Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc.
Ngạn ngữ Gruzia
Học giỏi để làm gì?
Ai cắp sách đến trường chắc cũng từng mong muốn được ngợi khen là "học giỏi". Học giỏi không chỉ có nghĩa là được điểm cao. Vì điểm số đôi khi chỉ là một trong những bằng chứng cho thấy bạn trình bày những điều bạn hiểu biết lưu loát đến đâu. Điểm số chỉ là những "lát cắt" của quá trình học tập để đạt đến chữ giỏi. Đôi khi, thi bị điểm thấp, bạn vẫn an ủi mình là "học tài thi phận" đấy thôi!
Khái niệm "học giỏi" mà chúng ta bàn đến ở đây là sự hiểu biết các kiến thức một cách sâu rộng và có hệ thống, là khả năng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn cuộc sống. Là một Sinh viên xuất sắc thì thật sự có những thuận lợi gì, có giúp ích gì cho cuộc sống sau này không? Hay hỏi ngắn gọn là "học giỏi" để làm gì nhỉ?
Trước hết, chúng ta hãy thử nghĩ xem, học giỏi có lợi gì cho chính chúng ta.
Học giỏi để thi đâu đậu đó, để vào Đại học, nếu đủ khả năng còn có thể lên cao học rồi thành tiến sĩ. Như vậy, mục tiêu học giỏi rõ ràng là để đường công danh thuận lợi rồi. Có ai không học mà tự nhiên trở thành ông Nghè, bà Cử đâu? Có ai không học mà được làm bác sĩ, kỹ sư đâu? Bằng cấp không phải là cách duy nhất để chúng ta thăng tiến, có chỗ đứng tốt, nhưng đó là con đường ngắn nhất cho chúng ta khẳng định bản thân, tự tạo cho mình có cơ hội tiến thân, làm việc.
Học giỏi để dễ… làm giàu. Cùng một khoảnh đất, nhưng người có kiến thức sẽ có thể biết được, hiểu được cách "bắt" đất cằn sinh hoa lợi lâu dài. Cùng một số tiền, nhưng người giỏi sẽ nhận ra phương pháp nào nhanh chóng và hiệu quả hơn để số tiền ấy nhân đôi, nhân ba. Có thể bạn sẽ biện hộ "Đó chỉ là may mắn!". Thế bạn đã đọc cuốn "Bí mật của may mắn"(1) chưa? Theo các tác giả thì có hai loại may mắn: sự may mắn tình cờ và sự may mắn thật sự. Quyết định đó là loại may mắn gì nằm ở mỗi con người chúng ta. Nếu bạn chỉ cần trả lời đại mà may mắn… thi đậu thì may mắn đó là tình cờ và sẽ qua đi nhanh chóng, khó có cơ hội lặp lại. Nhưng nếu bạn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thực sự tự tin và bạn may mắn thể hiện được hết những hiểu biết sâu rộng của bạn trong bài thi, thì đó là sự may mắn có cơ sở. Bạn sẽ dễ dàng có cơ hội tiếp tục gặp may mắn đó trong tương lai. Sự may mắn đó phụ thuộc vào chính chúng ta và chúng ta có thể tạo ra nó.
Đã qua rồi cái thời người ta thấy xấu hổ khi phải nói "Tôi muốn làm giàu". Bởi nếu chúng ta làm giàu một cách chân chính, rồi của cải đó lại được chia sẻ, mang đến lợi ích cho nhiều người thì cách làm giàu đó nên được khuyến khích, cổ xúy. Và nền tảng kiến thức tốt chính là "đôi hài bảy dặm" giúp chúng ta bước nhanh hơn đến mục tiêu của mình. Vì vậy, học để làm giàu là cách nghĩ được đa số Sinh viên trẻ đồng tình.
Đối với người xung quanh thì sao? Hồi còn nhỏ, chúng ta học giỏi thì ông bà cha mẹ vui mừng, hãnh diện. Lớn lên, học giỏi thì bạn bè nể nang, bạn đời và con cháu ngưỡng mộ. Tiếng nói của chúng ta trong cộng đồng sẽ có thêm trọng lượng, những đóng góp của chúng ta cho xã hội cũng đa dạng hơn. Một khảo sát nhanh trên 100
Sinh viên trường Đại học Quốc tế năm 2010 cho biết có đến 87/100 nữ sinh xác nhận là họ có cảm tình, thậm chí hâm mộ các bạn nam học giỏi, không quan trọng yếu tố ngoại hình. Bạn có đồng tình với ý kiến này không?
Trong quá trình học tập, điểm số cao sẽ khiến bạn thêm tự tin và có nhiều sự lựa chọn hơn trong cuộc sống. Nếu điểm số học tập của bạn xuất sắc, bạn sẽ có nhiều cơ hội giành được học bổng. Điều đó đồng nghĩa với việc giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho gia đình và bản thân, giúp bạn tập trung nhiều hơn vào việc học, thay vì phải nhọc nhằn kiếm việc làm thêm. Như vậy, chúng ta học giỏi không chỉ có lợi cho riêng mình, mà còn cho gia đình, cộng đồng, xã hội.
