1.
KẾT BẰNG LỜI CẢM ƠN
Chết già không khổ sở như ta tưởng
Tôi đã khám bệnh và ra sức chữa trị cho rất nhiều người. Trong những ngày tháng ấy, tôi cũng đã chứng kiến và tiễn biệt hơn 4.000 người bệnh.
Nếu nói sứ mệnh của y học là cứu bằng được sinh mệnh của con người thì tôi có trăm trận đánh cả trăm trận đều thua, như thể ngay từ đầu đã biết là sẽ thua mà vẫn chấp nhận đương đầu. Vốn dĩ việc cứu được tính mạng của một ai đó cũng chỉ là kéo dài thời gian tiến đến cái chết của họ thêm chút ít, bởi không ai mà không chết. Không chết vì bệnh thì cũng chết vì tai nạn.
Cái chết của người bệnh luôn nhắc nhở tôi về giới hạn của y học, nhưng đó không phải là cảm giác bại trận bởi không một nền y tế nào, dù tiên tiến đến đâu đi nữa, có thể chinh phục được cái chết. Chúng ta không thể làm gì khác ngoài việc khiêm tốn hơn nữa trước sự sống.
Người bệnh đã dạy tôi rất nhiều bài học qua cái chết của họ. Tôi đã rút ra được bài học rằng nếu không cố thực hiện những thủ thuật kéo dài sự sống một cách miễn cưỡng thì cái chết đến cùng với tuổi già rất an lành, không mấy đau đớn. Chúng ta cần hiểu rằng đỉnh cao nhất chúng ta có thể đặt chân đến nằm ở bậc thứ 80, cách đỉnh mục tiêu mà chúng ta nhìn thấy 20 bậc.
Bài học từ bệnh nhân qua đời
Tiến trình đi đến cái chết của con người không ai giống ai, tương tự như sự khác biệt trong cuộc sống của mỗi người. Tôi luôn cảm khái về sự khác nhau ở “màn cuối của vở kịch đời” này.
Tôi có người bạn cũng là bác sĩ, tốt nghiệp cùng khóa, tự phát hiện căn bệnh ung thư của chính mình. Ngày tôi đến thăm, anh ấy nhẹ nhàng đưa tay lên chào: “Tớ đi trước một bước nhé”, và ngay hôm sau khép cánh cửa cuộc đời ở tuổi 73. Có một cô bệnh nặng, đón sinh nhật tuổi 39 của mình trong phòng bệnh, mỉm cười dịu dàng, pha trò với chồng mình rằng: “Tuổi em còn trẻ nên có khi lên thiên đường còn gặp người khác cầu hôn, chứ anh ở lại dưới này một mình thì không biết thế nào, em lo lắm”, rồi hôm sau cô ra đi. Một cô khác là điều dưỡng có hai đứa con, khi biết bệnh tình của mình đã nặng, cô đã dành thời gian còn lại trên giường bệnh để viết trước tám tấm thiệp chúc sinh nhật và lá thư chúc mừng đứa con trai lớn năm ấy mới 9 tuổi sẽ vào trung học ở tuổi 16. Cho đứa con thứ mới 7 tuổi, cô viết tám bức thiệp chúc sinh nhật và lá thư chúc mừng con lên cấp hai. Lúc lâm chung, khi nhịp thở của cô dưới 10 nhịp trong một phút, hai đứa bé lần lượt ghé vào tai mẹ thì thầm: “Mẹ ơi, cám ơn mẹ đã cho con 9 năm vừa qua”, “Con cám ơn mẹ cho con 7 năm vừa qua”.
Cũng có người đón giây phút cuối đời một cách đáng tiếc. Một bác sĩ trẻ không được bác sĩ điều trị chính nói thật cho mình biết về căn bệnh trước lúc tắt thở đã thốt lên nuối tiếc: “Tôi bị gạt rồi”.
Ký ức không thể quên được của tôi là cái chết của cô bé 16 tuổi, bệnh nhân đầu tiên do tôi điều trị sau khi trở thành bác sĩ. Đó là một cô bé có niềm tin sâu sắc vào Phật giáo. Khi biết mình không còn sống bao lâu nữa, cô bé nhờ tôi nhắn nhủ những lời cuối cho người mẹ của cô, nhưng lúc ấy tôi đã tiêm cho cô bé, một mũi tiêm không hề có ý nghĩa gì vào giờ phút đó, và nói đi nói lại với cô bé: “Cháu không chết đâu, mạnh mẽ lên!”. Cho đến giờ tôi vẫn ân hận tại sao mình không dũng cảm nói với cô bé ấy rằng: “Chú sẽ nhắn lại với mẹ cháu. Cháu cứ yên lòng mà siêu thoát nhé!”. Tại sao lúc ấy tôi chỉ biết bắt mạch mà không nhẹ nhàng cầm lấy bàn tay cô bé. Cái chết này giúp tôi nhận thức về sự tự cao của bác sĩ.
