Đôi lúc ta thấy rất bực mình vì việc gì đó. Ta có thể căng thẳng đến mức tưởng như sắp mất trí vì xung quanh không ai cùng quan niệm với ta. Cắt đứt một quan hệ trọng đại hay bắt đầu giai đoạn mới trong cuộc sống… đều có thể khiến ta thấy mọi việc rối tinh lên.
Điều này luôn tái diễn trong cuộc sống và làm tinh thần ta không ổn định. Những biểu hiện của tình trạng này như ta quên chỗ cất chìa khóa xe, nghi ngờ mình có nhìn nhận sự việc rõ ràng không trong khi mọi người dường như nghĩ ngược lại. Bí quyết chung của nhiều người để vượt qua những thời khắc ấy là lùi lại, thở sâu, lấy lại bình tĩnh. Sau đó mới quyết định làm gì tiếp theo.
Đi đâu đó nghỉ ngơi cũng sẽ rất hiệu quả. Một ngày không vướng bận với những điều làm ta bực tức, ta sẽ thấy đầu óc sáng suốt trở lại một cách kỳ diệu. Nói chuyện với một người bạn khách quan cũng hiệu quả không kém. Ta sẽ bắt đầu nhận ra điều gì làm ta mất ổn định trong tình huống hiện tại và bắt đầu thay đổi từ đó.
Khi gặp chuyện rất khó chịu, ta nên nhờ các chuyên gia giúp đỡ. Gặp người có kiến thức về tâm lý sẽ giúp ta thấy bớt cô đơn, thấy vững tâm hơn. Bác sĩ trị liệu hay chuyên gia tâm lý sẽ chỉ cho ta cách làm cho tâm trí lành mạnh trở lại để thực hiện những thay đổi cần thiết. Họ cũng sẽ giúp ta thấy lại bản chất nhân hậu của mình, để hiểu rằng thật ra ta vẫn bình thường.
Ẩn chứa trong cảm giác bực bội là tiếng gọi thức tỉnh để nhận ra ta đang mất cân bằng. Hãy tin rằng ta có khả năng tạo ra cuộc sống lành mạnh, bình yên cho bản thân. Ta cũng đừng quên rằng ai cũng từng có lúc tưởng mình đã mất trí. Ta xứng đáng được cuộc sống hỗ trợ phát triển. Từ bây giờ, hãy cố gắng làm những việc giúp ta thăng bằng tốt hơn và bớt bực bội.