Hành động hợp tình, hợp lý
Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ không phải là sửa chữa sai lầm của quá khứ, mà là điều chỉnh con đường cho tương lai.
- John F. Kennedy
Khi một đứa trẻ ra đời, ai là người vui mừng? Câu trả lời là bố mẹ, họ hàng và bạn bè. Nhưng ai khóc? Đứa trẻ ấy. Tuy nhiên, khi chết thì ngược lại.
Ta nên vui mừng, mãn nguyện vì mình đã góp phần vào cuộc sống và để lại thế giới tốt đẹp hơn ban đầu ta nhìn thấy. Hãy sống sao cho thế gian sẽ khóc thương, tiếc nuối vì mất đi một tâm hồn đẹp.
Giáo lý Hindu dạy rằng khi người tốt qua đời, họ không chết, mà tên tuổi sống mãi cùng với những nghĩa cử cao đẹp. Khi tỏ lòng thành kính, điều người ta thường truyền miệng nhau nhiều nhất chính là những việc tốt bình thường người chết từng làm khi còn sống. Những hành động ấy không trôi qua lặng lẽ trong sự quên lãng mà chúng có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn sau khi người ấy qua đời.
Không ai được tôn vinh vì những gì nhận được. Vinh dự là phần thưởng cho những gì người ấy đã cho đi.
- Calvin Coolidge
ĐÁNH GIÁ HỆ THỐNG GIÁ TRỊ BẢN THÂN NHƯ THẾ NÀO?
Theo Mahatma Gandhi, bảy tội lỗi lớn nhất là:
• Giàu nhưng không làm việc
• Hưởng lạc thú mà không có lương tâm
• Kiến thức mà không có tư cách
• Buôn bán mà không có đạo đức
• Khoa học mà thiếu tình người
• Tôn giáo mà không có đức hy sinh
• Chính trị mà không có nguyên tắc
Mỗi sự lệch lạc trên đều chứng tỏ sự thiếu hụt giá trị làm người.
Để xem lại hệ thống giá trị của bản thân, bạn có thể áp dụng hai bài kiểm tra có tên: “Bài kiểm tra của mẹ”, và “Bài kiểm tra của bố”.
Với “Bài kiểm tra của mẹ”, cho dù đang làm gì, ở đâu, một mình hay cùng người khác, nếu nghi ngờ giá trị của bản thân, bạn hãy tự hỏi: “Nếu mẹ thấy mình làm việc này, mẹ có tự hào rằng mình là đứa con ngoan của mẹ không? Hay mẹ sẽ phải khóc vì thất vọng?”. Nếu vượt qua bài kiểm này nhưng rớt tất cả những thử thách khác, tức là bạn đã “đậu”. Ngược lại, rớt bài này nhưng vượt qua các bài kiểm khác, tức là bạn đã thất bại.
Nếu “Bài kiểm tra của mẹ” không có kết quả, bạn hãy chuyển sang “Bài kiểm tra của bố”. Cho dù đang làm gì, ở đâu, một mình hay cùng người khác, nếu nghi ngờ giá trị bản thân, bạn hãy tự hỏi: “Nếu con mình làm chuyện này, mình có muốn thấy mặt con nữa không? Hay là mình xấu hổ?”. Một lần nữa đám mây ngờ vực sẽ nhanh chóng tan biến và bạn có câu trả lời cho mình.
TƯ CÁCH VÔ GIÁ
Trong bộ phim Indecent Proposal (Lời đề nghị khiếm nhã), người phụ nữ nọ chỉ cần đồng ý ngoại tình là có ngay một triệu đô-la. Nhưng cô đã không làm thế, đơn giản vì cô không thể đem bán lương tâm của mình, và vì giá trị thực sự của con người là vô giá.
Đồng tiền không thể trả giá sòng phẳng cho mọi loại công việc. Chẳng bố mẹ nào nuôi con mà lại thầm tính tiền lương của việc ấy cả. Có những người giàu có nhưng đời sống tâm hồn lại hết sức nghèo nàn. Mục tiêu chúng ta cần đạt được đó là vừa giàu có, vừa có đời sống tinh thần phong phú.
Ta không thể nhìn thấy hoặc chạm vào những điều tuyệt vời trên thế gian mà chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim.
- Helen Keller
Lao động vất vả dạy cho con người giá trị đồng tiền, bên cạnh đó, bố mẹ cũng phải dạy cho con cái bài học này.
Thật may mắn khi có tiền và có được đời sống vật chất sung túc, nhưng những điều tốt đẹp, quý giá trên đời lại không thể mua bằng tiền bạc.
NHỮNG GIÁ TRỊ ĐỒNG TIỀN KHÔNG MUA ĐƯỢC
Đồng tiền mua được:
• Thú vui, nhưng không mua được hạnh phúc.
• Chiếc giường, nhưng không mua được giấc ngủ.
• Sách vở, nhưng không mua được kiến thức.
• Đồng hồ, nhưng không mua được thời gian.
• Người đồng hành, nhưng không mua được bạn bè.
• Vật trang trí, nhưng không mua được cái đẹp.
• Thức ăn, nhưng không mua được sự ngon miệng.
• Căn nhà, nhưng không mua được gia đình.
• Thuốc men, nhưng không mua được sức khỏe.
• Chiếc nhẫn, nhưng không mua được tình yêu.
HAI LOẠI BI KỊCH TRONG CUỘC SỐNG
1. Không có được điều mình muốn
LỜI AN ỦI CHO NGƯỜI CHỊU ĐỰNG
Tôi cầu xin có được sức mạnh để thành đạt. Nhưng sinh ra lại là kẻ yếu đuối để tôi biết khiêm tốn, vâng lời…
Tôi cầu xin sức khỏe để làm nên điều vĩ đại.
Tôi đã được ban cho sự mong manh để biết cố gắng làm việc tốt hơn …
Tôi cầu xin giàu sang để được hạnh phúc.
