Việc làm trong sáng nhân tâm – làm trong sáng lòng người và làm trong sạch xã hội không phải đến ngày nay ta mới cần có, mà nó cần có ngay từ khi hoạt động xã hội của loài người xuất hiện và cũng là một trong những hoạt động cố gắng thúc đẩy phát triển từ sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni thành Phật.
Nói tới việc khơi dậy ánh sáng trong lòng người, trước hết phải giải thích về ý nghĩa của chữ “ánh sáng”. Gọi là “ánh sáng” ở đây chỉ trí tuệ trong sáng hoặc những niềm hi vọng chính đáng, cũng có thể nói đây là tấm lòng từ bi nhân từ và vẻ mặt rạng rỡ tin yêu hạnh phúc của con người; nói một cách sâu xa hơn, nó chính là thứ gì đó hội tụ đầy đức tính, hình hài dáng vẻ của Đức Phật, và những đặc tính đó chỉ được nhận ra bằng sự giác ngộ.
I. Ánh sáng và bóng tối là hai khái niệm đối lập nhau
Ánh sáng được cho là hiệu ứng chiếu sáng của những tia sáng lung linh, bản thân nó không những không hấp thụ các tia sáng mà còn có thể đem tia sáng chiếu trực tiếp và phản xạ lên đồ vật. Cũng giống như mặt trời, mặt trăng, các vì sao, ngọn lửa đều mang đến ánh sáng cho thế giới tự nhiên. Bản thân ánh sáng là một loại năng lượng bởi nó có thể sản sinh ra nhiệt nóng, và nhiệt này sinh ra năng lượng mới, khi có năng lượng thì nó có thể mang lại cho con người những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống.
Ngược lại, nếu là bóng tối thì không những không phát quang mà còn hấp thụ ánh sáng, do đó là ánh sáng và bóng tối là hai khái niệm đối lập nhau, những nơi có sự hiện hữu của bóng tối thì ánh sáng tất sẽ bị hấp thụ hoặc bị ngăn cản lại. Trên sân khấu của nhân loại, ánh sáng và bóng đêm loại trừ lẫn nhau, cái này tồn tại thì cái kia biến mất và ngược lại, cứ như thế tiếp tục thay đổi không ngừng nghỉ.
Trong thế giới của chúng ta, từ cổ chí kim, có rất nhiều người hành thiện tích đức, có rất nhiều vỹ nhân đều có một thời tỏa sáng huy hoàng, đem sức mạnh và cống hiến của họ dâng lên cho xã hội quần chúng, và kết quả là thế hệ sau như chúng ta thậm chí những thế hệ vô cùng vô tận sau này, tất cả nhân loại chúng sinh đều được hưởng ân huệ mà họ tạo ra.
Có một loại người tự thân có thể tạo ra được sự tỏa sáng huy hoàng, nhưng cũng có những người tỏa sáng bản thân nhờ vào người khác, cũng giống như tôi không có chút ánh hào quang nào, chỉ có thể mượn ánh hào quang của Phật pháp chiếu vào chúng sinh. Do đó mà dù bản thân không có tài cán gì, nhưng chỉ cần có cái tâm thì ta vẫn có thể tỏa sáng nhờ vào người khác. Có rất nhiều người dựa dẫm vào thành quả và sự nổi tiếng của người khác để nổi danh mà vẫn chưa cảm thấy mãn nguyện hài lòng, không ngừng buồn phiền lo âu.
Tuy thành quả cống hiến và sự cố gắng của người đời hay bị kẻ xấu khai trừ, nhưng những ai có lòng tự tin, có năng lực thực sự vẫn không ngừng tỏa ra những tia sáng thành công và năng lượng của mình để cùng chia sẻ với thế giới, với nhân loại ví như các bậc thánh hiền, anh hùng hào kiệt trong lịch sử xa xưa. Đôi khi có nhiều người tuy tỏa sáng vang danh thiên hạ nhưng lại bị kẻ xấu hãm hại liền cảm thấy thất vọng tràn trề, bất lực, tự trách móc bản thân, và rất dễ rút lui, không có chí tiến thủ. Những người như thế được xếp vào hạng phàm phu.
