Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện.
Vijaya Lakshmi Pandit
Nhiều bạn trẻ đã nỗ lực bằng mọi giá để trở thành Sinh viên Đại học, để có mặt ở giảng đường Đại học với khát vọng tìm kiếm một tương lai tươi sáng. Nhưng tương lai tươi sáng thường chỉ thật sự hiện ra nếu các bạn khám phá được hết tiềm năng của mình. Và hành trình Đại học với đòi hỏi quan trọng nhất là tiếp cận được tinh thần Đại học sẽ giúp các Sinh viên nhận ra điều đó.
Làm quen với tinh thần Đại học
Học tập là một hành trình dài - hành trình suốt đời. Song có lẽ, học Đại học luôn là chặng đường tích lũy nhiều giá trị nền tảng nhất và mang theo nhiều cảm hứng đặc biệt nhất trong suốt cuộc đời chúng ta. Không phải vì Đại học là bậc học cao hơn các bậc học trước đó, mà là vì bắt đầu ở chặng đường này, các Sinh viên trẻ tuổi sẽ được hấp thu giáo dục theo một triết lý hoàn toàn mới so với bậc phổ thông: triết lý giáo dục mà nhiều người vẫn gọi là tinh thần Đại học.
Liệu ý kiến của những Sinh viên trẻ, không tên tuổi có được lắng nghe và chấp nhận? Liệu họ có được tạo cơ hội phát triển ngay khi còn ngồi ở ghế nhà trường? Câu trả lời chính là một trong những vấn đề mấu chốt của tinh thần Đại học, cho thấy trường Đại học cần phải là nơi có một cộng đồng khoa học đông đảo với tinh thần khoa học thực thụ. Giới Đại học, bao gồm đội ngũ cán bộ giảng dạy và cả Sinh viên, luôn được xem là những người tiên phong, đi đầu trong việc đề xuất các tư tưởng, khuynh hướng nghiên cứu, các giải pháp cho xã hội; hoặc ít ra là, ở mức độ thấp hơn, giới đại học luôn đi tiên phong trong việc ứng dụng và cập nhật các nghiên cứu của thế giới vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống. Đề cao sự sáng tạo và khả năng phát hiện ra cái mới là một giá trị cốt lõi của tinh thần Đại học. Xã hội luôn kỳ vọng trường Đại học là nơi sẵn có không gian đối thoại, cơ hội cọ xát tư duy và sự tôn trọng chân lý. Nói đến tinh thần Đại học, không thể không nhắc đến Wilhelm von Humboldt - người được xem là đã đặt những nền móng quan trọng cho việc cải cách Đại học Đức nói riêng và nền Đại học phương Tây nói chung từ năm 1810, người đã đi vào lịch sử Đại học thế giới với đề án "Cải cách tổ chức từ bên trong và bên ngoài các cơ sở khoa học cấp cao ở Berlin".
Tinh thần Đại học có thể khái quát dựa trên ba từ khóa cơ bản: Tư duy (chứ không phải học thuộc lòng) - Khái quát hóa, phổ quát (chứ không phải chỉ nhìn thấy những điều cá biệt) - Tự do (cá nhân được tạo điều kiện, được khích lệ để thể hiện quan điểm, năng lực, tài năng của mình).
Trải nghiệm đáng giá nhất khi bạn bước vào Đại học là bạn sẽ có cơ hội trưởng thành nhờ được rèn luyện trong một môi trường đề cao tư duy phản biện, sự sáng tạo và khả năng tìm kiếm, phát minh cái mới. Thay đổi thói quen của một học sinh phổ thông vốn phụ thuộc vào việc cung cấp kiến thức giáo khoa của nhà trường để trở thành một Sinh viên thấu triệt tinh thần Đại học đòi hỏi tư duy độc lập, sáng tạo. Và đây sẽ là thử thách quan trọng trong hành trình Đại học của bạn.
Có thể bạn đã quen với mục tiêu "học để biết, học để hiểu" ở bậc phổ thông, dù giờ đây không ít trường phổ thông đã đòi hỏi ở học sinh nhiều hơn mục tiêu đó. Các kiến thức giáo khoa yêu cầu bạn phải biết, phải hiểu được những điều mà sách vở và nhà trường đã lựa chọn để cung cấp cho bạn. Điểm khác biệt cơ bản nhất của biết và hiểu là bạn phải có khả năng trình bày lại vấn đề, nhất là trong các bài thi, kỳ thi quan trọng.
