Thiết lập và chinh phục mục tiêu
Trên đường đời, hãy luôn dõi mắt vào mục tiêu của mình. Tập trung vào chiếc bánh vòng, chứ không phải khoảng trống ở giữa nó.
- Khuyết danh
Xưa, một nhà thông thái Ấn Độ dạy học trò bắn cung. Ông lấy con chim gỗ làm mục tiêu rồi bảo trò nhắm vào mắt chim. Sau đó, ông hỏi học trò thứ nhất kể xem đã thấy gì. Trò bảo: “Con thấy thân cây, cành cây, lá cây, bầu trời, con chim và mắt chim”.
Nhà thông thái bảo trò chờ đó. Ông kêu người thứ hai và cũng lặp lại câu hỏi cũ, anh này đáp: “Con chỉ nhìn thấy mắt con chim thôi”. Thầy bảo: “Tốt lắm. Giờ con bắn đi”. Mũi tên xé gió lao đi và trúng đích.
Nếu không tập trung, ta chẳng thể nào đạt mục tiêu. Việc xác định trọng tâm và tập trung cho mục tiêu là không đơn giản, nhưng đó là kỹ năng ta có thể rèn luyện được.
KHI KHÔNG NHÌN THẤY MỤC TIÊU
Đó là vào một buổi sáng sương mù dày đặc, ngày 4-7-1952, Florence Chadwick bước xuống nước, bắt đầu bơi vượt eo biển từ đảo Catalina đến bờ biển California. Cô là người phụ nữ đầu tiên thực hiện điều này. Bơi đường trường vốn không phải là điều mới lạ đối với Florence, bởi trước đó cô từng vượt biển Manche (nằm giữa nước Anh và nước Pháp).
Buổi sáng hôm đó, cả thế giới dõi theo sự kiện này. Chadwick vật lộn với làn sương mù dày đặc, cái lạnh thấu xương và lũ cá mập. Cô cố hết sức hướng về phía đất liền nhưng mỗi khi nhìn qua lớp kính bơi, cô chỉ thấy lớp sương mù dày đặc, không biết đâu là bờ. Cuối cùng, sau 15 tiếng đồng hồ nỗ lực, cô quyết định bỏ cuộc.
Chadwick rất thất vọng khi biết mình chỉ cách bờ có nửa dặm. Cô bỏ cuộc, không phải vì không thể bơi tiếp mà chỉ vì không nhìn thấy mục tiêu. Chadwick nói: “Tôi sẽ không biện minh gì cả. Phải chi nhìn thấy đất liền, tôi sẽ thành công”.
Hai tháng sau, cũng chính tại eo biển đó, bất chấp thời tiết xấu, Chidwick đã lập một kỷ lục mới, vượt kỷ lục của nam giới đến hai giờ.
Đôi khi chúng ta thất bại không phải vì chúng ta sợ, hay bị áp lực từ những người xung quanh… mà chỉ vì chúng ta không nhìn thấy đích đến của mình.
TẠI SAO MỤC TIÊU LẠI QUAN TRỌNG?
Chàng trai nọ đang đi thì gặp ngã tư chắn ngang trước mặt. Anh ta dừng lại và hỏi ông cụ: “Cụ có biết con đường này sẽ dẫn cháu tới đâu không ạ?”. Ông lão hỏi: “Thế anh muốn đi đâu?”. Người thanh niên đáp: “Cháu cũng không rõ”. Cụ già bảo: “Vậy thì anh đi đường nào cũng được. Có gì khác biệt đâu chứ?”.
Tương tự, trong tác phẩm Alice lạc vào xứ thần tiên, chú mèo Cheshire từng bảo Alice: “Khi bạn không biết mình đang đi đâu, thì đi đường nào cũng thế mà thôi”.
Nhiệt tình nhưng không có phương hướng sẽ chẳng đưa ta đến đâu. Chính mục tiêu giúp ta xác định được phương hướng cho đời mình.
Bạn có dám bước lên tàu hỏa hoặc máy bay khi không rõ chuyến đi ấy sẽ tới đâu không? Vậy nên, bạn đừng đi qua cuộc đời mà không có cho mình bất kỳ mục tiêu nào.
KHÁT VỌNG VÀ MỤC TIÊU
Người ta thường nhầm lẫn mục tiêu với ước mơ và khát vọng. Ước mơ và khát vọng không gì hơn sự khao khát, nhưng nếu chỉ có khao khát thì con người sẽ chẳng thay đổi được gì. Để biến khao khát thành hiện thực, cần có sự hỗ trợ của:
• Phương hướng
• Cống hiến
• Quyết tâm
• Kỷ luật
• Thời gian
Đây chính là những nhân tố làm nên sự khác biệt giữa khát vọng và mục tiêu. Mục tiêu là giấc mơ có thời hạn và có kế hoạch hành động. Mục tiêu có thể xứng đáng hoặc không xứng đáng, là sự đam mê, chứ không phải chỉ đơn thuần là ao ước.
