1.
CON NGƯỜI VỐN YẾU ĐUỐI NÊN HÃY NƯƠNG NHAU MÀ SỐNG
Bất hạnh của người bệnh không phải bởi mắc bệnh ung thư mà bởi không tỏ bày được nỗi lo
Trước khi viết những dòng này, tôi vừa thăm một phòng bệnh trong khu chăm sóc cuối đời. Chỉ trong vòng 30 phút nhưng nét mặt căng thẳng của người bệnh đã dần dần giãn ra. Các bác sĩ và y sinh thực tập có mặt ở đó có lẽ cũng thoáng giật mình khi nhận ra thay đổi ấy.
Với bệnh nhân 75 tuổi này, tôi cũng chỉ làm như mọi lần là ngồi xuống bên cạnh giường cho vừa với tầm nhìn của bà, nắm tay và lắng nghe bà tâm sự.
Chỉ có thế nhưng trong chốc lát bà từ chỗ hít thở khó khăn vì ung thư phổi nặng đã có thể trao đổi thoải mái với tôi và trong suốt thời gian đó hơi thở không hề có vẻ khó nhọc, thậm chí còn hơi mỉm cười, vì cuối cùng thì bà cũng đã có người nghe mình trải lòng. Khi tôi hỏi: “Bà thấy điều gì khó chịu nhất?”, thì bà đáp: “Đó chính là khi trong lòng có nhiều lo lắng, bất an, muốn có người chia sẻ mà tôi lại không thể nói được với ai, không có người nào lắng nghe tôi nên tôi đành phải chịu đựng một mình”.
Bà vừa được chuyển đến khu chăm sóc cuối đời của bệnh viện quốc tế Sei Luca hôm trước, nhưng thực ra nửa năm trước đã được một bệnh viện khác chẩn đoán mắc ung thư phổi, mà bà không hề biết ung thư là căn bệnh như thế nào. Bà e ngại cả việc yêu cầu bác sĩ giải thích, chỉ biết rằng có lẽ mình không còn sống được bao lâu nữa. Có lẽ chỉ bác sĩ của bà hiểu thông báo bệnh tình ở mức nghiêm trọng, nhưng rõ ràng là giữa hai bên không có sự giao tiếp chi tiết. Căn bệnh của bà đã ở mức không còn phương pháp nào có thể cứu chữa. Căn cứ vào bệnh trạng thì có lẽ cũng chỉ sống thêm chừng một tháng nữa. Tuy vậy, tôi cho rằng vai trò của bác sĩ và điều dưỡng không chấm dứt ở đây, mà chính từ thời điểm này trở đi mới thực sự là lúc cần đến tố chất của người làm công tác y tế, bởi vì đối tượng của y tế không phải là “bệnh” mà là “con người”.
Xuất phát điểm của điều trị là xoa dịu bằng đôi tay ấm áp
Điều trị xuất phát từ việc thăm hỏi người bệnh, nhưng không phải hễ thấy người bệnh có vẻ đau đớn thì lại hỏi: “Đau ở xương bả vai hay đau ở xương đòn?”, thay vào đó nên hỏi: “Có phải đang đau ở chỗ này không? Hay là chỗ này? À, chỗ này, đúng không?”. Vừa hỏi vừa dùng tay chạm nhẹ nhàng lên người bệnh. Từ lòng bàn tay, bác sĩ có thể “nghe” được cơ thể người bệnh “cất tiếng”, tư thế khi tiếp xúc và ánh mắt có thể chuyển tải ý nghĩ. Không chỉ dựa vào ngôn từ mà phải sử dụng hết tất cả các giác quan. Tôi nghĩ đây là sự giao tiếp cần có trong điều trị chứ không chỉ đơn thuần là trao đổi thông tin. Bác sĩ phải làm sao có được đôi tay như đôi tay kỳ diệu của người mẹ. Chúng ta chắc còn nhớ những kỷ niệm thời thơ ấu khi bị sốt, chỉ cần mẹ đặt tay lên trán là cảm thấy cơn sốt như giảm đi, chỉ cần đôi tay mẹ chạm vào xoa nhẹ là cơn đau quặn bụng như dịu đi mấy phần. Xuất phát của điều trị chính là “xoa dịu bằng đôi tay”. Năng lực giao tiếp cũng phải cảm thụ từ điểm này.
