Đ
Robert Langdon đứng mê mẩn trước ô cửa kính, hưởng thụ sức mạnh của quang cảnh bên dưới. Sau khi được đưa lên cao tới hàng trăm thước mà không hề biết, lúc này ông đang chiêm ngưỡng một trong những khung cảnh ngoạn mục nhất mình từng thấy.
Mái vòm sáng rực của Điện Capitol nổi bật như một ngọn núi ở rìa đông Công viên Quốc gia. Hai bên tòa nhà là hai dải ánh sáng song song vươn dài về phía ông... những mặt tiền được chiếu sáng của các bảo tàng thuộc viện Smithsonian - cái nôi của nghệ thuật, lịch sử, khoa học và văn hóa.
Langdon kinh ngạc nhận ra phần lớn những gì Peter tuyên bố có thật... quả thực đều đúng. Đúng là có một cầu thang gấp khúc chạy xuống hàng trăm thước dưới một tảng đá lớn. Tảng đá lớn tạo thành đỉnh nhọn của cột trụ này nằm ngay trên đầu ông, Langdon chợt nhớ lại một chi tiết nhỏ nhặt mình đã quên mất, song dường như lại có ý nghĩa lạ lùng: Đỉnh chóp nhọn của đài tưởng niệm Washington nặng đúng ba nghìn ba trăm pound[54].
[54] 1 pound = 0,454 kilogram.
Một lần nữa, lại là số 33.
Song còn đáng kinh ngạc hơn nữa là trên đỉnh của chóp nhọn này, điểm cao nhất của cột tháp, là một đầu mút bằng nhôm được đánh bóng - một kim loại cũng quý như vàng vào thời điểm công trình được xây dựng. Đầu mút sáng bóng của đài tưởng niệm Washington cũng chỉ cao chừng ba mươi centimet, tương đương với kích thước của Kim tự tháp Tam Điểm. Và thật kỳ lạ, trên kim tự tháp nhỏ bằng nhôm này mang một dòng chữ khắc nổi tiếng - Laus Deo. Langdon đột nhiên hiểu ra. Đây chính là thông điệp thực sự dưới đáy kim tự tháp.
Bảy biểu tượng này chẳng qua là thay đổi cách viết các chữ cái!
Thứ mật mã đơn giản nhất.
Những biểu tượng này đều là chữ cái.
Thước thợ Tam Điểm - L
Ký hiệu nguyên tố vàng - AU
Chữ Sigma Hy Lạp - S
Chữ Delta Hy Lạp - D
Ký hiệu giả kim của thủy ngân - E
Biểu tượng Ouroboros - O
“Laus Deo”, Langdon thì thầm. Hai từ Latin nổi tiếng này có nghĩa là “tạ ơn Chúa”, được khắc lên chóp đài tưởng niệm Washington bằng kiểu chữ viết tay chỉ cao hai centimet rưỡi. Bày ra trước mắt song vẫn không ai nhìn thấy.
Laus Deo.
“Tạ ơn Chúa”, Peter lên tiếng sau lưng Langdon, bật hệ thống đèn chiếu sáng trong phòng. “Thông điệp cuối cùng của Kim tự tháp Tam Điểm.”
Langdon quay lại. Bạn ông đang cười hết cỡ. Langdon nhớ lại quả thực Peter đã nhắc tới cụm từ “tạ ơn Chúa” lúc trước trong thư viện Thánh thất Tam Điểm. Và mình vẫn không nhận ra.
Langdon cảm thấy lạnh người khi nhận ra Kim tự tháp Tam Điểm huyền thoại đã dẫn ông tới đây, tới cột tháp khổng lồ của nước Mỹ - biểu tượng cho tri thức huyền bí cổ xưa - vươn cao lên phía thiên đường tại ngay trung tâm quốc gia.
Langdon đi ngược chiều kim đồng hồ quanh căn phòng nhỏ, tới một khung cửa sổ ngoạn cảnh khác trong trạng thái ngỡ ngàng.
Phía bắc.
