Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi, mà vì lòng người ngại núi e sông.
Nguyễn Bá Học
Khi bắt tay làm một việc gì đó một cách đều đặn, thường xuyên, dù vô thức, thì chắc chắn bạn sẽ hình thành thói quen. Có thể việc phải thay đổi nhịp sống, cung cách làm việc cũ khiến bạn cảm thấy việc bắt đầu là vô cùng khó khăn, nhưng một khi đã "vào guồng" thì mọi chuyện lại trở nên dễ dàng. Bạn hãy nhớ lại lúc còn bé, ba mẹ bạn tập cho bạn thói quen đánh răng mỗi sáng và mỗi tối. Ba mẹ bạn chắc hẳn đã liên tục nhắc nhở, ép buộc và cả dọa nạt với rất nhiều cách khác nhau để việc chăm sóc răng miệng trở thành một thói quen của bạn. Nhờ thói quen đánh răng mỗi sáng, mỗi tối, mà bạn đã có hàm răng trắng, chắc, khỏe. Tương tự, những việc khác cũng đều như thế cả. Và, bạn biết không, chính các thói quen sẽ hợp thành tính cách chúng ta - thói quen tích cực hay tiêu cực sẽ tạo nên tính cách tương ứng.
Ở phần trên, chúng tôi đã lưu ý các bạn rằng việc học ở Đại học khác hẳn các cấp ở Trung học, vì vậy, thời điểm khi bạn vừa bước vào môi trường Đại học chính là thời điểm tốt nhất để bạn bắt đầu tạo lập những thói quen phù hợp với môi trường mới. Và nếu được duy trì thì những thói quen đó sẽ ở bên bạn mãi đến khi bạn tốt nghiệp, thậm chí kéo dài đến hết đời bạn.
Mình thuộc nhóm nào?
Mỗi người chúng ta là một cá thể riêng biệt và chúng ta có những cách học riêng, rất riêng. Tuy nhiên, nhìn chung, có ba cách học phổ biến là:
Thứ nhất là học thông qua thính giác. Có rất nhiều bạn không thích đọc, không thích nhìn, chỉ thích nghe, nghe và nghe. Nếu bạn thường xuyên không thích nhìn lên bảng, chỉ thích nghe mọi người thảo luận về một đề tài nào đó, không thích đọc sách, đọc giáo trình, tài liệu, thì chắc chắn bạn thuộc nhóm người thích học qua thính giác. Nếu bạn thuộc nhóm này thì chắc chắn bạn sẽ học tốt khi cùng ôn bài, thảo luận với một nhóm bạn "chí cốt" của mình. Những âm thanh trao đổi nội dung bài sẽ dễ dàng ăn sâu vào não bạn đến mức chính bạn cũng không thể ngờ.
Nếu thuộc nhóm này, bạn có thể học bài theo cách vừa nghe thầy cô giảng bài vừa ghi chép những ý quan trọng, nếu cần thiết, bạn có thể ghi âm phần giảng của thầy cô sau đó về nhà nghe lại. Khi học bài, bạn hãy đọc to nội dung bài học, còn nếu bạn đọc diễn cảm được thì hãy thử xem, kết quả sẽ khiến bạn ngạc nhiên đấy.
Cách học thứ hai là học thông qua thị giác. Những người thuộc nhóm này thường có trí nhớ hình ảnh rất tốt. Những hình ảnh, phim… chỉ cần nhìn qua một lần đã khắc sâu vào tâm trí họ và kết quả là họ có thể nhớ mọi thứ thông qua các chi tiết trong bức hình. Nếu bạn thấy mình thích nhìn tranh ảnh, phim, sách, tạp chí, bảng, sổ ghi chú, thường học bài bằng cách chép ra giấy để thấy nội dung học, thích ngồi ở những bàn đầu để thấy rõ hình dáng, cách giảng bài của giảng viên, thích nhìn bảng viết… thì chắc chắn bạn thuộc nhóm học tập này. Vậy thì bạn sẽ có cảm giác dễ chịu và tiếp thu bài nhanh hơn khi hình dung lại tất cả mọi hình ảnh bằng cách tóm tắt bài theo sơ đồ hoặc hình vẽ. Khi học bài, bạn cứ tưởng tượng như đang xem một xấp hình có độ dày tỉ lệ thuận với lượng kiến thức mà giáo viên cung cấp. Đồng thời hãy nhẩm lại lời thầy cô trong đầu, hoặc ghi lại, vẽ lại trên giấy nháp, giấy ghi nhớ. Bạn có thể dùng nhiều màu mực để gợi nhớ nội dung bài học. Và việc ngồi học ở không gian yên tĩnh, thoáng đãng, có chút nhạc hòa tấu nhẹ nhàng sẽ tốt cho trí nhớ của bạn.
Cuối cùng là nhóm có khả năng tiếp thu kiến thức thông qua xúc giác. Nhóm này thường là kiểu người năng động, có khả năng cảm thụ mạnh và thích thực hành. Kiểu người này lúc nào cũng thấy bồn chồn, bứt rứt khi phải ngồi một chỗ, thậm chí họ không thể ngồi yên quá 15 phút. Nếu bạn thích chơi thể thao, ưa di chuyển, đã hoặc đang tham gia một vài câu lạc bộ của trường, thích hát múa, vẽ vời… thích được tham gia thí nghiệm hoặc xuất sắc trong các hoạt động liên quan đến vận động, không thích ngồi ôm quyển sách thì chắc chắn bạn thuộc nhóm học thông qua xúc giác. Muốn học bài tốt thì bạn hãy liên tục ghi chép khi nghe giảng, chủ động trao đổi với giảng viên, xung phong lên bảng giải bài tập, đừng sợ sai, đừng ngại hay mắc cỡ. Giữ trong lòng những điều chưa hiểu hoàn toàn không tốt cho kiểu người hay vận động như bạn. Ngoài ra, bạn có thể ghi chú những ý chính của bài học trên những mảnh giấy nhỏ. Khi học bài, bạn có thể đi đi lại lại, đứng lên ngồi xuống hoặc làm bất cứ động tác nào bạn thấy thoải mái.
