Chúng ta ai cũng có một ngọn mửa cháy bỏng trong tim mình vì một điều gì đó. Mục tiêu trong đời là phải tìm ra và giữ cho ngọn lửa ấy mãi bùng cháy.
- Mary Lou Retton
Vận động viên thể dục dụng cụ đạt danh hiệu "Vận động viên Olypic toàn diện".
6.1 Sự rõ ràng chính là sức mạnh
Não chúng ta là một cơ cấu tìm kiếm mục tiêu. Nói cách khác, để có thể tận dụng hết khả năng của mình, chúng ta cần có những mục tiêu đủ thú vị để ta siêng năng làm việc, tập trung hơn và nhấc mình ra khỏi giường mỗi sáng. Cũng giống như chiếc xe đạp vậy, chúng ta cần phải tiến tới mục tiêu thì mới đứng thẳng và hoạt động hiệu quả được. Nếu không chúng ta sẽ ngã, lạc lối, chán nản và cuối cùng là mất động lực để tiến về phía trước.
Khi bạn đặt ra một mục tiêu nào đó, bạn sẽ đưa não mình vào trạng thái hoạt động ngày đêm để tìm cách làm cho mục tiêu đó trở thành sự thật. Nhưng bộ não cũng giống như hệ thống GPS , chúng ta cần những đích đến cụ thể thì mới có thể sử dụng được khả năng độc đáo này của nó.
Bạn càng nhìn nhận sự việc theo cách bạn muốn rõ ràng bao nhiêu, thì bạn càng có động lực để biến chúng thành sự thật bấy nhiêu.
Để bảo đảm rằng những mục tiêu có thể giải phóng hết tiềm năng của bạn, thì chúng cần phải cụ thể đến mức có thể đo lường được (với những đơn vị như trang, kg, đô-la, điểm...) và cần có ngày giờ hoàn thành xác định. Sau đây là hai ví dụ. Theo bạn thì mục tiêu nào đúng đắn hơn?
a. Tôi sẽ đạt điểm tốt.
b. Vào ngày ____________ tôi sẽ được điểm A môn________________ (danh sách các môn).
Nếu bạn chọn "a", bạn cần hết sức chú ý đến chương này. Nếu chọn "b", thì xin chúc mừng bạn. Mọi việc sẽ được thực hiện hiệu quả hơn rất nhiều nếu chúng ta biết rõ mình cần làm gì và có một thời hạn để làm điều đó.
Sau đây là một ví dụ khác.
a. Mình sẽ cao 1,8 mét nặng 70 kg vào sinh nhật 18 tuổi.
b. Mình sẽ giảm 5 kg.
Chính xác, bạn đoán đúng rồi đấy! Câu trả lời tốt hơn ở đây là "a". Hãy làm cho những mục tiêu của bạn càng cụ thể càng tốt. Hãy xác định rõ cả chất liệu, kiểu dáng, năm, đặc điểm, kích cỡ, cân nặng, hình dạng... tất cả chi tiết cụ thể như thế. Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là "tôi sẽ giảm cân", vậy thì chẳng lẽ nếu bạn giảm được 0,5 kg cũng được tính là đạt mục tiêu hay sao – trong khi rõ ràng là kết quả đó đâu có làm thay đổi được cục diện.
Có một khác biệt rất lớn giữa những người hy vọng có một cuộc sống tốt hơn với những người thực sự có cuộc sống tốt hơn. Chỉ cần nghe họ nói chuyện là bạn có thể nhận ra sự khác biệt đó ngay. Khi không có bất cứ một yếu tố nào để ước lượng được, thì đó không phải mục đích - đó chỉ là một thứ gì đó bạn mong muốn, ao ước, hay thích thú... Đó thực ra chỉ là "ý tưởng hay" mà thôi. Nhưng nếu bạn muốn được não mình hỗ trợ để tạo ra một cuộc sống tốt hơn, thì mục tiêu bạn đặt ra phải hết sức cụ thể. Bạn luôn luôn phải trả lời được 2 câu hỏi này khi đặt ra mục tiêu cho mình - bao nhiêu và khi nào?
