa lành cả về thể chất và tinh thần. Bạn có thể mặc định rằng trong quá trình chuyển hóa, chính các thành phần trong hoa đã hòa tan vào nước, nhưng thực ra chỉ có rung động của nó là được chuyển sang thôi. Do đó, các phân tích hóa học của tinh chất hoa sẽ chỉ nhận ra được nước.
Khoa học về tinh chất hoa được một nhà vi khuẩn học người Anh – tiến sĩ Edward Bach – sáng lập. Ông phát triển các loại tinh chất hoa được biết đến dưới cái tên Phương thuốc từ hoa của Bach, giờ đây, ta có thể tìm được các toa thuốc này ở khắp nơi trên thế giới. Trên thực tế, liệu pháp tinh chất hoa đã được mở rộng để kết hợp với đặc trưng của từng quốc gia. Một dạng tinh chất hoa phổ biến ở Nhật được gọi là tinh chất hoa Findhorn. Ở Bắc Scotland, gần hồ Loch Ness, có một cộng đồng có tên Findhorn – nơi mọi người từ khắp nơi trên thế giới họp lại với nhau để cùng sống và tham gia vào các sự kiện, hội thảo về chủ đề sống hòa nhập với thiên nhiên và tìm ra con đường đích thực của mỗi cá nhân trong cuộc đời mình.
Marion Length giới thiệu liệu pháp tinh chất hoa ở Findhorn. Bà là người phụ nữ có nụ cười rạng rỡ như hoa. Tôi đã phỏng vấn Marion khi bà tới Nhật Bản cách đây mấy năm. Bà nói với tôi:
Cơ thể của chúng ta đóng vai trò như một công cụ để hoàn thiện sứ mệnh của tâm hồn. Để thực hiện sứ mệnh của mình, chúng ta phải giải phóng những cảm giác và cảm xúc méo mó – sợ hãi và đau khổ, buồn bã, nghi ngờ, nôn nóng, yếu đuối và lãnh đạm – điều này tạo thành một khối ngăn cách giữa tâm hồn và cơ thể chúng ta.
Những cảm xúc như thế trở thành nguyên nhân của nhiều triệu chứng mà chúng ta gặp phải. Y học hiện tại gần như không thể giải quyết tận gốc các căn bệnh của chúng ta, nhưng đây lại là lĩnh vực mà tinh chất hoa đã được chứng minh là có hiệu quả.
Theo triết lý Vệ Đà của Ấn Độ, có bảy vị trí trên cơ thể người gọi là các điểm luân xa đóng vai trò như những cánh cửa để năng lượng vô hình đi vào cơ thể. Người ta nói rằng tinh chất hoa tận dụng những luân xa này để chữa lành một số chứng bệnh và các bộ phận của cơ thể nhất định, tùy thuộc vào đặc tính của từng loài hoa. Cây kim tước – có rất nhiều quanh vùng Findhorn – mang rung động của niềm vui và sự đam mê và có thể được sử dụng để xử lý hiện tượng thiếu năng lượng, trầm cảm và sự suy yếu của hệ miễn dịch. Hoa anh thảo của Scotland là biểu tượng của hòa bình được dùng để trấn tĩnh và điều hòa trong lúc sợ hãi hay hoảng loạn. Hoa anh đào có thể được chế thành tinh chất có khả năng đưa bạn trở về với con đường bên trong bản thân mình. Nó có thể được sử dụng hiệu quả để giúp bạn vượt qua những nếp nghĩ tiêu cực và cảm giác tự ti đang đè nén bạn, đồng thời giúp bạn có lại được cảm giác yêu thương và cảm thông.
Để tự làm tinh chất hoa, bạn hãy ra ngoài trời vào một buổi sáng nắng đẹp và rực rỡ để tìm hoa. Cắt mỗi bông hoa ở cuống, cẩn thận đừng chạm tay vào bông hoa. Đặt hoa vào bình chứa đổ đầy nước sạch và tinh khiết, đặt bình đó dưới ánh Mặt trời. Trong khoảng bốn tiếng, tinh chất hoa sẽ chuyển sang nước. Bạn có thể thêm một ít rượu mạnh để nước giữ được tinh chất hoa lâu hơn. Cất nước vào trong chai thủy tinh và khi sử dụng, dùng nước để pha loãng thêm nữa. Theo nhu cầu, nhỏ vài giọt vào lưỡi. Cơ thể và tâm hồn bạn sẽ cảm nhận được hiệu quả của nó mà không phải chịu những tác dụng phụ đặc trưng của y học hiện đại.
Tôi quyết định xem điều gì sẽ xảy ra nếu tôi pha loãng tinh chất đó và tạo tinh thể. Các tinh thể thu được đều vô cùng đẹp đẽ, không khác gì chính bản thân bông hoa.
