Theo lý thuyết được đề xuất lần đầu bởi Luis Frank ở Đại học Ohio, Mỹ và được NASA cùng Đại học Hawaii công nhận, nước tới Trái đất sau khi du hành xuyên không gian. Ở mỗi phút trong ngày, có khoảng 12 ngôi sao chổi, có những ngôi sao nặng đến 100 tấn, rơi xuống Trái đất. Thành phần chủ yếu của những sao chổi này là băng đá. Khi băng chạm tới bầu khí quyển, nó tạo thành mây và cuối cùng rơi xuống Trái đất dưới dạng mưa để lấp đầy đại dương. Và bởi vì phần lớn cơ thể chúng ta là nước, theo một nghĩa nào đó thì chúng ta đều đến từ ngoài vũ trụ.
Có thể bạn đã từng ra ngoài vào một buổi đêm trong lành, nằm ngửa mặt lên trời và ngắm nhìn những vì sao. Bạn có bao giờ trải qua một cảm giác hoài cổ, có lẽ là một ký ức từ lâu lắm rồi không? Khi bạn ngắm nhìn các vì sao, tâm hồn bạn quay ngược thời gian hàng triệu, hàng tỉ năm về trước. Bạn có bao giờ cảm thấy bằng cách nào đó mà mình đang trôi nổi trên kia, trong vũ trụ, như một hành tinh không? Cho nên việc chúng ta cứ mãi mãi và hoàn toàn bị mê hoặc bởi các vì sao là một điều vô cùng hợp lý.
Kể từ khi Yuri Gagarin – nhà du hành vũ trụ người Nga – lần đầu tiên vượt qua lãnh thổ Trái đất vào năm 1961 và Neil Amstrong làm nên bước nhảy đột phá cho nhân loại, cơ hội để bạn và tôi một ngày nào đó có thể tự mình thực hiện một chuyến du hành như thế ngày càng chắc chắn có khả năng trở thành hiện thực hơn.
Các nhà khoa học hiện nay đang để mắt tới Sao Hỏa. NASA đã và đang nghiên cứu những kế hoạch chắc chắn để cử một phi thuyền có người lái lên Sao Hỏa, lót đường cho những người như bạn và tôi trở thành người ngoài hành tinh trên một hành tinh xa xôi.
Nhưng du hành tới Sao Hỏa cho thấy một số thử thách mà một lần nữa, giải pháp lại có thể được tìm thấy ở nước. Giữa những rủi ro của việc du hành ngoài không gian là sự yếu dần của cơ và xương do tình trạng thiếu trọng lực, chưa kể đến sự căng thẳng thần kinh do bị tách biệt quá lâu. Bức xạ vũ trụ là một vấn đề khác. Không gian đầy những bức xạ từ các vũ trụ xa xôi cũng như từ những vệt lửa sáng lòa của Mặt trời – có thể vô cùng có hại. Du hành không gian an toàn đòi hỏi sự quan sát kỹ lưỡng Mặt trời và cách để thoát khỏi bức xạ cực mạnh khi cần thiết. Một nơi như thế sẽ cần những bức tường dày và vững chắc.
NASA đang sử dụng một biện pháp để xử lý trở ngại này là bắt tay vào xây dựng một căn phòng trong không gian với những bức tường được tạo nên từ các cột nước. Nước có thể được sử dụng để tiêu dùng cũng như chuẩn bị các món ăn có dùng tới nước và để bảo vệ. Khi quầng sáng Mặt trời xuất hiện, nước trong các cột sẽ phát huy tác dụng như một chiếc khiên che chắn cho những người du hành cho đến khi nguy hiểm qua đi.
Bởi trọng lượng của tàu vũ trụ phải được giữ ở mức tối thiểu, chỉ có một lượng nước hạn chế được mang theo. Một người trung bình sử dụng khoảng 180 lít nước một ngày; trên một chiếc tàu vũ trụ, lượng này có thể giảm xuống còn 3 lít. Nhưng ngay cả khối lượng nhỏ đó khi cộng dồn cả phi hành đoàn lại cho cả một chặng đường dài cũng sẽ tăng lên nhanh chóng. Đây chính là khi việc tái sử dụng nước trở nên cực kỳ quan trọng. Hiện nay, các hệ thống đang được phát triển để tái chế phần nước đã qua sử dụng một cách hiệu quả để uống hoặc tắm rửa, thậm chí là tái chế cả mồ hôi và nước tiểu.
