1.
PHẠM LỖI VÀ HỌC HỎI TỪ LỖI LẦM ĐỂ TRƯỞNG THÀNH
Sự cố y khoa không nhiều hơn, chỉ là trước đây đã bị giấu nhẹm
Ngày nay, sự cố y khoa không tăng lên mà số vụ phát hiện nhiều hơn xưa, vì ngày xưa người ta ém nhẹm thông tin. Nghĩa là số lượng thông tin lọt ra bên ngoài quá ít ỏi.
Cách đây không lâu, một tạp chí y khoa chuyên ngành có uy tín bậc nhất ở Mỹ đã tiến hành khảo sát vấn đề này ở 150 bệnh viện trên toàn nước Mỹ. Tôi đã phải hốt hoảng khi nhìn thấy kết quả được công bố, vì số lượng sự cố y khoa nhiều gấp bội so với dự báo. Cá nhân tôi cho rằng số lượng sự cố y khoa thực tế ở Nhật Bản phải nhiều gần gấp đôi con số này ở Mỹ. Có thể xem Mỹ là quốc gia tiên tiến trong việc quản lý rủi ro xảy ra sự cố y khoa, đi trước Nhật Bản từ 20 đến 30 năm. Ở Mỹ, người ta công bố tất cả cho người bệnh, kể cả những vụ việc đã ngăn ngừa được, không để xảy ra sự cố. Thật là một điều trái khoáy nhưng khi có quá ít thông tin về sự cố y khoa được công bố thì chúng ta nên hoài nghi về mức độ đáng tin cậy của ngành y tế.
Trước hết, phải biết khiêm tốn nhìn nhận sự không hoàn hảo
Khi đi tìm lời đáp cho câu hỏi tại sao sự cố bị giấu nhẹm, không giảm bớt thì ta có thể đi đến kết luận là nguyên nhân nằm ở chỗ dường như cả bác sĩ lẫn người bệnh và những người khác trong xã hội quên mất việc “con người vốn không hoàn hảo”.
Chúng ta hãy thử suy nghĩ. Dù có sử dụng máy móc, thiết bị y tế tối tân đến mấy thì trị liệu vẫn là hành vi con người tiến hành trên con người. Ở điểm này, chúng ta cần phải đứng từ góc độ cảm thông với đối phương; và ở mặt khác, ý thức được rằng khái niệm “tuyệt đối”, “hoàn hảo” không bao giờ tồn tại. Như thế có nghĩa là có khả năng căn bệnh không thể chữa khỏi và có cả khả năng xảy ra sự cố y khoa. Chúng ta có nỗ lực đến đâu, có chú ý cẩn thận đến đâu cũng không thể đạt đến sự toàn vẹn tuyệt đối. Có đòi hỏi cũng không thể đạt được điều đó. Thay vào đó, chúng ta nên khiêm tốn, dẹp bỏ sự kiêu mạn để bắt đầu từ việc luôn ý thức về sự khiếm khuyết, yếu đuối, không hoàn hảo của con người, trong đó có cả bản thân mình.
Khoa học càng tiến bộ thì ý thức tự giác này càng được đòi hỏi cao hơn. Nếu mù quáng tin vào công nghệ cao thì con người sẽ khó tránh khỏi bất cẩn và tự mãn. Chỉ một chút sơ suất cũng có thể dẫn đến những sự cố thảm khốc. Sự cố thương tâm xảy ra ngày 9 tháng 2 năm 2001, khi một chiếc tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đâm chìm tàu thực tập của học viên Nhật Bản thuộc trường nghề thủy sản Ehimemaru ở vịnh Hawaii, có lẽ vẫn làm chúng ta run lên vì sợ mỗi khi nhớ đến.
Những vấn đề trong lĩnh vực y tế thật ra không chỉ giới hạn trong phạm vi ngành y tế mà còn là vấn đề chung của xã hội hiện đại, vốn đang tắm mình trong ân huệ của khoa học. Đương nhiên biện pháp khắc phục cũng sẽ phủ rộng cho mọi điểm chung. Như vậy, nếu chúng ta xử phạt nghiêm khắc quá mức cần thiết đối với những người có trách nhiệm trực tiếp thì cũng không làm được gì khá hơn mà ngược lại còn làm cho người ta gia tăng xu hướng ém nhẹm lỗi lầm của mình. Chính những thất bại này là những kinh nghiệm quý để nhờ đó chúng ta có thể đạt được sự an toàn trong tương lai.
Bởi vì, chúng ta không thể dự đoán được tất cả những sự cố bộc phát, chúng ta chỉ có thể khiêm tốn rút ra bài học từ các lỗi sai trong quá khứ. Thật ra, đây là con đường ngắn nhất và tốt nhất. Chúng ta không thể xóa sổ nhưng có thể làm giảm sự cố y khoa.
