V
ới Bản đồ Tư duy, em sẽ thấy việc học và đọc sách trở nên thú vị như đang chơi một trò chơi vậy. Em có thể dễ dàng nắm bắt nội dung một cuốn sách và truyền tải đại ý từng hương vào một tờ giấy (với nhiều màu sắc, hình ảnh sống động, bố cục bắt mắt) để ghi nhớ lâu hơn.
Em đã bao giờ thắc mắc sao nhiều bạn đồng trang lứa với em thường đạt kết quả cao khi kiểm tra hay thi cử, trong khi số khác lại chật vật vô cùng, thậm chí có những bạn bị điểm thấp dù đã học rất nhiều, nhiều hơn cả những bạn đạt điểm cao?
Đó có thể là do những em đạt điểm cao nắm được “luật chơi” mà những em bị điểm thấp chưa hiểu được.
Bản đồ Tư duy không chỉ là một phương pháp tuyệt vời giúp đạt kết quả học tốt, mà nó còn giúp em hệ thống lại những gì đã học, nhờ vậy em sẽ nắm bắt và vận dụng kiến thức dễ dàng hơn.
Học nhồi học nhét
Đây chính là lý do việc “nhồi nhét” chẳng mấy hiệu quả. “Nhồi” kiến thức vào đầu ngay sát ngày thi, kiểm tra hệt như nhồi thức ăn ngay trước trận thi đấu thể thao vậy. Em biết điều gì sẽ xảy ra nếu cơ thể chúng ta vận động trong khi dạ dày đầy thức ăn chứ?
Học nhồi ngay trước ngày thi cũng đồng nghĩa với việc em tự đẩy bộ não của mình hoạt động đến mức… tê liệt ngay trong kỳ thi. Các dữ liệu trong não sẽ biến mất ngay sau kỳ thi và vì thế cả “quá trình ôn luyện” cuối cùng chỉ là công cốc, mọi kiến thức đều được “trả lại” cho thầy cô hết.
Nhồi nhét có thể có hiệu quả nếu em dùng Bản đồ Tư duy làm công cụ hỗ trợ ngay từ đầu năm học hoặc đầu học kỳ.
Em có thể lập Bản đồ Tư duy cho mỗi bài học. Như thế em mới “hấp thu” được kiến thức thầy cô truyền tải trên lớp, cùng với những điều biết thêm từ sách vở và cuộc sống. Không chỉ thế, Bản đồ Tư duy cũng đóng vai trò như là bản tổng kết khi em bước vào giai đoạn ôn tập, chuẩn bị kiểm tra hay thi cử.
Hãy đọc những phần trọng tâm trong sách giáo khoa. Nếu có thể, em hãy học nhóm cùng 2 - 3 bạn nữa để thảo luận về những ý chính của chủ đề đang ôn rồi ghi lại kết quả trên Bản đồ Tư duy theo đúng thứ tự chủ đề - ý chính - các ý chi tiết.
Cách làm này rất hữu ích. Việc lập Bản đồ Tư duy trong quá trình học cũng giống như giăng một chiếc lưới khổng lồ, tự động bắt lấy “con bướm” ý tưởng ngay khi nó xuất hiện mà không cần phải gồng sức, cắn bút suy nghĩ. Ý tưởng có thể xuất hiện từ bài thầy cô giảng trên lớp, từ sách vở, từ những lần lướt web, từ bạn bè và từ chính những suy nghĩ, ý tưởng của em.
Và như thế, mỗi khi bắt gặp một ý tưởng mới (con bướm), “hệ thống lưới bẫy” Bản đồ Tư duy của em sẽ tự động “chộp lấy” nó.
Mỗi khi em bắt được một “con bướm - ý tưởng”, nó sẽ trở thành một phần của tấm lưới, làm “chiếc lưới” lớn hơn và sẵn sàng “bắt” thêm nhiều ý tưởng khác. Theo đó, năm học cứ thế trôi qua, lượng kiến thức ngày một nhiều nhưng không khiến em phải đau đầu ghi nhớ.
Và như thế, ôn tập trở thành một quy trình tự nhiên chứ không còn là chuyện “chạy vắt giò lên cổ” khi kỳ thi gần kề.
Chuẩn bị cho kỳ thi
Bản đồ Tư duy giúp em đọc và tra lại mọi thứ bởi toàn bộ thông tin đều nằm hết trên một trang giấy. Não của em có thể “chụp” lại chúng.
Chuyện thi cử
Đọc câu hỏi rồi dành ra 10 phút để lập Bản đồ Tư duy. Cách làm này sẽ đặt bộ não của em vào trạng thái chuẩn bị, rồi “tuôn ra” tất cả những thông tin quan trọng và cần thiết để trả lời câu hỏi, đồng thời sắp xếp lại các ý. Và như thế, em đã sẵn sàng chuyển các ý tưởng thành bài làm.
Cách dùng Bản đồ Tư duy khi làm bài thi cũng giống với khi làm bài văn (xem lại trang 31). Viết ý chính của câu trả lời vào giữa tờ giấy, ý phụ nằm ở các nhánh chính, rồi đến các cấp ý chi tiết.
Với Bản đồ Tư duy vừa lập, em chỉ cần viết thêm vài từ cho câu cú hoàn chỉnh, rõ ràng và cứ thế hoàn thành bài làm một cách xuất sắc.
Tốc độ làm bài
Nếu dùng Bản đồ Tư duy, em sẽ dư từ 2 đến 10 phút để viết thêm. Khi đó, em có thể xem lại và kiểm tra phần bài làm một cách kỹ lưỡng để có thể chỉnh sửa hoặc bổ sung nếu cần.