Lại được ban cho nghèo khó để học được sự khôn ngoan …
Tôi cầu xin quyền lực để có được sự tán tụng của người đời.
Lại được ban cho khiếm khuyết để biết cảm nhận sự cần thiết của Chúa Trời …
Tôi đã cầu xin cho mình tất cả để được tận hưởng cuộc sống.
Lại được ban cho cuộc sống để có thể tận hưởng tất cả.
Tôi không được như mình thỉnh cầu – chỉ có những điều tôi thầm hy vọng.
Những thỉnh cầu thầm lặng ấy đều được đền đáp. Trong mọi người, tôi được hưởng phúc lành nhiều nhất!
- Khuyết danh
2. Có được điều ta muốn
Khi hệ thống giá trị nhân phẩm không rõ ràng, có được điều mình muốn có thể là bi kịch nghiêm trọng hơn. Câu chuyện về vua Midas hàm ý như vậy.
Cái chạm tay của vua Midas
Xưa, có một ông vua tham lam tên là Midas. Vốn có nhiều vàng bạc, nhưng nhà vua vẫn khát khao có nhiều hơn nữa. Hàng ngày, nhà vua vào kho tàng châu báu một mình, ngồi mân mê đếm từng thỏi vàng mình có được.
Một hôm có kẻ lạ mặt xuất hiện nói rằng sẽ cho vua Midas một điều ước. Nhà vua mừng lắm, lập tức ông bảo: “Ta muốn mọi thứ mình chạm vào đều biến thành vàng”. Người lạ hỏi nhà vua: “Bệ hạ suy nghĩ chắc chưa?”. Vua đáp: “Rồi”. Kẻ lạ mặt bảo: “Bắt đầu từ sáng ngày mai, khi xuất hiện tia nắng mặt trời đầu tiên, nhà vua sẽ có phép màu chạm vào mọi thứ đều hóa thành vàng”.
Vua nghĩ hẳn đang nằm mơ, điều này không lẽ nào lại là thực? Nhưng ngày hôm sau khi thức giấc, vua sờ vào chiếc giường, chiếc giường liền biến thành vàng. Đúng vậy, mọi thứ vua chạm vào đều biến thành vàng. Vua nhìn ra cửa sổ và thấy cô con gái yêu quý đang chơi trong vườn. Vua quyết định làm nàng ngạc nhiên, và hẳn công chúa sẽ rất hạnh phúc. Nhưng trước khi ra vườn, vua sẽ đọc sách. Ngay khi vua chạm tay vào, sách biến thành vàng nên vua không đọc được. Vua ngồi xuống ăn điểm tâm, người vừa đưa tay đến đĩa trái cây và ly nước, chúng đều biến thành vàng. Vua thấy đói và tự nhủ: “Mình không thể ăn hay uống vàng được”. Ngay khi ấy công chúa chạy vào phòng, vua Midas ôm hôn con gái, lập tức nàng biến thành pho tượng vàng, nụ cười chết cứng.
Nhà vua cúi đầu òa khóc. Kẻ lạ mặt kia xuất hiện và hỏi ông có vui với phép màu ấy không. Nhà vua bảo mình là kẻ khổ sở nhất thế gian này. Người lạ hỏi: “Bệ hạ thích có gì hơn, thức ăn và cô con gái xinh đẹp hay là hàng đống vàng cùng pho tượng công chúa?”. Nhà vua nức nở cầu xin giúp đỡ. Ông nói: “Ta sẽ bỏ hết vàng bạc của mình. Hãy trả lại con gái cho ta, không có công chúa mọi thứ trên đời, với ta, sẽ trở nên vô nghĩa”. Người lạ mặt bảo: “Bệ hạ đã khôn ngoan hơn trước rồi đấy!”. Phép màu được rút đi. Nhà vua Midas vui sướng đón công chúa trở lại trong vòng tay, ông cũng đã học được bài học không bao giờ quên trong quãng đời còn lại của mình.
BẠN MUỐN ĐỂ LẠI ĐIỀU GÌ CHO ĐỜI?
Vào một buổi sáng, người đàn ông nọ tình cờ thấy tên mình trên mục Cáo phó của một tờ báo. Do nhầm lẫn, tờ báo đưa tin ông mất. Lúc đầu, ông thực sự sốc, nhưng khi đã bình tĩnh lại, suy nghĩ tiếp theo của ông là để xem người ta nói gì về mình. Trong Cáo phó viết: “Ông vua thuốc nổ – người kinh doanh trên sự chết chóc đã qua đời”. Là nhà phát minh thuốc nổ, khi đọc thấy dòng chữ ấy, ông tự hỏi: “Phải chăng đây là cách mọi người sẽ nhớ đến mình?”. Đây là điều ông không hề mong muốn. Cũng từ ngày đó trở đi, ông bắt đầu làm việc cho hòa bình thế giới. Ông vua thuốc nổ ấy chính là Alfred Nobel, ngày nay ông được mọi người nhớ đến qua những giải thưởng Nobel vĩ đại.
Bạn muốn để lại cho đời điều gì và muốn mọi người nhớ đến bạn như thế nào? Tên tuổi của bạn có được người khác nhắc đến với tình yêu thương và sự trân trọng?... Tất cả đều phụ thuộc vào cách sống và những việc bạn làm.
NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẶT LÀM NÊN SỰ KHÁC BIỆT
Đó là vào một buổi sáng, một người đàn ông đi dạo trên bãi biển. Khi thấy hàng trăm con sao biển bị thủy triều xô dạt vào bờ, ông nghĩ, chỉ cần ít phút nữa thôi, khi nước rút đi, lũ sao biển này sẽ phải nằm phơi mình dưới ánh nắng mặt trời, và chúng sẽ bị chết. Lúc này thủy triều vừa rút nên lũ sao biển vẫn còn sống. Người đàn ông đi vài bước lại nhặt lên một con và ném trở lại với những con sóng. Cứ thế, ông liên tục nhặt lên rồi ném. Một người đi dạo gần đó, thấy vậy, thắc mắc. Khi biết chuyện, người ấy cười, nói với người đàn ông kia rằng: “Ông làm thế thì ích gì? Có hàng ngàn con sao biển mắc cạn, ông cứu được bao nhiêu? Liệu có tạo nên khác biệt nào không?”. Người đàn ông im lặng, rồi ông đi tiếp hai bước nữa, nhặt lên một con sao biển khác, ném xuống nước và bảo: “Khác biệt là với con này”.
Ta đang tạo ra sự khác biệt gì? Quy mô lớn hay nhỏ không quan trọng. Chỉ cần nhớ rằng, nhiều sự khác biệt nhỏ gộp lại sẽ làm nên một sự khác biệt lớn.
SỐNG CHO XỨNG ĐÁNG
Một cậu bé chới với giữa sông chực chết đuối. Người đàn ông đi ngang thấy thế liền nhảy xuống cứu. Khi ông sắp bước đi, cậu bé nói: “Cháu cảm ơn bác”. Người đàn ông hỏi: “Về chuyện gì?”. “Vì bác đã cứu mạng cháu” - Cậu bé đáp. Người đàn ông nhìn vào mắt cậu bé mỉm cười bảo: “Con trai, khi con lớn lên, hãy đảm bảo rằng cuộc đời của con xứng đáng với việc được cứu sống”.
Thành công nhưng không có được sự mãn nguyện là vô nghĩa. Nếu không cảm nhận được ý nghĩa và mục đích sống, cuộc đời sẽ trống rỗng, bất hạnh dù ta có tiếng tăm, tiền bạc và kiến thức thế nào đi nữa.
Thành công bắt đầu từ việc bản thân phải biết xây dựng triết lý về sự thành công, sức khỏe, tiền bạc, gia đình, xã hội và các giá trị cá nhân. Không xác định rõ ràng mục tiêu và triết lý sống cho mình, cuộc sống của ta sẽ bị ảo tưởng dẫn dắt.
CAM KẾT
Một phần không thể thiếu của hệ thống giá trị nhân phẩm tốt đẹp là sự cam kết. Khi có hệ thống giá trị rõ ràng, ta dễ đưa ra quyết định và lời cam kết của mình.
Không giữ được cam kết, chúng ta sẽ đánh mất dần niềm tin tưởng vào nhau.
Nếu trong những mối quan hệ sau đây người ta không thể trông cậy nhau, liệu cuộc sống sẽ như thế nào?
• Cha mẹ / con cái
• Học sinh / thầy cô
• Ông chủ / nhân viên
• Chồng / vợ
• Khách hàng / nhân viên bán hàng
• Bạn bè
Khi không thể tin tưởng vào bất cứ mối quan hệ nào, con người ta sẽ mang trong mình cảm giác bất an. Thiếu cam kết, mọi mối quan hệ đều mất hiệu lực.
Cam kết hàm ý:
1. Người khác có thể phụ thuộc mình
2. Người khác có thể trông cậy mình
3. Người khác có thể dự đoán hành vi của mình
4. Sự nhất quán
5. Sự quan tâm
6. Sự thấu cảm
7. Ý thức bổn phận
8. Sự chân thành
9. Tư cách
10. Sự chính trực
11. Sự trung thành
Nếu thiếu một trong những thành tố này, cam kết sẽ mất hiệu lực.
Khi cam kết với ai đó, nghĩa là bạn đưa ra lời hứa rằng: “Anh có thể tin cậy tôi dù chuyện gì xảy ra đi nữa”, hay “Tôi sẽ có mặt khi anh cần”.
Sự cam kết thường mang theo những thông điệp như:
1. Tôi sẵn lòng hy sinh vì tôi quan tâm.
2. Tôi là người chính trực và bạn có thể tin cậy.
3. Tôi sẽ không làm bạn thất vọng.
4. Bất chấp gian nan, tôi vẫn sẽ có mặt.
5. Tôi sẽ không để bạn thất vọng trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Cam kết không như bản hợp đồng có giá trị thực thi về pháp lý. Nền tảng cam kết không phải là mảnh giấy có chữ ký mà là tư cách, sự chính trực và thấu cảm.
Cam kết không có nghĩa là gắn chặt với việc gì đó khi không còn lựa chọn nào khác, mà là gắn bó dù có nhiều lựa chọn. Nếu thiếu những yếu tố trên, cam kết sẽ không còn tính bền vững và chân thành.
Cam kết có giá trị bởi nó mang lại:
• Khả năng dự liệu trước
• Sự an tâm
• Phát triển cá nhân
• Quan hệ vững chắc giữa cá nhân và cộng đồng
• Quan hệ cá nhân và nghề nghiệp bền vững
Cam kết đem lại trật tự trong cuộc sống vốn đầy những biến động phức tạp. Giữ được cam kết có giá trị xứng đáng với nỗ lực của chúng ta, vì điều đó nghĩa là ta đã bỏ qua ham muốn riêng vì nhu cầu của người khác.
Cam kết giống như chất keo gắn kết các mối quan hệ và hàm ý biết hy sinh khi cần thiết.
Ví dụ:
1. Cam kết với tình bạn hàm ý duy trì sự cẩn mật.
2. Cam kết với khách hàng hàm ý luôn phục vụ tốt.
3. Cam kết với hôn nhân hàm ý lòng chung thủy.
4. Cam kết với phẩm hạnh hàm ý tránh xa sự tầm thường, thô tục.
5. Cam kết với lòng yêu nước hàm ý hy sinh.
6. Cam kết với công việc hàm ý sự chính trực.
7. Cam kết với cộng đồng hàm ý trách nhiệm.
Cam kết nghĩa là không từ bỏ dù có cơ hội khác để lựa chọn hoặc gặp bất kỳ khó khăn nào. Các cá nhân có sự cam kết mạnh mẽ sẽ tạo nên sức mạnh cộng đồng.
