Hãy nghĩ đến một “phép màu” có thể khiến thời gian làm bài tập ở nhà giảm đi phân nửa, thậm chí làm cho việc học trở nên thú vị hơn.
H
ãy thử hình dung có một phương pháp tuyệt vời giúp em hăng hái thực hiện và hoàn thành xuất sắc mọi bài tập, mọi yêu cầu của thầy cô giáo.
Và phương pháp này còn có thể giúp em nâng cao khả năng sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, đồng thời tăng cường trí nhớ.
Bản đồ Tư duy là gì?
Bản đồ Tư duy là một công cụ đơn giản giúp em tiếp thu, ghi nhớ và vận dụng thông tin, kiến thức trong việc học cũng như trong cuộc sống.
Bản đồ Tư duy là một cách học, ghi nhớ và ôn luyện nhanh chóng, thiết thực và hiệu quả.
Bản đồ Tư duy làm cho việc ghi chép bài vở thú vị, sinh động và nhanh hơn.
Bản đồ Tư duy là một phương pháp tuyệt vời giúp em tìm kiếm ý tưởng, cũng như lên kế hoạch cho các hoạt động hàng ngày như học tập, vui chơi, làm việc nhà…
Từ ngữ, màu sắc, đường nét và hình ảnh là những yếu tố tạo nên Bản đồ Tư duy. Nói chung, việc lập Bản đồ Tư duy không hề phức tạp, lại còn giúp em:
- Ghi nhớ tốt hơn
- Khơi mở ý tưởng
- Tiết kiệm thời gian và tận dụng tối đa quỹ thời gian
- Đạt kết quả học tập tốt
- Sắp xếp được suy nghĩ, thói quen và cuộc sống
- Thoải mái và vui vẻ hơn trong cuộc sống
BẢN ĐỒ TƯ DUY chính là “chiếc đũa phép” cho em đấy!
Tại sao Bản đồ Tư duy là một công cụ học tập hiệu quả?
Hãy nghĩ xem! Ngày ngày phải đến lớp, nghe giảng và chép bài vào vở, em cảm thấy thế nào?
Hầu hết mọi học sinh đều cảm thấy: NHÀM CHÁN! BUỒN NGỦ!
Em có muốn biết cảm giác và suy nghĩ thật sự của mình về việc phải thường xuyên lắng nghe và ghi chép từng lời từng chữ không? Hãy làm bài trắc nghiệm sau nhé!
Mỗi khi chép bài, em:
1. viết theo từng hàng, từng hàng? - CÓ/KHÔNG
2. hầu như chỉ dùng một màu mực, chủ yếu là đen, xanh dương hoặc tím? - CÓ/KHÔNG
3. thỉnh thoảng cũng có gạch đầu dòng liệt kê? - CÓ/KHÔNG
4. cảm thấy các con chữ cứ cuốn vào nhau, thay vì phải bật nhảy vào đầu em? - CÓ/KHÔNG
5. cảm thấy trang nào cũng giống như trang nào? - CÓ/KHÔNG
Nếu hầu hết câu trả lời của em là “Có” nghĩa là em nằm trong số 99% số học sinh trên khắp thế giới cho rằng việc đọc - chép bài theo cách thông thường thật nhàm chán.
Vậy, giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu một chút về bộ não con người để tìm ra cách ghi bài thú vị hơn nhé!
HỌC THUỘC TỪNG DÒNG
Bộ não người chia thành bán cầu não phải và bán cầu não trái, với mỗi bán cầu não đảm nhiệm những chức năng khác nhau. Khi ghi bài ở trường và làm bài tập về nhà, em thường hay dùng phần bán cầu não nào nhiều nhất?
Thế nào? Em đã có câu trả lời chưa?
Là “bán cầu não trái”, đúng không nào! Bởi vì:
- em thường dùng vở có kẻ sẵn ô ly.
- em ghi chép theo một thứ tự định sẵn hầu như em chỉ dùng chữ để ghi bài.
- em chỉ dùng số để phân chia thứ tự phần bài ghi em cố giữ lô-gic trong mọi việc mình làm.
- bàn học trong lớp thường được bố trí ngay hàng thẳng lối.
- để nhớ một nội dung nào đó, như hầu hết mọi học sinh trên thế giới, em cố nghĩ đến từ ngữ và những con số.
Đây là những kỹ năng thuộc về bán cầu não trái. Như vậy, với cách chép bài và học tập theo kiểu truyền thống, em mới chỉ sử dụng một nửa tiềm năng tuyệt vời của não bộ.