Lời khuyên gởi đến các bác sĩ - “Nếu người bệnh nằm đây là người nhà của mình thì bác sĩ có mổ không?”
Thật mỉa mai là y học càng tiến bộ thì khả năng người bệnh có thể gặp phải rủi ro càng tăng lên. Đây chính là mặt trái của công nghệ cao. Bác sĩ, nhất là các bác sĩ ngoại khoa, mài giũa được kỹ năng của mình nhờ có người bệnh. Không hiếm trường hợp bác sĩ phẫu thuật biết rõ tỷ lệ thành công của ca mổ rất thấp hoặc đòi hỏi phải có trình độ cao hơn bản thân mình, nhưng vẫn bị hấp dẫn bởi ý muốn chấp nhận thử thách. Điều này dễ thấy hơn nữa ở các bác sĩ trẻ. Tôi luôn khuyên các bác sĩ hãy luôn đặt cho mình câu hỏi: “Nếu người bệnh nằm đây là con, là cha mẹ, là người yêu của mình thì mình có mổ không?”.
2.000 năm trước, bác sĩ Hippocrates (460 – 375 TCN) nói rằng điều tâm niệm của bác sĩ phải luôn là “không gây tổn hại đến người bệnh”. Điều này có nghĩa là bác sĩ không được lấy lý do điều trị để bắt người bệnh phải chịu đau đớn, lạnh lùng đẩy họ vào nguy cơ đối mặt với cái chết. Sứ mệnh cao cả nhất của bác sĩ không phải là chữa trị.
Bác sĩ không được quên rằng trước mặt mình không phải là những “bộ phận nhiễm bệnh” mà là người mắc bệnh. Phải luôn ghi nhớ rằng người bệnh trước mặt mình là người quan trọng không thể thiếu trong đời. Với nhận thức đó, chắc hẳn bác sĩ sẽ lắng nghe người bệnh nói về sự đau đớn, thống khổ của họ. Qua việc đối thoại chi tiết với người bệnh, bác sĩ có thể nắm được thông tin người bệnh dị ứng với loại thuốc nào, tránh được sự cố sốc phản vệ trong điều trị.
Lời khuyên gởi đến bạn - “Hãy luôn ý thức tự bảo vệ chính mình”
Ở đây, tôi xin phép được phê bình một cách nghiêm khắc rằng người bệnh thường nghe theo lời bác sĩ, làm theo lời bác sĩ một cách rất nhu thuận, nhưng đây là thái độ bàng quan đối với y tế. Phó mặc tất cả những gì liên quan đến y tế cho bác sĩ, các bạn hoàn toàn không hiểu gì về y tế và không hề cảm thấy nghi ngờ. Chúng ta không nên như thế mà phải tham gia nhiều hơn vào y tế. Khi bạn không hiểu rõ, hãy yêu cầu bác sĩ giải thích cặn kẽ cho mình. Internet cũng là một phương tiện giúp ích rất nhiều để tìm hiểu. Tuy lĩnh vực y tế có tính chuyên môn nhưng nếu bạn thực sự muốn tìm hiểu, bạn hoàn toàn có thể hiểu được nhiều điều liên quan.
Suy nghĩ rằng được bác sĩ khám rồi thì bệnh gì cũng sẽ chữa khỏi không còn là sự tin tưởng nữa mà là sự kỳ vọng quá mức vào y tế, là yêu sách không bao giờ được đáp ứng thỏa mãn.
Chúng ta phải thay đổi tư duy để ý thức rằng mình phải tự bảo vệ lấy chính bản thân mình và phải học hỏi về y tế, bao gồm cả những giới hạn của nó. Tôi cho rằng không có gì lạ khi người bệnh có thể nhận ra khả năng xảy ra sự cố y khoa và nên như thế. Nếu bạn là người bệnh, đừng giấu kín nỗi lo, âm thầm chịu sự đau đớn, hãy nói cho bác sĩ biết. Đây là điều cần thiết để góp phần làm cho ngành y tế Nhật Bản ngày càng thân thiện hơn, đầy đủ hơn. Tất nhiên, người bệnh cũng phải tập luyện cách làm thế nào để truyền đạt nội dung muốn trình bày một cách khách quan, cụ thể. Là người bệnh, bạn đừng đứng đối mặt với bác sĩ và bệnh viện, hãy trở thành một đội để đưa ngành y tế phát triển đến hình thái mong muốn.
2.