Bước vào Đại học, mục tiêu học tập cao sẽ được nâng cao hơn và trở thành các chuẩn mực tốt nghiệp. Bạn sẽ được yêu cầu "học để áp dụng", nghĩa là để sẵn sàng làm việc ở một lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể nào đó ngay sau khi ra trường. Các chương trình Đại học thiên về định hướng một nghề nghiệp cụ thể nào đó (chẳng hạn chương trình đào tạo kế toán, đào tạo về kỹ thuật xây dựng…) chắc chắn sẽ rất chú trọng yêu cầu này. Bạn phải nắm vững những kiến thức được trang bị, những kỹ năng nghiệp vụ được huấn luyện để có thể áp dụng vào một ngành nghề cụ thể. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay của Việt Nam, yêu cầu đang được các doanh nghiệp đòi hỏi như là một tiêu chuẩn ưu tiên này phải được các trường Đại học lưu ý. Nếu bạn là Sinh viên của những ngành học có xu hướng thực hành thì yêu cầu "làm được công việc ngay sau khi ra trường" sẽ là một yêu cầu được ưu tiên. Bạn cần tập trung nhiều vào phần thực tập để có thể áp dụng được những gì đã học vào thực tế một cách hiệu quả. Sự thuần thục về kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ là một đòi hỏi rất nghiêm túc để bạn thành công trong lĩnh vực đã chọn.
Tuy nhiên, Biết - Hiểu - Áp dụng chỉ nên xem là mức yêu cầu tối thiểu của học tập bậc Đại học. Những mức yêu cầu đó chưa phải là cao nhất theo đúng tinh thần Đại học. Câu hỏi lớn khiến các nhà giáo dục cũng như các Sinh viên bận tâm là liệu việc Biết - Hiểu - Áp dụng một số thứ vào thực tế có đủ để tạo ra những giá trị lâu dài, bền vững và đáng giá cho một Sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nhất là khi mà bối cảnh xã hội thay đổi ngày càng nhanh, thậm chí đến mức khó lường. Nhiều kiến thức nhanh chóng lạc hậu, tốc độ làm mới kiến thức của nhân loại trong các lĩnh vực nghề nghiệp đang diễn ra chóng mặt. Vậy việc an tâm Biết - Hiểu - Áp dụng những gì đã học được ở Đại học có đủ "an toàn" đối với tương lai những người trẻ tuổi sau khi tốt nghiệp?
Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG. Đại học phải là một nơi giảng dạy, ươm mầm cho những công việc sáng tạo. Và những Sinh viên Đại học thực thụ luôn hướng đến những mục tiêu học tập cao hơn thế. Đó là học để Vận dụng học để Sáng tạo. Vận dụng và Sáng tạo là hai mức yêu cầu đòi hỏi Sinh viên phải tiếp cận kiến thức trong thái độ phản biện toàn diện, không dễ dàng chấp nhận những kết luận được sách vở và giảng viên cung cấp, mà luôn biết đặt các câu hỏi nghi vấn, tìm tòi những khía cạnh mới chưa được nói đến của vấn đề và tự săn lùng câu trả lời. Sinh viên chỉ có thể là một thành viên Đại học thực thụ nếu họ thấm nhuần triết lý này.
Để theo kịp cách học mà triết lý Đại học đòi hỏi, các Sinh viên trẻ tuổi phải sẵn sàng để vào vai những "đồng nghiệp trẻ" của giảng viên, thậm chí là các giảng viên còn được yêu cầu phải khích lệ Sinh viên để họ sớm vào vai đó. Họ sẽ phải học điều đầu tiên rất quan trọng ở bậc Đại học: "Muốn giỏi là phải biết tự giỏi". Chẳng bao giờ có ai khuyên bạn nên quên thành ngữ dân gian đầy hàm ý "Không thầy đố mày làm nên". Tuy nhiên, bạn không nên vì thế mà cứ ngồi yên đó trông chờ thầy cô đọc cho chép rồi làm theo những gì thầy cô yêu cầu, và chỉ làm chừng ấy thôi. Trong vai những "đồng nghiệp trẻ" của giảng viên, bạn cũng đừng vội nghĩ là mình phải luôn sẵn sàng tranh luận mọi lúc mọi nơi với giảng viên. Hãy nghĩ đơn giản hơn rằng khi cần thiết, bạn hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi nghi vấn, phát biểu quan điểm cá nhân, tìm kiếm các lý lẽ và kết luận cho một vấn đề nào đó, mà không nhất thiết phải tán thành quan điểm và lý lẽ của giảng viên và của người khác. Các vấn đề luôn cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ, không chỉ là chính đề mà cả các phản đề của nó, nghĩa là bạn phải sẵn sàng lật ngược lại vấn đề nhằm xem xét các khía cạnh khác nhau, thậm chí trái ngược nhau của cùng một vấn đề.
