1.
GIÀ KHÔNG PHẢI LÀ SUY NHƯỢC MÀ LÀ CHÍN MUỒI
Hãnh diện trở thành “người già thời đại mới” ở tuổi 75
Mùa thu năm 2000, tôi khởi xướng phong trào “Người già Thời đại Mới”. Ở thời điểm đó, người ta ước tính đến năm 2020, cứ bốn người Nhật sẽ có một người trên 65 tuổi. Tỷ lệ già hóa bùng phát này chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Ở đây cần nêu rõ là phong trào “Người già Thời đại Mới” không phải là cuộc vận động nhằm mục đích kêu gọi bảo vệ quyền lợi của người cao tuổi, cũng không đòi hỏi phải chăm sóc họ chu đáo hơn trước kia. Phong trào này nhằm mục đích vận động để thực hiện những việc không phải là người già thì không phù hợp, những việc chỉ có người già mới có thể làm được, hoàn thành sứ mệnh của người già bằng chính đôi tay của họ.
Nhật Bản là một quốc gia giàu có. Người dân Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới. Nếu mọi người an phận với những điều đó rồi chây ì không làm gì cả thì tương lai Nhật Bản sẽ đi về đâu? Chỉ nghĩ đến điều đó thôi cũng đủ khiến tôi phải rùng mình. Chỉ có những người già mới có thể thay đổi quỹ đạo của con đường tương lai ấy. Chính vì vậy mà tôi muốn lôi kéo nhiều người già cũng thực hiện một cuộc vận động lớn. Điều kiện phù hợp để được gọi là “người già thời đại mới” là phải từ 75 tuổi trở lên, có sức khỏe thể chất, tinh thần tốt. Thêm vào đó, đây phải là những con người có mong muốn thông qua công việc, hoạt động tình nguyện để đóng góp năng lực bản thân cho xã hội hoặc đang tìm kiếm cơ hội để đóng góp, hoặc là người muốn tiếp tục làm việc sau tuổi hưu. Những người còn rất khỏe nhưng chỉ muốn ở nhà để con cháu, gia đình chăm sóc sẽ không là đối tượng của “người già thời đại mới”.
Xã hội hiện nay đang xem những người trên 65 tuổi là “người cao tuổi” nhưng trong mắt tôi thì những người này vẫn còn “trẻ” và đương nhiên là “khỏe”. Phải tập hợp trí tuệ cuộc sống, sức mạnh của những người đã trên 75 tuổi nhưng vẫn khỏe khoắn. Quý vị nào muốn đứng vào hàng ngũ này nhưng chưa đến độ tuổi xin mời tiếp tục giữ gìn sức khỏe đợi đến tuổi 75!
Chấp nhận vai phản diện để rạch ròi yêu ghét
Những người trên tuổi 75 hiện nay ắt hẳn ở thời 20 tuổi thì nam giới tòng quân ra trận, nữ giới ở lại hậu phương quán xuyến gia đình, cùng sống qua thời Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trước khi những trải nghiệm đó thực sự “trở thành lịch sử”, chúng ta cần phải thuật lại sự thật về cuộc chiến cho thế hệ sau. Đó chính là sứ mệnh, là nghĩa vụ mà chúng ta phải gánh vác.
Từ trước đến nay, chúng ta cũng đã nhiều lần kể lại, nhưng nếu chỉ nói về những điều đó như là những “trải nghiệm quá khứ” thì không đạt yêu cầu. Điều thực sự muốn nói sẽ không được chuyển tải đến người nghe. Câu chuyện chỉ thực sự có ý nghĩa nếu nó được kể liền mạch từ chiến tranh, thời hậu chiến khó khăn cực độ đến sự sinh tồn để có ngày hôm nay.