Bác sĩ William Osler mà tôi luôn ngưỡng mộ đã nói: “Y học là một nghệ thuật đặt trên nền tảng khoa học”*. “Science” được dịch là “khoa học”; “art” là “tài khéo”, nghĩa là ta phải tiếp xúc, phải tiếp cận với từng người bệnh như thế nào cho khéo léo. Khoa học đánh giá bệnh tật bằng cái nhìn tỉnh táo, khách quan; nhưng nghệ thuật, hay tài khéo, ở đây là chạm vào tâm hồn người bệnh bằng sự cảm nhận vi tế. Y khoa có thể đã hết cách khả thi nhưng nghệ thuật vẫn còn có thể thi triển cho đến phút cuối của người bệnh. Điều trị vốn dĩ phải gồm đủ cả hai mặt vừa nêu, nhưng ngày nay không thể phủ nhận việc điều trị đang rơi vào tình trạng dựa hết vào kỹ thuật. Làm thế nào để tiếp xúc với từng người bệnh, làm sao có thể nghe được tâm tư hiện tại của người ấy từ quan điểm sống, trải nghiệm của họ trong quá khứ và trân trọng điều đó? Nhiều năm qua, tôi luôn nhấn mạnh rằng các bác sĩ và điều dưỡng lâm sàng không thể thiếu được khả năng giao tiếp có thể chạm đến tâm hồn người bệnh.
* Nguyên văn: “The practice of medicine is an art, based on science”.
Những trải nghiệm buồn làm người ta trở nên dịu dàng
Giao tiếp chạm đến tâm hồn không phải hễ nói là làm được ngay. Đó không phải là những kỹ thuật khớp nhịp bằng hình thức. Đầu thế kỷ XX, Florence Nightingale (1820 – 1910) đã nói với các học viên điều dưỡng về tầm quan trọng của sự cảm nhận tinh tế bởi bà biết sự có mặt hoặc thiếu vắng tinh tế ảnh hưởng rất lớn đến khả năng giao tiếp. Bà nói: “Kể cả khi bạn chưa có con nhỏ thì bạn vẫn phải làm thế nào để đồng cảm được với nỗi đau mất con như thể mình vừa mất chính đứa con của mình. Nếu bạn không có được sự cảm nhận tinh tế như thế, bạn nên bỏ nghề điều dưỡng”. Quả là lời nhắc nhở hết sức nghiêm khắc. Dường như bà cho rằng cảm nhận tinh tế là tố chất di truyền, không thể rèn tập mà có, nhưng tôi tin rằng tố chất con người có thể nuôi dưỡng được trong môi trường thích hợp. Có người kém tinh tế so với người khác nhưng không ai là không có sự tinh tế ở một mức độ nào đó, nên nếu biết chăm chút sẽ trở nên nhạy bén.
Đáng buồn ở chỗ không có thời đại nào lại khó nuôi dưỡng sự tinh tế như thời nay. Khi con người quen với sự xa xỉ và tiện lợi thì sự tinh tế ngày càng mờ nhạt. Nỗi đau của người khác cứ mãi là nỗi đau của người khác. Nếu có cảm thương một chút nào đó thì rồi người ta cũng quên ngay sau đó. Không hiểu người ta đã để quên sự biết ơn đối với cuộc sống ở nơi nào.
Nói cho cùng thì cách hữu hiệu nhất để giáo dục sự tinh tế chính là bản thân hãy nếm trải những trải nghiệm rơi nước mắt. Sẽ không có được sự tinh tế nếu chỉ dựa vào thực tại ảo.
