1.
HAM MUỐN KHÔNG NGỪNG KHIẾN HẠNH PHÚC TRÔI XA
Quá nhạy cảm với bất hạnh, quá lãnh cảm với hạnh phúc
Mỗi ngày đi thăm khám bệnh nhân, tôi lại càng nhận thấy rằng không có ai là không có vấn đề trong cuộc sống. Ngay cả những người có gia đình, địa vị và tài sản khiến người khác phải ganh tỵ, được xem là thành công trong cuộc sống, cũng có những phiền não, đau khổ không thể lường biết được.
Nhiều người gặp tôi từ ngày ngã bệnh đã tâm sự hết mọi chuyện riêng tư của mình mà không hề giấu giếm. Những câu chuyện được kể với lời mào đầu: “Chuyện này không thể kể với bất kỳ người nào khác ngoài bác sĩ” khiến cho tôi có ảo giác như thể mình vừa đi vào tận phòng khách nhà họ nhưng không qua cửa chính mà từ một cửa ngách nào đó và tôi lắng nghe tất cả với lòng biết ơn về những chia sẻ ấy như một đặc quyền của bác sĩ. Nhờ trải nghiệm qua những câu chuyện như thế nên tính đến thời điểm này tôi có cảm giác như mình đã sống hơn vài trăm năm dù thực tế đang ở tuổi 90. Hầu hết những người bệnh ấy đều kết thúc bằng một câu rằng: “Trên đời này chắc chẳng có ai bất hạnh hơn tôi đâu, bác sĩ ạ”. Đến đoạn đó, tôi sẽ vận dụng hết “vài trăm năm” trải nghiệm cuộc đời của mình để nói: “Này bạn, nỗi khổ của bạn chỉ mới bằng một phần mười của cái gọi là khổ đau cùng cực mà thôi” dẫu cho câu chuyện vừa nghe thực sự đau lòng nhất trong số những câu chuyện tôi đã biết.
Con người có xu hướng vị kỷ, luôn cho rằng phần của mình hơn phần của người khác, nhưng lời tôi nói sẽ là lời gợi ý để họ thay đổi cảm nhận dù vẫn đang ở trong vòng xoáy của lo buồn. Chúng ta thường có khuynh hướng quá nhạy cảm với những bất hạnh của mình. Cùng là một chiếc gai nhỏ đâm vào ngón tay nhưng nếu đó là ngón tay của mình thì ta sẽ thấy sự đau nhức gấp mười lần, gấp hai mươi lần của người khác. Cảm nhận được sự bất hạnh thì rất dễ.
Vậy nếu không có bất hạnh thì liệu ta có hạnh phúc không? Chắc chắn là không thể khẳng định được. Ai ai cũng mong cầu hạnh phúc nhưng lại rất ù lì trong việc cảm nhận hạnh phúc.
Hạnh phúc không phải là mục đích mà là kết quả
Vậy hạnh phúc là gì? Tôi còn nhớ một câu trong cuốn Fur schlaflose Nachte của triết gia người Thụy Sĩ Carl Hilty (1833 – 1909) mà tôi đã đọc hồi cấp ba: “Hạnh phúc đời người không nằm ở chỗ ít gặp hay hoàn toàn không gặp khó khăn, mà nằm ở chỗ đạt được thắng lợi huy hoàng sau khi đã chiến đấu với mọi khó khăn”. Câu nói này đã khích lệ, hỗ trợ tôi không biết bao lần thời còn trẻ. Tôi luôn cảm thấy những lời đó là dành cho chính bản thân mình. Tuy nhiên, cùng với năm tháng, giờ đây tôi đã gặp được những lời hợp hơn với mình. Đó là lời của bác sĩ tâm thần người Áo gốc Do Thái Viktor Frankl (1905 – 1997) trong tác phẩm Man’s Search for Meaning* kể về quá trình bị giam trong trại tập trung Auschwitz. Ông nhẹ nhàng hơn Carl Hilty khi viết: “Hạnh phúc không phải là mục tiêu, không được đặt hạnh phúc là mục tiêu và cũng không thể để hạnh phúc là mục tiêu. Hạnh phúc chẳng qua chỉ là kết quả”. Viktor Frankl cho rằng hạnh phúc không phải là thứ có thể cầu mà có được, chẳng qua đó là kết quả được trao cho. Lối sống và thói quen có thể hình thành nhờ ý chí, nhưng hạnh phúc thì không như thế. Hạnh phúc là một trạng thái của tâm hồn. Tôi có cảm giác là trạng thái ấy cũng không phải là những khoảnh khắc khoái lạc hay cảm giác sung sướng trong quan hệ yêu đương nam nữ mà bản chất của nó chính là sự bình an lâu bền hơn trong tâm hồn con người.
