Hai năm trước khi tình huống trên xảy đến, tôi bắt đầu tiếp nhận thông tin về thứ được gọi là ICO từ Nikolay. Mặc dù kết cục là cả hai đã làm chung một văn phòng, nhưng chúng tôi vẫn cùng nhau ra ngoài chạy bộ, à, nói đúng hơn là thỉnh thoảng ra ngoài chạy bộ. Điều đó rất ổn, thật đấy, vì tập thể dục sẽ đào thải những mẩu phân tử không hài hòa trong cơ thể qua tuyến mồ hôi, và chúng ta sẽ cảm thấy khỏe khoắn tương đối nhanh chóng. Vào một số ngày, sau khi Nikolay đã đỗ xe và bước ra khỏi ô tô của mình, anh ấy sẽ thông báo với tôi rằng có một dự án nào đó đã sử dụng ICO. Anh ấy cũng trích dẫn những số liệu khiến cho sự hoài nghi vốn có của tôi tăng lên, thậm chí gần như là ngờ vực. Kiểu như một dự án sẽ công bố dự định của mình ở đâu đó trên mạng Internet, và dựa vào đó, một người mà chỉ có Chúa mới biết là ai, sẽ cung cấp hàng triệu đô la cho dự án ấy? Bạn sẽ nghĩ như thế nào về điều vô lý này?
Sau cùng, bộ não thấm nhuần kiến thức của anh ấy hiểu rằng anh ấy chẳng thể làm gì nhiều với một kẻ đầu đất như tôi, trừ khi anh ấy khiến tôi mệt lử và buộc phải lắng nghe. Tôi vẫn chưa biết liệu đây có phải là một chiến lược tinh vi hay không, nhưng kể từ một thời điểm nào đó trở đi, chỉ sau khi chúng tôi đã gia tăng tốc độ chạy của mình, anh ấy mới cung cấp cho tôi thông tin này. Sau vài phút, anh ấy đã dễ dàng biến tôi thành người nghe, bởi vì trong tình trạng đó thì tôi chẳng thể làm gì khác cả. Đúng lúc đó, anh ấy hơi giảm tốc độ và chia sẻ về chủ đề mà anh ấy quan tâm nhất: ICO, và những cách thu hút vốn thông qua một loại token nào đó.
Nikolay càng cung cấp nhiều thông tin thì tôi lại càng nghi ngại. Nhưng sau một thời gian, tôi nhận ra sự nghi ngại của mình không dựa trên kiến thức mà tôi có về vấn đề đó, mà là dựa trên sự thiếu hiểu biết của tôi. Có lẽ bạn cũng từng trải qua điều này. Con người chúng ta có xu hướng suy nghĩ rất giống nhau, và mặc dù nhiều người trong chúng ta xem bản thân mình là tuyệt đối khôn khéo tại một số thời điểm (nếu bạn đang đọc những dòng này, chắc chắn bạn cũng đã từng có một giây phút như vậy trong đời), nhưng đa phần thì chúng ta hành xử như những người bảo thủ thích càu nhàu. Đó là một góc nhìn thú vị và quyến rũ, thứ mà tôi sớm nhận ra là bắt nguồn từ sự lười nhác.
Tất cả những gì mới mẻ đều đáng ngờ, hơn nữa, nếu nó đòi hỏi sự chú ý từ chúng ta, hay thậm chí tệ hơn là sự nỗ lực học hỏi những điều mới, thì nó có thể làm cho chúng ta bị tê liệt một phần hoặc toàn phần. Đó chính xác là điều đã xảy đến với tôi. Sau một khoảng thời gian nhất định, chủ đề này bắt đầu làm tôi buồn phiền đến mức phát cáu. Tôi phải thẳng thắn thừa nhận đôi khi tôi có thể trở thành một kẻ vô lại thật sự khó ưa. Mặt khác, cuộc đời đã dạy tôi rằng cơn giận có một khả năng tuyệt vời. Bởi nó tiết lộ chính xác điều mà bạn nên cống hiến bản thân mình ngay lập tức. Vậy nên tôi đã vùi đầu vào nghiên cứu lĩnh vực mới mẻ này.