UNESCO đã đưa ra bốn tiêu chí rất ý nghĩa và xác đáng cho giáo dục thế giới như sau: "Học để hiểu biết. Học để làm việc. Học để chung sống. Học để khẳng định bản thân".
Học để hiểu biết
Học là việc cả đời, là một quá trình tìm hiểu, thu nhận, tích lũy kiến thức từ thầy cô, bạn bè, trên tư liệu sách vở và ở ngoài cuộc sống. Kiến thức nhân loại vô cùng phong phú, khoa học kỹ thuật không ngừng phát triển. Có nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống cần được chúng ta giải quyết và tiếp thu. Những điều ta biết chỉ là giọt nước nhỏ, trong khi điều chưa biết lại là biển rộng mênh mông. Vì vậy, còn vô số miền tri thức cần được chúng ta khám phá, học hỏi. Việc học trước hết là hướng đến mục đích lấy kiến thức, để thế giới xung quanh mở ra một cách sáng tỏ trước mắt chúng ta, giúp chúng ta lật mở mọi khía cạnh của cuộc sống muôn màu. Có vậy chúng ta mới có thể không lạc hậu với yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Học để làm việc
Câu nói của Bác Hồ "Học phải đi đôi với hành, lý luận phải gắn liền với thực tế" rất có ý nghĩa đối với việc học tập ngày nay. Khi kết hợp song song học và hành thì việc học mới thực sự có ích. Làm việc dựa trên những kiến thức đã học vừa là mục đích vừa là phương pháp học tập. Hai động thái này là tiền đề của nhau, lại vừa bổ sung cho nhau để hoàn thiện con người chúng ta.
Học để chung sống
Việc học mang lại cho con người ta nhiều lợi ích, cụ thể là tăng thêm sự hiểu biết về đạo lý làm người, cách đối nhân xử thế, cách ứng xử với mọi người chung quanh... Trong quá trình học tập, chúng ta sẽ tiếp cận nhiều bài học về đạo đức, nhiều câu chuyện về lòng nhân hậu, từ đó hình thành ý thức rèn luyện nhân cách, vươn đến chân thiện mĩ. Chúng ta được khuyến khích làm việc tốt giúp đỡ mọi người xung quanh, trau dồi những đức tính tốt và cần thiết trong cuộc sống: siêng năng, chăm chỉ, hiếu thảo, nhân nghĩa... Hơn thế nữa, một khi có văn hóa, có đạo đức chúng ta sẽ biết cách hòa nhập và thích ứng nhanh với môi trường khác nhau của xã hội. Đó là chúng ta đã học được cách chung sống.
Học để khẳng định bản thân
Việc học giúp bạn biết rằng với sự nỗ lực hết mình và với kiến thức ngày càng rộng mở, bạn có thể làm được những việc lớn lao, hoàn thành những tâm nguyện mà trước đó bạn cứ nghĩ chỉ là ảo tưởng. Khi làm được một điều gì đó tức là bạn không chỉ hoàn thành mục tiêu đặt ra mà quan trọng là bạn đã vượt qua sự trì trệ, ngại khó, thói quen chần chừ hay nỗi lo sợ của chính mình để vươn lên. Bạn đã vượt qua chính mình để tự khẳng định mình ở cấp độ cao hơn. Hơn thế nữa, việc học giúp bạn có suy nghĩ tốt đẹp, có ý chí cầu tiến, cố gắng học hỏi và làm việc không ngừng để góp phần làm thế giới này hoàn thiện và đáng sống hơn.
Vì sao phải đặt mục tiêu cho việc học?
Trong cuộc sống, mục tiêu là thứ gì đó giúp chúng ta tồn tại và khiến chúng ta bền bỉ bước đi trên những đoạn đường đời. Một khi mất mục tiêu, mất phương hướng, chúng ta sẽ lâm vào trạng thái bồn chồn, lo âu, vô định và lãng phí. Bạn có bao giờ nhận thấy bạn chỉ thật sự sung sướng hạnh phúc khi đang thực hiện một điều gì đó thực sự có ý nghĩa chứ không phải đợi đến khi bạn đã hoàn thành nó không?
Mục tiêu phải như thế nào, đối với tuổi trẻ của bạn hiện giờ không quan trọng bằng việc bạn phải có mục tiêu. Có người cứ tìm cách trì hoãn thực hiện những gì mà họ nghĩ là có liên quan đến cuộc đời họ. Họ không dám đề ra mục tiêu, và vì thế họ chẳng bao giờ làm được trọn vẹn điều gì cả.
