Binh pháp của Tôn Tử thường được nghiên cứu trong điều hành và lãnh đạo, và mọi nhà quản lý đều công nhận lý lẽ trong đó. Tôn Tử đòi hỏi tướng lĩnh có những phẩm chất như can đảm, cương quyết, nhìn xa thấy trước, tổ chức kỷ luật, có khả năng quản lý các nguồn lực và nhạy cảm trước tình hình binh sĩ. Bên cạnh đó, họ còn phải đối xử đúng đắn với bại binh, như đã nêu trong chương trước. Tôn Tử không chỉ bận tâm đến việc chiến thắng những trận chiến trước mắt. Cũng như bạn, ông quan tâm đến cả cuộc chiến lâu dài.
Tôn Tử mang đến nhiều điều đáng suy ngẫm cho các nhà lãnh đạo đang tìm cách vượt qua những thách thức mà nhiều doanh nghiệp nhỏ đã chịu thua, chẳng hạn như thất bại trong việc tăng thu nhập, mất tập trung, cho phép sự phân tán quyền lực trong hàng ngũ và vấn đề quản lý kém các nguồn tài nguyên. Doanh nghiệp nhỏ chỉ có thể thực hiện được đại chiến lược của mình dưới sự lãnh đạo của một nhà cầm quân tài giỏi.
“Tướng soái” có nghĩa là người đứng đầu, thống lĩnh quân đội. Từ này cũng có nghĩa là một chức vụ chính thức, như thống đốc hoặc quận trưởng trong dân sự. Trước đây, vị chủ tướng mà Tôn Tử phụng sự là nhà cầm quyền dân sự, cai quản cả về dân sự lẫn quân sự. Thuật ngữ này đại thể tương đương với thống đốc tỉnh (proconsul) của đế chế La Mã. Tôn Tử đã nói:
Tướng giả, trí, tín, nhân, dũng, nghiêm dã.
Dịch ý: Tướng soái phải có các đức tính là mưu trí, thành tín, nhân từ, dũng cảm, nghiêm minh.
Chúng ta sẽ nghiên cứu lời dạy Tôn Tử dựa trên những đức tính này.
ĐỨC TÍNH THỨ 1: MƯU TRÍ
Hướng dẫn của Tôn Tử về mưu trí của nhà lãnh đạo rất sâu sắc và đầy ý nghĩa. Bạn có đang làm theo những nguyên tắc sau đây không?
Tối đa hóa các nguồn lực
Cố thiện dụng binh giả, khuất nhân chi binh nhi phi chiến dã, bạt nhân chi thành nhi phi công dã, hủy nhân chi quốc nhi phi cửu dã.
Dịch ý: Vậy nên người giỏi dùng binh không đánh mà vẫn khuất phục được địch quân, vẫn hạ được thành lũy của đối phương, phá được đất nước đối phương mà không cần tham chiến lâu dài.
Tướng lĩnh khôn ngoan là người luôn mong muốn “không chiến mà thắng”. Đây là một chủ đề quan trọng của Binh pháp và cũng là chủ đề có thể thách thức các khái niệm được xem là mặc định đối với một cuốn binh thư. Làm sao để bạn đánh bại đối thủ mà không phải giao chiến? Câu trả lời nằm ở việc tận dụng tuyệt đối các nguồn lực trong doanh nghiệp của mình để đánh bại nguồn ngân sách dồi dào hơn của đối thủ. Nếu khả dĩ, bạn có thể mua lại đối thủ cạnh tranh. Bạn có thể đổi mới sản phẩm để giành khách hàng mà không phải sa vào một cuộc chiến hỗn độn. Hãy chọn dùng và độc chiếm các nhà cung cấp tốt hơn. Hãy tìm những cách thức rẻ và tốt hơn để đưa sản phẩm ra thị trường. Hãy tuyển dụng và giữ chân nhân tài. Hãy tạo ra mạng lưới khách hàng trung thành, những khách hàng mà đối thủ không thể dụ dỗ hay lôi kéo.