Để lại lời cảm ơn trước lúc ra đi
Đời người cũng giống như tên một vở kịch do đại văn hào William Shakespeare (1564 – 1616) sáng tác là All’s Well That Ends Well. Tôi hiểu câu này mang ý nghĩa là đời người có tốt hay không tùy thuộc vào việc cái chết có diễn ra viên mãn không, vào việc chúng ta có thể nói lời cảm ơn trước khi chết hay không.
Địa vị và danh vọng sẽ mất khi ta chết. Tài sản để lại quá nhiều có thể là mầm mống gây ra tranh chấp, nhưng lời cảm ơn trước lúc ra đi sẽ làm yên lòng người ở lại, là di sản quý nhất. Y tế hiện đại phải quan tâm đến giá trị của lời cảm ơn phút cuối đời này. Ít nhất là các bác sĩ phải là những người thu xếp cho cái chết của người bệnh được hoàn thành tốt đẹp bằng cách gạt bỏ mọi đau đớn cho người bệnh, giúp họ có thể nói được lời cuối với người thân. Người bệnh chằng chịt dây nhợ, ống dẫn làm sao có thể “diễn” được màn cuối đời? Không cần phải hỏi ý người bệnh về việc “chết an lạc”*, đúng ra con người có quyền buông màn sân khấu cuộc đời mình trong an lạc.
* Euthanasia: an tử, phương pháp chết êm ái.
Hôm qua, tôi nhận được một lá thư dài từ một người chồng có vợ vừa qua đời cách đây mười hôm vì ung thư. Người vợ trước đó đã tỏ ý nguyện muốn được đón giây phút cuối đời của mình ở bệnh viện quốc tế Sei Luca nên bà đã được đưa vào bệnh viện và lưu lại đó một tháng cho đến ngày mất. Đây là một ca bệnh mà ngoài việc giảm đau, bác sĩ không còn làm được điều gì khác. Nghĩ rằng âm nhạc có thể xoa dịu phần nào nên tôi đã nhờ kỹ thuật viên âm nhạc trị liệu cho bà nghe những bản nhạc yêu thích nhất trong suốt thời gian bà nằm viện. Trong bức thư, người chồng viết: “Nhà tôi đã ra đi trong hạnh phúc, được đắm mình trong những giai điệu đẹp. Đó là cuộc ra đi tuyệt vời”. Trong lúc nỗi đau mất mát còn hằn sâu, người chồng đã viết như thế về sự hài lòng và lời cảm ơn dành cho bệnh viện.
Chỉ với nỗ lực của bản thân người bệnh thôi sẽ không thể nào sắp xếp chu toàn cho cuộc ra đi trọn vẹn. Cần phải có một đội hỗ trợ gồm gia đình, bạn hữu và nhân viên y tế. Khi có sự đồng lòng của tất cả các bên thì cái chết tuy là một sự kiện buồn nhưng vẫn có nét sáng sủa, ấm áp, sinh động. Đó sẽ là cơ hội tuyệt vời để nhìn thấy bước chuyển tiếp của sự sống, gợi lên lòng biết ơn nơi tâm hồn những người ở lại.
Chết không nuối tiếc
Như nhà thơ René Rilke (1875 – 1926) đã viết, mỗi người chúng ta ngay từ khi sinh ra đã mang trong mình “mầm của sự chết” như quả táo có lõi cứng bên trong. Cấu trúc di truyền của chúng ta đã được lập trình cho sự lão hóa, ngày chết đã được ghi sẵn. Chết là một phần của sự sống, là phần tất yếu phải có, không thể tránh né. Ngay phút giây chào đời, chúng ta đã tiến bước đầu tiên trên con đường hướng về cái chết. Thế nhưng chúng ta không những không quan tâm mà còn không để ý đến sự sống giới hạn này. Thậm chí có nhiều người còn cao giọng rằng chết không liên quan gì đến mình. Người ta bắt đầu ý thức về giới hạn của sự sống khi già đi, bắt đầu mắc bệnh. Chúng ta vẫn thường nói nôm na là “có bệnh” – chỉ khi sức khỏe mất đi, chúng ta mới có suy nghĩ sâu sắc hơn về sự sống chết. Với ý nghĩa đó, già đi là một quá trình đáng trân trọng, nhưng nếu để già rồi mới nghĩ đến thì e là đã muộn. Ở mỗi độ tuổi từ thanh niên, tráng niên đến lão niên, chúng ta đều phải có sự chuẩn bị cho cái chết của mình.
Chuẩn bị cho cái chết nghĩa là chúng ta phải luôn có ý thức về cái chết, lần ngược từ cái chết để tự vấn, liệu ta sống hôm nay như thế đã tốt chưa. Phải chuẩn bị bởi thần chết có thể lẻn đến âm thầm, không hề lộ tiếng bước chân.