Trong học tập cũng thế. Sau một lần hỏng thi Đại học, bạn muốn thi lại để có thêm cơ hội vào Đại học. Thế nhưng bạn cứ băn khoăn không biết "mục tiêu Đại học" này liệu có hợp lý không. Bạn đắn đo với các phương án khác như đi làm kiếm tiền hay lập gia đình và chăm sóc con cái… Bạn chần chừ, mong muốn rồi tính toán và lại bàn lui, như thế mãi. Vài năm, rồi vài chục năm sau, khi già rồi bạn vẫn còn lưỡng lự, mà thời gian thì hết mất rồi.
Bạn đã không thấy được rằng nếu quyết định quay lại học, dẫu tấm bằng Đại học không thực sự cần thiết với bạn, thì kiến thức bạn có được "không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc". Quan trọng hơn cả là đoạn đường bạn đi. Trên con đường đó, bạn đã gặp gỡ thêm nhiều người, học hỏi được nhiều điều, hiểu rõ bản thân và có thêm nhiều kinh nghiệm. Bạn đã tích lũy được nhiều thứ mà nếu không quay lại đường học bạn sẽ không có. Hay chí ít, bạn cũng biết rõ hơn rằng việc gì tốt việc gì xấu, việc gì nên việc gì không, và không phải tiếc nuối vì mình không thử. Những người thành công quan niệm "Thất bại là cơ hội học hỏi để trưởng thành", còn những người không thành công lại cho rằng "Thất bại là dấu hiệu báo rằng ta không nên bước tiếp".
Một số người sẽ cảnh báo bạn rằng không nên đặt ra những mục tiêu quá tầm, những mục tiêu khó trở thành hiện thực. Do vẫn chưa thật sự biết mình có động lực và khả năng tới đâu nên tốt nhất là bạn hãy đặt ra cả mục tiêu ngắn hạn lẫn dài hạn. Hãy đặt ra các mục tiêu mà bạn nghĩ mình có thể đạt được và những mục tiêu bạn chỉ dám mơ. Cái nào là hiện thực? Bạn đã từng nghe về một người đàn ông mù cả hai mắt mà vẫn chinh phục đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất trên thế giới không? Bạn có nghe câu chuyện của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, từ một cậu bé bị liệt hai tay, đã kiên cường phấn đấu để vượt qua số phận, vươn lên thành học sinh giỏi, dùng chân viết được chữ, làm được các bài thủ công đan lát, cắt chữ, khâu vá... và thi đậu vào khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đến năm 1992 được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú?... Những mục tiêu đó mang tính hiện thực như thế nào? Nếu bạn biết mơ ước và sẵn lòng cam kết đạt được mục tiêu của mình thì bạn đã có một cơ hội rồi đó.
Nếu như bạn định đi bộ xuyên Việt, chế tạo một chiếc xe thể thao đời mới, hay lập một công ty để tự kinh doanh, thì điều quan trọng không phải là việc đi bộ, chiếc xe hơi hay công ty đó, mà là bạn phải trở thành một người như thế nào để đạt được mục tiêu đó. Trong quá trình đi đến mục tiêu, bạn dần dần trở nên can đảm hơn, quyết đoán hơn, phát huy được những thế mạnh của mình, hiểu được nguyên tắc của bản thân, biết chịu đựng hơn, tự tin hơn… Những gì bạn thu lượm được trong quá trình theo đuổi mục tiêu sẽ giúp bạn xem xét việc "Bạn sẽ trở nên như thế nào?". Và đó không phải là câu hỏi lớn nhất trong cuộc đời chúng ta đó sao?
Tóm lại, trước tiên bạn phải có mục tiêu để làm động lực cho việc học, kế đến là đặt cho mỗi mục tiêu một thời hạn phải hoàn thành. Hãy viết ra các lý do giải thích tại sao bạn lựa chọn mục tiêu và thời hạn hoàn thành như vậy.
Cần lưu ý là khi bạn đặt bút viết ra những mục tiêu của mình, bạn cũng nên lường trước những cảm giác tiêu cực khi các mục tiêu mà bạn đặt ra không đạt được. Nhưng đừng để điều đó làm bạn chán nản và trở nên nhụt chí.
Hãy xem bạn đã tự thuyết phục được mình để phấn đấu đạt mục tiêu hay chưa. Sau đó, hãy chuẩn bị kế hoạch chi tiết để đạt được mục tiêu đó.
Làm thế nào để mục tiêu trở thành hiện thực?
Biến mục tiêu thành hiện thực là chuyện không dễ dàng, nhất là khi trong mỗi giai đoạn cuộc đời, chúng ta phải cùng lúc hoàn thành nhiều mục tiêu khác nhau. Sau đây chỉ là một số gợi ý để các bạn tham khảo:
• Luôn tập trung vào các mục tiêu của bạn;
• Đừng ngại đặt câu hỏi;
• Giữ cho mình một tinh thần khát khao chiến thắng;
• Xây dựng niềm tin vào bản thân;
• Tạo ra động lực thúc đẩy;
• Hành động là yếu tố mang tính quyết định.