Quan hệ dựa trên sự cam kết, chứ không chỉ dựa vào sự gần gũi, riêng tư. Người ta có thể thân thiết, gần gũi, nhưng lại không cam kết gắn bó. Các giá trị xã hội đã thay đổi mạnh mẽ đến mức trong vài thập kỷ qua, quan hệ không ràng buộc được xem là tốt. Đó là bởi vì nhiều người nhầm lẫn cam kết là ràng buộc. Họ không muốn cam kết vì thấy mình không sẵn sàng. Trong lúc đó, đôi khi nhiều năm liền, họ dùng của cải hoặc tài nguyên của người khác và viện cớ là: “Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu nhau rồi mới đi đến cam kết”. Thực ra đó chỉ là sự ngụy biện và vô trách nhiệm.
Cam kết hàm ý đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu riêng mình. Đôi khi người ta phải đối diện với những cam kết mâu thuẫn nhau. Ví dụ:
1. Trong lúc bệnh tình của vợ nguy cấp thì viên cảnh sát nhận được cú điện thoại khẩn cấp báo rằng anh phải nhận nhiệm vụ vì tính mệnh của 10 người đang gặp nguy hiểm. Anh sẽ làm gì đây?
2. Bác sĩ phẫu thuật mong chờ ngày con gái tốt nghiệp. Ông hứa sẽ tham dự sự kiện trọng đại này. Nhưng hai mươi phút trước khi buổi lễ bắt đầu, ông nhận được điện khẩn phải mổ cấp cứu bệnh nhân vừa bị tai nạn. Ông sẽ chọn lựa thế nào đây?
Quá trình chọn lựa giữa hai cam kết ấy hàm ẩn ưu tiên, trách nhiệm và bổn phận. Giá trị cuộc sống trên cơ sở ưu tiên giúp ta chọn cam kết này chứ không phải cam kết khác mà không rơi vào mặc cảm có lỗi.
Điều đau lớn nhất khi cam kết là chấp nhận mất niềm tin khi sự việc đổ vỡ. Cam kết giữa đôi bên vẫn duy trì nếu vấn đề phát sinh từ lỗi lầm do sơ sót. Có thể bỏ qua vi phạm do sơ sót với tấm lòng trắc ẩn và tha thứ. Tuy nhiên, phải đánh giá sự việc xem có đúng là do sơ sót hay là sự vi phạm bổn phận. Chúng ta nên có phản ứng khi đối phương vi phạm như sau:“Anh lừa tôi một lần thì anh thấy xấu hổ. Anh lừa tôi hai lần, thì tôi rất xấu hổ”.
Sẽ khó duy trì cam kết nếu không có sự vị tha. Ví dụ: con cái phản bội niềm tin của cha mẹ khi nói dối hay lừa gạt. Nhưng nếu muốn duy trì cam kết thương yêu, bố mẹ cần biết tha thứ cho con (chỉ cho con phương hướng và dạy con biết hậu quả khi nói dối).
CAM KẾT VỚI NHỮNG GIÁ TRỊ BẢN THÂN
Ta nên trung thành với ai? Với cá nhân hay tổ chức nào? Câu trả lời là chẳng đối tượng nào trong số đó cả, mà điều ta cần là trung thành với chính mình, với hệ thống giá trị đạo đức trong con người mình.
Một khi hệ thống giá trị làm người mâu thuẫn, mọi mối quan hệ của chúng ta cũng sẽ sụp đổ.
Khi cam kết trung thành với cá nhân hay tổ chức, thực sự ta có hàm ý gì? Đó là: “Tôi ủng hộ anh vì tôi tin điều anh tin”.
Sẽ như thế nào nếu người cam kết trung thành hoặc gắn bó lại là kẻ buôn ma túy hay gián điệp nước ngoài? Có nên tiếp tục ủng hộ họ vì ta lỡ cam kết không? Tuyệt đối không! Cam kết ủng hộ hành vi trái đạo đức và bất hợp pháp là một sai lầm không thể tha thứ.
Nhưng với các giá trị bản thân, ta phải luôn luôn trung thành. Nếu không duy trì cam kết này, sẽ dẫn đến các hậu quả:
• Gia đình tan vỡ
• Cuộc sống không mãn nguyện
• Con cái bị bỏ rơi
• Kinh doanh thất bại
• Sự bất ổn trong lòng
• Sự cô lập
• Các mối quan hệ đổ vỡ
• Sự tuyệt vọng
• Tội lỗi
Hãy cam kết và duy trì cam kết với những giá trị bản thân!
ĐẠO ĐỨC
Không nên vin vào hoàn cảnh để chọn lựa tiêu cực. Giá trị đạo đức ở mỗi con người không chỉ giúp cuộc đời tốt đẹp hơn, mà còn giúp chúng ta vượt qua khó khăn.
Hầu hết chọn lựa của chúng ta không liên quan đạo đức. Ví dụ, mua quần áo hay ti-vi gì là chọn lựa theo sở thích hoặc điều kiện, không phải lựa chọn đạo đức. Chọn lựa này mang tính chủ quan.
Chọn lựa liên quan đạo đức phản ánh sự chọn lựa khách quan giữa đúng và sai. Đó là lý do tại sao lương tâm cắn rứt khi ta có lựa chọn vô đạo đức nhưng lương tâm vẫn bình thường khi thực hiện lựa chọn cá nhân sai lầm – vì trong vấn đề đạo đức rõ ràng chỉ có duy nhất một sự lựa chọn đúng.
CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC
Khi làm theo những giá trị đạo đức, con người sẽ có được sự hài hòa, thanh thản trong bất cứ hoàn cảnh nào.
- Ted Koppel
Chuẩn mực là thước đo. Một mét ở châu Âu cũng là một mét ở châu Á. Một kilôgram bột là một kilôgram bột, dù bạn đến bất kỳ đâu. Người không muốn gắn bó với bất kỳ chuẩn mực đạo đức nào sẽ liên tục thay đổi quan niệm đạo đức bằng sự biện hộ rằng không có gì là đúng hoặc sai, rằng chẳng qua do cách nghĩ của con người làm sự vật như vậy thôi. Họ thiên về giải thích hơn là đặt ra chuẩn mực đối với hành vi bản thân.
Mỗi vùng miền, quốc gia có thể có những truyền thống văn hóa khác nhau, tuy nhiên những giá trị như sự công bằng, công lý, chính trực và cam kết lại mang tính phổ quát và bất diệt, không tùy thuộc vào nền văn hóa nào cả. Chẳng có xã hội nào lại không đề cao lòng can đảm so với hèn nhát.
Đạo đức và công lý liên quan những giá trị sau:
• Sự thấu cảm
• Sự công bằng
• Lòng trắc ẩn
• Những vấn nạn lớn của xã hội
Những giá trị đạo đức tiềm ẩn chính là nhân tố tạo sức mạnh cho xã hội. Năm 1993, khi Michael Severn - hiệu trưởng trường Đại học Columbia từ chức, có phóng viên hỏi ông rằng còn nhiệm vụ nào chưa làm hay không. “Có” - Severn đáp. Rồi ông đề cập việc thiếu giảng dạy đạo đức trong trường đại học: “Nhìn chung sinh viên ngồi trên ghế nhà trường không được giảng dạy nhiều về lĩnh vực này. Hầu hết các nhà giáo dục đều ngại đụng chạm vấn đề. Đạo đức thường để cho phụ huynh xử lý. Kết quả là thanh niên vốn cần được rèn luyện về đạo đức và luân lý nhất thì lại ít được giáo dục về lĩnh vực này nhất. Đạo đức và luân lý không phải là tôn giáo, mà là nguyên tắc hành xử tốt, có logic, hợp lý và cần thiết cho một xã hội thanh bình”.
Giáo dục về trí não mà không giáo dục về đạo đức là một nền giáo dục lệch lạc.
- Thoedore Roosevelt
ĐẠO ĐỨC VÀ TÍNH HỢP PHÁP
Tính hợp pháp và đạo đức là hai lĩnh vực khác nhau của đời sống. Một vấn đề nào đó có thể hợp đạo đức nhưng lại không hợp pháp và ngược lại. Ví dụ:
1. Nhân viên bảo hiểm chỉ quan tâm đến việc làm sao kiếm được thật nhiều tiền hoa hồng từ việc bán bảo hiểm cho khách hàng, mà không quan tâm rằng chính sách bảo hiểm ấy có hợp lý hay không. Điều này có thể hợp pháp nhưng vô đạo đức.
2. Một người lái xe vượt tốc độ, cố gắng chở đứa con đi cấp cứu càng nhanh càng tốt. Dù có vi phạm luật giao thông, người ta cũng dễ dàng bỏ qua cho anh trong trường hợp này. Nhưng sẽ là vô đạo đức khi các vị bác sĩ chần chừ, không có sự hỗ trợ kịp thời.
Tính hợp pháp thiết lập chuẩn mực tối thiểu, trong khi đó đạo đức và các giá trị vượt ngoài những tiêu chuẩn đó.
MỤC ĐÍCH SỐNG
Hãy học như thể bạn sẽ sống mãi.
Hãy sống như thể bạn sẽ chết ngày mai.
- Mahatma Gandhi
Con người có nhiều kiểu khao khát, một trong những khao khát có ích nhất đó là sống có mục đích...
Càng sớm tìm thấy mục đích sống, cuộc đời chúng ta càng tốt đẹp hơn. Thách thức lớn nhất chính là trong hành trình tìm kiếm ấy ta không bao giờ đặt dấu chấm hết với mục đích của mình, không chỉ với tư cách cá nhân mà còn đối với gia đình, tổ chức và đất nước. Một khi có mục đích sống và giá trị làm người rõ ràng, ta sẽ tìm được sự cân bằng đạo lý khi giải quyết mâu thuẫn giữa quyền lợi cá nhân và bổn phận xã hội. Ta biết khi nào phải nêu rõ lập trường. Đó là khi ta bắt đầu có những quyết định đúng đắn vì lợi ích lâu dài thay vì quyết định sai trái hướng vào cái lợi trước mắt. Khôn ngoan, trưởng thành giúp con người hiểu biết sâu hơn những vấn đề trọng đại.
Janette Cole từng nói: “Hãy chỉ cho tôi người hài lòng với những điều tầm thường, tôi sẽ chỉ cho bạn thấy kẻ có số phận định sẵn là thất bại”. Cuộc đời không phải là môn thể thao ngoạn mục
Không thể tự giúp mình nếu không giúp người khác.
Không thể làm cuộc sống của mình phong phú nếu không giúp người khác phát triển.
Không thể thịnh vượng nếu không mang lại sự phồn thịnh cho người khác.
- Janette Cole, Đại học Spellman
Ta không thể ngồi làm khán giả xem sự việc xảy ra, mà phải tìm mục đích làm cuộc sống có ý nghĩa và nỗ lực đạt mục đích đó.
Mỗi người chúng ta cần có một mục đích sống nhất định. Có người hỏi nhà khoa học Albert Einstein rằng: “Tại sao con người tồn tại trên đời?”. Ông đáp: “Nếu vũ trụ là một sự ngẫu nhiên, chúng ta cũng ngẫu nhiên. Sự ngẫu nhiên ấy có ý nghĩa trong vũ trụ, cũng có ý nghĩa trong mỗi chúng ta”. Và ông nói thêm: “Càng nghiên cứu vật lý, tôi càng nghiêng về siêu hình học”.