Tôi bắt tay vào đọc sách về Blockchain, về Bitcoin, về tiền mã hóa, và cả ICO. Tôi đọc những cuốn cẩm nang sử dụng và nghiền ngẫm những cuốn sách hướng dẫn dài hàng trăm trang dành cho lập trình viên. Tuy nhiên, sự nhiệt huyết của tôi dành cho công nghệ được khơi dậy một cách từ tốn, có lẽ là do tôi cũng đã khá lớn tuổi. Tôi đã sống qua thời đại mà máy vi tính cá nhân là một chiếc máy có kích cỡ bằng bàn phím, được kết nối một bên với ổ điện, bên còn lại với ti vi, ngắt kết nối với sự lựa chọn giữa hai kênh truyền hình duy nhất (thỉnh thoảng mới hoạt động vào thời điểm đó), và thay vào đó là cung cấp cho người dùng một màn hình đen cùng một con trỏ nhấp nháy. Lúc đó tôi đã rất hứng thú, và tôi phải nói rằng ký ức ấy vẫn khơi gợi những cảm xúc đầy hoài niệm và vui vẻ trong tôi. Khả năng được tương tác với một loại máy móc (máy vi tính) thay vì nhìn chằm chằm một cách đờ đẫn vào ti vi có vẻ tuyệt vời đối với tôi.
Tôi đã trải qua một làn sóng như thế lần thứ hai với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet. Tuy nhiên, giữa năm 1995 và 2000, hầu như không ai trong chúng tôi nghĩ rằng làn sóng mà mình đang cưỡi to lớn cỡ nào. Ngoài ra, vào năm 2000, hầu hết mọi người đều tin rằng mạng Internet hay những dự án về mạng Internet đã hoàn toàn là một vấn đề trong quá khứ. Nhưng chính xác mà nói, ngay cả sau khi bong bóng dot-com vỡ, vẫn có những người thể hiện sự nhiệt huyết của mình. Và sau sự vỡ mộng tập thể đó, tôi cũng là một trong những người đầu tư rất nhiều năng lượng vào mạng Internet.
Đó là tại sao khi đọc những cuốn sách về làn sóng mới có tên gọi là Blockchain, tôi ngày càng nhận ra sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa những làn sóng này. Làn sóng mạng Internet có nhiều điểm chung với những gì đang diễn ra. Thậm chí là những yếu tố mà nó được xây dựng dựa trên, ví dụ điển hình là sự phi tập trung, tương tự như giao thức IP. Tuy nhiên, điểm chung lớn nhất và khá rõ rệt với mạng Internet chính là việc kiếm được tiền cho các dự án. Thật vậy, một người không cần phải là thiên tài trong lĩnh vực mã hóa hay nhà toán học tài giỏi lạ thường để nhận ra khía cạnh này. Đó là tại sao tôi lục tìm trong trí nhớ của mình để gợi nhắc bản thân về những sự kiện trước đây. Các dự án như Amazon và eBay đã được ra mắt vào năm 1995, còn Google là vài năm sau đó. Chúng ta có thể sử dụng ví dụ của ba công ty này vì họ thường đại diện cho những giải pháp Internet được tạo ra dựa trên nhu cầu.
Amazon, khởi điểm là một nền tảng bán sách trực tuyến, đã bắt đầu hoạt động dựa trên tiền đề những cuốn sách có thể được bán trên mạng Internet, chủ yếu là vì một số khu vực không có hiệu sách. Giả thuyết này cũng dựa trên niềm tin là có một vài cuốn sách không có sẵn tại các cửa hiệu, do đó độc giả quan tâm một tựa sách nào đó không thể mua được cuốn sách tại nơi mà họ sống. Một giả thuyết khác đó là mọi người muốn mua những cuốn sách bán chạy nhất. Vậy nên, nếu họ tìm được một danh sách những cuốn sách bán chạy nhất theo một cách thức minh bạch và đáng tin cậy thì họ sẽ tận dụng nó. Những đánh giá trên hóa ra lại cực kỳ chính xác. Amazon đã dựa trên những giả thuyết này và đưa ra một giải pháp có hiệu quả để thỏa mãn nhu cầu, thứ mà trước đó chỉ được xem là một đánh giá.
