Nếu một công ty hoặc một dự án được hỗ trợ bởi một người hoặc một nhóm người hiểu rằng, kinh doanh là một đường thẳng nhất quán, vô tận và liên tục của những thay đổi và rắc rối nối tiếp nhau, thì công ty hoặc dự án đó có thể thành công. Nếu kế hoạch của một công ty hoặc một dự án bắt nguồn từ những nhu cầu cụ thể của khách hàng, từ những mong ước được xác nhận của họ, dù là xác nhận bằng hình thức nào, thậm chí là đặt hàng trước, thì công ty hoặc dự án đó có thể thành công. Nếu kế hoạch của một công ty hoặc một dự án được đánh giá tích cực ngay từ ban đầu bởi những nhà đầu tư đủ tiêu chuẩn, những công ty xếp hạng, và những chuyên gia trong lĩnh vực đó, thì công ty hoặc dự án đó có thể thành công. Theo quan điểm của tôi, hiện nay chúng ta đang ở ngay tại thời điểm mà việc phát hiện những công ty hoặc dự án tham gia vào Blockchain có rủi ro tương đối thấp là điều khả thi. Vậy thì cuối cùng, hãy xem thử ICO là gì, nó có liên quan như thế nào đến Blockchain, các dự án đóng vai trò gì trong ICO, và tại sao nó lại là một ý tưởng hay để chúng ta quan tâm đến ngày hôm nay.
Về mặt định nghĩa, tôi đã mượn mô tả mà tôi tìm kiếm ngẫu nhiên trên Google:
ICO là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Initial Coin Offering”, nghĩa là việc chào bán (công khai) một loại tiền kỹ thuật số lần đầu. Nó là đợt phát hành công khai đầu tiên của một loại tiền kỹ thuật số trước khi loại tiền này lên sàn chứng khoán. Các dự án dựa trên tiền mã hóa đang cố huy động vốn cho việc mở rộng hoạt động của họ.
ICO được truyền cảm hứng bởi IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu). Khi một công ty truyền thống muốn huy động thêm vốn, họ có thể chào bán công khai cổ phiếu của mình. Những người mua có hứng thú đến từ mọi tầng lớp trong xã hội sẽ chi trả một mức giá cố định cho cổ phiếu đó, và nhờ đó công ty sẽ gia tăng nguồn vốn của mình.
Tuy nhiên, việc chào bán công khai cổ phiếu là một quy trình bị kiểm soát tại hầu hết mọi quốc gia, tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt. Vì lý do này, nó gắn liền với nhiều chi phí và chỉ có thể được chi trả nổi bởi những công ty lâu năm hoặc những công ty khởi nghiệp có nền tảng vững chắc. Trong khi ICO, rao bán công khai tiền kỹ thuật số, cũng hoạt động tương tự nhưng chưa bị kiểm soát, khiến cho nó rẻ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, những dấu hiệu thay đổi đầu tiên đối với khía cạnh này đã xuất hiện. Gần đây, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ đã quyết định rằng có một số dự án ICO mang tính chất phát hành cổ phiếu, và do đó sẽ phải tuân thủ quy định.
ICO được ra mắt bởi những công ty hoặc dự án tin rằng, bằng cách sử dụng một hoặc nhiều loại tiền kỹ thuật số, họ có thể thiết kế (hoặc vốn dĩ đã tạo ra sẵn) một nền tảng hoặc ứng dụng hữu ích. Nếu không thì họ có thể tạo ra một loại tiền kỹ thuật số hoàn toàn mới. Các dự án này thường phụ thuộc vào ý tưởng sản phẩm hoặc phiên bản cải tiến của nó, sử dụng loại tiền mã hóa (token) của riêng nó. Loại tiền này vô cùng quan trọng trong việc vận hành dự án. Do đó, có thể cho rằng nếu dự án thành công, giá trị của đồng tiền sẽ tăng lên.
Vì vậy, những người tạo ra các dự án mới sẽ cung cấp một loại tiền mã hóa độc quyền trong quá trình ICO để dự án của họ được chào bán công khai. Công chúng mua đồng tiền của họ vì những lý do đầu cơ, do họ tin rằng dự án đó sẽ thành công, giá trị của đồng tiền sẽ tăng lên, và trong tương lai họ có thể bán nó để kiếm lời. Nhờ đó, những người phát triển dự án sẽ có tiền vốn cho việc mở rộng hoạt động.