6.2 Hãy thách thức chính mình
Hãy nhắm bắn vào mặt trăng! Cho dù có hụt thì bạn cũng sẽ bắn trúng một vì sao nào đó.
- Khuyết danh
Bạn có muốn học lại lớp 3? Bạn có muốn học bơi những động tác cơ bản nếu bạn đã biết bơi? Bạn có muốn làm lại bài kiểm tra mình vừa làm đúng 100%? Không đời nào! Tại sao vậy? Bởi vì bạn biết mình đã làm được chuyện đó rồi. Làm gì còn thử thách nào nữa. Vì vậy, thật đáng buồn thay khi có những người viết ra những mục tiêu hoàn toàn chẳng có chút thử thách nào với họ.
Một mục tiêu đơn giản có thể là một bước khởi động tốt, nhưng chúng ta cần viết ra những mục tiêu có thể giúp ta trở thành con người mình mong muốn. Bạn nên viết những mục tiêu đòi hỏi chúng ta phải trưởng thành và nhiều kinh nghiệm hơn mới có thể đạt được. Nếu trong đó có vài mục tiêu khiến bạn cảm thấy khó chịu, thì cũng chẳng sao cả. Tại sao ư? Bởi vì mục đích lớn nhất của việc đặt ra mục tiêu không phải là bắt bạn phải đạt được tất cả, mà là để định hình tính cách và giúp bạn trưởng thành hơn.
Ta sẽ trở thành người thế nào trong quá trình theo đuổi mục tiêu mới là điều quan trọng nhất. Những mục tiêu lớn giúp ta học hỏi được những kỹ năng mới, mở rộng khả năng hình dung ra những điều mình có thể đạt được, xây dựng những mối quan hệ mới, học cách vượt qua nỗi sợ hãi và khám phá bản chất con người mình. Đó mới chính là phần thú vị trong quá trình này!
Nếu bạn chưa từng thử làm điều gì đòi hỏi một kỹ năng cao hơn mức bạn đã có thể làm trước đây, thì làm sao bạn biết là năng lực thực sự của mình tới đâu?
Ước mơ chính là sự tưởng tượng một cách sáng tạo về bản thân bạn trong tương lai. Bạn phải thoát khỏi vùng an toàn của mình, và phải tự tin đối mặt với những thứ xa lạ không quen biết.
- Denis Waitley, tác giả và diễn giả
6.3 "Chăm sóc" những mục tiêu
Không để mục tiêu của bạn nằm nhăn nheo dưới đáy ba-lô, bị đè bẹp trong đống sách hay đóng bụi trên bàn học. Chúng cũng cần được yêu thương! S au khi bạn viết ra hết tất cả những mục tiêu lớn nhỏ của mình, bước kế tiếp là huy động lòng nhiệt tình và sự sáng tạo của bạn bằng cách xem lại danh sách đó mỗi ngày.
Hãy đọc lại bản danh sách đó (đọc to thành tiếng một cách đầy nhiệt huyết), từng mục tiêu một. Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng như bạn đã đạt được các mục
tiêu đó rồi. Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Thoạt nghe thì cách này có vẻ hơi hình thức, nhưng các nhà tâm lý học đã chứng minh là nó rất hiệu quả. Họ gọi quá trình này là "sự căng thẳng mang tính xây dựng". Nói đơn giản là: Khi được tái lập mỗi ngày viễn cảnh về sự thành công, não bạn sẽ muốn thu ngắn cách biệt giữa mục tiêu và cuộc sống thực tế trong hiện tại; nó sẽ tự động "lập trình" để tìm cách thu ngắn khoảng cách ấy.
6.4 Những bước thực hiện
Nếu bạn muốn hạnh phúc, hãy đặt mục tiêu sao cho bộ não có thể ra lệnh cho suy nghĩ, giải phóng năng lượng và truyền cảm hứng cho hy vọng của bạn.
