William Henry Gates III, Bill Gates, đồng sáng lập và là Chủ tịch của Tập đoàn Microsoft, một con người tài năng đặc biệt, có tầm nhìn xa trông rộng tuyệt vời; một người đã có những thành công đáng kinh ngạc trong rất nhiều lĩnh vực:
- Sự khai phá của anh trong thế giới phần mềm máy tính cá nhân đã làm thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta trên hành tinh này. Vào năm 1997, hầu như máy tính đã có mặt trong tất cả các cơ sở thương mại và nhiều gia đình. Trong tương lai, máy tính sẽ trở thành một vật dụng không thể thiếu đối với mọi người. Bill Gates “đối với phần mềm máy tính có thể so sánh với Edison đối với bóng đèn điện - vừa là nhà phát minh, vừa là nhà kinh doanh, vừa là chuyên gia tiếp thị phân phối và đích thực - không còn nghi ngờ gì nữa - là một thiên tài”.
- Gates đã phá vỡ một quan niệm định kiến, sai lầm cố hữu cho rằng những tư tưởng lớn chỉ đến từ những triết gia, từ những nhà văn hoặc từ giới hàn lâm. Rich Karlgaard của tạp chí Forbes đã giải thích “Ranh giới xưa cũ giữa ý tưởng và sản phẩm, giữa phù du và vĩnh cửu đang bị xóa nhòa”.
- Gates không chỉ là một nhà điều hành doanh nghiệp. Là biểu tượng văn hóa, anh giữ vai trò của một đấng tối cao và là linh hồn của Microsoft – công ty đã giúp anh trở thành tỷ phú ở tuổi 31 và trở thành người giàu nhất nước Mỹ khi chưa bước vào tuổi 40.
- Gates là người sống sót, thực tế là người chiến thắng, trong một ngành công nghiệp bán khai với một lịch sử phát triển ngắn ngủi, chưa nhiều truyền thống, gần như chưa tạo ra phong cách nào và rõ ràng rất ít phương thức hoạt động được thiết lập hoàn chỉnh; vì vậy còn rất nhiều thiếu sót và tòa án trên khắp thế giới là nơi thường xuyên được các phía nhờ đến để giải quyết các vụ tranh chấp.
Và thật ngẫu nhiên, Gates lại còn hơn người ở một điểm khác. Anh đã khuấy động đến cực điểm tất cả những cảm xúc xung đột luôn có trong xã hội tư bản: khao khát được thành công và thống trị đời sống kinh tế trên toàn nước Mỹ nhưng lại giận dữ, lo âu và cảm thấy bị sỉ nhục khi có ai đó đạt được điều ấy.
Muốn biết cảm xúc dữ dội của mọi người như thế nào khi nghĩ về Gates, bạn chỉ cần lên Internet và vào một vài địa chỉ Web được tạo ra với lý do duy nhất là trút giận vào anh, thậm chí một vài Website còn tổ chức cả những diễn đàn nghiêm chỉnh để tranh cãi xem liệu Gates có phải là ma quỷ trá hình hay không.
Trong Bill Gates Joke Page, có một chuyện cười về Gates như sau: “Ai là người bạn sẽ bóp cò súng để trút giận nếu bạn bị kẹt trong thang máy cùng với Timothy McVeight (người đặt bom Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở Oklahama – ND), Saddam Hussein và Bill Gates trong lúc khẩu súng của bạn chỉ còn còn hai viên đạn? Để chắc ăn, cứ nả cả hai phát vào Bill”.
Các lời công kích chống lại Gates không chỉ giới hạn trong phạm vi Internet. Mitch Kapor, người sáng lập và là lãnh đạo cũ của công ty Lotus 1-2-3, nói về Gates: ”Một người tài giỏi, mạnh mẽ, rất thành công nhưng là kẻ tàn nhẫn và bất nhân bất nghĩa. Tôi cho rằng nếu ai đó hành động bất chấp tất cả để chiến thắng, triệt tiêu mọi cơ hội cạnh tranh thì kẻ đó đang làm những việc trái với luân thường đạo lý. Và Gates là khuôn mẫu vô cùng chính xác và điển hình về điểm này”.
Tạp chí ComputerWorld viết về Gates.
...Chỉ mới vài năm trước đây, anh ta được tuyên dương như một người làm ăn năng nổ, người đã dũng cảm kiến tạo nên một ngành kinh doanh thịnh vượng từ bãi công nghệ bị các hãng lớn bỏ hoang. Còn bây giờ, anh ta bị phỉ báng là kẻ ác tâm muốn trở thành ông chủ của toàn bộ thế giới phần mềm, là kẻ tham lam lúc nào cũng chõ mũi vào khắp mọi nơi, bất kể đó là khách hàng hay đối thủ cạnh tranh.
Vậy Bill Gates thật sự là người như thế nào? Là người giàu nhất nước Mỹ với khoảng 22% vốn trong Microsoft, Gates trở thành đối tượng của sự thèm muốn và nể sợ, hoang tưởng và tâng bốc. Với những cảm xúc mãnh liệt như thế, việc đánh giá công bằng về những hành động của Gates là điều bất khả.