BÁC SĨ GIỎI LẮNG NGHE, NGƯỜI BỆNH GIỎI TRÌNH BÀY
Phát huy thời gian khám bệnh ở mức cao nhất
Y tế Nhật Bản đang dựa quá nhiều vào kết quả xét nghiệm. Bước kiểm tra đầu tiên phải là những câu hỏi bác sĩ dành cho người bệnh khi khám bệnh. Trong hơn mười năm trở lại đây, khuynh hướng trị liệu y tế đòi hỏi phải thấy được bằng chứng dữ liệu ngày càng trở nên mạnh mẽ, cực đoan đến mức người ta không công nhận bất cứ điều gì nếu không thấy dữ liệu. Thiết bị chụp MRI (chẩn đoán hình ảnh cộng hưởng từ) rất đắt đỏ nhưng Nhật Bản đang là nơi có nhiều thiết bị này nhất thế giới. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là số lượng thiết bị này không khớp với chất lượng y tế.
Các bạn có thể kỳ vọng việc kiểm tra, xét nghiệm chi tiết sẽ giúp phát hiện ra nguyên nhân căn bệnh, nhưng thực ra không phải những gì người bệnh cho biết về những bất thường mà họ cảm nhận trong cơ thể đều xuất hiện trong kết quả kiểm tra, xét nghiệm. Cảm lạnh là một ví dụ điển hình. Cơ thể bị cảm lạnh có những dấu hiệu thay đổi rất rõ rệt nhưng có làm xét nghiệm đến đâu đi nữa chúng ta cũng không có được kết quả cụ thể ứng với những dấu hiệu chuyển biến đó. Chính vì có những trường hợp như thế mà yêu cầu về kỹ năng phát hiện những điều không thể nhìn thấy được đặt ra cho bác sĩ. Người bệnh chắc chắn sẽ không chịu đựng được việc bị bác sĩ liếc vào tờ kết quả xét nghiệm rồi nói về tình trạng bệnh của mình là: “Không có gì đâu, chắc do bác tưởng tượng đó thôi” mà không cần hỏi han gì thêm.
Thay vì tiêu tốn rất nhiều thời gian và chi phí cho nhiều xét nghiệm không cần thiết, bác sĩ và người bệnh nên dành đủ thời gian để đối thoại sẽ hiệu quả hơn nhiều. Chỉ với những trao đổi đó, người ta có thể chẩn đoán đến gần 60%. Nếu thời gian cho phép với mỗi người đến khám chỉ vỏn vẹn có ba phút thì cả bác sĩ lẫn người bệnh phải suy nghĩ làm thế nào phát huy hết ba phút quý báu đó.
Có thể chẩn đoán đến 60% qua trao đổi
Trước hết, bác sĩ phải xác định rõ mình cần khám ở đâu, đặt ống nghe ở vị trí nào. Nếu người bệnh đau ở ngực thì giả thiết là tim có vấn đề để đặt các câu hỏi chẩn đoán bệnh. Chỉ với những câu hỏi đáp như vậy, bác sĩ có thể chẩn đoán được gần 60% căn bệnh. Tiếp theo là nghe tim, xem cổ có bị đỏ lên không để có thể chẩn đoán thêm được 10% nữa. Sau đó, cho làm xét nghiệm sẽ có cơ sở làm rõ thêm 10% nữa, nếu cần sẽ cho nhập viện để tầm soát kỹ hơn nhằm khẳng định thêm 10%. 10% còn lại, với trình độ y tế hiện nay, chúng ta vẫn chưa có câu trả lời.
Cách chẩn đoán bệnh như vừa nêu được thực hiện tuần tự trước hết dựa trên cơ sở đối thoại giữa bác sĩ và người bệnh, tiếp theo đó là khám để làm rõ hơn và sau đó mới làm xét nghiệm.
Nếu bạn có thể cung cấp những thông tin về diễn biến cảm nhận được trong cơ thể một cách chính xác cho bác sĩ thì việc chẩn đoán hầu như được hoàn thành ngay trong phòng khám. Làm được như vậy thì việc chẩn đoán và xử lý sau chẩn đoán cũng ít để lại ấn tượng không hài lòng ở cả bác sĩ và người bệnh.
Bác sĩ giỏi lắng nghe, người bệnh giỏi trình bày
Như vậy, bạn cần làm gì để có thể truyền đạt thông tin cảm nhận được trong cơ thể cho bác sĩ? Sự thay đổi mà bạn cảm nhận được nơi cơ thể mình thông qua các giác quan sẽ tốt hơn rất nhiều so với bất kỳ loại xét nghiệm tỉ mỉ nào. Như thế có nghĩa là bạn là người nắm giữ thông tin có giá trị nhất để chẩn đoán bệnh.