Khi tàu thăm dò vũ trụ Odyssey của NASA đáp xuống Sao Hỏa hồi tháng Năm năm 2001, họ phát hiện ra rằng có rất nhiều nước tồn tại dưới dạng băng đá ngay bên dưới bề mặt hành tinh, nghĩa là tại một thời kỳ xa xôi nào đó trong quá khứ, nước đã từng tồn tại trên bề mặt hành tinh này. Nếu nước đóng băng này sử dụng được, sẽ mở ra một khả năng là hành tinh này cũng có thể được phủ xanh như hành tinh của chúng ta, như vậy một ngày nào đó con người có thể trú ngụ ở đây được. Việc phải làm bây giờ là làm sao để biến điều này thành khả thi.
Năm 1996, NASA tiến hành một thí nghiệm trên đảo Devon ở Canada để mô phỏng sự sống trên Sao Hỏa. Thí nghiệm nghiên cứu các kịch bản sinh học, điều kiện sống và viễn thông. Nhiệt độ ở Devon thấp và hòn đảo này rất khô cằn, giống với môi trường của Sao Hỏa. Các nhà khoa học đang nghiên cứu tính khả thi của việc chiếm lĩnh không gian, nhưng thí nghiệm này còn có nhiều ẩn ý khác nữa. Hành tinh của chúng ta đang xuống cấp với tốc độ chóng mặt và không có ai đưa ra được giải pháp triệt để cho hiện tượng nóng lên toàn cầu, dân số đông quá mức, nạn đói, ô nhiễm và thiếu nước. Điều này khiến con người tự hỏi Trái đất còn thân thiện và còn che chở cho chúng ta được bao lâu nữa. Liệu một ngày nào đó chúng ta có đối mặt với nhận thức rằng cách duy nhất để giống loài mình tồn tại là phải chuyển tới một hành tinh xa xôi như Sao Hỏa hay không? Đây không phải là vấn đề nhỏ. Hiểu được cuộc hành trình đầy ấn tượng của nước tới và qua hành tinh này có thể sẽ đưa chúng ta lại gần hơn tới những câu trả lời mà chúng ta đang tìm kiếm.
Những cuộc phiêu lưu của nước trên địa cầu
Hãy hình dung bạn vừa trở về từ một chuyến du hành không gian. Bạn hạ con tàu của mình lên hành tinh xanh mướt và thấy mình đang đứng trên một khu rừng xanh thẳm. Những tia sáng xuyên qua những tán cây cao phía trên. Những chiếc lá nhẹ nhàng rơi xuống đất và những mảng rêu xanh rì bao trùm lên một thân cây đổ. Dương xỉ phủ đầy mặt đất quanh bạn. Những âm thanh của cuộc sống tràn trong không khí – tiếng đập cánh, tiếng chim gọi đàn và gió thì thầm qua những ngọn cây làm rung rinh tán lá. Khi bạn hít một hơi thật sâu làn không khí mát lành và để hương thơm của thiên nhiên ban sơ lấp đầy cơ thể mình, bạn sẽ có nhận thức sâu sắc rằng đây là hành tinh của bạn, là đặc quyền dành cho bạn từ lúc sinh ra. Và đó là lý do vì sao bạn phải yêu nó và vì sao bạn thực sự yêu nó.
Giờ đây, bạn thấy nước chảy thành dòng nhỏ giữa những tảng đá, hình thành nên một vũng nước. Bạn khum đôi bàn tay lại và uống. Bạn cảm thấy năng lượng của Trái đất tràn ngập tâm hồn và bạn biết rằng đó là vì tất cả những gì mà ngụm nước đó đã trải qua trong suốt cuộc đời bí ẩn của mình.