HỌC GIÁ TRỊ LÀM NGƯỜI
Ở một trường Trung học nọ, trong tiết Giáo dục công dân, thầy giáo đưa ra câu chuyện về một nữ sinh trong lớp nhặt được ví tiền đựng 1.000 đô-la đem trả lại cho người mất rồi đề nghị cả lớp đưa ra suy nghĩ về hành động này. Đa phần học sinh trong lớp đều cho rằng bạn này thật ngốc, vì kẻ bất cẩn thì đáng bị trừng phạt.
Khi được hỏi thầy giáo đã nói gì với học sinh, thầy đáp: “À, đương nhiên tôi không nói gì cả. Nếu đứng ở quan điểm đúng sai rạch ròi, thì tôi không phải là cố vấn của các em. Tôi không thể áp đặt quan điểm của mình”.
Một khi bố mẹ, thầy cô không truyền dạy cho trẻ những giá trị làm người thì trẻ sẽ học từ ai? Có thể chúng sẽ học từ các phương tiện truyền thông, kể cả những nguồn không như mong đợi. Người thầy trong ví dụ trên không những vô trách nhiệm với những giá trị đạo đức bị bóp méo mà còn không xứng đáng ở cương vị của một nhà giáo.
HÀNH VI CHIẾN THẮNG VÀ NGƯỜI CHIẾN THẮNG
Sự khác biệt giữa chiến thắng và làm người chiến thắng là gì? Chiến thắng là sự kiện, làm người chiến thắng là vấn đề tinh thần. Người chiến thắng duy trì chiến thắng theo ý nghĩa dựa vào hệ thống giá trị làm người của họ.
NHỮNG CÂU CHUYỆN CHIẾN THẮNG TRUYỀN CẢM HỨNG
1. Thế vận hội là sự kiện trọng đại mang tầm quốc tế, thế nhưng khi thấy đối thủ gặp nạn, vận động viên Lawrence Lemieux đã sẵn sàng ngừng lại trên đường đua để giúp đỡ. Rất nhiều người dõi theo hành động của anh. Thái độ coi trọng sự an toàn và quan tâm đến sinh mạng người khác ở anh đã lớn hơn niềm khát khao chiến thắng. Dù không giành thắng lợi, nhưng anh là một người chiến thắng, được mọi người tôn vinh vì nghĩa cử cao đẹp. Anh đã cho thấy tinh thần Thế vận hội sống mãi.
2. Reuben Gonzales dự trận chung kết giải đấu quần vợt tranh chức vô địch thế giới. Ở ván cuối, khi đang giành lợi thế ghi điểm quyết định thắng lợi chung cuộc, Gonzales đánh một cú rất tuyệt. Trọng tài chính và trọng tài biên đều công nhận đó là cú đánh đẹp và tuyên bố anh là người chiến thắng chung cuộc. Nhưng Gonzales, sau một thoáng sững lại ngần ngừ, đã quay lại bắt tay đối thủ và nói: “Cú đánh ấy có lỗi”. Sau đó, anh mất quyền giao bóng và cuối cùng thua trận.
Mọi người đều sửng sốt. Ai có thể tưởng tượng một tay vợt với chiến thắng cận kề như vậy lại tự truất quyền giao bóng của mình để rồi bị thua cuộc? Khi được hỏi tại sao, Gonzales đáp: “Đó là điều duy nhất cần làm để tôi giữ sự chính trực của mình”. Thua trận, nhưng anh vẫn là người chiến thắng.
3. Một nhóm nhân viên bán hàng rời thành phố đi họp và báo với gia đình sẽ về nhà vào tối thứ sáu. Nhưng thói quen hội họp xưa nay là vậy, người này gặp người kia và cuộc họp cứ kéo dài lê thê. Họ phải bắt chuyến bay cuối cùng trong ngày, nhưng đến sân bay chỉ còn dư vài phút. Tất cả cùng chạy, tay cầm vé, hy vọng lên máy bay kịp lúc. Trong khi chạy, một người va phải bàn bán trái cây. Trái cây văng tung toé, bị giập và nằm ngổn ngang trên sàn nhà. Nhưng họ không có thời gian dừng lại. Họ tới máy bay vừa kịp giờ cất cánh. Tất cả thở phào nhẹ nhõm, trừ một người. Anh đứng dậy, tạm biệt bạn bè và quay lại chiếc bàn bán trái cây lúc nãy. Những gì anh nhìn thấy khiến anh nhẹ lòng vì mình đã quyết định quay lại. Sau chiếc bàn là cô bé mù chừng mười tuổi, bán trái cây để kiếm sống. Anh bảo: “Hy vọng tụi anh chưa làm hỏng một ngày của em”. Anh lấy từ túi áo ra 10 đô-la, trao cho cô bé và nói: “Phần này là đền cho chỗ trái cây hồi nãy” rồi anh bước đi. Cô bé không nhìn thấy điều gì đang diễn ra; nhưng khi tiếng chân người thanh niên dần khuất, cô với giọng hỏi theo: “Có phải người là Thượng Đế không?”.
Ta có thể là người chiến thắng không có huy chương và là kẻ bại trận có huy chương. Tất cả phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta.
CHIẾN THẮNG THỰC SỰ
Ba người bạn chạy marathon cùng hàng trăm đối thủ khác. Không ai trong họ thắng cuộc. Vậy cả ba người này thua cuộc chăng? Không hẳn thế. Mỗi người tham dự cuộc đua với những mục tiêu khác nhau. Người thứ nhất chạy đua để kiểm tra sức chịu đựng của mình – kết quả anh thể hiện tốt hơn mong đợi. Người thứ hai muốn cải thiện thành tích trước đây, và anh đã thành công. Người thứ ba chưa bao giờ chạy marathon – mục tiêu của anh là hoàn thành cuộc đua và anh đã làm được điều ấy. Từng người bước vào cuộc đua với mục tiêu khác nhau và đều đã hoàn thành, họ là người chiến thắng dù ai đoạt huy chương vàng đi nữa.