Nhưng nếu đọc đến đây rồi mà bạn vẫn không xác định được mình thuộc nhóm nào vì bạn thấy mình lúc giống nhóm này, lúc giống nhóm kia, thì cũng không sao. Bạn có thể tiếp tục phân loại các cách học theo tiêu chí khác. Bạn thích học kiểu cụ thể, chi tiết, rõ ràng hay học nắm ý một cách tổng quát? Nếu bạn thích những giáo viên giảng bài sát giáo án, giáo trình và liên tục đưa ra những ví dụ cụ thể cho từng ý chính, ý phụ thì bạn thuộc nhóm học chi tiết. Còn nếu bạn thích những giáo viên có tác phong thoải mái, hay kể chuyện, liên hệ bài giảng thông qua các sự kiện xã hội, các sự kiện mang tính thời sự hoặc đơn giản chỉ là liên hệ với những câu chuyện của cuộc đời họ, cuộc đời bạn, thì bạn chính là kiểu học theo cách tổng quát.
Còn rất nhiều những kiểu học, cách học khác nhau tùy thuộc vào từng người, nhưng dẫu bạn thuộc nhóm nào thì quan trọng nhất chính là bạn hãy cứ áp dụng một cách thông minh những thế mạnh của mình vào việc học. Chính việc vận dụng học theo tính cách sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian, mà lại hiểu bài lâu và sâu hơn.
Chuẩn bị gì để học tốt?
Khi làm bất cứ việc gì mà có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng thì chắc chắn chúng ta không thể thất bại. Chẳng có ai thành công mà không có sự chuẩn bị đầy đủ. Khi bạn đi du lịch cùng bạn bè, nếu bạn chuẩn bị đặt xe, đặt khách sạn, lên lộ trình chuyến đi thì chắc chắn chuyến đi sẽ an toàn và tránh được nhiều sơ suất khiến cuộc đi chơi mất vui. Khi bạn đi xin việc cũng vậy. Nếu bạn dành thời gian để tìm hiểu về công việc muốn tiến cử, tìm hiểu về nơi làm việc, tự lên trước danh sách những câu có khả năng được hỏi thì chắc chắn bạn sẽ thấy tự tin hơn rất nhiều trong buổi phỏng vấn. Việc học tập cũng vậy. Nếu một Sinh viên có sự chuẩn bị chu đáo, cẩn thận trong suốt quá trình học tập ở bậc học thấp cho tới khi học Đại học thì chắc chắn Sinh viên đó đã chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết để bước vào đời. Hơn nữa, Sinh viên đó còn có khả năng đương đầu với rất nhiều khó khăn mà những Sinh viên khác không thể.
Chính vì thế, ngay từ hôm nay, bạn hãy chuẩn bị những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại vô cùng cần thiết trong việc học.
Trước hết, hãy dành một ngày kiểm tra lại vẻ ngoài của bạn. Ông bà ta có câu "đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy". Tuy vẻ ngoài không quyết định sự thành công của một người, nhưng lại là yếu tố góp phần tạo nên chiến thắng cho họ. Bạn có đồng ý với chúng tôi rằng chính bạn cũng thích nhìn những người có vẻ ngoài chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng? Bởi đôi mắt của chúng ta nằm ở phía trước nên những hình ảnh đầu tiên của người khác sẽ được não chúng ta tiếp thu trước tiên. Chính vì thế, bạn hãy để ý đến dáng vẻ của mình. Không cần bạn ăn mặc sành điệu, thời trang với những món đồ đắt tiền, sang trọng, mà chỉ cần bạn giữ đầu tóc gọn gàng, trang phục sạch sẽ phù hợp với tính cách và môi trường nơi bạn đến là bạn đã thành công trong việc tạo ấn tượng tốt cho mọi người rồi đó. Hãy tưởng tượng bạn là Sinh viên mà đến trường trong những bộ váy áo quá đắt tiền, quá cầu kỳ, sặc sỡ hoặc thừa trên, thiếu dưới, ngắn trước, hở sau… thì cho dù bộ quần áo đó đắt đến mấy cũng khiến mọi người có cái nhìn không hay về bạn. Đặc biệt là các giáo viên thường thiếu thiện cảm với những Sinh viên quá chưng diện vì họ cho rằng Sinh viên dành quá nhiều thời gian cho "phụ tùng", vậy thì thời gian đâu mà đọc giáo trình, học bài, làm bài.