Không được để xảy ra chiến tranh lần nữa. Tuy nhiên, ngay trong lỗi lầm tham chiến đó, những người già chúng ta cũng nhận được nhiều bài học. Cũng chính chúng ta mới là những người thực tế cảm nhận và so sánh được khoảng cách một trời một vực giữa thời hậu chiến thiếu thốn và sự phồn thịnh ngày nay. Đó chính là trí tuệ sống.
Chỉ những người già mới có thể gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho xã hội hôm nay về việc chỉ lo chạy theo sự giàu có vật chất mà đánh mất luôn cả năng lực phân biệt cái gì hay cái gì dở. Nếu chúng ta làm ngay thì vẫn còn kịp.
Dù có bị người khác nhăn mặt chau mày, chúng ta cũng phải khôi phục những nét văn hóa đẹp của Nhật Bản, những tập quán tốt của làng quê, hoặc kiên quyết bảo vệ những điều cần phải bảo vệ. Tôi ước mong mọi người có khí thế sẵn sàng nhân rộng nét đẹp văn hóa của chúng ta ra khắp thế giới. Ví dụ như nét văn hóa trong việc con cái chăm sóc cha mẹ là điều tôi cho rằng người Nhật Bản có thể tự hào với người nước khác. Đó cũng là nét đẹp trong mối quan hệ cha mẹ - con cái so với ý hướng muốn giải quyết tất cả bằng tiền bạc của chính phủ như hiện nay. Tất nhiên những việc đó tạo ra gánh nặng không nhỏ. Khi sự gánh vác dồn hết lên một ai đó thì điều đó là một vấn đề, nhưng nếu việc con cái chăm sóc cha mẹ già là niềm vui từ cả hai phía thì tại sao gia đình lại không thể chăm sóc cha mẹ già nhỉ? Nhiều người già nhận ra điều này nhưng im lặng. Sự né tránh này không nên có.
Ít nhất cũng phải biết kiềm chế, không phát tán văn hóa lệch lạc ra bên ngoài
Nhật Bản có những nét văn hóa đáng tự hào nhưng cũng có những vấn đề như quan hệ gia đình đang gần như đổ vỡ hoàn toàn, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình rất mờ nhạt. Sự vắng bóng người cha, đôi khi là cả cha lẫn mẹ, trong bữa cơm gia đình được bào chữa bằng lý do bất khả kháng là “vì công việc” nhưng liệu như thế mãi có ổn không? Vai trò không ai ưa vì bị ghét do nói thẳng sẽ được giao cho “người già thời đại mới”. Chúng ta hãy đóng góp những bí quyết để thay đổi. Nếu không thể sửa được ngay thì ít ra chúng ta cũng ngăn không cho mang những thứ xấu, dở ra khỏi Nhật Bản. Đó là đạo đức tối thiểu cần phải có.
Có những quốc gia rầm rộ phong trào cấm thuốc lá nhưng lại xuất khẩu thuốc lá ồ ạt. Đầu này thì bảo vệ sức khỏe người trẻ ở xứ họ, đầu kia thì bóp chết tương lai của giới trẻ nước khác. Liệu Nhật Bản có thể nói rằng chúng ta không làm điều gì ích kỷ tương tự như thế không? Chúng ta không để những văn hóa lệch lạc của Nhật Bản lọt ra bên ngoài, và ngược lại cật lực ngăn chặn không để bị áp đặt những kiểu văn hóa xấu, dở. Tôi ước mong Nhật Bản có được khả năng tự tiết chế như vậy. Tôi tin rằng nếu sức mạnh vừa đề cập lan tỏa rộng khắp trên thế giới thì chiến tranh sẽ không còn có thể xảy ra.