Luôn tập trung vào các mục tiêu của bạn
Viktor Frankl - một bác sĩ tâm thần người Đức gốc Do Thái, tác giả cuốn Đi tìm lẽ sống(2) là một trong số ít người còn sống sót ở trại tập trung Auschwitz của phát xít Đức - nơi hàng chục nghìn người khác đã chết. Thoát khỏi trại tập trung khi cuộc chiến tranh kết thúc, người ta hỏi: "Ông đã làm thế nào để sống sót? Phải chăng ông có sức mạnh gì mà người khác không có?". Ông trả lời: "Tôi luôn biết chọn thái độ đối với mỗi sự việc, có thể là tuyệt vọng hoặc không nguôi hy vọng. Nhưng để có thể hy vọng, tôi cần phải tập trung vào điều gì tôi muốn".
Bác sĩ Frankl không hề mạnh khỏe hơn những người khác tại trại Auschwitz. Khẩu phần ăn hàng ngày của ông chỉ là một bát xúp loãng với vài cọng rau. Nhưng thay vì tiêu tốn phần năng lượng ít ỏi ấy một cách vô ích trong nỗi lo sợ, tuyệt vọng về những điều đang xảy đến thì ông tập trung vào một mục tiêu duy nhất. Đó là "Bằng mọi giá phải sống!". Ông cho mình lý do để sống sót và bằng cách tập trung vào những lý do đó, ông đã sống.
Trong học tập cũng vậy. Thỉnh thoảng, bạn nên thực hiện một mục tiêu chứ không phải cùng một lúc đổ sức cho quá nhiều mục tiêu. Hãy chia nhỏ những mục tiêu học tập theo thứ tự ưu tiên và bắt đầu với những mục tiêu ưu tiên nhất hoặc thực tế nhất. Bằng cách này, bạn sẽ nhận thấy rằng mình làm được nhiều việc hơn.
Thử sức thực hành
Giờ hãy cầm bút lên. Bắt đầu vào thời điểm 20 năm tới, tính từ bây giờ. Lúc đó bạn mong ước sẽ đạt được những mục tiêu nào? Hãy điền dưới đây những điều mà bạn có thể muốn làm, muốn có, hay muốn hoàn thành trong 20 năm nữa.
Ví dụ: Làm trong ngành điện tử, lập gia đình và sinh một đứa con, sống trong một căn hộ nhỏ xinh xắn và có sức khỏe tốt.
Tính thử xem bạn bao nhiêu tuổi trong 20 năm tới. Bạn muốn làm việc trong lĩnh vực nào? Gia đình, bạn bè, tiền bạc, kỹ năng, lối sống, chuyên môn… như thế nào? Nếu bạn còn chưa chắc chắn thì có mơ mộng một chút cũng chẳng sao. Không ai có thể nói chắc như đinh đóng cột tương lai mình sẽ như thế nào, vì vậy hãy cứ việc tưởng tượng và suy đoán. Hãy viết ra. Thà bạn cứ cho mình những mục tiêu mà có lẽ bạn sẽ thay đổi sau này, còn hơn là chẳng có được một mục tiêu nào cả.
Giờ bạn đã có mục tiêu trong 20 năm tới rồi. Nhớ là bạn chỉ có thể đạt được những mục tiêu của mình nếu bạn đặt ra chúng. Bây giờ hãy nghĩ về 5 năm tới. Bạn sẽ cần phải hoàn thành những gì trong 5 năm để có thể đạt được những mục tiêu mà bạn đã đặt ra cho 20 năm tới?
Ví dụ: Mình sẽ học tập thật tốt và có những tháng ngày Sinh viên sôi nổi, đầy ý nghĩa. Mình sẽ tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại giỏi và sẽ kiếm được việc làm lương thật cao.
Bạn sẽ ở đâu trong vòng 5 năm tới? Đang học một trường Đại học hay một trường dạy nghề nào đó? Hãy suy nghĩ và viết ra những mục tiêu của bạn.
Bạn đã hoàn tất những dòng trên chưa? Nếu không, sao bạn không thử? Còn bây giờ hãy đi tới phần ba nhé. Chúng ta đang ngày càng tiến dần tới hiện tại đây. Phần này xét đến những mục tiêu của bạn trong vòng 6 tháng tới. Để đạt được những mục tiêu trong 5 năm nữa thì bạn sẽ cần phải đạt được những gì trong 6 tháng tới?