Mark Twain từng nói rằng xứng đáng với vinh dự mà không nhận được bằng khen vẫn tốt hơn là nhận được bằng khen mà không xứng đáng. Phẩm giá con người không nhìn nhận ở việc chiếm hữu mà là ở chỗ xứng đáng.
Nếu xem chiến thắng là mục tiêu duy nhất, bạn có thể bỏ sót những phần thưởng tinh thần khác khi làm tốt công việc đã đề ra. Quan trọng hơn chiến thắng là danh dự. Thua trong danh dự có thể là do thiếu chuẩn bị còn chiến thắng nhờ gian dối là dấu hiệu của người thiếu tư cách.
Thật không đáng khi bịt mắt sự chính trực của mình và đi đường tắt để chiến thắng. Người ta có thể đoạt cúp nhưng sẽ thấy khinh bỉ chính mình.
Ngược lại, người giữ tinh thần chiến thắng sống và làm việc hàng ngày như thể đó là ngày cuối cùng của đời mình. Và khi phải ra đi, họ từ giã cõi đời với tư cách của người chiến thắng.
TƯ CÁCH NGƯỜI CHIẾN THẮNG
Người giữ tinh thần chiến thắng thường có thái độ hòa nhã. Họ không bao giờ khoác lác về bản thân, biết cảm kích và trân trọng đồng đội lẫn đối thủ của mình.
Nhiều người biết cách thành công, nhưng lại không biết cách xử trí khi thành công.
Thực tế, đời sống là đấu trường và ta phải thi đấu. Thi đấu giúp người có tính cạnh tranh phát triển. Mục tiêu của chúng ta là chiến thắng, nhưng phải là chiến thắng một cách công bằng, trung thực, đứng đắn và hợp lệ.
DI SẢN CỦA NGƯỜI CHIẾN THẮNG
Câu chuyện về người xây cầu
Một ông lão đơn độc bước đi trên đường vắng. Chiều xuống lạnh lẽo, xám xịt, ông đến bên bờ vực, mênh mông, sâu thẳm, chỉ có dòng nước ảm đạm trôi. Ông lão đã băng qua vực trong ánh chạng vạng mờ nhạt; dòng nước u ám không khiến ông sợ hãi; nhưng khi tới bờ an toàn rồi ông lão quay lại, bắc chiếc cầu băng qua dòng nước.
“Này ông lão!”- Một người cũng hành hương như ông gần đó cất tiếng.“Ông đang lãng phí sức khỏe khi dựng cầu ở đây đấy; chuyến hành hương của ông rồi sẽ kết thúc cuối ngày; ông không bao giờ phải đi đường này nữa; đã băng qua vực sâu thế này rồi, ông phải nhọc công bắc cầu làm gì vào lúc chiều tà?”.
Người bắc cầu ngẩng mái đầu già nua, bạc trắng, đáp lại: “Anh bạn tốt bụng ơi, trên đường tôi đi qua, ngày mai phía sau sẽ có một thanh niên cũng phải đi lối này. Vực thẳm này với tôi không là gì, nhưng với anh chàng tóc vàng ấy có thể là bẫy sâu. Chàng trai ấy phải đi qua lúc trời tối. Cho nên, anh bạn tốt bụng ơi, tôi làm chiếc cầu này là để cho chàng trai ấy”.
- Will Allen Dromgoole
Socrates dạy học cho Plato; Plato dạy Aristotle; Aristotle dạy Alexander Đại Đế. Kiến thức, nếu không được truyền lại cho đời sau, hẳn sẽ mất đi.
Trách nhiệm lớn nhất của chúng ta là truyền lại di sản mà thế hệ tiếp theo có thể tự hào.
SỰ THAY ĐỔI TRONG LỐI SỐNG
Thay đổi là điều tất yếu, dù ta có muốn hay không. Năm 1958, khi khảo sát ý kiến các hiệu trưởng một trường Trung học rằng những vấn đề chính của học sinh trường thầy (cô) là gì? Câu trả lời người ta nhận được đó là:
1. Không làm bài tập về nhà.
2. Không biết quý trọng tài sản. Ví dụ: quăng sách vở.
3. Không biết tiết kiệm (như để đèn sáng khi tan lớp).
4. Ném giấy trong lớp học.
5. Rượt đuổi nhau trên hành lang.
Cũng câu hỏi trên, nhưng 30 năm sau (cách một thế hệ), tức năm 1988, thì câu trả lời nhận được khiến giới nghiên cứu không khỏi sững sờ. Những vấn đề chính của học sinh trung học thời nay đó là:
1. Nạo phá thai
2. AIDS
3. Hiếp dâm
4. Ma túy
5. Nạn đánh đập, bắn giết, dùng súng và dao trong trường học
NHỮNG GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG
Mỗi quốc gia được gắn kết bởi niềm tin và tinh thần tập thể. Điều đó giúp người dân vượt qua mọi mâu thuẫn ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội, ngôn ngữ, đạo đức, lối sống và sự toàn vẹn của quốc gia ấy.
- John Gardner
Những giá trị làm người như tinh thần trách nhiệm, sự chính trực, lòng yêu nước,… bị một số người ngày nay cho là lỗi thời. Nhưng sự thật không phải vậy. Những giá trị ấy mang tính chất truyền thống chứ chắc chắn không bao giờ lỗi thời.
Bất kỳ xã hội nào đánh mất những giá trị đạo đức truyền thống đều sẽ rơi vào thảm họa, bởi mọi sụp đổ trong lịch sử đều khởi đầu từ suy đồi đạo đức.