Xin lưu ý rằng, không giống như cổ phiếu và IPO, trong trường hợp của ICO thì khi mua tiền mã hóa, bạn thường sẽ không có bất cứ khoản chia nào trong kết quả kinh doanh của công ty hay quyền bầu cử. Đó là lý do tại sao việc đầu tư vào ICO nên được nhìn nhận một cách khác biệt.
Về mặt lý thuyết, một dự án có thể sẽ thành công, nhưng giá trị tiền mã hóa gắn liền với nó sẽ không tăng lên. Và theo giả thuyết, điều trái ngược cũng có thể xảy ra, giá trị đồng tiền sẽ tăng lên ngay cả khi dự án không phát triển tốt. Dựa trên những nguyên tắc được mô tả bên trên, có một số dự án thành công đã được ra mắt, cũng như các dự án lừa đảo.
Một vài dự án ICO thành công nhất là Ethereum, Stratis và NEO (trước đó có tên là Antshares). Giá trị tiền mã hóa của chúng đã tăng lên hàng chục ngàn phần trăm sau khi ICO. Từ đó, nhiều nhà đầu tư chính đã trở thành triệu phú. Chỉ mất một vài năm (đôi khi là ít hơn) để giá trị token của các dự án tăng đến mức đó.
Tuy nhiên, mặt khác, rất nhiều kẻ lừa đảo đã thực hiện ICO cho các dự án vốn chỉ là những vỏ bọc trống rỗng. Mục tiêu duy nhất là để bòn rút tiền từ công chúng và sau đó biến mất. ICO là hiện tượng đầu tư ở thời điểm hiện tại. Nó đem đến nhiều cơ hội vì các đồng tiền được mua tại mức giá thấp nhưng có thể đạt được giá trị lớn trong tương lai. Nhưng cũng giống như việc những khoản đầu tư có khả năng sinh lời cao thường đi kèm với rủi ro cao. Chẳng có gì bảo đảm một dự án nào đó sẽ thành công và giá trị tiền mã hóa của nó sẽ tăng lên cả.
Tác giả của bài viết này là JP đã đăng nó trên cổng thông tin điện tử A1Finance vào ngày 01 tháng 08 năm 2017. Thật là một sự khai sáng khi đọc được nó vào tháng Tám năm 2018. ICO đã thay đổi kể từ lúc đó, thị trường và môi trường xung quanh nó đã tiến hóa trong suốt cả năm. Kể từ tháng Tám năm 2017, thị trường đã bắt đầu tăng trưởng một cách triệt để và hoàn toàn phi thường, chủ yếu là nhờ vào phản ứng trước những thay đổi dự kiến liên quan đến Bitcoin2.
Chú thích:
2. Một loại tiền mã hóa được phát minh vào năm 2008 bởi một người hoặc một nhóm người chưa biết lấy tên là Satoshi Nakamoto.
Cuốn sách hướng dẫn này tập trung vào những nhà khởi nghiệp và dĩ nhiên là không có ý làm phiền bạn bằng những thuật ngữ công nghệ. Do đó, vì mục đích này, tôi sẽ loại bỏ hoàn toàn những lý do và định nghĩa của những gì đã xảy ra. Nhưng để hiểu được các sự kiện, bạn chỉ cần biết một thay đổi có liên quan đến Bitcoin được dự đoán trước cách đây gần hai năm, được trải nghiệm bởi những người trên thị trường tiền mã hóa, cụ thể là khả năng hoàn tất ký kết “các hợp đồng tương lai”. Mức độ mà sự cải cách này tác động đến thị trường tiền mã hóa thật sự khó để đo lường, sau cùng thì chúng ta cũng chỉ có thể suy đoán mà thôi. Tuy nhiên, sự thật là giới truyền thông đã bắt đầu truyền đạt sự đổi mới này. Dần dần, sự tập trung chủ yếu đổ dồn về Bitcoin, và trong tháng Mười một, Bitcoin là chủ đề nóng trong hầu hết các quán rượu (tôi có thể xác nhận chuyện này: sau khi chạy bộ, đôi khi tôi có đến quán rượu để “làm một ly” và khi đứng ngoài quán, những người thợ xây thật sự đang bàn luận về Bitcoin).