Ví dụ: Mình sẽ tham gia một khóa học kỹ năng mà mình thích, mình sẽ cố gắng đạt được số điểm cao hơn trong các kỳ thi tới và mình sẽ tích cực hơn khi tham gia các hoạt động của trường hay tập một môn thể thao nào đó.
Trước tiên, hãy coi xem 6 tháng nữa là tháng mấy. Hãy viết ra những mục tiêu của bạn trong vòng 6 tháng nữa, tính từ ngày hôm nay.
Cuối cùng, bạn hãy đặt ra những mục tiêu ngay lúc này đây, ngay trước mắt bạn đây. Bạn biết mình muốn làm gì trong 20 năm, 5 năm và 6 tháng rồi. Bây giờ đã là lúc bạn cần nghĩ đến những việc cần làm trong tuần tới để đạt được những mục tiêu 6 tháng. Hãy tiếp tục viết ra.
Ví dụ: Tuần này, mình sẽ tranh thủ đọc quảng cáo tìm một trung tâm ngoại ngữ uy tín. Mình sẽ bắt đầu tham gia một hoạt động gì đó tích cực hơn trong tuần (ví dụ đi bơi hay tham gia các hoạt động thể thao với bạn bè). Mình cũng sẽ suy nghĩ thêm về các mục tiêu của mình trong tuần này, trong 6 tháng, trong 5 năm, và trong 20 năm tới.
Bạn thấy đó, hành động của bạn hôm nay sẽ dẫn đến kết quả của ngày mai. Những gì sẽ xảy ra ở tương lai không phải lúc nào cũng trong tầm kiểm soát của bạn, nhưng bạn sẽ biết được mình muốn gì và mình đang ở đâu. Đặt ra những mục tiêu dài hạn và ngắn hạn là một cách thông minh để tác động tới tương lai. Bạn đang thiết kế tương lai của mình giống như cách nhà tạo mẫu thiết kế một bộ trang phục mới vậy.
Ở những hàng dưới, hãy viết ra ít nhất 5 lý do vì sao những mục tiêu đó lại quan trọng với bạn.
(Ví dụ: "Mình sẽ tự tin hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, được bạn bè nể phục hơn"...)
Bây giờ hãy viết ra 3 điều không hay có thể xảy đến cho bạn nếu bạn không đạt được những mục tiêu đó. (Ví dụ: "Mình sẽ cảm thấy mình thật kém cỏi, mình sẽ làm cha mẹ thất vọng hay mình sẽ sống nghèo khổ sau này"…)
Đừng ngại đặt câu hỏi
Để học tốt, bạn cần phải tận dụng hết khả năng chất vấn vốn có của trí tuệ, cụ thể là bạn hãy không ngừng đặt câu hỏi cho đến khi hiểu rõ bản chất vấn đề. Những câu hỏi sẽ giúp đầu óc trở nên linh hoạt và nhạy bén hơn trong quá trình cố gắng tìm kiếm những câu trả lời thỏa đáng. Có thể xem việc đặt câu hỏi và giải quyết vấn đề là một "bài thể dục" hữu ích nhất mà bạn có thể áp dụng cho bộ não.
Học hỏi và thảo luận sẽ giúp bạn không ngừng tiến bộ. Đừng ngại học hỏi và chia sẻ kiến thức với mọi người. Có người bảo họ sợ hỏi, vì như vậy chứng tỏ họ không biết, họ bị hổng kiến thức, là họ dốt… Nhưng ở đời ai dám chắc rằng mình có thể biết và nhớ được hết mọi thứ?
Không ngừng khát khao chiến thắng
Những người thành công có nhiều đặc tính giá trị. Một trong những đặc tính ấy là hình dung được những gì họ khát khao và biến chúng thành động lực hành động để đạt được mục đích của mình. Họ nuôi dưỡng trong tâm trí những viễn cảnh về cuộc sống mà họ khao khát, với hy vọng, dự tính và niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Những ước mơ ngày càng phát triển và định hình khi những khát khao của họ ngày càng mạnh mẽ hơn. Sự khao khát là động lực cần thiết để hoàn thiện ước mơ.
Bạn hãy viết ra ước mơ về những gì bạn muốn trong cuộc sống. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng chỉ viết ra những ước mơ mà bạn thật sự muốn thực hiện với tất cả sức sống và nghị lực của mình. Chúng ta hãy gọi đó là "ước mơ mạnh mẽ" hay "suy nghĩ có định hướng". Tất cả thành công trên đời này đều là kết quả của sự suy nghĩ có định hướng vì đó là con đường tốt nhất, và có thể là con đường duy nhất để tập trung suy nghĩ. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể thành công hoặc thất bại, mạnh lên hoặc yếu đi. Tất cả đều phụ thuộc vào sức mạnh tinh thần của bạn. Sự phấn đấu để đạt được những điều mình khát khao sẽ cho bạn một sức mạnh nội tại, một cảm giác năng động để đi hết chiều dài của cuộc đời một cách hoàn mĩ.