Những thói quen tốt mà Sinh viên Đại học thường có như đọc sách, ghi chép tư liệu, làm việc ở thư viện, chủ động trao đổi với bạn bè hay giảng viên, đặt câu hỏi, thuyết trình, tham gia đề tài nghiên cứu… chính là những biểu hiện của mức độ tiếp cận triết lý học tập theo tinh thần Đại học. Ghi chép máy móc, học thuộc lòng kiến thức, không đọc sách tham khảo, không tham gia tranh luận, thuyết trình… sẽ là những kịch bản tồi tệ khiến một Sinh viên không phát huy được năng lực bản thân trong môi trường Đại học.
Tinh thần Đại học khích lệ bạn đừng dễ dãi chấp nhận các lý lẽ và các kết luận có sẵn. Bạn nên sẵn sàng theo đuổi hành trình tìm kiếm, khám phá những lý lẽ và kết luận của chính bạn về vấn đề mà bạn được giới thiệu qua sách vở và bài giảng. Không kịp chuyển đổi nhận thức về việc học tập với tinh thần Đại học, bạn có thể sẽ đối mặt với tình trạng tồi tệ trong khoảng thời gian đầu có mặt ở trường Đại học – tình trạng "sốc Đại học".
Cú sốc mang tên "Đại học"
Lạ đời là không ít Sinh viên đến Đại học với niềm cảm hứng tuyệt vời lại là những người có thể bị "sốc Đại học"! Nhiều thứ đã không diễn ra như họ tưởng tượng, hoặc nhiều khi họ cảm thấy nhiều thứ ở trường Đại học có vẻ chống lại những thành tích vang dội và niềm kiêu hãnh rỡ ràng vào bản thân mà họ từng có trước đó. Họ có thể sẽ cảm thấy chới với, mất phương hướng và niềm tin vào bản thân vì bỗng dưng mọi thứ ở Đại học quá khác so với những gì họ vẫn hình dung. Thầy cô không cắt nghĩa quá nhiều các chi tiết bài giảng, mà lại yêu cầu họ tự đọc hàng chồng sách, tự trả lời vô số câu hỏi, rồi thậm chí là tự đánh giá kết quả của những việc mình làm. Họ cảm thấy như thể họ bị bỏ rơi. Không ít tân Sinh viên đã bị "sốc" thật sự!
"Sốc Đại học" trong nhóm Sinh viên mới có thể bộc lộ qua một số triệu chứng dễ nhận diện.
Triệu chứng thứ nhất là Sinh viên không làm chủ được kế hoạch thời gian, dù có vẻ thời khóa biểu của trường Đại học rất tự do chứ không theo kiểu "ngày hai buổi đến trường" như thời phổ thông. Nhiều Sinh viên không nhận thấy rằng ở trường Đại học, họ có quyền hạn rộng hơn trong việc tự quyết định thời gian biểu của chính mình. Việc điều chỉnh từ học theo niên chế sang tín chỉ đã trao quyền tự chủ cho Sinh viên nhiều hơn trên phương diện lập kế hoạch thời gian cho học tập. Song nhiều Sinh viên không định nghĩa đó là cơ hội mà xem đó là khủng hoảng, và họ cứ mãi loay hoay vì không tìm được cách để chủ động thích nghi - họ vẫn có xu hướng bị động, chạy theo khung thời gian áp đặt trước đây.
Triệu chứng thứ hai là Sinh viên cảm thấy nhiều môn "chẳng biết học để làm gì" và "thật vô bổ", do đó không biết mình phải học những gì để được xem là giỏi. Họ mất hứng thú học tập vì thế. Nhiều người trong số này cuối cùng sẽ loay hoay với việc học để kiếm điểm, cố gắng "tròn vai" trong tình cảnh của một học trò chăm ngoan và không phát hiện ra bất cứ năng lực mới mẻ nào của bản thân, cũng như không thể tìm thấy động lực nào mới đủ mạnh mẽ để họ vươn xa trên hành trình học tập suốt đời sau này.
Triệu chứng thứ ba là Sinh viên "giấu nhẹm" tất cả những thắc mắc mà lẽ ra họ nên hỏi giảng viên hay bạn bè. Họ trở thành người "tự kỷ" theo cách nói của giới trẻ hiện nay. Nếu giảng viên không chủ động giảng giải, họ sẽ để mặc những câu hỏi quan trọng chìm vào lãng quên. Với cách đó, họ tự mình tháo lui khỏi nơi mà lẽ ra họ có quyền tự chủ để nói lên suy nghĩ, ý tưởng và đòi hỏi khám phá. Coi như họ đã chọn cách sống cô lập và tự giam mình trên hòn đảo giữa đại dương, trong khi lẽ ra họ có thừa cơ hội để giong buồm đi về phía những bến bờ tươi sáng.