Vậy thì nước dâng lên từ mặt sông, hồ của Trái đất đã tới từ đâu? Hãy dành ít phút để nghĩ về Trái đất theo cách mà nước đã trải nghiệm nó. Đến từ vũ trụ dưới dạng những cụm đá băng, nước rơi từ trên trời xuống những ngọn núi và các khu rừng, mang theo chất dinh dưỡng cho cây. Giọt sương li ti đầu tiên trên lá chính là thời ấu thơ của nước. Từ đó, nó bắt đầu một cuộc hành trình của những chuyến phiêu lưu vô hình trên hành tinh của chúng ta. Sau khi nước rơi dưới dạng mưa, điều gì tiếp theo sẽ xảy ra?
Một phần khá lớn của nước mưa – một phần ba toàn bộ lượng mưa – ngấm vào đất, ở đó, nó sẽ được cây hấp thụ, để rồi lại tan biến vào bầu khí quyển. Trong những khu rừng xanh thẳm, trên một vùng có diện tích một hecta, không dưới 10 tấn nước sẽ bay hơi trong mấy phút đầu tiên sau một cơn mưa rào.
Sau đó, nước sẽ bốc lên thành hơi dưới dạng sương mù, trôi nổi giữa những đám cây, hoặc nó sẽ bốc lên cao hơn nữa để tạo thành mây. Nước ở dạng sương mù đôi lúc sẽ đi theo một con đường khác. Khi nhiệt độ giảm xuống dưới điểm đóng băng, sương mù chạm tới mặt lá và hoa, tạo thành một lớp băng trắng mỏng trên cây và mặt đất.
Thật khó có thể tìm thấy điều gì đẹp hơn sương trên cánh hoa và lá. Cây cỏ đã đem lòng yêu giọt sương trong veo, đẹp như pha lê. Một giọt sương rơi khỏi mầm non của chiếc lá trên cành và xuống thấp dần, qua những tán cây rừng và đáp xuống lưng của một con ếch. Vậy là, trong buổi sớm giữa rừng, nước trải mình ra dưới nhiều dạng thức để trút một cơn mưa tình yêu lên chú ếch nhỏ và chồi cây mới nhú – và tình yêu đó cũng được đáp lại. Cũng giống như một người mẹ – theo bản năng – yêu đứa con mới sinh của mình, nước ở thuở ban sơ cũng được cả thiên nhiên yêu thương.
Sau khi rơi dưới dạng mưa hay định hình dưới dạng sương trên mặt đất, điểm đến tiếp theo của nước là gì? Một phần sẽ được rễ cây hấp thu và rồi lại bay hơi vào không khí, nhưng phần lớn hơn sẽ từ từ ngấm vào lòng đất và bắt đầu cuộc hành trình trọn vẹn dài đến đáng kinh ngạc. Đường đi chính của nó sẽ là vô số những đường ngầm bí mật nằm phía dưới chân chúng ta.
Lòng đất chứa đầy những khoảng trống chứa không khí, ví dụ như những đường ngầm bé xíu được các loài sinh vật mà chúng ta không nhìn thấy tạo thành: giun đất, nhện, bọ cánh cứng, rệp, ve, vô số các loại vi sinh vật cùng với chuột trũi, thỏ và các loài động vật khác. Tất cả những sinh vật này giúp làm mềm đất bằng cách tạo không gian trong đất theo mọi hướng. Các khoảng trống giữa đá và cát, cùng các kẽ hở còn lại sau khi băng đã tan, rễ đã mục, đất đã khô, và đá đã nứt, tất cả đều đóng vai trò như những lối nhỏ để nước đi qua trong cuộc hành trình kỳ vĩ của mình.
Nước di chuyển qua các lớp cát, đất sét và tầng đá nền. Hành trình đi xuống của nó không mệt mỏi và sâu thẳm. Tùy thuộc vào độ cứng của đất, thường thì nước chỉ di chuyển được khoảng 30 cm trong một năm.
Sâu trong lòng đất, khi cuối cùng nước cũng chạm tới được đất sét cứng hay tầng đá nền, các giọt nước tụ lại với nhau và chảy thành những con suối, đôi khi trở thành các con sông hay mặt hồ như chúng ta được thấy, nó đã thu được kinh nghiệm và kiến thức, đã hình thành một nhân cách, tùy thuộc vào con đường nó đi, rất giống như nhân cách của một con người hình thành qua hành trình của người đó. Chẳng hạn, nước đã đi qua than, có kiến thức về canxi và magiê, đó là lý do vì sao chúng ta gọi nó là nước cứng. Và nước đã đi qua đá granite thì gần như không bị các khoáng chất làm thay đổi gì và được biết đến như nước mềm.