Tiếp theo, bạn hãy trang bị một chiếc máy vi tính. Hiện nay là thời đại của khoa học công nghệ, của kỹ thuật nên việc áp dụng máy móc vào công việc, học tập là điều tối cần thiết với bất cứ ai. Với chiếc máy vi tính có hoặc không có kết nối Internet, bạn có thể làm bài, học bài, tìm kiếm thông tin, tài liệu, giải trí và có thể kết bạn. Vì thế, nếu gia đình có điều kiện thì bạn hãy cố gắng trang bị một chiếc máy tính và khai thác những tiện ích từ đó. Còn với những bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn, tài chính chưa cho phép sở hữu một chiếc máy vi tính, thì bạn cũng đừng lo lắng. Hiện nay, các dịch vụ Internet với đường truyền tốc độ cao, giá rẻ xuất hiện khắp nơi, nhất là quanh các làng Đại học. Quan trọng là bạn làm gì với chiếc máy vi tính đó. Tìm kiếm tài liệu để đọc thêm hay chỉ tán gẫu và chơi trò chơi trực tuyến? Bạn có thể dành chút thời gian giải trí mỗi ngày, nhưng đừng sa đà vào các trò vô bổ. Hãy
khai thác tối đa những tiện ích từ chiếc máy này để phục vụ cho việc học của mình, có nghĩa là để chuẩn bị cho tương lai của bạn.
Điều thứ ba là bạn phải chuẩn bị đầy đủ những vật dụng cần thiết phục vụ cho việc học. Bạn đã trang bị giấy, bút, giáo trình chưa? Bạn cũng cần có thêm một quyển sổ ghi lại thời khóa biểu học tập và sinh hoạt để mang theo bên mình nhắc nhở bạn không bỏ quên mất việc quan trọng gì.
Ý thức về bản thân
Đây là điều vô cùng quan trọng - tự biết mình là một Sinh viên giỏi hay dở, biết mình thông minh hay không, biết mình mạnh-yếu ở điểm nào… Hành động, suy nghĩ của chúng ta thường nhất quán với nhận thức của chúng ta về chính mình. Song bạn đừng lo lắng nếu như bạn tự thấy mình không phải là một người xuất chúng. Dân gian vẫn có câu "cần cù bù thông minh", nên nếu chẳng may bạn thấy mình không có năng lực gì đặc biệt, thường xuyên nhận điểm kém, thấy mình dở hơn nhiều bạn thì cũng đừng quá sợ hãi và chỉ dám kết giao với những bạn "giông giống" mình để rồi cuối cùng kết quả học tập của bạn ngày càng sa sút. Suốt ngày, bạn cứ tự nhủ mình là ngốc nghếch thì chắc chắn mọi hành động của bạn tự nhiên sẽ "phù hợp" với một kẻ ngốc, và kết quả là bạn chẳng thể nào "thoát xác" để trở thành người giỏi. Có những học sinh khi được giáo viên cho bài tập về nhà với lời dặn là học sinh bình thường thì làm bài từ 1 đến 5, riêng học sinh khá, giỏi thì làm thêm bài 6. Thế là vì cho rằng mình là học sinh bình thường nên bạn chẳng bao giờ đụng đến bài dành cho học sinh khá, giỏi… trong khi nếu như mỗi ngày bạn chịu khó tìm tòi làm thêm một bài tập khó thôi, chắc chắn bạn đã thực sự trở thành học sinh khá, giỏi.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc tự ý thức về bản thân mình khác với việc tô hồng bản thân bằng những ý nghĩ lạc quan rằng "ngày mai trời lại sáng". Khi tự ý thức về bản thân nghĩa là bạn kiểm soát được bản thân, hiểu được thế mạnh- yếu của mình, từ đó chuẩn bị chu đáo để đón nhận mọi tình huống có thể xảy đến. Khi chúng ta hiểu rõ bản thân, hiểu rõ ước mơ, khát vọng của mình, chúng ta sẽ cố gắng để đạt được điều chúng ta ao ước. Ví dụ như bạn muốn trở thành một người thành công, mạnh mẽ. Tuy hiện tại bạn chưa thực hiện được nhưng bạn đang bắt đầu cố gắng bằng những việc làm cụ thể và hành động quyết liệt, tập trung để trở thành mẫu người mà bạn mong muốn, vậy thì chắc chắn một ngày nào đó bạn sẽ làm được. Cụ thể là mỗi ngày bạn đều cố gắng hình dung hình ảnh con người mà bạn vươn đến, nhìn những việc mình làm hàng ngày để đạt được mục tiêu đó, tự nhủ những điều mà những Sinh viên giỏi thường chia sẻ. Từ đó, bạn trở nên tự tin hơn và mỗi ngày bạn đang làm việc để hướng đến thành công. Dần dần, những chuỗi hành động này sẽ tạo nên nét tính cách tích cực mà bạn muốn có. Vậy tại sao bạn không chọn vai Sinh viên giỏi và chịu khó để "nhập vai" ngay từ những ngày đầu tiên ngồi trên giảng đường?
Ngay bây giờ, tôi cần làm gì đây?
Đừng bao giờ so sánh mình với người khác. Dù bạn không phải là "số một" nhưng bạn là "duy nhất", bạn là cá thể riêng biệt trong thế giới rộng lớn này. Thay vì so sánh mình với người khác, bạn hãy so sánh bạn với chính mình ở các mốc thời gian khác nhau, từ đó tìm ra điểm mạnh và cố gắng để tiến bộ mỗi ngày. Và nếu như kết quả bạn ở thì hiện tại mạnh mẽ hơn, giỏi giang hơn bạn của thì quá khứ thì bạn đã thành công rồi đó.
Nếu bạn đã ngừng so sánh mình với những anh bạn, cô bạn khác thì bạn hãy tiếp tục sống đúng với chính con người bạn. Bạn hiền lành, ít nói thì cứ thể hiện mình là người hiền lành, ít nói. Nếu bạn thẳng tính, thích nói thật thì tại sao lại ngập ngừng khi có điều muốn trao đổi với thầy cô ngay tại lớp? Sống thật với bản chất của mình là một trong những cách tốt nhất để bạn hiểu bản thân mình.