Dưới quan điểm của Phật pháp, dù là kẻ phàm phu hay người đọc sách thánh hiền, về cơ bản đều có thứ ánh hào quang, nhiệt lượng, năng lượng, năng lực ngang bằng nhau. Đặc biệt là những tín đồ theo đạo Bồ-tát, trong tâm họ luôn luôn tồn tại tâm nguyện chịu khổ chịu nạn cho chúng sinh, luôn thề nguyện dốc hết sức lực, sinh mệnh của bản thân vì chúng sinh, đem hết khả năng giúp đỡ người khác mà không hề than thân trách phận, không hề ai oán. Họ giống như mặt trời không ngừng tỏa sáng chiếu khắp nhân gian, không hề sợ hãi trước những đám mây đen kịt kéo đến. Do đó mà chúng ta cần noi theo nhật, nguyệt, tinh tú và cả những chiếc đèn cầy nhỏ bé không ngừng tỏa sáng dù nơi đó có con người sinh tồn hay không, có ai biết đến hay không hoặc có ai ngăn cản hay không, nhất tâm nhất ý dốc toàn sức lực chiếu rọi nhân gian.
Có thể có người cho rằng bản thân mình không có chút ánh sáng hào quang nào, nhưng thực tế, ánh sáng đó được phát rọi ra từ chính trong tâm họ, chỉ cần tự tin, cố gắng hết sức, đối đãi nhân nghĩa với người khác, có lòng từ bi ắt ánh sáng đó sẽ tự phát ra, và tôi biết rằng thứ ánh sáng đó ai ai trong chúng ta đều có, chỉ có điều nó tỏa sáng trong bao lâu với cường độ sáng như thế nào mà thôi.
II. Ánh sáng của luân lí và sự công bằng, chính trực luôn soi rọi vào xã hội
Trong thời đại ngày nay, với con người hiện đại thì khái niệm về luân lí là điều cổ xưa nhưng hết sức mới lạ, thậm chí nhiều thanh thiếu niên còn có thái độ kháng cự chống đối. Mọi người không hiểu rõ vấn đề nằm ở chỗ nào và còn rất mơ hồ về quan niệm luân lí mới. Vì vậy chúng ta thực sự cần thiết đưa ra những điều chỉnh hợp lí, thích hợp giữa đạo đức cũ và luân lí mới.
Rất nhiều người lớn tuổi khi gặp tôi thường đưa ra ý kiến rằng ta nên đề cập đến vấn đề đạo đức luân lí, bởi giới trẻ ngày nay có rất ít người hiểu được việc hiếu thuận với cha mẹ, tôn trọng người lớn tuổi, và vô lễ với cấp trên. Vì vậy họ hi vọng khi tôi diễn thuyết hoặc tiếp đón các giới truyền thông nên giảng giải nhiều hơn về vấn đề này; nhưng luân lí mà con người ngày nay nhắc tới có chút gì đó khác biệt với quan niệm xưa kia. Luân lí trước kia chỉ là đơn phương yêu cầu đối phương làm hết trách nhiệm, còn luân lí ngày nay lại yêu cầu sự hỗ trợ hoạt động qua lại của hai bên, và đây cũng chính là quan điểm đúng đắn của Phật giáo.
Gần đây có một nam thanh niên khoảng ngoài 20 tuổi bị cha mẹ mời cảnh sát áp giải anh ta đến bệnh viện tâm thần nhiều lần. Và anh thanh niên này đến tìm tôi, than thở rằng : “Thực ra cháu không hề mắc bệnh tâm thần, nhưng bố mẹ cứ cho là cháu bị tâm thần”. Tôi liền khuyên nhủ anh ta rằng : “Lời dạy người xưa có câu: những gì cha mẹ làm đều là vì tốt cho con cái”. Anh ta liền nói rằng : “Câu này hoàn toàn sai đối với cha của cháu, cháu là con trai của ông ấy mà ông ấy lại bắt cháu vào bệnh viện tâm thần, làm sao lại có người cha như thế chứ?”. Sau đó tôi hỏi lại anh ta: “Vậy thì rốt cuộc vì lí do gì mà sự tình đến nỗi này?”. Anh ta bảo rằng : “Bởi vì cháu thi ba năm mới đậu được đại học, hơn nữa cháu không thích học ở trường đó, và có dự định muốn thi lại vào năm tới, cha cháu liền cho đó là hành vi không bình thường, có vấn đề về thần kinh”. Và từ đó anh ta đều thi không qua các môn học ở trường, nguyên do là vì sao vậy? Đó là bởi anh ta đối phó chống lại việc học, anh ta học hành như vậy rốt cuộc là vì bản thân mình hay là vì cha của anh ta?