Hơn nửa thế kỷ trước, nước Mỹ lâm vào cuộc suy thoái tàn khốc. Một phần ba tài sản quốc gia biến mất trong vòng vài tháng. Sản xuất suy giảm 77%. Một phần tư lực lượng lao động thất nghiệp. Nhiều thành phố không thể duy trì mở cửa trường học. Một phần năm học sinh phổ thông ở New York bị suy dinh dưỡng. Có đến 34 triệu nam giới, phụ nữ và trẻ em không có thu nhập.
Tuy nhiên trong những lúc tận cùng khó khăn ấy, dù nhiều người dân phải sống bằng nồi cháo tình thương, nhiều ngân hàng phải đóng cửa, Tổng thống Franklin D. Roosevelt vẫn có thể nói với cả nước Mỹ qua bài phát biểu trên đài rằng: “Ơn Chúa, những khó khăn của chúng ta chỉ về mặt vật chất”.
LÒNG TỐT LÀ GÌ?
Nếu đưa ra câu hỏi khảo sát rằng: “Bạn có phải là người tốt không?”, hầu hết mọi người sẽ đáp: “Có”. Hỏi tiếp: “Điều gì khiến bạn cho rằng bạn là người tốt?”. Lời đáp là:
• Tôi không lừa đảo thế là tốt.
• Tôi không nói dối tức là tốt.
• Tôi không ăn cắp là tốt.
Nếu phân tích những lý do trên, ta thấy chúng không thuyết phục lắm. Chẳng hạn, với người cho rằng: “Tôi không lừa đảo”, điều đó chỉ có nghĩa anh ta không phải là kẻ lừa đảo. Tương tự, người bảo mình không nói dối và ăn cắp chỉ có ý rằng họ không nói dối và trộm cắp. Nhưng những điều ấy không làm họ tốt được. Người ta chỉ tốt khi làm được những điều tốt chứ không phải không làm điều xấu. Người tốt là người mang trong mình những phẩm chất như công bằng, tình thương, can đảm, chính trực, thấu cảm, khiêm tốn, trung thành và nhã nhặn. Họ là kiểu người có thể tin cậy được, biết đứng lên bảo vệ công lý, giúp đỡ kẻ khốn khó, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Để nhận ra những biểu hiện của lòng tốt, cần có tiêu chí và chuẩn mực. Tiêu chí có thể là đạo đức, hoặc luật pháp quy định, cũng có khi là cả hai. Tiêu chí đạo đức liên quan đúng - sai và tất cả những vùng giao thoa giữa chúng. Chúng đề ra rất rõ điều gì tốt và tốt hơn, điều gì xấu và xấu hơn.
TẦM CAO CỦA CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC
Bạn sẽ làm gì trong những tình huống sau?
1. Bạn biết giá tiền taxi từ nhà mình đến sân bay là 64 đô-la. Vì thường xuyên đi nên bạn biết chắc chắn như thế. Nhưng lần này tài xế taxi chỉ xin bạn có 32 đô-la. Bạn sẽ làm gì?
2. Bạn ăn tối ở nhà hàng. Bạn gọi bốn món và người phục vụ đem ra đầy đủ, nhưng do nhầm lẫn anh chỉ tính tiền ba món. Bạn sẽ làm gì?
3. Bạn thân của bạn lâm bệnh nặng và bạn là nhân viên bán bảo hiểm nhân thọ. Bạn của bạn cần giá trị bảo hiểm lên đến 100.000 đô-la. Không ai biết và phát hiện người bạn ấy sắp chết cả. Bạn có soạn hợp đồng bán bảo hiểm trong trường hợp này không?
Không thể đề ra quy luật đạo đức. Bạn sẽ khuyên con mình thế nào trong tình huống tương tự? Hành vi của bạn có tuân thủ lời khuyên ấy trong tình huống tương tự không? Chúng ta bắt đầu bài học đạo đức từ khi chào đời và tiếp tục học suốt đời.
ĐẠO ĐỨC TRONG CÔNG VIỆC
Đạo đức hay thiếu đạo đức thể hiện rõ ràng trong mọi nghề nghiệp. Bác sĩ tham lam làm thêm thủ tục và phẫu thuật không cần thiết. Luật sư bẻ cong sự thật. Bố mẹ lẫn con cái đều có những lời nói dối vô hại. Kế toán và thư ký thường làm báo cáo sai lệch.
Khi lừa gạt những người chung quanh, cũng có nghĩa là ta đang lừa gạt chính mình và chuẩn bị để mình bị lừa gạt. Bên cạnh đó, khi lừa gạt người khác, ta sẽ tin họ cũng làm tương tự với mình, thế là ta nghi ngờ và bi quan.
KẾT LUẬN
Tại sao có nhiều người không thành công? Lý do chính là vì họ thiếu tầm nhìn hoặc tầm nhìn bị hạn chế. Cần phải nuôi dưỡng những khao khát, từ đó từng bước biến chúng thành hiện thực. Hãy sống với lòng nhiệt tình, có chí hướng và mục tiêu phấn đấu.
Giấc mơ của bạn là gì? Mỗi ngày bạn sống có đưa bạn đến gần mơ ước ấy không? Đừng nghe lời ủ ê, bi đát từ những kẻ thất bại – họ chỉ khiến bạn chùn bước mà thôi. Thay vào đó, hãy đón nhận lời khuyên từ những người thành công.
Khi tầm nhìn là một năm, ta trồng hoa. Khi tầm nhìn là mười năm, ta trồng cây. Khi tầm nhìn là vĩnh viễn, ta trồng người.
- Ngạn ngữ phương Đông
Hãy nhớ:
Người chiến thắng không làm những điều khác biệt.
Mà chính cách họ làm tạo nên sự khác biệt!
- Shiv Khera