Bệnh nhân nữ 39 tuổi mà tôi kể ở đoạn trước sống ở thành phố Nishinomiya, tỉnh Hyogo. Người chồng theo lên Tokyo để đưa vợ mình vào nhập viện ở bệnh viện quốc tế Sei Luca và từ ngày đó luôn ở bên giường bệnh, chăm sóc người vợ. Thấy người vợ nhập viện cũng đã gần một tháng, biết là không nên xen vào việc nhà người khác nhưng tôi cũng đánh bạo hỏi thăm, vì e rằng người chồng nghỉ quá lâu sẽ mất vị trí công việc. “Cháu có báo với công ty là không biết sẽ nghỉ đến lúc nào ạ. Cháu nghĩ sau này cháu có thể làm thêm giờ, làm cả ngày nghỉ để bù vào nhưng thời gian ở cạnh vợ cháu thì chỉ có lúc này thôi ạ”, người chồng trả lời rất bình thản.
Đối với người đang cận kề cái chết thì ngày hôm nay sống như thế nào là điều hết sức thiết thực. Nhưng thành thực mà nói, đây luôn là câu hỏi quan trọng dành cho tất cả mọi người, bất kể người đó gần kề hay còn xa cái chết. Vì vậy, chúng ta đếm ngược từ cái chết không phải để sống nơm nớp trong lo sợ mà là để luôn biết cảm ơn mỗi ngày mới mà chúng ta có để sống. Ý thức được như thế, hôm nay chúng ta được thêm một ngày sống vui tươi, thanh khiết.
2.
VAI TRÒ CỦA NGƯỜI LỚN LÀ NÓI CHO TRẺ NHỎ BIẾT VỀ CÁI CHẾT
“Dạy về sự chết’’ cho trẻ nhỏ
Năm vừa qua có rất nhiều vụ việc đáng buồn do trẻ vị thành niên gây ra. Tại sao lại có những thanh thiếu niên có thể ra tay lạnh lùng, không ngần ngại tước đoạt mạng sống của người khác như vậy? Những người trẻ này nghĩ gì về sự sống chết của người khác?
Suy cho cùng, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không cảm nhận được hơi hướm của cái chết nên thường quên mất sự hiện diện của cái chết.
Thuở nhỏ, sau mỗi kỳ nghỉ hè, tôi thường mất một, hai người bạn nhỏ vì lý do bệnh tật hoặc tai nạn. Tôi cũng thường thấy tờ cáo phó dán trước cửa những nhà có tang. Thời chiến tranh thì lại càng có nhiều người chết nên có thể nói là cái chết luôn hiện diện cạnh bên mình. Có khi trong đầu chúng ta hiểu rằng bây giờ mình đang sống và một ngày nào đó sẽ chết đi, nhưng chúng ta không thực sự cảm nhận được điều đó. Những người trẻ lại càng không biết gì về cảm giác mất mát, đau lòng và những cảm xúc khác liên quan đến cái chết.
Từ 20 năm trước, tôi đã luôn băn khoăn cho rằng việc cái chết càng ngày càng xa rời thực tế đời thường như thế là điều không hay chút nào. Kể từ thời điểm đó, tôi đã luôn kêu gọi hãy giáo dục cho trẻ nhỏ về sự chuẩn bị cho cái chết, nhưng hầu như không thực hiện được. Xã hội Nhật Bản vẫn có nhiều húy kỵ về sự chết. Tục lệ dùng muối ném lên người để tẩy uế sau khi đi phúng viếng hoặc dự đám tang về vẫn còn phổ biến. Chết đồng nghĩa với những thứ không sạch, đáng sợ, xui rủi. Nhiều người vẫn cho rằng còn quá sớm, không nên nói về chết chóc hoặc để trẻ nhỏ thấy quang cảnh đó.
Giờ học về sự sống cho học sinh lớp sáu
Hai năm trước, tôi đến dạy về sự sống cho những học sinh lớp sáu ở trường Wako thuộc quận Setagaya trong một tiếng đồng hồ. Sau khi chuẩn bị 20 bộ ống nghe để cho các cháu nghe tiếng tim của nhau thì 40 “bác sĩ tí hon” rất giỏi giang này đã có thể phân biệt được sự khác nhau trong cao độ và trường độ nhịp tim của mình và của tôi. Cả lớp rất sôi động. Tôi nói: “Tim đập là một dấu hiệu cho biết chúng ta đang sống, nhưng cơ thể chúng ta cũng như một chiếc bình gốm. Chiếc bình vỡ, chúng ta sẽ chết. Ông đã già. Chiếc bình của ông đã nứt nẻ, sứt sẹo nên rất dễ vỡ, và chiếc bình của các cháu một ngày nào đó cũng sẽ như thế”. Bọn trẻ lập tức lên tiếng: “Vậy thì sống cũng chán ngắt”.
