Mỗi người đều có lúc muốn giãi bày những chuyện của riêng mình. Viết hồi ký để đọc một mình hay chia sẻ với gia đình, bạn bè, thậm chí xuất bản, là cách nhìn nhận lại những trải nghiệm của bản thân, thể hiện tiếng nói riêng và việc làm này đem lại hiệu quả rất tốt cho tinh thần của chúng ta. Có rất nhiều cảm xúc, sự kiện trong cuộc sống mà ta mong muốn viết ra để trải lòng mình. Hành động theo sự thôi thúc ấy có thể giúp ta giải tỏa sự tuyệt vọng, băn khoăn hay bất kỳ cảm xúc nào đó âm ỉ bấy lâu.
Chẳng cần phải có ai khác đọc câu chuyện của bạn. Thậm chí, bạn cứ viết mà không cần đọc ngay. Việc viết lách để thỏa mãn nhu cầu kể chuyện không phụ thuộc vào việc bạn có năng khiếu hay không. Thoạt đầu, những kỷ niệm bạn viết ra dường như chỉ là mơ hồ những cảnh tượng, âm thanh, mùi vị không liên quan đến nhau. Nhưng hãy cứ tin rằng bạn có khả năng kết nối những kỷ niệm qua chuyện kể.
Ai cũng muốn được lắng nghe, bởi vậy đọc cho người khác nghe chuyện của mình có thể giúp bạn thỏa mãn nhu cầu ấy. Viết truyện cũng giúp bạn thấu hiểu những trải nghiệm sống của mình, và khi viết xong, có thể bạn sẽ ngạc nhiên với những điều mình đã làm được. Mức độ hoàn thiện của câu chuyện nhiều hay ít tùy thuộc ý thích của bạn. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên với những nhận thức mới hiện ra, hoặc thấy mình khám phá được cội nguồn, bản sắc, và tương lai qua chuyện kể. Cứ để câu chuyện dẫn dắt bạn và hãy trung thực hết sức có thể. Đừng bận tâm người khác sẽ nghĩ gì về đường đời, cách viết hay lời lẽ của bạn.
Kể chuyện đời mình bằng những cảm xúc và nhận thức có thể đem lại những lợi ích lâu dài cho sức khỏe. Trong quá trình viết, ta nên rộng lượng với bản thân, nhất là khi viết về những chuyện đau buồn. Nếu là người trẻ, những câu chuyện này sẽ theo bạn khi bạn đến tuổi già. Đọc những câu chuyện ấy, người thân của bạn cũng sẽ hiểu bạn, hiểu bản thân họ hơn. Thường xuyên viết ra những câu chuyện của mình cũng là món quà bạn tự tặng cho bản thân và để chia sẻ tâm tư với mọi người xung quanh.