Cố gắng thi vào khoa Y của trường khó đỗ nhất
Khi tôi lên mười, mẹ tôi bị hội chứng tan huyết suýt chết. Bố tôi là mục sư, nhà nghèo nhưng phải nuôi sáu đứa con và mẹ già. Rất may là có một bác sĩ khoa Nhi, đồng ý thường xuyên khám cho mẹ tôi miễn phí. Lúc ấy, điều khiến tôi muốn trở thành bác sĩ đến từ suy nghĩ rằng: “Nếu bác sĩ này cứu sống mẹ thì mình cũng sẽ trở thành bác sĩ”. Tuy nhiên, con đường trở thành bác sĩ của tôi không thẳng tắp.
Mỗi kỳ thi tôi lại trăn trở về bước đường thăng tiến trong tương lai. Vốn rất yêu văn chương, tôi đã cùng các bạn lập ra một tờ tin văn. Thời xã hội đang rộ lên trào lưu hâm mộ những thanh niên có chiều cao, có trình độ học thức cao, có thu nhập cao thì tôi lẻn vào nghe giảng ở lớp Triết của giáo sư Tanaka Gen, Đại học Kyoto. Tôi tự học và rất yêu âm nhạc. Vì vậy, cũng không phải là tôi đã quyết định chắc chắn sẽ trở thành bác sĩ. Thuở nhỏ, tôi rất hiếu thắng nên trong học tập và chơi thể thao luôn phải cố giành giải nhất mới bằng lòng. Dù có tật hay xấu hổ, đỏ mặt mỗi lúc đứng trước đám đông nên bị bạn gọi là “mặt đỏ”, nhưng bên trong tôi là một đứa trẻ rất cứng đầu.
Đến lúc thi đại học, tôi quyết định đằng nào cũng thi thì phải chọn khoa Y trường Đại học Kyoto, là nơi có tiếng khó đỗ nhất. Nếu hỏng, tôi sẽ chọn nguyện vọng hai là khoa Văn hoặc khoa Triết cùng trường. Rất may là tôi đã đỗ. Tôi phấn khởi nhủ thầm: “Xem như con đường trở thành bác sĩ đã xong. Bước kế tiếp là phải học để trở thành giáo sư khoa Y trong trường mới được”.
Nhưng đáng tiếc là vừa xong năm thứ nhất thì tôi mắc bệnh lao phổi. Tôi lo lắng không biết khi nào thì tôi hết sốt, có thể ra khỏi giường. Bệnh tình của bản thân không biết sẽ thuyên giảm hay nặng thêm. Không những cơ thể tôi đau đớn mà cả tinh thần cũng ở mức tệ hại, vì lúc ấy tôi cảm thấy mình ngày càng bị các bạn đồng học bỏ xa. Cứ thế suốt tám tháng trời tôi bị sốt cao liên tục, phải tuyệt đối nằm yên một chỗ, ngay cả ngồi dậy đi vệ sinh cũng không được phép. Sau đó, tôi khá hơn, quay lại khoa Y nhưng vẫn có cảm giác vương vướng trong tâm trí. Cơ thể vẫn còn đau nhức mỗi khi lên giảng đường nên tôi lo chưa chắc mình theo nổi nghề bác sĩ vất vả, rồi dằn vặt với sự kém may mắn của bản thân. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ rằng mình thật không may.
Sau khi trở thành bác sĩ mới nhận ra mình đã may mắn ốm cả năm trời
Tuy nhiên, sự việc tốt xấu thật ra do cách nhìn nhận vấn đề. Sau khi đã trở thành bác sĩ, tôi cảm thấy rằng một năm học phải nghỉ, vì bệnh ấy không phải là mất mát mà là ân sủng của Chúa. Không có một năm ấy, có lẽ tôi không hiểu được tâm trạng của người trên giường bệnh. Kiến thức y học có thể học từ thầy, đọc thêm trong sách giáo khoa nhưng diễn biến tâm lý người bệnh thì chỉ có thực tế trải nghiệm mới biết được. Mãi về sau tôi mới nhận ra ban đầu mình đã cho rằng trễ mất một năm là điều thiệt thòi lớn nhưng thực ra thời gian đó là thời gian quý báu không gì bằng đối với một bác sĩ. Người bệnh nằm trên giường ba, bốn tháng không dậy nổi mà nghe bác sĩ, người chưa bao giờ đau ốm, động viên: “Cố lên” cũng sẽ không cảm thấy lời động viên đó liên quan gì đến mình. Rất may là tôi đã từng bệnh nằm liệt giường nên tôi có thể cảm thông sâu sắc với người bệnh. Tôi chỉ cần nắm tay hoặc vỗ nhẹ lên vai người bệnh cũng đủ làm cho họ thấy được sự cảm thông. Những cử chỉ ấy không hàm ý: “Tôi sẽ chữa khỏi bệnh” mà là: “Chúng ta sẽ cùng vượt qua cơn đau này”. Tôi thường nói với các y sinh và điều dưỡng trẻ rằng họ cần phải bệnh nhưng đừng đến nỗi mất mạng, vì với nền y học tiến bộ, y tế dự phòng đầy đủ như hiện nay thì đại đa số sinh viên y khoa, điều dưỡng thậm chí còn chưa hề trải nghiệm đau răng là như thế nào. Thực chất đây là điều không hay chút nào. Tôi cho là rất đáng lo ngại.