Không cần phải nói thêm, tất nhiên bạn phải truyền đạt những thông tin đó một cách khách quan và cụ thể. Nếu bạn nói một cách mơ hồ theo kiểu “thấy khang khác trong người” thì không giúp ích được gì. Khi được hỏi: “Dấu hiệu này xuất hiện từ khi nào?”, thay vì trả lời: “Khá lâu rồi”, bạn nên nói cụ thể: “Cách đây ba tháng, cứ mỗi tháng lại xuất hiện một lần”, hoặc “Cách đây mười năm tôi cũng đã từng có hiện tượng giống hệt”. Khi bị sụt cân, câu trả lời nên là: “Tôi không thèm ăn nên trong một tháng đã sụt mất năm cân”. Nếu ngày nào bạn cũng đo huyết áp, bạn nên nói cho bác sĩ biết các số đo ấy.
Điều cần làm là việc sắp xếp các thông tin cần trao đổi. Khi bác sĩ hỏi đến, việc giải thích những cảm nhận về cơ thể bằng từ ngữ khó khăn hơn bạn nghĩ rất nhiều, đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị trước đó. Nếu trước khi ra khỏi nhà, bạn ghi chép vắn tắt để cầm đến trao cho bác sĩ thì không còn chê vào đâu được. Bạn có thể ghi thêm vào đó thông tin cuộc phẫu thuật trước đây, hoặc những chi tiết khó nói khác như từ khi nào thì kinh nguyệt thất thường. Không cần phải ngại việc mình xen vào việc của bác sĩ. Nếu người khám bệnh cho bạn là một bác sĩ tốt thì khi nhìn thấy mẩu ghi chú ấy, bác sĩ sẽ hỏi thêm thông tin dựa trên những gì đã được ghi ra hoặc xin dán thẳng mẩu ghi chú vào hồ sơ bệnh án.
Với việc chuẩn bị vừa kể, bạn có thể biết được bác sĩ có những phản ứng như thế nào với thông tin, bác sĩ đang khám có phải là một bác sĩ tốt hay không. Thêm vào đó, bạn cần sắp xếp thứ tự ưu tiên cho thông tin cần trao đổi để dự liệu trong trường hợp chỉ có thể nói ngắn thì cần chia sẻ thông tin nào, trường hợp có nhiều thời gian hơn thì nói thêm điều gì. Nghĩa là bạn có một danh sách các vấn đề cần trao đổi của riêng mình. Nếu bạn trình bày rõ ràng: “Hôm nay tôi đến hỏi bác sĩ về điều lo lắng nhất. Có cả những lo lắng số hai, số ba nhưng tôi sẽ gác lại cho lần tái khám”, thì bác sĩ ấy có bận rộn đến mấy cũng cảm thấy nhẹ nhõm. Trong trường hợp đã chuẩn bị nhưng vẫn không thể nói hết với bác sĩ, lời khuyên dành cho bạn là hãy nói với điều dưỡng để họ truyền đạt thay.
Một điều nữa cần lưu ý là bạn hãy tận dụng thời gian chờ đến lượt khám để ôn lại những điều mình đã chuẩn bị để trình bày, kiểm lại lần cuối cách thức mình muốn diễn đạt. Lý tưởng nhất là trong khoảng thời gian ngắn ngủi lưu lại trong phòng khám, sự trao đổi giữa bác sĩ và người bệnh diễn ra nhịp nhàng như chuyền bóng qua lại. Quả bóng được người bệnh ném đi là thông tin đã chuẩn bị trước, bác sĩ đón nhận và trả bóng lại để gợi những thông tin mà người bệnh chưa nhớ ra hết. Với cú bóng ném trả đó, người bệnh sẽ được kích thích để ném đi quả bóng có những thông tin mới. Quanh câu chuyện liên quan đến cơ thể người bệnh, bác sĩ phải là người giỏi lắng nghe, người bệnh phải giỏi trình bày và đôi bên đều phải nỗ lực.
Nhân đây cũng xin nói thêm, ở các quốc gia có nền y học tiên tiến như Mỹ, Anh, Đức, rút kinh nghiệm từ việc quá dựa dẫm vào dữ liệu, hiện nay phương pháp y khoa gọi là “narrative based medicine” – xem trọng hoạt động khám chữa bệnh trên cơ sở đối thoại giữa bác sĩ và người bệnh – đang được quan tâm cao.
3.