Sau khi đã nghe các cháu phát biểu cảm nghĩ, tôi lại nói tiếp: “Sự sống không phải là chiếc bình mà là nước ở trong bình, nên điều quan trọng là chúng ta phải làm sao cho bình đầy nước sạch”. Nghe vậy, có cháu tiếp lời: “Từ trước tới giờ cháu có được học về cấu tạo cơ thể người và sức khỏe, nhưng hôm nay là lần đầu tiên cháu được nghe nói về sự sống”. Cháu khác lại nói: “Cháu hiểu sơ sơ về sự sống rồi ạ”.
Tôi rất ngạc nhiên nhận ra các cháu nhỏ có khả năng thấu hiểu và cảm nhận rất nhạy bén như thế. Tôi không nghĩ với một tiếng đồng hồ ấy các cháu có thể hiểu hết về sự sống, nhưng chắc chắn rằng lòng mong mỏi được nói về sự sống, được truyền đạt về sự sống của tôi đã chạm đến các cháu. Tôi cho rằng cần phải sớm tạo cơ hội để giúp các cháu thiếu nhi suy nghĩ về sự sống, không quan trọng là các cháu có thể hiểu hay không hiểu. Nếu chúng ta không làm điều ấy thì đối với các cháu, việc sống như thế nào rồi thì cũng sẽ chết sẽ rất tẻ nhạt như nhận xét của cháu bé tôi kể ở đoạn trước.
Hãy cho trẻ cùng đi viếng, dự đám tang
Tôi luôn nói với con tôi hãy cho các cháu tôi được thấy cha mẹ, ông bà của chúng chết như thế nào, không cần phải giấu giếm. Không được sợ rằng điều đó sẽ làm cho các cháu bị sốc. Chúng ta không che mắt, không bịt tai các cháu mà cần phải kín đáo trông chừng các cháu khi chúng trải qua quá trình trăn trở để nhận thức, lý giải về sự chết đang diễn ra trước mắt. Vai trò của người lớn là giảng giải cho trẻ hiểu thế nào là sự chết đi.
Khi cháu gái tôi còn nhỏ, tôi vẫn thường đưa cháu cùng đi viếng đám tang. Tôi cũng đưa cháu theo trong những dịp đi tảo mộ; và những lúc ấy, tôi thường nhân cơ hội ấy để mở cửa mộ*, dùng đèn soi vào bên trong, chỉ cho cháu thấy chỗ trống và nói: “Chỗ trống này sau này sẽ là chỗ của ông đấy”. Nghe vậy, cháu hơi bối rối nhưng tôi lại tiếp: “Chỗ bên cạnh có thể là của mẹ cháu đấy”. Lúc ấy, cháu mếu máo: “Không, cháu không chịu đâu”. Trẻ nhỏ có đủ khả năng để hiểu được việc lần lượt qua đời của người thân. Việc của người lớn là làm thế nào để các cháu có nhận thức đúng.
* Mộ phần chung cho cả gia đình. Các hộp tro cốt của thành viên trong cùng một gia đình sau khi đã hỏa táng sẽ được để chung trong cùng một hầm mộ.
Hình dung người thân yêu qua đời
Ngày nay, rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng chưa từng trải nghiệm việc có người thân qua đời đã bước vào công tác trong lĩnh vực y tế. Nếu chỉ vận dụng trí tưởng tượng để bổ khuyết cho sự thiếu trải nghiệm này thì hoàn toàn không đủ nhưng vẫn cần phải trang bị cho bản thân khả năng hiểu được tâm lý của người sắp đón nhận cái chết, người phải tiễn biệt người thân qua đời. Chính vì thường xuyên có suy nghĩ như vậy nên tôi đã từng yêu cầu các sinh viên Đại học Điều dưỡng thuộc bệnh viện quốc tế Sei Luca thực hành một nội dung gây sốc. Tôi yêu cầu các sinh viên: “Hãy viết thông báo về việc mẹ của anh/ chị vừa qua đời”. Nghe đề bài, có sinh viên rên rỉ: “Ôi, không!”, có bạn sửng sốt: “Sao lại phải viết?”, nhưng rồi dần dần mọi người bắt đầu tập trung nghiêm túc. Đến lúc đọc trước cả lớp thì tất cả đều lắng nghe, mắt ngấn lệ. Thực hành này nghe rất nghiệt ngã nhưng nếu không làm như vậy thì việc có cảm nhận thực sự về cái chết đối với người trẻ hiện nay quá khó khăn, xa vời.