- Andrew Carnegie, doanh nhân tỷ phú, nhà từ thiện
Vì có quá nhiều thứ thu hút sự tập trung của ta nên ta cần phải luôn giữ mình hướng về mục tiêu đã đề ra. S au đây là một vài phương pháp có thể giúp bạn:
Những tấm thẻ ghi mục tiêu
Hãy viết mục tiêu của bạn lên những tấm thẻ có kích thước 7 cm x 12 cm, nó sẽ giúp bạn xem lại nhanh chóng và dễ dàng hơn. Chúng tôi cũng có những tấm thẻ như vậy và cất chúng ngay đầu giường của mình. Mỗi sáng thức dậy và mỗi tối trước khi đi ngủ, chúng tôi đều xem qua những tấm thẻ đó. Cất thẻ trong ví cũng là một cách hay để nhắc nhở bạn.
Sách mục tiêu
Một trong những cách hiệu quả để đẩy nhanh quá trình tiến tới mục tiêu là tạo ra một quyển vở dán bài rời. Trong đó, hãy dành nguyên một trang cho mỗi mục tiêu. Hãy viết mục tiêu của bạn trên đầu trang, sau đó minh họa, trang trí nó với những hình ảnh, chữ viết hay những câu nói gì đó (bạn có thể cắt chúng ra từ báo, catalogue hay brochure) có thể diễn đạt được mục tiêu mà bạn muốn vươn tới. Khi bạn có thêm mục tiêu hay mong muốn mới, bạn chỉ cần thể hiện nó vào trang tiếp theo. Đừng quên xem lại từng trang trong S ách Mục tiêu của mình mỗi ngày.
Viết thư gửi chính mình
"Cái gì? Tôi đâu có khùng mà đi làm việc đó!"
Không đâu, đây là một kiểu thư của người hoàn toàn tỉnh táo đang dốc lòng hướng đến mục tiêu của mình. Chắc bạn không biết là ngay cả Lý Tiểu Long, người được cho là võ sư vĩ đại nhất trong lịch sử, cũng từng làm theo cách này. Ô ng thực sự hiểu được sức mạnh của việc đặt ra mục tiêu. Ở trên tường của tòa nhà Planet Hollywood tại thành phố New York có treo một bức thư của Lý Tiểu Long viết vào ngày 9/1/1970. Ô ng viết: "Vào năm 1980, mình sẽ là ngôi sao điện ảnh phương Đông nổi tiếng nhất trên đất Hoa Kỳ này, và sẽ có tài sản lên đến 10 triệu đô-la. Đổi lại, mình sẽ cống hiến những màn diễn hay nhất có thể mỗi lần đứng trước máy quay và sống thuận hòa với mọi người". Khi đó Lý Tiểu Long đã góp mặt trong 3 bộ phim, và cho đến năm 1973 thì ông thực hiện bộ phim Long Tranh Hổ Đấu (Enter the Dragon). Bộ phim này đã đạt được thành công lớn và giúp Lý Tiểu Long nổi danh trên toàn thế giới. Ước mơ của ông đã trở thành sự thật... và bạn nhìn xem, ông đã hoàn thành trước thời hạn đặt ra đến 7 năm!
Viết một tấm séc cho bản thân
Vào khoảng năm 1987, Jim Carrey còn là một diễn viên hài trẻ tuổi đang chật vật tìm đường tới Los Angeles. Một buổi chiều nọ, anh đang lái chiếc Toyota cũ của mình lên Mulholland Drive, trong lúc ngắm nhìn khung cảnh thành phố bên dưới và mơ mộng về tương lai, anh đã viết cho mình tấm séc 10 triệu đô-la, trên đó đề ngày "Lễ Tạ ơn 1995", và giữ luôn trong ví từ ngày hôm đó. Phần còn lại, như người ta vẫn thường nói, đã trở thành lịch sử. Sự lạc quan và lòng kiên trì của Carrey đã được đền bù. Năm 1995, sau một loạt phim vô cùng thành công về doanh thu như
Ace Ventura: Thám tử thú cưng (Ace Ventura: Pet Detective), Mặt nạ (The Mask) và Dumb & Dumber, thù lao diễn xuất của anh đã tăng lên đến 20 triệu đô-la cho mỗi phim. Khi bố của Carrey mất năm 1994, anh đã đặt tấm séc 10 triệu đô-la ngày nào vào quan tài của bố, như một cách để tỏ lòng tôn kính với người đã ươm mầm ước mơ trở thành ngôi sao của anh.