Cuối cùng, điều bạn cần làm bây giờ là củng cố niềm tin vào bản thân. Nếu bạn không tin mình thì chắc chắn sẽ chẳng ai tin bạn cả. Nếu bạn tin mình có thể làm được điều gì đó và cố gắng thực hiện thì chắc chắn bạn sẽ nhận được những kết quả mà có khi chính bạn cũng không dám nghĩ tới. Đó là lý do vì sao nhiều bạn học tốt ngoại ngữ chia sẻ rằng dù họ không có khiếu ngoại ngữ, nhưng niềm tin rằng "chỉ cần cố gắng, kết quả sẽ khả quan" đã giúp họ thành công. Đó cũng là lý do nhiều người hay nói rằng có niềm tin tất có chiến thắng.
Đọc, đọc và thường xuyên đọc
Công nghệ và đời sống xã hội ngày một phát triển, các phương tiện truyền thông có mặt ở khắp mọi ngõ ngách, các hình thức giải trí cũng đa dạng và phong phú hơn nên việc đọc sách, đọc tài liệu của các bạn trẻ đã trở thành… lạc hậu.
Song việc đọc sách luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách, phẩm chất, cũng như bồi dưỡng tri thức của loài người. Việc đọc sách sẽ kích thích sự hoạt động của não bộ, giúp não ghi nhận thông tin một cách tự nhiên, từ đó giúp chúng ta học tiếp thu nhiều điều so với việc nghe, giúp trí tưởng tượng của chúng ta phát triển tốt hơn. Nhà bác học Thomas Edison từng được gọi là "con mọt sách" vì niềm đam mê đọc của ông. Cũng chính nhờ đọc sách miệt mài mà ông đã trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế giới.
Nhưng thích đọc sách là một chuyện, biết cách đọc sách hiệu quả lại là vấn đề khác. Việc đọc sách đòi hỏi phải có những kỹ năng nhất định, không chỉ là cầm quyển sách lên và đọc lần lượt từ trang này sang trang khác. Nhiều bạn ngại đọc sách dẫn đến lười đọc sách cũng vì lý do không biết cách đọc hiệu quả, nhìn quyển sách dày hơn trăm trang là… sợ. Chính vì thế bạn đừng "chưa học bò đã lo học chạy", mới đến với việc đọc sách đã vội mua về cả chục quyển sách dày.
Trước tiên bạn hãy "tập đọc", sau đó tập thói quen "biết đọc sách". Đọc nhiều sách là tốt, nhưng quan trọng là biết cách chọn tài liệu, chọn sách để đọc. Khi bắt đầu đến với sách, bạn hãy chọn những quyển sách có nội dung nhẹ nhàng, dễ hiểu, cách thể hiện vui tươi với độ dày vừa phải, chừng trên dưới 200 trang. Sau khi đã quen với nhịp độ đọc sách, bạn hãy làm quen với những quyển sách dày hơn, "khó nuốt" hơn. Từng chút từng chút một như thế, dần dần bạn sẽ học được cách đọc hiệu quả và không còn cảm thấy việc đọc là kinh khủng, là không thể thực hiện.
Khi chọn sách để đọc, bạn cũng nên lưu ý đến các loại sách khác nhau, sách bán chạy, sách của các tác giả nổi tiếng, và hãy chịu khó để mắt đến các tạp chí chuyên ngành. Đây chính là "đầu mối" cung cấp những kiến thức thời sự quý giá mà giáo trình chưa cập nhật.
Có nhiều bạn sẽ nói ngay rằng nguồn tài chính eo hẹp của Sinh viên không cho phép chi tiêu vào những mục tiêu xa xỉ như mua sách, mua giáo trình, hay sách tham khảo… Vậy thì các bạn hãy làm thẻ thư viện đi. Với hàng vạn tựa sách và tạp chí, với không gian yên tĩnh và thoáng đãng, thư viện sẽ là một nơi lý tưởng cho Sinh viên đọc sách và cả học tập.
Để bắt đầu, mỗi ngày bạn hãy chịu khó đọc khoảng 10 - 20 trang sách. Chỉ thế thôi cũng đã khiến bạn thay đổi được rất nhiều điều, thậm chí cả số phận của bạn đấy.
Chú ý đến chế độ ăn uống
Dù bạn thông minh như thế nào, bạn tài năng ra sao, nhưng nếu bạn không đủ sức khỏe thì chắc chắn bạn làm việc gì cũng khó khăn, thậm chí để cơ hội trôi qua trong tiếc nuối. Để có sức khỏe tốt, ngoài lối sống tích cực, chăm tập thể dục thì chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của chúng ta.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc ăn uống có tác động mạnh tới tâm trạng, cảm giác, mức độ hoạt động và nhất là khả năng suy luận của bạn. Nếu bạn chú ý nhiều hơn đến vấn đề ăn uống và áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý, bạn hoàn toàn có khả năng gia tăng điểm số vì việc bạn ăn gì, vào thời điểm nào, sẽ góp phần quyết định tạo sự khác biệt trong tư duy và khả năng tiếp thu của bạn. Chắc chắn những bữa ăn đầy đủ vi chất, chất đạm, tinh bột, chất xơ và trái cây tươi sẽ giúp bạn đủ tỉnh táo để học tập, tập trung và nâng cao những kỹ năng giải quyết vấn đề. Này nhé, nếu bạn nhịn bữa sáng, bụng đói, bạn đến giảng đường nhưng cái bụng cứ sôi ùng ục thì thật khó lòng tập trung nghe giảng bài, đừng nói chi là đào sâu, tìm hiểu vấn đề. Nếu bạn ăn đủ bữa và chất dinh dưỡng, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy thoải mái, năng động và lạc quan suốt cả ngày dài.
