Sinh và tử là một chủ đề rộng lớn và sâu sắc. Những người khác nhau có những quan điểm và lập trường khác nhau. Trong khoảng 30 năm trở lại đây, chủ đề này dần dần nhận được sự quan tâm của các nhân sĩ phương Đông, phương Tây, được nhiều học giả thảo luận từ các khía cạnh triết học, tôn giáo, y học…
I. Thực tướng của nhận thức sinh mệnh
Tôi sẽ đứng từ quan điểm Phật pháp và kiến thức về Phật pháp để nói rõ về những trải nghiệm và quan sát về sinh tử.
1. Do sự bất lực, khó xử của cuộc đời chuyển biến thành sự khẳng định khả ái, khả quý của rất nhiều người, đó là mặt trái của cảm xúc nhân sinh, cho rằng nhân sinh là điều gì đó ngoài tầm kiểm soát, là sự dày vò, là một gánh nặng, đây chính là định kiến do không hiểu biết Phật pháp gây ra. Phật nói: “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn - Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Phải khai ngộ thành Phật, thành tựu pháp thân huệ mệnh, chỉ có trong quá trình sinh mệnh của con người, lấy sắc thân (sinh mệnh da thịt) của chúng ta để nghe Phật pháp, tu hành Phật pháp mới có thể đạt được mục đích tu hành.
Hoặc nhiều người sẽ cho rằng, tu hành là chỉ có thể tu trên nước Phật, tu ở cõi tịnh độ, quan niệm này sai hoàn toàn. Vì nhiều vị Phật đều tu hành trong nhân gian mà trở thành Phật, không phải lấy hình thái khác nhau của chúng sinh để thành Phật. Vì thế, trước tiên nhất định phải có thân thể của con người mới có thể có trái tim Bồ- tát, tu Bồ-tát đạo, sau đó thành Phật. Vì thế nói sống vì mọi người là rất đáng quý.
2. Sự sinh ra và chết đi có quan hệ mật thiết với nhau và không thể tách rời. Khi sinh ra đã xác định rằng việc chết đi là điều tất nhiên. Được sinh ra không nhất định đã là niềm vui, còn chết đi cũng không nhất định là bi ai, nếu cuộc sống không có sự tôn nghiêm thì làm sao có niềm vui? Nếu chết đi cũng không có sự tôn nghiêm thì hà tất phải có bi ai?
Nếu biết rằng sinh tử là quá trình tự nhiên thì bản thân sinh mệnh đã là sự tôn nghiêm. Vì thế, sự sinh tồn không phải là phiền phức, đáng thương, chết đi cũng không cần cảm thấy đó là sự bi ai; mà phải nhìn vào thái độ của chúng ta đối với sự sinh tồn và chết đi.
Nếu sống mà không biết sỉ nhục, vậy thì chết đi cũng có gì là đáng tiếc. Cuộc sống có gì là vui? Ngược lại, nếu chết đi mà giành được sự tôn nghiêm thì chết đi cũng có gì là bi thương ?
3. Danh dự của cuộc sống là sự trải nghiệm và thể hiện từ ý nghĩa, giá trị và mục tiêu của cuộc sống.
Sinh mệnh của con người chính là một giai đoạn, quá trình trong sự sống và cái chết. Danh dự cuộc sống có thể xác định từ các phương diện quan hệ luân lý, góc độ xã hội, phán đoán lịch sử, lý luận triết học và niềm tin tôn giáo…
Dưới đây là thảo luận ý nghĩa, giá trị và mục tiêu nhân sinh nhìn từ góc độ của đệ tử Phật giáo:
Ý nghĩ của sinh mệnh: Từ lập trường Phật giáo, sự sống là vì thụ báo và hoàn nguyện mà tồn tại. Trước đây đã hứa nguyện bao lần thì nhất định phải thực hiện lời hứa đó; trước đây đã làm những việc gì thì nhất định sẽ chịu sự báo ứng. Vì thế, có thể nói sinh mệnh tồn tại là do thực tế nhân quả.
Giá trị của sinh mệnh: Giá trị của sự sống hoàn toàn không phải do khách quan đánh giá, phán đoán, xác định mà là bản thân tự chịu trách nhiệm, hoàn thành trách nhiệm mà đời người phải làm được, đồng thời nỗ lực vận dụng sự hữu hạn của sinh mệnh để cống hiến lớn nhất.