Rung động là điều bạn không thể thấy bằng mắt thường, đó là lý do vì sao rất khó để xác minh những ảnh hưởng tích cực của phương pháp chữa lành qua hado nếu sử dụng các phân tích và biện pháp kiểm tra hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá vội vàng nói rằng nếu không được khoa học xác minh thì tức là chẳng có ích lợi gì. Có nhiều phương thuốc tại nhà được thừa nhận thực sự có tận dụng nguyên lý rung động. Phép vi lượng đồng căn – một dạng của y học dựa trên rung động – có khả năng chữa lành cho cơ thể bằng cách sử dụng nước rung động. Phép vi lượng đồng căn là biện pháp y học mà trong đó “những thứ giống nhau điều trị cho nhau”. Để điều trị một căn bệnh, chất độc gây nên các triệu chứng sẽ bị pha loãng ra với nước theo tỉ lệ 1010 và thậm chí là 10600 hoặc hơn. Chất độc – đã bị pha loãng tới mức độ gần như không thể nhận biết – sẽ được đưa cho bệnh nhân.
Chẳng hạn như véc-ni thường gây mẩn ngứa khi tiếp xúc với da, nhưng khi phương thuốc vi lượng đồng căn được pha chế sử dụng véc-ni, nó có thể được dùng để xử lý các nốt mẩn và những tổn thương ngoài da. Hành tươi thái nhỏ có thể làm chảy nước mắt và sổ mũi, nhưng một liều thuốc vi lượng đồng căn làm từ hành lại rất tốt để điều trị cảm lạnh, sốt mùa hè và một vài dạng dị ứng khác có triệu chứng chảy nước mắt và sổ mũi. Điều này được gọi là “Quy luật tương đồng”.
Phương pháp vi lượng đồng căn khởi nguồn khi một bác sĩ người Đức tên là Samuel Hahnemann nhận ra tinh chất của vỏ cây canhkina vàng (kí ninh Peru) – vốn được dùng để trị sốt rét – gây ra các triệu chứng của sốt rét khi được được chiết xuất và lấy ra bằng miệng. Hahnemann phát triển lý thuyết vi lượng đồng căn của mình và công bố nó vào đầu thế kỷ XIX; sau đó vi lượng đồng căn dần dần lan rộng ra khắp châu Âu và Mỹ. Đó là một dạng y học hoàn toàn mới mẻ và được kê đơn rộng rãi vì những lợi ích rất dễ nhận biết của nó.
Đến giữa thế kỷ XIX, đã có tới hơn 400 phòng khám sử dụng phương pháp này; thậm chí bác sĩ của các gia đình hoàng gia Anh cũng bắt đầu áp dụng vi lượng đồng căn vào năm 1830. Ở Mỹ, vào quãng năm 1900, vi lượng đồng căn phổ biến đến nỗi cứ năm bác sĩ lại có một người chuyên về lĩnh vực này. Nhưng rồi các hiệp hội y học bắt đầu hình thành và công kích việc sử dụng phương pháp này. Những tổ chức như thế cùng các công ty dược phẩm tạo nên áp lực vô cùng lớn và chẳng mấy chốc phép vi lượng đồng căn đã chìm vào quên lãng.
Đây chỉ là một ví dụ khác về việc những thứ mang lại lợi ích nhiều nhất thường phải chịu áp lực tiêu cực nhất như thế nào. Nhưng mặc dù phép vi lượng đồng căn đã từng bị gạt ra ngoài lề, nó đang bắt đầu dần lấy lại được danh tiếng trước kia của mình. Phương pháp này hiện được dạy trong hơn 30 trường Y ở Anh và các bệnh viện nhà nước hiện nay cũng chuyên môn hóa vào lĩnh vực này. Ở Pháp, các liều thuốc vi lượng đồng căn có thể được mua ở các cửa hàng thuốc gần nhà; khoảng 10% bác sĩ Đức chuyên sử dụng vi lượng đồng căn. Trong những năm gần đây, một hiệp hội y học vi lượng đồng căn đã được thành lập ở Nhật và ngày càng có nhiều người biết tới lợi ích của phương pháp này.
Sự chữa lành đến từ những hình thức bất ngờ
200 năm trước, vi lượng đồng căn được ghi nhận là một dạng y học hiệu quả và nhiều người phải mất đến hàng năm mới có thể chứng thực được hiệu quả của phương pháp này. Nhưng dưới sự chèn ép của y học hiện đại, nó hầu như không còn được biết đến nữa. Tôi biết một tạp chí khoa học liên tiếp ra những bài báo ấn tượng nhằm ủng hộ cho những lợi ích của phép vi lượng đồng căn, nhưng những bài báo này – thường được xuất bản kèm với một dòng nhận xét mỉa mai của biên tập viên – phần lớn đều bị bỏ qua...