Về chuyện này, xét dưới góc độ lập trường của người cha mà nói thì đứa con đó mắc bệnh thần kinh. Nhưng dưới góc độ của đứa con đó thì hành vi của người cha là hoàn toàn sai, đây quả đúng là một người cha quá mong muốn con thành tài nhanh chóng, gấp gáp, không hiểu cách nghĩ, cách tư duy và quan điểm của con mình, và hậu quả là sự phản kháng kịch liệt của người con.
Thêm một ví dụ khác, con trai muốn kết hôn nhưng cha mẹ lại phản đối, khiến cho giữa cha con xảy ra mâu thuẫn, thậm chí còn cắt đứt quan hệ cha con. Cha mẹ cậu thanh niên đó có đến tìm tôi, tôi nói rằng : “Bây giờ người muốn kết hôn là hai vị hay là thiếu gia nhà hai vị? Đối tượng mà con cái muốn chung sống kết hôn cùng là đối tượng phù hợp với tiêu chuẩn mà anh ta đề ra mà!”. Họ liền phản bác lại: “Không thể được, là con trai của chúng tôi thì phải nghe lời chúng tôi”. Kết quả là đứa con này bỏ nhà ra đi. Sau đó, đôi vợ chồng này lại đến tìm tôi lần nữa, tôi liền nói với họ rằng : “Hãy tự để con trẻ quyết định cuộc sống hôn nhân của chúng đi!”. Họ liền hỏi lại tôi: “Lẽ nào để chúng kết hôn là xong chuyện sao?”. Tôi mới khuyên rằng : “Lo lắng thì sẽ có chuyện, còn buông lỏng thì sẽ chẳng sao”. Cuối cùng cậu thanh niên đó đem cả bạn gái đến gặp tôi, tôi hỏi: “Sau khi anh chị kết hôn thì liệu có thể chăm sóc cha mẹ được không ?”. Đôi vợ chồng trẻ liền đáp: “Đương nhiên là có thể”. Và tôi cũng khuyên họ sau khi kết hôn cần phải kính trọng và giúp đỡ lẫn nhau, chịu khó chăm lo gia đình, đừng để cha mẹ nói rằng anh chị kết hôn sẽ không có hạnh phúc, sau khi nghe những lời khuyên này đôi thanh niên nam nữ này liền cảm động rơi lệ. Quả nhiên sau vài năm kết hôn, cả gia đình sống đầm ấm vui vẻ bên nhau, hiện bây giờ gia đình đã có ba đời là đời ông – bà, đời cha – mẹ và đời con cái, họ cũng thường lui tới chùa của chúng tôi bái Phật.
Những bậc cha mẹ như vậy không có gì là sai trái nếu chiếu theo quan niệm luân lí trước kia. Lệnh cha lệnh mẹ và lời mai mối hôn nhân là điều hết sức bình thường trong xã hội cũ, nhưng trong xã hội ngày nay, chưa chắc nó đã đúng. Con người hiện đại ngày nay nên tôn trọng những đứa con đã đến tuổi trưởng thành, để chúng có quyền tự quyết định lựa chọn của mình, bậc cha mẹ quan tâm đến hôn sự của con cái cũng chỉ nên đóng góp ý kiến, tuyệt đối không nên bắt ép con cái phải tuân theo sự sắp xếp an bài của mình.
Tuy quan niệm luân lí hiện đại ngày nay có mối quan hệ mật thiết tới đời sống con người, nhưng nó cần phải có phạm vi cụ thể, ví như trách nhiệm, quyền lợi của cha mẹ chỉ nên giới hạn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, đó cũng chính là việc quan tâm và được quan tâm, tôn trọng và được tôn trọng, nếu vượt qua khỏi phạm vi này ắt sẽ không kiểm soát được và dẫn đến mâu thuẫn đối lập, bất đồng quan điểm, như vậy càng không phải là luân lí công bằng, hợp tình hợp lí nữa.