Mỗi người trong thế giới này phải đóng nhiều vai diễn khác nhau, có thể là cha mẹ, chồng vợ, con cái, cũng có thể là thầy giáo, học sinh, cho dù là vai diễn nào cũng cần phải tận tâm tận lực, dùng mọi năng lực vật chất, tinh thần của bản thân để cống hiến cho thiểu số những người sống quanh mình, không đòi hỏi sự báo đáp nào từ đa số những người trong xã hội, quốc gia và toàn thế giới, đây chính là giá trị của sinh mệnh; việc làm có lợi cho bản thân và xã hội như này chính là đang tu hành trên Bồ-tát đạo.
Mục tiêu của đời người: Đời người phải có phương hướng rõ ràng, được coi là chốn trở về vĩnh hằng của bản thân.
Đệ tử Phật giáo phải chia sẻ mọi thứ của mình với mọi người, đáp trả công đức cho tất cả chúng sinh; đồng thời phải không ngừng phát nguyện, chỉ có nguyện cầu mới có thể làm mình trưởng thành, cống hiến vô cùng với thái độ siêu việt. Nếu xây dựng được mục tiêu như vậy thì dù cho cuộc sống có ngắn dài thế nào cũng đều có sự tôn nghiêm.
4. Sự sống và cái chết là hai mặt của một chỉnh thể, vì thế sự sinh tồn và chết đi đều là hiện tượng tự nhiên trong hữu hạn không gian và thời gian, chết cũng là một quyền lợi; sống cũng là một trách nhiệm. Khi sống thì tiếp nhận chúng, vận dụng chúng ; khi kết thúc thì cũng tiếp nhận và đối mặt với chúng.
Vì thế đối với người mắc bệnh ung thư ở giai đoạn cuối, tôi sẽ khuyên anh ta rằng : “Không nên đợi đến khi chết, không sợ hãi, sống được thêm một ngày, một giây phút nào đều tốt, phải trân trọng sinh mệnh khi còn sống”. Vì sự sống và cái chết đều là hiện tượng tự nhiên trong hữu hạn thời gian; khi không nên chết thì không được chết, mà khi đã phải chết thì cầu sinh cũng không có tác dụng gì.
Sự sống và cái chết có quan hệ mật thiết với nhau. Ai cũng biết rằng khi sự sống bắt đầu cũng là khi phải chuẩn bị tâm lý để đón nhận cái chết. Cái chết có thể xảy đến với bạn bè người thân mình, cũng có thể là bản thân mình, hơn nữa có thể xảy đến bất cứ khi nào; nhưng điều này hoàn toàn không làm chúng ta sợ hãi cái chết, lấy cái chết để đe dọa mọi người, mà là nếu từ bé đã biết đến sự thật của cái chết sẽ có thể giúp trí tuệ chúng ta trưởng thành hơn.
Khi còn trẻ, Phật Thích Ca Mâu Ni phát hiện ra sự thực của sinh mệnh là sinh, lão, bệnh, tử, vậy nên mới thúc đẩy ngài xuất gia tu hành, cuối cùng khi giành được trí tuệ, ngài lại cứu độ thế giới loài người.
Cái chết có thể xảy đến bất cứ khi nào, không ai biết trước; vì thế, biết trước nó sẽ đến nhưng không cần lo lắng khi nào cái chết sẽ đến, chỉ cần biết trân trọng cuộc sống, nỗ lực hết trách nhiệm của bản thân, nỗ lực cống hiến cho dù có sống thêm được một ngày.
Tôi có một đệ tử tại gia, ông ta rất tin vào mệnh lý, nên từng mời rất nhiều thầy về xem tướng cho mình, các thầy bói đều nói rằng ông ta chỉ sống được đến 60 tuổi. Khi 60 tuổi ông ta liền xin nghỉ việc, chia tài sản và đợi cái chết đến. Nhưng đến qua hai năm mà ông ta vẫn sống, ông ta rất hối hận tìm gặp tôi hỏi rằng : “Thưa sư phụ, lẽ ra con đã phải chết rồi nhưng tại sao vẫn chưa chết? Sư phụ biết vì sao không ?”
Tôi nói rằng : “Có thể con đã làm được nhiều việc tốt, tích được nhiều đức nên con đã thay đổi được thời gian cái chết đến”.