Chia sẻ
"Sốc Đại học" và cách tự giảm sốc
Các tác giả Tom Burns và Sandra Sinfield (2008) đã thu thập được một số mối lo ngại phổ biến của các bạn tân Sinh viên như sau:
1. Bài vở nhiều quá! Tôi không chắc là mình có đủ thời gian để học.
• Tự giảm sốc: "Tôi nhận ra rằng tôi vẫn có thể đủ thời gian học nếu như tôi biết sắp xếp thời khóa biểu sinh hoạt của mình một cách hợp lý hơn, thậm chí vẫn có thời gian giải trí và dành cho gia đình". Bạn có thể tìm hiểu về kinh nghiệm sắp xếp thời gian ở những chương sau của cuốn sách này hoặc hỏi các anh chị học giỏi của những khóa trước. Tất cả các trường Đại học và Cao đẳng hiện nay đều có Trung tâm hỗ trợ Sinh viên, bên cạnh đó còn có Hội Sinh viên và Đoàn Thanh niên, với nhiều hoạt động chia sẻ khó khăn và truyền kinh nghiệm học cho các bạn tân Sinh viên. Hãy chủ động tìm đến họ.
2. Dù sao thì rõ ràng là tôi sẽ phải hy sinh bớt thời gian giải trí và dành cho gia đình, bạn bè cũng như những mối quan tâm bên ngoài xã hội. Liệu đây có phải là sự đánh đổi quá lớn?
• Tự giảm sốc: "Tôi nhận ra rằng tất cả các anh chị khóa trước đều phải chấp nhận rút bớt thời gian riêng để dành nhiều thời gian hơn cho việc học. Họ bảo rằng việc gì cũng vậy, muốn có nhiều khả năng gặt hái thành công thì phải dám mạnh dạn đầu tư. Hãy nghĩ đến mục tiêu của mình khi vào Đại học và mạnh dạn đầu tư… thời gian và tâm trí cho việc học. Chỉ vài năm thôi mà!".
3. Hồi học Trung học, thầy cô đốc thúc tôi học thông qua các bài kiểm tra đầu giờ, kiểm tra 15 phút, kiểm tra một tiết trước khi tới kiểm tra cuối kỳ. Còn ở đây, chẳng có ai "giật dây" tôi kiểu đó cả. Tôi không chắc mình có ôn luyện được hết cho kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ không?
• Tự giảm sốc: "Tôi thấy các anh chị khóa trên hay học nhóm với nhau trong suốt học kỳ để tự kiểm tra bài vở lẫn nhau. Có lẽ tôi sẽ làm theo cách này". Bạn hãy rủ các bạn thân trong lớp học nhóm với nhau, kiểm tra bài lẫn nhau thay vì chờ đợi thầy cô kiểm tra bạn.
4. Trí nhớ của tôi làm sao chứa hết hàng tá sách vở như thế này?
• Tự giảm sốc: "Tôi lại lầm lẫn giữa học Trung học và học Đại học rồi! Thầy cô ở Đại học không chấm bài theo kiểu thuộc lòng đâu. Quan trọng là phải hiểu bài và chỉ cần trả lời theo cách mình hiểu".
5. Muốn đọc và hiểu bài thì phải được yên tĩnh, mà ở nhà thì không được yên quá 15 phút!
• Tự giảm sốc: "Sao mình không vào thư viện học và làm bài tập nhỉ? Ở đó yên tĩnh, quy định mà, lại còn có thể mượn sách tham khảo nữa". Một số trường còn trang bị máy vi tính kết nối internet để Sinh viên tra cứu. Một số trường khác còn có phòng tự học, phòng học nhóm cho Sinh viên nữa.
Nào, nếu bạn cũng gặp những mối lo này, hãy viết chúng ra, nói to lên hoặc chia sẻ với bạn bè, những người đi trước. Bạn sẽ thấy chúng không trầm trọng lắm đâu. Đừng để nhiễm bệnh "tự kỷ Đại học" từ những người quá bi quan nhé.
Rồi còn gì nữa? Hãy đọc những phần tiếp theo của cuốn sách này, nó cũng sẽ giúp bạn giảm sốc đấy.
Trên thực tế, "sốc Đại học" trong nhóm Sinh viên mới còn thể hiện ở tình trạng thất vọng quá mức trước "thực tế phũ phàng" của giảng đường Đại học: giờ học không vui, giảng viên không thân thiện, điều kiện giảng đường không hoàn hảo… Những thực tế ấy có thể khá phổ biến ở nhiều trường Đại học. Khó lòng mà không thất vọng trong hoàn cảnh bạn phải trải nghiệm những điều kiện học tập không như mong muốn này.