Ngoài ra, giữa con người với nhau nên đứng trên lập trường của chính mình, dốc hết khả năng, sức lực làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình ở mọi nơi, mọi lúc. Ví như người mẹ, vừa là vợ, vừa là con gái, con dâu, mẹ chồng, học sinh, cô giáo, bà chủ, hay nhân viên, trong từng trường hợp khác nhau thì có thân phận khác nhau. Nếu có thể hoàn thành tốt trách nhiệm, nhiệm vụ của bản thân dưới cương vị nhiều thân phận khác nhau trong nhiều hoàn cảnh khác nhau thì có nghĩa là họ đã biến mối quan hệ luân lí trở thành hiện thực.
Nhưng tuyệt đối không được đứng trên lập trường của mình, dựa vào thân phận mình mà yêu cầu người khác. Ví như việc cha mẹ chỉ biết yêu cầu con cái phải làm như thế này, hoặc người vợ yêu cầu người chồng phải làm như thế kia mà không hề tự hỏi lại bản thân, điều đó đã mang lại nhiều điều bất an, sự quấy nhiễu và bất bình cho những người xung quanh. Nếu mỗi cá nhân chúng ta có thể tự yêu cầu bản thân phải làm hết trách nhiệm thì thế giới này sẽ là thế giới của sự quang minh bởi làm hết trách nhiệm sẽ phát ra thứ ánh sáng hào quang tỏa ra nhiệt lượng mạnh mẽ truyền đi sự ấm áp cho tình người.
Có lần tôi tham gia một hội nghị quốc tế và ngồi cạnh một vị ni cô. Vị ni cô này có lúc thì lên sân khấu diễn thuyết, có lúc thì làm chủ tịch tổ chức hội nghị, còn tôi thì ngồi im tại vị trí dành cho khán giả nghe. Một đồ đệ của tôi nhìn thấy tình cảnh này, và khi trở về nói với tôi rằng : “Sư phụ, thầy không phải nghiên cứu về giới luật sao? Sao mà vị ni cô đó ngồi ở ghế hàng trên, có lúc ngồi ở giữa, sư phụ lẽ ra phải ngồi trước vị ni sư đó, nhưng lại ngồi sau thậm chí ngồi cạnh vị ấy nữa, thế này thì còn thể thống gì nữa?”. Thực ra tôi không hề sai! Là đồ đệ của tôi đã sai, bởi vị ni cô đó là người triệu tập hội nghị, bà ấy là chủ tịch hội nghị thì đương nhiên bà ấy phải ngồi ghế chính. Mối quan hệ giữa khách và chủ, thực chất là một loại hình luân lí; ta nên quan sát thân phận trong từng hoàn cảnh lúc đó mà đối đãi cho đúng với luân lí, không thể cứng nhắc. Trong thời đại Phật Thích Ca Mâu Ni, khoảng trước khi chưa có ni cô xuất hiện trong giới tăng ni và người thường theo lệ thì không có chuyện ni cô lên diễn thuyết hoặc chủ trì hội nghị. Nhưng xã hội hiện đại ngày nay lại khác, đây là quan hệ luân lí mới mẻ, nhưng nó công bằng và hợp lí.
Xã hội ngày nay của chúng ta vô cùng phức tạp, nhưng cũng có trật tự giáo điều rõ ràng. Những giáo điều đó chính là luân lí, nếu trong luân lí không tồn tại già trẻ, trên dưới thì xã hội đã loạn từ lâu. Một người trong hoàn cảnh khác nhau hoặc trong cùng một hoàn cảnh thì có thân phận và lập trường khác nhau với người khác, ví như làm hết, làm đủ trách nhiệm, an phận thủ thường thì xã hội này không cần phải đề phòng lẫn nhau, ngược lại hết sức hòa đồng, đoàn kết, yên bình, ai ai cũng tỏa ra ánh hào quang từ trong tâm mình.
Xã hội loạn lạc và mất trật tự chính là nguyên nhân dẫn đến sự phá vỡ quan niệm về luân lí. Tôi hi vọng mọi người có thể tự biết thân biết phận làm tròn trách nhiệm, bổn phận thì xã hội này sẽ ngày càng trở lên tốt hơn. Khi cái tâm của con người phát ra ánh hào quang, thì vùng đất xung quanh họ cũng sẽ trở thành cõi Niết bàn.