Qua ô cửa sổ hướng về phía bắc này, Langdon nhìn ngắm hình thù quen thuộc của Nhà trắng. Ông đưa mắt về phía đường chân trời, nơi phố 16 chạy thành một vệt thẳng tắp lên chính bắc, hướng tới Thánh thất Hội Tam Điểm.
Mình đang ở phía nam Heredom.
Ông tiếp tục đi quanh phòng tới ô cửa sổ tiếp theo. Nhìn về phía tây, mắt Langdon lướt theo hồ nước hình chữ nhật ở đài tưởng niệm Lincoln. Công trình này có phong cách kiến trúc Hy Lạp cổ điển, lấy cảm hứng từ đền Parthenon tại Athens - ngôi đền thờ Athena - Nữ thần của sự nghiệp anh hùng.
Annuit coeptis[55], Langdon nghĩ thầm. Chúa phù trợ cho chiến công của chúng ta.
[55] Một trong hai khẩu hiệu bằng tiếng Latin ở mặt trái của Quốc ấn Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Nghĩa đen của nó là “Ngài chấp thuận chiến công của chúng ta”.
Đi tiếp tới ô cửa sổ cuối cùng, Langdon nhìn về phía nam, ngang qua mặt nước tối sẫm của hồ Tidal sang đài tưởng niệm Jefferson sáng rực rỡ trong màn đêm. Langdon biết rõ phần mái vòm thoai thoải của tòa kiến trúc này dựa trên hình mẫu của Pantheon, ngôi nhà nguyên bản của các vị thần Roma vĩ đại trong thần thoại.
Sau khi nhìn về cả bốn hướng, Langdon nghĩ tới những bức không ảnh chụp Công viên Quốc gia - bốn “cánh tay” của nó vươn dài ra từ đài tưởng niệm Washington về phía bốn hướng chính của la bàn.
Mình đang đứng tại giao lộ của nước Mỹ.
Langdon tiếp tục vòng lại chỗ Peter đang đứng. Người bạn lâu năm của ông rất hào hứng. “Thế đấy, Robert, nó đây. Từ Còn Thiếu. Đây là nơi nó được chôn giấu. Kim tự tháp Tam Điểm đã dẫn chúng ta tới đây.”
Langdon giật mình. Ông gần như đã quên bẵng Từ Còn Thiếu.
“Robert, tôi không biết ai đáng tin hơn cậu. Và sau một tối như tối nay, tôi tin cậu xứng đáng được biết mọi chuyện. Đúng như lời hứa trong truyền thuyết, Từ Còn Thiếu quả thực được chôn giấu dưới chân một cầu thang gấp khúc.” Ông chỉ về phía miệng giếng cầu thang sâu hun hút của cột tháp.
Langdon cuối cùng cũng thấy hai chân vững vàng trở lại, song vẫn băn khoăn.
Peter lục tìm trong túi áo mình và lấy ra một vật nhỏ. “Cậu còn nhớ cái này chứ?”
Langdon cầm lấy cái hộp hình lập phương Peter gửi gắm mình trước đây đã lâu. “Có chứ... nhưng tôi e mình đã không làm tròn trách nhiệm bảo vệ nó.”
Solomon cười khùng khục. “Có thể đã tới lúc cho nó thấy ánh sáng ban ngày.”
Langdon nhìn hình lập phương bằng đá, băn khoăn tự hỏi tại sao Peter lại đưa nó cho mình.
“Cậu thấy nó giống cái gì?”, Peter hỏi.
Langdon nhìn dòng ký hiệu 1514 và nhớ lại ấn tượng đầu tiên của mình khi Katherine mở cái gói ra. “Một viên đá nền móng.”
“Chính xác”, Peter đáp. “Còn vài điều có lẽ cậu chưa biết về các tảng đá nền móng. Thứ nhất, khái niệm đặt một tảng đá nền móng xuất phát từ Kinh Cựu Ước.”
Langdon gật đầu. “Thánh thi.”
“Đúng thế. Và một tảng đá nền móng thực sự luôn được chôn dưới đất, thể hiện bước khởi đầu của công trình vươn lên từ mặt đất hướng tới ánh sáng của thiên đường.”