Sức khỏe con người thời hậu chiến nghèo đói, thiếu ăn vẫn không tệ
Thời hậu chiến đói nghèo, thiếu ăn vẫn không làm sức khỏe người ta xấu đi. Thời bấy giờ đường cũng không có, muối cũng không đủ, không thuốc lá, không rượu bia nhưng chính sinh hoạt thiếu thốn đó lại là sự may mắn đối với sức khỏe. Những người trên 75 tuổi hiện nay vẫn còn khỏe mạnh bởi từng bị buộc phải ăn uống kham khổ lúc trẻ và khi xã hội giàu có hơn vẫn không chạy theo việc ăn uống quá đà. Kết quả là họ tránh được nguy cơ mắc phải những “bệnh do thói quen sinh hoạt” như cao huyết áp, đột quỵ, bệnh tim, đái tháo đường, bệnh gan, ung thư phổi,…
Sống thọ và khỏe là kết quả của sự tích lũy từ thời trẻ. Những người trẻ ăn uống thỏa thích như ngày nay khó lòng sống thọ mà vẫn khỏe như lớp người chúng tôi. Ngay cả với sự trợ giúp của y học hiện đại thì vẫn có khối người sống thọ nhưng nằm liệt giường.
Ăn ít là điều kiện cơ bản của sức khỏe. Người già thời đại mới là bằng chứng sống của điều đó và lối sống của những người già kiểu mới này có thể trở thành kiểu mẫu cho thế hệ trẻ.
Hãm đà tiện nghi và giàu có của xã hội
Người già chúng tôi biết cả những sinh hoạt thời khó khăn, khác với thế hệ trẻ ngày nay chỉ biết đến lối sống xa xỉ. Điểm mạnh của chúng tôi là biết được sự giàu có vật chất, tiện nghi, trình độ cao không luôn luôn là điều hay. Có cần phải di chuyển với tốc độ âm thanh để rút ngắn khoảng 2 đến 3 giờ bay cho mỗi chuyến từ Nhật đến New York vốn mất khoảng 12 giờ đồng hồ bằng máy bay thường hay không? Tôi e rằng có hại nhiều hơn là có lợi. Văn minh vật chất rất dễ phá hỏng tâm hồn con người. Hãm đà tiện nghi và giàu có vật chất quá mức của xã hội cũng là một việc nữa của người già thời đại mới. Đây là lúc thực hành lối sống như nhà thơ Williams Wordsworth (1770 – 1850) đã nói: “Sống giản dị, chí cao quý”.
Chúng ta hãy cho những người trẻ nhìn thấy sức mạnh của người già. Với khí thế đó, chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu những việc mới cùng với tuổi già. Có giả thuyết cho rằng con người suốt một đời chỉ dùng đến một phần ba bộ não nên ta lại càng phải vận dụng bộ não nhiều hơn nữa. Tôi nay ở tuổi 90 nhưng vẫn còn đang tiếp tục làm việc, hoàn toàn không có ý chịu kém người trẻ về năng lực sáng tạo lẫn năng lực hành động. Quý vị ở tuổi 75 vẫn còn tới 15 năm để đến được tuổi 90 như tôi.
Gần đây, người ta có vẻ e ngại, cho rằng từ “người già” nghe không hay nên thay bằng từ “người cao tuổi”, nhưng cá nhân tôi lại muốn được gọi là “người già”. Hơn thế nữa, tôi muốn được gọi là “người già thời đại mới”.
“Cụ già”, “bô lão” vốn là từ dùng để chỉ đối tượng được kính trọng. Chúng ta hãy trở thành những người già được giới trẻ ao ước noi gương. Đã đến lúc bản thân người già phải hành động để lấy lại sự kính trọng xã hội dành cho mình.
2.