Thời học lớp 5, tôi được giao diễn vai Tyltyl trong vở Con chim xanh** và đến bây giờ vẫn còn nhớ được chút ít lời thoại. Thời đó, tôi đã cố để hiểu chủ đề của vở kịch qua câu thoại “Hạnh phúc không nằm ở bên ngoài mà nằm trong tâm hồn”, và giờ đây tôi càng thêm thấm thía sâu sắc.
* Tác phẩm đã được First News - Trí Việt xuất bản với nhan đề Đi tìm lẽ sống.
** L’Oiseau bleu của Maurice Maeterlinck.
Con người vốn có thể chịu đựng được mọi bất hạnh
Bình an trong tâm hồn thường bị uy hiếp bởi những tai họa không lường trước được mà người ta gọi đó là xui xẻo, là bất hạnh; nhưng thật sự bất hạnh không phải là những tai họa vừa ập đến đó, mà bất hạnh chỉ bắt đầu khi tai họa xảy ra và người ta mất hết mọi hy vọng.
Bác sĩ Viktor Frankl, người mất cả vợ con trong trại tập trung của phát xít Đức, sau khi sống sót qua thời gian đau khổ cực độ “tưởng chừng chết luôn có lẽ sẽ tốt hơn” ấy, đã nói: “Việc bị đưa vào trại tập trung là điều bất hạnh, nhưng dù vậy tôi vẫn còn may mắn (sống sót)”.
Tôi nghĩ rằng con người có khả năng chịu đựng được bất kỳ bất hạnh nào, trong nghịch cảnh vẫn có thể cảm nhận được hạnh phúc. Tất cả đều nhờ vào hy vọng. Hy vọng là tin vào tương lai tươi sáng hơn sẽ đến. Chuyện cũng giống như sự tĩnh lặng trong lòng một người luôn tin rằng dù bây giờ cơn dông tố đang hoành hành, nhưng khi nó qua đi thì sau lớp mây đen dày che phủ kia là bầu trời xanh. Không phải là bỏ cuộc mà là ẩn nhẫn đợi chờ. Hy vọng như thế dù nhỏ đến đâu cũng hoàn toàn đủ sức soi sáng tâm hồn con người.
Chính những người cận kề cái chết là những người cần có hy vọng sống
Vì thế, tôi luôn tận tâm tận lực với việc săn sóc những người bệnh cuối đời, những người cận kề cái chết, những người đang ở vực thẳm tuyệt vọng với mong muốn có thể đem hy vọng đến với họ.
Tám năm trước, thi thoảng tôi thường viếng thăm nhà chăm sóc cuối đời được xây dựng ở thành phố Hirazuka, tỉnh Kanagawa. Ở đó, bốn mùa thay đổi nhanh hơn tất cả những nơi khác trên đất Nhật Bản. Lý do là những bức tranh phong cảnh đẹp của Kyoto được trang trí ở đó luôn thay đổi sớm hơn mùa thực tế. Bên ngoài vừa sang xuân thì trong nhà đã có tranh phong cảnh thực vật xanh um, mùa hè vừa chớm thì phong cảnh lá đỏ bao phủ núi đồi đã được mang ra bày, mùa thu vừa đến thì trong nhà có tranh cây phủ tuyết trắng, và khi đông về thì tranh hoa anh đào nở rộ đã treo kín các bức vách.
Tùy theo tiến triển của bệnh tình, có thể có người bệnh không mong là có thể nhìn thấy được lá đỏ mùa thu lần cuối cùng. Tuy nhiên, trong lòng người bệnh ấy hẳn có rất nhiều cảnh thu đã trải nghiệm. Nếu người bệnh nhìn thấy bức tranh lá đỏ mùa thu và nảy ra suy nghĩ: “Mình muốn ngắm lại cảnh thu ấy một lần nữa” thì suy nghĩ ấy có thể sẽ gắn với hy vọng giúp họ sống thêm một ngày. Con người cần phải được hỗ trợ bằng hy vọng sống cho đến khoảnh khắc cuối cùng.
