1.
Ở ĐỘ TUỔI NÀO TA CŨNG CÓ THỂ THAY ĐỔI LỐI SỐNG
Cuộc đời là thói quen
Nếu nói vắn tắt thì cuộc đời là thói quen. Triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle (384 – 322 TCN) nói rằng: “Thói quen là những hoạt động lặp đi lặp lại”, và thói quen sẽ hình thành nhân cách, cá tính của con người.
Những người sớm ý thức được thói quen của bản thân sẽ thành công lớn trong đời, những kẻ coi thường thói quen của bản thân sẽ kết thúc cuộc đời mình một cách vô vị. Thói quen được hình thành qua sự tích lũy theo năm tháng nên nếu ta biến nó thành hoạt động học hỏi thì sẽ không còn cảm thấy chán nản hay mệt mỏi. Việc còn lại phải làm là để cho cơ thể mình ngấm dần những thói quen tốt.
Loài chim không thể thay đổi cách bay cố hữu của chúng. Động vật khác không thể thay đổi cách thức bẩm sinh của chúng trong việc trườn, bò, chạy, nhảy. Chỉ có con người là có thể thay đổi lối sống của mình. Con người làm được điều đó bởi ngay từ ban đầu ta đã biết đời sống của mình một ngày nào đó sẽ chấm dứt. Chỉ con người mới có năng lực đặc biệt để tư duy xem mình nên sống như thế nào với cuộc đời hữu hạn của mình. Nhà phân tâm học Erik Erikson (1902 – 1994) đã từng phát biểu rằng: “Tiến trình phát triển của con người song hành với con đường tiến đến cái chết”. Thật đáng quý biết bao khi cùng với năm tháng, cơ thể ngày càng suy yếu đi nhưng tâm hồn ta vẫn có thể tiếp tục tìm tòi ý nghĩa cuộc sống và tiến lên phía trước.
Ngay từ hôm nay, hãy xem lại cách ăn uống, hoạt động, làm việc và ngủ nghỉ
Nghĩa vụ của chúng ta là phải bảo vệ cơ thể – lớp vỏ chứa sinh mệnh của mình, tức phải sống khỏe mạnh. Từ sau khi xã hội phát triển phồn thịnh hơn, những bệnh tật mà người Nhật mắc phải cũng thay đổi. Những căn bệnh có nguyên nhân từ môi trường sinh hoạt kém vệ sinh và cuộc sống quá vất vả như lao phổi dần biến mất. Thay vào đó, quá nửa những căn bệnh phổ biến người ta thường mắc phải là huyết áp cao, xơ cứng động mạch, đột quỵ, bệnh tim, ung thư. Cho tới cách đây ít năm thì người ta vẫn gọi những bệnh này là nhóm “bệnh của người lớn tuổi” do tỷ lệ phát bệnh nhiều ở độ tuổi chớm già, nhưng từ hơn 20 năm trước tôi đã đề nghị gọi đây là những “bệnh do thói quen sinh hoạt”. Lý do là những căn bệnh này thực chất bén rễ từ thói quen sinh hoạt của người bệnh từ thời trẻ.
Y học phát hiện hiện tượng xơ cứng động mạch bắt đầu từ lứa tuổi đôi mươi trở đi. Chính bản thân chúng ta, chứ không ai khác, làm cho mình mắc bệnh. Ta tạo bệnh cho chính bản thân ta. Nếu ta xem lại và thay đổi cách ăn uống, món ưa thích, vận động, làm việc, nghỉ ngơi và cách chúng ta sinh hoạt thường ngày thì chúng ta có thể suốt đời không mắc phải những căn bệnh vừa kể. Việc phải tốn phí cho những căn bệnh lẽ ra không mắc phải là tổn thất rất lớn. Cơ bản vẫn là chính ta phải giữ gìn sức khỏe của mình. Đừng giao phó cho bác sĩ hoặc bất kỳ ai khác.
Cảnh giác với sự quá đà
Hàng ngày chúng ta dùng bữa, tốn thời gian và tiền bạc cho bữa ăn. Chúng ta cần ăn để duy trì cuộc sống. Thói quen ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể. Nếu ta sử dụng hết, không lãng phí năng lượng nạp vào qua ăn uống thì đó là điều không gì tốt bằng.