Cuối cùng, nước học được tất cả những gì có thể học từ đất và đã sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo của cuộc đời mình. Ra khỏi bóng tối, nó di chuyển lên trên, về phía ánh sáng trên mặt đất và rồi sau những cuộc phiêu lưu và trải nghiệm chưa bao giờ được biết đến, nước hiện ra dưới ánh sáng.
Từ những kẽ hở trên mặt đất, nước trào lên, mát lạnh và trong lành. Từ một dòng nước nhỏ, nước hòa vào với nước tươi mát rơi từ trên trời và nước thấm vào đất để tạo nên một dòng suối nhỏ cứ chảy mãi xuống cho tới khi, một dòng sông ra đời.
Sông hình thành lực đẩy và cuốn trôi dần các lớp đất và nền khi dòng chảy từ từ mở rộng và sâu thêm, giống như một đứa trẻ với đôi mắt sáng ngời vươn mình lớn dậy. Dòng sông trở nên đủ mạnh mẽ để xuyên qua núi hay thậm chí tạo thành một hẻm núi. Nhưng quá trình bào mòn đá cứng và đất không chỉ được thực hiện bởi nước; phần lớn quá trình này được hoàn thành nhờ sỏi và cát cuốn lẫn trong dòng chảy của nước. Những mảnh nhỏ này được nước mang theo, bào mòn đất bao quanh và cuốn theo cả những hòn đá, hòn sỏi to hơn, tạo nên sức mạnh đủ lớn để cuối cùng xuyên qua được cả những tảng đá lớn nhất.
Dòng sông bắt đầu hình thành tính cách tạo nên danh tiếng cho nó. Trong khi dòng sông này biến thành màu nâu sẫm do nước mà nó mang theo, một dòng sông khác lại chảy qua trong và sạch, rồi một dòng sông khác lại cuộn chảy ầm ầm, va đập dữ dội vào những tảng đá.
Trong cuộc hành trình xuôi xuống phía dưới của mình, nước chứng kiến rất nhiều chuyện. Có thể nó sẽ chứng kiến cá hồi di cư ngược dòng. Hươu, gấu, sóc và những sinh vật khác tụ tập hai bên bờ để thỏa mãn cơn khát của chúng. Những thân cây bị bão đốn ngã thậm chí có thể làm thay đổi dòng chảy của nó.
Sông cuối cùng cũng tới những khúc êm đềm hơn, và giờ nó chảy nhẹ nhàng khi uốn mình như con rắn khổng lồ bò táo bạo qua một vùng đồng bằng. Không bao giờ thỏa mãn với dòng chảy hiện tại, sông sẽ liên tục biến đổi, lúc này thì mở rộng ra và để cho cặn tích tụ lại thành bãi cát sau đó lại thu hẹp lại để ào ạt xô qua đá.
Nếu có thể thấy diễn biến của nhiều năm trong vài giây, ta sẽ thấy được các dòng sông biến đổi và vặn mình nhiều ra sao. Hầu hết các con sông biểu diễn quá trình biến đổi của mình chậm đến nỗi thước đo của con người gặp phải khó khăn, nhưng cũng có những con sông chuyển biến tương đối nhanh. Ví dụ như sông Mississippi đã nổi tiếng vì dịch chuyển hơn 20 m chỉ trong có một năm.
Sau khi dòng sông đã dịch chuyển, cát và đất nó mang theo thường tích tụ lại và tạo thành các bờ sông tự nhiên. Rồi lũ sẽ tràn về và cuốn bờ trôi đi, đẩy cặn đất lên mặt đất phẳng. Những đồng bằng được hình thành do nước lũ này trở thành đất phì nhiêu giúp khai sinh ra các nền văn minh.
Đế chế Ai Cập phát triển dọc theo vùng đồng bằng do sông Nin bồi đắp. Vậy nên dù lũ lụt thường bị coi là thảm họa tự nhiên, nhưng chúng cũng cung cấp cho đất chất dinh dưỡng cần thiết để các nền văn minh tự hình thành và phát triển.