HÃY TÌM BÁC SĨ TỐT, ĐỪNG PHÓ MẶC CHO MAY RỦI
Hãy tìm bác sĩ nào biết lắng nghe người bệnh
Điều không thể thiếu trong việc chăm sóc sức khỏe là bạn hãy tìm cho mình một bác sĩ tin cậy, xây dựng mối quan hệ tốt với bác sĩ ấy để khi cần có thể đến xin tư vấn, khám bệnh. Trước hết, cần có quan hệ tốt, hợp tính cách với bác sĩ mình hay đến khám bệnh. Thay vì dựa vào bề ngoài ưa nhìn, tay nghề cao theo đánh giá của dư luận, bạn hãy thử tìm đến để trực tiếp cảm nhận. Việc hợp hay không hợp sẽ khác nhau tùy từng người, nhưng nên ưu tiên chọn bác sĩ biết lắng nghe người bệnh. Bác sĩ tốt sẽ khéo nắm được những thông tin từ câu chuyện trao đổi với người bệnh để chẩn đoán. Khi thấy người bệnh căng thẳng, không giải thích được cảm nhận cơ thể một cách rõ ràng, bác sĩ nếu biết ôn tồn khuyến khích người bệnh bình tĩnh, thong thả nhớ lại thì sẽ tạo được sự tin cậy. Nếu bác sĩ đặt tay lên vai bạn và khích lệ: “Không sao đâu, rồi sẽ ổn thôi”, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và khả năng phục hồi trong cơ thể cũng được kích hoạt, quá trình khỏi bệnh cũng sẽ rõ rệt. Tôi cho rằng những cử chỉ rất nhỏ như thế của bác sĩ thể hiện kỹ năng của họ. Đây cũng là một phần của phương pháp y tế dựa trên đối thoại mà tôi nhắc đến trong đoạn trước.
Khi tiếp xúc với người bệnh, tôi quan tâm đến cả vị trí ghế ngồi. Nếu bác sĩ ngồi đối diện ngay trước mặt người bệnh thì có thể tạo cho họ cảm giác như đang phải dự một cuộc phỏng vấn. Tôi luôn dịch ghế sang một góc nghiêng. Khi cần thông báo về kết quả ung thư, tôi sẽ quan tâm tỉ mỉ hơn nữa xem ánh sáng trong phòng có quá sáng không, liệu nên để khuôn mặt của người bệnh hay của tôi ở góc tối hơn một chút không. Tốt nhất là trong vùng tia nhìn của người bệnh nên có một bình hoa đẹp. Tôi muốn sắp xếp để người bệnh có thể nói với tôi tất cả mọi lo âu, đau đớn và tâm tư của họ. Hoa không phải chỉ để bày trong phòng cho đẹp mà tôi muốn hoa đó trở thành vật xoa dịu tâm hồn người bệnh.
Tìm bác sĩ ý thức được hạn chế của bản thân
Tìm bác sĩ tin cậy không cần phải giới hạn chuyên khoa nhưng nên tránh các bác sĩ không ngượng mồm tuyên bố chữa được hết tất cả các bệnh. Tốt nhất là chúng ta tìm bác sĩ biết rõ mặt hạn chế của mình, sẵn sàng vui vẻ giới thiệu người bệnh đến gặp bác sĩ khác khi việc tư vấn liên quan nằm ngoài khả năng chuyên môn. Nếu có được một bác sĩ như thế thì bạn có thể xin tư vấn về bất cứ căn bệnh nào, vì chắc chắn vị bác sĩ đó sẽ cung cấp cho bạn thông tin y khoa đúng đắn mà bạn cần.
Bác sĩ ở Nhật Bản chỉ cần đỗ kỳ thi quốc gia, có người không qua kỳ thực tập sau tốt nghiệp*, đã có thể trưng biển phòng khám nội khoa, ngoại khoa hoặc một khoa nào đó. Ví dụ, người đó đủ khả năng trang bị máy móc chụp X-quang thì họ đương nhiên mở được phòng chụp, chẩn đoán X-quang mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Nói cách khác, nhiều nội dung khám chuyên khoa được ghi trên bảng hiệu không nói lên được bác sĩ ở phòng khám đó có chuyên môn cao. Trước khi đưa trẻ đi khám bệnh thì cần phải tìm hiểu xem bác sĩ ở phòng khám đó có thực sự thuộc chuyên khoa Nhi không. Nhưng đối với bác sĩ thường xuyên khám bệnh người lớn thì việc bác sĩ đó có khiêm tốn nhận thức được giới hạn chuyên môn của mình hay không còn quan trọng hơn cả yếu tố chuyên khoa của bác sĩ ấy.
* Đến năm 2004, quy chế thay đổi, yêu cầu bắt buộc phải qua thời gian thực tập sau tốt nghiệp (ND).
Hãy tìm bác sĩ cố gắng giảm bớt kiêng cữ cho người bệnh hơn là buộc người bệnh kiêng khem nhiều thứ
Bác sĩ lúc nào cũng cấm cản: “Không được làm thế này”, “Không được làm thế kia” cũng lại là người khó phù hợp. Có những lúc bản thân người bệnh có hơi nóng sốt nhưng vẫn muốn cố gắng sinh hoạt như thường ngày, mà bác sĩ thì lại khăng khăng ngăn cản, không cho phép. Có thể bạn đang rất muốn tham gia chuyến du lịch đặc biệt có ý nghĩa sắp tới nhưng bác sĩ thì kiên quyết lắc đầu. Đó là cách an toàn nhất đối với bác sĩ. Nếu đồng ý cho người bệnh đi du lịch và người bệnh có chuyển biến bất trắc gì thì bác sĩ phải chịu trách nhiệm về lời cho phép. Cho phép người bệnh đi xa chỉ làm bác sĩ thêm nhiều việc, thêm phiền phức.