TUỔI TÁC KHÔNG PHẢI ĐỂ PHÂN HƠN KÉM MÀ ĐỂ KHIÊM TỐN, TẬN HƯỞNG Ý VỊ
Lời khuyên (không giống lời khuyên của bác sĩ) cho người đang sợ bệnh ung thư
Hơn 20 năm về trước, lần ấy tôi đứng bên bờ sông Ishikari trong bão tuyết, cố tìm lời động viên một người quen: “Anh hãy thử làm điều gì đó, vẽ tranh chẳng hạn”. “Tranh với ảnh cái gì?”, anh ấy cao giọng khi nghe lời khuyên đường đột của tôi. Tôi cố thuyết phục: “Chắc anh có ấn tượng xấu vì không hợp với người thầy dạy vẽ thôi ấy mà...”. Nghe vậy, anh ra vẻ trầm ngâm như cố nhớ chuyện gì đó: “Ừ thì...”. Thành thực mà nói thì trong mắt tôi lúc ấy, cả cái dáng đứng cạnh tôi của anh cũng toát ra vẻ gì đó vụng về.
Từ hồi trẻ anh đã phát huy được tài năng kinh doanh, thời điểm diễn ra câu chuyện ấy anh ở tầm 65 tuổi, kém tôi vài tuổi. Hồi ấy, anh đang có vài dự án lớn muốn thực hiện thì bị phát hiện ung thư, điều trị đến ba lần nên không còn tâm trí bắt tay vào việc gì. Tâm lý sợ ung thư tái phát quá mạnh mẽ nên dù tôi không khuyến khích, anh cũng tự sắp xếp thời gian để đến tầm soát ung thư tại bệnh viện quốc tế Sei Luca rất nhiều lần dẫu công việc rất bận rộn.
Tôi lo mọi việc sẽ xấu hơn nữa nếu cứ để yên như thế nên đã đến thăm anh vào mùa đông ở Hokkaido vì chợt nhớ anh ấy có lần nói: “Phong cảnh sông Ishikari mùa đông rất đẹp”.
Với tư cách là bác sĩ điều trị chính, tôi có thể hứa hẹn về việc chăm sóc sức khỏe để làm nhẹ nỗi lo tái phát ung thư cho anh nhưng lại thấy thương anh nếu cứ để anh phải sống với nỗi sợ căn bệnh tái phát. Tôi muốn giúp anh lấy lại sức sống vì lúc ấy anh không những muốn từ bỏ công việc kinh doanh mà còn mất cả niềm vui trong cuộc sống thường ngày. Bản thân tôi vốn là một người rất nghiêm túc nhưng giá như lúc ấy có người khác ở cạnh nghe được chắc cũng sẽ ngạc nhiên với lời đề nghị rất lạc đề như đã kể ở trên. Vậy mà mười năm sau, anh ấy có tranh đoạt giải, mở hẳn một cuộc triển lãm cá nhân ở Ginza. Chắc có lẽ anh ấy cũng không có tâm trí để nghe lời tôi mà đi học vẽ tranh ngay sau khi nghe lời khuyên. Có thể anh cũng đã bao lần dừng tay cọ để nghiêng đầu hoài nghi: “Sao mình lại làm việc này nhỉ?”. Tuy vậy, bằng việc tự dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, anh đã mạnh mẽ hơn, đã tìm thấy cuộc sống mới của mình. Ta có thể tưởng tượng rằng cùng với mỗi bức tranh anh vẽ, nỗi lo về căn bệnh lại lùi xa thêm một ít. Hiện nay, ở tuổi ngoài 80, hàng ngày anh vẫn vừa tiếp tục công việc kinh doanh, vừa siêng năng vẽ tranh.
Tài năng luôn chờ ngày khai mở
Anh bạn kể trên được chính tài năng của bản thân mang lại cơ hội sống. Có lẽ chính anh cũng không dự đoán được mình sẽ phát hiện thấy một bản thân mới, xuất hiện vào lúc mình đã đi qua quá nửa đời người. Tôi luôn nghĩ rằng tài năng của một người là vô hạn, chỉ là đang ngủ yên trong con người đó, chờ thời gian thích hợp để khai mở. Tuy vậy, chúng ta luôn đánh giá thấp khả năng của mình, không đụng đến quá nửa sức mạnh của bản thân, không cho sức mạnh ấy được phát huy.
