X
ét cho cùng thì bầu trời cũng có giới hạn của nó. Thế nhưng Bản đồ Tư duy thì không có giới hạn đâu nhé! Bản đồ Tư duy đâu chỉ dùng cho việc học hành. Đây cũng là một công cụ lý tưởng để sắp xếp công việc hàng ngày đấy!
Bản đồ Tư duy sẽ giúp em lên kế hoạch cho mọi việc và tìm ra những ý tưởng tuyệt vời. Nếu muốn tổ chức một buổi tiệc tuyệt cú mèo, có một căn phòng riêng hoàn hảo hay xây dựng một trang web thú vị…, Bản đồ Tư duy luôn là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp em thành công.
Lên kế hoạch cho một bữa tiệc hoành trán với Bản đồ Tư duy
Một sự kiện thú vị sắp diễn ra, một bữa tiệc chẳng hạn, như thế thì việc chuẩn bị là rất cần thiết đây. Việc lên kế hoạch sẽ giúp em tổ chức tốt hơn, khiến mọi công đoạn vận hành trơn tru hơn. Em và mọi người sẽ được tận hưởng bữa tiệc thoải mái mà không phải lo liệu có còn sót điều gì không.
Lập kế hoạch
Cũng giống với cách đội bóng, quân đội hay nhóm thám hiểm lên kế hoạch: phải nhìn toàn cảnh, xác định cả những điều khả quan và không khả quan; tương tự như vậy, Bản đồ Tư duy sẽ giúp em lập kế hoạch tổ chức sự kiện, một cuộc thi đấu thể thao và cả những cuộc phiêu lưu trong đời.
Sắp tới sinh nhật em chưa? Nếu chưa thì tôi dám chắc em vẫn có thể tìm ra đủ lý lẽ để xin tổ chức một bữa tiệc hay một cuộc hội họp với bạn bè. Bữa tiệc lý tưởng của em sẽ như thế nào?
Bản đồ Tư duy ở trang 92-93 là bản kế hoạch chi tiết cho một bữa tiệc sinh nhật điển hình, nhưng có lẽ em đã có nhiều ý tưởng hơn là một bữa ăn uống tại nhà rồi. Có khi đó là phương án tốt hơn ấy chứ, như đi xem phim chẳng hạn? Hoặc là đi “ăn hàng” chăng?
Hãy lấy Bản đồ Tư duy sau đây làm mẫu để lập kế hoạch cho bữa tiệc hoàn hảo của em nhé!
- Vẽ một bức hình ở giữa trang giấy (như bánh sinh nhật, quả bong bóng…) để thể hiện cho bữa tiệc sinh nhật của em.
- Tiếp theo, hãy vẽ những nhánh chính, đại diện cho những hoạt động chính mà em nghĩ sẽ thực hiện trong suốt bữa tiệc. Nhớ dùng màu khác nhau cho mỗi nhánh để làm nổi bật nhé. Có lẽ em sẽ cần thêm danh sách sau đây:
- LÝ DO tổ chức tiệc?
- Tổ chức KHI NÀO?
- Tổ chức Ở ĐÂU?
- Sẽ mời AI?
- Bữa tiệc gồm những HOẠT ĐỘNG NÀO?
- Bữa tiệc có CHỦ ĐỀ không?
- Sẽ có THỨC ĂN chứ? Nếu có thì đó là gì?
- Và phần ÂM NHẠC nữa?
Những câu hỏi trên là để giúp em khởi động, có thể sẽ có thêm nhiều điều quan trọng cần làm cho một bữa tiệc hoàn hảo.
- Ngay khi đã vẽ được nhánh chính, em thực sự có thể thảo ra kế hoạch cho mình. Vẽ những nhánh con để có thể vạch ra kế hoạch chi tiết hơn.
- Chẳng hạn, nếu muốn có thêm phần âm nhạc, em sẽ chọn loại nhạc nào? Em sẽ tìm một DJ hay bật nhạc từ đĩa CD, hay sẽ cùng các bạn đệm piano và hát? Hãy đặt mỗi lựa chọn lên mỗi nhánh khác nhau.
