Nhiều người hỏi tôi rằng: Bản chất của nhân sinh là gì? Ý nghĩa của nhân sinh là gì? Giá trị nhân sinh nằm ở đâu? Mục tiêu nhân sinh là gì?
Ý nghĩa của nhân sinh nằm ở chỗ có trách nhiệm và chịu trách nhiệm. Trong cuộc đời của mỗi con người từ khi sinh ra cho đến khi chết đi phải đóng rất nhiều vai diễn: làm con cái, làm cha mẹ; làm học sinh, làm thầy giáo; làm đồng nghiệp, làm lãnh đạo, làm cấp dưới, làm bạn bè.
Nếu không nỗ lực hết trách nhiệm thì vai diễn sẽ được gọi là “nửa ông nửa thằng”, thông thường chúng ta hình dung ra một hình dáng rất kỳ quái thì được gọi là nửa ông nửa thằng. Nếu nhìn từ góc độ tiêu chuẩn luân lý để đánh giá bản thân mình, chúng ta thường phát hiện bản thân mình cũng thuộc vào dạng “nửa ông nửa thằng”, vì chỉ cần có một vai diễn nào đó không đủ tận tâm sẽ trở thành “nửa ông nửa thằng” ngay.
I. Giá trị của cuộc sống nằm ở sự cống hiến
Giá trị của của cuộc sống là gì? Nhiều người cho rằng một người có danh tiếng, địa vị, quyền lực, có tiền thì thể hiện rằng giá trị của anh ta lớn. Song những điều này rốt cuộc được coi là giá trị hay không ? Có thể coi là như vậy nhưng cũng có thể không. Còn phải xem sự cống hiến của anh ta với xã hội nhân loại như thế nào, nếu không có cống hiến, chỉ có địa vị, chỉ có tiền, hoặc chỉ có danh tiếng thì giá trị của anh ta sẽ có hạn.
Sự cống hiến cũng phải bắt đầu từ trách nhiệm và từ các phương diện khác nhau cũng phải nỗ lực hết trách nhiệm, tạo ra được sự cống hiến.
Trên thế giới này, những mối liên hệ trực tiếp với chúng ta không nhiều, nếu bảo bạn nhớ lại trong ký ức những cái tên có quan hệ với bạn xem bạn nhớ được bao nhiêu người? Tôi tin rằng không nhiều, có lẽ sẽ có rất ít người có thể viết ra được 1.000 cái tên có liên quan đến họ. Ai cũng quanh đi quẩn lại có mấy người thân là hết, nhưng nếu bảo họ viết tên những người có quan hệ gián tiếp với họ thì con số đó sẽ rất nhiều.
Nói đến trách nhiệm có thể chỉ cần nói đến một sự việc hay đối tượng nhất định nào đó, nhưng nếu nói đến cống hiến thì lại không phải như vậy, bất luận bạn có đóng đạt vai diễn hay không thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào và đối với bất kỳ đối tượng nào đều sẽ có cơ hội cống hiến. Cho dù bạn có mối quan hệ trực tiếp với anh ta hay không đều có thể tạo ra những cống hiến giống nhau.
Thí dụ bạn đang đi trên đường thì gặp một cậu bé muốn sang đường, bạn hoàn toàn không có trách nhiệm phải đưa cậu bé đó sang đường, nhưng lúc này lại là cơ hội để cống hiến. Có thể nhiều người nghĩ rằng : Để cậu ấy tự sang đường chắc cũng không có vấn đề gì đâu, ta không có thời gian nên cứ đi thôi. Nhưng nếu không may cậu bé đó bị xe va phải thì bạn đã để mất cơ hội cứu người, lẽ nào ta không tiếc một mạng người sao?
II. Đảm nhận trách nhiệm cống hiến
Vì thế cống hiến không nhất định trong phạm vi có quan hệ trực tiếp với mình, có thể lớn cũng có thể nhỏ, có thể gần cũng có thể xa. Lớn thì có thể mở rộng ra phạm vi toàn thế giới, thậm chí cả nhân loại, chúng ta đều nên đảm nhận nhiệm vụ cống hiến, hi sinh. Mặc dù ý nghĩa của cuộc sống là phải sống có trách nhiệm, chỉ cần làm tốt vai trò hiện nay của mình là đủ, nhưng đó chỉ là bổn phận chứ chưa thể nói là đã cống hiến được gì.