Dự án về chợ điện tử eBay cũng tương tự như vậy. Dịch vụ của nó dựa trên giả thuyết là mọi người có những sở thích và ưu tiên khác nhau, nên việc họ mua hàng trong chợ là hết sức bình thường. Trong khi chợ truyền thống về nguyên tắc bị hạn chế cả nguồn cung ứng lẫn địa điểm, thì chợ điện tử lại không bị hạn chế về những khía cạnh này. Giả thuyết của họ được đưa ra dựa trên một đánh giá, gợi ý rằng một người cung cấp một phần vật liệu xây dựng không dùng đến có thể bán nó cho ai đó đang cần (thậm chí là người sống tại một nước khác) thông qua dịch vụ của họ. Tương tự như Amazon, eBay xác thực đánh giá này với những khách hàng thực tế bằng cách đưa ra cho họ một giải pháp có hiệu quả.
Những quý ông tại Google cũng vậy, họ căn cứ chiến lược của mình dựa trên những nhu cầu thật sự của thị trường. Họ nhận thấy rằng, những người sử dụng mạng Internet cần một thuật toán tìm kiếm tương tác để tìm ra những câu trả lời liên quan đến câu hỏi của mình. Còn trước đó, mọi người buộc phải nhấp chuột vào các mục lục trang web tổng quát, tương tự như cấu trúc danh sách của các tập tin trên ổ đĩa máy vi tính vậy. Nhiều người trong các bạn cũng biết, một trong số các nhà đầu tư đầu tiên trong giai đoạn đầu của dự án khởi nghiệp này chính là Jeff Bezos, nhà sáng lập và ông chủ của Amazon (đây cũng là một trong số ít các khoản đầu tư Internet trong giai đoạn “tiền bong bóng” thật sự đem lại lợi nhuận cho ông ấy).
Nếu tóm tắt các thông tin trên, chúng ta sẽ tìm thấy một điểm chung quan trọng và có giá trị. Tất cả các dự án Internet này đều bắt nguồn từ một nhu cầu thật sự, và bằng cách đưa ra một giải pháp cụ thể, họ đã có được khách hàng của mình. Nên họ có những khác hàng thật và thông tin thật để giúp họ cải thiện doanh nghiệp. Nhờ vào khách hàng, họ thu thập được những dữ liệu quan trọng cũng như có được tiền vốn. Vì kế hoạch kinh doanh của các công ty này cho thấy sự tăng trưởng xấp xỉ hàng trăm phần trăm mỗi năm, nên họ dần dần có được sự chú ý của các nhà đầu tư. Khi nhìn vào những con số cụ thể này, chúng ta sẽ thấy một sự tương ứng tuyệt vời.
Vào năm 1996, Amazon đã bán tổng cộng 5% cổ phần cho 20 nhà đầu tư cá nhân thông qua ông chủ của họ, Jeff Bezos. Mỗi nhà đầu tư trả 50.000 đô la, và Amazon nhận được tổng cộng 1.000.000 đô la từ các nhà đầu tư. Không lâu sau đó, Amazon kiếm thêm được tổng cộng 8.000.000 đô la từ việc bán riêng 13% cổ phần cho một nhà đầu tư cá nhân. Không bao lâu sau, Amazon rao bán 13% cổ phần của mình trên sàn giao dịch chứng khoán thông qua IPO. Thị trường đã đáp lại đề nghị ấy, và Amazon kiếm được 54.000.000 đô la một cách khó tin. Ngạc nhiên thay, tổng giá trị vốn hóa thị trường của Amazon đã vượt ngưỡng 400.000.000 đô la Mỹ. Điều này thật không thể tin được, vì vào thời điểm đó, Amazon chỉ là một công ty nhỏ quản lý việc vận hành trong một tầng hầm cho thuê và giao những cuốn sách được đặt hàng trên trang web bằng bưu điện.