Người ta thường ví von rằng tài năng giống như những hạt giống không gặp được mảnh đất phù hợp nên không thể nảy mầm, không thể đơm hoa kết trái. Chất lượng của hạt giống cũng quan trọng nhưng có thứ còn cần hơn cả giống tốt – môi trường để nó phát triển.
Điều kiện kinh tế khá giả, môi trường giáo dục tốt, thân thể đau yếu hay tuổi già là những yếu tố môi trường bên ngoài chúng ta khó thay đổi; nhưng môi trường bên trong, tức là trạng thái tâm hồn thì chúng ta có thể nỗ lực để cải thiện. Nếu ta có tâm thế sẵn sàng để nắm bắt cơ hội thì ta hoàn toàn có đủ khả năng làm cho tài năng của mình phát triển nở rộ.
Cuộc sống tiếp diễn cho tới khoảnh khắc trước khi chết
Luôn có “ý thức đương nhiệm”, ý thức mình đang công tác, là điều quan trọng. Người đi làm hay người ở nhà chăm con bận bịu đến mấy rồi cũng sẽ có lúc không còn làm những việc ấy nữa, nhưng con người từ lúc sinh ra cho đến trước khi trút hơi thở cuối cùng thì vẫn luôn “đang sống”. Ý thức về việc đang sống ấy là điều tối thiểu phải có. “Đang sống” nghĩa là sống ở ngay “thời khắc hiện tại”, là đặt cược toàn bộ sự sinh tồn của bản thân. Điều này không liên quan đến sự khác biệt giới tính hay chênh lệch tuổi tác.
Trong xã hội Mỹ, tương tự như việc không phân biệt nam nữ, người ta cũng không phân biệt tuổi tác. Tất cả hồ sơ xin việc không có mục điền ngày tháng năm sinh. Giáo sư Đại học Harvard không có tuổi nghỉ hưu. Nhìn vào đó, ta phải thừa nhận rằng họ đã trưởng thành về mặt tinh thần hơn người Nhật rất nhiều.
Triết gia Martin Buber (1878 – 1965) kể lại rằng ông đã rất kinh ngạc, sửng sốt pha lẫn cảm giác sảng khoái khi đang tâm sự với một giáo sư cao tuổi thì được vị này cho biết là: “Kể từ nay tôi sẽ thay đổi toàn bộ tư duy của mình, nhìn nhận tất cả với cái nhìn mới”. Tại thời khắc đó, Martin Buber đã tiếp xúc với chân lý rằng: “Nếu già đi mà người ta vẫn không quên đi ý nghĩa thực sự của khởi đầu thì đó là sự tỏa sáng”. Tôi nghĩ rằng chừng nào chúng ta còn sống, chúng ta càng phải có ham muốn có được những niềm vui mới. Đó chính là quá trình già đi nhưng vẫn phơi phới thanh xuân.
Bao nhiêu tuổi vẫn không quên khởi đầu
Tôi không hề muốn hạ thấp mục tiêu chỉ vì lý do tuổi tác. Tài năng vô hạn tiềm ẩn trong mỗi người chúng ta hàng ngày vẫn ở đó, chờ đợi cơ hội được khơi gợi. Tôi không muốn chấm dứt đời mình sau những lần lạc lối, không nhận thấy cơ hội phát triển tài năng của chính mình. Những cơ hội ấy không chỉ toàn những điều mang lại niềm vui mà còn có cả những thử thách. Quan trọng là ta có dám quả cảm đương đầu với chúng không. Khi chấp nhận thử thách trong một lĩnh vực chưa biết, chúng ta cần cả sự dũng cảm và sự quyết đoán – như khi thực hiện cú nhảy từ trên cao xuống. Có thể khi nghĩ đến thể lực và khí lực ở thời điểm nhảy so với thời trẻ hơn, cùng một độ cao, ta có thể cảm thấy dường như nó cao hơn khiến cho ta chùn bước.