Sự tinh tế sẽ tỷ lệ thuận với kinh nghiệm sống. Nếu ta không có những trải nghiệm như bệnh nặng hay chứng kiến cái chết của những người thân gần gũi nhất thì ít ra cũng phải nỗ lực tiếp xúc với nhiều người khác; nghe, nhìn, học hỏi từ những kinh nghiệm của người khác ở cự ly gần với sự hình dung mạnh mẽ nhất để có thể thâm nhập vào sâu trong tâm tưởng của người đó.
Chúng ta nên đưa trẻ nhỏ đi thăm viếng người bệnh hoặc dự lễ truy điệu, lễ tang. Những trải nghiệm này sẽ giúp trẻ hình thành sự tinh tế trong tâm hồn. Qua những trải nghiệm ấy, trẻ sẽ dần dần học biết được nên làm gì nói gì, nhìn bằng ánh mắt ra sao và vào thời điểm nào thì chạm được đến tâm hồn người khác.
Kỹ năng giao tiếp là món quà được trao ban cho con người
Năm lên 10, tôi bị viêm thận nên không được phép ra ngoài chơi và nhờ đó có cơ hội tiếp xúc với đàn dương cầm. Kể từ đó, âm nhạc mang đến cho tôi niềm an ủi và năng lượng sống. Với ước mong chia sẻ năng lượng tích cực của âm nhạc đến với người bệnh, trong suốt 15 năm qua, tôi đã tiến hành trị liệu bằng âm nhạc, tránh bớt việc dùng thuốc. Tôi đã từng kinh ngạc khi thấy hiệu quả to lớn và êm ái của phương pháp trị liệu này đối với trẻ tự kỷ, các bệnh nhân rối loạn thần kinh nặng và những người cận kề cái chết. Như những giai điệu tuyệt vời trong thoáng chốc làm tươi mới những tâm hồn khô cằn, chúng ta cũng sẽ học tập được rất nhiều từ sự chuyển hóa rất tự nhiên đó trong lúc giao lưu tình cảm với người khác.
Nếu ta ở một mình mà vẫn không thấy cô độc, dù nghèo nhưng vẫn không thấy buồn lo, dù phải đối mặt với cái chết nhưng tâm hồn vẫn an lạc thì chính khi ấy trong lòng ta, ở một góc nào đó, có sự xác tín về sự tâm giao với con người, hoặc ta biết những khoảnh khắc tim ta vui vì dao động cùng nhịp thở với vạn vật trên thế giới này. Đây chính là kỹ năng giao tiếp chỉ loài người mới có, và điều này quả thật là gạch nối với trái tim đang sống của người bệnh.
2.
CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI SẼ KHÔNG THỂ TRƯỞNG THÀNH NẾU CHỈ TỤ HỌP BẦY ĐÀN
Sự khác biệt trong cách giáo dục trẻ em ở Nhật và Mỹ
Mùa thu năm trước, tôi đến diễn thuyết ở Boston và trọ lại ở nhà hai gia đình người Mỹ, vì thế tôi được dịp chứng kiến cách họ giáo dục con cái.
Ở gia đình đầu tiên, trong suốt thời gian dùng bữa tối, hai đứa trẻ trong nhà ấy luôn ngồi ở phía sau, đóng vai trò phục vụ. Không đợi tôi lên tiếng nhờ, hũ muối tôi cần sẽ được đưa ngay đến rất đúng lúc, nhanh và khớp vị trí. Quả thật là sự phục vụ tận tình, chu đáo. Nhờ có hai đứa trẻ phục vụ, hai vợ chồng chủ nhà không cần phải rời khỏi bàn để làm bất cứ việc gì, thoải mái ngồi ở vị trí chủ nhà, dùng bữa và nói chuyện rất vui vẻ. Hai đứa trẻ trong nhà mỗi lần có khách đến lại đóng vai trò phục vụ. Thông qua đó, các cháu học được phong cách tiếp khách, phép lịch sự, trực tiếp tai nghe mắt thấy cách nói chuyện sao cho duyên dáng, không thất lễ với khách.