Bạn sẽ hỏi ăn như thế nào thì được xem là hợp lý. Chúng tôi xin gợi ý những điều sau đây và bạn hãy thử thực hiện theo thực đơn như thế nhé.
1. Chỉ một ít chất béo, muối và đường trong mỗi bữa ăn.
2. Thay vì ăn thật no một hoặc hai bữa trong ngày, hãy chia thành nhiều bữa nhỏ.
3. Uống nhiều nước lọc. Trung bình hãy uống từ 6-8 ly nước lọc (khoảng 3 lít nước) mỗi ngày.
4. Thường xuyên ăn nhiều rau quả tươi, rau xà lách và mì sợi. Đây là những loại thực phẩm có chứa nhiều nước, rất có lợi cho cơ thể chúng ta.
5. Ăn chay cũng là một trong những liệu pháp giữ sức khỏe rất được ưa chuộng hiện nay. Tuy nhiên, nếu không ăn chay được thì bạn hãy tăng ngũ cốc trong khẩu phần ăn mỗi ngày nhé.
6. Ăn đúng giờ, đúng bữa, ăn chậm, nhai kỹ.
7. Tuyệt đối không bỏ bữa sáng.
8. Dùng thêm sữa và những sản phầm từ sữa như sữa chua, pho mát…
Ăn uống đầy đủ giúp chúng ta có tinh thần thoải mái, dễ chịu và là tiền đề để học tốt. Bạn đừng lấy cớ "giữ dáng đẹp" hoặc vì "bệnh lười, thích ăn hơn thích ngủ" mà ăn uống tùy tiện, mất kiểm soát, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Hơn lúc nào hết, chúng tôi muốn nhắn nhủ các bạn Sinh viên rằng đừng phá sức bằng việc nuông chiều bản thân trong ăn uống: đừng ăn quá nhiều một món gì đó chỉ vì lý do bạn thích, cũng đừng cự tuyệt một món nào đó vì lý do "khó ăn quá". Chăm sóc sức khỏe với chế độ ăn uống thông minh sẽ góp phần tạo ra tiền đề tốt để các bạn hoàn thành chương trình học, và xa hơn là làm việc hiệu quả để có cuộc sống sung túc, như ý.
Đến trường đều đặn
Ngoại trừ những trường hợp bất khả kháng như bệnh nặng, có công việc quá gấp "buộc phải làm ngay" thì bạn đừng nghỉ học, bỏ tiết. Bạn biết không, chính việc đều đặn đi học sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình học tập.
Nhờ đi học đều mà bạn gây được cảm tình với các giảng viên, từ đó, nếu bạn có điều gì thắc mắc, chắc chắn thầy cô sẽ sẵn lòng giải thích tường tận cho bạn. Đến lớp đúng giờ, đều đặn sẽ giúp bạn theo dõi được chương trình học, hiểu được trọn vẹn nội dung bài học, ghi chép đầy đủ bài giảng cũng như nắm bắt được ý chính dễ dàng hơn.
Bạn nhớ là hạn chế chuyện đến lớp trễ giờ. Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi bạn đang hào hứng kể một câu chuyện mà có ai đó chen ngang? Thầy cô cũng vậy. Không một giảng viên nào có thể vui vẻ khi bị những Sinh viên đi trễ cắt ngang bài giảng. Hơn nữa, khi đi học đúng giờ, bạn có thể tìm được chỗ ngồi thuận tiện cho việc tiếp thu bài giảng. Và rất nhiều Sinh viên xuất sắc tiết lộ, họ thường xuyên ngồi bàn đầu vì khi ngồi ở những hàng đầu tiên chúng ta sẽ tiếp thu bài dễ hơn, nghe giảng rõ hơn, tập trung hơn và khẳng định cho giảng viên thấy chúng ta đang rất quan tâm, chú ý đến bài học khiến giảng viên có thêm cảm tình với chúng ta.
Khiến thầy cô nhớ bạn là ai
Bạn ngại mọi người sẽ nói rằng bạn là kẻ xu nịnh, giả tạo khi cứ tìm cách "lấy lòng" thầy cô, thế nên dù rất yêu mến giảng viên đó, bạn vẫn không dám chào hỏi, trao đổi. Tuy nhiên, mối quan hệ thầy - trò luôn được xem là mối quan hệ truyền thống và đáng trân trọng. Văn hóa Á đông vẫn còn lưu giữ những câu "tôn sư, trọng đạo", "nhất tự vi sư, bán tự vi sư", và với trật tự "quân - sư - phụ" của Nho giáo thì vai trò của người thầy thậm chí còn được xếp cao hơn cha mẹ. Với cách giáo dục như hiện nay, nhất là ở bậc Đại học, người thầy chính là người dẫn đường, còn học trò sẽ tự mở ra những cánh cửa dẫn đến thành công của mình.
