Con người thường luôn mong muốn được bảo đảm “an toàn” và “an định”, luôn hy vọng hoàn cảnh, môi trường mang lại cho họ sự an toàn, an định. Nếu môi trường, hoàn cảnh không cho họ sự an toàn nào, họ sẽ có cảm giác bất an; nếu cuộc sống không dư dả về vật chất, họ cũng sẽ cảm thấy không an định.
Mối quan hệ của mỗi người chúng ta với xã hội cũng giống như mối quan hệ gắn bó mật thiết, ảnh hưởng lẫn nhau giữa con người, hoàn cảnh và môi trường. Hoàn cảnh, môi trường có thể ảnh hưởng đến con người, ngược lại con người cũng làm ảnh hưởng đến hoàn cảnh, môi trường. Nhưng rốt cuộc ai là người làm ảnh hưởng đến hoàn cảnh môi trường? Câu trả lời là: mỗi cá nhân đều có thể ảnh hưởng đến hoàn cảnh, môi trường, thậm chí chỉ là một suy nghĩ, một câu nói, nhất cử nhất động của mỗi chúng ta đều đủ ảnh hưởng đến toàn thể xã hội.
I. Tâm thanh tịnh, quốc độ thanh tịnh
Do mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội là mối quan hệ tương tác lẫn nhau nên thái độ của xã hội hoặc thị hiếu của xã hội cũng sẽ khiến mỗi thành viên trong xã hội chuyển biến theo. Nhưng thị hiếu của xã hội do đâu mà có? Có khi do môi trường , hoàn cảnh lớn hơn tạo ra, ví dụ những gì phát sinh, lưu hành trong xã hội Nhật Bản, Mỹ, châu Âu thông thường rất nhanh chóng được du nhập vào Đài Loan thậm chí tạo thành trào lưu khó đẩy lùi, một số thị hiếu không tốt cũng được mang đến Đài Loan thông qua phương thức này.
Có lẽ có người cho rằng sức mạnh của quần chúng nhân dân không đủ mạnh, nhất định phải có một vĩ nhân đứng ra kêu gọi mới được. Trên thực tế, vĩ nhân có sức mạnh của vĩ nhân, những người bình thường có sự ảnh hưởng của người bình thường, sức mạnh của vĩ nhân dựa trên yêu cầu của người bình thường, tập hợp lại thành tiếng nói và sức mạnh của họ; hơn nữa, những gì vĩ nhân nắm bắt được cũng chỉ ảnh hưởng trong phạm vi nhất định; nhưng sức mạnh quần chúng thường là sức mạnh to lớn đủ làm ảnh hưởng đến sức mạnh của toàn xã hội. Do đó, chỉ cần suy nghĩ hay một quan niệm nào đó của mỗi cá nhân thay đổi, xã hội sẽ nhận được những tác động khác nhau, nếu kết hợp với cả thực hành những hành vi tác động sẽ tạo ra sự ảnh hưởng càng to lớn hơn.
Tuy nói rằng “xã hội ảnh hưởng đến chúng ta, chúng ta bị ảnh hưởng từ xã hội”, nhưng đứng trên lập trường giáo dục của tôn giáo, con người có thể không nhận sự tác động của hoàn cảnh, môi trường mà biến thành xấu, ngược lại có thể trở nên tốt hơn nhờ ảnh hưởng của niềm tin, do đó ảnh hưởng đến xã hội. Người ta thường nói “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” đấy là cách nói tỏ rõ sự tuyệt vọng trước bản tính con người Nhưng tinh thần giáo dục của tôn giáo không làm cho bất kỳ ai thất vọng, cũng không tuyệt vọng trước bất kỳ hoàn cảnh nào.
Kinh Duy-ma-cật nói: “Sự thanh tịnh của quốc độ chư Phật phụ thuộc vào tâm chúng sinh”. Học thuyết Đại thừa nói “tâm sinh khởi để từ đó mọi pháp cũng sinh khởi theo” có nghĩa là: khi lòng người thanh tịnh, những gì xung quanh họ nhìn thấy cũng đều thanh tịnh, những gì trong lòng hướng về với tâm niệm trọn vẹn ắt sẽ thực hiện được, ví như “tâm tịnh thân thanh thản, nhẹ nhàng”, khi tâm an định, nhiệt độ cơ thể không thể tăng cao, sẽ chịu được sự oi bức.
Do đó, nếu nội tâm đủ thanh tịnh, thì sự cảm nhận về hoàn cảnh, môi trường, xã hội có thể rất khác biệt; nếu tâm không thanh tịnh, đầy bất bình, phẫn nộ, thù hận, đố kỵ và bất mãn, nhìn ai cũng cảm thấy là người xấu, chạm vào vật gì cũng cảm thấy đáng ghét, tất cả những điều này đều do tâm không thanh tịnh nên nhìn thấy bất kỳ hiện tượng nào cũng khiến bản thân buồn bực. Nếu tâm an định thì xã hội mà ta nhìn thấy cũng bình an hơn, khi đó ta cảm thấy tâm được an hơn.