Hãy luôn tìm cách chọn chiến lược sao cho phù hợp nhất với lời dạy của Tôn Tử và tận dụng tối đa các nguồn lực hạn hẹp trong doanh nghiệp nhỏ của bạn. Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ có cơ hội chưa từng có tiền lệ để tiếp cận các lựa chọn tiếp thị và quảng cáo chi phí thấp. Điều này có thể tạo ra tỷ lệ lợi nhuận trên đầu tư(29) lớn cho những doanh nghiệp lựa chọn và sử dụng chúng một cách khôn ngoan. Trên thực tế, các phương tiện truyền thông xã hội đang có sức ảnh hưởng sâu rộng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Cũng như mọi sáng kiến khác, nếu sử dụng những nguồn lực này thì hãy chắc chắn rằng chúng được tích hợp vào kế hoạch chiến lược toàn diện để mọi nguồn lực của doanh nghiệp đều tập trung và vận hành theo cùng một hướng đến mục tiêu đã được xác định rõ.
(29) ROI (Return on Investment) là tỷ lệ lợi nhuận thu được so với chi phí bạn đầu tư. Có thể hiểu ROI một cách đơn giản chính là chỉ số đo lường tỷ lệ những gì bạn thu về so với những gì bạn phải bỏ ra.
Ngoài ra, khi nói đến vấn đề tối ưu hóa các nguồn lực, đừng mắc phải sai lầm phổ biến là quá chú trọng tới việc lôi kéo khách hàng mới mà quên đi tầm quan trọng của việc tận dụng triệt để các khách hàng cũ và hiện hữu. Sự thiếu sót dại dột và tai hại này xảy ra quá thường xuyên. Do đó, những doanh nghiệp nhỏ nào đang tìm cách vượt lên mọi đối thủ khác không được phạm sai lầm này, để rồi phải hy sinh bất cứ thành tựu nào mà mình đã đạt được.
Sử dụng khôn ngoan các nguồn lực là yếu tố rất cơ bản:
Cố viết: minh chúa lự chi, lương tướng tu chi.
Dịch ý: Người xưa có câu: Bậc minh quân biết lo liệu kế sách từ trước, vị tướng tài biết bồi dưỡng các nguồn lực của mình.
Nhà lãnh đạo sáng suốt là người không cho phép lực lượng nhỏ và yếu của mình chiến đấu trực diện với những thế lực lớn và mạnh mẽ hơn:
Tướng bất năng liệu địch, dĩ thiểu hợp chúng, dĩ nhược kích cường, binh vô tuyển phong, viết bắc.
Dịch ý: Tướng lĩnh không phán đoán được chính xác sức mạnh của địch, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, tác chiến lại không có lực lượng tinh nhuệ thì ắt thảm bại.
Cung cấp tài nguyên hợp lý
Ở những doanh nghiệp nhỏ, nhân viên thường phải sẵn lòng chấp nhận tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên giới hạn. Những công ty lớn có nhiều công cụ phần mềm tinh vi hơn và cơ sở hạ tầng tốt hơn. Dù có quy mô nhỏ hơn, nhưng bộ phận lãnh đạo của các doanh nghiệp nhỏ vẫn phải cung cấp cho đội ngũ nhân viên đủ các nguồn lực mà họ cần để hoàn thành công việc, ngay cả khi đó là chiếc xe lớn, cồng kềnh nhưng tiết kiệm chi phí, thay vì chiếc xe thể thao mới, sáng bóng dành cho người sành điệu. Và nhà lãnh đạo phải lắng nghe nhân viên khi họ nói lên điều họ cần. Tôn Tử từng nói rằng có ba cách mà “vua có thể gây bất lợi cho việc quân”. Một trong số đó là:
Bất tri, quân chi bất khả dĩ tiến nhi vị chi tiến, bất tri quân chi bất khả dĩ thoái nhi vị chi thoái, thị vi mi quân.