Langdon liếc nhìn về phía Điện Capitol, nhớ lại tảng đá nền móng của tòa nhà được chôn sâu tới mức cho tới nay, các cuộc khai quật cũng không thể tìm thấy nó.
“Và cuối cùng”, Solomon nói, “giống như cái hộp đá trên tay cậu, nhiều tảng đá nền móng khác cũng là những cái hộp rỗng nhỏ... có hốc bên trong để chứa đựng các vật báu... những vật hộ mệnh, cậu có thể gọi vậy cũng được... những biểu tượng của hy vọng về tương lai của công trình sắp xây dựng”.
Langdon cũng biết rõ truyền thống này. Thậm chí ngày nay những hội viên Tam Điểm vẫn đặt những tảng đá nền móng cất giữ các đồ vật đầy ý nghĩa bên trong: Hộp thời gian, ảnh chụp, những bản tuyên bố, thậm chí cả tro cốt các nhân vật quan trọng.
“Mục đích của tôi khi nói với cậu điều này”, Solomon vừa nói vừa đưa mắt về phía giếng cầu thang, “chắc đã rõ ràng”.
“Anh nghĩ Từ Còn Thiếu được chôn giấu trong tảng đá nền móng của đài tưởng niệm Washington?”
“Tôi không nghĩ, Robert. Tôi biết. Từ Còn Thiếu được chôn giấu trong tảng đá nền móng của công trình này vào ngày mùng Bốn tháng Bảy năm 1848, trong một nghi lễ Tam Điểm hoàn chỉnh.”
Langdon nhìn ông chằm chằm. “Các bậc tiền bối Tam Điểm của chúng ta đã chôn một từ sao?”
Peter gật đầu. “Đúng là họ đã làm thế. Họ hiểu sức mạnh thực sự của thứ họ chôn xuống.”
Suốt cả đêm, Langdon đã cố bắt tâm trí mình làm quen với những khái niệm hỗn độn, huyền hoặc... Các Bí ẩn cổ xưa, Từ Còn Thiếu, Bí mật của các Thời đại. Nhưng ông muốn thứ gì đó hữu hình. Bất chấp lời khẳng định của Peter rằng chìa khóa của mọi vấn đề cất trong một tảng đá nền móng nằm dưới chân ông một nghìn sáu trăm sáu mươi sáu mét rưỡi, Langdon vẫn thấy chuyện này thật khó chấp nhận. Con người dành cả đời nghiên cứu những điều huyền bí và vẫn không thể tiếp cận được sức mạnh được cho là ẩn giấu trong đó. Langdon chợt nhớ tới bức tranh khắcMelencolia I của Dürer. Tác phẩm này khắc họa một nhà thông thái chán chường ngồi giữa những công cụ của những nỗ lực bất thành nhằm tìm kiếm những bí mật huyền ảo của thuật giả kim.Các bí mật đều có thể được khai phá nhưng cũng sẽ không thể tìm thấy chúng ở cùng một nơi!
Langdon luôn tin rằng câu trả lời nằm rải rác trên khắp thế giới, trong hàng nghìn cuốn sách, được mã hóa trong các tác phẩm của Pythagoras, Hermes, Heraclitus, Paracelsus, và hàng trăm người khác. Câu trả lời có thể được tìm thấy trong những tập sách bụi bặm bị lãng quên từ lâu về giả kim, huyền học, pháp thuật và triết học. Câu trả lời được ẩn giấu trong thư viện cổ Alexandria, trên những tấm bảng đất nung của người Sumer, trong những ký tự tượng hình Ai Cập.
“Peter, tôi xin lỗi”, Langdon lắc đầu khẽ nói. “Thấu hiểu các Bí ẩn cổ xưa là một quá trình lâu dài, có thể mất cả đời. Tôi không thể hình dung nổi chỉ một từ duy nhất lại có thể chứa chiếc chìa khóa mở ra mọi bí mật.”
Peter đặt tay lên vai Langdon. “Robert, Từ Còn Thiếu không phải là một ‘từ’”. Ông nở một nụ cười từng trải. “Chúng ta gọi nó là ‘từ’ vì đó là cách gọi của người xưa lúc ban đầu.”