Gia đình thứ hai, có một cậu con trai vừa học xong bốn năm đại cương, chuẩn bị vào khoa Y. Tôi đã rất thán phục khi nghe nói cậu sẽ vay tiền để trang trải học phí. Ở Mỹ, thông thường các sinh viên vào trường Y, trường Luật và trường Thần học, tương đương với chương trình cao học ở Nhật, sẽ tự trang trải học phí. Nghe vậy, tôi đã rất ngạc nhiên. Tôi có người bạn ở Nhật mua xe ô tô thưởng cho hai cậu con trai khi chúng đỗ vào Y khoa! Riêng với cậu con trai đỗ vào trường công lập, học phí rẻ hơn trường tư thì cha mẹ còn bảo: “Học phí trường con rẻ hơn nên nếu con muốn thì có thể mua xe nhập từ nước ngoài cũng được!”. Triết gia Pháp Jean - Jacques Rousseau (1712 – 1778) từng nói: “Muốn trẻ mau hư hỏng thì cứ việc cho chúng tất cả những thứ chúng muốn!”. Và theo đó thì ta có thể đoán được tương lai của trẻ em Nhật Bản.
Hàng ngày, trẻ đi học thêm lớp tối, về đến nhà chỉ kịp nói một vài câu vô thưởng vô phạt. Người lớn trong nhà cứ nơm nớp lo làm sao để trẻ không phật ý! Chính thái độ thiếu tự tin đó của người lớn làm cho thái độ không coi ai ra gì của trẻ con trở nên tệ hơn. Để giáo dục trẻ trở thành những người thực sự trưởng thành thì đôi khi chúng ta cần dấn thân, không để trẻ vùng vằng nói không nói có, nhưng tôi không hiểu cha mẹ Nhật Bản ngày nay suy nghĩ gì khi dạy con nữa.
“Có người này, người kia” chính là sức mạnh của xã hội
Người lớn túm tụm với người lớn. Trẻ con xúm xít với trẻ con. Người già tập hợp với người già. Có người thấy ngay cả nhóm họp với người cùng trang lứa cũng mệt mỏi nên phần lớn thời gian chỉ ở một mình. Đây là tình trạng phổ biến hiện nay ở Nhật Bản.
Người ta chia ra thành nhiều nhóm theo tuổi tác, giới tính, vai trò xã hội một cách rõ rệt và không có sự giao lưu với nhau, không có sự tiếp xúc khác tầng lớp, không quan tâm. Ai nấy chỉ lo giữ lấy sự thoải mái cho riêng mình. Thái độ thấy rõ rệt là “không muốn phiền toái”, “mong đừng có sóng gió”.
Tuy nhiên, năng lượng giúp cho xã hội trưởng thành lại chính là ở chỗ trong xã hội có người già người trẻ, có nam có nữ đan xen với nhau. Chính là ở chỗ có nhiều tính chất khác nhau cùng tồn tại mà văn hóa loài người mới chín muồi và được kế thừa. Nếu con người chỉ tụ tập mang tính bầy đàn thì không bao giờ xã hội có thể phát triển được và không bao giờ có đủ năng lượng để khai mở tương lai.
Nhảy vào lĩnh vực người trẻ quan tâm
Tôi không muốn nghe trẻ con nói: “Ôi, có nói cho lắm thì mấy ông bà già cũng chẳng hiểu. Nói lắm chỉ phí thời gian thôi”. Tôi muốn làm gì đó để xóa mờ khoảng cách thế hệ.