Hậu quả của tình trạng "sốc Đại học" này là không ít Sinh viên rơi vào tình trạng "vong thân", tức là đánh mất bản thân mình trong môi trường mới. Sự đánh mất này có thể bắt đầu từ việc đánh mất cảm hứng, rồi dần dần đánh mất luôn những thói quen tốt trong cuộc sống, trong học hành. Cảm hứng thường giúp chúng ta khởi đầu. Thói quen tốt thường giúp chúng ta về đích. Đánh mất hai thứ đó, chúng ta có thể sẽ đánh mất điều quan trọng hơn là mất cơ hội vượt lên, mất cơ hội về đích. Loay hoay chuyển trường, chuyển ngành, loay hoay với câu hỏi "đi học hay không đi học", lúng túng với cố gắng vượt qua bản thân mình… nhiều Sinh viên dần dần tụt lại phía sau, thậm chí là bỏ cuộc.
Học ở chính mình
Thấu triệt tinh thần Đại học là để xây dựng bản lĩnh tự chủ thật sự trên hành trình Đại học. Học Đại học, vì thế, sẽ là giai đoạn quan trọng nhất để Sinh viên học hỏi từ chính mình.
Các môn học trong chương trình Đại học không được thiết kế để cung cấp kiến thức thuần túy cho Sinh viên. Chúng có thể giúp Sinh viên nhận ra năng lực bản thân trong một số lĩnh vực kiến thức và kỹ năng nào đó. Chẳng hạn, có Sinh viên nhận ra mình không phù hợp lắm với các sáng tạo công nghệ, nhưng lại rất nhạy cảm với các sáng tạo nghệ thuật. Nhưng không thể vì thế mà họ cảm thấy mình hạn chế hay yếu kém rồi lùi bước hoặc thoái chí. Họ cần biết tiếp tục đi tới trên hành trình tìm tòi, tiếp cận, khám phá để phát hiện những năng lượng cần thiết nhằm phát triển bản thân trên đường nghệ thuật. Đó là kịch bản mà giáo dục Đại học luôn mong đợi ở mỗi Sinh viên. Tìm ra những năng lực của bản thân quan trọng hơn rất nhiều so với việc cố khép mình vào để "vừa vặn" với một khuôn mẫu nghề nghiệp nào đó. Chính vậy, ở Đại học, việc theo đuổi một bảng điểm "đẹp" không phải lúc nào cũng là một phương án lý tưởng, dù không ai dám phủ nhận năng lực của chủ nhân những bảng điểm đó. Sinh viên có tinh thần tự chủ luôn đủ bình tĩnh để nhận ra giá trị bản thân trên đường học vấn.
Bước vào Đại học, không hẳn Sinh viên nào cũng thật sự nhận ra những mục tiêu quan trọng của cuộc đời. Bạn nên tự trả lời câu hỏi gợi ý sau đây:
"Năm năm nữa, bạn sẽ trở thành người như thế nào?".
Nhiều bạn chỉ đơn giản muốn trở thành một người làm công ăn lương có thu nhập ổn định để an tâm với cuộc sống. Vậy nếu bạn thuộc trường hợp đó, hãy tập trung vào việc thực hành thật nghiêm túc các kỹ năng nghề nghiệp và không nên quá mơ mộng với những viễn cảnh làm giàu đầy đột phá. Bởi khi đó bạn có thể bị phân tâm, bị phân tán năng lượng và cuối cùng không thực hiện được mục tiêu giản dị đã đặt ra. Trở thành một người lao động bình thường có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng là một đích đến không kém phần vinh quang đối với nhiều Sinh viên Đại học.
Có bạn muốn trở thành một người có khả năng dẫn dắt người khác trong công việc. Đó là một mục tiêu đòi hỏi bạn phải có nhiều động lực và năng lượng. Nhưng lời khuyên là bạn đừng quên cái mốc "5 năm nữa…" mà bạn đặt ra, nghĩa là bạn không nhất thiết phải là người dẫn dắt người khác ngay lập tức. Dù bạn có muốn trở thành người dẫn dắt người khác thì bạn cũng không thể nào bỏ qua giai đoạn quan trọng của một người học việc nghiêm túc, cần cù và kiên nhẫn. Thử nhìn vào trường hợp của huấn luyện viên bóng đá Jose Mourinho. Ông chỉ là một cầu thủ trung bình, rồi trở thành một trợ lý chuyên môn năng nổ, để chờ đợi đến ngày thành công vang dội trên ghế huấn luyện viên. Như vậy, bạn có thể đặt ra một viễn cảnh rực rỡ, nhưng bây giờ, khi bạn đang ngồi trên ghế Đại học, đừng quên nhiệm vụ tích lũy năng lượng để sẵn sàng tỏa sáng ở tương lai. Một kịch bản vội vàng có thể khiến bạn không "nạp đủ năng lượng", vì thế mà đánh mất cơ hội sau này.