Khi có bệnh, bạn sẽ cảm thấy gò bó trong sinh hoạt; nên thay vì chọn bác sĩ cứ cấm cản này kia, lý tưởng nhất là bạn tìm một bác sĩ thấu hiểu, không tiếc công sức để hướng dẫn cho bạn sinh hoạt sao cho thoải mái hơn, gần với sinh hoạt khi khỏe mạnh. Tuyệt vời nhất là bạn gặp được người bác sĩ sau khi cân nhắc sẽ ủng hộ bạn tham gia chuyến du lịch đặc biệt với gia đình kèm lời khuyên ân cần rằng: “Bác có sốt nên tôi cũng hơi lo. Nếu thấy khó ở trong người thì bác hãy uống thuốc này và tìm đến bác sĩ gần nhất đưa tờ giấy này cho họ xem nhé”.
Nếu là bác sĩ, bạn hãy quan tâm hơn một chút nữa đến giai đoạn sau điều trị
Với vị bác sĩ luôn quan tâm đến ý kiến, sinh hoạt thường ngày của bạn, bạn cũng cần có sự đáp lễ đúng mực, tất nhiên không phải bằng tiền bạc mà là bằng việc báo cho bác sĩ biết những tiến triển cảm nhận được sau khi đã được khám và chữa bệnh. Bác sĩ giỏi, có là danh y đi chăng nữa, vẫn luôn canh cánh với những quyết định chẩn đoán của mình. Hôm qua, bác sĩ có thể chẩn đoán: “Không cần quá lo lắng, chỉ là cảm lạnh thôi”, nhưng trong lòng có thể vẫn còn lăn tăn về khả năng người bệnh bị viêm phổi. Lúc ấy, chỉ cần một cuộc điện thoại thông báo rằng hôm nay bạn đã hết sốt thì bác sĩ của bạn chắc chắn sẽ rất an tâm. Lần gặp sau, câu chuyện có thể bắt đầu bằng việc nhắc lại kết quả tốt ở lần trước một cách thoải mái. Nếu bác sĩ, có vẻ bận không nói được trực tiếp, bạn có thể kể với điều dưỡng để điều dưỡng thuật lại cho bác sĩ vào thời điểm thích hợp.
Ngay cả trường hợp có những biến chuyển nặng hơn ngoài dự liệu của bác sĩ, khiến bạn phải nhập viện ở bệnh viện khác thì bạn cũng nên nói cho bác sĩ của mình biết, vì điều này sẽ nhắc nhở bác sĩ phải thận trọng hơn khi gặp những triệu chứng tương tự, giúp họ thêm kinh nghiệm.
Tôi có rất nhiều người bệnh đáng quý như thế. Trong số này có một người đã nhiều năm bị hen suyễn gởi cho tôi một bưu ảnh từ nơi đang đi du lịch, trên đó ghi vắn tắt một hàng: “Tôi không lên cơn như đã lo lắng lúc ở nhà”, và hàng chữ này cho tôi biết chứng hen suyễn của người này được cải thiện nhờ đổi địa điểm phù hợp hơn chứ không phải nhờ hiệu quả của thuốc. Nhờ giao tiếp khéo léo, bạn có thể được bác sĩ nhớ rõ họ tên. Bác sĩ cũng là con người và con người thường không lãnh đạm với những người thân quen của mình. Bạn hãy cố gắng để trở thành người bệnh được bác sĩ quan tâm. Tôi bảo đảm bạn sẽ không thiệt thòi với điều này.
4.
ÂM NHẠC CÓ KHẢ NĂNG CHỮA LÀNH TÂM HỒN VÀ CƠ THỂ NGƯỜI BỆNH
Tai vẫn nghe được vào thời điểm hấp hối
Thai nhi trong bụng mẹ suốt bảy, tám tháng không chỉ nghe tiếng tim mẹ đập mà còn bắt đầu lắng nghe nhiều âm thanh khác từ bên ngoài vọng vào. Mắt trẻ sơ sinh không thấy rõ trong một, hai tuần sau sinh nhưng thính giác của trẻ thì ngay khi vừa chào đời đã hoạt động và duy trì cho tới phút cuối trước khi qua đời.