Vậy nếu chúng ta thử nhảy vào tìm hiểu lĩnh vực mà trẻ nhỏ và thanh thiếu niên đang yêu thích thì sao nhỉ? Người lớn có thể phá bỏ vách ngăn, thẳng thắn hơn không? Việc nhìn người trẻ bằng ánh mắt lạnh lùng, ra vẻ giữ thể diện người lớn thật là nông cạn. 2.500 năm trước, Platon đã từng nói với người già rằng: “Hãy đi đến những nơi người trẻ hoạt động, nhảy múa và vui chơi; hãy tìm niềm vui bằng việc ngắm nhìn những người trẻ với cơ thể đẹp đẽ và dẻo dai của họ, thứ mà các người không còn nữa; hãy nhớ lại mình đã đẹp và đáng yêu nhường nào lúc còn thanh xuân!”. Và ông tiếp lời: “Hãy tán thưởng những người trẻ nào mang lại nhiều niềm vui đến với nhiều người già nhất qua những hoạt động ấy”.
Việc người già so sánh về nét đẹp hình thể đã mất đi hoặc buồn vì không còn nhiệt huyết như người trẻ thì không mang lại lợi ích gì. Việc cố tình ngoảnh mặt làm ngơ cũng chẳng tự nhiên. Với việc khen ngợi người trẻ một cách chân thành, người già có thể làm hồi sinh tâm hồn mình như những ngày còn trẻ. Đó chính là bí quyết để trẻ mãi.
Ngay lúc viết những dòng này, tôi vẫn đang phân tâm vì trận bóng đá truyền hình trực tiếp, nhập tâm đến mức chân cũng đá gió, làm theo động tác đánh đầu cùng những cầu thủ đang nỗ lực ghi bàn. Thế rồi ngày mai tôi cũng sẽ rất vui khi bàn về kết quả trận bóng hôm nay với các bạn trẻ.
Trí tuệ nếu không truyền lại sẽ mục nát
Điều cần làm là tận dụng mọi cơ hội để gặp gỡ người trẻ; và quan trọng là trong những lần gặp gỡ ấy, người già nên khéo léo truyền lại, chia sẻ trí tuệ (mà nếu không có bề dày cuộc sống sẽ không tích lũy được) cho người trẻ.
Thế giới ngày nay tràn ngập thông tin, có thể thu thập được từ nhiều phía, nhưng trí tuệ thì không thể có được nếu chúng ta không trực tiếp đúc kết. Trí tuệ nằm sâu bên trong mỗi người qua kinh nghiệm sống của người đó. Tri thức có phong phú đến đâu chăng nữa thì xã hội cũng không thể phát triển chỉ với tri thức, vì nhất thiết phải có trí tuệ để sử dụng tri thức đúng đắn cho mục đích tốt. Thiền sư Suzuki Daisetsu (1870 – 1966) sống nhiều năm ở Mỹ và tôi là bác sĩ chăm sóc chính cho ông trong sáu năm cuối đời từ thời điểm ông 90 tuổi đến lúc lâm chung. Thiền sư trở về Nhật Bản từ những năm giữa độ tuổi 80, cùng về có cô thư ký tên là Okamura Mieko ở độ tuổi ngoài 20, người Nhật thế hệ thứ hai sinh trưởng ở Mỹ. Một ngày nọ, thiền sư nói với cô rằng: “ Này cháu, cháu phải sống thọ đấy nhé. Có những việc nếu không sống đến tuổi 90 thì không hiểu được đâu”.
Thật chí lý! Cứ mỗi năm thêm tuổi tôi lại càng thêm thấm thía, đồng ý với lời nói ấy, nhưng cô Okamura với độ tuổi trẻ trung thế kia mà cũng đã cảm nhận sâu sắc câu nói, vì cô hàng ngày nghe lời thiền sư dạy, là chứng nhân của không gian có sự hiện hữu của thiền sư, trực nhận triết lý qua cuộc sống của thiền sư. Ở chiều ngược lại, tôi nghĩ có lẽ thiền sư cũng nhận được năng lượng từ người trẻ bên cạnh. Thật tuyệt vời làm sao khi có thể nói với người trẻ về tinh thần đã được bồi đắp trong suốt cuộc đời mình!