Mỗi chúng ta, khi học đến bậc Đại học, đều có những thầy cô mà chúng ta vô cùng yêu mến. Dù nhiều năm xa cách nhưng tình cảm chúng ta dành cho thầy cô cũng không bao giờ thay đổi. Chúng ta luôn biết ơn và kính trọng các thầy cô không chỉ vì các thầy cô là người truyền đạt kiến thức, mà có thể vì những lý do rất khác nhau: sự quan tâm ân cần, thái độ nghiêm khắc mà bao dung, những lời khuyên sâu sắc, hay đôi khi chỉ là những câu chuyện vui vẻ ngoài giờ học… Những tình cảm đó chính là động lực thúc đẩy ta tiến bộ và thành công mà đôi khi chúng ta không nhận ra. Vì thế, hãy tận dụng khoảng thời gian học tập để tạo thêm những mối quan hệ gắn kết với các thầy cô. Có nhiều Sinh viên đã chia sẻ rằng khi họ tạo lập được mối quan hệ tốt với giáo viên thì chính họ cũng phải cố gắng học tập tốt hơn. Ngoài ra, dù bạn tốt nghiệp rồi thì những mối quan hệ như vậy còn có thể giúp ích cho bạn rất nhiều.
Thế thì chúng ta phải làm thế nào để tạo lập mối quan hệ với thầy cô? Trước hết, bạn hãy tiến đến gần thầy cô và mạnh dạn trao đổi những điều bạn còn thắc mắc trong bài giảng. Thầy cô luôn quan tâm, đánh giá cao những Sinh viên biết hỏi, từ đó thầy cô sẽ chú ý đến bạn nhiều hơn. Sau đó, bạn có thể tự tin nói lên những suy nghĩ của bạn về bài giảng, nội dung bài giảng. Thầy cô luôn muốn nghe phản hồi về tiết giảng của mình và dĩ nhiên thầy cô sẽ cám ơn những điều bạn chia sẻ. Ngoài ra, bạn có thể quan sát để tìm hiểu phong cách giảng dạy của từng thầy cô, từ đó cố gắng thực hiện tốt hơn nữa những yêu cầu của thầy cô đưa ra. Đến lúc này thì bạn đã có được mối quan hệ với các thầy cô giáo mà bạn từng nghĩ rằng "khó gần".
Lập thời khóa biểu học tập cụ thể
Sau khi có thời khóa biểu đến giảng đường, bạn hãy lập một thời khóa biểu học tập và sinh hoạt. Thời khóa biểu học tập này phải chính xác, cụ thể, rõ ràng từng khung giờ và bạn phải viết ra sổ hoặc vào máy tính.
Tại sao chúng ta lại phải lập thời khóa biểu? Bộ não chúng ta cũng giống như bộ nhớ của chiếc máy tính - thường chỉ có một dung lượng ghi nhớ nhất định. Nếu chúng ta nạp quá nhiều thông tin thì chắc chắn sẽ đến lúc quá tải và xảy ra tình trạng "treo máy". Chúng ta có thể quên mất điều gì đó quan trọng trong một khoảng thời gian ngắn, thậm chí là để vuột mất một cơ hội tốt. Làm sao chúng ta có thể nhớ toàn bộ mọi việc, từ các giờ học, số bài tập cần làm, những cái tên cần nhớ, những khung giờ cần gặp gỡ ai đó? Hãy ghi vào thời khóa biểu, mỗi ngày và mỗi tuần. Thời khóa biểu sẽ giúp bạn không quên những việc phải làm và giúp bạn vượt qua thói quen lần lữa, trì hoãn công việc.
Đa số Sinh viên xuất sắc đều dùng thời khóa biểu. Họ lập ra thời khóa biểu cụ thể cho một tuần làm việc và cho từng ngày. Thời khóa biểu tuần bao gồm danh sách tổng quát những công việc quan trọng cần làm trong một tuần. Thời khóa biểu ngày sẽ là danh sách những việc chính cần giải quyết trong ngày. Thời khóa biểu này có thể ghi lên lịch để bàn, ghi vào một quyển sổ mang theo bên người hoặc trong điện thoại của bạn. Tuy nhiên, dù là ghi chép ở đâu thì bạn cũng phải kiểm tra lại thời khóa biểu để đánh giá công việc của mình trong ngày hôm nay đã tốt hay chưa, mức độ ưu tiên của mỗi việc thế nào. Những việc chưa làm xong thì chuyển qua ngày hôm sau.
Dưới đây là một ví dụ về thời khóa biểu học tập để bạn tham khảo:
Bây giờ đến lượt bạn. Còn đợi gì nữa, ngay lúc này hãy viết thời khóa biểu cho ngày mai. Hãy cố gắng bám theo thời khóa biểu và trải nghiệm cảm giác của một người làm việc có kế hoạch, khoa học và có trách nhiệm với chính mình.
Nhưng thời khóa biểu có thể sẽ giúp bạn quản lý thời gian bằng cách nào? Chỉ cần thêm vài màu sắc vào thời khóa biểu trên để phân biệt giữa những việc quan trọng bắt buộc phải xong đúng hạn và những việc không quan trọng bằng. Sử dụng bao nhiêu màu là tùy bạn, tùy vào việc bạn muốn phân biệt bao nhiêu loại hoạt động trong ngày. Bạn có thể dùng bút dạ quang để tô phần việc quan trọng. Hoặc bạn có thể chỉ cần lấy bút đỏ khoanh vùng những phần việc đáng chú ý hơn. Màu sắc nổi bật sẽ thu hút sự chú ý của bạn, đồng thời cũng làm cho thời khóa biểu của bạn trông bắt mắt hơn.
Rèn luyện sự tập trung
Sự tập trung chính là bí quyết quan trọng để chúng ta chiến thắng trong bất cứ lĩnh vực nào. Khi tập Trung học tập hay làm việc, chúng ta sẽ tiếp thu được những kiến thức quan trọng, không để xảy ra sai sót hay nhầm lẫn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tập trung. Rất nhiều bạn Sinh viên luôn "để tâm hồn treo ngược cành cây" dù đang ngồi trên giảng đường. Thế thì làm sao để tập trung?