Trong thời gian tôi du học tại Nhật Bản, Đông Sơ tiên sinh phát hiện thành phố Đài Bắc có mấy ngôi chùa phát sinh tranh chấp, ngài liền viết cho tôi một bức thư nói: “… Phật giáo ngày nay thật thảm thương, công việc nâng cao Phật giáo thì không ai làm được, quyền tài sản trong chùa thì tranh nhau…”. Tranh chấp xảy ra không chỉ trong bản thân đệ tử của Phật giáo mà chính quyền cũng tranh chấp, nói rằng những ngôi đền đó là từ thời Nhật đánh chiếm, do người Nhật xây dựng nên thuộc về quân địch và bây giờ thu hồi về cho chính phủ. Nhưng sư phụ lại động viên chúng tôi rằng : “Bây giờ mọi người chỉ giành nhau đền chùa mà không muốn giành Phật pháp, lấy Phật pháp để cứu cái tâm con người, chúng ta phải có trách nhiệm giành cứu lấy vận mệnh của Phật pháp”.
Vì thế nếu nói Phật giáo chỉ biết xây dựng, tu bổ chùa miếu thì chẳng ích lợi gì nhiều. Chỉ có nỗ lực bồi dưỡng người tài, người biết hi sinh để truyền bá chính pháp, có cống hiến cho xã hội mới là phương pháp căn bản. Thí dụ Phật giáo ngày nay có cống hiến rất lớn cho xã hội, thể hiện được giá trị tồn tại của Phật giáo. Giống như trận bão Hạ Bác trước đây đổ vào đất liền làm cho Nông thiền tự cũng phải chịu thiệt hại, chùa bị ngập trong nước sâu một mét trong hai ngày liền, gây ra nhiều tổn thất. Nhưng tôi nói với các đệ tử của Pháp Cổ Sơn rằng : “Mặc dù chúng ta bị nước nhấn chìm nhưng hãy phát động mọi tín chúng cùng hưởng ứng công việc cứu nạn”. Cuối cùng mọi người quyên góp được 300 vạn tệ. Điều này thể hiện được giá trị chính diện của tập thể Phật giáo Pháp Cổ Sơn đối với xã hội.
Đồng thời mấy năm trước chùa Nông thiền của Pháp Cổ Sơn chúng tôi có tổ chức các nhóm tu thiền, đối tượng là từ học sinh cấp một cho đến học sinh cấp hai, cao đẳng, đại học, giáo viên, công nhân viên chức và các thành phần nhân sĩ trí thức trong xã hội đều tham gia các khóa tu thiền theo đặc trưng của lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ… Ví dụ khóa tu “trại tu thiền dành cho giáo viên”, “trại tu thiền dành cho nhân sĩ trí thức”…
Rất nhiều thành phần xã hội tham gia các khóa tu thiền này. Do đây là những khóa tu học miễn phí, nên khi kết thúc khóa tu, nhiều người đến hỏi tôi: “Thưa thầy, làm thế nào để công đức cho Pháp Cổ Sơn?”
Tôi nói: “Tôi chỉ mong rằng những điều quý vị đã nghe giảng, đã tu tập trong suốt quá trình tham gia các khóa tu này sẽ là những phương pháp hữu hiệu giúp quý vị điều phục thân tâm, mang về nhà, mang vào nhà trường chia cho những người hữu duyên thì đấy là cách công đức lợi ích nhất cho Pháp Cổ Sơn.”
Trong đó có vị giáo sư không hiểu, hỏi tôi: “Nếu chỉ như thế thì e rằng Pháp Cổ Sơn sẽ lỗ vốn mất, thế thì đâu còn tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng gì nữa?”
Tôi nói: “Chúng tôi phụng sự quần chúng nhân dân càng tốt thì người đến ủng hộ chúng tôi càng nhiều”.
Nhân đó tôi nói với mọi người rằng : “Quý vị đến Pháp Cổ Sơn tham gia các khóa tu thiền cũng ví như nhà kinh doanh đến nhập hàng cho các đại lí phân phối, sau khi trở về, các nhà đại lí sẽ là nơi tiếp tục mang hàng hóa đến tận tay người dùng. Quý vị cống hiến cho xã hội chính là quý vị thay chúng tôi làm việc, được thế đã xem như là thu hoạch lớn của chúng tôi.”