Chúng ta có khả năng làm tất cả những gì mình muốn nếu như ta trụ lại đủ lâu với nó.
- Helen Keller, Tác giả, nhà hoạt động xã hội và diễn giả người Mỹ, bị mù và điếc
6.5 Ba mối đe dọa
Một khi đã đặt ra được cho mình những mục tiêu, thì có 3 thứ thường xuất hiện và chặn đứng bước tiến của hầu hết mọi người. Chúng tôi gọi những thử thách đó là "3 mối đe dọa" Tuy nhiên, khi bạn biết 3 rào cản đó chỉ là một hần của quá trình đạt được mục tiêu, bạn có thể nhìn nhận chúng với đúng bản chất – chúng chỉ là một "thứ cần giải quyết" - hơn là để chúng ngăn bước chân bạn.
Ba chướng ngại vật trên con đường thành công của bạn là:
1. Sự do dự
2. Nỗi sợ hãi
3. Những trở ngại
Hầu như ai cũng bất ngờ khi ba vị khách không mời này xuất hiện trước cửa nhà họ. Họ nghĩ chuyến hành trình của mình sẽ được trải đầy hoa hồng. Mọi thứ sẽ diễn ra hoàn hảo như kế hoạch họ đã đề ra. Cứ ngồi đó mà mơ đi! Thực tế là cuộc sống này đầy những thử thách nho nhỏ, và những người thành công là những người có thể vượt qua những thử thách đó. Vậy thôi.
Nếu suy nghĩ kỹ, bạn sẽ thấy mục tiêu cũng là một thử thách, có phải thế không? Về cơ bản thì chúng ta đã quyết định thử thách bản thân mình bằng cách phấn đấu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, thông qua việc đạt được những mục tiêu cụ thể. Và thử thách nào thì cũng có những chướng ngại nho nhỏ. Cuộc sống là như thế. Cho nên hãy cố đừng để mình bị bất ngờ hay chán nản khi bạn gặp những trắc trở nho nhỏ trên con đường đến với thành công. Có thể chỉ là cuộc đời muốn thử xem bạn khao khát điều đó đến mức nào mà thôi.
1. Sự do dự
Giả sử bạn muốn nâng tất cả điểm số của mình lên mức A trong vòng 3 tháng tới. Nhưng trong chốc lát, bạn lại bắt đầu suy nghĩ: "Nhưng như thế có nghĩa là mình phải cố gắng gấp đôi " hay "Thế là mình không còn nhiều thời gian đi chơi với bạn bè nữa rồi" hay "Nếu mình cố hết sức rồi mà vẫn không được điểm A thì sao đây?" hay... Cứ tiếp tục mãi như thế. Tất cả những điều đó cho thấy bạn đang đắn đo do dự.
Bạn có thể thấy rất nhiều người cũng có thái độ tương tự. Họ không hề thiếu khả năng; chỉ là họ cứ lắng nghe những lời góp ý tiêu cực từ bên ngoài, rồi tự mất lòng tin mà thôi! Nhưng hãy hiểu điều này: Tất cả mọi người - chúng tôi lặp lại: Tất cả mọi người - đều có lúc đắn đo. Không có ai lúc nào cũng tự tin tuyệt đối vào quyết định của mình. Nhưng những người thành công không coi sự đắn đo cân nhắc đó như một chướng ngại cản đường, mà là một lời nhắc nhở để họ chuẩn bị tinh thần đón chờ những khó khăn phía trước.