Gates thường được so sánh với những tiền bối lãnh đạo cuộc cách mạng công nghiệp trước kia và sự tương quan này ít nhiều có giá trị. Theo nhận xét của Nathan Myhrvold, nhà tương lai học và là nhà tư tưởng về công nghệ mới của Microsoft, những người này, bằng cách này hoặc cách khác, đã thu lợi được từ những tiến bộ trong nền công nghệ đã buộc chúng ta phải thay đổi cách sống. Myhrvold giải thích rằng chỉ trong thời gian từ 1875 đến 1900, các phát minh mới, bao gồm máy chữ, máy điện thoại, động cơ đốt trong, khóa phecmơtuya, đã nở rộ khắp nơi.
Các phương tiện thông tin đại chúng lúc đó đều hết lời ca ngợi những tên tuổi như Thomas Edison, Alexander Graham Bell, Andrew Carnegie, John D.Rockefeller, xem họ là một thành phần “quý tộc” mới, những người lắm tiền nhiều bạc và giàu sức sáng tạo. Nhìn lại giai đoạn này ta thấy rằng, điều dường như không thể tránh khỏi là chỉ một vài cá nhân có tinh thần mạnh mẽ mới có thể nhìn thấy trước các cơ hội và nhanh tay đầu tư vào chúng vì khả năng đặt cược vào kỷ nguyên công nghiệp này không phải là công việc dành cho những người tầm thường. Canh bạc mà họ lao vào với kết quả “được ăn cả ngã về không” đã làm cho họ hốt trọn và mang đến cho bản thân họ và cho quyền sở hữu vô cùng lớn của họ một danh tiếng rộng khắp.
Nhưng không chỉ có sự giàu có và uy danh làm cho Gates trở thành hấp dẫn với mọi người.
Sức hút của anh với mọi người còn ở sự bất tương xứng giữa tài năng và ngoại hình của anh. Giọng nói rổn rảng của anh, thứ tiếng lóng mà anh nói, mái tóc có vẻ hơi kỳ quặc và chiếc áo len mua ở cửa hàng xem ra không phù hợp với một người có thế lực như anh. Sự bất tương xứng lớn nhất có thể thấy rất rõ ở Gates trong thời gian đầu: anh bắt đầu lao vào thương trường năm 19 tuổi nhưng lại trông già dặn như người ở tuổi 30.
Những họa sĩ vẽ tranh biếm họa và những người có máu hài hước muốn “đánh cắp” cách thể hiện đặc thù của Gates thì anh đúng là một mục tiêu “béo bở”. Khi ai đó trong giới điện toán bắt chéo hai tay rồi đong đưa người tới lui như một đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ, mọi người đều biết người này đang nhại Bill Gates. Mặc dầu những năm gần đây Gates đã có da có thịt hơn và thường xuyên đi cắt tóc nhưng hình ảnh một chàng trai gầy nhom với mái tóc không chải của Gates vẫn chưa xóa nhòa trong tâm khảm mọi người.
Tạp chí Vanity Fair đã gọi Gates là một cậu bé 13 tuổi mượn hình hài của một gã côn đồ, đó là “một người có ít cơ hội trở thành thủ lĩnh của ngành công nghệ, sự điềm tĩnh của anh, giọng nói đều đều của anh ẩn dấu năng lực và sức mạnh dữ dội”.
Những lời đàm tiếu về con người của Bill Gates phần nào đó xuất phát từ việc anh xuất hiện trước công chúng khi còn quá trẻ, riêng các câu chuyện về kinh doanh của Gates vào những năm đầu đã cho thấy rõ thiên tài của một kẻ ngỗ ngược. Anh mang tiếng xấu là một gã chua cay, khinh người, thậm chí là một người khiếm nhã. Chẳng qua chúng ta đã được chứng kiến sự lớn lên của một cậu bé có tài nhưng lại chất chứa quá nhiều điều, những điều đã từng diễn ra cho Mozart trong thời niên thiếu.