III. Sự hổ thẹn, sám hối và lòng biết ơn sẽ soi rọi ánh sáng vào trong lòng người
Một người nào đó nếu không biết hổ thẹn hay sám hối tức là anh ta không biết tự thức tỉnh, không biết kiểm điểm bản thân mình, và là kẻ không tự nhận thức được mình là ai. Trong tâm loại người này không hề le lói một tia sáng nào. Ánh sáng có tác dụng chiếu sáng vào vật thể, nếu có thể tự hiểu mình và hiểu biết người cũng như sự vật xung quanh thì đó chính là đạo lí “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Vì sao lại cần phải biết mình trước, còn biết người khác sau? Bởi một người nào đó không thể hiểu hết được mình, chỉ biết được ưu điểm mình có, mà cố gắng che đậy khuyết điểm xấu xa thì rất dễ khuếch trương, và trở thành kẻ kiêu ngạo, tự cao tự đại, tự cho mình là số một, làm gì cũng đúng. Làm như vậy không những ngăn cản hào quang phát sáng mà còn dễ bề khinh bỉ kẻ khác, đây chính là loại người ngu ngốc nhất, và tất nhiên sẽ không được mọi người đón nhận trừ phi chúng đem lại lợi ích cho kẻ khác, hoặc những kẻ ton hót nịnh bợ vây quanh. Họ không thể dùng cái đức khiến người khác phục tùng, và do không có cái tâm trong sáng nên không thể dùng trí tuệ soi sáng cho chúng sinh được.
Có lần, trong một cuộc hội thảo về phương pháp tu hành ngồi thiền bảy ngày, có một vị tri thức xuất sắc mới khoảng ngoài 30 tuổi đã trở thành giáo sư và đưa ra báo cáo như sau: Trước khi tiến hành tu thiền bảy ngày, vị giáo sư này luôn nghĩ rằng mình là người tốt có nhân phẩm, đạo đức cao thượng, ngay cả những người xung quanh anh ta cũng tán đồng ý kiến này. Nhưng sau khi thời hạn bảy ngày kết thúc, anh ta mới phát hiện bản thân mình không phải là người tốt đến như vậy. Bởi trước kia anh ta chỉ biết dùng quan điểm, cách nghĩ của mình giúp đỡ người khác mà ít khi suy xét đến nhu cầu thực sự của đối phương, anh ta đã bỏ qua cảm nhận trong lòng của người được giúp đỡ. Trong quá trình ngồi thiền bảy ngày, sư phụ mới gợi ý rằng cần phải tôn trọng người khác, tha thứ cho họ, không được đem chiếc giày mình đeo quen rồi bắt người khác cũng phải đeo. Lúc này anh ta mới tự thức tỉnh mình rằng, thì ra việc giúp đỡ người khác trước kia thực ra cũng chỉ là khoa trương bản thân mình mà thôi.
Tôi liền ca ngợi anh ta rằng : “Anh vốn dĩ là một người tốt, sau khi tham gia tu ngồi thiền bảy ngày tôi thấy anh tiến bộ lên rất nhiều, anh đã hiểu được việc tự thức tỉnh bản thân, tự kiểm điểm và tấm lòng giúp đỡ người khác của anh sẽ càng thiết thực hơn”. Anh ta bèn đối đáp lại: “Thật đáng xấu hổ!”.
Một người sau khi tu hành có thể tự nhận ra lỗi lầm và tự thấy hổ thẹn, tự biết kiểm điểm bản thân khiến cho nhân cách của anh ta ngày càng được nâng cao, khiến cho tia sáng nhỏ bé đang le lói trong tâm càng lớn mạnh hơn, khiến người đời càng thấy cảm động hơn, và cũng từ đó tạo cho anh ta cảm giác mình là người có nhân có đức.
Một trong bốn vị đại sư Trung Quốc có tầm ảnh hưởng lớn thời hiện đại có tên là Ấn Quang đại sư - tự phong cho mình danh hiệu là “thường tàm quý” - tức “hay hổ thẹn”, ý nói ngài thường hay hổ thẹn với bản thân. Các cao tăng như đại sư Ấn Quang thường luôn cảm thấy hổ thẹn với lòng mình, những người dân thường thì sao?