Muộn mất một năm đại học, tôi bỏ hẳn lộ trình tiến thân theo kiểu sinh viên ưu tú, quyết định sẽ tự vươn lên. Tháng 4 năm 1941, bỏ ngoài tai những lời khuyên của đàn anh, đàn chị ở khoa Y trường Đại học Kyoto rằng: “Ra làm bệnh viện tư thì chẳng được gì”, “Qua bên kia đèo Hakone là địa phận của bọn khoa Y trường Đại học Tokyo”, tôi vào làm việc ở bệnh viện quốc tế Sei Luca, Tokyo. Tất cả đều nhờ vào một năm bệnh liệt giường như vừa kể.
“Gặp” thầy Osler, thực sự hiểu ý nghĩa và vai trò của bác sĩ lâm sàng
Bệnh viện quốc tế Sei Luca do Rudolf Bolling Teusler, bác sĩ đồng thời là nhà truyền giáo thuộc giáo hội Anh giáo ở Mỹ, xây dựng năm 1902. Tôi vào làm việc ở bệnh viện trong thời điểm chiến tranh ở khu vực Thái Bình Dương bùng nổ, nhưng do có tiền sử mắc bệnh phổi nên tôi không bị động viên, mà lại tất bật với công việc khám chữa bệnh ở Tokyo dưới mưa bom cho đến khi chiến tranh kết thúc. Ngay sau đó, bệnh viện được tiếp quản theo lệnh của tướng Douglas Mac Arthur, tư lệnh GHQ (Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đồng minh), trở thành bệnh viện lục quân số 42 và nằm trong biên chế quân y cho đến năm 1956. Chúng tôi chuyển hoạt động khám, chữa bệnh sang cơ sở điều trị ngoại trú gần đó, nhưng khi biết tin thư viện y khoa trong bệnh viện quân y vừa được thành lập thì tôi đã xin giám đốc bệnh viện cấp giấy phép ra vào thư viện, vì biết có rất nhiều sách, tạp chí y học được nhập về – điều không thể thực hiện trong thời kỳ chiến tranh. Tôi thường vào thư viện, đọc ngấu nghiến cho đến đêm khuya. Trong các sách đã đọc, tôi thường thấy cụm “Osler đã nói” nên quan tâm tìm hiểu, phát hiện nhiều điều rất hay, khác hẳn những gì chúng tôi được học, tham khảo từ y học Đức trước đó. Tôi được khai sáng.
William Osler (1849 – 1919) sinh ra ở Canada, một trong những người sáng lập khoa Y trường Đại học Johns Hopkins và đề xướng chế độ Resident (bác sĩ thực tập được nhận lương), là một giáo sư nội khoa rất tâm huyết, có nhiều sách đã được dịch ra sáu ngôn ngữ trên thế giới. Khi tôi biết đến thì ông đã qua đời, nhưng ở Mỹ không ai là không biết. Ông có cống hiến rất to lớn cho sự phát triển nền y học Mỹ. Từ khi tìm hiểu về cuộc đời của William Osler, tôi cảm thấy việc trở thành bác sĩ của mình thật tuyệt, vì từ lúc ấy mới thực sự hiểu rõ ý nghĩa và vai trò của bác sĩ lâm sàng.
Nói một cách vắn tắt, y học Mỹ rất tôn trọng người bệnh. Bác sĩ bình đẳng với bệnh nhân. Bác sĩ không đơn thuần chỉ là khám cho những “bộ phận” mà là cho những “con người” nên họ quan tâm sâu sắc đến con người. Osler nói rằng nếu không yêu mến con người thì không thể trở thành bác sĩ lâm sàng. Tôi có cảm giác việc tôi nằm bệnh một năm, một thời yêu mến văn chương, triết học và âm nhạc đến nỗi phải phân vân chọn đường học vấn... tất thảy đều là bước chuẩn bị cho tôi trở thành bác sĩ lâm sàng, không hề lãng phí chút nào. Học giỏi Toán, Hóa, Sinh thôi chưa đủ để thành một bác sĩ. Osler nói rằng y học là bộ môn nghệ thuật đặt trên nền tảng khoa học.