Xây dựng niềm tin vào bản thân
Bạn hoàn toàn có thể xây dựng lòng tự trọng bằng cách tin vào bản thân, tôn trọng mình và tôn trọng người khác. Nếu biết tôn trọng bản thân, biết rõ đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình, thì bạn đã tặng cho mình món quà lớn nhất rồi đó. Có nó, bạn có thể đối mặt với tất cả hoàn cảnh, bạn cảm thấy tự tin, thoải mái và không cần phải chứng minh điều gì cho ai cả. Không sớm thì muộn, mọi người xung quanh sẽ trân trọng bạn một khi họ nhận thấy các đặc điểm tích cực trong tính cách của bạn.
Một khi không tin vào bản thân, không đánh giá mình một cách tích cực, không cảm thấy mình có giá trị, có khả năng, thì bạn sẽ ứng xử và hành động đúng như những gì bạn tự nghĩ. Khi không tin vào chính mình nghĩa là bạn đã tự đặt giới hạn lên khả năng của bản thân trong việc đối phó với những thay đổi, thách thức trong cuộc đời mình.
Chẳng hạn khi đang là một Sinh viên, chỉ vì không dám tin rằng mình có thể "sống được" nếu thiếu bằng cấp, nên khi thiếu điểm một số bạn đã vội vàng đánh mất lòng tự trọng để mua điểm, mua bằng. Và cũng thật đáng trách khi đây đó thỉnh thoảng vẫn còn những chuyện nữ sinh chấp nhận đổi "tình" lấy "điểm"…
Rời ghế nhà trường bước vào đời, lòng tự trọng của bạn sẽ còn gặp nhiều thử thách khốc liệt hơn nữa. Khoan bàn đến chuyện đạo đức, nếu không học cách tin vào bản thân, không xây dựng lòng tự trọng, không thoát khỏi sự sợ hãi, để mặc cảm tự ti lấn át, bạn sẽ kiệt sức vì những tổn thương trong tính cách và tâm hồn. Bạn sẽ chỉ là một hình hài trống rỗng, đòi hỏi phải bù đắp bằng những niềm hãnh diện sai lầm: tiền bạc, địa vị, thành công… những thứ sẽ không bao giờ đủ, và bạn sẽ luôn luôn bất mãn và đau khổ.
Chỉ có lòng tin vào chính mình, tôn trọng mình và tôn trọng người khác mới giúp bạn nhẹ nhõm bước đến những mục tiêu có định hướng của cuộc đời. Có một câu nói rất hay: "Dẫu tôi là ai hay làm gì đi nữa, tôi vẫn ổn. Tôi có thể và sẽ đạt được bất cứ điều gì tôi cần phải đạt được. Tôi Tự Do!".
Tạo động lực thúc đẩy
Nhiều nhà tâm lý học khẳng định hoạt động học tập của chúng ta được thúc đẩy bởi nhiều động cơ. Các động cơ này tạo thành cấu trúc xác định có thứ bậc của các kích thích, trong đó có một số động cơ là chủ đạo, cơ bản, một số động cơ khác là phụ, là thứ yếu. Vì thế, chỉ khi nào xác định được động cơ học tập đúng đắn thì bạn mới có thái độ và phương pháp học tập đúng đắn, khoa học.
Đừng bàn đến các loại động cơ học tập do nguồn lực bên ngoài hình thành và tác động. Trước hết, bạn hãy tìm động cơ học tập từ chính mình. Bạn phải tìm kiếm, chỉ rõ động lực nào giúp mình phấn đấu không mệt mỏi, rồi không ngừng bồi dưỡng cho những động lực đó.
Trước hết, động lực có thể đến từ sự yêu thích. "Thích" ở đây là cảm giác hài lòng khi thực hiện. Sự hài lòng khiến chúng ta hạnh phúc và tự nhiên năng lượng nhiệt huyết sản sinh tràn trề. Nếu bạn thích đọc sách, khi cầm một quyển sách hay trong tay bạn sẽ hăm hở đọc ngay. Bạn thích viết lách, thì chỉ cần một ý tưởng nhen nhóm, bạn đã có thể sáng tạo và nảy sinh nhiều ý tưởng khác để có thể viết thành một bài viết súc tích và sâu sắc…
Bên cạnh đó, cũng có một động lực khác là "Sợ". Sợ ở đây có thể không phải là sợ sệt, mà có khi chỉ là cảm giác không thoải mái, lo lắng, bồn chồn, hay vì không muốn phiền phức, nhưng cái "sợ" đó khiến chúng ta phải hành động giống như trách nhiệm vậy. Ta đi học, giảng viên giao bài, vì sợ điểm kém nên dù thích hay không bạn cũng phải nghe lệnh và làm theo. Bạn bè nhờ giúp, bạn ngại không muốn làm, nhưng vì sợ mất tình bạn mà vẫn làm… Tất cả những nỗi sợ kiểu như thế cũng làm cho chúng ta bỗng nhiên có động lực để làm việc.
