T
rong chương này, em sẽ nhận thấy Bản đồ Tư duy có thể giúp cho việc học cũng như cuộc sống của em trở nên dễ dàng và thú vị hơn nhiều. Vì đây là bí quyết giúp em:
- ghi nhớ mọi việc
- ghi chép hiệu quả hơn
- khơi dậy những ý tưởng mới tiết kiệm thời gian
- tập trung tốt
- tận dụng được hầu hết quỹ thời gian
- đạt kết quả tốt trong các kỳ thi và bài kiểm tra
Ứng dụng Bản đồ Tư duy để ghi nhớ
Đã bao giờ em đang kể một câu chuyện đùa thì nửa chừng lại quên mất một tình tiết nên đành phải… “bịa” để kể nốt cho hết chuyện?
Đã bao giờ em cứ đứng ú a ú ớ, moi không ra một chữ khi lên trả bài, mặc dù đã học bài “thuộc như cháo”?
Những chi tiết “mất tích” đó chắc chắn vẫn nằm ở đâu đó trong đầu em, nhưng… cụ thể là ở đâu?!
Tốt nhất là đừng để những tình huống như thế tiếp tục diễn ra. Bản đồ Tư duy chính là công cụ đơn giản nhất giúp lôi những điều đã ghi nhớ ra khỏi đầu em.
Hãy nhìn vào bản đồ ở trang bên và tìm hiểu xem “đánh thức” ý tưởng có nghĩa là gì!
Trí nhớ
Em cho rằng việc hay quên là một vấn đề rắc rối ư? Giờ thì Bản đồ Tư duy sẽ giúp em quên bẵng… rằng em từng gặp rắc rối với chuyện ghi nhớ.
Em đã thấy viết và vẽ có thể “đánh thức” ý tưởng dễ như thế nào rồi phải không! Do đó, Bản đồ Tư duy là cách tuyệt vời và hiệu quả để tìm lại những thông tin “thất lạc”.
Ứng dụng Bản đồ Tư duy để ghi chép
Bộ não con người đâu chỉ tư duy theo hàng, theo dòng. Vì lẽ đó, việc học bài theo kiểu “nhai đi nhai lại” chẳng phát huy mấy tác dụng. Nhiều khi em còn lãng phí thời gian và thấy nhàm chán, không hứng thú vì cứ phải đọc hoài một thứ.
Hãy đọc đoạn thông tin ở trang bên, và tưởng tượng em cần phải học thuộc nó để chuẩn bị cho bài kiểm tra ở trường. Thay vì đọc đi đọc lại để cố nhét bài học vào đầu, sao em không thử cách nào đó mà chỉ cần đọc một lần duy nhất thôi.
Trong lúc đọc một đoạn văn hoặc câu chuyện, hãy hình dung em sẽ kể lại cho người khác nghe như thế nào. Việc này sẽ giúp em tập trung tâm trí hơn.
Em cũng có thể dùng Bộ câu hỏi ở trang 26 để kết nối các ý tưởng trong quá trình đọc. Tự đặt câu hỏi trong khi đọc sẽ giúp em hiểu nội dung hơn, mau nhớ và sau đó dễ lập Bản đồ Tư duy hơn.
CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ 2
Chiến tranh Thế giới thứ hai diễn ra từ năm 1939 đến năm 1945 trên nhiều mặt trận: Tây Âu, Xô - Đức, Bắc Phi và châu Á - Thái Bình Dương. 60 triệu người đã chết trong cuộc chiến tranh này, trong đó có khoảng 40 triệu thường dân.
Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 làm cho các nước đế quốc chia thành 2 khối quân sự đối lập: khối Phát xít (gồm Đức - Ý - Nhật) và khối Đồng minh (Anh - Pháp - Mỹ). Khối Phát xít tìm cách thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và chia lại thế giới bằng chiến tranh.
Ngày 1 tháng 9 năm 1939, Đức xâm lược Ba Lan khiến Anh và Pháp phải tuyên chiến với Đức. Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ từ đây và lan rộng khắp thế giới.
Tháng 6 năm 1941, Đức tấn công Liên Xô.
Ở chiến trường Thái Bình Dương, ngày 7 tháng 12 năm 1941, Nhật tuyên chiến với quân Đồng minh (đặc biệt là Mỹ) khi tấn công vào Trân Châu Cảng.