Lại có bạn muốn trở thành một người hoàn toàn độc lập trong công việc, không quá quan tâm đến việc mình tuân thủ hay dẫn dắt người khác. Nhóm này chú ý nhiều hơn đến những năng lực nội tại để có thể tự tin trong mọi vị trí công việc mà theo họ là do những cơ duyên của cuộc đời sắp đặt. Họ không chọn lối sống may rủi, nhưng cũng không mấy mặn mà với việc hoạch định mục tiêu. Họ thường có xu hướng tin vào mệnh đề: nếu tôi có sẵn năng lực bản thân, tôi có thể sẽ làm tốt mọi việc. Có thể nói nhóm này có xu hướng trở thành các chuyên gia làm việc độc lập. Nếu bạn nhận thấy mình có xu hướng này thì hãy tập trung mài giũa các kỹ năng như suy nghĩ độc lập, tiếp cận vấn đề, phân tích phản biện, đề xuất giải pháp… Bên cạnh đó, bạn cần có khả năng đưa ra những giải pháp mới cho một vấn đề nào đó, hoặc chí ít là cũng đưa ra được cách giải thích mới cho một vấn đề cũ.
Có thể còn nhiều kịch bản khác về kế hoạch cuộc đời của các Sinh viên trẻ tuổi. Sự khác biệt đó không mấy quan trọng - bạn không nhất thiết phải giống một người nào đó. Nguy hiểm nhất là những Sinh viên không thật sự biết mình muốn trở thành ai. Bài học quan trọng với nhóm này là học cách để sớm nhận ra mục tiêu cuộc đời. Tức là học hỏi từ chính mình. Đây là phần quan trọng của năng lực học tập suốt đời mà các trường Đại học hiện đại luôn coi trọng trong chương trình giáo dục dành cho Sinh viên nhằm đảm bảo họ không bao giờ dừng lại trên hành trình học tập sau này.
Những người tình nguyện trẻ tuổi
Một câu hỏi lớn khác liên quan đến trường học Đại học là làm sao để những Sinh viên trẻ tuổi có thể kết nối được giữa việc học ở nhà trường với thực tế xã hội đa dạng, phức tạp và sinh động khi không có sự sắp đặt kế hoạch từ nhà trường hay giảng viên. Liệu bạn có nên chờ đến đợt thực tập nào đó do trường sắp xếp mới tiếp cận với thực tế xã hội? Những Sinh viên tài giỏi, năng động sẽ trả lời là "không". Con đường họ chọn là sẵn sàng và chủ động tìm kiếm cơ hội trở thành những tình nguyện viên cho các chương trình công tác xã hội hay nhiều hoạt động khác nhau.
Có vẻ chuyện này không mấy liên quan đến việc học và đó là lý do khiến nhiều Sinh viên không lựa chọn hướng đi này. Nhưng hành trình trải nghiệm Đại học không nên thiếu sự sẻ chia tình thương và trách nhiệm xã hội với những người khác. Các bạn sẽ học được nhiều điều quan trọng về giá trị sống khi giúp đỡ người khác, sẽ nhận ra giá trị của lao động, của mồ hôi, nhận ra các khoảng cách xã hội rõ ràng hơn, nhờ đó mà hiểu rõ mình cần làm những gì ở trường Đại học hơn. Kết quả của việc tham gia các chương trình xã hội là bạn có thể điều chỉnh nhân sinh quan và nhận thức xã hội, nhận thức giá trị bản thân một cách thực tế hơn, nhân văn hơn - một sự điều chỉnh về con người mà các trường Đại học luôn mong chờ ở các Sinh viên.