Nhiều người trong cộng đồng khoa học sẽ nói rằng: “Chúng tôi biết rằng nhiều người sử dụng phương pháp này, nhưng không có một bằng chứng khoa học nào cho phép vi lượng đồng căn cả.” Nếu vi lượng đồng căn không có lợi ích gì, bạn có nghĩ rằng lẽ ra nó đã bị lãng quên từ lâu rồi không?
Tôi sẽ là người đầu tiên công nhận rằng nước có khả năng đọc và ghi nhớ thông tin – điều khoa học thường thức sẽ phủ nhận. Nhưng những hiện tượng phi khoa học như vậy lại phổ biến hơn chúng ta tưởng.
Tiến sĩ Teruo Higa – dạy tại Đại học Ryukyu, Okinawa – vẫn đang nỗ lực để phát tán rộng rãi việc sử dụng một dạng vi khuẩn hữu cơ mà ông phát triển, có tên gọi Vi sinh vật hữu hiệu (Effective Microorganic – EM). EM là một chất lỏng được hình thành từ vi khuẩn. Nó đã được chứng minh là tuyệt đối an toàn – thậm chí là có lợi – cho con người và môi trường. Khi EM được áp dụng vào đất, kết quả là thu hoạch được một vụ mùa bội thu mà không cần sử dụng đến các chất hóa học hay phân bón tổng hợp. Khi được sử dụng để xử lý nước ô nhiễm, nước đó sẽ uống được. Nó thậm chí còn có thể được sử dụng để xử lý dioxin tạo thành từ việc đốt rác thải.
Trong khi tiến sĩ Higa đang nghiên cứu về EM, ông đã có một trải nghiệm lạ thường. Ông rót chất lỏng EM vào một bình chứa bằng gốm, rót nó ra và rồi làm sạch bình chứa, nhưng các đặc tính của EM thì vẫn còn nguyên. Ông rửa bình chứa nhiều lần, nhưng không thể loại bỏ các đặc tính của EM. Ông cố gắng để khử trùng bình chứa bằng nhiệt, nhưng thậm chí như vậy cũng không thể loại bỏ được các đặc tính của EM.
Điều này khiến tiến sĩ Higa nảy ra một ý tưởng. Ông chuyển EM vào một bình gốm khác. Ở 700oC – nhiệt độ mà chắc chắn không một dạng sống nào tồn tại nổi, vi khuẩn vẫn sống và ăn sâu vào gốm. Hiện tượng này đi ngược lại với những hiểu biết khoa học thông thường, nhưng gốm EM đã tỏ ra có tác dụng và giờ đây được sử dụng vào nhiều mục đích trong gia đình (như xử lý nước và nguyên liệu xây dựng), trong môi trường và nông nghiệp.
Chúng ta có thể nói đây là một dấu ấn của khoa học hado. Tất cả các chất đều có hado riêng của mình và nước tiếp nhận những thông tin này. Các phân tử nước mang theo thông điệp giống như đĩa từ trong ổ máy tính. Hado có thể hoặc mang lại lợi ích, hoặc gây hại cho cuộc sống. Nhưng ngay cả khi có một rung động có ích cho sự sống, nếu nước – với vai trò trung gian – không trong sạch, hado cũng sẽ không thể được tiếp nhận chính xác.
Tiến sĩ Higa khẳng định rằng, trong tự nhiên có tồn tại một dòng chảy phục hồi và một dòng chảy hủy hoại. Ví dụ, nếu một mẩu hoa quả bị bỏ lâu ngày, nó sẽ sớm thối rữa và bốc mùi khó chịu. Đây là dòng chảy theo hướng hủy hoại. Nhưng quá trình lên men lại là dòng chảy phục hồi. Lên men là quá trình tạo nên món dưa chua, sữa chua, tương, xì dầu, pho mát, rượu và nhiều món ăn khác nữa. Cả lên men và thối rữa đều là hoạt động của vi sinh vật, nhưng chúng lại không giống nhau.
EM là một tập hợp các vi sinh vật thực hiện hoạt động phục hồi. Khi EM được đưa vào đất, nó tăng cường khả năng hoạt động của các vi sinh vật sẵn có; kết quả là sản sinh ra các loại rau củ chất lượng cao mà không cần các chất hóa học hay phân bón tổng hợp. EM hoàn toàn an toàn cho con người và nó không làm đất bị bạc màu.