Ai rồi cũng sẽ có lúc phải rời xa công việc nhưng không được đánh mất mối liên kết với thế hệ trẻ. Mong tất cả sẽ nói nhiều hơn nữa với những người trẻ, tích cực cùng sống, cùng vui với người trẻ. Chắc chắn chúng ta sẽ thụ hưởng được năng lượng tràn trề từ người trẻ. Tôi có thể khẳng định điều này, vì bản thân tôi luôn được khen là “trẻ trung” bởi tôi luôn tiếp xúc với nhiều người trẻ.
Tất nhiên, hẳn là có quý độc giả cũng đã nhận thấy, để có thể giao kết được với người trẻ, chúng ta cũng cần phải có sự nỗ lực thầm lặng.
Ở sân bay hoặc nhà ga, tôi có mang theo hành lý nặng cũng không những không sử dụng thang cuốn, thang trượt mà còn cố bước đi nhanh hơn. Đôi khi lên bậc thang, tôi bước hai bậc một. Tất nhiên, không được cử động quá sức và đột ngột.
Đôi khi tôi được các sinh viên Đại học Điều dưỡng mời đi câu lạc bộ disco ở khu phố Roppongi. Thú thật, tôi có thoáng lo âu khi nghĩ rằng trong trường hợp có sự cố, liệu mình có kịp thoát thân từ một nơi chật hẹp và tối như thế này không, nhưng vẫn giấu thoáng lo ấy dưới khuôn mặt tươi cười.
3.
GIA ĐÌNH KHÔNG PHẢI ĐỂ NÓI CÓ HAY KHÔNG MÀ LÀ ĐỂ CHĂM SÓC ÂN CẦN
Xã hội không thoải mái vì đánh mất hơi ấm tình người và quan hệ tiếp xúc gần gũi
Tôi không có ý nói ngày xưa tốt hơn bây giờ nhưng rõ ràng là sự thoải mái trong không gian sống và tinh thần của xã hội thiếu thốn một thời rất khác so với xã hội vật chất phong phú như ngày nay. Trong thế giới hiện tại, nếu xét từ góc độ nhanh chóng, giàu có và hiệu quả thì quả là chúng ta đã có được kết quả không thể chê được, sau những năm tháng miệt mài theo đuổi. Tuy nhiên, nếu nói đến sự thoải mái thì tôi e rằng thế giới ngày nay quá khô cứng. Chúng ta không còn cảm nhận được hơi ấm, nhịp thở của con người, không còn cảm nhận được sự cọ xát, thiếu vắng sự xúc chạm. Trước đây, khi leo núi, ta vẫn thường thấy cảnh người khỏe hơn hỏi han, chìa tay kéo hoặc đẩy phía sau lưng, giúp đỡ những người đi chậm hơn, nhưng ngày nay người ta đã có cáp treo chuyên chở. Máy móc dần dần thay thế bàn tay con người trong nhiều việc. Đúng là mọi thứ trở nên tiện lợi hơn rất nhiều nhưng đổi lại, người ta dần dần xa rời việc tiếp xúc với nhau.
Tuy nhiên, đến nay, người ta bắt đầu nhận ra rằng vật chất tuy ngày càng giàu có nhưng tâm hồn không cảm thấy mãn nguyện. Người ta thấy những chuyện đáng tiếc xảy ra ngay cạnh mình khi những đứa trẻ mới mười mấy tuổi vốn rất trầm tính đột nhiên trở nên hung hãn. Đáng buồn thay khi chúng ta phải trả những giá quá đắt để hiểu được thứ chúng ta đánh mất quan trọng đến dường nào. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội để thức tỉnh. Đây chính là lúc chúng ta đứng trước ngã rẽ để biết rằng liệu ta có học được bài học từ quá khứ hay không.
Không thể xóa lỗi lầm đã phạm trong quá khứ nhưng luôn có thể làm lại từ đầu
Tiếp xúc, giao tiếp (communication) là những từ nghe rất nhẹ nhàng, ấm áp. “Communication” vốn có nghĩa là “có những điểm chung”, “chia sẻ” trong tiếng Latin. Từ gốc ấy, người ta hình dung trong mối quan hệ có “dòng máu nóng chạy qua” – như giao tiếp tâm hồn, cảm thông, gắn kết hơn là cụm từ phái sinh khô khan vẫn thường thấy như kiểu “truyền đạt thông tin”.