Trước hết, hãy chú ý đến thời điểm học. Có những người thích học buổi sáng, nhưng lại có những bạn thuộc "họ hàng nhà cú" khi chỉ có thể làm việc hiệu quả về đêm, và có những người đặc biệt minh mẫn khi làm việc lúc sáng sớm. Chính vì thế mà có rất nhiều cách để tìm kiếm sự tập trung. Ở đây, chúng tôi xin gợi ý cho bạn một vài cách.
- Hãy tìm một chỗ ngồi tốt, có ánh sáng và khung cảnh thích hợp, như thế bạn sẽ cảm thấy dễ chịu, thoải mái, nhờ đó có thể học tập hiệu quả hơn.
- Hãy uống nhiều nước lọc. Nước có tác dụng khử độc rất tốt và khiến chúng ta có sự chú ý sắc bén hơn.
- Trong khi học hãy liên tục đọc và ghi chú. Động não bằng cách suy nghĩ về nội dung bài học.
Việc đặt câu hỏi, ghi chú, suy nghĩ sẽ khiến việc học của chúng ta năng động hơn, tập trung hơn.
- Biết cách nghỉ giải lao. Các nghiên cứu về sức chịu đựng của cơ thể người đều kết luận rằng chúng ta chỉ có thể tập trung trong thời gian 45 phút. Chính vì vậy, đừng ngần ngại nghỉ giải lao sau 45 phút tập Trung học tập. Hãy đứng dậy, co duỗi tay chân, hít thở hoặc nghe một bản nhạc yêu thích - đầu óc bạn sẽ nhẹ nhàng, sảng khoái. Ngoài ra, đừng quên những giấc nghỉ trưa ngắn 10 đến 20 phút. Những giấc ngủ trưa sẽ "nạp năng lượng" lại cho não, giúp chúng ta tăng khả năng tập trung, chú ý.
- Tránh ngồi học gần ti-vi, đài phát thanh… Nếu bạn dùng máy tính thì đừng mở các phần mềm để tán gẫu như yahoo, skype… hay các trang mạng xã hội, các báo điện tử vì chúng dễ khiến bạn phân tâm. Và nếu bạn cần tập trung tuyệt đối thì hãy tắt cả điện thoại để có thể chú ý hoàn toàn vào bài vở.
- Một điều nữa cũng ảnh hưởng tới sự tập trung là những "đòi hỏi tức thời" của cơ thể bạn như cảm giác đói bụng, cơn khát, hay tiếng ồn xe cộ, ánh sáng quá gắt…
Ngoài ra còn những điều phá vỡ sự tập trung của bạn như thói quen mơ mộng, trạng thái lo lắng, tinh thần uể oải… tất cả đều khiến bạn mất tập trung. Đôi khi, dù bạn chăm chỉ như thế nào nhưng bạn vẫn cảm thấy chẳng muốn bắt tay giải quyết số bài tập trong ngày hôm đó, hoặc chán nản tới mức bỏ bê sách vở. Nếu rơi vào tình trạng như vậy thì bạn đừng phàn nàn, than thở mà hãy tự động viên mình bằng suy nghĩ tích cực: "Nếu không làm thì mình sẽ rớt môn, mình sẽ phải mất thời gian và tiền bạc để học lại, thi lại, sẽ tốt nghiệp trễ…". Sau đó, bạn hãy tìm hiểu xem cần làm gì để tiếp cận môn học này bằng tâm thế thoải mái, cởi mở nhất. Khi đó, mọi khó khăn sẽ được hóa giải một cách nhẹ nhàng.
Bạn cần lưu ý là phải lập mục tiêu, kế hoạch phù hợp với mình. Làm việc có kế hoạch sẽ giúp chúng ta không bỏ sót việc, trong khi vẫn tập trung vào những việc chính. Hãy nhớ rằng mục tiêu cần cụ thể, rõ ràng và vừa sức. Đừng ép mình "vượt ngưỡng" bằng những quyết tâm kiểu như "Không ăn tối nếu chưa đọc hết giáo trình này" hay "Không đi ngủ nếu chưa viết xong chương 2". Thay vào đó, bạn hãy giảm nhẹ bằng cách nói: "Trong hai tiếng đồng hồ mình cần đọc được 50 trang sách này" hoặc "Chiều nay mình phải học được chương 5". Và quan trọng là mỗi lần học một môn thôi, xong môn này hãy chuyển sang môn khác. Nếu làm bài tập hoặc được giao viết tiểu luận trong thời gian tương đối dài, bạn cần chia nhỏ bài tập này thành nhiều phần khác nhau và giải quyết từng phần theo một lịch biểu cụ thể. Ví dụ, ngày đầu bạn cần đọc những tài liệu liên quan đến đề tài, tìm thông tin trên mạng, trong sách tham khảo từ thư viện… Ngày tiếp theo, bạn có thể tìm thêm những thông tin về đề tài đó. Ngày thứ ba bạn hãy bắt đầu bằng việc soạn đề cương. Ngày thứ tư, hãy viết nháp và cố gắng hoàn thành trong ngày thứ sáu. Ngày cuối cùng dành cho việc kiểm tra, chỉnh sửa. Vậy là chỉ trong một tuần, bạn đã hoàn thành bài luận.
