Cách đây 50 năm, nhằm tạo cớ leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam, Nhà Trắng và Lầu Năm góc đã dựng lên màn kịch "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" với những lập luận mập mờ và dối trá rằng: Đêm 4 tháng 8 năm 1964, các tàu phóng lôi của Hải quân Bắc Việt Nam đã vô cớ tấn công tàu khu trục của Mỹ trên vùng biển quốc tế...
Cách đây 50 năm, nhằm tạo cớ leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam, Nhà Trắng và Lầu Năm góc đã dựng lên màn kịch "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" với những lập luận mập mờ và dối trá rằng: Đêm 4 tháng 8 năm 1964, các tàu phóng lôi của Hải quân Bắc Việt Nam đã vô cớ tấn công tàu khu trục của Mỹ trên vùng biển quốc tế. Màn kịch đó đã có hiệu quả “tức thì”, giới diều hâu Mỹ xoa dịu được dư luận phản đối, trước hết là nhân dân Mỹ, tiếp đó đã đánh lừa được Quốc hội Mỹ trong việc cho phép Tổng thống được toàn quyền hành động.
Sự thật, ngày 2 tháng 8 năm 1964 đã diễn ra cuộc đụng độ khi tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ ngang nhiên vi phạm có hệ thống lãnh hải miền Bắc Việt Nam từ Đèo Ngang (Quảng Bình) ra đảo Hòn Mê (Thanh Hoá). Trước hành động xâm phạm chủ quyền của Hải quân Mỹ, Phân đội 3 tàu phóng lôi của của Tiểu đoàn 135 Hải quân Việt Nam đã được lệnh đánh đuổi tàu Ma-đốc của địch tại khu vực phía đông Hòn Mê trong lãnh hải Việt Nam. Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, phân đội trực tiếp tham gia chiến đấu của Hải quân Việt Nam đã dũng cảm, mưu trí tiếp cận bắn bị thương tàu Ma-đốc, bắn rơi 1 máy bay và bắn bị thương một chiếc khác, buộc địch phải tháo chạy ra khỏi lãnh hải miền Bắc Việt Nam. Điều này được dư luận nhiều nước, có cả dư luận Mỹ thừa nhận và kịch liệt lên án hành động xâm phạm trắng trợn đó của Hải quân Mỹ.
Giới diều hâu Mỹ hiểu rằng, nếu chỉ vin vào cái cớ mà sự dối trá đã bị phơi bày để đánh phá miền Bắc Việt Nam thì “chưa đủ sức thuyết phục” dư luận. Vì vậy, Mỹ phải dựng thêm sự kiện khác rằng: "Đêm 4 tháng 8 năm 1964, các tàu phóng lôi của Hải quân miền Bắc Việt Nam một lần nữa lại vô cớ tấn công tàu khu trục Ma-đốc và Tơ-nơ-gioi của Mỹ đang hoạt động bình thường trên vùng biển quốc tế" . Đây là sự bịa đặt trắng trợn, bởi hôm đó thời tiết rất xấu, ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ đang có giông bão, hoàn toàn không có một tàu phóng lôi hoặc tàu chiến đấu nào của miền Bắc Việt Nam hoạt động trong khu vực mà Mỹ rêu rao.
Thế nhưng, bất chấp dư luận và lẽ phải, Tổng thống Mỹ vẫn vin vào cớ đó để ngày 5 tháng 8 năm 1964 ra lệnh tiến hành Chiến dịch "Mũi tên xuyên", bất ngờ cho 64 lần chiếc máy bay đánh “trả đũa” ồ ạt vào 4 khu vực mục tiêu ven biển miền Bắc Việt Nam là Cảng Gianh (Quảng Bình), Vinh-Bến Thủy ( Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa) và Bãi Cháy (Quảng Ninh) mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn vào miền Bắc Việt Nam.
Dưới sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, do được chuẩn bị chu đáo từ trước, với tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao độ, hành động xâm lược của đế quốc Mỹ vào nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 5 tháng 8 năm 1964 đã bị quân và dân miền Bắc với nòng cốt là lực lượng phòng không của Quân chủng Phòng không-Không quân, Quân chủng Hải quân đã dũng cảm, mưu trí giáng trả kịp thời và kiên quyết bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương 3 chiếc khác, bắt sống và tiêu diệt nhiều phi công Mỹ. Thất bại đó đã làm cho Lầu năm góc và chính quyền Mỹ sửng sốt, bàng hoàng, vì trong lịch sử sử dụng không quân của Hoa kỳ, chưa có trận nào lần đầu bất ngờ ném bom đối phương lại bị bắn rơi nhiều máy bay như trận ngày 5 tháng 8 năm 1964. Thất bại bởi do Mỹ đã đánh giá nhầm sức mạnh và ý chí chiến đấu của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có bề dày truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm trong quá trình dựng nước và giữ nước. Chiến thắng oanh liệt này đã mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong cuộc đọ sức với lực lượng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ.
Sự kiện đánh đuổi tàu Ma-đốc và chiến công đánh thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt, đặc biệt là về mặt chính trị và quân sự; là một mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Chiến công đánh thắng trận đầu ngày 5 tháng 8 năm 1964 đã giáng một đòn mạnh vào ý chí leo thang chiến tranh của kẻ thù; tạo khí thế, niềm tin vào vũ khí, trình độ tổ chức, chỉ huy, vào khả năng chiến đấu của bộ đội, đồng thời khẳng định quân và dân ta hoàn toàn có khả năng đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng Không quân và Hải quân Mỹ - đội quân xâm lược nhà nghề mạnh nhất của chủ nghĩa đế quốc. Đây là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của nghệ thuật tác chiến phòng không ba thứ quân trong chống chiến tranh phá hoại miền Bắc. Chiến thắng đó đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của đồng bào và chiến sĩ miền Nam tiếp tục tiến lên giành nhiều thắng lợi quyết định.
Qua “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” và chiến công đánh thắng trận đầu, chúng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá về nghệ thuật nghiên cứu đánh giá tình hình địch, đặc biệt là phải nhận rõ nguyên nhân, nguyên cớ, âm mưu của kẻ thù để có phương thức đối phó kịp thời, hiệu quả, kiên quyết không mắc mưu địch trong mọi tình huống. Các bài học về chỉ đạo chiến lược của Đảng, Nhà nước đối với toàn dân và toàn quân ta trong việc thường xuyên cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, luôn chủ động tiến công địch. Các bài học về nghệ thuật tạo lập thế trận, xác định hướng, khu vực, mục tiêu đánh phá; nghệ thuật tổ chức, sử dụng, bố trí lực lượng; nghệ thuật về công tác chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm của lực lượng phòng không ba thứ quân đánh địch tiến công hỏa lực đường không trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Thạc sĩ PHẠM ĐỨC TRƯỜNG (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)