IV. Mục đích của cuộc sống là thụ báo, hoàn nguyện và phát nguyện
Thụ báo tức nhận chịu quả báo tốt hoặc xấu do những việc đã làm trong quá khứ; cho dù là ở kiếp này, kiếp trước hay quá khứ bao la đã làm bất kỳ một việc gì thì chỉ cần một kiếp trong đó có nhân duyên chín muồi thì sẽ phải tiếp nhận quả báo; làm việc tốt sẽ nhận được thiện báo, làm việc xấu sẽ nhận được ác báo, cho đến khi thành Phật rồi vẫn phải thụ báo, vì kiếp nạn có quan hệ với chúng sinh vô cùng vô tận, ân ân oán oán vướng mắc chưa được rõ ràng.
Khi con người ta nhận thiện báo sẽ cho rằng mọi thứ là đương nhiên, nhưng khi nhận phải khổ báo thì trong lòng không phục, luôn cảm thấy bản thân mình trong kiếp này chưa làm một điều xấu gì, tại sao lại phải chịu ác báo.
Từ quá khứ cho đến hiện tại không biết đã có bao nhiêu nguyện ước. Khi còn nhỏ chúng ta đã có rất nhiều điều ước: “Sau này lớn lên, mình sẽ…, sau khi tốt nghiệp, mình sẽ…, nếu lấy chồng, mình sẽ…, nếu mình làm mẹ, mình sẽ…, nếu mình làm giáo viên, mình sẽ…”. và trong cuộc sống này có nhiều điều ước đã thành hiện thực.
Khi còn nhỏ tôi rất thích đọc sách, nhưng thời đó không dễ dàng để tìm được sách, khi đó một đồng nghiệp trong quân đội nói với tôi: “Người anh em thích đọc sách như vậy thì sau này hãy mở một cửa hàng bán sách để đọc cho thỏa thích”.
Tôi nói: “Mở một cửa hàng sách chỉ có vài quyển, số lượng sách có hạn, tại sao không phải là mở một thư viện?”
Anh ta nói: “Mở cửa hàng bán sách còn có thể kiếm tiền, có thể duy trì cuộc sống. Còn nếu mở một thư viện thì chỉ có bù thêm tiền, không có một ích lợi gì”.
Việc kiếm được tiền hay không tôi chưa hề nghĩ đến, tôi chỉ nói với anh ta rằng : “Sau này nhất định sẽ mở một thư viện”.
Anh ta nói: “Vậy thì anh hãy cứ mở đi.”
Sau lần đó tôi quả thực hoàn toàn không biết có cơ duyên để thực hiện hay không ; 30, 40 năm qua đi cơ hội cuối cùng cũng đến, tôi sáng lập ra phòng nghiên cứu Phật học Trung Hoa, kèm theo cả thư viện có vài nghìn đầu sách, sau này thư viện chuyên ngành Phật giáo Pháp Cổ Sơn dự tính có 20 vạn đầu sách, và còn có Thư viện Tổng hợp Đại học Xã hội nhân văn Pháp Cổ Sơn. Ước nguyện của tôi dần dần thành hiện thực. Vì thế, ước nguyện là một loại động lực, đã có ước nguyện thì sẽ phải thực hiện vì thế hoàn nguyện cũng là một mục tiêu của cuộc sống.
Có người khi tham gia khóa tu thiền của chúng tôi, tôi cũng thường khích lệ họ nên có nguyện ước. Thí dụ khi chân bị đau nên nghĩ rằng : “Chưa nghe thấy tiếng khánh của chùa thì chân dù có tê mỏi thế nào cũng nhất định không duỗi”. Sau khi tự nhủ như vậy phần lớn mọi người vẫn duỗi chân ra để đổi thành tư thế khác, vì thực tế chân đã quá đau. Nhiều người sau khi tự nhủ nhiều lần đã không dám tự nhủ nữa vì cảm thấy không thực hiện được, vậy thì vì sao phải tự nhủ. Nhưng tôi vẫn khuyến khích mọi người hãy cứ tự nhủ một lần rồi lại một lần nữa, dần dần sẽ càng kiên trì được, ước nguyện cũng dần thành hiện thực, nếu chỉ dám ước một lần rồi thôi thì ước nguyện đó sẽ không đủ mạnh.
Các đệ tử Phật giáo mỗi buổi sáng và buổi tối đều phải đọc thuộc Tứ hoằng thệ nguyện: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ/ Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn/ Pháp môn vô lượng thệ nguyện học/ Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.” Nhiều người sau khi nguyện ước mà xảy ra tranh cãi với người thân, đồng nghiệp thì trong lòng luôn cảm thấy buồn, hối hận, tâm tưởng vừa nguyện rằng phải độ chúng sinh, đoạn tuyệt với phiền não, bây giờ lại phản bội lại lời thệ nguyện. Nhưng tôi nói với họ rằng, chỉ cần thệ nguyện nhiều lần thì tình hình sẽ được cải thiện, sức mạnh của lời nguyện cầu sẽ dần dần tăng thêm.