Cơ thể con người thực ra có cơ chế rất tuyệt vời. Máy móc cũ đi sẽ tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn nhưng cơ thể người thì ngược lại, người lớn tuổi chỉ cần ít năng lượng là đủ. Việc cung cấp cho cơ thể quá nhiều năng lượng ở thời trẻ có thể không gây ra vấn đề gì nhưng đến khi có tuổi thì năng lượng thừa sẽ trở thành gánh nặng cho cơ thể.
Mỗi ngày tôi nạp khoảng 1.300 kcal, chỉ bằng phân nửa một người trẻ. Đây là lượng vừa đủ. Nhịp độ làm việc và thời gian ngủ 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày, hoàn toàn không khác so với thời 30 tuổi nhưng lượng thức ăn thì giảm đi. Khi tập trung làm việc, tôi không cảm thấy khát, cũng không cảm thấy đói. Có khi tôi quên cả ăn, nhưng kể cả có quên thì cũng không gặp vấn đề gì.
Khi đã có tuổi, không cần phải bám vào con số ngày ba bữa ăn. Khi đã nắm được lượng vừa đủ cho cơ thể của mình, chúng ta có thể tự do dùng bữa khi mình muốn cho phù hợp với nhịp sinh hoạt. Tốt nhất là không thừa. Tôi ăn ít nhưng sử dụng hết năng lượng đã nạp, không để thừa.
Người thời nay rất kém trong việc điều tiết cho đúng mực. Người ta thường ăn quá no, uống quá nhiều, nạp quá nhiều muối, quá nhiều đường, quá nhiều mỡ, hút thuốc quá nhiều,… Chính thói quen ăn uống quá đà này gây ra bệnh.
Trong cuốn sách về thuật dưỡng sinh Youseikun, Kaibara Ekiken 300 năm trước đã từng viết là: “Ăn lưng lửng bụng”*. Bí quyết để chúng ta sống khỏe mạnh đã được người xưa thể hiện qua câu chữ và phong cách sống như thế. Chúng ta cần khiêm tốn đón nhận những bí quyết ấy.
* Nguyên văn là “hara hachi bun me”, nghĩa là “chỉ ăn 8/10 sức chứa của bụng”.
Sử dụng cơ thể liên tục không ngưng nghỉ, không gián đoạn
Cùng với tuổi tác, cơ thể và đầu óc sẽ lão hóa, nhưng dù không tránh được sự lão hóa đó, chúng ta vẫn có thể không làm cho cơ thể và đầu óc của mình bị hỏng đi, bằng cách sử dụng cơ thể hàng ngày, liên tục không ngưng nghỉ, không gián đoạn. Cơ thể chúng ta có khả năng vừa hoạt động, vừa điều chỉnh để phục hồi.
Để có được sức khỏe, không thể thiếu thói quen tốt. Không được lần lữa với suy nghĩ kiểu một ngày nào đó ta sẽ tập thói quen tốt, mà phải hành động ngay hôm nay.
Sức khỏe là kết quả của hành động. Sức khỏe chỉ có được qua những hoạt động thực tiễn.
Chúng ta mắc phải sai lầm là ngay cả sức khỏe của bản thân cũng gởi gắm cho y học, là ngành vốn đặt tiêu điểm ở công tác khám, chữa bệnh. Rõ ràng là sức khỏe chỉ có được từ hoạt động thực tiễn trong sinh hoạt thường ngày. Vâng, cần phải làm ngay!
2.
HÃY ĐỂ NIỀM VUI SINH RA TỪ SỰ CHO ĐI HƠN LÀ NGỒI SỢ MẤT MÁT
Người Nhật không biết “cho và nhận”
Có một giám đốc doanh nghiệp Mỹ không hề quen biết đến xin gặp tôi. Tôi đồng ý tiếp, trong đầu đang băn khoăn không biết cuộc gặp này nhằm mục đích gì thì vị giám đốc mở lời: “Tôi định bắt đầu làm ăn ở Tokyo. Công việc chưa biết có thuận lợi hay không nhưng nếu có lợi nhuận thì tôi xin trích 1% lợi nhuận đó để đóng góp cho bệnh viện của bác sĩ”.
Không đợi đến lúc đã có dư tiền rồi mới thực hiện, vị giám đốc công ty này ngay khi vừa quyết định đến đầu tư khởi nghiệp ở nước khác đã hứa rằng tương lai mình sẽ đóng góp. Ở Mỹ có nhiều doanh nhân như vậy. Đây chính là điểm mà người ta gọi là sự rộng rãi của người Mỹ.
Nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Halfdan Mahler* cách đây vài năm có trao đổi với tôi rằng: “Cho đến nay, cách Nhật Bản làm trên thế giới không phải là ‘cho và nhận’ mà là ‘lấy và cho’”. Quả thực, đóng góp cho quốc tế của Nhật Bản trước hết là chiếm lĩnh thị trường ở nước ngoài, sau đó trích một phần tiền từ lợi nhuận thu được để góp phần. Trước hết là phải “nhận” rồi sau đó mới “cho”. Thái độ ẩn sau cách hành xử này hàm ý rằng nếu không nhận được gì thì đừng bàn đến chuyện cho.
* Halfdan T. Mahler, người Đan Mạch, nhiệm kỳ 1973 đến 1988.
Ở một quốc gia bình thản đối với việc cho đi như vậy thì không thể gặp được những nhân vật như vị giám đốc người Mỹ kể trên, nhưng gần đây cũng có những tin vui khiến tôi nghĩ rằng Nhật Bản cũng chưa đến nỗi vứt đi. Cách đây ít lâu, tôi thành lập cơ sở hỗ trợ chăm sóc tại nhà mang tên “The Fall of Freddie the Leaf”, dựa theo tác phẩm cùng tên bán chạy đến 900.000 bản của triết học gia người Mỹ Leo Buscaglia (1924 – 1998). Tác phẩm là một tập truyện tranh tôi rất yêu thích, nội dung kể cho người đọc hiểu thế nào là sự sống.
Sau đó không bao lâu, công ty Toshiba EMI cho phát hành CD có nhạc phẩm piano được sáng tác theo mô típ của truyện tranh kể trên. Họ thông báo cho tôi biết cứ mỗi đĩa bán được họ sẽ trích một phần để đóng góp cho cơ sở cùng tên của tôi. Ngày nhận tin, tôi tràn đầy hy vọng khi thấy Nhật Bản đã thay đổi và cảm nhận có sự hy vọng ở tương lai với những điều tốt đẹp như vậy.
Con người vốn yếu đuối và đó cũng là một dạng tài năng
Hành vi cho đi mà không chờ được đáp trả trước đây rất phổ biến. Vào thời mà người Nhật Bản khiêm tốn hơn bây giờ, tức là thời mà người ta ý thức tốt hơn về sự yếu đuối của bản thân, họ đã sát cánh bên nhau, hỗ trợ nhau một cách rất tự nhiên. Cùng với việc đất nước ngày càng giàu có hơn về vật chất, người ta bắt đầu tự tin thái quá vào bản thân và xã hội thay đổi theo chiều hướng kỳ quặc hơn khi người ta bắt đầu nghĩ đến việc mua dịch vụ chỉ bằng cách trả tiền.
Sinh hoạt đầy đủ hơn không có nghĩa là con người mạnh mẽ hơn. Y học có tiến bộ đến đâu chăng nữa cũng không thể chiến thắng được cái chết và sự yếu đuối của con người hoàn toàn không có gì thay đổi.
Việc cho đi không cần phải có tài năng hay kỹ năng gì đặc biệt. Tôi cho rằng chỉ với sự yếu đuối bẩm sinh của con người, người ta có sẵn trong mình khả năng và năng lượng để nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau.
Cho đi không phải là mất đi. Nó làm cho tâm hồn cảm thấy sung mãn hơn trước đó. Cũng như món ngon khi ăn quá nhiều khiến cho bụng ấm ách, khối tài sản phình quá to sẽ làm phát sinh mối lo; nhưng tâm hồn con người khi sung mãn sẽ khiến người ta luôn cảm thấy thoải mái, sảng khoái, giúp họ trực nhận được niềm vui sống.
Tôi nghĩ đã đến lúc con người phải nhận thức lại về sự yếu đuối của mình để chọn lối sống nương tựa vào nhau.
Ý thức thở ra hơn là hít vào, hít thở đúng cách mới sống tốt
Tôi rất quan tâm đến việc hít thở. Stress bắt nguồn ở chỗ hơi thở của con người rất nông, nên tôi khuyến khích mọi người thở hít sâu vào. Chúng ta không cần phải theo hình thức và khẩu lệnh thở ra hít vào như kiểu đã biết trong các chương trình tập thể dục trên truyền hình. Hiệu quả nhất là cách thở bụng êm ái đặt trọng tâm ở hơi thở ra.