2. Nỗi sợ hãi
Cho dù dũng cảm Hãy tin vào hy vọng, chứ đừng tin vào sự sợ hãi.
- Khuyết danh
Cho dù dũng cảm cỡ nào thì ai trong chúng ta cũng có những nỗi lo sợ nhất định. Lo sợ trong trường hợp này chính là sự e ngại về những cảm giác mà bạn có thể gặp phải: bị từ chối, thất bại, xấu hổ, cô đơn và đau đớn về thể xác. Nhưng có một điều quan trọng cần nhớ là: sợ hãi chỉ là một phần trong quá trình đạt được mục tiêu của bạn.
Hãy để cho nỗi sợ dẫn đường bạn đi một cách cẩn thận, nhưng đừng để nó điều khiển bạn hoàn toàn. Thành công không có nghĩa là dẹp bỏ mọi sợ hãi, mà là học cách đọc được những thông điệp cụ thể từ nỗi sợ đó, để có thể hành động một cách hợp lý. Hãy nhớ rằng, nỗi sợ hãi chỉ tập trung vào những điều bạn không muốn xảy ra. Bạn có thể chuyển hướng bằng cách tưởng tượng ra những gì bạn muốn sẽ xảy ra. Hãy hình dung mọi thứ đều diễn ra như mong đợi. Hãy hình dung, cảm nhận và tin tưởng. Nếu làm như vậy một cách thường xuyên, bạn sẽ có đủ tự tin để đối diện với nỗi sợ hãi của mình và tiếp tục tiến về phía trước.
3. Những trở ngại
Bạn cũng có thể gặp phải một số trở ngại. Đó sẽ là những rào cản mà cuộc đời ném vào bạn - những tình huống khách quan ngoài tầm kiểm soát. Nhưng xử lý chúng thế nào tùy thuộc hoàn toàn vào bản thân chúng ta.
Những chướng ngại mà bạn có thể gặp:
Không ai muốn tham gia dự án của bạn.
Bạn không có đủ tiền để bắt đầu kinh doanh.
Bạn không có xe đạp để đi giao báo.
Bạn không biết ai có thể đỡ đầu cho ban nhạc của mình.
Bạn không có những dụng cụ cần thiết để chơi môn thể thao mình yêu thích.
Bạn không có xe, và không ai có thể đưa đón bạn như bạn mong muốn.
Điều đáng mừng là những trở ngại đó không bao giờ tồn tại mãi mãi; chúng chỉ mang tính tạm thời. Nếu bạn đủ quyết tâm, bạn có thể tìm thấy lối đi vòng qua chướng ngại.
Taylor, 24 tuổi (Salina, KS): Tôi luôn rất yêu quý động vật, nên khi 16 tuổi, tôi đã biến ý tưởng ấy thành mục tiêu của mình: trở thành một nhà động vật học. Lúc đầu tôi cảm thấy rất hào hứng vì thấy mình tiến triển rất tốt. Khi đã xác định mục tiêu, những gì tôi cần làm cũng hiện ra rõ ràng hơn. Tôi đã liên lạc và nói chuyện với một vài nhà động vật học có tiếng, nhận được một số lời khuyên rất có ích. Nghe có vẻ đơn giản quá phải không? Tôi đã làm những gì mình có thể, nhưng rồi tôi đã gặp một vài thử thách mà mình không ngờ đến.
Làm sao tôi đến vườn thú để thực tập được đây? Tôi không có xe, bố mẹ tôi thì làm việc cả ngày, và trạm xe buýt thì quá xa. Tôi không có tiền để mua sách vở tài liệu và tham gia vào các lớp học. Rồi tôi bắt đầu nghi ngờ bản thân. Nếu tôi không giỏi - hay thiếu thông minh thì sao? Tôi chỉ thấy trước mắt toàn là rào cản. Tôi ước gì có thể nói rằng tôi vẫn cố gắng vươn lên, nhưng rất tiếc là không. Tôi cảm thấy quá sức chịu đựng và bắt đầu sợ hãi. Rồi tôi thuyết phục bản thân là mình không thực sự muốn trở thành một nhà động vật học (nhưng điều đó hoàn toàn là một lời nói dối).