Kết quả, giá trị của Bitcoin đột ngột tăng lên 20.000 đô la mỗi đơn vị một cách khó tin. Với cơn sốt này, sự hứng thú dành cho token, thứ mà các dự án ICO giới thiệu trên thị trường chứng khoán tại thời điểm đó cũng tăng lên. Ngày nay, hơn một năm sau, chúng ta đã biết mọi thứ có kết cục như thế nào. Làn sóng hứng thú ấy đã tạo ra nhiều triệu phú đô la, và đồng thời là nhiều nhà đầu tư tuyệt vọng buồn bã nhìn khoản đầu tư của họ đổ sông đổ biển. Ngày nay (tháng Tám năm 2018), giá trị Bitcoin là xấp xỉ 6.000 đô la. Toàn bộ thị trường đang thảo luận xem điều gì đang xảy ra với tiền mã hóa, và một lần nữa, nó lại khơi gợi nhiều cuộc tranh luận có vẻ như không có hồi kết. Nhưng nếu chúng ta nhìn lại lịch sử, chính xác là lịch sử gần nhất, thì không có gì phi thường diễn ra cả. Hiện tại thì độ biến động là thứ gắn liền với tiền mã hóa, giống như đi tắm thì phải có nước vậy. Mặc dù trước đó, độ biến động của Bitcoin chỉ dao động theo hàng đơn vị, sau đó là hàng chục, hàng trăm, rồi hàng ngàn đô la Mỹ. Nhưng ngày nay, nó bắt đầu dao động trong khoảng hàng chục ngàn đô la. Tuy nhiên, xét theo tỷ lệ phần trăm, nó đã dần dần giảm xuống.
Tình huống này cũng khá bình thường. Nhưng có thể khẳng định rằng, điều mà mỗi một người sử dụng tiền mã hóa thông thường nên biết, đó là những loại tiền mã hóa / token khác có xu hướng sao chép Bitcoin. Nếu Bitcoin rớt giá thì chúng cũng rớt giá theo; còn nếu Bitcoin tăng giá thì chúng cũng sẽ tăng theo. Chẳng có gì cao siêu phía sau hiện tượng này cả. Chúng ta có thể so sánh nó với sức mạnh của giới truyền thông đã được nhắc đến trước đó. Nếu truyền thông viết bài về sự tăng trưởng của Bitcoin thì thị trường sẽ phản ứng lại bằng cách tăng lượng cầu, và dĩ nhiên là giá của nó cũng sẽ tăng lên.
Bây giờ, trở lại với ICO. Trước khi chúng ta bắt đầu nói về thứ không ngừng khiến tôi phát cáu, thứ mà một người suy nghĩ lý trí hầu như không thể hiểu nổi, hãy nhìn vào ảnh hưởng mà sự dao động của Bitcoin gây ra, vào sự kiện lịch sử ban đầu mà chính xác là có liên quan đến ICO này.
Việc thiết lập một ví tiền mã hóa cũng khó khăn hệt như việc tải xuống và kích hoạt bất kỳ ứng dụng nào trên điện thoại di động. Nếu bạn đã có sẵn vài đồng tiền mã hóa trong ví của mình, thì bạn có thể sẽ thích thú trước sự thật là giới truyền thông đang ngày càng chú ý đến thứ mà bạn có trong ví. Truyền thông chuyên môn càng nói nhiều đến nó thì truyền thông chủ lưu càng chú ý đến nó. Và sau đó thì báo lá cải sẽ nhanh chóng vào cuộc, điều mà chúng ta có thể quan sát khi mọi người trong quán rượu bắt đầu nói về nó.
Một khi làn sóng ấy dâng lên trong phạm vi truyền thông, nó sẽ chuyển sự chú ý của nhiều người dùng sang cùng một hướng về mặt logic. Và mặc dù hầu hết chúng “Đầu tư vào Bitcoin đi!” Hãy chấp nhận rằng đã đến lúc để từ bỏ nó. Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta sẽ thật sự làm việc này? Sự thật là giá trị của đồng Bitcoin đã gia tăng đáng kể và cả giá trị của những đồng tiền phụ thuộc vào nó. Những loại tiền tệ khác cũng là các dự án ICO, những nhóm người tuyên bố rằng token của họ là lựa chọn đúng đắn, là đáng để đầu tư. Do đó, vào tháng Mười hai năm 2017, đã có nhiều kỷ lục mới được thiết lập.