Dịch ý: Hạ lệnh cho quân tiến lên hoặc thoái lui mà không biết rằng quân không thể tuân lệnh, đó là trói buộc quân đội.
Chính vì vậy, doanh nghiệp phải có đủ nguồn lực cần thiết để thực hiện yêu cầu từ chính các nhà lãnh đạo của mình.
Bày ra mưu lược khó đoán
Trong Chương 3, Hiểu rõ chính mình, chúng ta đã nghiên cứu chỉ dẫn của Tôn Tử về cách đối đãi với nhân viên. Nhà lãnh đạo tài giỏi phải biết sử dụng khôn khéo các nguồn lực để bảo đảm thuộc cấp không bị yêu cầu làm những việc vượt quá khả năng của mình. Thay vào đó, người đó phải tích lũy sức mạnh để những nguồn lực này có thể phát huy hiệu quả nhất. Bằng cách đó, nhà lãnh đạo có thể vạch ra những kế hoạch mà đối thủ không ngờ và không thể đoán được:
Lược ư nhiêu dã, tam quân túc thực, cần dưỡng nhi vật lao, tinh khí tích lực, vận binh kế mưu, vi bất khả trắc.
Dịch ý: Phải bồi dưỡng lực lượng, không bắt sĩ tốt khó nhọc quá sức. Tích lũy đầy đủ sức mạnh và dùng mưu kế khôn khéo mà địch không thể ngờ tới.
Tận dụng kinh nghiệm
Sự khôn ngoan có được từ kinh nghiệm:
Cố bất tận tri dụng binh chi hại giả, tắc bất năng tận tri dụng binh chi lợi dã.
Dịch ý: Người không hiểu hết cái hại của việc động binh thì không hiểu được cái lợi của việc động binh.
Dĩ nhiên, chủ tướng mà Tôn Tử phụng sự là người từng trải. Nếu bạn không có kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực kinh doanh của mình hay đang xâm nhập vào một lĩnh vực hoạt động mới lạ thì giải pháp cho bạn là làm việc với những chuyên gia đã từng trải trong lĩnh vực đó.
Người ta có khả năng nhìn xa và chín chắn hơn nhờ kinh nghiệm. Khi bạn gặp phải những tình huống kinh doanh càng khó khăn thì bạn càng có thể xác định và thích nghi với thách thức tiếp theo.
Chế ngự cơn giận
Đừng bao giờ gây chiến vì cái tôi hoặc niềm kiêu hãnh của bản thân. Và theo Tôn Tử, tướng soái không được để cơn nóng giận khống chế:
Tướng bất thắng kỳ phẫn nhi nghĩ phụ chi, sát sĩ tam phân chi nhất nhi thành bất bạt giả, thử công chi tai dã.
Dịch ý: Nếu tướng soái không kiểm soát được nóng giận mà xua quân tấn công như đàn kiến vỡ tổ thì sẽ dẫn đến hậu quả là một phần ba tử vong mà vẫn không chiếm được thành. Đó là tai hại của việc vây thành.
Nộ khả dĩ phục hỉ, uấn khả dĩ phục duyệt, vong quốc bất khả dĩ phục tồn, tử giả bất khả dĩ phục sinh.
Dịch ý: Hết giận rồi sẽ vui, hết phật ý rồi sẽ toại nguyện. Nhưng xã tắc một khi mất rồi thì có thể không bao giờ lấy lại được; người chết rồi cũng không thể hồi sinh.
Những nhà lãnh đạo khôn ngoan hiểu rằng quyết định nào cũng sẽ đi kèm hậu quả nên họ phải hành động một cách phù hợp. Những cảm xúc khác có thể gây nguy hiểm cho tướng soái sẽ được thảo luận trong phần Đức tính thứ 5: Nghiêm minh.