SỰ TẬP TRUNG
Bản đồ Tư duy sẽ hướng em tập trung vào phần trọng tâm, cũng như tất cả những chi tiết khác có liên quan. Công cụ này có thể giúp em sử dụng được cả hai bán cầu não, và theo đó em sẽ ngày càng cảm thấy say mê học tập hơn.
CÙNG HÌNH DUNG NÀO!
Bộ não con người vốn thường tư duy bằng hình ảnh và màu sắc.
Ví dụ, khi tôi nói “ngôi nhà”, ngay lập tức điều gì xuất hiện trong đầu em? Liệu bộ não em sẽ hoạt động như một chiếc máy vi tính, nghĩa là nó sẽ phân tích dữ liệu và rồi cho ra kết quả gồm hàng loạt ý tưởng có liên quan đến “ngôi nhà” được trình bày ngay hàng thẳng lối trên một trang giấy, hay trong đầu em sẽ hiện lên hình ảnh một n nhà với những bức tường, cửa ra vào và cửa sổ?
Điều đầu tiên hiện lên trong đầu em khi nghe đến từ “ngôi nhà” không phải là những dòng chữ nối đuôi nhau trên một trang giấy, mà là hình ảnh một ngôi nhà sống động.
Bộ não của em cũng suy nghĩ và ghi nhớ bằng hình ảnh. Tranh ảnh từ cuốn album hình, sách, báo hay tạp chí thường dễ làm em nhớ lại một kỷ niệm nào đó, phải không? Vì vậy, để ghi nhớ tốt, cách hiệu quả nhất là vẽ ra ý tưởng/bài học/khái niệm đó.
Hãy tưởng tượng là em phải chuyển nhà đi nơi khác, và chắc chắn bản thân em cũng chẳng hề thích chuyện đó. Em quý ngôi nhà này lắm và muốn mãi nhớ về nó. Nhưng em lo là hình ảnh về ngôi nhà thân thương sẽ bị phai mờ theo năm tháng. để nhớ, thông thường em sẽ chọn cách lập danh sách như sau:
Phòng bố mẹ - Phòng khách
Phòng mình - Nhà bếp
Phòng trống cho khách - Phòng tắm
Theo đó, em sẽ cố gắng ghi lại danh sách những từ này vào trong não mình. Nhưng giờ đây, khi đã biết bộ não thường tư duy bằng hình ảnh và màu sắc, em có thể thử áp dụng một phương pháp mới giúp cả hai bán cầu não cùng phối hợp hoạt động hiệu quả.
Đến lúc vẽ thử một Bản đồ Tư duy rồi đây!
VẼ BẢN ĐỒ TƯ DUY CHO NGÔI NHÀ
Như đã trình bày, cách hay nhất để giúp em nhớ về ngôi nhà của mình là vẽ nó ra. Vậy đầu tiên em hãy vẽ hình một ngôi nhà, giống như thế này:
để ghi nhớ từng căn phòng trong ngôi nhà, em có thể dùng những màu bút khác nhau để vẽ những đường rẽ riêng biệt bắt đầu từ hình ngôi nhà, mỗi nhánh sẽ đại diện cho một căn phòng. Chẳng hạn, nét màu vàng sẽ dành cho nhà bếp, nét màu đỏ cho phòng khách, v.v.
Em không cần băn khoăn phải dùng màu gì cho từng căn phòng; màu sắc chỉ là để phân biệt, giúp cho việc ghi chép trở nên thú vị, dễ gợi nhớ hơn mà thôi.
để làm rõ hơn đường nào sẽ đại diện cho căn phòng nào, em hãy ghi tên căn phòng lên trên đường kẻ. Ngoài ra, nếu có thời gian, em có thể vẽ thêm vài hình minh họa sinh động để dễ nhớ hơn nhé!
Thế là em vừa thực hiện xong một Bản đồ Tư duy dạng đơn giản rồi đấy!
Cách vẽ Bản đồ Tư duy
Vẽ Bản đồ Tư duy không hề khó chút nào. Chỉ cần em nắm được
5 bước cơ bản sau:
1. Dùng một tờ giấy không có đường kẻ và bút màu. Nhớ đặt tờ giấy nằm ngang nhé!
2. Ở giữa tờ giấy, vẽ một hình ảnh đại diện cho chủ đề chính.
3. Từ hình này, em bắt đầu vẽ những nhánh lớn (không cần thẳng hàng) tỏa ra xung quanh. Mỗi đường sẽ đại diện cho một ý chính trong bài học hay bài tập của em.