Các dự án đưa token lên thị trường vào giữa tháng Mười và tháng Mười hai năm 2017 đã thu được những khoản tiền mà chúng ta có nằm mơ cũng không tin được. Hàng chục triệu đô la là điều bình thường. Hàng trăm triệu đô la là có thật. Và dự định đạt được con số hàng tỷ đô la của các dự án này chỉ còn là lịch sử. Và có một sự thật nhỏ nhặt là nhiều nhà đầu tư, có lẽ bạn cũng vậy, không hề biết token là gì, và nó phục vụ cho mục đích nào. Như chúng ta đã chỉ ra trong phần đầu của cuốn sách hướng dẫn này bằng ví dụ về bong bóng dot-com, khi mọi người cưỡi trên một làn sóng, chỉ vài người là có thời gian xem xét xem liệu lúc đến gần bờ họ có kết thúc trong bi kịch hay không. Bạn cứ tiến về phía trước, dà húuu, cuộc đời cũng giống như cưỡi sóng vậy. Và bạn sẽ chỉ bắt đầu phân tích sau khi bị gãy cổ (nếu bạn còn sống sót).
Nhưng điều cực kỳ thú vị về toàn bộ tình huống này đó là mặc dù các bong bóng có xu hướng lặp lại, và mặc dù chúng ta biết chúng có kết cục như thế nào trong lịch sử, chúng ta vẫn hành xử như bình thường. Chúng ta đi theo đám đông. Sự do dự của chúng ta giảm đi bởi sự cả tin của đám đông, dẫn đến việc chúng ta hành động một cách quả quyết và can đảm thái quá. Tần suất cũng là một điều đáng đề cập. Xin lưu ý rằng tần suất diễn ra những bong bóng tương tự nhau thật sự là rất nhanh trong thế giới tiền mã hóa. Việc này cũng là do ngày nay chúng ta đang sống trong một thời đại cực kỳ vội vã, vì thế nên chuyện diễn ra vào ngày hôm trước sẽ tương tự như thể nó đã diễn ra cách đây một năm. Trong thời đại chỉ có báo chí và ti vi, hay nói đúng hơn là sự tương tác bị hạn chế thì khác, nhưng ngày nay, chúng ta có thể bày tỏ bản thân trước bất cứ thứ gì tại bất cứ nơi đâu, đây là chuyện bình thường. Đó là lý do tại sao sẽ khó hơn để một vài người trong chúng ta phân biệt được chất lượng thông tin, vì đơn giản là chúng ta không có nhiều thời gian và năng lượng cho việc đó.
Vậy nên thông tin sai lệch là thứ có thể dễ dàng khiến chúng ta lạc lối. Và đó chính xác là điều mà tôi không thích ở ICO. ICO là một quy trình tuyệt vời và có hiệu quả nếu chúng ta nhẫn nại với nó, nếu có một đội ngũ tuyệt vời đứng sau nó, nếu những người này là người từng trải, và nếu… thì một thứ gì đó tuyệt vời và có hiệu quả có thể được tạo ra, thứ gì đó có thể đem lại cho những nhà đầu tư lợi nhuận kỳ vọng và bổ sung giá trị cho người dùng.
Tuy nhiên, nếu họ là những kẻ mơ mộng ngờ nghệch, những người có các giả thuyết không thực tế hoặc tồi tệ, hay những người cố ý hiểu sai các giả thuyết này, thì sẽ rất khó để những nhà đầu tư biết được liệu dự án ấy có khả thi hay không. Các dự án như vậy được gọi là chiêu trò lừa đảo, và token được phát hành bởi một dự án như vậy được cả cộng đồng gọi là “đồng tiền bẩn”.
Để tránh bị lạc đề sang các chi tiết chuyên môn, hãy tưởng tượng token là một thứ mà bạn mua và dự kiến sẽ sử dụng sau này khi chi trả cho một dịch vụ. Token thường được phát hành với số lượng cố định. Nếu dự án đó thành công thì nhu cầu dành cho token sẽ tăng lên, và bạn có thể bán chúng với mức giá cao hơn mức mà bạn đã đầu tư. Hiếm gặp hơn, có những token gắn liền với việc chi trả một phần lợi nhuận của dự án mà bạn mua token.
Tất nhiên, định nghĩa của token phức tạp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vì đây là một cuốn sách hướng dẫn thực tế, nên định nghĩa đó có thể được trình bày một cách đơn giản như sau: Tiền của bạn được đầu tư vào dự án để đổi lấy một token. Số tiền sau đó sẽ được sử dụng để thực hiện kế hoạch. Ví dụ, dự án đó có thể dự định tạo ra một hệ thống cho phép bạn khởi động một chiếc xe, miễn là bạn có đủ token để vận hành nó. Điều này có ý nghĩa gì với bạn không, hay nó vẫn phức tạp một cách không cần thiết?