Ngay từ giai đoạn tiên phong đó của mạng Internet, việc có được một số tiền lớn với một cổ phần nhỏ đã là tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy rằng cũng khá dễ để biết dự án nào có kết quả, có một đội ngũ giỏi giang và kinh nghiệm, có khách hàng, có tiềm năng, và vì thế nên có tương lai. Mọi thứ chính xác là như thế, cho đến khi giới truyền thông quan tâm đến chủ đề này. Trong những ngày đầu, giới truyền thông ít nhiều khá thờ ơ đối với mạng Internet. Nhưng dần dần thì sự hứng thú của họ đối với chủ đề này tăng lên, và nó đã làm gia tăng sức ép trong cộng đồng. Sức ép này bất chợt trở nên trầm trọng hơn bởi những gì mà mọi người đã biết trước đó. Tương tác trực tiếp dưới dạng những kết quả cụ thể. Điều này được nhìn thấy rõ ràng trong ví dụ khi Amazon lần đầu tiên xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo. Mọi người đã biết đến khả năng mua một cuốn sách trực tuyến. Chỉ trong một ngày, đơn đặt hàng của Amazon tăng lên gấp hai, và xu hướng này vẫn tiếp diễn. Ban đầu, mọi người chỉ mua một cuốn sách, và sau khi nó được giao đến, họ lại bắt đầu đặt những cuốn sách tiếp theo.
Các ký giả bắt đầu liên kết hiện tượng mang tên Amazon, eBay, và Google với công nghệ, cụ thể là mạng Internet. Ba công ty này đã chứng minh rõ ràng rằng, mạng Internet sẽ giúp nhiều công ty quốc tế tìm được một số lượng lớn khách hàng bằng cách đưa ra cho họ những giải pháp dựa trên mạng Internet. Kể từ giây phút đó, nhiều đề nghị với những giải pháp kỳ quặc được đưa ra, liên tiếp từ cái này đến cái khác được hình thành dựa trên làn sóng này. Mỗi đề nghị đều vượt trội hơn đề nghị trước, củng cố sự hứng thú của các nhà đầu tư nôn nóng. Ngay từ những năm đầu tiên, các kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng ấy đã tuyên bố rằng, lãi suất trên lý thuyết sẽ là bội số của những khoản đầu tư đầu tiên. Sự hứng thú về mặt tài chính dành cho các dự án này càng tăng, thì người ta càng không quan tâm liệu giải pháp đó có được thị trường chấp nhận hay không, khách hàng có cần đến nó hay không, và liệu có một giải pháp thực tế nào kiểm chứng được sự hứng thú ấy hay không. Ngày nay, chúng ta đều biết rất rõ kết cục của các dự án này.
Tuy nhiên, điều mà mọi người không biết đó là cơn sốt Internet có tác động kinh khủng nhất đối với những công ty thật sự cung cấp dịch vụ cho khách hàng của họ. Những công ty như Amazon, eBay, và Google thật sự đã phải chiến đấu cho sự tồn tại của họ trong thời buổi đảo điên lúc bấy giờ, khi giá trị cổ phiếu của họ giảm xuống tận đáy, cùng với giá trị của các dự án thậm chí không có lấy một giải pháp có hiệu quả hay khách hàng nào. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các ký giả đã đúng. Thật vậy, ngày nay, trong năm 2018, có một số lượng lớn các công ty chỉ hoạt động thông qua mạng Internet. Nhưng họ là những công ty hiểu doanh nghiệp của họ và hiểu những nhu cầu mà họ thỏa mãn. Họ hiểu và có thể giao tiếp với khách hàng của mình. Họ cung cấp cho khách hàng một giải pháp có hiệu quả. Ở đây, xin hãy lưu ý một điểm khác biệt tưởng chừng như rất nhỏ nhưng lại hoàn toàn cơ bản. Mặc dù Amazon, eBay, và Google lúc đó vốn dĩ đã là những công ty đang hoạt động, nhưng cơn sốt mạng Internet lại được kích hoạt bởi một làn sóng các dự án.