- Em có thể tiếp tục thêm những nhánh con để lập kế hoạch chi tiết hơn nếu muốn. Sẽ thật tuyệt khi có thể đưa ra nhiều ý tưởng, nếu không dùng Bản đồ Tư duy thì sẽ khó nghĩ ra được chừng ấy.
Sắp xếp phòng ngủ
Giờ thì thành thật nhé, đã bao lâu rồi em không dọn phòng? Nếu vừa mới dọn đây, em đã tống bao nhiêu thứ đồ vào gầm giường và hộc tủ? Phòng của em có thực sự sạch bong, không còn dấu vết của giấy nháp, đồ chơi cũ, tạp chí, quần áo, v.v., trên sàn nhà?
Xếp lại phòng là một công việc gian nan thật đấy, nhưng nếu đang bị bố mẹ càu nhàu bắt buộc phải dọn mọi thứ cho ngăn nắp, em có thể dùng Bản đồ Tư duy để “tăng tốc” cho việc này, và cũng để “ghi điểm” trong cuốn sổ “con ngoan” của bố mẹ. Thêm vào đó, em có thể tận dụng luôn tấm Bản đồ - Dọn dẹp để thiết kế lại phòng ốc theo ý thích.
Xét cho cùng thì em có thực sự cần giữ một cuốn sách giáo khoa lớp 1 bám đầy bụi dưới gầm giường không? Em muốn mọi người nghĩ em vẫn còn đang tập đọc ư? Vậy thì tốt nhất là nên bắt tay dọn dẹp thôi.
LẬP BẢN ĐỒ TƯ DUY CHO CUỘC “CÁCH MẠNG” PHÒNG ỐC
Trang 96-97 sẽ hướng dẫn em cách dùng Bản đồ Tư duy để biến căn phòng riêng thành hình mẫu mà em mong muốn – ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ! Tuy nhiên, việc này không phải chỉ đơn giản là dẹp bớt rương hòm đi. Em cũng có thể lập Bản đồ để bài trí lại và tạo không khí cho căn phòng.
- Trước tiên, hãy vẽ bức hình căn phòng lý tưởng của em vào giữa trang giấy.
- Căn phòng lý tưởng trong trí tưởng tượng của em trông như thế nào? Màu gì? Em sẽ treo những tranh ảnh nào? Đồ vật trung tâm của phòng là gì? Em có muốn treo thêm chuông gió không? Căn phòng này tạo cảm giác thế nào?
- Từ những tưởng tượng đó, em hãy vẽ các nhánh chính. Và cứ thế, những nhánh phụ và nhánh chi tiết tiếp tục “đâm ra” từ những nhánh chính này. Nhớ sử dụng màu sắc và hình ảnh minh họa để tấm Bản đồ thêm sinh động nhé!
- Nêu rõ những món đồ em muốn bỏ đi, cả những món em muốn giữ và sắp xếp lại, đặc biệt là những món còn mới toanh em cần dùng để trang hoàng lại căn phòng.
- Cứ tiếp tục cho đến khi em đã có được một bản kế hoạch đơn giản, dễ thực hiện. Và điều duy nhất còn lại là thực hiện ngay kế hoạch này.
Khi đã hoàn thành Bản đồ Tư duy, cũng như hoàn tất cuộc “cách mạng” phòng ốc, hãy gửi cho tôi một bản sao tấm
Bản đồ và một bức hình chụp căn phòng mới của em. Tôi rất trông mong đấy!
Lập kế hoạch cho một dự án
Chẳng gì sánh bằng những ngày nghỉ đang trải ra trước mắt, chẳng có gì phải làm ngoài việc nhấc chân tay lên tham gia những hoạt động ưa thích, xem những chương trình ti-vi thú vị và đi chơi cùng bạn bè. Tất nhiên là thế nếu như em không phải hoàn thành một dự án/bài tập lớn.
Những ngày nghỉ tuyệt vời như thế đã bị phá hỏng bởi đống bài tập được giao vào cuối học kỳ. Nhưng em đâu nhất thiết phải để những bài tập này làm hỏng ngày nghỉ của mình. Bản đồ Tư duy sẽ giúp em hoàn thành tất cả một cách đơn giản, nhanh chóng và (biết đâu chừng) cực kỳ vui!