Vào những lúc như thế, ta chỉ còn biết tin vào bản thân mình. Dù ta có già, có bệnh tật, có bị người khác chỉ trích thì “tôi” phải mạnh mẽ để động viên “tôi” bước về hướng tốt đã chọn. Đấy không phải là ngoan cố mà là linh hoạt trong cuộc sống. Cũng có những việc chúng ta tin vào bản thân, chấp nhận thử thách và thất bại. Ngay cả trong trường hợp đó thì hành động dũng cảm để đặt cược vào cơ hội cũng mang ý nghĩa to lớn. Điều đó hoàn toàn không vô ích và cũng không phải là sự thụt lùi. Vết tích của việc tích cực sống sẽ trở thành quá khứ có ý nghĩa sâu sắc. Hãy nhớ “quá khứ” nhắc đến ở đây không phải là những gì đã trôi qua và biến mất mà là quá khứ còn đọng lại mãi.
Mỗi ngày đều sống hết mình, sống mạnh mẽ
Sự kết nối từng khoảnh khắc hình thành một ngày, một năm, một đời. Giả sử hôm nay ta sống y hệt như ngày hôm qua ta đã sống thì ngày hôm qua ấy cũng chỉ đến một lần, và ngày hôm nay cũng chỉ có một. Nếu mỗi một ngày đều chỉ có một như thế mà ta sợ thất bại, co cụm không làm gì cả thì đáng tiếc lắm thay.
Như chiếc tên lửa đẩy phi thuyền bay vào không gian, cứ mỗi lần tách một phần ra khỏi thân chính lại thay đổi quỹ đạo, sao chúng ta lại không thay đổi tư duy ở mỗi cột mốc cuộc đời để khởi đầu cái mới?
Cuộc đời tôi đến nay cũng đã có nhiều cột mốc. Mười năm trước, trong lần đưa ra kế hoạch tái phát triển bệnh viện quốc tế Sei Luca với số tiền nằm ngoài mọi dự đoán là 120 tỷ yên, xét cho cùng đấy cũng là một bước ngoặt. Có người cho rằng đó là một kế hoạch liều lĩnh, nhưng tôi thấy thành quả thu được rất xứng đáng.
Cũng không nhất thiết phải giới hạn lĩnh vực công việc. Thời điểm gần tuổi nghỉ hưu hoặc khi việc nuôi dưỡng con nhỏ đã ổn định là những thời điểm tốt để bước vào những thế giới chưa từng biết đến. Kể từ lúc đó, chúng ta có dư thời gian để thử sức. Có thể sau 5 năm hoặc 10 năm, tài năng của chúng ta sẽ bắt đầu nở hoa. Chúng ta hãy sống hết mình mỗi ngày với sự chờ mong rộn ràng trong tim.
3.
CÓ ĐƯỢC SỰ GẶP GỠ THÚ VỊ CHÍNH LÀ TÀI NĂNG CỦA BẠN
Người trẻ cho rằng sống lâu là phiền phức
“Các trò muốn sống đến năm bao nhiêu tuổi?” Đây là câu hỏi mười năm nay tôi đặt ra cho các bạn sinh viên mới trong buổi tựu trường ở Đại học Điều dưỡng Sei Luca. Mười năm trước, tuổi thọ trung bình của nữ giới Nhật Bản được ghi nhận ở mức trên 80 tuổi, nhưng đáng kinh ngạc là phần lớn câu trả lời lại là: “Khoảng 50 tuổi ạ”. Vẫn câu hỏi này, hàng năm chỉ có một, hai trường hợp trả lời: “Hơn 80 tuổi”, và thường thì xung quanh có tiếng cười ra vẻ châm biếm: “Ôi, thích sống đến già thế cơ à?”.