Nói thêm là cũng có nhiều người rất khéo gieo hy vọng. Có một cô gái vào thăm bà mẹ ung thư nặng nằm ở bệnh viện quốc tế Sei Luca mang theo một cái túi rất to khác hẳn ngày thường. Điều dưỡng trưởng nhìn thấy bộ dạng thì đã đoán được sự tình nhưng không truy hỏi, giả vờ không để ý đến. Trong chiếc túi ấy là một chú chó. Chắc hẳn cô con gái muốn mẹ mình ít ra là có được một đêm ở cùng với chú chó cưng mà bà đã không được gặp kể từ ngày vào viện nên đã nảy ra ý tưởng ấy. Tất nhiên, nếu chú chó đột nhiên cất tiếng sủa thì mọi sự chấm dứt ở thời điểm đó, nhưng hẳn là cô con gái đã đánh liều để thực hiện. Chắc chắn cô gái đã mang lại niềm hy vọng cho người mẹ đang tuyệt vọng trước cái chết. Hẳn mẹ cô cũng sẽ vui mừng khôn xiết khi thấy con mình hết lòng như vậy.
Biết mình là con đường ngắn nhất dẫn đến hạnh phúc
Hy vọng nghĩa là không có nhiều trông mong*. Vì vậy, biết mình ở đâu trong sự trông mong mới gọi là hy vọng, và hy vọng là biết bằng lòng ở mức độ vừa phải. Cần phải khiêm tốn để thấy biết ơn với những gì đang có trên tinh thần “chỉ cần phân nửa như thế cũng đã mãn nguyện lắm rồi”. Khi ở trạng thái đó thì hy vọng dù nhỏ đến đâu đi nữa cũng đủ để mang lại hạnh phúc.
* Hy trong chữ Hán nghĩa là ít, hiếm.
Cùng mang hàm ý “trông mong” nhưng hy vọng khác biệt rất lớn với “khát vọng” – hàm ý mong muốn có được những điều vượt ngoài tầm. “Khát vọng” là ham muốn sâu đậm. Khát vọng có thể phình to không giới hạn – từ chuyện muốn cho con cái mình đậu vào trường đại học danh tiếng, vào làm ở doanh nghiệp lớn, cho đến việc trở nên giàu có. Tuy nhiên, nếu không tính đến năng lực thực tế của bản thân, con cái của mình mà cứ cố mong muốn có được những điều cao xa như thế thì rốt cuộc cũng vô ích. Đến lúc đó, thay vì nhận khuyết điểm, người ta thường đổ lỗi, oán hận người khác, nguyền rủa xã hội. Tâm hồn cứ thế rối bời, bấn loạn.
Lâm bệnh, gặp sự cố, tai nạn hoặc năng lực, tài sản không bằng người khác nhưng nếu ta biết đón nhận hiện thực đó thì xem như đã có được phân nửa hy vọng. Biết mình là bước đầu để nắm trọn hy vọng. Chúng ta không sống bằng khát vọng mà sống trong hy vọng, bởi vì ở đâu có hy vọng, ở đó có hạnh phúc.
2.
SỨC KHỎE KHÔNG PHẢI LÀ AN TÂM VỚI NHỮNG CHỈ SỐ “ĐẸP”, MÀ BẢN THÂN TA PHẢI CẢM THẤY MÌNH “KHỎE”
Chỉ số chuẩn, chỉ số bình quân chỉ cần đại khái
Ai cũng cần phải chăm sóc sức khỏe bản thân. Khám sức khỏe định kỳ cũng tốt, vì việc đó giúp chúng ta nắm được tình trạng cơ thể một cách khách quan và có thể giúp phát hiện sớm những bệnh không có biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên, không cần phải vui buồn thái quá với những chỉ số của kết quả xét nghiệm. Nói nôm na là chỉ cần đại khái.
Chúng ta thường bị vướng mắc vào những chỉ số tiêu chuẩn, chỉ số bình quân, nhưng chỉ số tiêu chuẩn chẳng qua cũng chỉ là con số “cột mốc” chứ không phải là “tối ưu” đối với từng người. Thêm vào đó, những chỉ số được gọi là “chuẩn” này cũng thay đổi theo thời gian.