Trang 99 là một ví dụ về danh sách những điều cần thiết cho tấm Bản đồ Tư duy. Cần có 6 bước đơn giản – tương đương với 6 nhánh chính – để lên kế hoạch.
Bản đồ Tư duy ở trang 100 –101 sẽ minh họa cách sắp xếp và tổ chức thực hiện bất cứ bài tập lớn nào. Vẫn như thường lệ, bắt đầu với một hình vẽ ở giữa trang giấy rồi vẽ tỏa ra 6 nhánh, đại diện cho mỗi bước cần thực hiện. Tôi đã tô màu các từ khóa để giúp em dễ chọn biểu tượng cho mỗi nhánh chính.
1. Thực hiện dự án/bài tập lớn này để làm gì? Có thể là để chuẩn bị cho buổi tham quan sắp tới, hoặc để tổng kết những gì đã học suốt thời gian qua.
2. Mục tiêu của em là gì? Lúc nào cũng nên định sẵn một mục tiêu để có hướng phấn đấu. Như ở trang 100, đề tài ví dụ là một cuộc thi và mục tiêu là chiến thắng. Mục tiêu của em có thể là đạt điểm cao, nhưng đôi khi cũng là nộp bài đúng hạn.
3. Chủ đề là gì? Đây là phần rất quan trọng, có thể giúp em xây dựng thêm nhiều nhánh cho Bản đồ Tư duy khi có thêm ý tưởng.
4. Em định làm gì? Những hoạt động gì phù hợp với đề tài này? Em định viết ra, xây dựng mô hình, tập hợp tất cả thành một quyển sổ tư liệu hay vẽ thành tranh?
5. Tra cứu, tìm kiếm thông tin như thế nào? Em tìm nguồn ở đâu? Nguồn tìm kiếm rất nhiều và đa dạng, em có thể tìm trên mạng, thư viện hay hỏi người khác.
6. Cuối cùng là yếu tố thời gian. Khi nào em bắt đầu? Khi nào kết thúc? Chia nhỏ cả quá trình thành nhiều công đoạn, thiết lập thời gian để thực hiện từng phần, từ đó quy ra tổng thời gian, sao cho em có thể tự quản lý quỹ thời gian thực hiện cả đề tài.
Với Bản đồ Tư duy, em có thể thực hiện đề tài này một cách sáng tạo, có tổ chức hơn, đồng thời kiểm soát tiến độ tốt và dễ hơn, nhờ đó tiết kiệm rất nhiều thời gian. Nếu huy động được cả gia đình và bạn bè làm cùng, nhiệm vụ sẽ còn dễ hơn nữa, bởi không khí làm việc sẽ bớt nhàm chán, thay vào đó quá trình hoàn thành bài tập thú vị không khác gì đang chơi. Mà ấy là chưa kể đến điểm số cao dành cho công sức em đấy.
Cửa hàng trong mơ
Em đã bao giờ bị mẹ lôi đi khắp khu mua sắm chưa? Ngán lắm phải không? Rất chán nữa ấy chứ! Những chuyến đi mua sắm này thường diễn ra trước khi năm học bắt đầu, khi em đã lớn thêm một tí và bộ đồng phục cũ chẳng còn vừa, hay khi đôi giày của em đã mòn vẹt hết. Nhưng chẳng gì tệ hơn việc phải đi mua đồ dùng học tập. Cửa hàng bán dụng cụ học tập thật là buồn tẻ. Hoàn toàn chẳng có trò chơi gì hết.
Nếu có được cửa hàng riêng cho mình thì mọi thứ sẽ rất khác, việc mua sắm sẽ thật tuyệt vời. Hãy nghĩ về một cửa hàng nơi mọi thứ đều miễn phí và em có thể chọn bất cứ món gì mình muốn.
Bản đồ Tư duy ở trang 104 là ví dụ về cửa hàng trong mơ của một cậu bé. Em có vô số lựa chọn. Cửa hàng có khu ăn uống, có nhiều thứ để chơi, để xem, đọc và để mặc. Cửa hàng có đúng thứ em cần, giống y như tên gọi của nó.