Ngày 1 tháng 1 năm 1942, 26 quốc gia, đứng đầu là Liên Xô, Mỹ, Anh đã cam kết cùng nhau chống phát xít với toàn bộ lực lượng của mình. Khối Đồng Minh chống phát xít được thành lập.
Do phải căng quân trên quá nhiều mặt trận, phe Phát xít chịu nhiều thiệt hại và thất bại trong các trận chiến quan trọng trước phe Đồng minh và Liên Xô, đặc biệt là sau khi Đồng minh và Liên Xô “bắt tay” nhau.
Ngày 9 tháng 5 năm 1945, quân Phát xít đầu hàng ở châu Âu và Bắc Phi. Đến tháng 8 năm 1945, sau khi Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, quân Nhật đầu hàng. Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.
(Tổng hợp từ wikipedia)
Bộ câu hỏi
Bộ câu hỏi tiện lợi này có thể giúp em rất nhiều đấy!
MÀU SẮC SẼ LÀM CÁC Ý NỔI BẬT HƠN ĐẤY!
1. Dùng một tờ giấy không đường kẻ và bút màu.
2. Tìm ra ý chính của câu chuyện rồi vẽ hình minh họa cho ý đó vào giữa trang giấy. Hãy đảm bảo hình vẽ của em có thể chuyển tải được cả nội dung câu chuyện. Đừng quên dùng nhiều màu sắc để hình ảnh thêm sinh động và dễ nhớ.
3. Từ hình trung tâm, vẽ tỏa ra nhiều nhánh. Mỗi nhánh là một ý chính của câu chuyện – có thể vận dụng Bộ câu hỏi Cái gì – Ở đâu – Khi nào – Ai – Tại sao – Kết quả để phân ý.
4. Viết ý chi tiết lên mỗi nhánh. Chỉ nên dùng từ ngắn gọn, và vẽ thêm hình minh họa nếu có thể.
5. Tiếp theo, từ mỗi nhánh lớn, ta lại vẽ thêm nhiều nhánh nhỏ tỏa ra. Như vậy, em có thể thêm vào nhiều ý chi tiết hơn cho Bản đồ Tư duy.
Đây là lúc em có thể thêm vào những chi tiết vốn thường dễ quên trong lúc làm kiểm tra như: ngày tháng, tên tuổi hay các số liệu… Chỉ dùng những từ đơn, cụm từ ngắn hoặc con số, đừng nên viết cả câu hay cụm từ quá dài.
Mẹo nhỏ: Màu sắc sẽ làm các ý nổi bật hơn đấy!
Hãy nhìn vào Bản đồ Tư duy ở trang sau và xem phần nội dung có gì khác so với cách ghi chép của em không nhé! Tất nhiên sẽ có sự khác biệt bởi Bản đồ Tư duy thể hiện ra bên ngoài những điều đang diễn ra trong đầu em. Và vì những suy nghĩ trong đầu em là độc nhất, nên Bản đồ Tư duy của em cũng rất độc đáo.
“Đánh thức” ý tưởng từ bên trong
Bản đồ Tư duy giúp em tìm thấy và “lôi ra” những ý tưởng nằm khuất đâu đó trong bộ não, cứu em khỏi những khoảnh khắc… “bí lù”.
Thu thập ý tưởng
Bản đồ Tư duy cũng giúp em nắm bắt ý tưởng, liên kết các ý với nhau khi nghe giáo viên giảng bài, khi đọc sách hoặc tra cứu thông tin trên máy tính. Theo cách này, hiểu biết của em sẽ ngày một gia tăng.
Phát huy khả năng tư duy
Bản đồ Tư duy là một công cụ tuyệt vời, giúp em tư duy tốt hơn, nhanh hơn, rõ ràng hơn và cảm thấy thú vị hơn.
Dùng Bản đồ Tư duy để gợi mở ý tưởng mới
Đến đây, em đã biết cách lập Bản đồ Tư duy cho một câu chuyện. Em có thể áp dụng cách làm này đối với cả một tờ báo, sách hay quyển vở ghi chép của em – hãy biến tất cả thành Bản đồ Tư duy, “người bạn” thân thiết của trí não. Ở những phần sau, tôi sẽ hướng dẫn em dùng Bản đồ Tư duy để ôn bài.