Mặc dù bạn chắc chắn đã biết định nghĩa của một dự án và định nghĩa của một công ty là gì, nhưng có lẽ bạn sẽ không nổi giận khi tôi nêu những nét chính cho các độc giả khác ở một cấp độ khái quát. Một dự án là một tập hợp các hành động được thực hiện để cố gắng hoàn thành một mục tiêu cụ thể và có một kết thúc được xác định rõ ràng. Một công ty thì không có một kết thúc được xác định rõ; nó tích cực đáp lại các nhu cầu của khách hàng, phát triển và tăng trưởng tương ứng với mức độ thỏa mãn những nhu cầu ấy.
Bây giờ, hãy quay trở lại với sự nhiệt huyết của tôi dành cho công nghệ Blockchain. Như đã nói, niềm đam mê của tôi đã dần dần tăng lên. Bạn biết đấy, công nghệ và những tiềm năng của nó là một chuyện, nhưng tính khả dụng và khả năng đem đến một giải pháp có hiệu quả, được thị trường chấp nhận thật sự là một chuyện khác. Điều này cũng giống như chế tạo một siêu xe thể thao vậy, nếu bạn đi trước thời đại và sản xuất ra chiếc xe vào thời điểm không có hệ sinh thái phù hợp với nó, ví dụ như đường xá, trạm xăng dầu, luật pháp… thì dĩ nhiên là nó sẽ chẳng đem lại lợi ích cho ai cả. Phong tục tập quán cũng là một trường hợp giống như vậy. Nếu bạn chế tạo và bắt đầu bán một chiếc siêu xe thể thao tại một đất nước mà người dân địa phương đã quen với việc cưỡi ngựa thì rất có thể bạn cũng sẽ chẳng bán được bao nhiêu. Các nhóm đối tượng và phong tục tập quán đi liền với họ chính là một bằng chứng rõ ràng.
Nên tôi nhìn lại và tiếc thương cho khoảng thời gian mà tôi đã mất đi nhiều tài sản đầu tư trong giai đoạn bong bóng dot-com để có thể hiểu được tại sao tôi không mấy sốt sắng trước công nghệ mới và phương pháp huy động vốn mang tính cách mạng này. Trải nghiệm tiêu cực đó có lẽ đã cảnh báo tôi trong tiềm thức về hiện tượng công nghệ hoàn toàn mới được gọi là Blockchain và công cụ mà mọi người gọi là ICO. Tuy nhiên, ngày nay, tôi đã biết được điều mà bài học này dạy cho tôi. Nó chính xác là một liều thuốc cảnh báo đúng đắn mà một cái đầu lý trí cần để nhận biết đâu là vàng, đâu là cám. Theo ý kiến của tôi, đó là lý do tại sao các dự án lại có rủi ro cao nếu chúng sử dụng Blockchain để nỗ lực có được khách hàng mới mà không biết nhu cầu của khách hàng hay không thể xác định chúng, và quan trọng nhất là không có khả năng ứng dụng một giải pháp thỏa mãn các nhu cầu ấy. Các dự án nào căn cứ đánh giá dựa trên những giả thuyết và những kế hoạch kinh doanh không có cơ sở thường có rủi ro rất cao. Các dự án mà phía sau chúng không có người nào có lịch sử, kinh nghiệm, và thành quả cụ thể trong một ngành công nghiệp cụ thể thường có rủi ro rất cao. Các dự án mà sự hứng thú của khách hàng dành cho một giải pháp nào đó được cung cấp cho họ thông qua công nghệ Blockchain không được xác nhận thường có rủi ro rất cao. Các dự án nào hứa hẹn với nhà đầu tư về việc ứng dụng những công cụ bị kiểm soát trong thế giới thực cũng chứa đầy rủi ro.