Trước đây rất lâu, người có chỉ số đường huyết 100 mg/dl bị xem là có nguy cơ đái tháo đường nhưng đến thời điểm cách nay 20 năm thì chỉ số này là 110 mg/dl, và gần đây đã được nâng lên thành 126 mg/dl. Điều này có nghĩa là cho đến khi có chỉ số tiêu chuẩn mới, rất nhiều người vốn dĩ không mấy liên quan đến căn bệnh đái tháo đường cũng phải nghiêm túc xem xét đến tình trạng sức khỏe chỉ vì chỉ số tiêu chuẩn.
Định nghĩa “người cao tuổi” cũng tương tự. Cách đây 40 năm thì người 55 tuổi đã được gọi là “cao tuổi”, nhưng đến khi thấy có những bác sĩ 55 tuổi vẫn đang làm việc rất hiệu quả thì người ta cho rằng: “Không, cao tuổi phải là 60 tuổi mới phù hợp”. Đến khi thấy các bác sĩ đang công tác ở tuổi 60 thì người ta lại bảo: “Cao tuổi là trên 65 tuổi chứ”. Tôi cho rằng lấy ranh giới tuổi 70 để định nghĩa về người cao tuổi như hiện nay sẽ trở thành 75 tuổi vào thời điểm 20 năm sau.
Tiêu chuẩn không mang tính tuyệt đối. Chúng ta không nên chép miệng nhận mình đã già bằng câu nói kiểu: “Tôi đã hơn 65 tuổi, đã già rồi”. Việc trói mình vào những chỉ số tiêu chuẩn về mặt sức khỏe để rồi “phải kiểm soát cholesterol ở mức này”, “phải như thế này mới đúng” đều là những việc ngớ ngẩn.
Không để mình bị lung lạc bởi những chỉ số cũng là một bí quyết sống.
Nghịch lý là y học càng tiến bộ, càng có lắm người bệnh
Ai cũng mong mình không mắc phải bệnh tật gì, giữ mãi được thể lực như thời còn trẻ, nhưng điều mong muốn này sẽ trở nên vô vọng cùng với thời gian. Dù có quan tâm chăm sóc sức khỏe bao nhiêu đi nữa thì cơ thể cũng sẽ dần dần già đi, dễ mắc bệnh hơn trước. Già nua cũng là định mệnh của cơ thể chúng ta. Nếu nói khỏe mạnh là không có trục trặc gì trong cơ thể lẫn tâm hồn thì e rằng chỉ có những em bé sơ sinh mới đủ điều kiện để được chứng nhận là khỏe mạnh. Phải chăng nếu không khỏe mạnh thì không thể sống sôi nổi? Nếu đúng là như thế thì kể từ sau khoảnh khắc chào đời, cuộc đời chúng ta là bóng tối mịt mùng. Thêm vào đó, y học sẽ ngày càng tiến bộ, máy móc xét nghiệm sẽ ngày càng chính xác hơn, càng ngày càng có thể phát hiện khiếm khuyết hoặc bất thường nhỏ hơn trước. Như thế, tình trạng mạnh khỏe như của trẻ sơ sinh nói trên cũng khó đứng vững. Thật đáng buồn khi y học càng tiến bộ thì số người bệnh càng tăng lên.
Tuy nhiên, dù máy móc xét nghiệm có chẩn đoán chúng ta là người bệnh đi chăng nữa thì chúng ta vẫn hoàn toàn có thể sống sôi nổi. Khỏe khoắn và cảm giác khỏe mạnh bên trong là hai điều hoàn toàn khác biệt. Đây là điều mà chúng ta, kể cả bác sĩ, cần phải phân định rõ khi đề cập đến.