Tôi lợi dụng cơ hội này khuyên ông ta rằng : “Không nên sợ cái chết, dù có sống được một ngày thì cũng sống có trách nhiệm và cống hiến hết mình, không cần biết khi nào sẽ chết, chỉ cần biết lợi dụng sự quý giá của sinh mạng mới có thể sống tốt.”
Cuối cùng ông ta sống đến 80 tuổi mới qua đời.
II. Sự sống từ đâu mà đến?
Cái chết sẽ đi về đâu?
Nhiều người đứng từ lập trường triết học và tín ngưỡng tôn giáo để xây dựng nên lý luận và quan niệm về sự sống và cái chết; có người tin vào thần thông, dùng túc mệnh thông, thiên nhãn thông để nhìn về quá khứ và tương lai; tất cả những điều này chỉ là hi vọng, quan điểm, theo đuổi của con người ta chứ thực chất hoàn toàn không có căn cứ.
Nói tóm lại, thuyết phiếm thần của triết học cho rằng sinh mệnh đến từ chỉnh thể thần, và khi chết đi lại quay trở lại chính nó. Triết học duy vật cho rằng sống và chết đều là hiện tượng vật chất, sống giống như ngọn đèn đang cháy, còn chết đi thì giống như ngọn đèn tắt.
Học giả Nho giáo Trung Quốc từng nói: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ” - sáng nghe đạo, chiều chết cũng mãn nguyện vậy!, rồi cả “sống chết có số”, “phó thác cho trời”, cũng chính là nói sinh tử là do trời định, mặc dù Khổng Tử từng nói: “Vị tri sinh, yên tri tử” – Chưa biết sống, làm sao biết chết.” Nhưng trên thực tế Nho giáo chưa từng nói rõ sinh mệnh là gì?
Lão Tử từng nói: “Xuất sinh nhập tử”, đã sinh ra thì nhất định sẽ chết đi; và “nhân chi sinh, động chi tử địa” – khi người sống đã động đến vùng chết.
Khi con người ta còn đang sống thì cửa tử đã mở ra. Vì thế, Lão Tử khuyên chúng ta không cần phải lo lắng về vấn đề sinh tử, chỉ cần “tuân theo tự đạo mà quý trọng các biểu hiện của nó”, cũng chính là nói, chỉ cần là người có đạo đức, còn sinh tử hãy để nó tự đến theo lẽ tự nhiên, điều này mới là có đạo lý.
Tôn giáo phương Tây không tin rằng con người có tiền kiếp, họ cho rằng sinh mệnh của con người là do Thượng đế tạo ra, ban tặng cho, khi chết đi cũng là do thượng đế gọi quay về với thiên quốc. Mọi thứ đều do Thượng đế chi phối, không cần phải lo lắng về sự sống và cái chết, cho dù thế nào cũng coi đây là điều vui vẻ, hạnh phúc.
III. Quan điểm về sinh tử của Phật giáo
Đệ tử Phật giáo tin rằng có tiền kiếp, nhưng sự sống từ đâu mà có? Phải chăng phải nhờ thần thông mới biết? Không cần thiết, vì sinh mệnh đã qua là vô hạn, vì thế không cần phải truy cứu kiếp trước của kiếp này rồi kiếp trước của kiếp trước và kiếp trước của kiếp trước nữa để rồi tự thấy bất lực trong vô cùng quá khứ rồi vẫn quay trở lại với câu hỏi kiếp sống này rốt cục bắt nguồn từ đâu. Phật giáo chủ trương chỉ cần tạo ra cống hiến lớn nhất, tu hành một cách tốt nhất, còn lại những điều khác hãy để thuận theo lẽ tự nhiên.
1. Sinh mệnh là một giai đoạn vô cùng của thời gian và không gian
Giai đoạn hiện nay trong cuộc sống của chúng ta chỉ là một giai đoạn trong hành trình cuộc sống vô cùng, vô hạn. Giống như một cuộc hành trình, ngày hôm qua đang ở Đài Loan, ngày hôm sau đã đến Mỹ, Hồng Kông, địa điểm luôn thay đổi, xuất hiện rồi lại biến mất; sinh mệnh cũng như vậy, các giai đoạn nối tiếp nhau. Vì thế, cái chết không đồng nghĩa với sự kết thúc sinh mệnh.