Cá nhân tôi sẽ không đầu tư vào các dự án như vậy. Và đó cũng là lý do tại sao tiềm thức của tôi lại cảnh báo tôi, và cơ thể tôi đồng thời phản ứng lại với mọi thông tin có liên quan đến hiện tượng hấp dẫn này bằng sự tức giận. Bởi vì nó đã trải qua điều tương tự. Trải nghiệm ấy và những mất mát đi liền với nó nặng nề đến nỗi cơ thể tôi có thể nhận diện một số điểm chung. Và đó thật ra lại là điều tốt. Nếu tôi chưa từng trải qua kinh nghiệm điên rồ và cực kỳ đắt giá lúc đó, thì ngày nay tôi sẽ không thể nhận diện những cơ hội mà thế giới mang tên Blockchain đem đến. Khoảnh khắc tôi hiểu ra sự thật này, sự nhiệt huyết của tôi dành cho Blockchain và ICO bắt đầu tăng lên, dù vẫn rất thận trọng.
Chúng ta đều biết rằng, lịch sử có xu hướng lặp lại. Do đó, nếu công nghệ Blockchain cũng tương tự như giao thức IP và mạng Internet nói chung, thì có thể nhận định làn sóng mà nó tạo ra sẽ có kết cục tương tự như trường hợp của mạng Internet vào năm 2000. Tuy nhiên, cho đến lúc đó, có thể xác định khá rõ ràng các dự án nào có khả năng trở thành những công ty thật sự.
Phát hiện này làm tôi sửng sốt. Nó diễn ra ngay đây, tại nơi tôi đang sinh sống, và tôi có trải nghiệm mà nhiều người không có. Bên cạnh đó, tôi còn có một cộng sự đã quản lý phiên bản nhẹ cân hơn của ngân hàng được gọi là ngân hàng di động trong nhiều năm và rất thành công, nó đã hoạt động trên khắp thế giới. Vậy thì kiến thức mà Nikolay truyền lại cho tôi bằng sự kiên nhẫn của loài gấu thật sự không phải là một món quà tuyệt vời, xứng đáng được đặc biệt chú tâm hay sao? Công nghệ này còn đang trong giai đoạn thai nghén nhưng đã lọt vào tầm ngắm của những công ty nổi tiếng. Có phải là vì một ngày nào đó, chức năng này sẽ được sử dụng bởi tất cả những người dùng điện thoại di động thông thường không? Thật sự thì chúng ta có đang tham gia vào một sự thay đổi mang tính tiến hóa, thứ sẽ tạo ra một làn sóng hoảng loạn liên quan đến lòng tham và sự hám lợi của con người giống như những gì nó đã làm cách đây hai mươi năm với mạng Internet không?
Tôi tin là vậy. Ít ra thì mọi thứ đều chỉ ra rằng trường hợp này là đúng. Tuy nhiên, trước khi chúng ta tiếp tục cùng nhau tìm ra ý nghĩa của cụm từ viết tắt kỳ diệu là ICO, nó có liên quan gì đến cơn sốt mua sắm được dự đoán trước mang tên Blockchain, hay nó đem lại lợi ích gì cho các doanh nghiệp và các dự án, hãy nhìn vào một vài con số thực tế trước tiên. Vì chúng ta đã bắt đầu từ chữ A, nên hãy quay lại một lát để nói về Amazon.
Ban đầu, Amazon sử dụng nguồn tiền từ gia đình. Như chúng ta vốn đã đề cập, sau này công ty đã bán 5% cổ phần để đổi lấy 1.000.000 đô la. Sau đó, một quỹ đã trả giá 8.000.000 đô la cho 13% cổ phần. Tuy nhiên, ngay trong thời điểm đó, các luật sư cũng đang làm việc để đưa cổ phần của Amazon lên sàn giao dịch chứng khoán. Quá trình niêm yết này được gọi là IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu).