Người ở tuổi 90 như tôi đi khám tim mạch chắc chắn sẽ phát hiện xơ cứng động mạch. Tuy nhiên, sáng nào tôi cũng thức dậy một cách sảng khoái. Sáng nào cũng ra khỏi giường với cảm giác khỏe mạnh, tươi mới. Chỉ cần như vậy là đủ và chính điều này mới là quan trọng. Trời nóng thì tập thích nghi với nóng. Thời gian ngủ không đủ nhưng nếu thấy cần phải cố gắng, tôi vẫn sẽ vượt qua bằng khí lực của mình. Nếu cảm thấy áp lực, tôi tìm cách để giải tỏa. Tuổi tác gây cản trở cho cử động cơ thể thì tôi chú ý cử động sao cho phù hợp. Môi trường và tình trạng của ta đôi khi thay đổi. Việc tự mình thích ứng tốt với những thay đổi đó là một trong những bằng chứng cho thấy ta đang khỏe. Khỏe mạnh không phải là tình trạng không thay đổi mà là thay đổi sao cho phù hợp với từng người. Cũng như bạn vào ngày hôm qua khác với bạn vào ngày hôm nay, sức khỏe của bạn cũng sẽ thay đổi tương ứng. Đừng quên rằng việc cầm lái con tàu sức khỏe một cách thành thục ứng với sự thay đổi môi trường không phải là việc của bác sĩ mà là việc của chính bạn, bởi bạn là người biết rõ mình nhất.
Khí lực giúp ông Ogura Yuki lại cầm cọ vẽ
Từ “khỏe” trong tiếng Nhật là “genki” (nguyên khí), tức từ “ki” (khí) mà ra chứ không phải từ calorie. Bữa sáng của tôi chỉ gồm cà phê và nước ép rau quả, bữa trưa hầu hết chỉ là một hộp sữa và ít bánh quy, như thể tôi chủ yếu sống nhờ nước. Việc cho rằng không ăn thì không có sức khỏe chẳng qua do người ta tưởng như vậy, nhưng chỉ cần có độ căng nhất định thì vẫn rất khỏe. Ta có thể gom lại ăn một lần cũng được, không cần phải có khuôn thước cho mình bằng việc đề ra những quy tắc. Tiếc thay, bác sĩ thường nói này nói nọ về cái vỏ ngoài là cơ thể mà khó lòng đại khái. Bác sĩ trẻ lại có khuynh hướng bám theo sách vở, nghiêm khắc với người bệnh. Tuy nhiên, việc hạn chế người già “không được làm thế này”, “việc kia phải bỏ bớt” một cách nghiêm khắc chẳng bao lâu sau sẽ làm cho họ trở nên ỉu xìu, giảm hẳn cả chất lượng sống.
Tôi từng là bác sĩ chính chăm sóc cụ Ogura Yuki, họa sĩ lão thành qua đời ở tuổi 105, mỗi tháng ghé một lần. Vốn cụ có chỉ số đường huyết rất cao, bác sĩ thường xuyên nhắc nhở: “Phải hạ chỉ số đường huyết” nên dần dà trông cụ không còn khỏe như trước, không buồn cầm cọ vẽ. Tôi được mời đến thay và đầu tiên tôi thưa với cụ rằng: “Không cần phải tiết chế quá đâu ạ. Thỉnh thoảng mời cụ dùng ít đồ ngọt”. Sau đó, cứ mỗi lần tôi đến thăm, cụ lại mời ít bánh kẹo. Chắc chắn cụ cũng dùng nên tôi cũng xin một chiếc và cụ nhấm nháp một chiếc. Và chỉ như thế là cụ hài lòng. Chỉ số đường huyết vẫn cao nhưng cụ bắt đầu cầm cọ vẽ trở lại sau một thời gian tưởng chừng đã gác bút. Đó chính là sống với cảm giác khỏe mạnh. Tôi không nhắc nhở quá nhiều về chỉ số đường huyết của cụ. Người ta quen với câu ngạn ngữ: “Một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện”, nhưng tôi tìm hiểu và thấy rằng đó là lời cầu nguyện của thi sĩ Juvenal (50 – 130) “Xin cho tinh thần khỏe mạnh đến trú ngụ nơi thân thể tráng kiện của con”. Có thể có được cơ thể tráng kiện nhưng tinh thần khỏe mạnh thì không dễ có. Tinh thần khỏe mạnh rất khó có được. Điều cần ghi nhớ là ý nghĩa căn bản nằm ở “tinh thần kiện khang”, hay linh hồn, hơn là cơ thể.
Quá trình lão hóa làm cơ thể suy yếu, nỗi bất hạnh đến với căn bệnh vô phương chữa trị; nhưng dù như vậy chúng ta phải hướng đến lối sống “khỏe mạnh dẫu có khiếm khuyết”.