Ngược lại, hãy nghĩ về các chất hóa học và phân bón tổng hợp. Các chất hóa học loại bỏ các côn trùng có hại và phân bón tổng hợp có thể mang lại những vụ mùa năng suất hơn. Nhưng chúng cũng đồng thời giết luôn cả các côn trùng tốt cùng các vi sinh vật giúp đất màu mỡ hơn. Các chất hóa học mang lại sự hài lòng ngay trước mắt, nhưng kết quả về sau và lâu dài là sự hủy hoại của đất. Thực tế, hầu hết đất nông nghiệp hiện đang sử dụng – theo phần lớn các định nghĩa – đều không còn sức sống. Chỉ có con người mới có khả năng và chịu trách nhiệm về việc phục hồi lại chu kỳ của tự nhiên.
Có rất nhiều khía cạnh trong xã hội hiện đại có vẻ đang ở trong tình trạng hủy hoại. Để theo đuổi sự thỏa mãn và tiện nghi trong chốc lát, những quy luật theo chu kỳ của tự nhiên đã bị tảng lờ và thay thế bằng sự thoải mái kiểu dùng-một-lần-rồi-vứt-đi.
Và mọi người đã bắt đầu nghe thấy tiếng rên rỉ của Trái đất đang bị hành hạ của chúng ta. Chúng ta phải nhận ra nếu mình còn muốn gọi hành tinh này là nhà, chúng ta cần phải thay đổi – không phải hành tinh này, mà là chính bản thân chúng ta.
Chúng ta phải ngừng ngay việc đóng vai sứ giả thần chết và bắt đầu trở thành những sứ giả của sự hồi sinh. Khẩu hiệu “Từ nhân loại hủy diệt thành nhân loại hồi sinh” nên được bổ sung vào danh sách các câu khẩu hiệu mà từ nay trở đi chúng ta sẽ tuân theo.
Một trong những quang cảnh đẹp nhất mà bạn sẽ gặp ở Nhật Bản là một nhóm các hòn đảo nhỏ xinh cách Hiroshima không xa. Bắt đầu từ năm 1998, người dân sống trên những hòn đảo này đã họp lại với nhau và quyết định rằng họ phải làm gì đó với nguồn nước ô nhiễm xung quanh mình. Các mẻ EM được tạo ra và được các tình nguyện viên phân phối tới từng nhà cùng hướng dẫn cách đặt EM vào các cống nước ở nhà họ. Việc này mang lại kết quả ngay lập tức và không thể nhầm lẫn. Những đống bùn dọc bờ biển biến mất và các đàn cá bắt đầu trở lại. Giờ đây ở đó có cả bạch tuộc và rất nhiều trai – những sinh vật mà trước đó chỉ còn trong trí nhớ của những người dân già nhất. Vùng này được biết đến vì sản vật tảo biển và khi EM được hòa vào nước dùng để rửa sạch, tảo biển đã được thu hoạch và đưa vào trong đất liền, bùn trong các rãnh và lạch cũng nhanh chóng biến mất, thậm chí cả chất lượng tảo cũng được cải thiện.
Một khu làng gần đó có tên Akitsucho nghe nói về thành công này, họ cũng phát miễn phí EM cho dân làng, và một lần nữa, chúng có hiệu quả tức thì. Các kênh rạch trở nên sạch sẽ, ếch quay trở lại và trai bắt đầu xuất hiện ở vùng vịnh trước đây hoàn toàn trơ trọi.
Nước ở gần Akitsucho cho những loại sò ngon nhất ở Nhật. Khi cư dân thị trấn bỏ những nắm đất tơi có chứa EM vào bãi sò, chất lượng nước biển được cải thiện, mang lại những vụ thu hoạch lớn và tốt hơn hẳn so với những gì còn trong ký ức gần đây của người dân. Việc sử dụng EM lan rộng nhanh chóng dọc bờ biển, đỉnh điểm là sự hình thành của Hội đồng Bảo tồn Môi trường biển trong đất liền Seto vào năm 2002.
Người dân dọc bờ biển đã thực hiện bước đầu tiên để phục hồi lại sức sống và sự lưu thông của xã hội. Chữa lành không chỉ nói về sự phục hồi của sức khỏe thể chất của chúng ta. Chúng ta cần phải nghĩ về việc chữa lành cho đất, cho những dòng sông, cho các đại dương và cả hành tinh này.
Nhưng chữa lành cho hành tinh thực sự có nghĩa là gì? Câu trả lời là quay trở về với chu kỳ cuộc sống – sự luân chuyển của các tài nguyên, của nước và của sự sống. Đó chính là trách nhiệm của chúng ta với tư cách là cư dân của hành tinh thanh tú và đẹp như pha lê này.