Trong suốt 5 năm trời, tôi trốn tránh mục tiêu của mình. Ở trường cao đẳng, tôi nghe theo gợi ý của bố, vào học chuyên ngành kinh tế. Rồi một năm trước khi tốt nghiệp, lúc ngồi nghe một buổi nói chuyện chuyên đề kinh tế trong ngày hội nghề nghiệp ở trường, tôi nhận ra rõ ràng niềm đam mê thực sự của mình không phải là kinh tế. Đó là một cảm giác rất đáng sợ. Tôi biết niềm đam mê của mình vẫn là động vật học. Tôi chuyển ngành, tham dự lễ tốt nghiệp của bạn bè (cảm giác khi ấy thật khó chịu) rồi quay lại trường học thêm hai năm để được đào tạo những kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Tôi viết lại mục tiêu ban đầu của mình và bắt đầu thực hiện. Hai tuần sau khi tốt nghiệp, tôi nhận ra những rào cản mà mình phải đối mặt hồi 16 tuổi vẫn còn đó. Tôi đã tự cười nhạo bản thân khi nhận ra rằng những rào cản ấy chỉ là một phần của quá trình phấn đấu để đạt được mục tiêu - và sẽ không biến mất cho đến khi nào tôi dám đối mặt với chúng. Và tôi đã làm thế. Tôi đã chinh phục được những rào cản đó - và cả nhiều rào cản khác nữa.
Giờ thì chỉ còn vài tuần nữa tôi sẽ chính thức trở thành một nhà động vật học, và không gì có thể mang lại cho tôi niềm hạnh phúc lớn lao hơn thế. Hãy rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình và đừng coi những rào cản như ngõ cụt. Đúng ra tôi có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian, sức lực, và không cảm thấy phiền muộn đến thế, nếu như tôi kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình ngay từ lúc tôi phải đối mặt với thử thách đầu tiên. Luôn có một cách để vượt qua rào cản nếu bạn biết kiên trì và sáng tạo. Hãy nghe lời tôi: đừng bao giờ bỏ cuộc!
Chúng tôi không thể nói gì hơn. Cám ơn Taylor! Những trở ngại có thể đến dưới rất nhiều hình thức khác nhau. Đó có thể là việc trời đổ mưa khi bạn định ra biển chơi, là việc bạn của bạn dọn nhà đi, trường mới của bạn không mạnh về môn nghệ thuật, bạn không được chọn giáo viên mình mong muốn, bố mẹ không ủng hộ bạn.... Những rào cản này chỉ đơn giản là những tình huống thực tế mà bạn phải giải quyết để tiến lên phía trước. Có rất nhiều trở ngại ngoài tầm kiểm soát của bạn, nhưng chúng không bao giờ là ngõ cụt.... trừ khi bạn quyết định bỏ cuộc.
Điều đáng tiếc là khi những nỗi do dự, sợ hãi và các trở ngại xuất hiện, hầu như mọi người đều nghĩ chúng là tấm biển báo để họ dừng lại. Nhưng thực ra, nếu chúng không xuất hiện thì có nghĩa là mục tiêu của bạn vẫn chưa đủ ể bạn thách thức bản thân và trưởng thành hơn.
Bạn cần đặt ra một mục tiêu đủ lớn để trong quá trình vươn tới nó, bạn sẽ trở thành một người đáng ngưỡng mộ.