Tôi sẽ cố gắng đơn giản hóa việc mô tả dự định bằng cách giới thiệu nó thông qua một ví dụ cụ thể. Hãy tưởng tượng bạn sở hữu một công ty cho thuê xe. Vì chúng ta sống trong một nền kinh tế chia sẻ, nên việc cho bất cứ ai thuê mướn thứ gì đó là điều bình thường. Để việc cho thuê xe có hiệu quả, bạn có thể sẽ muốn có một hệ thống đơn giản để quản lý và kiểm soát việc kinh doanh một cách hiệu quả. Chỉ cần sử dụng máy vi tính hoặc điện thoại di động.
Điều này có thể xảy ra bằng cách lắp đặt một loại khóa sẽ chỉ mở khóa chiếc xe khi bạn có đúng loại token (giống như khi mượn một chiếc xe đẩy trong bãi đỗ xe của trung tâm mua sắm vậy, bạn sẽ dùng một đồng xu cụ thể, hay nói cách khác là một token, để mở khóa chiếc xe đẩy). Nếu bạn dùng đúng token cho chiếc xe, nó sẽ mở khóa. Giờ hãy tưởng tượng bạn có những token đó trong điện thoại di động của mình. Bạn mua token rồi lưu trữ nó trong một cái ví di động, và nếu bạn đưa điện thoại của mình gần khóa xe, nó sẽ nhận ra bạn có đúng loại token, và chiếc xe sẽ được mở khóa.
Bạn ngồi trong xe và đi đến địa điểm mà bạn muốn đến trong hệ thống định vị. Chiếc xe sẽ thông báo cho bạn thông qua màn hình định vị rằng, bạn có 20 token và sẽ đến địa điểm cụ thể trong vòng 90 phút với mức giá 12 token. Ngay khi bạn đến nơi và ra khỏi xe, chiếc xe sẽ tự động khóa, và toàn bộ giao dịch sẽ kết thúc. Công ty cho thuê xe biết chính xác ai là người đã thuê xe, giờ nó đang đỗ tại đâu, và họ thu được bao nhiêu tiền cho chuyến đi này.
Bằng cách sử dụng dịch vụ đơn giản, bạn đã đến được địa điểm mong muốn và tự động được xác nhận đã thanh toán phí, cùng một lời cảm ơn vì đã sử dụng dịch vụ của công ty cho thuê xe. Không yêu cầu giấy tờ, không xác minh, không chất vấn, không hề phức tạp. Nếu bạn đã trải qua việc thuê xe thì có lẽ bạn sẽ thấy hào hứng trước triển vọng đó. Tuy nhiên, để thực hiện một dự định như vậy, bạn cần có một sản phẩm để khiến nó xảy ra.
Trong trường hợp cho thuê xe, thì sản phẩm này chính là một loại khóa đặc biệt và một hệ thống cho phép sử dụng nó. Sau đó, bạn cần xác định thị trường và lập ra kế hoạch kinh doanh dựa trên quy mô của nó. Hình thức đơn giản nhất của kế hoạch kinh doanh này chính là viết ra có bao nhiêu công ty cho thuê xe có thể sẽ mua sản phẩm của bạn, và bao nhiêu khách hàng có thể sử dụng một hệ thống như vậy. Tính toán chi phí đi kèm với việc phát triển hệ thống và sản xuất loại khóa đó. Cuối cùng, bạn tính thêm thời gian cần thiết để thu hồi vốn và lợi nhuận cuối cùng sau này sẽ là bao nhiêu.
Bạn phác họa một trục thời gian và tạo ra thứ gì đó giống như một bản cáo bạch, giải thích nó với những nhà đầu tư bằng một hình thức đơn giản và dễ hiểu. Sức hấp dẫn của một token như vậy cũng giống hệt như tất cả những gì thu hút chúng ta nhìn vào màn hình của các thiết bị mà chúng ta dùng hằng ngày. Máy vi tính, máy tính bảng, và điện thoại di động là những thứ tạo nên đời sống thường nhật của chúng ta, nhờ đó mà chúng ta tin rằng tất cả những gì có liên kết với chúng đều có nghĩa. Nhưng đây thực chất lại là một sai lầm.