Khi quyết tâm làm lại từ đầu trên cương vị một bác sĩ lâm sàng, tôi đã 39 tuổi
Năm 1951, ước mơ được tận mắt chứng kiến y tế Mỹ đã trở thành hiện thực. Tôi 39 tuổi. Tôi có cảm giác rất sống động về sự trưởng thành về mặt tri thức của bản thân như thể mỗi ngày tôi cao thêm một ít trong suốt một năm du học ở Mỹ. Vượt cả dự liệu trước đó, tôi thấy y tế Mỹ tiến bộ hơn y tế Nhật Bản đến khoảng 50 năm. Bác sĩ Nhật Bản thời đó có năng lực chẩn đoán lâm sàng rất yếu kém nhưng lại rất ta đây trước mặt người bệnh. Tôi thấy mình như nhỏ lại khi nhận ra chính mình cũng là một trong những bác sĩ kiểu ấy. Việc này cũng không làm được, việc kia cũng chẳng làm xong, tôi nhiều lần cảm thấy hổ thẹn trong thời gian du học.
Thời gian ấy, hàng ngày tôi xin được theo sát giáo sư nội khoa Paul Beason từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối để học hỏi trực tiếp. Buổi tối, một mình tôi ở lại bệnh viện đến khuya, cố gắng ôn tập và ghi nhớ hết những gì đã nghe, thấy trong ngày. Đó là chuỗi ngày cố gắng hết sức để cơ thể không đổ bệnh, tiếc thời gian đến độ cắt xén cả giờ ăn lẫn giờ ngủ. Sau thời gian gặp gỡ nền y học Mỹ, tôi quyết tâm làm lại từ đầu để trở thành một bác sĩ lâm sàng thực thụ, nhưng thật ra vẫn không rõ tấm biển chỉ đường cho đời mình nằm ở nơi nào.
Sau khi tôi về nước, sự xác tín về việc không để những gì học được ở Mỹ chỉ là kiến thức cho riêng bản thân mà phải làm sao phổ biến đến toàn bộ ngành y tế Nhật Bản trở nên mãnh liệt hơn nữa. Điều đó không chỉ là mối quan tâm cá nhân mà gần như đã trở thành sứ mệnh phải thực hiện. Ngay lập tức, tôi bắt tay vào việc triển khai ở bệnh viện quốc tế Sei Luca những điều hay đã học được ở Mỹ, không nhụt chí với những lời xầm xì tiêu cực sau lưng về việc tôi suốt ngày: “Ở Mỹ thế này, ở Mỹ thế kia”. Cho đến giờ phút này, tôi vẫn rất biết ơn giám đốc bệnh viện Hashimoto Hirotoshi đã hỗ trợ tôi âm thầm nhưng rất quyết liệt.
Đề tài không đổi của tôi từ những năm tháng đó cho đến tận hôm nay là việc xem lại và thay đổi phương pháp đào tạo bác sĩ lâm sàng để nâng cao năng lực cho bác sĩ Nhật Bản. Tất nhiên, điều đó bắt đầu từ quá trình đào tạo ở trường Y, nhưng thực tế sau khi tốt nghiệp, các bác sĩ sẽ trưởng thành hơn qua quá trình tích lũy thực tế. Tôi trở thành bác sĩ khá hơn thời còn trẻ cũng nhờ học được từ rất nhiều người bệnh. Tôi có thể nói về cái chết với người bệnh, vì tôi đã từng chứng kiến 4.000 người bệnh giã từ cuộc sống. Giá trị đích thực của bác sĩ lâm sàng thể hiện rõ nhất ở thời khắc cuối cùng của người bệnh. Có thể nói người bệnh có thể ra đi một cách thanh thản chỉ khi ở phút lâm chung có sự hiện diện của một bác sĩ lâm sàng giỏi. Điều này không thể học được ở giảng đường đại học mà chỉ có thể trải nghiệm từ thực tế. Mong muốn trong tôi về việc biến bệnh viện quốc tế Sei Luca trở thành một bệnh viện giáo dục tốt nhất Nhật Bản vẫn không thay đổi từ ngày ấy đến nay.