Những người bệnh đã cận kề cái chết, không còn ý thức, có vẻ không còn phản ứng với bên ngoài vẫn nghe được tiếng người xung quanh nói chuyện và âm nhạc. Lời cảm ơn của người thân thì thầm bên tai vẫn đến được với người đang hấp hối. Việc cho người ấy nghe những khúc nhạc yêu thích sẽ làm tâm hồn họ thư thái biết bao trước lúc lên đường đi xa mãi. Tôi nghĩ rằng thính giác của con người là một giác quan tuyệt vời. Việc phát huy năng lực thính giác và tác động của việc tận hưởng âm nhạc vẫn chưa thể biết hết. Những điều không thể diễn đạt hết bằng lời có thể được âm nhạc chắp cánh để đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng và chạm được đến chỗ sâu thẳm của tâm hồn. Chính vì vậy mà con người cảm thấy được âm nhạc an ủi, cho thêm dũng khí trong khi vui, lúc buồn, thời điểm lo lắng, bất an – không kể là người nghe có tài năng âm nhạc hay không.
Âm nhạc đối với tôi hiện vẫn là nguồn tiếp thêm cho tôi sức sống, không thể thiếu vắng. Năm tôi 10 tuổi, do bị viêm thận, tôi không được chạy nhảy ở bên ngoài trong suốt một năm trời nên mẹ tôi đã cho tôi học piano. Kể từ đó tôi luôn yêu thích âm nhạc, đến mức thời trẻ đã có lúc tôi phải phân vân không biết nên chọn con đường trở thành bác sĩ hay chọn trở thành nhạc sĩ. Mãi đến thời điểm 1988, tôi có dịp đi khảo sát trung tâm chăm sóc cuối đời ở bệnh viện thuộc Đại học Vancouver, Canada thì tôi mới bắt đầu có ý định sẽ đưa âm nhạc vào hoạt động trị liệu.
Âm nhạc xoa dịu cơn bệnh
Ở trung tâm chăm sóc tôi đến thăm, một bệnh nhân nam bị ung thư giai đoạn cuối đưa cho kỹ thuật viên âm nhạc trị liệu bài thơ do mình tự sáng tác và yêu cầu được nghe hát. Đó là một bài thơ gởi gắm tâm sự buồn của người sắp chết vào bông hồng cuối cùng nở cuối hạ. Kỹ thuật viên âm nhạc trị liệu đã cầm lấy guitar, ứng tác phổ nhạc và cất tiếng hát. Nghe xong, người bệnh rơi lệ yêu cầu: “Ngày mai anh lại đến hát nhé”. Ngày mai, ngày kia, ngày sau nữa, khi cuộc đời sắp khép lại, người bệnh ấy vẫn tìm được ánh sáng hy vọng mới. Đây chính là chiêu xoa dịu mà bác sĩ y khoa không làm được.
Âm nhạc có thể làm giảm cơn đau. Đã có những trường hợp cho thấy người bệnh ung thư giai đoạn cuối cần đến morphine để giảm đau, nhưng khi cho nghe nhạc thì người ấy chỉ cần lượng morphine bằng 1/10 lượng cần nếu không nghe nhạc. Cảm giác đau mang tính chủ quan và sẽ tăng gấp nhiều lần nếu người bệnh lo lắng, buồn bã hoặc hoảng sợ. Khi nỗi lo lắng được giảm nhẹ thì cơn đau thực tế cũng nhẹ đi.
Những người mất ngủ có thể nhờ vào âm nhạc để ngủ mà không cần dùng đến thuốc an thần; người bị chứng hồi hộp, tay chân luống cuống vì căng thẳng khi đứng trước đông người cũng có thể dùng liệu pháp âm nhạc để giải tỏa căng thẳng.
Có trẻ tự kỷ đã chuyển biến như kỳ tích sau nhiều lần gặp gỡ với kỹ thuật viên âm nhạc trị liệu. Thoạt đầu, kỹ thuật viên âm nhạc trị liệu nắm một đầu gậy chỉ huy, đầu kia đưa cho trẻ nắm rồi cùng nghe nhạc; và một ngày nọ chợt cảm thấy đầu gậy trẻ nắm khe khẽ rung. Sau hôm đó, trẻ dần dần mở lòng ra với kỹ thuật viên.
Tôi có một bệnh nhân nữ bị rối loạn thần kinh nặng đến mức không thể ra ngoài. Cô là một nghệ sĩ piano, nhưng kể từ ngày phát bệnh thì hơn tám năm không chạm đến phím đàn. Tôi đưa cho cô bản nhạc tôi tự sáng tác trước đây và nhờ: “Cô hãy đánh giá tác phẩm giúp tôi nhé!”. Dường như điều này giúp cô nảy ra ý muốn ngồi vào đàn thử, nên sau khi bình phục, cô đã nói với tôi rằng nỗi bất hạnh nhiều năm của mình đã được âm nhạc xoa dịu.