Khi nước gặp con người, nó còn được chứng kiến nhiều chuyện nhiều hơn. Một ông lão băng qua cây cầu, một cô gái trẻ trên chiếc xe đạp, một đôi tình nhân ngồi ngắm sông trôi. Cứ mãi chầm chậm và cứ mãi xanh, dòng sông chứng kiến lũ trẻ chơi đùa trong công viên hai bên bờ và người cha cùng cậu con nhỏ đang chơi bắt bóng.
Dòng sông, giờ đã ở tuổi xế chiều, lại càng trở nên dịu dàng khi nó tiến dần ra phía biển. Rồi cũng đến lúc nó ra tới biển và dòng chảy của nước cuối cùng cũng đi tới hồi kết.
Tất cả những trầm tích được nước mang theo lúc đó lắng lại ở cửa sông. Kết quả là một vùng châu thổ được hình thành. Sông Hằng, sông Mississippi và sông Amazon đều đã hình thành những châu thổ tựa như hình chiếc lược tại nơi chúng gặp gỡ biển cả. Đều có khởi nguồn như một bờ cát nhỏ cuối cùng đã phát triển thành một vùng đất rộng lớn, tạo nên một đường bờ biển mới và rộng rãi. Những vùng châu thổ màu mỡ này hình thành nên những vùng nông nghiệp vĩ đại nhất trên thế giới – món quà cuối cùng mà nước dành tặng cho loài người, trước khi nó hiến mình cho đại dương vào lúc cuối đời.
Nhưng đây không thực sự là cái kết cho cuộc đời của nước, vì đại dương cũng dồi dào sự sống và cùng với tất cả các sinh vật biển, nước bây giờ mới chỉ bắt đầu hành trình của mình. Trong quá trình tái sinh vĩnh hằng, nước ở đó để trao cho chúng ta một bộ sưu tập đầy đủ tất cả những tri thức và trải nghiệm nó thu thập được. Trong một chu trình mà chúng ta xem là vĩnh cửu, nước du hành qua con đường từ bên ngoài Trái đất tới đỉnh các ngọn núi rồi tới đáy sâu đại dương, mang theo sự sống trong mình và kết nối mọi thứ với nhau trong một sự quân bình hoàn hảo.
*
Trong quá trình nước thực hiện cuộc hành trình qua cuộc sống, nó trở thành một nhân chứng cho tất cả sự sống trên Trái đất, tự nó đã trở thành dòng chảy của cuộc sống.
Trong bộ sưu tập các bức ảnh tinh thể nước thứ hai trong cuốn sách này, chúng tôi chụp ảnh của nước thu được tại một số điểm trên chu kỳ của nước, từ thượng nguồn tới hạ lưu các con sông. Chúng tôi cũng để cho nước tiếp xúc với nhiều bức ảnh chụp thiên nhiên và cây cỏ để xem nước sẽ thể hiện mình dưới dạng tinh thể ra sao. Chính trong các tinh thể, hình ảnh phản chiếu của cuộc sống sẽ được hiển lộ.
Hãy để cho nước chảy
Rất nhiều giai đoạn lịch sử của nhân loại được đặt dọc bên bờ các dòng sông. Những chiếc nôi văn hóa vĩ đại của nền văn minh đều được phát triển dọc theo các bờ sông – Nin, Tigrơ và Euphrate, sông Indus và Hoàng Hà. Và tại bất cứ nơi đâu các nhà thám hiểm đi tới, họ đều tìm kiếm nước suốt đường đi.
Từ thời đại của xe ngựa kéo cho tới ô tô, các dòng sông đã chứng kiến quá trình lao động sáng tạo của loài người chúng ta. Ngày nay, con người tiếp tục bước đi dọc theo các bờ sông, trò chuyện với bạn bè, ngắm nhìn dòng nước chảy và nói lên những niềm hy vọng cùng những ước mơ của mình.