Đề cập đến một cách nhẹ nhàng
Gia đình có trẻ nhỏ nên cho các cháu bé nuôi thú cưng. Có thể chọn nuôi chó, mèo hoặc đơn giản là trồng một chậu hoa hồng cũng tốt. Bằng cách đó, chúng ta có thể hướng dẫn cho trẻ hiểu được sự vất vả khi chăm sóc một sinh vật, trực tiếp cảm nhận niềm vui cùng chung sống và khi sinh mệnh đó chấm dứt, trẻ hiểu được nỗi buồn của sự mất mát. Trẻ sẽ học được qua cái chết của thú cưng bài học thực tế về việc sinh vật nào rồi cũng sẽ có lúc chết đi. Cảm xúc này sẽ khác hẳn với cảm xúc nhìn thấy thú cưng chết đi trong phần mềm nuôi thú cưng ảo trên máy tính. Cái chết của một sinh vật không chỉ làm ta buồn mà còn để lại những ký ức êm đềm mỗi khi nhớ lại. Ta sẽ trực nhận được rằng sau khi qua đời, sinh mệnh ấy vẫn còn sống trong lòng những người ở lại.
Thường ngày, chúng ta hãy để câu chuyện sống chết trở thành đề tài có thể nói một cách dễ dàng khi ở cùng với trẻ, thanh thiếu niên bởi chuyện ta sống như thế nào cũng là chuyện ta sẽ chết đi ra sao.
Câu nói của Leonardo da Vinci (1452 – 1519): “Ngay lúc khởi đầu phải nghĩ đến việc kết thúc ra sao” nhắc nhở chúng ta phải biết nghĩ đến đoạn cuối của đời mình ngay từ những ngày còn trẻ.
3.
HÃY CÙNG SUY NGHĨ TẠI SAO KHÔNG ĐƯỢC GIẾT NGƯỜI
Khi báo tử, không chỉ nói vắn tắt: “Bệnh nhân đã qua đời”
Người Nhật ngày nay hầu hết qua đời trong bệnh viện. Vậy ngành y tế ứng xử thế nào? Đã từ lâu, tôi không còn tuyên bố vắn tắt khi báo tử rằng: “Bệnh nhân đã qua đời” bởi không muốn diễn đạt sự ra đi của con người một cách giật cục như vậy. Khi người bệnh bước vào tình trạng nguy ngập, tôi bắt đầu giải thích dần dần với gia đình người bệnh rằng: “Hơi thở đang yếu dần”, rồi đến: “Mạch vẫn còn đập nhưng ý thức đã mất đi”. Trong đầu, tôi mường tượng hình ảnh một chiếc máy bay bắt đầu chuẩn bị hạ cánh, đáp xuống đường băng rồi chạy dần vào bãi đỗ để truyền đạt thông tin tiến trình qua đời của người bệnh. Tôi muốn hướng dẫn để thân nhân người bệnh có thể cùng cảm nhận tiến trình ấy lần lượt theo dòng thời gian chứ không đơn thuần chỉ là một khoảnh khắc đứt đoạn.
Thế rồi khi tim người bệnh vẫn còn đập nhẹ, nghĩa là ý thức đã không còn nhưng tín hiệu sống vẫn còn nơi người bệnh, tôi sẽ nhắc người thân và bạn hữu có mặt thì thầm lời vĩnh biệt bên tai người bệnh. Lúc này, bình thở oxy cũng được ngưng lại, tất cả cùng chia sẻ giờ phút vĩnh biệt yên ả. Sau hết, sự ra đi trong an bình đó, dù có tạo cảm xúc buồn, vẫn có thể được đón nhận nhẹ nhàng. Các bác sĩ trẻ ngày nay hầu hết là những người chưa trải nghiệm sự qua đời của người thân trong gia đình nên cần phải phát huy sự tinh tế của mình để ít nhất cũng không làm xáo trộn giây phút lâm chung yên ả của người bệnh. Điều hiển nhiên là sinh mệnh của con người có sự tôn nghiêm, không ai được phép tùy tiện xâm phạm.
Làm thế nào để nói với trẻ nhỏ về tầm quan trọng của sự sống
Một mặt, tôi vẫn luôn băn khoăn về tâm trạng của trẻ bởi các cháu còn chưa cảm nhận được chút gì về sự chết.
Suốt một năm qua, trẻ tiểu học, trung học đã nghe nhắc nhở rất nhiều rằng: “Không được giết người”, “Không được hại người” vì có quá nhiều vụ thiếu niên gây thiệt hại tính mạng con người ở mức độ không thể tưởng tượng nổi. “Không được giết người” là một tiên đề quá hiển nhiên ai cũng hiểu, lưu truyền từ xưa đến nay. Việc xã hội ngày nay phải bàn là làm thế nào để giáo dục cho trẻ tiên đề đó là bằng chứng cho thấy xã hội đã lệch lạc. Nếu dạy được cho trẻ hiểu điều đó và bừng tỉnh ngộ thì cũng là điều nên làm, nhưng tôi e những trẻ trót nhúng tay vào các vụ án giết người khi nghe câu hỏi: “Tại sao cháu lại giết người?” chỉ im lặng giương mắt nhìn. Có lẽ chúng thực sự không hiểu.