Có những bệnh không điều trị được bằng thuốc nhưng có thể chữa được bằng âm nhạc. Âm nhạc đã khơi được sức sống nơi bản thân người bệnh và sức sống ấy hàn gắn được chỗ lệch lạc trong cơ thể họ.
Sai lầm của y học hiện đại là tách rời tâm hồn khỏi cơ thể
Khi tâm hồn được xoa dịu, tình trạng cơ thể cũng sẽ cải thiện và ngược lại. Tâm hồn và cơ thể chúng ta có mối liên hệ đan xen rất phức tạp. Nếu chỉ nhìn từ một phía là tâm hồn hoặc cơ thể rồi dựa vào đó để đưa ra các phương án trị liệu thì chắc chắn không thể giải quyết rốt ráo vấn đề người bệnh đang gặp phải. Người xưa hiểu rõ điều này hơn người nay.
Khoảng 2.500 năm trước, thời La Mã cổ đại, người xưa đã biết đến khả năng chữa lành tâm hồn và cơ thể con người của âm nhạc. Trình độ y khoa thời đó còn sơ khai nếu so với y khoa ngày nay, nhưng âm nhạc đã được đưa vào để bổ sung những chỗ khiếm khuyết của kỹ thuật y khoa. Thánh Kinh Cựu Ước có kể câu chuyện vua David chơi đàn harp cho vua Saul nghe để giúp nhà vua khuây khỏa hơn, cơn giận cũng nguôi ngoai đi. Những câu chuyện tương tự có nhiều trong kho tàng văn hóa Đông Tây. Sách Luận Ngữ có nhắc chuyện Khổng Tử (551 – 479 TCN) nhận xét rằng nghe tiếng tiêu hay thì lòng thấy êm đềm quên cả dùng món ngon được mời.
Lẽ ra sứ mệnh của y khoa trước khi chữa trị bệnh là phải xoa dịu cho người bệnh, nhưng đáng tiếc là y học ngày nay càng ngày càng rời xa bản chất lẽ ra phải có.
Liệu có cần phải ép người bệnh chịu đựng để chữa trị
Ngược với sự kỳ vọng của nhiều người, thực ra số bệnh mà bác sĩ có thể chữa khỏi không nhiều. Trong tương lai, y học có tiến bộ thêm nữa thì số bệnh thực sự có thể chữa khỏi cũng không đầy một nắm tay. Tôi cho rằng hiện nay cả bác sĩ lẫn người bệnh đang có ảo tưởng quá nhiều khi cho rằng: “Y học hiện đại có thể cứu được bất kỳ căn bệnh nào”. Nếu vậy, liệu có nên ép người bệnh phải chịu đựng nỗi đau đớn của việc xét nghiệm, tiêm chích, phẫu thuật với lập luận: “Cần phải chịu khó để chữa bệnh” hay không?
Việc chữa khỏi hoàn toàn là rất ít ỏi và một ngày nào đó con người sẽ chết. Nếu thế, đáng ra câu hỏi phải là làm thế nào để có thể sống thoải mái, ít đau khổ, ít bị lo lắng đeo đuổi trong những năm tháng có giới hạn của cuộc đời. Không được để cho ý nghĩ về việc chữa khỏi bệnh chiếm đoạt tâm trí mà không suy nghĩ thấu đáo đến những tác dụng phụ của việc điều trị gây ra cho tinh thần và khiến người bệnh phải chịu đựng lâu dài sau quá trình điều trị.
Âm nhạc trị liệu là một phương thức chữa lành trước nay không được chú ý. Năm 1986, tôi đã khởi động thành lập hội nghiên cứu thực nghiệm âm nhạc như một phương pháp trị liệu gọi là Nihon Bio-Music Kenkyukai, sau đó đến năm 1995 đã đổi tên thành Zen Nippon Ongaku Ryohou Renmei (tạm dịch là Liên đoàn Âm nhạc Trị liệu Nhật Bản)*. Tôi cùng với những người cùng chí hướng đã cố gắng vận động cấp bằng công nhận kỹ thuật viên âm nhạc trị liệu để phổ biến phương pháp trị liệu bằng âm nhạc. Đáng tiếc là việc công nhận bằng cấp quốc gia này còn cần có thêm thời gian.
* Năm 2002 đổi tên là Hội Âm nhạc Liệu pháp Nhật Bản, địa chỉ website là http://www.jmta.jp (ND).
Y học cần phải chạm đến toàn thể con người một cách uyển chuyển, linh hoạt. Tôi cho rằng việc công nhận thêm một phương thức chữa lành mới để đưa vào công tác điều trị là rất cần thiết cho hoạt động y tế trong thời gian tới.