Một số Sinh viên sẵn sàng trở thành tình nguyện viên của một chương trình hay đề tài nghiên cứu nào đó do các giảng viên đứng đầu. Nghiên cứu không bao giờ là việc dễ dàng và những người tham gia phải cống hiến trí tuệ và công sức theo tinh thần phi vụ lợi mới hy vọng không bỏ cuộc trên đường tìm kiếm, khám phá những điều mới mẻ. Các giảng viên thường rất cần sự cộng tác của Sinh viên để triển khai các ý tưởng nghiên cứu. Nếu bạn được các giảng viên này mời tham gia, hãy hiểu là bạn đã được tin tưởng và cũng đồng thời là bạn được trao cơ hội để học hỏi những điều không có sẵn trong sách vở, giáo trình. Tham gia các chương trình nghiên cứu cùng với giảng viên là một trong những cơ hội để Sinh viên sớm được thừa nhận về năng lực làm việc, đồng thời cũng là cơ hội để tiến tới thực hiện những đề tài nghiên cứu của riêng mình. Sự cộng tác học thuật giữa giảng viên và Sinh viên trẻ là một phần giá trị của bức tranh giáo dục Đại học mà bạn nên cố gắng tiếp cận.
Ngoài ra, có thể trong chặng đường Đại học của bạn, việc làm tình nguyện viên cho một sự kiện lớn nào đó của quốc gia, của địa phương hay của nhà trường là những "cơ hội vàng" để bạn quan sát, học hỏi từ những nhà tổ chức xuất sắc, những người bạn tài giỏi và qua đó rèn luyện những kỹ năng mà bạn còn yếu ở trường Đại học. Nhiều Sinh viên tham gia các hoạt động lớn mang tầm quốc tế như SEA Games, APEC… đã gặt hái được từ những ngày làm việc liên tục và mệt mỏi vô số những trải nghiệm quý báu để làm hành trang phát triển khả năng của mình.
Những hoạt động này chắc chắn sẽ lấy đi của các Sinh viên trẻ tuổi nhiều thời gian, nhất là thời gian mà họ dự định dành cho giải trí và những sinh hoạt riêng tư. Nhưng giá trị của các hoạt động này là sự bổ khuyết vô giá cho kiến thức và kỹ năng hàn lâm mà Sinh viên tiếp nhận ở trường Đại học. Cuộc sống luôn cư xử kiểu "ăn khế trả vàng" với những người tình nguyện viên trẻ tuổi đã sẵn sàng cống hiến cho xã hội và cho cộng đồng.
***
Chặng đường Đại học không mấy dài, nhưng là chặng đường quan trọng trong đời người vì sự đầu tư đúng hướng và hợp lý ở giai đoạn này có thể đem lại những giá trị nền tảng cho tương lai của bạn. Đừng cho phép mình dừng lại ở việc học một số kiến thức và kỹ năng cụ thể nào đó để làm một vài việc cụ thể nào đó, bởi như thế là bạn đã tự nhốt mình trong thế giới chật hẹp và sau đó là sao chép kịch bản cuộc đời của người khác. Hãy dũng cảm và kiên trì theo đuổi tinh thần Đại học, vốn đề cao tư duy - khái quát - tự do.
Tôi đã học như thế nào?
Câu chuyện của Nguyễn Vĩnh Khương, Sinh viên Chương trình Tiên tiến ngành Điện - Điện tử, khóa học 2010-2014, từng đạt học bổng các trường Trung học Royal Wolverhampton School, Brooke House College - vương quốc Anh và trường Auckland International College - New Zealand.
Giảng đường Đại học là một môi trường mới lạ với đại đa số các bạn Sinh viên, trong đó, "lạ" về phương pháp học tập là điều đáng nói nhất. Khác với thời Trung học, giáo viên cung cấp kiến thức, hướng dẫn giải bài tập, kiêm luôn vai trò của một người "mớm" công thức - cách làm… dễ dẫn đến sự thụ động của học sinh, thì ở Đại học, một Sinh viên không thể thụ động như thế được, mà phải tự thân tìm tòi các kiến thức, thậm chí, phải tự hệ thống hóa các dạng bài tập của một chương hay một môn học để tiện giải quyết. Trong bối cảnh đó, chọn ra hướng đi đúng về phương pháp học tập cũng không phải là một điều dễ dàng, đôi khi Sinh viên phải mất một học kỳ, thậm chí là một năm đầu ở Đại học, chỉ để tìm ra cách thích ứng với môi trường học tập ở Đại học. Tuy nhiên, có còn hơn không, thà muộn còn hơn là không bao giờ, học tập có phương pháp chính là chìa khóa quan trọng hướng Sinh viên đến sự thành công trên giảng đường Đại học.
Học tập có phương pháp giúp chúng ta giảm bớt thời lượng không cần thiết bị tiêu hao ở một môn học mà có thể dành nó vào những việc quan trọng hơn. Học tập có phương pháp còn giúp ta học để hiểu và xâu chuỗi các kiến thức trong các học kỳ - và để ứng dụng. Và đặc biệt hơn, học có phương pháp sẽ giúp chúng ta chủ động với mọi tình huống - dù là bất ngờ nhất trong suốt thời gian học Đại học.