Sự kiên nhẫn hoàn hảo
Dù nóng lòng và có khả năng tiến quân thần tốc để đạt được mục tiêu, vị chủ tướng khôn ngoan sẽ kiên nhẫn chờ thời cơ thuận lợi nhất để đánh bại kẻ thù:
Thượng vũ, thủy mạt chí, dục thiệp giả, đãi kỳ định dã.
Dịch ý: Vùng thượng lưu có mưa lớn, tất nước sông dâng cao và sủi bọt, nhất định phải chờ nước rút để vượt sông.
ĐỨC TÍNH THỨ 2: THÀNH TÍN
Lãnh đạo là công việc thực sự nghiêm túc và gánh nhiều trọng trách:
Cố tri binh chi tưởng, dân chi tư mệnh, quốc gia an nguy chi chủ dã.
Dịch ý: Chủ tướng là người quyết định vận mạng của toàn dân, là người nắm giữ an nguy của xã tắc.
Kiên định
Các nhà lãnh đạo ngay thẳng đều kiên định. Nhà lãnh đạo thường xuyên thay đổi quyết định và mức độ ưu tiên sẽ gợi lên sự hoài nghi trong lòng thuộc cấp. Tuy nhiên, khuynh hướng này lại quá phổ biến trong nhiều doanh nghiệp đang phát triển. Giữ lời là một dấu hiệu của sự ngay thẳng. Một số nhà lãnh đạo quên mất tầm quan trọng của việc giữ vững cam kết và thực hiện những điều mình nói.
Khi khởi sự kinh doanh chuỗi cửa hàng bánh burger Five Guys, Jerry Murrell vẫn duy trì công việc làm cố định. Do không thể vay tiền từ tổ chức tài chính, ông ấy tìm đến một trăm người bạn cũng như người quen để vay mỗi người khoản tiền từ 10.000 đến 30.000 đô-la. Đổi lại, họ được nhận mức lãi suất cao và Murrell luôn thanh toán đúng hẹn cho từng người vào mỗi tháng. Những tiểu tiết như thế này rất quan trọng đối với doanh nghiệp nhỏ, cũng như đối với bạn bè của bạn.
Về sự kiên định và giữ lời, Jason Cohen – chủ tịch của ILM Corporation, một công ty nhỏ chuyên nhập dữ liệu, quét (scan), lập chỉ mục, quản trị tài liệu và dịch vụ văn phòng – đã nói: “Mẹ bạn sẽ dạy bạn điều này. Khi bạn nói với ai đó là bạn sẽ làm việc gì đó, thì hãy thực hiện nó”. Ông cũng nói rằng quy tắc này áp dụng cho mọi nhân viên, đại lý, khách hàng hiện hữu và khách hàng tiềm năng. Hãy giữ lời hứa.
Đoàn kết mọi người vì mục đích chung
Quân sĩ không bao giờ nghi ngờ niềm tin của người lãnh đạo. Thay vào đó, nhà lãnh đạo phải đoàn kết hiệu quả các lực lượng vì mục đích của mình. Đối với Tôn Tử, một phương pháp để đoàn kết là lúc đối mặt với tình huống thất bại thảm hại:
Tử yên bất đắc, sĩ nhân tận lực. Binh sĩ thậm hãm tắc bất cụ, vô sở vãng tắc cố, thâm nhập tắc câu, bất đắc dĩ tắc đâu.
Dịch ý: Khi đẩy quân sĩ vào tình thế không còn lối thoát, họ sẽ liều chết chiến đấu. Nếu đối mặt với cái chết thì chuyện gì họ cũng làm được. Lúc đó, tướng lĩnh và binh sĩ đều sẽ chiến đấu hết mình.
Trong Chương 10, chúng ta sẽ khảo sát kỹ hơn chỉ dẫn của Tôn Tử về sự đoàn kết.