Tại sao học sinh cấp ba lại mải miết học tập ngày đêm, không ngại dậy sớm thức khuya dùi mài kiến thức? Là để đạt mục tiêu đậu Đại học! Nhưng đậu Đại học có khi lại là do sự thúc ép của bố mẹ, sự sợ hãi khi phải xấu hổ với bạn bè, họ hàng… Đậu Đại học rồi, năm đầu cũng rất chăm chỉ, vì xung quanh bạn toàn những bạn giỏi giang, mà bạn vì sợ thua kém nên cũng phải cố theo. Nhưng chỉ cần một năm sau đó, nếu không có động lực thực sự thì chuyện học hành sẽ bê bết ngay.
Hành động là yếu tố quyết định
Bạn có một ước mơ đẹp. Bạn tin là ước mơ ấy sẽ thành sự thực. Nhưng mơ ước mãi mãi là mơ ước nếu nó chỉ xuất hiện loáng thoáng trong suy nghĩ hay các bản kế hoạch của chúng ta. Hãy hành động nếu bạn muốn biến ước mơ thành hiện thực. Hãy để tương lai có cơ hội xảy ra, và xảy ra theo đúng cách mà bạn muốn! Hãy cho thành công có cơ hội xuất hiện! Bạn không thể nào chiến thắng cuộc đua, trừ khi bạn có can đảm bước vào đường chạy. Hàng triệu người đang ấp ủ những giấc mơ lập lòe, nhưng lại chẳng bao giờ cho nó cơ hội bùng cháy thành ngọn lửa lớn. Hãy thôi nói về những dự định của mình. Hãy bắt tay thực hiện ngay nếu bạn không muốn chúng lụi tàn, bạn nhé!
Tôi đã học như thế nào?
Câu chuyện của bác sĩ Trương Thế Dũng.
Năm bốn tuổi mình phải vào sống nhờ Cô nhi viện Bắc Mỹ An (Đà Nẵng) sau một biến cố gia đình khiến mình mất cha và không có mẹ bên cạnh. Cuộc sống ở cô nhi viện đang bình an với những ngày được đi học thì mình trốn đi tìm mẹ khi mình nghe ai đó nói phong phanh về thân phận mình. Mười tuổi, mình lang thang, cùng chia những miếng ăn với đám trẻ bụi đời và ôm nhau ngủ nơi ghế đá công viên. Một ngày nọ, khi mình đói lả và ngã quỵ bên đường ray xe lửa, ông Trương Minh Tuấn, một sĩ quan công an ở huyện miền núi Quế Sơn đi công tác ở Đà Nẵng, đã cho mình ăn và dỗ dành về sống với ông. Nhưng mình không được đến trường vì ba Tuấn quá khó khăn.
Mình đành gác lại chuyện tìm mẹ và quyết định đi mượn sách của bạn bè cùng lứa để tự học và đeo đuổi giấc mơ trở thành bác sĩ. Mỗi khi cần hỏi điều gì thì mình lại đến nhà cô giáo Phan Thị Trúc gần đó. Sau này khi cô Trúc về xuôi thì mỗi tuần hai lần mình lại vượt 30 cây số đường núi đến nhà cô để được kèm cặp. Để được công nhận trình độ, mình đăng ký thi theo diện bổ túc văn hóa. Năm 22 tuổi, mình đỗ cùng lúc vào Đại học Y Dược Huế và Đại học Sư phạm Quy Nhơn (Bình Định). Tự liệu không có tiền trang trải nếu đi học xa nên mình quyết định học ở Trường trung cấp Y tế Trung ương 2, Đà Nẵng.
Nhưng không dừng lại vì giấc mơ trở thành bác sĩ đa khoa chưa thành hiện thực, mình quyết định thi vào Đại học Y Dược TP. HCM. Khi vào TP. HCM mình rất lo chuyện cơm áo nhưng rồi tự trấn an rằng ngày nhỏ không cha không mẹ mà vẫn sống được, huống hồ giờ là thanh niên. Để có tiền đi học, mình đi bán kính chiếu hậu xe máy. Mình đeo kính trên người và đi rao bán khắp các con đường. Cứ tan học là mình đi bán, bất kể còn đang mặc chiếc áo mang phù hiệu của trường. Sau đó, có người thương tình đã giúp mình mở một tiệm băng đĩa nhạc Sinh viên, khi đó nằm ở đường Bạch Đằng, Q.Tân Bình, để mình dễ dàng kiếm sống.