Để biến ước mơ thành hiện thực, bạn cần:
1. Xác định rõ mục tiêu.
2. Lập kế hoạch đạt mục tiêu.
Đừng đặt ra kế hoạch nhỏ nhặt, chúng không thể nào khơi gợi được nhiệt huyết của con người. Hãy đặt ra kế hoạch lớn lao với hy vọng cao cả rồi nỗ lực vì mục tiêu ấy.
- Daniel H. Burnham
Tại sao nhiều người không thiết lập mục tiêu cho mình?
Thà cố gắng làm việc gì đó mà thất bại còn hơn không làm gì mà lại thành công.
- Lloyd Jones
Có nhiều nguyên nhân lý giải tại sao nhiều người không đặt ra mục tiêu cho mình như:
1. Thái độ bi quan, lo ngại cạm bẫy hơn là tin tưởng vào năng lực bản thân.
2. Sợ thất bại.
3. Sợ luôn phải sống theo hình ảnh thành công của mình.
4. Thiếu tham vọng.
5. Lo ngại nếu mình làm không được, người khác sẽ chê cười.
6. Chần chừ, lần lữa, “Một ngày nào đó mình sẽ đặt ra mục tiêu cụ thể”.
7. Thiếu động lực và cảm hứng.
8. Không nhận ra tầm quan trọng của mục tiêu.
9. Thiếu kiến thức trong việc thiết lập mục tiêu.
Thiết lập mục tiêu là một quá trình bao gồm nhiều bước. Nếu bạn hỏi mọi người mục tiêu chính trong đời họ là gì, đa số sẽ trả lời rằng: “Tôi muốn thành công. Tôi muốn hạnh phúc. Tôi muốn đời sống khấm khá”… Tất cả những điều đó là mơ ước, không phải là một mục tiêu rõ ràng. Mục tiêu phải theo tiêu chí SMART. Trong tiếng Anh, “smart” có nghĩa là thông minh, nhưng ở đây từ này được viết tắt bởi các chữ cái sau:
Trở ngại là những thứ đáng sợ ta nhìn thấy khi ánh mắt xa rời xa mục tiêu của mình.
- Henry Ford
1. S – cụ thể (specific). Câu nói: “Tôi muốn giảm cân” là một câu nói chung chung. Điều đó chỉ trở thành hiện thực khi bạn đặt ra mục tiêu cụ thể, chẳng hạn “Trong vòng 90 ngày tới, tôi sẽ cố gắng giảm 5 kg”.
2. M – có thể đo đếm được (measurable). Nếu không đánh giá được mục tiêu, bạn sẽ không thể nào thực hiện được. Đánh giá là cách giúp bạn theo dõi sự tiến bộ.
3. A – có thể đạt được (achievable). Mục tiêu cần có tính thách thức nhưng không được nằm ngoài tầm tay, nếu không sẽ khiến bạn nản lòng.
4. R – thiết thực (realistic). Mục tiêu cần có tính thiết thực, hợp lý.
5. T – có thời gian cụ thể (time-bound). Nên đặt ra ngày tháng bắt đầu và kết thúc để thực hiện mục tiêu.
Mục tiêu có thể:
1. Ngắn hạn – trong vòng một năm.
2. Trung hạn – trong vòng ba năm.
3. Dài hạn – trong vòng năm năm.
Mục tiêu có thể dài hơn năm năm, nhưng khi đó nó trở thành mục tiêu cuộc đời. Đặt ra mục tiêu cho mình là điều rất quan trọng. Nếu không, tầm nhìn của bạn sẽ bị hạn chế. Mục tiêu sẽ dễ đạt hơn nếu bạn chia nhỏ nó ra và lần lượt thực hiện.
Đường đời tính bằng dặm thì rất khó đi, nhưng tính bằng mét thì lại là chuyện nhỏ.
- Gean Gordon
CÂN BẰNG CUỘC SỐNG
Cuộc đời con người giống như bánh xe có sáu nan hoa, gồm:
1. Gia đình: Gồm những người mà ta thương yêu – là động lực để ta phấn đấu.
2. Tài chính: Tượng trưng cho sự nghiệp và những gì tiền bạc có thể mua được.
3. Thể xác: Không có sức khỏe, mọi thứ đều trở nên vô nghĩa.
4. Lý trí: Tượng trưng cho kiến thức và sự thông tuệ.
5. Xã hội: Mọi cá nhân, tổ chức đều phải có trách nhiệm với xã hội, nếu không, xã hội sẽ suy thoái.
6. Tinh thần: Đời sống đạo đức và tư cách.
Không thể thiếu bất kỳ yếu tố nào trong sáu yếu tố kể trên. Nếu không, cuộc sống của bạn sẽ mất sự cân bằng, như chiếc bánh xe bị vênh vậy.