Hiểu nghịch lý của sự chân thành
Có một phương diện về sự chân thành trong lời dạy của Tôn Tử mà thoạt nghe có vẻ rất mâu thuẫn:
Năng ngu sĩ tốt chi nhĩ mục, sử chi vô tri.
Dịch ý: Chủ tướng phải có khả năng che tai bịt mắt tướng sĩ bằng các tin đồn không thật và vẻ ngoài khó đoán, qua đó khiến họ hoàn toàn không biết về chiến lược tổng thể.
Thông điệp đầy thách thức và khó chịu này là một phần trong việc thay đổi kế hoạch và ngăn đối thủ biết trước hành động kế tiếp của bạn. Một số dịch giả diễn giải rằng điều này nhằm để ngăn quân sĩ biết được kế sách toàn diện của chủ tướng. Bằng cách làm họ “hoàn toàn không biết”, chủ tướng giúp thuộc cấp tránh khỏi rắc rối và phiền muộn mà mình đang đối mặt trên cương vị người cầm quân. Nhưng trên thực tế, đây cũng là hành động nhân từ bởi vì nó giúp họ thảnh thơi để tập trung toàn tâm toàn ý vào vai trò cá nhân của bản thân, yếu tố cốt lõi để thực thi nhiệm vụ được giao. Hãy nghĩ cách để cách ly nhân viên khỏi gánh nặng của các quản lý cấp cao. Điều đó sẽ tác động tích cực tới hiệu suất công việc của họ. Đừng để nhân viên bị đè nặng bởi những vấn đề không liên quan tới họ. Nếu không, gánh nặng đó chỉ khiến họ phân tâm, gây trở ngại hoặc làm hao mòn tinh thần họ. Một nhà nghiên cứu cho rằng cách hiểu hiện nay của chúng ta về lý do làm quân sĩ hay chiến binh trong trạng thái không biết này thể hiện một lỗ hổng về mặt ý nghĩa. Ông tin rằng việc đó không nhằm “lừa gạt” thuộc cấp, nhưng đòi hỏi sự tập trung hoàn toàn vào hành động của mình.
Dù giám đốc điều hành của Guidewire Software là Marcus Ryu không khuyên là nên dối gạt nhân viên, nhưng ông nhận thấy có sự tác động về mặt truyền thông giúp làm sáng tỏ phương diện này trong lời dạy của Tôn Tử. Theo lời của ông trong lần phỏng vấn với tờ New York Times, khi bạn đang truyền đạt cho số đông, kể cả những người rất thông minh, họ có khuynh hướng trở nên “ngớ ngẩn hơn” trong một nhóm tập thể lớn. Ryu nói rằng với lượng khán giả lớn, thông điệp cần phải thật đơn giản và ngắn gọn.
ĐỨC TÍNH THỨ 3: NHÂN TỪ
Khác với một kẻ hiếu chiến, Tôn Tử yêu cầu chủ tướng của mình phải lãnh đạo bằng sự công bằng và liêm khiết.
Tưởng quân chi sự, tĩnh dĩu, chính dĩ trị.
Dịch ý: Trách nhiệm của chủ tướng là cần kín đáo để bảo đảm cơ mật, liêm khiết và công bằng để duy trì trật tự.
Nhằm chứng minh lòng nhân từ, và điều đó cũng hữu ích cho chủ tướng, Tôn Tử đề cao việc chăm sóc tù binh:
Tốt thiện nhi dưỡng chi.
Dịch ý: Phải đối xử tử tế với hàng binh và sử dụng họ.
Tương tự như vậy, nhân viên của công ty đối thủ, dù đã nghỉ hay còn đang làm việc ở đó, cũng có thể có giá trị nào đó với bạn.
Bên cạnh đó, những người phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn, cực nhọc để bảo đảm công việc thành công cần được tưởng thưởng xứng đáng:
Cố sát địch giả, nộ dã; thủ địch chi lợi giả, hóa dã.