Trong lĩnh vực ICO, có nhiều thứ sẽ có nghĩa nếu bạn là một người không chuyên. Nhiều thứ cũng sẽ có nghĩa nếu bạn là một chuyên gia công nghệ, ví dụ như trong trường hợp này là Blockchain. Tuy nhiên, rất nhiều thứ sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn vừa là một chuyên gia công nghệ, vừa là một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh đó.
Tôi dám nói rằng mối liên hệ này, cụ thể là trong bối cảnh định nghĩa, cũng chứa đựng câu trả lời cho việc vì sao nhiều dự án ICO không thành công. Đơn giản là bởi sự nhiệt huyết thường chỉ dựa trên những tiềm năng của công nghệ được nói đến. Đội ngũ (có lẽ là thật tâm) trình bày các phương án này cho những người biết về công nghệ để nhờ đó họ có thể đánh giá xem liệu dự án có hiệu quả hay không. Tuy nhiên, những người còn thiếu chính là những người thật sự am hiểu lĩnh vực đó.
Và đây chính là “con sâu làm rầu nồi canh”, cũng là câu trả lời cho việc tại sao 93% các dự án ICO thất bại. Đơn giản là bởi vì phần lớn các dự án đều là những chiêu trò lừa đảo. Có một nhóm khác gồm những người nhiệt huyết, những người đã kêu gọi được một số tiền lớn, và bởi vì có được số tiền lớn như vậy từ trước nên họ thấy rằng họ thật sự không cần phải làm việc cật lực (hoặc chẳng cần làm gì cả) để được trả lương. Tôi không biết có bao nhiêu người như vậy (hầu hết là những người trẻ tuổi) từng có hàng triệu đô la trong tài khoản cá nhân của mình. Nhưng tôi tin rằng nếu đây là lần đầu tiên, thì khi cảm nhận được sự say đắm đó, nó sẽ có tác động đến họ. Nếu tác động này được thúc đẩy bằng việc nhận thức được rằng, ngày nay không có cách nào để nhà đầu tư lấy lại số tiền đó, nó sẽ dẫn đến việc mất đi động lực.
Việc mất đi động lực vì tiền bạc có sẵn cũng gần như là sự tê liệt, và theo sau đó là kết thúc mọi hoài bão. Việc này cũng thường được củng cố bởi một cuộc cãi vả trong nhóm, khi những người cùng hội cùng thuyền bắt đầu ném dụng cụ làm bếp và dao nĩa vào nhau.
Một nhóm nhỏ khác nữa của các dự án ICO bất thành là những nhóm người có vẻ đứng đắn vào lúc ban đầu. Họ thậm chí còn cố gắng giao tiếp. Nhưng dần dần họ nhận ra rằng, vấn đề mà họ đang cố giải quyết phức tạp hơn họ nghĩ rất nhiều. Tôi luôn luôn (và đây chính là từ mà tôi đã đề cập với độc giả ngay từ đầu) cực kỳ bực mình khi bắt gặp bản cáo bạch ICO của những người tuyên bố rằng họ đang hướng đến một dự định cụ thể, nhưng lại không có một người nào thành thạo về vấn đề đó. Họ ở bên cạnh những cái tên có tiếng tăm trong giới công nghệ và dồn toàn bộ sự chú ý cho công nghệ. Và vì những nhà đầu tư trong lĩnh vực tiền mã hóa đã đầu tư vào các dự án tương tự tin tưởng những người này, nên những nhà đầu tư nhẹ dạ cả tin cũng giao phó tiền của họ cho nhóm người ấy. Nhưng việc đó hầu như chẳng giúp đạt được những gì đã dự định. Có phải bạn lại đang cảm thấy quá phức tạp không? Không sao đâu, tôi sẽ đưa ra cho bạn một ví dụ cụ thể mà bạn sẽ ngay lập tức hiểu được.
Mỗi khi xã hội loài người cố gắng loại bỏ lực lượng lao động bằng bất kỳ quy trình công nghệ nào, thì chúng ta phát hiện ra rằng, công nghệ hoạt động tốt hơn nhiều khi có sự tương tác với người lao động. Hãy cứ xem lại lịch sử, cụ thể là lịch sử của máy vi tính, bạn sẽ có thể dễ dàng xác minh điều này. Triết lý ban đầu của công nghệ Blockchain là dựa trên giả thuyết rằng mọi người mong muốn sự tự do. Tuy nhiên, mọi người không mong muốn sự tự do, mà là sự thuận tiện (điều này cũng đã được chứng minh khi những đội ngũ ICO nhận được tiền cho dự án của họ, họ phá vỡ cam kết và sử dụng số tiền cho mục đích hoàn toàn khác).
