Nằm bên dải đất chữ S hiền hòa, Biển Đông ngày đêm miệt mài sóng vỗ cất tiếng hát ru quê hương Việt Nam tươi đẹp. Biển Đông có diện tích hơn 3 triệu km2, bao gồm cả vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan, xung quanh được bao bọc bởi các đảo, quần đảo và đất liền, tuy nhiên vẫn có đường thông qua các biển lân cận và các đại dương khác qua các eo biển.
Đối với Việt Nam, Biển Đông luôn được viết hoa một cách trang trọng trong các văn kiện chính thức của Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, Biển Đông đóng vai trò quan trọng về chiến lược phát triển đất nước, giàu có về tài nguyên và sự đa dạng sinh học. Biển Đông đóng vai trò là chiếc “cầu nối” cực kỳ quan trọng, là con đường giao thông trên biển nối liền nhiều đại dương, châu lục.
Bên cạnh đó, Biển Đông còn mang ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn. Từ những tiếng súng đầu tiên của thực dân Pháp ở bán đảo Sơn Trà vùng biển Đà Nẵng, đến sự kiện vịnh Bắc Bộ năm 1964, hay những đoàn tàu không số trên đường Hồ Chí Minh trên biển, Việt Nam vẫn hiên ngang trước sóng cả. Trong lịch sử quân sự, hướng biển luôn được xác định là hướng phòng thủ chiến lược. Hệ thống quần đảo và đảo trên các vùng biển nước ta cùng với dải đất liền ven biển thuận lợi cho việc xây dựng các căn cứ quân sự, điểm tựa, cụm điểm tựa, pháo đài, trạm gác tiền tiêu,... hình thành tuyến phòng thủ vững chắc, liên hoàn, nhiều tầng, nhiều lớp từ đảo xa vào đến đất liền.
Trong những năm tháng chiến tranh giữ nước, bộ đội ta đã anh dũng chiến đấu trên tất cả các mặt trận. Bên cạnh việc chiến đấu trên đất liền, vùng rừng núi (Điện Biên Phủ), vùng trời (Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không), thì ta còn đón địch và chiến đấu ngay tại chính vùng biển. Việc tiếp viện vũ khí, lương thực, quân nhu vào chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ đã góp một phần không nhỏ cho chiến thắng của quân và dân ta. Đây chính là lý do dẫn đến sự hình thành của các đoàn tàu không số, di chuyển qua tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Thành công từ những chuyến tiếp viện vũ khí, lương thực đã trực tiếp góp phần đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, xây dựng và phát triển khối chủ lực ở chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ; góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của quân dân ta ở Ấp Bắc, Đầm Dơi, Đồng Xoài...
Trên con đường vận chuyển này, nhiều trận chiến đấu đã diễn ra hết sức ác liệt, những cán bộ, chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ vận tải biển không hề nao núng hay đầu hàng trước khó khăn, vất vả. Các anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp tế cho miền Nam, góp phần tăng cường sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang giải phóng đánh bại “chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Đối mặt với kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới bấy giờ, thì yếu tố làm nên sức mạnh cho quân và dân ta chống trả quyết liệt đó chính là sự đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng.
Từ 1973 đến 1975, tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển đã dốc toàn bộ lực lượng và phương tiện, sử dụng hàng ngàn lượt chuyến tàu chuyển vũ khí và vật chất các loại vào các chiến trường miền Nam, góp phần không nhỏ vào chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tuy rằng số lượng vận chuyển bằng đường biển không thể so sánh được với vận chuyển bằng đường bộ, nhưng lại có ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng đặc biệt. Ta có thể thấy, hiệu quả vận chuyển của tuyến chi viện chiến lược biển đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên tất cả các vùng chiến lược, các địa bàn chiến lược ở miền Nam, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta. Đặc biệt, sự xuất hiện kịp thời, đồng bộ những vũ khí tương đối hiện đại, có tính năng chiến đấu cao từ đường biển đã làm thay đổi cách đánh của quân và dân ta, xoay chuyển hoàn toàn cục diện chiến tranh.
Tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển là một sáng tạo chiến lược của Đảng, thể hiện tầm vóc trí tuệ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Xin trích lại lời đánh giá của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những chiến công anh hùng và sự hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông, của các con tàu “không số”của quân và dân các bến bãi, làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta... Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao của những người đã làm nên kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi. Đất nước hòa bình, non sông thu về một mối. Tuy vậy, nhưng ta vẫn phải đề cao cảnh giác trước những mưu đồ xâm lược của các thế lực ngoại bang. Do đó, công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ được đẩy mạnh và chú trọng đặc biệt. Năm 1988, quân Trung Quốc chuẩn bị thực hiện ý đồ chiếm 3 đảo Gạc Ma, Côn Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa. Trước tình hình đó, Hải quân ta xác định: Trung Quốc sẽ còn chiếm thêm một số bãi cạn khác, trong đó, Gạc Ma giữ vị trí quan trọng. Nếu các khu vực này bị Trung Quốc chiếm giữ, đường qua lại tiếp tế của ta cho các đảo sẽ bị khống chế. Do vậy phải quyết tâm đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Ngày 14/3/1988, tàu Trung Quốc đã bắn chìm tàu HQ605 của ta trong khi ta gắng sức giữ lại Gạc Ma. Sau đó tại Len Đao, ta lại đấu tranh kiên quyết khiến Trung Quốc phải lui quân. Trong trận hải chiến ở Trường Sa lần này, mặc dù tương quan lực lượng chênh lệch, vũ khí vẫn còn hạn chế, nhưng các cán bộ, chiến sĩ hải quân của ta đã không quản ngại khó khăn, gian khổ hay cái chết cận kề để có thể bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Vị trí địa lý và tiềm năng biển Đông
Xin cho biết vài nét về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và tiềm năng của biển Đông?
Xem trưng bày tài nguyên biển Hoàng Sa - Trường Sa trong Viện Hải dương học - Ảnh: Thuận Thắng
Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ 3o đến 26o vĩ bắc và từ 100o đến 121o kinh đông. Ngoài Việt Nam, còn có tám nước khác tiếp giáp với biển Đông là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. Theo ước tính sơ bộ, biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của khoảng 300 triệu dân các nước này. Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn cả của châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ. Biển Đông còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thủy sản), khoáng sản (dầu khí), du lịch và là khu vực đang chịu sức ép lớn về bảo vệ môi trường sinh thái biển. Trong khu vực, có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản đứng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines, trong đó Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm), Thái Lan đứng thứ 10 thế giới (với khoảng 1,5 - 2 triệu tấn/năm), cả khu vực đánh bắt khoảng 7 - 8% tổng sản lượng đánh bắt cá trên toàn thế giới. Biển Đông còn được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Brunei-Saba, Sarawak, Malay, Pattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Kông, sông Hồng, cửa sông Châu Giang. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan... trong đó Indonesia là thành viên của OPEC.
Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở biển Đông là 7 tỷ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này, sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 - 20 năm tới.
Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí đã được xác định, trong đó các bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn được đánh giá có triển vọng dầu khí lớn nhất, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi. Tổng trữ lượng dự báo địa chất về dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn và trữ lượng dự báo của khí khoảng 1.000 tỷ mét khối. Các khu vực có tiềm năng dầu khí còn lại chưa khai thác là khu vực thềm lục địa ngoài cửa vịnh Bắc bộ và bờ biển miền Trung, khu vực thềm lục địa Tư Chính. Trữ lượng và sản lượng dầu khí của Việt Nam đứng vào hạng trung bình trong khu vực, tương đương Thái Lan và Malaysia. Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng, trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần.Đối với Việt Nam, biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Bờ biển nước ta vừa là cửa ngõ bang giao kinh tế vừa là tuyến phòng thủ hướng đông của đất nước. Hầu hết các ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta đều gắn kết với biển như du lịch, dầu khí, thủy sản, giao thông vận tải, công nghiệp tàu thủy... Năm 2003, tổng GDP từ kinh tế biển và vùng ven biển ước tính đạt khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 1,54 tỷ USD, bằng khoảng 32,6% GDP của cả nước (GDP của năm 2003 đạt gần 336 nghìn tỷ đồng) và khu vực ven biển nước ta nuôi sống được khoảng 25 triệu người, bằng khoảng 31% dân số cả nước.
TS. TRẦN NAM TIẾN (Trích "Hoàng Sa - Trường Sa: Hỏi và đáp", NXB Trẻ năm 2011)
(Báo Tuổi Trẻ online, số ra ngày 25/8/2012)