- Jim Rohn, Triết gia, nhà triệu phú tự lập
6.6. Ý nghĩa đằng sau mục tiêu
Ý nghĩa đằng sau mục tiêu còn vượt xa tất cả những thứ mà chúng ta hằng nghĩ tới như tiền bạc, xe cộ, quần áo, nhà cửa, du thuyền, quyền lực hay tiếng tăm. Đáng tiếc là có quá nhiều người chấp nhận phản bội bản thân để chạy theo những vật chất như thế. Bởi sự thật là đến cuối đời thì ai cũng phải bỏ hết những thứ đó lại phía sau - cho dù chúng có tốt đẹp đến mức nào chăng nữa! Và trong đời sống, con người ai cũng có thể bị tước mất những "vật chất" đó vào bất cứ lúc nào - nhiều khi chỉ trong nháy mắt!
Điều quan trọng nhất trên đời này - tất cả những người thành công đều có câu trả lời giống nhau - là: Chúng ta trở thành người thế nào trong quá trình đạt đến mục tiêu của mình. Chúng ta có thử thách bản thân mình đủ chưa? Chúng ta có khai thác hết tiềm năng của mình hay chưa? Chúng ta có thay đổi cuộc đời của ai đó không? Chúng ta có góp phần làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn chăng? Câu trả lời cho những vấn đề trên mới thực sự là những điều quan trọng nhất.
Lợi ích lớn nhất của việc vượt qua 3 trở ngại trên là chúng ta có thể tận hưởng được niềm vui khi nhận thấy mình đang lớn lên và trưởng thành. Nghe thì có vẻ hơi sáo rỗng, nhưng sự thực là thế. Việc ta biết mình là ai chính là tài sản giá trị nhất mà ta có thể sở hữu trên cuộc đời này. Như Lance Armstrong đã nói: "Vấn đề không phải là chiếc xe đạp".
Anh nói đúng, những gì bên trong con người ta mới thật là quan trọng. Hãy đặt ra những mục tiêu bắt bạn phải phát huy những tinh túy của mình, làm được những điều kỳ diệu, trở thành một người nổi bật và truyền cảm hứng cho những người khác làm theo.
6.7 Hãy làm ngay lúc này
Vậy đó. Giờ là lúc bắt đầu thiết kế tương lai của bạn... theo như ý bạn muốn. Trước khi bước sang chương kế tiếp, bạn hãy dành thời gian lập ra một danh sách những mục tiêu mà mình muốn đạt tới. Hiểu rõ mình muốn gì trong đời là một trong những bước quan trọng nhất để vươn đến thành công. Đây là cơ hội để bạn thực hiện điều đó. S au đây là một mẫu danh sách mà bạn có thể dùng để đặt ra mục tiêu cho riêng mình.
1. Mình sẽ vào (ngày, tháng, năm)
2. Mình sẽ mất gì nếu không theo đuổi đến cùng và cố gắng hết sức cho mục tiêu đã đề ra ở trên?
3. Nếu mình đạt được mục tiêu này, cuộc đời mình sẽ tốt đẹp hơn vì
4. Mình nên làm gì hay nên tập thói quen nào để đạt đến mục tiêu nhanh và dễ hơn?
5. Hôm nay mình có thể làm gì để đến gần với mục tiêu hơn?
Nếu bạn thấy cuộc sống thật buồn chán - nếu bạn không thức dậy mỗi sáng với một khao khát bùng cháy muốn làm gì đó - thì có nghĩa là bạn chưa có đủ mục tiêu trong đời mình.
- Lou Holtz, huấn luyện viên bóng bầu dục, vô địch giải NCAA
Hãy nhớ rằng, một mục tiêu là chưa đủ. Càng có nhiều mục tiêu bao nhiêu, bạn càng có khả năng tận dụng tối đa tính sáng tạo, đam mê và tài năng của mình bấy nhiêu. Hãy tự hứa với bản thân rằng mỗi ngày bạn sẽ làm một điều gì đó để tiến gần hơn đến mục tiêu của mình. Hãy thực hiện tất cả những bước đi nhỏ ấy, rồi cuối cùng bạn sẽ đến đích. Khó nhất là lúc bắt đầu. Đừng chần chừ; hãy làm đi! Và bắt đầu ngay từ bây giờ!