Vào năm 1997, Amazon đã phát hành tổng cộng 23.858.702 cổ phiếu. Thông qua IPO, nó đã phát hành 3.000.000 cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán với mức giá 18 đô la mỗi cổ phiếu. Vì vậy, có thể dễ dàng tính được là bằng cách này, Amazon đã đưa 12,6% cổ phần của mình lên thị trường. Và thị trường đã đáp lại lời đề nghị bằng cách trả 54.000.000 đô la cho số cổ phần đó, khiến cho tổng giá trị của Amazon trở thành 438.000.000 đô la, điều rất tuyệt vời đối với Bezos vào lúc đó (chỉ để so sánh, giá hiện tại là 1.900 đô la mỗi cổ phiếu, nên tổng giá trị hiện tại của Amazon là 45,3 tỷ đô la Mỹ).
Khi đi đến kết luận, chúng ta thấy rằng trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, đặc biệt là từ năm 1995 đến 1997, Bezos đã đạt được tổng số vốn hơn 63.000.000 đô la để đổi lại chưa đến 40% cổ phần của Amazon.
Nếu bạn nhìn vào giai đoạn này và chịu khó tìm đọc những bài báo được phát hành tại thời điểm đó, bạn sẽ thấy các tờ báo xem đây là điều khá bình thường. Việc thu hút hàng chục triệu đô la thông qua IPO cho cổ phần của một công ty phân phối sách bằng bưu điện mà không có bất kỳ hệ thống phức tạp, nhà kho chính, kho hàng, hay giá trị thật nào, đơn giản là điều khả thi tại thời điểm đó. Nó sẽ trở nên khả thi nếu như công ty sở hữu thứ gì đó tỏa sáng hơn những công ty khác theo đúng nghĩa đen, và truyền tải thông tin này đến thế giới thông qua điều kỳ diệu mang tên Internet. Amazon đã thu hút được vốn nhờ vào Internet. Các nhà đầu tư, các thương nhân, và cả thế giới đều nhận ra điều đó.
Điều tiếp theo đó là chúng ta cần biết những gì để hiểu được thứ mà chúng ta có thể trông chờ tại thời điểm này. Có nhiều người trên thế giới đã lập ra các trang web. Họ tạo ra một cấu trúc dựa trên thành công của những công ty tương tự như Amazon. Họ cũng mở những công ty, chuẩn bị những kế hoạch, chứng minh bằng những con số thú vị, bảo rằng sẽ có lúc một công ty chỉ có thể mở rộng nhờ vào mạng Internet và những tiềm năng của nó (ngày nay chúng ta biết rằng họ gần như nói đúng). Sau đó, họ thuê những chuyên gia để chuẩn bị việc IPO cho họ và đưa cổ phiếu của họ lên sàn giao dịch chứng khoán.
Thật sự không dễ để phân biệt đâu là công ty thật và đâu chỉ là dự án núp sau một công ty trên thị trường chứng khoán. Việc này thậm chí còn khó hơn trong giai đoạn mà lượng cầu gia tăng với tỷ lệ khiến cho hầu hết mọi thứ đều tăng trưởng, gần như là mọi thứ. Trong thời điểm điên cuồng này, việc tạm dừng để phân tích rủi ro cá nhân là điều khó khăn đối với các nhà đầu tư tham lam. Ít nhất là hầu hết trong số họ. Tuy nhiên, theo như những gì họ bào chữa, cũng có thể nói rằng việc đó không phải là ưu tiên của họ trong một số giao dịch. Nói tóm lại, đầu tư vốn mạo hiểm hoạt động theo một cách thức có phần nào khác biệt. Nhưng hành vi của nó lại ảnh hưởng đến những nhà đầu tư thiếu kỷ luật có ở khắp mọi nơi.