Giảm gánh nặng học hành
Đôi khi tự đặt cho mình những áp lực lại là cách hiệu quả để giảm gánh nặng học tập. Hãy cố gắng hoàn thành bài tập, tiểu luận trước hạn nộp. Điều đó sẽ giúp bạn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của người học và cho mình cơ hội hoàn chỉnh bài vở tốt hơn, cũng như kịp chỉnh sửa nếu phát hiện sai sót. Hoàn thành trước hạn nộp sẽ khiến bạn chủ động hơn trong việc học. Ví dụ giáo viên yêu cầu bạn nộp bài trước ngày 10 thì hãy hoàn thành nó vào ngày 7. Trong ba ngày còn lại, dù bạn phải giải quyết công việc đột xuất gì thì cũng không ảnh hưởng tới tiến độ bài vở của bạn. Hoặc khi bạn phát hiện được ý gì mới, muốn bổ sung vào bài thì bạn cũng không tiếc nuối vì thiếu thời gian.
Các nhà khoa học khuyên bạn nên chọn thời điểm học bài ngay trước giấc ngủ trưa hoặc trước khi đi ngủ buổi tối. Lý do là trong trạng thái chập chờn bước vào giấc ngủ sâu, bộ não của chúng ta có xu hướng rà soát và sắp xếp lại những thông tin dung nạp trước đó, thậm chí có thể tái tạo và khắc đậm những kiến thức vào buổi chiều hôm đó hoặc sáng hôm sau. Chính vì vậy, nếu đi thi vào buổi chiều thì bạn hãy ôn bài vào buổi trưa, còn thi vào buổi sáng thì hãy ôn bài vào buổi tối. Áp dụng lý thuyết về giấc ngủ sẽ khiến việc học của chúng ta trở nên nhẹ nhàng và không còn đáng sợ, đặc biệt khi bước vào mùa thi với rất nhiều môn phải học, thậm chí là học thuộc.
Cân đối liều lượng bài vở
Đa số các bạn Sinh viên đều than rằng điều làm các bạn ngán ngại khi bắt tay vào học là khối lượng bài vở trước mặt cần giải quyết. Thế nhưng có một câu nói mà các bạn Sinh viên cần phải thuộc lòng: Bạn sẽ cảm thấy mọi việc trở nên dễ dàng hơn khi "hành động để có cảm giác", thay vì "có cảm giác để hành động". Nghe thì có vẻ rắc rối, nhưng nếu bạn tưởng tượng rằng vào một ngày trời lạnh tê tái, đang nằm trong nệm ấm chăn êm, bạn muốn được tiếp tục giấc ngủ nhưng còn rất nhiều bài tập phải làm vì sắp đến hạn nộp, vậy thì thay vì nằm ngủ nướng, bạn hãy ngồi dậy, vệ sinh, tập thể dục để tỉnh táo, sau đó ăn sáng. Như vậy bạn sẽ cảm thấy có tinh thần hơn. Cũng giống như khi làm bài, hãy làm trước những bài tập nhỏ, những phần đơn giản để khơi dậy cảm hứng học tập. Đừng ép mình phải giải quyết ngay những vấn đề hóc búa, rồi dần dần bạn sẽ thấy mình làm xong một cách nhẹ nhàng những việc mà bạn không có chút cảm hứng trước đó.
Hãy gạt đi tất cả những lý do "tại, bởi, vì" để trì hoãn kế hoạch. "Việc hôm nay, chớ để ngày mai" là bí quyết để bạn hoàn tất mọi thứ và đạt được thành công.
Tôi đã học như thế nào?
Câu chuyện của Nguyễn Phương Duy - Tốt nghiệp Huy chương Bạc Khoa Điện - Điện Tử, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM khóa 2006 - 2011.
Có một điều ít bạn để ý là các môn học trong khối kinh tế - chính trị - xã hội, mà chúng ta vẫn hay gọi là khối kiến thức đại cương, luôn có sự liên quan mật thiết với nhau, vì thế kiến thức của môn này thì có thể vận dụng cho những môn khác và chính là những môn học giúp bạn có thể "làm chủ" sau khi tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên, khi theo học ngành kỹ thuật, nhiều bạn hay cho rằng những môn này là không cần thiết, là môn được cố tình thêm vào để "làm khó" Sinh viên, thế nên các bạn hay lơ là, thậm chí là bỏ qua luôn.
Theo tôi thì chỉ cần chú ý một chút thì những môn nổi tiếng là "xương xẩu" này cũng không đến nỗi "khó nhằn" lắm đâu. Cách của tôi là chủ động sắp xếp thời gian và học cuốn chiếu theo từng phần nhỏ, tức là học đến đâu phải nắm vững nội dung đến đấy, tuyệt đối không đợi đến lúc ngày thi gần kề mới bắt đầu giở sách ra đọc. Mặc dù có một số môn phải… học thuộc bài, khiến nhiều bạn sẽ không có hứng thú lắm, nhưng nếu trên lớp bạn tập trung nghe thầy cô giảng bài, ghi chú những ý chính, từ đó nắm được những luận điểm cơ bản, cộng với việc về nhà đọc lại sách, thì bạn đã có thể ghi nhớ gần như toàn bộ phần bài giảng của thầy cô, nhờ đó mà việc ôn thi cũng sẽ trở nên đơn giản và nhẹ nhàng hơn. Thậm chí, khi vào phòng thi, nếu lỡ quên thì bạn vẫn có thể viết lại những ý chính, rồi dựa trên đó từng bước triển khai các ý nhỏ, dần dần "phục hồi nguyên trạng" toàn bộ nội dung cần phân tích.