V. Tầng thứ của lời thệ nguyện
Nguyện thệ hay còn được gọi là phát đạo tâm, phát Bồ đề tâm, từ phàm phu đến thành Phật, có thể chia thành năm tầng thứ.
1. Nhân đạo
Chữ đạo trong chữ “đạo tâm” giống như một lộ trình trong cuộc sống. Lịch trình và phương hướng của sinh mệnh được gọi là đường nhân sinh.
Con người ta sống trong thế giới này đều có con đường đi cho riêng mình, hơn nữa đều có mục tiêu nhân sinh dài ngắn cho hành trình, học tập là mục tiêu gần nhất trong tầm tay, nhìn xa hơn về phía trước, vì thế trên con đường nhân sinh nhất định sẽ bước từ những bước đi đầu tiên, sau rồi cứ thế tiến từng bước nhẹ nhàng.
Vì thế có thể thấy, phát đạo tâm phải bắt đầu từ bước đi làm người, làm tốt bổn phận của một người, trang bị đầy đủ nhân cách và phẩm đức. Nếu ngay cả những điều kiện cơ bản nhất để làm người cũng không có được thì sẽ có người chửi cho rằng “miệng nam mô bụng bồ dao găm”.
Vì sao lại thế? Thứ nhất, họ thật sự rất đáng thương, không biết làm thế nào để trở thành người tốt. Thứ hai, họ không thể tự chủ, khi chịu sự cám dỗ, kích thích, uy hiếp của môi trường không làm chủ được bản thân.
Lý tưởng của Pháp Cổ Sơn là “nâng cao phẩm chất, xây dựng nhân gian tịnh độ”, bắt đầu từ nền tảng con người, hi vọng mọi người trang bị thân phận của mình, diễn tốt vai diễn của mình, thể hiện một cách đúng mực. Cũng chính là nói, muốn phát đạo tâm thành Phật đầu tiên hãy tự nhủ bản thân phải là một người tốt.
2. Thiên đạo
Hành nhân đạo chỉ là sự nỗ lực hết bổn phận, hết trách nhiệm; tu hành thiên đạo lại là sự cống hiến, phục vụ của mình với đại chúng xã hội, coi toàn thế giới trở thành phạm vi quan tâm, cống hiến, phục vụ của mình. Những người có tâm lượng như vậy mới làm được nhiều việc lớn, mới tích lũy được công đức thiên quốc.
Nhưng người hành thiên đạo chỉ nghĩ đến con người ở trái đất này mà không nghĩ đến nửa còn lại của thế giới, cũng không nghĩ đến chúng sinh khác và cái tâm luôn phải có suy nghĩ theo đuổi thiên phúc.
3. Giải thoát đạo
Tiếp theo là giải thoát đạo. Đó là phải gạt sang bên thế giới thân tâm tứ đại, ngũ uẩn, khiến nghiệp ác không khởi lên, phiền não không sinh, vượt qua bể khổ sinh tử của ba cõi.
4. Bồ-tát đạo
Hành Bồ-tát đạo là con đường thiện và công đức của đạo giải thoát, không chỉ có thể kết lương duyên trong quảng đại nhân gian mà càng có thể coi tất cả chúng sinh của mười phương ba đời trở thành đối tượng phục vụ, cống hiến, quan tâm, vả lại làm thiện không có nghĩa là vì cầu phúc đáp. Đại thừa Phật pháp luôn khích lệ con người ta hành đạo Bồ-tát, người hành đạo Bồ-tát nhất định phải bắt đầu từ hứa nguyện, phát nguyện, hoàn nguyện.
5. Phật đạo
Cuối cùng, tầng cao nhất là Phật đạo, chính là “vô thượng Bồ đề tâm”, là “A-nậu-đa-la Tam-miệu- tam-bồ-đề”. Bát nhã Tâm Kinh, Kinh Kim Cương và nhiều kinh điển khác đều khích lệ chúng ta phát tâm cầu vô thượng chính đẳng chính giác, không chỉ có một trái tim nhân đạo và thiên đạo mà còn phải có trái tim giải thoát đạo, trở thành tâm Bồ- tát đạo, khi trở thành Bồ-tát tâm viên mãn, cũng là khi hoàn thành được con đường Phật vô thượng.