Sau khi tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ “hổ thẹn”, thì xin chúng sinh hãy dùng phương pháp này tự thức tỉnh mọi hành vi cử chỉ của bản thân, có như vậy ánh hào quang trong tâm mỗi chúng ta mới ngày càng mạnh mẽ hơn, và giúp ích nhiều hơn cho chính bản thân mình và người khác. Ví như người mẹ dạy dỗ con cái, khi giảng giải đạo lí cho các con nghe nhưng bất lực trước hành vi của con trẻ liền đánh đập chúng, nhưng sau khi bình tĩnh họ lại thấy hối hận vì đã đánh con, lúc này có thể nói rõ cho chúng hiểu nguyên nhân vì sao mẹ lại đánh và nói với chúng rằng mẹ thấy hối hận vì những việc mình làm, chắc chắn bọn trẻ không còn phẫn nộ và sợ hãi nữa, ngược lại chúng sẽ cảm nhận được tình thương bao la mà người mẹ dành cho mình. Còn về phía con cái, sau khi bị cha mẹ đánh đòn cũng không nên tức giận phẫn nộ mà nên tự hỏi xem mình đã làm sai chuyện gì, bởi những hành vi sai trái do mình gây lên sẽ khiến cha mẹ buồn lòng, và cũng nên biểu đạt rõ ý sám hối, ăn năn về hành vi sai trái đó.
Nếu giữa cha mẹ và con cái thường xuyên dung hòa mối quan hệ, luôn luôn ý thức được sự hổ thẹn về hành vi không đúng của mình thì dù có rơi vào tình cảnh xung đột gay gắt cũng có thể biến chiến tranh thành hòa bình, và mối quan hệ giữa hai thế hệ ngày càng hòa đồng hơn, hạnh phúc gia đình ngày càng được củng cố, sum vầy ấm áp bên nhau, và đặc biệt là rất có lợi trong việc giáo dục con cái. Còn giữa vợ chồng với nhau thường xuyên giữ được ý thức tự thức tỉnh bản thân và cảm giác hổ thẹn thì chắc chắn họ sẽ có một cuộc sống vợ chồng viên mãn hòa thuận.
Tuy nhiên chỉ có sự hổ thẹn thôi vẫn chưa đủ, mà còn cần hơn nữa là hiểu được ăn năn sám hối. Trong Phật học, có hai danh từ thường dùng để chỉ cái nghiệp của chúng sinh, đó chính là nghiệp trắng và nghiệp đen. Nghiệp trắng chỉ thiện nghiệp - tức chỉ cái thiện, chỉ công đức mình tu được, là sự quang minh chính đại. Còn nghiệp đen chỉ tội lỗi, tội ác xấu xa, chỉ sự mờ ám tối tăm. Sám hối tức là làm cho cái xấu xa tội lỗi chuyển hóa thành cái thiện, và khiến cái thiện trở thành cái thiện hơn, tỏa ánh hào quang của trí tuệ, của nhân cách, soi rọi rõ đường đi nước bước cho người khác.
Nếu trong lòng có việc làm trái lương tâm, hổ thẹn với người đời, chỉ cần ta dũng cảm đối diện, nhận lỗi thì mọi gánh nặng, áp lực sẽ giảm đi rất nhiều, đó mới chính là công năng tác dụng của sám hối. Khi bản thân tự giác ngộ mình đang mang nhiều nghiệp ác, sau khi sám hối thì trong lòng ta sẽ cảm thấy thanh thản nhẹ nhõm hơn rất nhiều, sức khỏe cũng được cải thiện, đây cũng chính là quá trình chuyển từ bóng đêm sang ánh sáng hào quang.
Với việc sám hối, ngoài tự nhận mọi tội lỗi do mình gây ra cần phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả, trách nhiệm mà hành vi đó mang lại, đồng thời phải hạ quyết tâm hướng thiện sửa chữa lỗi lầm, nhất quyết không để tái phạm lỗi lầm tương tự nữa. Nhưng kẻ phàm phu tục tử thường gây ra lỗi lầm mà không biết mình đã sai, dù có biết cũng cho rằng nhân vô thập toàn, không ai là hoàn toàn không mắc sai lầm cả. Điều đó chỉ có tính chất tự an ủi bản thân mà thôi. Những kẻ biết sai mà không sửa gọi là kẻ không biết sám hối. Còn người biết sám hối nhất định là người biết hổ thẹn. Do vậy mà sau khi phát hiện lỗi lầm và cảm thấy hổ thẹn cần phải sám hối, có như vậy mới sửa chữa được khuyết điểm của mình và không còn tái phạm nữa.