Mấu chốt ở việc thở ra là tống hết khí thải trong phổi ra ngoài. Nếu chúng ta thở ra triệt để thì lồng ngực lúc này gần giống trạng thái của một buồng chân không nên khi chúng ta chấm dứt thở ra thì không khí bên ngoài sẽ tràn vào buồng phổi. Nếu chúng ta thở ra chưa hết, chưa đủ sâu thì chúng ta có cố gắng đến đâu cũng không thể đưa được khí sạch vào đầy buồng phổi. “Phép thở hai thì” mà Đức Phật Thích Ca dạy các đệ tử gồm có thở ra, ngưng một chút và lại tiếp tục thở ra. Như thế, chúng ta thấy thở ra đúng cách, chính là phép thở mang lại sức khỏe cho cơ thể.
Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể lấy phép thở đúng làm nguyên mẫu để áp dụng cho lối sống tốt. Nếu chúng ta chỉ chăm chăm vào việc nhận về cho mình, tiếc không cho người khác thì tâm hồn chúng ta không những không sung mãn mà ngược lại sẽ khô héo đi.
Ham muốn sẽ kéo theo ham muốn và nguyện vọng vô hạn khiến con người luôn bị sự bất mãn đeo bám. Quy luật ở đời là cứ mãi ham muốn sẽ không bao giờ cảm thấy được đáp ứng đủ. Lớn tuổi như tôi lại càng hiểu điều đó hơn ai hết.
Tiếng thở dài thật mạnh để tống hết thán khí ra ngoài thì rất tốt cho cơ thể. Tương tự như thế, để có được sức khỏe tâm hồn, cách tốt nhất là ta sử dụng năng lực của bản thân để giúp người khác.
3.
CHỈ VỚI THIỆN CHÍ THÔI VẪN CHƯA ĐỦ ĐỂ THAM GIA HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN
Bệnh viện tự hào có 300 tình nguyện viên
Ngay cạnh lối vào ở bệnh viện quốc tế Sei Luca thường có một tình nguyện viên của bệnh viện đứng đón. Khi đến khám, thăm bệnh hoặc tái khám thì người đầu tiên mà người đến bệnh viện gặp không phải là bác sĩ, điều dưỡng hay nhân viên lễ tân mà là tình nguyện viên bệnh viện. Đây là niềm tự hào của bệnh viện chúng tôi.
Nếu có người đi lạc trong khuôn viên rộng của bệnh viện, chắc chắn họ sẽ được tình nguyện viên chỉ đường; có cả những tình nguyện viên tóm tắt tiểu sử bệnh lý, những mối lo lắng về sức khỏe và đau đớn để trình bày cho bác sĩ thay cho những người bệnh cao tuổi không thể nói năng mạch lạc do tình trạng bệnh, căng thẳng, lo lắng hoặc đang chịu đựng cơn đau. Những tình nguyện viên này hỗ trợ cho nhân viên y tế chúng tôi rất hiệu quả, chính xác và dung dị ở những chỗ chúng tôi có thể bỏ sót hoặc không kịp làm cho người bệnh vì quá bận rộn.
Bệnh viện, tiếng Anh là “hospital”, cùng gốc với “hospitality” của ngành khách sạn, nhà hàng, vốn có nghĩa là “phục vụ chỗ ăn, nghỉ”. Do đó, không thể để bệnh viện trở thành một nơi lạnh lẽo, khó gần và đáng sợ.
Những ai đã từng đến bệnh viện quốc tế Sei Luca mà cảm nhận được bầu không khí ấm áp nơi đây thì chắc chắn đó là nhờ công đóng góp của 300 tình nguyện viên luôn chăm chút cho từng hoạt động.
Hoạt động tình nguyện ở bệnh viện chúng tôi được bắt đầu sau lời kêu gọi của tôi 30 năm trước, khi tôi điều hành với tư cách quyền giám đốc. Hiện nay, bệnh viện đã trở thành nơi có hoạt động tình nguyện sôi nổi nhất trong số các bệnh viện thuộc khu vực Kanto phía Đông Nhật Bản. Tuy nhiên, tôi mơ ước rằng ngày nào đó số tình nguyện viên tại bệnh viện quốc tế Sei Luca sẽ đạt ít nhất là 520 người, đuổi kịp với phong trào tình nguyện viên ở các bệnh viện Hoa Kỳ nơi số tình nguyện viên bằng với số giường bệnh.