- Thảo ra bản đồ về cửa hàng trong mơ của em ra giấy. Bắt đầu với một hình ảnh ở giữa. Đó có thể là hình một cửa hàng hay hình một chiếc túi mua sắm cực lớn – tùy tưởng tượng của em.
- Vẽ những nhánh đậm màu, thể hiện các loại hàng hóa em muốn bán trong cửa hàng, có thể là kẹo, quần áo, sách vở, dụng cụ thể thao hay trò chơi điện tử.
- Viết tên và vẽ thêm những hình nhỏ nếu muốn. Sau khi đã hoàn thành, vẽ thêm những đường nhỏ hơn ở mỗi nhánh chính và viết chi tiết món hàng.
Viết lách
Thật tuyệt khi nhận được một lá thư viết tay. Em có thể trao đổi qua email, nhưng không gì hay hơn việc tự tay xé lá thư mà em vừa lấy ra từ hộp thư trước nhà.
Có điều… nếu nhận được một lá thư tay là điều tuyệt vời, thì việc tự tay viết thư lại là cơn ác mộng. Bắt đầu thế nào đây? Kết thúc ra sao? Và kinh khủng nhất là viết gì bây giờ? đã bao nhiêu lần em lấp đầy một trang thư với cả một danh sách những “rất” thế này, “rất” thế nọ một cách sáo rỗng?
Ấy vậy mà chỉ cần dành ra 5 phút lập Bản đồ Tư duy trước, em sẽ thấy chữ nghĩa và ý tứ cứ thế tuôn tràn trong lá thư. Em có nhiều ý tưởng đến mức việc viết đầy trang giấy sẽ không còn là vấn đề nữa, mà vấn đề giờ đây là phải giới hạn số trang.
Viết thư cũng giống như viết một bài văn thôi. Em hãy dùng Bản đồ Tư duy để lập dàn ý cho những điều em định viết, phần còn lại cứ để bộ não và Bản đồ Tư duy giải quyết.
Hãy tham khảo Bản đồ Tư duy ở trang 112 -113 và lá thư viết tay ở trang 111. Em đã sẵn sàng tự viết thư chưa?
LẬP BẢN ĐỒ TƯ DUY CHO MỘT LÁ THƯ
- Luôn nhớ bắt đầu với một hình ảnh ở giữa. Sau đó vẽ các nhánh chính đại diện cho các ý chính.
- Em viết thư cho ai? Em sẽ bắt đầu lá thư bằng một cụm chào hỏi phù hợp, chẳng hạn nên chọn ngôn ngữ trang trọng (với người không thân) hay ngôn ngữ thoải mái (với bạn bè, người thân). Lập một nhánh riêng cho việc lựa chọn ngôn ngữ này nhé.
- Mục đích viết thư? Nghĩa là tại sao em lại viết lá thư này? Dùng một nhánh khác đề rõ mục đích viết thư. Nhờ đó mà em sẽ hoàn tất phần mở đầu thư dễ dàng hơn.
- Giờ thì đến phần nội dung thư. Khi lập dàn ý cho phần này, hãy vận dụng Bộ câu hỏi Cái gì - Ở đâu - Khi nào - Ai - Tại sao - Kết quả. Ví dụ: Em muốn nhờ chuyện gì? Hẹn gặp nhau ở đâu? Mục đích của cuộc gặp? Một nhánh chính sẽ đại diện phần nội dung này, từ đây em có thể phát triển thêm các nhánh phụ chi tiết hơn.
- Ở phần kết thư, em nên tóm lại những gì mình đã viết và phải nhớ rõ lý do viết thư. Em có thể dùng một nhánh chính để ghi lại lưu ý cho phần kết. Hoàn tất phần này giúp em có cái nhìn tổng thể các ý từ tổng quát đến chi tiết cho cả lá thư của mình.