2. Sinh mệnh là hiện tượng sinh diệt, được chia thành ba loại:
Sát-na sinh diệt: Sát-na là từ được dịch âm từ tiếng Phạn, nghĩa là một khoảng thời gian cực kì ngắn ngủi. Tâm lý và sinh lý của chúng ta bao gồm cả tổ chức tế bào trong cơ thể và tâm niệm… đang không ngừng hoạt động thay đổi chất, không ngừng biến động, có sinh có tử, có khởi có diệt.
Một chu kì sinh diệt là quá trình từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, giai đoạn thứ nhất của sinh tử.
Sinh diệt ba đời: Bao gồm quá khứ vô hạn của ba đời, ba đời vô cùng của tương lai, cùng với ba đời vô cùng của hiện tại. Cũng chính là quá khứ, tương lai, hiện tại của quá khứ, quá khứ, tương lai, hiện tại của tương lai, quá khứ, tương lai, hiện tại của hiện tại. Đối với giai đoạn hiện tại của cuộc đời này mà nói, kiếp trước, hiện tại và tương lai chính là sinh mệnh tam thế.
Quan niệm và lý luận như vậy có thể đem lại hi vọng và an ủi cho chúng ta, cũng chỉ ra cho chúng ta thấy trong cuộc sống này luôn có lý do để sống. Khi sắp đối diện với cái chết mà tự sát để kết thúc là không có trách nhiệm với quá khứ, không làm hết trách nhiệm với hiện tại, thậm chí có thể phá vỡ hành trình trong tương lai.
3. Hiện tượng thăng hoa của sự sống và cái chết được chia thành ba loại
Biến dịch sinh tử của bậc thánh: thứ tự tầng lớp từ quả vị La-hán, Bồ-tát cho đến quả vị Phật, cứ thế tiến tu lên từng quả vị cao hơn, như thế gọi là biến dịch. Tức tu hành theo Phật, trưởng thành, thăng hoa sinh mệnh, vì thế, từ bi và trí tuệ được tịnh hóa không ngừng.
Không sinh không tử của trạng thái Niết bàn tịch tĩnh: hai trạng thái trên đều có sinh có tử, nhưng đến quả vị Phật đà sẽ không còn sinh tử tức đã thể nhập cảnh giới đại Niết bàn, vận dụng muôn vàn phân thân để xuất hiện khắp mười phương thế giới, cứu mọi loài chúng sinh trong biển khổ luân hồi. Tuy vẫn còn hiện tượng sinh ra và chết đi nhưng không còn chấp chặt vào sinh tử, không còn bị phiền não quấy nhiễu và làm bất an nữa.
IV. Làm gì để đối diện với cái chết? Làm thế nào để biến cái chết có được sự tôn nghiêm?
1. Ba tầng bậc của cái chết
Từ lập trường của người tu thiền, cái chết có thể chia thành ba tầng hoặc ba thái độ:
Sống chết phụ thuộc vào nghiệp lực: Sống và chết không tự làm chủ được, sống chết một cách mơ hồ.
Sinh tử tự chủ: Biết rõ sự sống và cái chết, đã sống phải sống thật tốt, đã chết phải chết một cách dũng cảm; sống thật vui vẻ và chết một cách nhẹ nhàng.
Siêu việt sinh tử: Mặc dù có sinh có tử nhưng đối với những người đã giải thoát, siêu việt sinh tử và những bậc đại triệt, đại ngộ thì sống không sống vì lòng tham; chết không còn sợ hãi. Sống và chết không những giống nhau mà thậm chí, về mặt cơ bản không còn tồn tại hai trạng thái sống và chết đó.
2. Tràn đầy hi vọng vào tương lai
Hiện tượng sinh tử, giống như mặt trời mọc và tắt. Da thịt con người mặc dù có hiện tượng sinh tử, nhưng con người ta bản thân đều thanh tịnh Phật tính, vĩnh viễn như mặt trời trong không trung. Vì thế, cái chết không đáng sợ, không phải bi ai; chúng ta nên có một hi vọng tràn đầy về tương lai.
Luôn có một trái tim vui tươi, dũng cảm đối mặt với cái chết, đón nhận cái chết. Với hành vi trong cuộc đời của bản thân, cho dù là thiện hay ác đều phải cảm ơn, vì đó là quá trình tôi luyện, không oán trách, hối hận, kiêu ngạo. Quá khứ sẽ là quá khứ, đón nhận tương lai tươi sáng hơn mới là điều quan trọng nhất bây giờ.