Thậm chí khi bước vào tuổi trung niên, Gates vẫn là một người thực sự rất khó đánh giá. Trong những câu chuyện kể về sự phát triển nhanh chóng của Microsoft đôi lúc có vẻ như Gates đã thổi phồng đôi chút, nhưng các phân tích kinh doanh và tầm nhìn vào tương lai của anh lại tỏ ra rất chính xác. Anh rất cẩn trọng trong việc lập gia đình, trong vai trò làm cha, trong hoạt động từ thiện khi giới truyền thông lúc nào cũng kiên trì bám sát theo từng bước. Vào lúc các hoạt động kinh doanh của Microsoft trở thành đối tượng chú ý của chính quyền tiểu bang và liên bang của Mỹ, Gates nhận ngay ra rằng anh nên cải thiện hình ảnh của mình trước công chúng, trở nên hòa nhã hơn, gần gũi hơn và khoan dung hơn. Nhìn lại quá trình biến đổi của anh cho tới nay chúng ta có thể thấy rằng Gates vẫn còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Nếu không bàn về khía cạnh phát triển của cá nhân thì thách thức lớn nhất của Gates lúc này là giúp cho Microsoft sống lâu trong sự lịch lãm và thu được lợi nhuận. Sự tồn tại và phát triển lâu bền của một công ty rất hiếm gặp trong môi trường công nghệ cao, thậm chí cả những công ty kỳ cựu như IBM cũng có những giai đoạn thăng trầm. Dù sao, Rockerfeller, Edison, Bell và nhiều nhà tư bản khác - những người mà Gates được sánh ngang hàng – cũng đã sáng lập công ty rồi duy trì sự tồn tại và thịnh vượng của chúng cho đến tận thế kỷ sau. Những công ty của họ đã trở thành nền tảng vững chắc cho nền kinh tế của cả nước Mỹ. Mặc dù thường xuyên bị thanh tra và đôi lúc bị xé lẻ, chia nhỏ - hoặc bởi luật chống độc quyền hoặc bởi sự quản lý thấp kém - nhưng hậu duệ của chúng ngày nay vẫn tồn tại như những thành phần đi đầu trong công nghiệp. Gates hướng sự tập trung của mình vào việc bảo đảm rằng Microsoft sẽ được như họ. Và bởi vì anh khởi nghiệp từ lúc còn rất trẻ nên anh vẫn còn thừa thời gian cho điều đó.
Những dòng tiếp theo sau đây sẽ là một số chỉ dẫn cần thiết giúp bạn nắm được thâm ý của tác giả khi viết sách này. Đây không phải là một quyển sách viết về kỹ thuật mặc dù chúng ta có thể bắt gặp một số phần có đề cập đến kỹ thuật. Đây cũng không phải là những giải trình chi li về cách thức mà công ty Microsoft chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm đã trở thành một trong những công ty hàng đầu trên thế giới mặc dù chúng ta có thể bắt gặp chúng ở đây. Quyển sách này cũng không viết ra nhằm mục đích chứng minh Gates là Quỷ Dữ hay là Kẻ Cứu Thế: việc đó dành cho bạn đọc tự đánh giá và quyết định.
Đây là một quyển sách được viết trên tinh thần thừa nhận những ảnh hưởng của Gates đối với thế giới trong lãnh vực công nghệ, kinh tế và xã hội. Nội dung của sách thuật lại câu chuyện về một thiên tài về kỹ thuật, người giữ vai trò đi đầu trong việc làm đổi thay hoàn toàn cách làm việc, cách vui chơi, cách học tập cùng nhiều lĩnh vực khác trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Đây cũng là một quyển sách ghi chép lại những điều Bill Gates suy nghĩ và cách suy nghĩ của anh ta, và những gì chúng ta có thể học hỏi được từ nhân vật này.
Quyển sách này không được trình bày theo thứ tự thời gian mà theo từng chủ đề. Tác giả đề nghị người đọc tham khảo thêm phần Các mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời Bill Gates ở cuối sách.
Bất kể lịch sử miêu tả Gates như thế nào, nhưng việc anh ta là doanh gia nổi tiếng nhất trong thời đại chúng ta là điều không có gì phải bàn cãi. Theo một thống kê năm 1997 thì Gates đã được nhắc đến 8433 lần trên những phương tiện truyền thông chính thống. Một cuộc điều tra dư luận của tạp chí Fortune đã cho thấy có tới 73% những người điều hành các công ty xem Microsoft là một trong những cơ sở kinh doanh vĩ đại của nước Mỹ.
Tại một buổi hội thảo gồm 500 nhà lãnh đạo kinh doanh tham gia do tạp chí Inc. tổ chức vào năm 1997, tuyệt đại đa số đã cho rằng Gates là nhà kinh doanh “được khâm phục nhất”. Gates nhận được 59% phiếu bầu, trong khi ông vua truyền thông Ted Turner chỉ có 8%, Steven Job của hãng máy tính Apple được 5%, Ross Perot được 4% và Wayne Huizenga, người sáng lập Waste Management Inc., được 3%.
Cũng vào thời điểm đó, theo khảo sát của Merrill Lynch dành cho những nhân viên công nghệ thông tin trong các công ty thì có tới 59% người cho rằng Microsoft đã có hành vi lạm dụng quyền lực. Mặt khác, 62% lại tin rằng Bộ Tư pháp Mỹ sẽ phải chịu thua và cho phép Microsoft tích hợp trình duyệt Internet của họ vào hệ điều hành.
Nói chung có nhiều quan điểm khác nhau về Gates và trong thời gian chờ đợi ngã ngũ, cuộc chiến để có thể hiểu rõ về Gates vẫn tiếp tục diễn ra. Như John Huey, người phụ trách chuyên mục của tạp chí Fortune, đã bình luận: “Bạn có thể yêu hoặc ghét anh ta nhưng không thể không để ý đến anh ta”.