Nói như thế thì có lẽ là quá chung chung, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm về chính phương pháp học tập của bản thân trong suốt thời gian qua ở bậc Đại học. Có lẽ do xuất phát điểm của bản thân từ ngôi trường Phổ thông Năng khiếu, một ngôi trường có phương pháp giảng dạy và học tập gần giống với môi trường Đại học, nên tôi không bị bỡ ngỡ hoặc lạ lẫm, không phải tốn thời gian thích nghi với việc học ở Đại học. Tuy nhiên, nếu như ở phổ thông, bạn vẫn có sách giáo khoa như một "kim chỉ nam" cho việc học, thì ở Đại học, mọi nguồn tư liệu đều có thể tận dụng, và nó vô hình trở thành một thách thức khi mà kiến thức trở nên lan man. Luyện tập cách lấy ra những ý chính khi đọc sách, ghi chú nó lại theo cách của bản thân, vào một tờ giấy được trang trí thật đẹp, bạn sẽ cảm thấy có hứng thú để đọc đi đọc lại nhiều lần và từ đó có thể nhớ rất lâu. Với tôi, tờ giấy ghi chú của tôi có thể có thêm một vài câu danh ngôn mang tính động viên, đại khái như: "Trên bước đường hướng đến thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng", "Cố gắng thêm chút nữa để ngày mai bạn sẽ thấy hôm nay bạn vĩ đại như thế nào", … từ đó có thêm động lực thúc đẩy bản thân mình học tốt. Đó là cách cơ bản để học tập từ "ông thầy câm".
Chuẩn bị bài là một bước cực kỳ quan trọng trong quá trình tự học. Nếu tính ra để có một giờ lên lớp tiếp thu được 70% kiến thức thì bạn phải tự học ở nhà với khoảng hai giờ để xem lại bài hôm trước, đọc trước bài sẽ học, ghi ra những gì mình đã hiểu, những gì chưa hiểu để có thể hỏi giảng viên khi lên lớp. Sau khi lên lớp, tranh thủ buổi trưa, hoặc ngay khi về nhà, hoàn tất lại các chi tiết còn thiếu hoặc những chi tiết bạn bỏ sót trong bài giảng, trình bày cho thật đẹp để có thể nhớ lâu hơn. Sau đó, sắp xếp thời gian làm bài tập ngay khi có thể, càng sớm càng tốt, cân đối thời gian phân bố giữa các môn học, bạn có thể đạt được hiệu quả cao nhất.
Với một Sinh viên bình thường như tôi, việc sắp xếp thời gian là cả một vấn đề. Vậy làm sao để giải quyết khó khăn trên? Câu trả lời là: phải nghiêm khắc với bản thân, phải tự xếp mình vào khuôn khổ. Khi đã lên thời khóa biểu rằng bạn sẽ làm những việc gì thì phải làm cho kỳ được, "việc hôm nay chớ để đến ngày mai". Khi lên mạng để tìm tài liệu thì tuyệt đối không dễ dãi mà vào các trang báo mạng, các diễn đàn, trò chơi, hay xem phim, đọc truyện. Chỉ đi giải trí, thư giãn sau khi làm xong việc đã đề ra, tuyệt đối không ngắt ngang giữa chừng đôi khi mạch suy nghĩ của ta về một vấn đề khó cũng sẽ dễ bay đi mất.
Nói chung, con người không thể làm chủ thời gian nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát thời khóa biểu của chính mình. Chiến thắng những thú vui của bản thân là bạn đã giúp mình có thêm những điều kiện "cần" để đến thành công. Vậy điều kiện "đủ" của thành công là gì? Đó chính là ở quan điểm của mỗi người về "một Sinh viên thành công".
Nếu bạn cho rằng Sinh viên chỉ cần không bị rớt, chỉ cần điểm số trên trung bình là đã thành công thì sự tự mãn sẽ giết chết những sáng tạo, những năng lực tiềm ẩn trong bạn. Nếu bạn cho rằng Sinh viên phải trên 9.0 mới là Sinh viên thành công thì khi năng lực bản thân không thể đạt đến, bạn sẽ vô tình chịu áp lực lớn dễ dẫn đến buông xuôi, bỏ cuộc.
Với tôi, một Sinh viên thành công là một Sinh viên có thể biến ước mơ của mình thành hiện thực, là khi người đó tự thực hiện được mục tiêu của mình đề ra. Một Sinh viên thành công chính là một Sinh viên dám chiến thắng bản thân, biết thực hiện đúng những cam kết với chính mình thông qua việc làm tốt thời khóa biểu cá nhân, từ đó đạt đến những gì tốt đẹp mà chính bản thân mong muốn có được.