3. Tu hành được vãng sinh, theo tâm niệm
Có sáu nhân tố của trạng thái tâm lí khi chết quyết định tương lai kiếp sau. Sáu nhân tố đó là:
Tùy nghiệp tức phụ thuộc vào nghiệp, chỉ nghiệp thiện hay ác, nghiệp nào nặng hơn sẽ nghiêng về nghiệp đó.
Tùy trọng tức phụ thuộc vào quả báo nặng nhất mà mình đã trả trước, sau đó quả báo sẽ nhẹ dần.
Tùy tập tức phụ thuộc vào tập khí, thói quen. Tuy không từng làm một việc thiện lớn lao hay một việc đại ác nào nhưng có một thói quen nổi trội nhất thì khi mạng chung, thói quen đó chính là năng lực dẫn lối đầu thai cho kiếp sau khi kết thúc mạng sống.
Tùy duyên tức phụ thuộc vào các duyên, ý nói nhân duyên nào chín muồi trước thì đi theo nhân duyên đó.
Tùy niệm tức phụ thuộc vào tâm niệm hiện hữu sau cùng trước khi trút bỏ mạng sống, chính tâm niệm đó sẽ tạo năng lực để thụ báo kiếp tiếp theo.
Tùy nguyện tức phụ thuộc vào tâm nguyện, chỉ tâm nguyện trước lúc lâm chung của người chết như thế nào thì đó là năng lực giúp họ đi đầu thai ở kiếp tiếp theo.
Môn đồ Phật giáo cần tu hành đến độ tùy niệm và tùy nguyện, nếu rơi vào các loại còn lại thì thật là đáng thương!
Phật tử cũng cần giúp đỡ thực hiện ý nguyện của người sắp lâm chung. Những người trước khi lâm chung thường rơi vào tình trạng hôn mê, mất tự chủ, mất cảm giác, lúc này bạn bè và người thân nên đọc kinh, niệm chú Nam Mô Quan Thế Âm Bồ-tát bằng cả sự thành kính, hoặc ngồi thiền bên cạnh họ, dùng sức mạnh của thiền định và niềm tin vào Đức Phật từ bi giúp thần thái họ thanh tịnh, không mê muội, đạt đến trạng thái an định, có như vậy thì linh hồn họ mới siêu thoát và có thể siêu sinh tịnh độ hoặc đầu thai kiếp khác.
Thứ nữa là giúp họ được, siêu thoát trong bình an và yên tĩnh. Nguyên tắc của sự tôn nghiêm về cái chết là không được phá rối sự bình an và tĩnh mịch, không để người chết ra đi trong đau khổ dù là về thể xác hay tinh thần, hay làm bất cứ việc gì có hại cho họ. Sự ra đi bình yên chính là tôn nghiêm của cái chết, không nên dùng các thiết bị cấp cứu đòi lại mạng sống của họ, không được khóc lóc thảm thiết, kêu trời kêu đất. Điều quan trọng là để họ ra đi được bình yên, thanh tịnh, vui vẻ rời xa nhân gian sang thế giới bên kia.
GIỚI THIỆU SÁCH CÙNG BỘ
Dùng thiền tâm thay thế phiền tâm
Trong cuốn sách nhỏ này Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm đề cập tới ba vấn đề: mối quan hệ qua lại giữa cá nhân và tập thể trong công việc, diệu pháp nâng cao phẩm chất cá nhân trong công việc; và bí quyết tu hành chủ yếu trong Phật pháp. Căn nguyên phiền não trong công việc đa phần là do người ta không cam chịu và không bằng lòng với những thứ được – mất, thành – bại. Nếu người ta có thể dung hòa cái tôi cá nhân nhỏ bé vào tập thể to lớn bằng thiền tâm, mở rộng cái nhìn hẹp hòi của cá nhân thì mới có thể khiến bản thân trưởng thành cùng với sự trưởng thành của tập thể.
Thành tâm để thành công
Làm thế nào để lãnh đạo tốt doanh nghiệp mà vẫn giữ tâm thanh thản? Hòa thượng Thánh Nghiêm cho rằng nếu bạn là một ông chủ, một nhà quản lý, bạn cần loại bỏ bớt thắng thua được mất trong lòng phải luôn hướng tới sự thành tâm, lòng tín nghĩa và danh dự. Ngoài việc đối đãi rộng lượng với nhân viên, bạn cần phải giữ tinh thần phục vụ khách hàng tận tình cùng với tín nghĩa và danh dự của công ty là chiếc chìa khóa giúp bạn đạt được thành công.