Dịch ý: Muốn quân sĩ hăng hái giết kẻ thù thì phải kích thích quân biết hận địch. Và khi hưởng lợi từ việc đánh bại địch, phải ban thưởng cho họ.
Nghiêm minh là đức tính rất quan trọng đối với Tôn Tử, nhưng hãy lưu ý rằng kỷ luật cần đi đôi với tính nhân đạo trong câu nói này. Các nhà lãnh đạo cần khôn ngoan ghi nhớ trình tự sau đây:
Cố lệnh chi dĩ văn, tề chi dĩ võ, thị vị tất thủ. Lệnh tố hành dĩ giáo kỳ dân, tắc dân phục; lệnh tố bất hành dĩ giáo kỳ dân, tắc dân bất phục; lệnh tố hành giả, dữ chúng tương đắc dã.
Dịch ý: Cho nên phải mềm mỏng, độ lượng để làm cho quân sĩ động lòng; dùng quân pháp nghiêm minh để làm cho quân sĩ chỉnh tề nhất trí, thì mới có thể khiến họ kính sợ và phục tùng.
Xem lại động cơ thúc đẩy của bạn
Tôn Tử thừa nhận rằng “chiến tranh là nỗ lực hao tiền tốn của”. Một chủ tướng nhân đức sẽ duy trì cách nhìn phóng khoáng đến đại cuộc hơn là cho bản thân:
Dĩ tranh nhất nhật chi thắng, nhi ái tước lộc bách kim, bất tri địch chi tình giả, bất nhân chi chí dã.
Dịch ý: Khi hà tiện trong việc thăng chức, ban thưởng, hoặc không dám bỏ ra hàng trăm lượng vàng để do thám nên không biết địch tình, thì đó là việc làm vô cùng bất nhân.
Các nhà lãnh đạo không nên để những toan tính lợi ích cá nhân làm lu mờ nhiệm vụ thấu hiểu địch thủ. Theo những thông tin mà chúng ta sẽ đọc trong Chương 14, Giả trá, hoạt động gián điệp cũng không được dùng để tư lợi, mà vì những mục tiêu chiến lược của quân đội.
ĐỨC TÍNH THỨ 4: DŨNG CẢM
Nhà lãnh đạo tài giỏi có đủ can đảm để bố trí và giữ cho thuộc cấp tập trung vào mục tiêu chung. Họ có khả năng khai thác sức mạnh của đội nhóm thuộc quyền để giành thắng lợi quyết định.
Tối đa hóa năng lượng
Như đã thảo luận, việc tối đa hóa các nguồn lực và cung cấp cho đội ngũ những công cụ, phương pháp và cơ sở hạ tầng là rất cần thiết để doanh nghiệp nhỏ của bạn có thể thành công. Và mở rộng ý tưởng này xa hơn, vị tướng phi thường sẽ khai thác tối đa sức lực của lực lượng mình sở hữu. Tôn Tử bàn về khái niệm quan trọng này như sau:
Cố thiện chiến giả, cầu chi ư thế, bất trách ư nhân, cố năng trạch nhân nhi nhiệm thế. Nhiệm thế giả, kỳ chiến nhân dã, như chuyến mộc thạch... cố thiện chiến nhân chi thế, như chuyển viên thạch ư thiên nhận chi sơn giả, thế dã.
Dịch ý: Người giỏi dụng binh sẽ tạo ra thế lợi cho mình, không trách cá nhân, biết chọn và sử dụng nhân tài. Họ biết tác chiến và dùng nguồn lực, như lăn gỗ và đá. Tùy tình hình sẽ chọn đúng người và kết hợp các nguồn lực nếu cần thiết.
Việc quyết định thời gian và sự quyết đoán là rất cần thiết để tối đa hóa sức mạnh:
Thế như hoắc nỗ, tiết như phát cơ.