Năm 1971, công trình đập nước ở thành phố Aswan, Ai Cập, dài 3,6 km và cao 110 m được hoàn thành. Việc xây dựng con đập này đòi hỏi phải di rời ngôi đền khổng lồ và cổ kính Abu Simbel, cùng hơn 100.000 người sống trong khu vực đó. Mọi người đều hân hoan chào đón con đập mới. Loài người cuối cùng cũng đã chinh phục được sông Nin, đặt dấu chấm hết cho một thời kỳ lịch sử lũ lụt dài dằng dặc, đồng thời tạo ra đủ điện cho một phần tư dân số Ai Cập.
Nhưng rồi những gì dòng sông đã mang lại cho con người dần dần trở nên thật rõ ràng. Sau khi bị ngăn dòng, sông Nin không thể bồi đắp cho đất nông nghiệp một thời màu mỡ của vùng châu thổ nữa. Hệ thống tưới tiêu được bổ sung và lần đầu tiên, phân bón hóa học được đưa vào sử dụng. Hệ thống tưới tiêu làm tăng nồng độ muối và làm thoái hóa lớp đất mặt. Các vũng nước và ao hình thành trên vùng châu thổ trở thành nơi sinh sôi cho các loài côn trùng có hại và gây thiệt hại to lớn cho dân cư gần đó. Vùng đồng bằng châu thổ thậm chí cũng bắt đầu tự mất dần sức sống. Các nhà khoa học sớm nhận ra rằng cá trú ngụ trong đập bắt đầu bị nhiễm thủy ngân vì nước từ các thung lũng trong núi rỉ vào trong đập. Sự sống của cây cối đã bị con đập vùi lấp và trở thành nơi sinh sôi hoàn hảo cho vi khuẩn; khi những vi khuẩn này hấp thụ thủy ngân trong đất, nó trở thành loại vi khuẩn cực kỳ độc hại có chứa metyl thủy ngân. Mật độ của hệ sinh thái liên tục tăng lên cho tới khi nó xâm nhập vào loài cá ở số lượng báo động.
Lũ lụt hàng năm ở sông Nin có thể đã khiến cuộc sống ven bờ của con người gặp nhiều khó khăn, nhưng nó là một phần không thể thiếu của chu kỳ sống cho nhiều sinh vật khác. Con đập đã phá vỡ hệ sinh thái khổng lồ mà tự nhiên đã phải mất hàng trăm ngàn năm để hình thành.
Tác động tương tự cũng được ghi nhận ở những nơi khác trên thế giới khi các con sông bị chặn. Ở Canada, người ta đã tìm thấy mức thủy ngân rất cao trong tóc của người da đỏ thuộc bộ tộc Cree sống quanh khu vực vịnh James và sông Peace vì hồ nước nơi họ câu cá đã bị ngăn đập để tạo hồ chứa nước cho nhà máy điện. Hiện tượng tương tự cũng được nhận thấy ở những vùng khác của Canada.
Đây là những ví dụ về những điều có thể xảy ra khi chúng ta quyết định chặn hoặc thay đổi dòng chảy của nước.
*
Đã đến lúc chúng ta dừng lại và suy nghĩ. Hãy luôn luôn ghi nhớ về sự trong lành, cuộc hành trình tự nhiên của nước và bạn sẽ thấy vị trí của nhân loại chúng ta trong chu kỳ sống tinh tế ấy. Chúng ta là một phần của dòng chảy và chúng ta cần học cách tôn trọng nó. Chúng ta đã thấy nước thể hiện tình yêu của mình thế nào bằng cách trao gửi những món quà lên hoa, cây, chim chóc, côn trùng và những sinh vật nhỏ bé trong tự nhiên trên đường chảy của mình. Đến lượt mình, nước cũng được cả thiên nhiên yêu mến.
Đã đến lúc chúng ta trở lại với chu kỳ của cuộc sống. Khi bạn đã học được cách yêu thiên nhiên từ tận đáy lòng, bạn cũng sẽ sẵn sàng để được đón nhận tình yêu từ thiên nhiên.
Trái đất biết cách đáp lại những lời nguyện cầu chân thành nhất của chúng ta. Khi bạn cầu nguyện, Trái đất đáp lời. Lúc ấy, tình yêu sẽ lan tỏa tới mọi sự sống và tới nước.