Ngoài việc ghi nhớ, liệu ta có thể vận dụng công cụ này vào những việc khác không? Chẳng hạn như tìm tòi ý tưởng, lập dàn ý để sáng tác một câu chuyện hay lên kế hoạch thực hiện một đề tài?
À, chuyện đó cũng dễ thôi! Bộ não của chúng ta chính là cỗ máy sáng tạo nhất thế giới. Tất cả những gì em cần chỉ là một chiếc Bản đồ Tư duy, nơi nảy sinh vô vàn ý tưởng sáng tạo.
“EM CHẲNG THỂ NGHĨ RA Ý GÌ ĐỂ VIẾT CẢ!”
Em vừa trải qua một ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ. Em được gặp gỡ bạn bè, chơi đùa, lang thang suốt ngày và gạt hết bài vở ra khỏi đầu mình. Em dùng sức mạnh thần kỳ của bộ não để tìm ra những lý lẽ hợp lý nhằm phớt lờ một nhiệm vụ quan trọng nào đó, và ước gì mình không phải hoàn thành nó. Hẳn là em đã đoán biết được tôi đang nói về điều gì rồi chứ! Phải rồi… mấy bài tập làm văn ở nhà.
Không hiểu tại sao thầy cô cứ bắt em phải viết về những đề tài thật là nhàm chán! Những đề tài như Doraemon, Harry Potter hay Năm anh em siêu nhân chẳng phải sẽ dễ và thú vị hơn sao?!
Em cảm thấy những đề bài được giao quá khô khan và chẳng gợi chút cảm hứng nào hết. Em thẫn thờ, chong mắt nhìn vào trang giấy trắng suốt cả tối Chủ nhật và “lạc” luôn trong đống bài tập phải nộp vào hôm sau.
Vậy sao chúng ta không khiến trang giấy trắng trước mắt hữu dụng hơn chút nhỉ? Bản đồ Tư duy cùng với khả năng tuyệt vời của bộ não sẽ khiến những đề văn và câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn.
LẬP DÀN Ý XÂY DỰNG CÂU CHUYỆN – CHIẾC BÌNH THẤT LẠC
1. Dùng một tờ giấy không đường kẻ và bút màu.
2. Ở giữa tờ giấy, hãy vẽ hình một cái bình. Tô màu và thêm vài chi tiết giống như em hình dung. Việc này sẽ giúp kích thích trí tưởng tượng của em.
3. Vẽ các nhánh tỏa ra từ hình ảnh trung tâm. Đây là những “nhánh” ý tưởng chính.
4. Đến lúc phát huy khả năng tưởng tượng rồi đây! Hãy thêm vào câu chuyện những chi tiết thần kỳ nhất, màu nhiệm nhất và thú vị nhất. Dùng Bộ câu hỏi Cái gì - Ở đâu - Khi nào - Ai - Tại sao - Kết quả, chẳng hạn như: Cái bình có từ khi nào? Được làm ở đâu? Nó có những khả năng thần kỳ nào? Nó bao nhiêu tuổi? Ai sở hữu nó, ai làm mất nó? Sao nó lại xuất hiện ở nơi đó?...
5. Viết các ý này lên các nhánh, nhớ dùng thêm các biểu tượng, hình vẽ, màu sắc cho sinh động.
6. Hãy để trí tưởng tượng của em tiếp tục bay bổng. Vẽ thêm các nhánh nhỏ từ mỗi nhánh chính và thêm vào các chi tiết hấp dẫn hơn. Càng thêm nhiều ý, câu chuyện càng sống động và hiện rõ hơn trong đầu em (và cả trong đầu người đọc).
7. Cứ tiếp tục thêm vào các “nhánh” ý tưởng chi tiết hơn cho đến khi em cảm thấy đã có đủ tình tiết thú vị để sáng tác câu chuyện của mình.
Sau khi thực hiện xong, hãy nhìn Bản đồ Tư duy ở trang sau và so sánh câu chuyện của tôi với câu chuyện của em. Thật tuyệt khi từ một chủ đề, chúng ta có thể sáng tác ra thật nhiều câu chuyện khác nhau!