5 bước viết thư đơn giản
1. Em viết thư cho ai?
2. Xưng hô và chọn lời chào thế nào cho phù hợp?
Trang trọng
Đầu thư
Kính thưa/Kính gửi/… + ông/bà (các đại từ nhân xưng)
+ có thể kèm theo tên người nhận
Kết thư
Kính thư/Trân trọng/Hân hạnh…
(các từ thể hiện sự trang trọng)
Thoải mái
Đầu thư
Thân mến/Thương/Yêu quý/…
+ các đại từ nhân xưng phù hợp (có thể kèm thêm tên người nhận)
Kết thư
Thân mến/Thương/Bạn
(con) của (người nhận)
3. Mục đích viết thư? Hãy nêu rõ điều này ngay từ đoạn đầu tiên. Ví dụ:
- Cám ơn người nhận/ai đó thông qua người nhận
- Mời tham dự sự kiện
- Than phiền một điều gì đó
- Kể lại một chuyện đã xảy ra
- Nhờ giúp đỡ
4. Vào phần chi tiết – phần chính của lá thư.
Vận dụng Bộ câu hỏi Cái gì – Ở đâu – Khi nào – Ai – Tại sao – Kết quả.
5. Tổng kết lại mọi điều ở đoạn kết thư.
Kính gửi chú Beckham!
Cháu là fan hâm mộ SỐ MỘT của chú. Cháu nghĩ chú thật sự rất giỏi và là cầu thủ vĩ đại nhất nước Anh. Man U là đội bóng yêu thích nhất của cháu và bố đã hứa sẽ mua vé để cháu được xem chú chơi.
Cháu cũng rất thích những bài hát của cô Victoria và cháu nghĩ là Brooklyn và Romeo sẽ trở thành những cầu thủ hát hay. Cháu ngưỡng mộ chú và gia đình chú vô cùng ạ.
Nếu chú và gia đình có thể đến tham dự ngày hội thể thao ở trường cháu và giúp gây quỹ từ thiện vào ngày Chủ nhật 4 tháng 7 sắp tới, đó sẽ là điều vinh hạnh với cháu hơn bất cứ điều gì khác.
Và nếu mời được chú đến, cháu sẽ càng nổi tiếng hơn, và thế là ước mơ của cháu sẽ thành hiện thực. Thật tuyệt vời nếu chú đến được.
New York, ngày 1 tháng 6,
Hân hạnh mời chú và gia đình!
Lên kế hoạch cho chuyến đi nghỉ
Không phải ai cũng có thể đi du lịch nghỉ ngơi. Nhưng chúng ta vẫn có quyền ước mơ mà.
Hãy tưởng tượng em có nhiều tiền để đi đến bất cứ đâu mình muốn. Vậy em sẽ lên kế hoạch thế nào cho chuyến đi? Tham khảo Bản đồ Tư duy như ở trang 116-117 và lập Bản đồ Tư duy cho kỳ nghỉ trong mơ của em nhé.
- Vẫn là bắt đầu bằng một hình vẽ ở giữa trang giấy và đặt tên là “Kỳ nghỉ trong mơ”.
- Tiếp theo là để cho trí tưởng tượng của em mặc sức bay bổng. Chuyến đi có thể bao gồm các hoạt động: đạp xe, leo núi, đi biển, bơi thuyền, tham quan, thám hiểm… Em muốn đi cùng ai? Đi đến những nơi nào? Và thời gian thích hợp nhất là khi nào?
- Nếu đã “vẽ” ra được chuyến đi tưởng tượng của mình, giờ hãy xác định các nhánh chính. Viết từ khóa lên mỗi nhánh và vẽ thêm hình minh họa cho sinh động.
- Vẽ thêm những đường mảnh hơn tỏa ra từ nhánh chính và viết lên các thông tin chi tiết.
- Tiếp tục tưởng tượng và thêm vào thật nhiều chi tiết cho đến khi lập xong Bản đồ Tư duy cho kỳ nghỉ trong mơ của em.
Thuyết phục cha mẹ
Bản đồ Tư duy là công cụ giúp em thể hiện suy nghĩ của mình một cách rõ ràng, chính xác, lô-gic, thuyết phục và khiến người khác khó mà bác bỏ kế hoạch này.