Sám hối, nhẹ thì tự trách móc bản thân, quyết tâm sửa đổi, còn nặng hơn nữa thì sám hối với Đức Bồ-tát từ bi, cầu mong ngài chứng giám cho việc bản thân mình tự gánh vác mọi trách nhiệm, lập công chuộc tội. Người ta thường nói, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người quay lại, chúng ta cũng vậy, đều nên tạo cơ hội mới cho những người biết sai mà sửa chữa chứ không nên ép buộc họ vào con đường cùng, ngay cả Đức Phật, Bồ-tát còn chứng minh chứng giám cho điều này, thì có lẽ nào chúng ta lại không làm được. Và việc sám hối trước Đức Bồ-tát từ bi sẽ hiển linh trước khi nghiệp chướng xảy đến.
Tác dụng của sám hối là rất to lớn. Nó có thể nâng cao phẩm chất cho con người, giúp họ tự nhận ra lỗi lầm, và cũng tạo hiệu ứng ảnh hưởng khiến người khác học tập noi theo. Người ta sẽ thấy trong lòng nhẹ nhõm, thanh thản hơn sau khi sám hối về hành vi sai trái, lỗi lầm của mình. Đồng thời mọi áp lực về mặt xã hội cũng giảm đáng kể, quả báo phải gánh chịu cũng ít đi, và đặc biệt đem lại nhiều lợi ích cho hạnh phúc gia đình, thăng tiến trong sự nghiệp, và sự hòa thuận trong xã hội. Do đó mà mỗi cá nhân chúng ta phải luôn luôn giữ được lòng sám hối trong tâm mình.
IV. Nhìn lại mình bằng lòng hổ thẹn, nhìn nhận thế giới bằng lòng biết ơn
Phật pháp có tám vạn bốn nghìn phương pháp tu hành, có thể nói là vô số vô lượng. Bởi con người có vô vàn phiền não và rắc rối, vì vậy, Phật pháp cũng phải có tương ứng vô vàn phương pháp giải quyết rắc rối đó dưới nhiều góc độ khác nhau. Còn việc làm sao để nội tâm phát ra ánh hào quang thì có rất nhiều cách, ngoài hổ thẹn và sám hối, ta còn có thể dùng lòng biết ơn để nhìn nhận thế giới này.
Rất ít người nhớ đến ân huệ mà người khác dành cho mình, ngược lại họ thường hay ghi nhớ công sức và sự cố gắng nỗ lực mình bỏ ra là bao nhiêu. Thực ra, nếu suy nghĩ tường tận thì những gì mỗi người đầu tư công sức bỏ ra là nhỏ bé, nhưng thành quả đạt được lại thật nhiều. Ví như về mặt thời gian thì khi bài viết này hoàn thành sẽ có lịch sử 2.500 năm bởi nguồn gốc Phật pháp trong tôi bắt nguồn và hình thành dần từ những tri thức về cái thiện của thời sư phụ, sư tổ của tôi, thậm chí từ cả thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bởi một người không thể tự trở thành cao tăng hay sư tổ được. Xét về mặt không gian, sự in ấn, xuất bản, phát hành của bài viết này là kết quả từ chính sự đóng góp lớn lao sức người sức của cùng với trí tuệ, tâm lực của biết bao con người.
Cho nên bất cứ việc gì đều có mối nhân duyên tương quan của riêng nó, vì thế mà chúng ta có được ân huệ của vô vàn chúng sinh. Dù là một hạt thóc nhỏ bé nhưng cũng đủ để đại diện cho sự cống hiến, mồ hôi công sức của nhiều người. Chu Tử răn dạy người đời rằng : dù là miếng cơm hay miếng cháo, ta đều phải biết có được nó không dễ dàng gì, dù là sợi tơ hay sợi chỉ thì cũng phải gian khổ mới tạo ra được nó. Đây cũng chính là quan niệm biết ơn, uống nước nhớ nguồn của nhân gian.
Một khi trong tâm luôn có quan niệm biết ơn người khác thì ta luôn nghĩ đến việc làm sao để đền đáp công ơn này. Còn nếu muốn báo ơn nhất thiết bản thân phải tự trưởng thành, tự hoàn thiện, có nghĩa là từ trong lòng mình ta phải tự biết cách phát ra ánh sáng của sự từ bi, ánh sáng của trí tuệ, khiến cho con người của ngày hôm nay và con người của mai sau nhìn thấy nó, được hưởng thơm lây và giúp họ phát ra hào quang của chính bản thân mình.