Ở thời điểm hiện tại, trình độ y tế Nhật Bản vẫn còn kém y tế Mỹ khoảng 10 năm. Vấn đề nằm ở chỗ mất rất nhiều thời gian để thực hiện bất kỳ cải cách nào tại Nhật Bản. Một mình tôi đã vận động, kêu gọi suốt từ thời tôi ở tuổi 50 về việc đừng bãi bỏ mà cần phải đẩy mạnh hơn nữa cả về chất và lượng đối với chế độ thực tập sau khi tốt nghiệp của bác sĩ. Vậy mà cũng phải đến năm 2004 mới có sự thay đổi, quy định bác sĩ mới ra trường phải đi thực tập hai năm. “Bệnh người lớn” là từ ngữ dễ gây hiểu lầm, nên gọi bằng từ phù hợp hơn là “bệnh do thói quen sinh hoạt”, vì quả thực những loại bệnh này đến từ thói quen sinh hoạt; và để khái niệm “bệnh do thói quen sinh hoạt” trở nên phổ biến, tôi phải mất 20 năm.
Dạo gần đây, tôi thường nghĩ để có thể tạo ra được thay đổi về y tế, an sinh xã hội và giáo dục thì nên vận động người dân hơn là vận động chính phủ, các tổ chức nghiên cứu và điều hành y tế. Rất may cho tôi là cùng với số tuổi mỗi năm mỗi cao, tôi không cần phải tránh né nhiều, cứ thực lòng nói những gì mình suy nghĩ. Những người trẻ hơn trong lòng muốn nói cũng ngại mở lời vì sợ ảnh hưởng đến tiền đồ của bản thân. Tôi có thể nói thay họ mà không ngại bất kỳ điều gì.
Theo thời gian, người ta sẽ hiểu ý nghĩa thực sự của nỗi buồn, nỗi khổ trước đó
Sống đến tuổi này, tôi cũng đã gặp nhiều biến cố. Tháng 3 năm 1970, trên đường đi dự hội thảo của Hội nghiên cứu Nội khoa Nhật Bản tổ chức tại Fukuoka, tôi có mặt trên chiếc Yodogo. Chín người trẻ thuộc tổ chức Sekigun đã bất thình lình rút dao trên máy bay. Quá bất ngờ nhưng điều đầu tiên tôi làm là đưa tay bắt mạch cho chính mình, một cử chỉ nhắc nhở tôi là bác sĩ. Mạch đập nhanh hơn thông thường. Mồ hôi lạnh túa ra trong lòng bàn tay.
Sau đó, máy bay đáp xuống sân bay Kimpo, Hàn Quốc. Tôi và các hành khách cùng đi bị bắt làm con tin trong suốt bốn ngày ba đêm. Các thành viên nhóm không tặc mang thuốc nổ trên người nên trong trường hợp họ bị bắn thì chúng tôi cũng sẽ chết theo. Áp lực của sự sợ hãi lúc ấy hẳn là rất lớn nhưng không hiểu sao bây giờ bình tĩnh cố nhớ lại tôi vẫn không thể tái hiện được cảm giác khi đó. Nỗi buồn và cơn đau thể xác có lớn đến đâu thì sau khi chúng biến mất, chúng ta sẽ không còn cảm nhận được dấu vết của chúng nữa. Những nỗi buồn đau tôi đã từng có trong đời bây giờ nhìn lại thấy tất cả đều có màu tươi sáng. Tất cả chỉ còn là những ký ức. Thậm chí, tôi có thể nói rằng chính vì có những nỗi buồn như thế, có những thống khổ như thế mà tôi mới có được ngày hôm nay. Lúc ấy tôi không hiểu, nhưng bây giờ nhìn lại thì hóa ra chúng hình thành nên tôi của ngày hôm nay. Phải chăng đây cũng là cái hay của tuổi tác?
Sau khi sống sót trở về từ vụ không tặc, tôi nghĩ rằng mạng sống của mình từ ngày hôm ấy là mạng sống mới được trao ban. Tôi cảm nhận Trái đất này quá đỗi xinh đẹp. Nếu không gặp vụ không tặc ấy, có lẽ tôi đã không nghĩ đến việc sống sao để trở nên có ích cho người khác hơn là chỉ cho riêng bản thân mình.
Không có khoảnh khắc nào trong đời là không có ý nghĩa nhưng có rất nhiều khoảnh khắc, mãi rất lâu về sau chúng ta mới có thể hiểu được ý nghĩa của chúng. Những trải nghiệm đau khổ của con người chắc chắn là sức mạnh của họ.