4. Tiếp theo, hãy viết các ý chính lên trên từng nhánh lớn – nên dùng từ ngắn gọn thay vì là cả câu văn dài dòng. Các từ khóa luôn được viết ở trên nhánh để nhấn mạnh ý cần ghi nhớ. Nếu muốn, em có thể vẽ những hình ảnh hoặc biểu tượng minh họa bên cạnh các ý – cách này sẽ kích thích hai bán cầu não của em cùng hoạt động.
5. Từ một ý chính, em có thể vẽ thêm những nhánh nhỏ và viết lên đó các ý chi tiết.
Bộ dụng cụ thực hiện bản đồ Tư duy
Bộ dụng cụ này cực kỳ gọn gàng, tiện lợi nên em có thể mang theo đến bất kỳ nơi đâu. Thật ra em chỉ cần chuẩn bị:
- giấy không đường kẻ
- bút màu
- và bộ não của em
Vẽ một Bản đồ Tư duy là cứu lấy một cái cây!
Lập Bản đồ Tư duy về bản thân
Em đã có đủ các dụng cụ rồi, phải không nào? Giờ hãy bắt tay vào thực hiện tấm Bản đồ đầu tiên của em nhé!
Dưới đây là một Bản đồ Tư duy mẫu để em tham khảo, còn hình ở trang bên vẫn còn trống để em có thể điền vào những thông tin về bản thân.
Giờ chúng ta sẽ cùng chuyển sang nghiên cứu một chủ đề vô cùng quan trọng, chắc chắn em sẽ tự tin mình là một “chuyên gia” hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này: Sở thích của tôi.
Hãy lật sang trang sau để biết cách thực hiện Bản đồ Tư duy về những sở thích của bản thân!
Như em đã thấy, ở trang 17 có một cái khung với từ “SỞ THÍCH” ở bên trên. Giờ em hãy tự vẽ bức chân dung của mình vào khung hình, ngay bên dưới từ “SỞ THÍCH”. Bức tự họa không nhất thiết phải đẹp lắm đâu, chỉ cần vài nét phác họa thôi.
Từ hình trung tâm chẽ ra 5 nhánh trông giống như vòi bạch tuộc. Trên mỗi nhánh sẽ ghi những từ/cụm từ ngắn được viết to, viết đậm thể hiện một sở thích nào đó của em, chẳng hạn như: âm nhạc, trò chơi điện tử, sách, động vật, hay thể thao, v.v.
Thế thật dễ, đúng không nào?
Từ mỗi nhánh lớn, em lại vẽ tiếp 3 nhánh nhỏ. Trên mỗi nhánh, hãy viết thật rõ một sở thích cụ thể của em. Ví dụ, nếu một trong những sở thích của em là “Âm nhạc”, vậy thì cụ thể đó là những thể loại nhạc nào? Còn nếu như em yêu động vật, hãy ghi trên mỗi nhánh nhỏ tên con vật mà em thực sự yêu thích.
Việc này cũng đâu có gì khó, phải không?
Trong những trang tiếp theo, em sẽ hiểu được tại sao phương pháp này có thể giúp em đạt được những bước tiến vững chắc, đôi khi tiến bộ rất nhanh, trong học tập cũng như trong những hoạt động thường ngày. Và em cũng sẽ thấy phương pháp được thực hiện vô cùng đơn giản mà lại hiệu quả.
Góc thắc mắc
- Có thể vẽ nhiều hơn 5 nhánh chính không?
Ồ, tất nhiên là có thể!
- Có thể thêm nhánh phụ cho mọi nhánh chính không?
Dĩ nhiên là được!
- Có thể vẽ thêm 2 hoặc 3 nhánh “cháu”, nhánh “chắt” cho các nhánh phụ không?
Hoàn toàn được.
- Các nhánh “cháu”, nhánh “chắt” sẽ tiếp tục sinh sôi đến chừng nào?
Đến chừng nào mà em còn nghĩ ra ý. Bởi Bản đồ Tư duy sẽ cho em thấy khả năng tư duy lẫn sáng tạo của em là vô hạn.
Giờ hãy quay trở lại với Bản đồ Tư duy về sở thích của em, tiếp tục bổ sung thêm bất cứ điều gì em muốn. Khi đã hoàn tất bản đồ, hãy tự chúc mừng mình. Em đã thực hiện xong tấm Bản đồ Tư duy đầu tiên rồi đấy.