Vì mọi người mong muốn sự thuận tiện, nên họ cần có công cụ để đạt được nó. Ví dụ, ngày nay, trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, một tấm thẻ thanh toán chính là công cụ đó. Tấm thẻ thanh toán này là một công cụ rất dễ dàng và thuận tiện. Bạn đem theo nó trong ví của mình, và bởi vì có thể dùng nó để chi trả tại hầu hết mọi nơi, nên bạn không bị giới hạn và có thể sử dụng nó gần như tại mọi thời điểm (ít nhất là nếu bạn có đủ tiền trong thẻ). Nếu bạn nói chuyện với những người trong thế giới tiền mã hóa, đặc biệt là những người tự xưng rằng họ theo chủ nghĩa vô trị, bạn sẽ thấy nhân loại có thể giả tạo như thế nào.
Nhưng xin hãy cân nhắc rằng thế giới tiền mã hóa hiện đang được thống trị chủ yếu bởi những người có học thức cao, tài năng và thông minh. Nếu họ đi theo con đường đó, nhiều người trong số họ cũng sẽ trở nên giàu có. Tuy nhiên, để tận hưởng sự giàu sang thoải mái trong thế giới tiền mã hóa thì đó vẫn là một quá trình tương đối phức tạp (nếu bạn không phải là Warren Buffet thời hiện đại và tất cả tài sản của bạn không được đầu tư vào các dự án khác nhau, với viễn cảnh lên kế hoạch mua một bộ âu phục mới và một chiếc xe tốt hơn sau ba mươi năm).
Nói tóm lại, sẽ rất tuyệt nếu như bạn có một tấm thẻ đem lại sự thuận tiện này, ngay cả khi bạn có số dư tiền mã hóa trong ví. Ngày nay, trên thị trường chưa có loại thẻ đó. Đó là lý do tại sao mỗi khi có một dự án xuất hiện, khẳng định sẽ giải quyết vấn đề này, nó sẽ khơi dậy một làn sóng quan tâm nhất định. Rõ ràng là thị trường tiền mã hóa cần một sản phẩm như thế. Nếu có ai đó tạo ra nó thì bảo đảm họ sẽ có khách hàng. Và nếu bạn có được khách hàng… thì bạn biết chuyện gì xảy ra rồi đấy. Vì đã làm việc trong lĩnh vực tài chính suốt nhiều năm dài, nên tôi xem xét kỹ hơn tất cả các dự án nào khẳng định sẽ loại bỏ sự phụ thuộc của tôi vào ngân hàng, hay rõ ràng là đề nghị cung cấp phương án thay thế cho một khách hàng như tôi.
Đó là tại sao tôi cũng thấy hứng thú với một dự án tuyên bố rằng sẽ xây dựng ngân hàng trong thế giới tiền mã hóa. CHAO ÔI! Tôi nghe thấy bạn đang cảm thán. Không chỉ là một tấm thẻ thông thường mà là cả một ngân hàng. Thế là bạn vui vẻ đọc bản cáo bạch của họ, nhìn vào những gương mặt đang tươi cười của họ và những chuyên gia mà họ đã thuyết phục để hỗ trợ cho mục tiêu của mình. Cuối cùng, bạn xem xét dự định cùng sản phẩm tương ứng, cũng như kế hoạch phát triển sản phẩm đó. Sau đó, với sự kinh ngạc, bạn chứng kiến hàng triệu đô la tìm đến họ từ những nhà đầu tư trong thế giới tiền mã hóa. Thật thú vị khi nhìn thấy 105.000 con người trên khắp thế giới chuyển cho họ 180.000.000 đô la chỉ trong vòng hai tháng.
Sự há hốc kinh ngạc trên đến từ việc tin chắc rằng dự án theo như kế hoạch mà họ tuyên bố đơn giản là không thể thành công. Nếu bạn là người trong ngành và ít nhất là hiểu được phần nào việc hệ thống ngân hàng bị hạn chế bởi các quy định pháp lý, thì bạn sẽ biết rằng đó là điều bất khả thi.