Các bạn sinh viên hẳn còn chưa đến 20 tuổi nên việc họ không hình dung được mình ra sao ở tuổi già và về cái chết là chuyện không có gì khó hiểu. Tuy nhiên, chúng ta có thể đoán được lý do họ không muốn sống thọ nằm ở chỗ những người già mà họ từng chứng kiến chẳng có tí gì hấp dẫn, thú vị. Nếu được thấy những cụ bà sống hoạt bát vui vẻ, sinh động chẳng kém gì các thiếu nữ đôi mươi thì chắc hẳn câu trả lời sẽ khác. Ước mong sao chúng ta trở thành những điển hình để các bạn trẻ phải ao ước trở thành cụ già như thế. Người già chúng ta phải sống sao để có thể truyền đạt thông điệp đến với những người trẻ rằng đời người không chỉ có giá trị lúc còn trẻ mà còn có giá trị lúc đã già và chín muồi.
Tìm kiếm và học hỏi từ mẫu hình sống lý tưởng
Đức Phật đã dạy về con đường thoát khỏi bốn cái khổ lớn nhất đời người – sinh, lão, bệnh, tử – nhưng nếu cả cuộc đời này ta phải dò dẫm đường đi với bốn sự khổ ấy vây quanh thì thật là khó khăn. Rất may là chúng ta có thể tìm thấy vô số hình mẫu sống lý tưởng đã có trong quá khứ. Những tấm gương đó đã từng sống, già và chết đi, để lại rất nhiều gợi ý cho chúng ta tham khảo.
Hình mẫu lý tưởng cũng tựa như tia sáng chiếu soi trong màn đêm mịt mù, chỉ cần lóe lên cũng đủ soi rọi cho chúng ta dễ dàng tiến bước.
Tôi luôn khuyên người trẻ từ chính kinh nghiệm của mình rằng: “Hãy tìm kiếm những hình mẫu cụ thể mà bạn muốn trở thành khi bạn ở tuổi 30, tuổi 40 và luôn trăn trở, cố gắng để bắt kịp, vượt qua được những hình mẫu đó”.
Trong hành trình dài của cuộc đời, có những lúc chúng ta đứng trước ngã rẽ, băn khoăn không biết đi hướng nào hoặc có những lúc chúng ta chậm bước vì phải mang đầy ưu tư, lo lắng. Những lúc ấy, nếu chúng ta biết rõ mục tiêu bản thân muốn đạt được thì chúng ta sẽ cảm thấy mình được khích lệ, được an ủi, được giúp sức hoặc tìm thấy được những gợi ý để giải quyết vấn đề. Thật là đáng buồn nếu ở tuổi 50 mà ta không tìm thấy hình mẫu lý tưởng nào để phấn đấu noi theo.
Hình mẫu lý tưởng của tôi là bác sĩ William Osler (1849 – 1919). Tôi “gặp” được vị thầy của đời mình ở nửa sau của tuổi 30, không lâu sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Lúc này, vị thầy của tôi đã qua đời từ lâu nên “gặp” ở đây là cảm giác rung động khi đọc được một cuốn sách tập hợp các bài giảng của ông. Từ đó đến nay, vị thầy này luôn ở trong tim tôi và tôi vẫn thường tự hỏi: “Nếu là bác sĩ Osler, không biết ông còn cố gắng gấp bao nhiêu lần mình nữa nhỉ?”. Bác sĩ William Osler là một người đọc nhiều sách và cuốn sách ông chọn gối đầu giường là cuốn Religio Medici của nhà thần học người Anh Sir Thomas Browne (1605 – 1682). Do ảnh hưởng từ bác sĩ William Osler, tôi cũng đã tìm đọc cuốn vừa kể và từ đó tiếp xúc sâu hơn với tác phẩm của Platon (427 – 347 TCN) và Aristotle (384 – 322 TCN), là những triết gia có tầm ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của Sir Thomas Browne.