Dịch ý: Sức mạnh giống như cung đã giương hết mức, buông dây thì dứt khoát giống như lấy nỏ phóng tên.
Và câu hỏi dành cho nhà lãnh đạo là: Bạn kéo dây cung căng đến mức nào? Và bạn đưa ra quyết định phóng tên quyết đoán ra sao?
Các quyết định đúng đắn được thực thi một cách kiên quyết sẽ dẫn tới thắng lợi nhanh chóng hơn. Điều đó rất quan trọng đối với doanh nghiệp nhỏ vốn rất cần tiết kiệm các nguồn lực hạn hẹp của mình:
Cố binh quý thắng bất quý cửu.
Dịch ý: Khi chiến tranh, mục tiêu lớn nhất là chiến thắng chứ không phải là các chiến dịch dai dẳng.
Nhà lãnh đạo thành công đưa ra quyết định và tiến hành các hoạt động bằng cách đặt câu hỏi: Liệu hành động này có thúc đẩy mục tiêu của chúng ta không? Nếu vậy, thì làm thế nào? Liệu nó có kiếm ra tiền hay không? Nếu hành động đó không hữu ích, không dẫn tới thắng lợi thì họ sẽ không tiếp tục theo đuổi điều đó. Nhà lãnh đạo cần duy trì sự đoàn kết của mọi người thông qua mục tiêu và mục đích giống nhau:
Nhân ký chuyên nhất, tắc dũng giả bất đắc độc tiến, khiếp giả bất đắc độc thoái, thử dụng chúng chi pháp dã.
Dịch ý: Toàn quân đã hành động nhất trí, thì người dũng cảm không thể tiến một mình, kẻ hèn nhát cũng không thể lùi một mình, đó là phương pháp triển khai quân số lớn.
ĐỨC TÍNH THỨ 5: NGHIÊM MINH
Tôn Tử bàn nhiều về sự cần thiết của kỷ luật trong quân đội để thành công. Điều khiển một đạo quân lớn hay nhỏ đều đòi hỏi phải tuân thủ cùng những nguyên tắc như nhau.
Hệ thống cấp bậc
Tổ chức và hệ thống cấp bậc là những yếu tố cơ bản thể hiện sự nghiêm minh.
Pháp giả, khúc chế, quan đạo, chủ dụng dã.
Dịch ý: Pháp chế được hiểu như là việc tổ chức quân đội thành những đơn vị nhỏ hơn và phù hợp, việc phân chia cấp bậc trong quân ngũ, sự bảo quản đường sá để tiếp tế quân nhu cho quân đội và kiểm soát mức chi tiêu trong hoạt động quân sự.
Sau đây là cách điều khiển cả một đạo quân lớn:
Phàm trị chúng như trị quả, phân số thị dã.
Dịch ý: Điều khiển đội quân lớn cũng như điều khiển đội quân nhỏ, đó là vấn đề phân bố biên chế quân đội.
Các đặc điểm của hệ thống cấp bậc và sự nghiêm minh được thể hiện rõ ràng trong câu nói sau.
Tướng nhược bất nghiêm, giáo đạo bất minh, lại tốt vô thường, trần binh tung hoành, viết loạn.
Dịch ý: Khi chủ tướng nhu nhược và không uy nghiêm; khi ra mệnh lệnh không rõ ràng và dứt khoát; khi không giao nhiệm vụ cố định cho tướng lĩnh và binh sĩ; và phân chia cấp bậc theo kiểu may rủi, cẩu thả, thì ắt loạn.
Nếu muốn tận dụng lợi thế cạnh tranh của mình, doanh nghiệp nhỏ cần có trật tự và hệ thống vai trò cấp bậc rõ ràng. Nhưng các nhà lãnh đạo không bao giờ được nhầm lẫn giữa sự cởi mở, tính minh bạch và tinh thần cộng tác với mô hình tổ chức phẳng (30) thiếu hiệu quả, bởi vì mô hình này sẽ dẫn đến các quyết định chậm trễ và hệ thống điều hành yếu kém, mơ hồ.