Môi trường xã hội hiện đại đâu đâu cũng để lại dấu vết bất an cho lòng người. Nhiều người cho rằng muốn mưu cầu an định trong lòng người trước tiên phải bắt đầu từ cải thiện cuộc sống, vì vậy họ hy vọng dùng chính trị, kinh tế, pháp luật để cải tạo môi trường xã hội. Họ mong muốn người người đều có cơm ăn, áo mặc, có nơi ở, tiếp sau là mong muốn thiết lập được các chính sách chính trị, kinh tế hợp lý và hoàn thiện thể chế pháp luật để bảo đảm cuộc sống cho nhân dân. Thế nên xưa nay các nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà tôn giáo, nhà kinh tế đều đứng trên các góc độ, lập trường của mình để đưa ra các giải pháp nhằm xây dựng một xã hội an định.
Biết bao người đã, đang nỗ lực hết mình cho đất nước, dân tộc, xã hội; họ đều là những người đã tìm được nguồn năng lượng giúp mình an định thân tâm. Thế nhưng ý thức của con người hiện đại đối với đất nước, với dân tộc, với xã hội dần dần bị mờ nhạt, mơ hồ, vì vậy ngày nay rất nhiều người cảm thấy bản thân hình như đang sống cho qua ngày, sống lay lắt vô định. Họ không biết ngày ngày bản thân phải bận rộn vì điều gì, hoàn toàn mất đi mục tiêu của cuộc sống. Thực ra, nếu trong lòng xác định được mục tiêu, có điểm hướng đến thì ở vào bất kì hoàn cảnh nào họ đều có thể an định tâm được. Vì thế nói muốn cứu người trước tiên phải cứu lấy cái tâm. Muốn xã hội an định đúng nghĩa vẫn phải bắt đầu từ sự an định trong lòng người.
II. Tâm không dao động vì ngoại cảnh
Làm thế nào để an tâm? Điều quan trọng nhất vẫn là không để tâm mình dao động theo môi trường bên ngoài. Nếu tâm không bị ngoại cảnh tác động, đó chính là người sáng suốt; trong lòng nhất định phải tự tại, an định. Nếu tâm thay đổi theo môi trường, hoàn cảnh thì sẽ sinh ra buồn phiền. Ví như dục vọng quá mạnh mà không được thỏa mãn sẽ sinh ra phẫn nộ, do đó kéo theo những trắc trở, và có thể mang đến sự lo sợ, hoài nghi. Ví dụ như người ta đặt điều cho bạn, bạn phản ứng mãnh liệt tiêu cực; người ta khen bạn một câu, bạn liền dương dương tự đắc; bị người ta xử oan sẽ đau khổ xót xa; được người ta tâng bốc thì kiêu căng. Tuy những điều này đều phản ánh cảm xúc thường tình của con người nhưng tất cả bạn đều không khẳng định được bản thân nên mới cần người khác khẳng định cho mình. Giáo lí Phật giáo dạy chúng ta nên “giữ tâm an tịnh không để ngoại cảnh làm dao động”, đấy chính là “bát phong xuy bất động” (không dao động trước tám ngọn gió cuộc đời). “Bát phong” gồm: lợi dưỡng, suy vong, hủy báng, khen ngợi, tán dương, chê bai, đau khổ, vui sướng.
Tất nhiên trong cuộc sống khó tránh khỏi nghịch cảnh, tôi thường khuyên mọi người, khi xử lý những vấn đề rắc rối nên đối diện với nó một cách thản nhiên, tiếp nhận nó, xử lý nó, gạt bỏ nó. Nói vậy cũng có nghĩa là khi gặp bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, gian khổ thì không được trốn tránh vì trốn tránh không giải quyết được vấn đề, chỉ có dùng trí tuệ để gánh vác trách nhiệm mới có thể vượt qua vấn đề nan giải một cách đúng nghĩa.
Để đạt được sự an định trong lòng chúng ta nên tiếp nhận quan niệm bảo vệ môi trường tâm linh, tức là ít dục vọng và biết hài lòng với những gì mình có. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, không dễ dàng để làm được ngay, càng không dễ lúc nào cũng làm được điều này, nhưng nếu không ngại tập luyện hàng ngày thì dần dần sẽ có được sự an tâm.
III. Ba phương pháp bảo vệ môi trường tâm linh
Phương pháp tọa thiền, niệm Phật trong Phật giáo có thể làm cho tâm con người an định tự nhiên.
Biết hổ thẹn, biết tự kiểm điểm và biết sám hối sai lầm của mình, giống như nhà nho đã nói: “Mỗi ngày ta tự phản tỉnh ba lần”. Thực tế, một ngày tự kiểm điểm ba lần vẫn chưa đủ mà lúc nào cũng phải biết trong thâm tâm mình muốn gì, làm gì.
Thường dùng thái độ biết ơn để đối đãi với mọi người, mọi sự vật trong môi trường, hoàn cảnh sống, dốc sức cống hiến phục vụ, mục đích là để trả ơn.
Dùng ba phương pháp trên để thực hiện việc bảo vệ môi trường tâm linh, giúp chúng ta an định thân thể và nội tâm trong bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ nơi đâu; đấy cũng chính là tự hoàn thiện nhân cách, mang đến sức mạnh an định cho xã hội, cho nhân dân.
Cuộc đời cần hơi ấm tình người, xã hội cần sự chăm sóc, nếu người người biết tự an định bản thân, tự khắc có thể làm an định người khác, do vậy mọi người phải bắt tay hợp tác với nhau, cùng xây dựng một xã hội an định.