Hoàn toàn có thể hiểu được tại sao người ta lại bám víu vào sự mềm mại và ấm áp do từ ngữ ấy mang lại, nhưng việc tìm lại thứ mình đã từng vứt bỏ không dễ dàng như vậy. Nếu có tìm lại được đi nữa thì câu hỏi vẫn còn phải trả lời là liệu có thể dùng lại được hay không.
Tại sao chúng ta vứt bỏ sự tiếp xúc? Một trong những lý do là tránh phiền phức. Cái gọi là phiền phức ấy có lẽ bây giờ cũng không khác. Có lẽ là ở thời đại giàu vật chất như hiện nay thì sự rối rắm trong quan hệ con người càng tăng thêm. Chúng ta cần phải chuẩn bị tinh thần cho điều đó.
Tôi cho rằng ảo tưởng cháy bỏng và sự hấp tấp trong việc mong đợi hiệu quả tức thời sẽ chỉ kéo theo những hậu quả không thể khắc phục được. Chúng ta cần phải khôn ngoan hơn sau khi lãnh thương tích. Nếu không làm được điều đó thì có nghĩa là chúng ta chưa trưởng thành.
Ở thời đại nào thì cuộc sống cũng có những khó khăn nhất định
Có lẽ khoảng 20 đến 30 năm qua chúng ta đã có những nhầm lẫn rất tai hại. Kinh tế phát triển hơn, việc áp dụng thông tin và kỹ thuật rất nhuần nhuyễn đã làm cho con người cảm thấy mình đã mạnh lên rất nhiều. Chúng ta có được những thứ mình muốn và không cần phải vắt óc suy nghĩ, chỉ cần theo đúng các sách hướng dẫn có đầy rẫy là chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Do đó, con người bắt đầu có sự ảo tưởng rất lớn rằng mình đã từng sống một mình cho tới giờ phút này và sẽ có thể tiếp tục sống một mình mà không gặp khó khăn gì.
Tuy nhiên, dù ở thời đại nào đi nữa, chúng ta không thể sống mà không có mối liên hệ giữa con người với con người. Con người vốn dĩ là một động vật yếu ớt. Khó khăn trong cuộc sống là mệnh đề không thay đổi mặc cho vật chất giàu có đến đâu. Chính vì vậy mà con người chúng ta phải kề vai sát cánh hỗ trợ nhau để cùng sinh tồn cho đến ngày nay.
Quan hệ con người rất phức tạp và chúng ta đã chung sống đến nay cùng với những va chạm, thỏa hiệp. Con người đã học cách để giao hảo với nhau qua vô số những xung đột, cọ xát và cả những kinh nghiệm được xoa dịu tâm hồn. Không có người nào bẩm sinh đã có kỹ năng giao tiếp. Nơi chúng ta thường xuyên học hỏi nhất và học hỏi sớm nhất về những quy tắc đối nhân xử thế, thỏa ước sinh hoạt trong xã hội, đạo đức chính là “gia đình”. Vậy mà hiện nay ta thấy có rất nhiều trẻ em bơ vơ, không nơi nương tựa.
Nếu không quan tâm, gia đình sẽ nguội lạnh
So với thời ba thế hệ trong gia đình cùng chung sống dưới một mái nhà thì quan hệ con người trong “gia đình hạt nhân”* rất đơn giản. Số trẻ em trong mỗi gia đình cũng giảm dần theo năm tháng. Thêm vào đó, người cha thường xuyên vắng nhà do bận bịu công tác. Không hiếm những trường hợp cả cha lẫn mẹ đều vắng nhà. Mỗi thành viên hoạt động phân tán tùy theo lịch riêng của mình. Trong những trường hợp như vậy thì khi nào, ở đâu và bằng cách nào trẻ em có thể học được về quy tắc giao tiếp với con người và kỹ năng sống? Người lớn biết về những khoảng cách hữu hình ấy nhưng vờ như không thấy, tránh né va chạm và tránh né cả việc tiếp xúc nghiêm túc với trẻ.