Có thuyết giảng nhiều lần, bắt trẻ phải học thuộc lòng đi chăng nữa thì điều đó cũng không có ý nghĩa, vì nếu chỉ hiểu từ ngữ bằng đầu óc mà không thực sự thấm nhuần thì cũng như không hiểu. Sự hiểu biết nếu không ngấm vào máu thịt của từng người thì không có ý nghĩa gì. Chúng ta hãy thử nghĩ về khoảng cách rất lớn giữa “hiểu” và “không hiểu”. Mặc dù nói là “tự hiểu” nhưng người lớn cũng phải mất một thời gian mới có thể hiểu. Những người đã hiểu nhưng quên mất rằng quá trình hiểu biết đi đôi với trưởng thành nay quay lại nói với những người không hiểu rằng: “Không được giết người là chuyện quá hiển nhiên” thì chẳng giúp ích được gì cho những người đang không hiểu ấy. Tôi nghĩ chúng ta phải thay đổi phương pháp giáo dục trẻ em. Thầy cô không nên chăm chú vào việc nhồi nhét kiến thức vào đầu học trò mà nên chìa tay dìu dắt học trò để chúng có thời gian học và hiểu.
Thiếu trải nghiệm tự thân
Trước hết, chúng ta phải giúp trẻ tăng thêm trải nghiệm thực tế, điều mà trẻ em ngày nay đang cực kỳ thiếu. Điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Sẽ có những lúc người lớn cũng cảm thấy bất an không biết liệu điều mình muốn giúp trẻ trải nghiệm có thực sự có ý nghĩa hay không. Tuy nhiên, bản thân việc người lớn cùng trẻ tìm tòi cũng đã đủ ý nghĩa. Việc cho trẻ chứng kiến cái chết của người thân trong gia đình cũng là trải nghiệm và việc đưa trẻ theo phúng viếng, tham dự đám tang cũng là trải nghiệm. Bên cạnh đó, cũng có dạng trải nghiệm học tập như cách tôi cho học sinh lớp sáu dùng bộ ống nghe của bác sĩ để thực tế nghe tiếng tim đập trong giờ dạy về sự sống đã thuật ở đoạn trước. Hiện tại, tôi đang rất muốn thực hiện “trải nghiệm cứu mạng người khác”.
Thành phố Seattle (Mỹ) là nơi có ít người chết đột ngột nhất trên thế giới. Ở thành phố này không có chuyện bỏ đi luôn khi thấy người bất tỉnh ngoài đường hoặc chỉ đứng xa xa trông chừng chờ xe cứu thương đến. Trong trường hợp gặp phải người bất tỉnh, người dân thành phố sẽ tiến hành thủ thuật sơ cứu. Hơn 25 năm trước, một người làm việc ở bệnh viện trực thuộc thành phố Seattle đã cho tôi biết lý do: không những bác sĩ, điều dưỡng trong thành phố mà cả sinh viên, nhân viên văn phòng, tình nguyện viên và cư dân trong thành phố đều tham gia phong trào học và nắm vững các biện pháp sơ cứu.
Nếu được học, trẻ mười tuổi cũng có thể làm được thao tác hô hấp nhân tạo. Tôi muốn thử gởi các hình nhân làm giáo cụ huấn luyện cách hô hấp nhân tạo đến các trường tiểu học, trung học. Những hình nhân giáo cụ này sẽ mở mắt, lồng ngực phập phồng như đang thở, nếu trẻ thực hiện đúng thao tác xoa bóp tim và hô hấp nhân tạo. Chắc hẳn các cháu sẽ rất ngạc nhiên và cảm động khi thấy điều đó. Tôi tin rằng khi đã có sự tự hào, tin tưởng rằng mình sẽ cứu được người khác bằng kỹ năng mình có, người ta sẽ không làm hại hoặc giết hại mạng sống người khác.
Có thể bạn cho rằng chỉ để làm cho người khác hiểu được tầm quan trọng của sự sống thôi, liệu có cần phải làm hết những việc rối rắm như vừa kể không, nhưng trong tương lai tôi tin tưởng trẻ sẽ dần dần hiểu được điều đó sau quá trình tích lũy nhiều trải nghiệm.
4.