Không có nhiều thời gian để giải trí như những bạn khác, mình xem việc học là đam mê, là niềm vui, và cũng nhờ vậy mà mình thấy mọi chuyện dễ dàng hơn. Trở thành bác sĩ là ước mơ lớn nhất của đời mình nên mình luôn tự dặn lòng phải gắng thêm chút nữa, cố thêm chút nữa, cho dù cơ cực thế nào thì mình cũng chấp nhận, miễn là đạt được mơ ước đó. Và mình tin rằng không có chuyện gì là bạn không làm được nếu bạn thực sự khát khao và quyết tâm thực hiện điều đó đến cùng.
Từng có quá khứ 15 năm ăn nhờ ở đậu, có lúc sống lang thang như trẻ bụi đời và gần hết thời niên thiếu không được đến trường, hiện giờ anh đang là trưởng đoàn y bác sĩ tình nguyện Niềm Tin. Anh làm việc không lương tại các phòng khám nhân đạo ở TP. HCM như Xóm Mới (Q.Gò Vấp), Tú Xương (Q.3), Chân Trời Mới (Phú Nhuận).
Có lần, khi đang thực tập siêu âm tại Bệnh viện Từ Dũ, qua màn hình siêu âm, hình ảnh bào thai sắp bị bỏ đi ngọ nguậy khiến anh xúc động nên mở lời khuyên thai phụ giữ lại. Trên bàn siêu âm, cô Sinh viên "trót dại" hỏi ngược lại: "Tôi giữ, vậy anh có nuôi không?". Không suy nghĩ, anh gật đầu đồng ý và thuê một căn phòng kín đáo cho cô gái ở, vài ngày sau anh lại đưa về ba cô gái nữa và thăm nuôi đều đặn cho đến ngày sinh nở. Anh giữ những đứa trẻ đặt tên mang họ mình, giữ kín mọi chuyện để những người mẹ nhẹ lòng bước tiếp. Anh Dũng kể rằng quyết định ngày đó của anh thật liều lĩnh vì còn là Sinh viên, sống nhờ vào thu nhập có phần hạn hẹp của tiệm băng đĩa, vậy mà còn lo chuyện thiên hạ. Chuyện tiền bạc quay quắt đến mức mỗi khi xong giờ thực tập ở bệnh viện là anh tranh thủ chạy xe ôm để có thêm chút tiền xăng.
Hải Âu, thành viên câu lạc bộ Niềm Tin, kể về những ngày đầu anh Dũng làm chuyện "bao đồng". Anh nuôi người bị ung thư, người nhiễm HIV/AIDS và cả trẻ em đường phố trong một khu nhà trọ phía sau chợ Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình), lại còn nhường cả miếng ăn của mình cho họ. Anh còn dặn những đứa trẻ đường phố rằng: "Các con còn khỏe mạnh thì nhường miếng ngon cho bệnh nhân", mà có khi miếng ngon đó chỉ là con cá kho cho cả mâm ăn gần chục người. Từ đó, Hải Âu cùng bạn bè lựa lúc anh không có nhà mà "lén" mang thức ăn tới tiếp tế. Hải Âu và nhiều bạn bè không còn lạ mỗi khi anh đến bệnh viện thăm người quen thân thì lại… đưa về một người bệnh có hoàn cảnh khó khăn và dốc lòng chăm lo. Chị bảo tính anh hay mủi lòng. Năm 2010 trong chuyến đi làm từ thiện cùng bạn bè ở Tân Biên – Tây Ninh, gặp chị em Thùy, Lệ bị cha bạo hành chấn thương khắp người, ngay lập tức anh làm giấy cam kết với chính quyền xã để đưa hai chị em về TP. HCM chữa trị và làm thủ tục để các em đến trường.
"Biết khi nào giàu mà hẹn" là cách anh trả lời cho những ai thắc mắc chuyện anh nghèo khó mà ham làm từ thiện.
Tên chính thức của nhà thuốc là Cúc (102 Bạch Đằng, Q.Tân Bình, TP. HCM) nhưng người ta vẫn hay gọi nó là Niềm tin vì nhiều người có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo đã đặt niềm tin vào đấy. Năm 2006, bà Nguyễn Thị Cúc đã nhượng lại cho anh Dũng nhà thuốc này với giá tượng trưng vì bà thương anh vất vả, lại đang nuôi người bị nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân ung thư và trẻ em cơ nhỡ. Anh chuyển quyền quản lý nhà thuốc cho Đoàn bác sĩ tình nguyện Niềm Tin để kinh doanh và chuyển lợi nhuận vào hoạt động từ thiện. Ngoài những hoạt động từ thiện đến vùng sâu vùng xa, hàng ngày nhà thuốc đều đón tiếp người nghèo và cấp thuốc trị bệnh cho họ, có những thuốc đặc trị đắt tiền thì cả nhóm lại tìm cách để xoay xở cho bệnh nhân.
(Theo "Bác sĩ mê từ thiện" - Báo Tuổi Trẻ)