Tình nguyện viên phải mang lại được giá trị chuyên nghiệp
Tình nguyện viên ở bệnh viện quốc tế Sei Luca không nhận thù lao nên hoạt động đó trực tiếp, gián tiếp giúp đỡ rất nhiều cho việc giảm bớt gánh nặng tài chính của bệnh viện, nhưng đó không phải là mục đích của việc kêu gọi tham gia công tác tình nguyện.
Mục đích của chúng tôi là đào tạo những tình nguyện viên có năng lực, cho họ hoạt động để một ngày nào đó họ “rời tổ bay đi”. Xuất phát điểm của chúng tôi là mong muốn tạo ra một “sân chơi” để tình nguyện viên có thể phát huy bản lĩnh của mình.
Nếu hoạt động của tình nguyện viên chỉ là làm những việc vặt vãnh để khắc phục tình trạng thiếu người thì như vậy không thể mang lại cho họ niềm vui. Nếu tổ chức hoạt động tình nguyện như thế, thì việc hoạt động không thể lan tỏa rộng là điều dễ hiểu.
Phía kêu gọi hoạt động tình nguyện cần phải hiểu rõ tinh thần và tôn chỉ của hoạt động tình nguyện, không sử dụng tình nguyện viên đơn thuần là nguồn lực lao động mà phải có ý thức đào tạo họ cho xứng tầm.
Ví dụ, tình nguyện viên ở bệnh viện chúng tôi xét từ góc nhìn của người bệnh thì họ cũng là những người bình thường như người bệnh nên việc trao đổi với họ dễ dàng, thoải mái hơn rất nhiều so với việc nói chuyện với các bác sĩ. Ấn tượng tạo ra nơi người bệnh như vậy là tốt, nhưng về mặt kỹ năng thì tôi cho rằng tình nguyện viên bệnh viện phải là những người mang lại những giá trị chuyên nghiệp chứ không được giống như những người nghiệp dư. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra là tình nguyện viên phải học hỏi để trau dồi kỹ năng. Rất tiếc phải nói ngay là chỉ với lòng nhiệt huyết và thiện chí thì chưa đủ để làm công tác tình nguyện viên. Cần phải có sự tinh tế để cảm nhận được tâm hồn của người khác, năng lực quan sát để nắm bắt tình hình và có năng lực hành động quả cảm. Để hỗ trợ cho ý thức và nỗ lực thực hiện những điều vừa kể, cho đến nay tôi đã luôn cố gắng hết mức để tạo cơ hội giúp các tình nguyện viên học tập kỹ năng. Các bà, các cô tình nguyện viên làm công tác đo huyết áp ở bệnh viện do tôi đào tạo có kỹ năng không hề thua kém nhân viên y tế chuyên nghiệp.
Hàng năm, tình nguyện viên đo huyết áp giảng giải cho các sinh viên điều dưỡng các yêu cầu cần nắm trong việc đo huyết áp một cách rất tinh gọn, dễ hiểu, đến cả các giáo sư y khoa đứng cạnh cũng phải ngạc nhiên. Họ cũng là những người đi khắp nơi trong nước để hướng dẫn thao tác đo huyết áp cho mọi người. Tác phong tự tin, cách hướng dẫn, truyền đạt được mài giũa qua các đợt tập huấn đó rất đĩnh đạc, tạo ra sự yên tâm. Nếu chúng ta khéo dùng tình nguyện viên với sự tôn trọng đúng mực thì họ trưởng thành cả về kỹ năng lẫn nhân cách.
“Tối nay mẹ tham gia công tác tình nguyện, mẹ về muộn nhé!”
Chỉ cần một ngày trong tuần cũng sẽ rất tốt nếu người mẹ có thể nói với con mình rằng: “Tối nay mẹ về muộn vì tham gia công tác tình nguyện, các con ăn cơm trước đi nhé”. Không chỉ là người mẹ mà có thể là người cha, người ông, người bà trong gia đình. Tất nhiên, việc lồng ghép hoạt động tình nguyện vào chương trình giáo dục ở nhà trường cũng rất tốt, nhưng tôi vẫn nghĩ đúng ra hoạt động tình nguyện nên là những gì gần gũi hơn mà mọi người vẫn thường thấy từ nếp sinh hoạt thường ngày của gia đình. Trẻ em lớn lên, noi theo tấm gương của cha mẹ, ông bà. Trẻ em chắc chắn sẽ quan sát và thấy mẹ mình mệt như thế nào sau một ngày dài làm việc, rồi lại tiếp tục với hoạt động tình nguyện, sau đó nhận ra khuôn mặt mẹ mình bừng sáng lạ lùng dù có mệt mỏi. Nếu chúng ta có thể cho trẻ thấy được những điều đó thì có lẽ chúng ta không còn cần phải nói thêm dông dài về hoạt động tình nguyện là như thế nào để thuyết phục trẻ cũng tham gia. Tôi nghĩ rằng thay vì dạy bằng cách nhồi nhét, chúng ta chỉ cần cho trẻ cơ hội để tự bản thân chúng tiếp thu một cách khéo léo, rồi trẻ sẽ tự đúc kết lấy mà không cảm thấy bị gượng ép.