MỖI NGƯỜI ĐỀU XỨNG ĐÁNG CÓ MỘT KẾT THÚC TỐT ĐẸP CHO CHÍNH MÌNH
Y tế đang làm hỏng những giây phút cuối
Chết là điều không ai tránh được, và chắc hẳn ai cũng muốn có một kết thúc không bi thảm nhưng đáng tiếc số người có được kết thúc như ý không nhiều. Lý do là trong nhiều trường hợp, bác sĩ thường vô tình đoạt mất hoặc làm hỏng giây phút cuối đời của người bệnh, quên mất đó là giây phút cao trào nhất của đời người.
Nguyên nhân khiến cho việc trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện không êm xuôi như ở nhà là bởi cơ sở y tế thường sẽ can thiệp vào giây phút cuối này bằng các biện pháp kéo dài sự sống một cách vô ích. Khi người bệnh đến giai đoạn cuối thì họ thường không thể ăn uống, cơ thể cũng yếu đi rất nhiều và ngay lập tức dinh dưỡng được bơm vào theo dịch truyền. Điều này sẽ làm cho mạng sống được kéo dài thêm nhưng cũng có thể khiến người bệnh phải chịu đau đớn dài hơn.
Lẽ ra khi biết rằng trị liệu y tế không còn tác dụng tích cực với người bệnh đi vào giai đoạn cuối thì người ta nên dần dần giảm bớt dinh dưỡng. Như thế, người bệnh sẽ ra đi tự nhiên, yên tĩnh như chìm vào giấc ngủ, hệt như một thân cây khô dần. Hơn 2.500 năm trước, Platon cho rằng: “Cái lợi của sống lâu là được chết nhẹ nhàng”, vì cái chết đến cùng với sự già yếu tự nhiên là cái chết không đau đớn.
Không được làm người bệnh đau đớn
Đối với những người bệnh đau đớn nhiều vào giai đoạn cuối, tôi cho dùng morphine để loại bỏ cơn đau. Đối với người bị mất ngủ, tôi sẽ cho dùng thuốc ngủ. Tôi tin làm như thế sẽ giúp người bệnh có thể ra đi tử tế. Chết tử tế, nghĩa là gì? Nghĩa là ngay trước phút cuối, người bệnh vẫn giữ được cảm nhận yêu thương, vẫn ngắm được hoa đẹp, thưởng thức được mùi thơm của hoa ấy, không ăn uống được gì nhiều nhưng vẫn có thể nếm một ít nước nho được thấm ướt trên môi để cảm thấy ngon, ngọt. Thêm nữa, người bệnh còn đủ lý trí để suy nghĩ xem mình sẽ nói gì với những người thân yêu nhất trước lúc đi xa mãi mãi.
Cơn đau đớn, nỗi khổ sở không được phép có mặt ở phút cuối ấy. Cơn đau quằn quại sẽ nuốt chửng người bệnh, đoạt mất lý trí và cảm tính nơi họ. Morphine có thể loại bỏ những cơn đau xuất hiện ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nhưng đáng buồn là morphine thường bị kiêng dè và hiểu lầm là một loại thuốc đáng sợ. Nếu biết kiểm soát và dùng morphine đúng cách, bác sĩ có thể giải thoát người bệnh khỏi sự đau đớn, giúp họ lấy lại lý trí và cảm tính. Khi cơn đau không còn hiện diện, người bệnh sẽ thoát khỏi nỗi sợ chết. Người bệnh thường hình dung cái chết sẽ đến cùng với nỗi đau đớn tột độ nên cơn đau càng tăng họ lại càng bị nỗi sợ giày vò, vì nghĩ cái chết đang tiến đến mỗi lúc một gần hơn. Vì vậy, khi cơn đau biến mất, người bệnh không còn lo sợ về cái chết nữa mà bắt đầu cảm nhận mình đang sống và hy vọng sống sẽ quay trở lại cho đến phút cuối cùng. Tốt hơn hết là không để người bệnh chịu đau. Tôi luôn nghĩ điều này không chỉ tốt cho người bệnh mà còn cho cả gia đình người bệnh.
Sắp đặt cho cuộc chia tay sau cùng
Mấy năm gần đây, tôi thường cố gắng sắp đặt cho cuộc chia tay cuối cùng của các bệnh nhân ở viện chăm sóc cuối đời. Khi kiểm tra mạch, huyết áp, hô hấp và biết được rằng thời điểm chia tay chỉ còn vài giờ nữa thì tôi sẽ ngưng sử dụng morphine, vốn được sử dụng với liều mạnh cho tới thời điểm đó với mục đích cắt cơn đau. Ngay lúc đó, người bệnh đang trong trạng thái ý thức lơ mơ sẽ hồi tỉnh, nhận ra những người thân đang đứng quanh giường bệnh, có thể cảm ơn họ hoặc nắm tay vợ, ôm con cháu để từ biệt, thể hiện những cử chỉ yêu thương lần cuối cùng. Việc sử dụng morphine quá mạnh và liên tục có thể khiến người bệnh chết luôn trong cơn hôn mê sâu và như thế đúng là người bệnh sẽ không đau đớn nhưng họ cũng sẽ không có cơ hội để chia tay người thân. Bác sĩ tạm ngưng morphine nhưng nếu thấy người bệnh có vẻ đau đớn thì lập tức tiêm morphine để chế ngự cơn đau. Tôi chuẩn bị như vậy để không phải thực hiện các biện pháp kéo dài mạng sống vốn không còn ý nghĩa gì đối với người bệnh sắp qua đời. Trị liệu y tế không còn làm được gì nhưng phương pháp kiểm soát y học có thể giúp họ có được cuộc chia tay cuối cùng đầy tính nhân văn.