(30) Mô hình tổ chức phẳng (Flat organization structure), hay còn được gọi là tổ chức theo chiều ngang. Đây là kiểu cơ cấu tổ chức có rất ít hoặc không có sự can thiệp của các cấp quản lý. Ý nghĩa của mô hình này là tạo ra sự bình đẳng giữa quản lý và nhân viên nhằm giảm thiểu sự giám sát mang tính chất mệnh lệnh của cấp quản lý; đồng thời khuyến khích nhân viên trực tiếp tham gia vào quá trình quyết định.
Năm sai lầm nguy hiểm
Tôn Tử chỉ ra năm sai lầm nguy hiểm có thể gây trở ngại cho tướng lĩnh:
1. Tất tử, khả sát dã (Khinh suất có thể bị giết);
2. Tất sinh, khả lỗ dã (Tham sống sợ chết có thể bị bắt);
3. Phẫn tốc, khả vũ dã (Nóng giận, hồ đồ có thể bị khích bằng lời lẽ nhục mạ);
4. Liêm khiết, khả nhục dã (Quá trọng danh dự không chịu được nhục nhã);
5. Ái dân, khả phiền dã (Quá bận tâm đến dân chúng nên tự chuốc thêm phiền muộn);
Phàm thử ngũ giả, tướng chi quá dã, dụng binh chi tai dã. Phúc quân sát tướng, tất dĩ ngũ nguy, bất khả bất sát dã.
Dịch ý: Phạm năm sai lầm trên thì là tai họa cho việc dùng binh. Quân bị diệt, tướng bỏ mạng đều do năm mối nguy ấy, không thể không xét kỹ.
Nếu bất cẩn thì bạn sẽ phạm sai lầm giống hệt những sai lầm mà bạn muốn đối thủ mắc phải. Nếu bạn là kẻ hèn nhát thì những người có năng lực sẽ không tin tưởng bạn hoặc không làm việc với bạn hay cống hiến sức lực cho bạn. Người dễ nóng giận sẽ phạm sai lầm và gây chiến vì lý do sai lầm. Tính cách quá trọng danh dự cũng sẽ khiến bạn sa vào những cuộc chiến sai lầm vì những lý do sai trái. Sự nhạy cảm quá mức với nhân viên sẽ ngăn cản bạn dẫn dắt họ và khó đưa ra những quyết định cứng rắn.
Do việc cầm quân xuất chiến rất gian khổ và đẫm máu, Tôn Tử đặc biệt đánh giá cao vai trò của chủ tướng và tướng lĩnh. Đoạn văn này xuất hiện ở cuối một chương luận về hỏa công trong Binh pháp, trong đó truyền đạt quan niệm uyên bác của vị triết gia này:
Cố minh quân thận chi, lương tướng cảnh chi, thử an quốc toàn quân chi đạo dã.
Dịch ý: Bậc minh quân cần lưu ý đến việc ấy, tướng tài cần cảnh giác với điều ấy. Đó là cách giữ cho đất nước bình an và quân đội vẹn toàn.
Có lẽ phần có ý nghĩa nhất trong tất cả bình phẩm của Tôn Tử về tính cách của tướng quân chính là câu văn sau đây. Và chúng ta sẽ dùng nó để kết thúc chương này:
Cố tiến bất cầu danh, thoái bất tị tội, duy dân thị bảo, nhi lợi hợp ư chúa, quốc chi bảo dã.
Dịch ý: Tiến không vì ham danh lợi, thoái không sợ bị giáng chức, chỉ một lòng nghĩ tới việc bảo vệ xã tắc, phụng sự quân vương, thì vị tướng đó mới là bảo vật của quốc gia.