Phần lớn mọi người chạy theo một xu hướng, nếu có thứ gì đó thành công hay thất bại, họ sẽ hành xử theo thứ mà họ tin tưởng. Vậy nên giữa năm 1997 và 1999, có một số lượng ngày càng lớn những người tin rằng mạng Internet, hay nói cách khác là công nghệ, có thể thay đổi tương lai. Đó là tại sao nhiều người đầu tư tiền bạc của họ vào Internet một cách chậm rãi vào lúc ban đầu, sau đó nhanh chóng hơn, và cuối cùng là hoàn toàn vội vã. Sự tăng giá của các dự án Internet trên sàn giao dịch chứng khoán đã đạt đến một giá trị đáng kinh ngạc. Xu hướng này càng phát triển thì càng có nhiều người nhận ra một sự thật tương đối quan trọng. Việc lên kế hoạch cho thứ gì đó là một chuyện, sử dụng công nghệ đột phá là một chuyện khác, và thật sự làm cho nó phát huy tác dụng lại là một chuyện khác nữa.
Việc làm cho nó phát huy tác dụng là điều thiết yếu, đây là nguyên nhân cơ bản khiến cho hầu hết các dự án bị phá sản vào năm 2000. Tuy nhiên, điều thật sự mê hoặc chính là làn sóng này cũng thu hút sự chú ý của những công ty hoàn toàn nhận thức được rằng, những nhu cầu trước tiên phải được thấu hiểu, chỉ khi đó thì chúng mới có thể được giải quyết. Amazon chính là một trong những công ty đã tham gia vào cuộc hỗn loạn đầu tư này. Giữa năm 1997 và 1999, công ty đã đầu tư hàng trăm triệu đô la vào các dự án như thế thông qua những khoản đầu tư và quỹ đầu tư của họ. Trớ trêu thay, trong khi bản thân Amazon phát triển một cách từ tốn, thì họ lại đầu tư một số tiền khổng lồ để đổi lấy một ít cổ phần của các công ty/dự án nhỏ mà họ không quản lý hay giám sát được. Họ đầu tư quá nhiều với niềm tin những người đang phát triển các dự án đó có thể thúc đẩy doanh nghiệp theo cách tương tự như họ từng làm. Hầu hết các khoản đầu tư này đều được xem là một đi không trở lại.
Sự nhiệt huyết của những nhà khởi nghiệp trẻ tuổi lớn hơn khả năng chống chịu với thay đổi của họ rất nhiều. Tương tự như vậy, sự kiên trì của những người này cũng sẽ cạn đi ngay khoảnh khắc mà họ thấy rằng họ không có khách hàng, chỉ có các nhà đầu tư mà thôi. Một khi nguồn vốn đổ vào dừng lại, chiếc máy bay khởi nghiệp sẽ hết nhiên liệu, và nếu không có phương án hạ cánh khẩn cấp thì dự án đó chắc chắn sẽ lao xuống vực thẳm. Vì sự cố này, số tiền vốn được đầu tư cũng biến mất mãi mãi, và cả thế giới nhận ra rằng, công nghệ có lẽ không tuyệt vời như mọi người vẫn tưởng. Điều đó đã dẫn đến việc giá cổ phiếu của các dự án công nghệ lao dốc. Điều ấn tượng về mọi thứ chính là sự giảm giá này gây thiệt hại lớn nhất cho những công ty đã có khách hàng, đang phát triển, và tuyên bố rõ ràng rằng Internet là một công cụ tuyệt vời. Amazon, eBay, Google đều trải qua sự vỡ mộng nặng nề. Họ mất đi nhiều tiền bạc, người ủng hộ, người hâm mộ, nhà đầu tư, khách hàng, và cả làn sóng mà họ đang cưỡi.
Hơn nữa, họ đã phải đấu tranh vất vả để tồn tại. Họ chiến đấu bởi vì họ có một dự định khác. Dự định của họ chính là xây dựng một thứ gì đó phi thường, những công ty thỏa mãn nhu cầu thật của người thật. Và chúng ta nên ghi nhớ bài học này. Mặc dù những người giống như Bezos được thúc đẩy bởi khái niệm tăng trưởng dựa trên việc đem lại giá trị thật cho khách hàng, nhưng hầu hết những công ty khởi nghiệp Internet chỉ được thúc đẩy bởi lòng tham của các nhà đầu tư vô kỷ luật. Chắc chắn có nhiều điều mà chúng ta học được từ những đoạn trên.