Tôi cố ý không đề cập đến tên của dự án này. Lý do là vì theo quan điểm của tôi, dự án này là một trong số những dự án thật sự nghiêm túc. Đôi lúc sau khi kêu gọi vốn, họ sẽ ngừng giao tiếp. Cá nhân tôi có thể tưởng tượng được lý do. Tuy nhiên, sự thật là đối với một dự án thì danh tiếng là mọi thứ. Nếu bạn đánh mất uy tín, thị trường sẽ ngay lập tức phản hồi và bắt đầu bán những token mà họ đã mua. Họ càng bán nhiều token thì giá trị của nó càng lao dốc. Bạn biết điều này mà. Danh tiếng là thứ rất khó để gầy dựng, nhưng có thể bị mất đi rất nhanh chóng và thường không thể lấy lại được.
Chúng ta sẽ chỉ ra và tóm tắt những điều tuyệt vời về ICO:
• Tiền được gửi trực tiếp đến cho bạn bởi người sở hữu nó, không phải bởi một bên trung gian giống như trước giờ chúng ta đã quen (như một ngân hàng chẳng hạn).
• Nếu bạn sử dụng quy trình ICO, bạn sẽ có thể kêu gọi tiền cho dự án của bạn, miễn là nó đủ đáng tin cậy.
• Các phản ứng dành cho dự án, hay nói đúng hơn là cách mà mọi người nhìn nhận nó, sẽ minh bạch, và quan trọng hơn cả là phi tập trung (nhiều người có thể bày tỏ quan điểm của họ).
• Nếu bạn thiết lập ICO một cách đúng đắn, nó sẽ đem lại cho bạn những nhà đầu tư nào sẽ mua và có thể sử dụng token của bạn.
• Nếu bạn thiết lập hạn mức tối đa (số tiền mà bạn dự kiến sẽ thu được) thật cao và nếu bạn đạt được nó, bạn sẽ có được sự chú ý.
• Nếu bạn thật sự tạo ra sản phẩm mà bạn đã hứa hẹn, bạn sẽ có sẵn một cộng đồng người dùng / khách hàng.
• Nếu bạn giao tiếp với những nhà đầu tư một cách phù hợp, thì nền tảng cộng đồng có thể phát triển, thậm chí là tăng lên gấp bội, cải thiện xếp hạng của bạn.
• Nếu xếp hạng của bạn tăng lên, bạn sẽ đem lại giá trị cho những nhà đầu tư ngay cả trước khi bạn có một sản phẩm hoàn thiện (nhờ xếp hạng tăng lên, giá trị của token trên sàn giao dịch tiền điện tử cũng sẽ gia tăng).
Mặt khác, ICO cũng có những điều không tuyệt vời cho lắm:
• Không có ai kiểm chứng liệu dự án đó có khả thi hay không; Do đó, việc đưa ra các dự án không thực tế trong ICO là điều có thể xảy ra.
• Cách xếp hạng các dự án ICO không có quy tắc rõ ràng, vậy nên họ sẽ cố gắng gây ấn tượng nhằm kêu gọi tiền bạc bất kể mục đích sử dụng số tiền ấy là gì.
• Các dự án nhận được toàn bộ tiền vốn từ trước, dù chúng có rủi ro cao và cực kỳ dễ làm mất động lực.
• Đội ngũ của các dự án hầu như chuyên về công nghệ, dù sự thật là họ đang đối mặt với những vấn đề thuộc một lĩnh vực cụ thể khác (ví dụ như ngân hàng).
• Những nhà đầu tư không tài nào kiểm soát được dự án hay quyết định bước tiếp theo khi kế hoạch không được thực hiện.
• Những nhà đầu tư không có văn kiện pháp lý nào để lấy lại tiền; điều duy nhất mà họ có thể làm chính là bán các token của họ trên sàn giao dịch chứng khoán (nếu có người muốn mua chúng).
• Không có văn kiện nào để bảo đảm xếp hạng tạm thời trước và trong quá trình ICO; điều tương tự cũng không tồn tại trong suốt quá trình thực hiện kế hoạch.
• Nếu dự án không đáp ứng được các hứa hẹn có liên quan đến việc tiến hành dự định, thì những nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ vốn đầu tư mà không có bất kỳ khoản bồi thường nào.
Chúng ta đã phác họa vắn tắt công dụng của ICO. Chúng ta đã trình bày những ví dụ để minh họa và nhận dạng các khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực của quy trình này. Bây giờ hãy dành một ít thời gian quay trở lại định nghĩa mà chúng ta đã vay mượn trên mạng để gợi nhắc về nguồn gốc thật sự của ICO.