Bác sĩ Osler đã “dẫn” tôi đến với Sir Thomas Browne và ông này lại “chỉ” cho tôi tìm được Platon và Aristotle. Từ hình mẫu này đến hình mẫu khác, tôi như được đưa đi để gặp gỡ các vị. Ở bất kỳ thời nào thì con người cũng có thể học hỏi được từ nhau. Chính vì thế, tôi luôn tự nhắc nhở mình không được thỏa mãn với việc lặp lại đúng những bước đi của tiền nhân. Tôi luôn muốn vươn tầm nhìn đến những góc mới mẻ hơn những gì hình mẫu của tôi đã nhìn thấy, muốn mình phải diễn tả được những gì chỉ có tài năng và năng lực của riêng bản thân mới có thể, tìm kiếm những hình mẫu, tiến xa hơn một vài bước vào thế giới mới, đạt nhiều hơn gấp một vài lần những gì hình mẫu quá khứ đã làm được.
Không sợ hãi, thích thú chờ những cuộc gặp gỡ tình cờ
Mẫu hình lý tưởng sẽ không tự hiện ra nếu chúng ta ở yên một chỗ chờ đợi. Tự thân chúng ta phải tìm kiếm. Nếu có thể, chúng ta không nhất thiết phải giới hạn sự tìm kiếm trong khuôn khổ những người đồng cảnh ngộ, nghề nghiệp mà nên vạch lối tiến vào những thế giới khác. Ví dụ, nhà toán học tìm đến nói chuyện với nhà triết học, giao lưu với nhà văn, nghệ sĩ và trong câu chuyện trao đổi giữa đôi bên, nhà toán học có thể đột nhiên tìm thấy những gợi ý để có thể ứng dụng vào nghiên cứu của mình. Nếu chúng ta rời khỏi vị trí thường ngày của mình, có thể chúng ta sẽ thấy cảnh trí trước mắt thay đổi, những bế tắc được khai thông, tiến nhanh hơn về phía trước. Nếu chúng ta sẵn sàng, vui vẻ đón nhận sự tình cờ thì có thể những sáng kiến sẽ đến như vận may. Điều này quả thực là trải nghiệm của chính tôi trong nhiều năm.
Cái tài trong sự phát hiện tình cờ như thế trong tiếng Anh gọi là “serendipity”, bắt nguồn từ một câu chuyện kể về ba chàng hoàng tử xứ Serendip (nay thuộc Sri Lanka) luôn tìm kiếm một cái gì đó và tình cờ phát hiện một thứ thú vị khác với thứ mình đang tìm. Từ “serendipity” này khá phổ biến ở châu Âu. Qua đó, chúng ta cũng có thể thấy được rằng người châu Âu đã hiểu rất rõ về bản chất của phát hiện mới nằm ở chỗ chân lý thường được tìm thấy một cách tình cờ. Nghĩa là thay vì ôm đầu vắt óc suy nghĩ ở bàn làm việc, tốt hơn chúng ta nên thư giãn, thoải mái.
Chiêm nghiệm một chút chúng ta cũng sẽ thấy cuộc sống hàng ngày đầy ắp những bất ngờ. Để có thể bắt lấy một thoáng tình cờ và biến nó thành cuộc gặp gỡ thay đổi cuộc đời thì chúng ta phải làm cho cảm biến của con tim trở nên nhạy bén, luôn thư thả đón nhận những cuộc gặp gỡ mới.
Nếu chúng ta chuyên tâm tìm kiếm mẫu hình lý tưởng cho cuộc sống của mình bất kể ở độ tuổi nào thì mỗi ngày trong cuộc sống chúng ta đều có độ căng. Với tâm thế ấy, bạn sẽ làm rung động một người nào đó và họ sẽ xem bạn là mẫu hình lý tưởng của đời họ. Tôi không muốn bị nghe những người trẻ nói rằng họ chỉ cần sống đến 50 tuổi là đủ.