Cuộc chia tay trọn vẹn
Bác sĩ đuổi hết người nhà ra ngoài, cố gắng thực hiện biện pháp kéo dài mạng sống để rồi sau đó gọi người nhà vào và báo tử. Người nhà vật vã than khóc bên xác người thân. Quang cảnh ấy thật đau lòng!
Từ việc tiễn biệt rất nhiều người bệnh giai đoạn cuối, tôi rút ra được một kết luận. Đó là khi tim người bệnh vẫn còn khe khẽ đập mà người thân có được cơ hội nói lời chia tay cuối cùng thì sau đó họ có thể đón nhận sự mất mát nhẹ nhàng hơn. Có khi rất êm đềm.
Giờ phút lâm chung là lúc diễn ra nghi thức từ biệt. Từng người một lần lượt tiến lên, dùng gạc ẩm lau sạch miệng rồi ghé sát để chào tạm biệt. Tiếng đứa cháu gọi: “Ông ơi, cháu cám ơn ông!”. Tiếng người con trai hỏi: “Mẹ ơi, có nghe con nói không?”. Bàn tay nắm lấy bàn tay, cảm nhận có sự đáp trả lại.
Người bệnh đã không còn sức mở mắt, không thể cất tiếng nói nhưng tai họ vẫn còn nghe được và nếu được bóp nhẹ vào tay thì theo phản xạ, họ cũng sẽ còn chút lực phản ứng lại. Nếu được cho nghe bản nhạc mình yêu thích, chắc hẳn người bệnh cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng trước lúc ra đi. Tôi đã viết sẵn yêu cầu được cho nghe bản Requiem của Gabriel Urbain Fauré (1845 –1924) trong giờ phút lâm chung của mình.
Cho đến khi người bệnh thở hơi cuối cùng, người thân trong gia đình sẽ lần lượt lặp lại lời chia tay. Cứ như thế hết vòng thứ nhất đến vòng thứ hai. Đó là nghi thức chia tay. Bằng cách này, cuộc chia tay cuối cùng trở nên giống với một cuộc tiễn đưa người lên đường ở sân ga. Lòng người ở lại tuy có bồi hồi vì chia xa nhưng không bi ai. Sau khi đã có đủ thời gian chia tay, người ta thường không khóc la cuồng loạn vào khoảnh khắc vĩnh biệt. Đến đây, một cách rất tự nhiên, tôi sẽ cất lời: “Đã đến giờ chia tay mãi mãi nhưng thật tốt, vì chúng ta đã có thể làm được điều đó trọn vẹn”.
Ai rồi cũng đến ga cuối đời
“Terminal care” (chăm sóc cuối đời) có nghĩa là sẽ có cuộc chia tay giữa người ra đi và người đưa tiễn một cách nhân văn. Hình ảnh cát từ đầu này liên tục đổ xuống đầu kia trong chiếc đồng hồ cát một cách vô tình và chỉ còn sót lại một ít trông giống hệt tình trạng người bệnh ở viện chăm sóc cuối đời. Với tư cách bác sĩ, tôi có thể làm được gì cho người bệnh? Chỉ có tuổi thọ, thời gian, lời nói và tâm hồn tôi. Chẳng phải dịch truyền hay bất kỳ biện pháp kéo dài sự sống nào.
Tôi trút một ít cát của mình vào cát của người bệnh để cùng đổ xuống. Bằng cách này, tôi có thể sát bên tâm hồn người bệnh trong phút chốc. Càng trao tặng nhiều thời gian cho người bệnh, tôi lại càng sống lâu. Tôi sống lâu chính là để được làm như thế. Đó chính là quà tặng dành cho người có chuyên môn trong lĩnh vực y tế. Vì muốn được làm như vậy nên tôi đã trở thành bác sĩ.
Tất cả đều sẽ chết, sẽ đến ga cuối của đời mình. Là người ra đi hay là người ở lại, mỗi người chúng ta đều phải trả lời câu hỏi rằng chúng ta có tâm thế ra sao trước cái chết; chúng ta cần phải làm gì để có được giờ phút cuối cùng trọn vẹn nhất.