Sống có ý nghĩa là gắn ý nghĩa lên sự tồn tại của bản thân
“Sống sôi nổi” gồm ba âm tiết. Mọi người đều muốn sống như cụm từ này. Trải nghiệm hoạt động tình nguyện là cơ hội tuyệt vời để phát hiện sự sôi nổi của bản thân. Sau tuổi hưu, tôi đã làm đủ mọi hoạt động tình nguyện trong suốt 25 năm qua. Ngoài chức vụ ở bệnh viện quốc tế Sei Luca, tôi còn kiêm nhiệm thêm chức vụ chủ tịch và hội trưởng của sáu đoàn thể khác, làm thêm công việc tình nguyện đi khám bệnh và đi giảng bài ở các nơi. Tôi yêu thích và vui vẻ với những công tác này nên không hề cảm thấy mệt nhọc cho dù lịch có dày đặc đến đâu. Hoạt động tình nguyện đã trở thành lối sống của tôi. Sống sao cho có ích với người khác, tức là sự tồn tại của bản thân mình được phát huy – không có khoảnh khắc nào cảm nhận được mình đang sống mạnh mẽ hơn thế. Nửa sau của cuộc đời là giai đoạn ta trả lại cho xã hội những kiến thức, cảm nhận, thể lực mà ta đã được nhận trước đó. Chính ta phải tìm kiếm nơi phát huy bản thân mình. Tôi luôn hình dung quang cảnh Diêm Vương cầm một cái cân đứng ở cửa vào địa ngục cất tiếng hỏi người vừa chết rằng: “Nhà ngươi đã sử dụng thọ mệnh của mình cho bản thân hay cho người khác?”. Nếu cán cân lệch về phía “sử dụng cho bản thân” thì Diêm Vương sẽ cất tiếng: “Nhà ngươi không thể lên thiên đường”.
Tôi muốn là người tư duy, cảm nhận và làm việc cho đến sát phút cuối của cuộc đời. Để làm được điều đó, tôi không tiếc nỗ lực, chịu đựng, mong muốn truyền thụ trí tuệ đã tích lũy cho người trẻ. Đó chính là ý nghĩa cuộc sống của tôi, là ý nghĩa được gắn lên sự tồn tại diễn đạt bằng đại từ “tôi”.
4.
CƠ THỂ DÙ SUY YẾU, NHƯNG KHÍ LỰC VẪN TRÀN TRỀ
“Khí” là nguồn năng lượng sôi nổi
Dạo gần đây khi đi diễn thuyết, tôi thường được xin bắt tay. Đây là một trải nghiệm trước kia không có nhưng gần đây thì cả ở đô thị lẫn ở nông thôn, đi đâu người xin bắt tay cũng nói: “Bác sĩ cho cháu xin một ít ‘khí’ ạ”. Mới hôm qua, các cháu tiểu học đến thăm tôi xin bắt tay rồi vui vẻ vung cao bàn tay phải vừa bắt, hò reo: “Hôm nay cháu sẽ không rửa bàn tay này đâu”. Cứ như thể tôi là một thần tượng nổi tiếng.
Thông qua cái bắt tay, người ta xin một ít “khí”, có lẽ bởi họ hình dung nó được truyền sang cho mình. Họ muốn xin ít “khí” từ ông lão 90 tuổi như tôi có lẽ bởi ý nghĩ rằng: “Cơ thể ông cụ này tuy đã già nua nhưng cái ‘khí’ bên trong thì chưa hề suy suyển”.