Sự cân bằng
Năm 1923, tám trong số những người giàu nhất thế giới gặp gỡ nhau. Vào thời điểm đó, tài sản của họ cộng lại, theo ước tính, vượt quá tài sản của chính phủ Hoa Kỳ. Đương nhiên, họ là những người biết cách kiếm sống và tích trữ của cải. Nhưng hãy xem điều gì xảy ra với họ trong 25 năm sau:
1. Chủ tịch công ty thép lớn nhất thời ấy, ngài Charles Schwab, bị phá sản và phải sống bằng tiền vay mượn suốt năm năm trước khi chết.
2. Chủ tịch công ty khí đốt lớn nhất, Howard Hubson, bị mất trí.
3. Một trong những nhà buôn bán hàng hóa lớn nhất, Arthur Cutton, bị vỡ nợ và chết.
4. Chủ tịch Thị trường Chứng khoán New York, Richard Whitney đi tù.
5. Thành viên nội các tổng thống, ngài Albert Fall được ân xá ra tù, hồi gia và qua đời.
6. “Con gấu” vĩ đại nhất trên phố Wall, Jessie Livermore tự tử.
7. Chủ tịch công ty độc quyền lớn nhất thế giới, Ivar Krueger, tự tử.
8. Chủ tịch Ngân hàng Định cư Quốc tế, ngài Leon Fraer, tự tử.
Họ đều là những người thành công và nổi tiếng, nhưng điều mà những con người ấy quên là cách cân bằng cuộc sống. Thực tế, không phải tiền bạc đẩy họ đến bất hạnh. Tiền chỉ là phương tiện sống. Chính việc chạy theo đồng tiền, bỏ quên năm nan hoa còn lại của bánh xe cuộc sống đã khiến họ sụp đổ.
Mỗi người chúng ta cần được dạy cách kiếm sống và cách sống. Không nên mải mê công việc chuyên môn mà xao nhãng gia đình, sức khỏe và trách nhiệm xã hội.
XEM XÉT KỸ MỤC TIÊU
Người chiến thắng nhìn thấy mục tiêu; kẻ thất bại nhìn thấy rào cản. Mục tiêu vừa phải có sự thách thức, vừa phải có tính thiết thực, để đưa lại động lực phấn đấu.
Bất kỳ hành động nào của ta cũng đưa ta đến gần hoặc xa mục tiêu hơn.
Mỗi mục tiêu cần đánh giá theo các tiêu chí sau:
1. Có thực tế không?
2. Có công bằng với những người có liên quan không?
3. Có thiện chí không?
4. Có mang lại sức khỏe, thịnh vượng và tâm hồn thanh thản không?
5. Có nhất quán với các mục tiêu khác không?
6. Có thể theo đuổi mục tiêu ấy lâu dài không?
Mục tiêu không có hành động chỉ là giấc mơ trống rỗng. Hành động biến giấc mơ thành hiện thực. Dù không đạt được mục tiêu chăng nữa, ta vẫn không phải là kẻ thất bại, mà chỉ là một chút ngưng nghỉ trên đường đi đến mục tiêu của mình.
Muốn có được hình ảnh đẹp, cần phải xác định tiêu điểm khi chụp. Tương tự, muốn đạt được thành tích xuất sắc cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống, ta cần đề ra mục tiêu phấn đấu cho bản thân.
Đừng vì lo tốn thời gian mà không bắt tay vào thực hiện mục tiêu. Thời gian không bao giờ ngừng trôi; vì vậy hãy sử dụng nó một cách tốt nhất.
- Earl Nightingale
NHỮNG MỤC TIÊU VÔ NGHĨA
Con chó của anh nông dân nọ có tật hay ngồi bên lề đường ngóng xe qua. Ngay khi thấy xe đến, nó lao ra đường sủa inh ỏi, cố chạy nhanh hơn xe. Một hôm người hàng xóm hỏi anh nông dân: “Có khi nào anh cho rằng con chó này đuổi kịp xe không?”. Người nông dân đáp: “Tôi không bận tâm đến điều đó, tôi chỉ thắc mắc rằng nó sẽ được gì nếu cứ đuổi theo xe như vậy”.
Thật vậy, trong cuộc sống, nhiều người chỉ biết đeo đuổi những mục tiêu vô nghĩa, chẳng khác nào lao vào cuộc chơi đuổi hình bắt bóng.