* Gia đình chỉ gồm bố mẹ và con.
Trong gia đình hiện nay, chỉ có thể thấy nổi lên hai đối tượng là “bản thân” và “vật lạ” – những gì không phải là “bản thân”. Giữa cha mẹ và con cái, anh chị em, vợ chồng không có những suy nghĩ chung. Người ta biện hộ cho điều đó bằng lập luận rằng chỉ cần hình thức gọi là gia đình là đã đủ, cần gì phải miễn cưỡng có những suy nghĩ chung với những người vốn khác bản thân mình về tuổi tác, quan niệm về giá trị.
“Vật lạ” không có liên quan gì đến mình, đôi khi lại là trở ngại. Rất khó chịu. Rất chướng mắt. Vì vậy, cần phải dẹp cho khuất mắt. Chính những suy nghĩ như thế đã bị đẩy đến cao trào là hành vi giết người. Người ta giết người một cách rất hờ hững như thể lấy tay đập một con muỗi bay vo ve làm họ bực mình. Những người ích kỷ xem mình là trung tâm tăng lên rất nhiều, chỉ ưu tiên cho cảm giác thoải mái của riêng mình.
Gia đình theo dạng tập hợp những “vật lạ” như vừa nêu không có gì hay ho. Cần phải tôn trọng điểm khác biệt của nhau, tìm lại những suy nghĩ chung. Tôi cho rằng nếu không thể phục hồi được sự giao tiếp trong gia đình, chúng ta không thể nào khôi phục được hơi ấm xã hội.
Không có giải pháp nhanh nào cho vấn đề vừa nêu. Chúng ta cần theo lộ trình cần mẫn mỗi ngày tích góp một ít. Với thói quen đó, chúng ta sẽ nuôi dưỡng sự tinh tế để có thể lôi cuốn được tâm hồn của “người khác” về với bản thân. Cần phải mở rộng cõi lòng để cùng vui, cùng đau, nói khác hơn là biết độ lượng với vui buồn của người khác.
Chừng nào chúng ta còn tránh né vì ngại sự phiền toái trong quan hệ với con người, chúng ta vẫn chưa thể trưởng thành. Tất nhiên, nếu tránh né, chúng ta cũng không thể trải nghiệm được sự rung động của trái tim từ sự tiếp xúc với con người. Tôi nghĩ đây là tổn thất lớn nhất với đời người vốn chỉ có một lần.
Trước hết là phải yêu bản thân
Không có hướng dẫn từng bước nào về cách giao tiếp cảm động lòng người, nhưng nếu được phép đưa ra một lời khuyên thì tôi xin được nói rằng: “Hãy yêu mến bản thân mình”. Không phải là chúng ta nuông chiều bản thân mà là phải nhìn rõ bản thân. Chúng ta phải yêu bản thân mình. Người không yêu bản thân chắc chắn không thể yêu người khác.
Hẳn mọi người đều đã chọn được cho mình tấm gương nào đó trong cuộc đời, trong xã hội và soi mình vào đấy. Với “bản thân ở bên ngoài”, khi thể hiện mình ra ngoài xã hội, người ta thường hay khoe mẽ, ưỡn ngực, vươn vai. Đến lúc con cái trưởng thành rồi, người ta mới dần dần thoát khỏi sự giả vờ nhập vai ấy. Đó chính là cơ hội tốt để hướng tia nhìn đến “bản thân bên trong”.
Chúng ta không nhìn mình trong gương nữa mà quan sát bản thân bằng chính đôi mắt của mình. Chúng ta đón nhận tất cả, kể cả những điều mình ghét nơi bản thân. Chúng ta sẽ tìm hạt giống tốt bên trong bấy lâu nay chưa nảy mầm để chăm sóc nó với sự hiền từ, yêu thương.