Bên cạnh Olympics, người ta còn có Paralympics dành cho những vận động viên khuyết tật. Mỗi khi xem họ thi đấu, quả thực tôi cảm nhận được có “khí” tồn tại ở đó dù không thể thấy được bằng mắt. Hình ảnh thi đấu của các vận động viên ấy là minh chứng hùng hồn của câu chuyện rằng con người có thể mang những khuyết tật cơ thể và trí óc nhưng giá trị con người họ không hề thua kém người lành lặn.
Bản thân lá cờ Paralympics gồm ba màu đỏ, xanh lá và xanh dương tượng trưng cho “thân (body)”, “trí (mind)” và “khí (spirit)”. Sự tồn tại của con người chính là sự bổ túc các khiếm khuyết, nâng cao lẫn nhau giữa ba yếu tố “thân - trí - khí”.
Động viên mình bằng câu nói “Người ta làm được, mình làm được”
Nếu người xin bắt tay tôi nghĩ thầm trong đầu rằng: “Ông cụ này đã già rồi mà còn năng nổ như thế này. Tại sao mình còn trẻ mà lại co cụm không dám cố gắng”, và rồi có mong muốn vươn lên chấp nhận thử thách, khám phá những điều chưa biết thì đó quả là niềm vinh dự đối với tôi. Tôi khuyến khích việc tìm kiếm quanh ta những mẫu người có thể mang lại cho mình ý nghĩ: “Người này mà làm được thì mình cũng làm được”. Phong trào “người già thời đại mới” mà tôi phát động vào mùa thu năm 2000 chính là để phát huy tâm lý này.
Cơ duyên bắt nguồn từ suy nghĩ rằng thay vì ngồi chờ một cấp trên nào đó thì hãy làm cho mẫu hình “người già thời đại mới” xuất hiện ở nhiều nơi. Điều đó sẽ mang lại hiệu quả nhanh chóng và xác thực hơn.
“Người già như thế mà còn làm được thì sao mình lại có thể ngồi yên”, tâm lý này sẽ kích hoạt hành động tự thân. Hành động này sẽ được duy trì lâu dài mà không có bất kỳ sự làu bàu, bực bội nào như thường thấy khi bị ép buộc.
Nếu có thêm, hãy thêm nét cười
Những lớp học phổ cập kỹ năng máy vi tính cho người trung, cao tuổi trong 20 năm qua do tổ chức Life Planning Center mà tôi là chủ tịch thực hiện luôn tràn đầy năng lượng sôi nổi.
Giảng viên đứng lớp là những tình nguyện viên trung, cao tuổi, có cả những người rất lớn tuổi. Giảng viên càng nhiều tuổi thì học viên lại càng ra sức học tập. Có vẻ khi thấy những giảng viên cao tuổi sử dụng máy vi tính rất thành thạo thì học viên nào cũng tự tin rằng mình cũng sẽ làm được như vậy. Ở chiều ngược lại, các giảng viên tình nguyện cũng rất nỗ lực tìm hiểu, nâng cao trình độ để có thể giảng giải dễ hiểu hơn, trả lời các câu hỏi khó của học viên một cách đầy đủ hơn. Sức nóng của lớp học đến từ suy nghĩ tích cực ấy của cả hai phía.
Tổ chức này cũng đảm nhiệm đào tạo tình nguyện viên y tế. Công tác đào tạo ấy thật tuyệt vời. Các tình nguyện viên trung, cao tuổi từ chỗ hoàn toàn không biết gì đã đạt đến trình độ có thể thực hành chuyên nghiệp và giảng giải lý thuyết rất tốt. Tôi có thể mường tượng ra cảnh ông chồng vẻ bán tín bán nghi khi thấy vợ mình về khoe hôm nay vừa giảng giải về huyết học cho sinh viên Đại học Điều dưỡng, rồi hôm sau tự hào về vợ mình và khoe với đồng nghiệp, lòng thầm thán phục người vợ của mình.
Khi có tuổi, trên mặt ta sẽ có thêm nhiều nếp hằn sâu nhưng ta vẫn muốn được sống đẹp. Nếu lúc nào ta cũng mỉm cười thì chắc chắn sẽ có ngày ta có những nếp nhăn in theo dấu nụ cười. Mỗi một độ già thêm, nội tâm sẽ thể hiện rõ hơn trên khuôn mặt. Hãy để những nét nhăn nụ cười tăng lên và làm tràn trề “khí”. Chính thứ “khí” này làm cho con người khỏe mạnh, là nguồn mạch của sự sôi nổi.