Món ăn cấu thành nên con người chúng ta, nhưng quan trọng hơn, tâm hồn của chúng ta cũng ảnh hưởng không nhỏ đến món ăn, thậm chí đến các dụng cụ nấu ăn như tấm thớt, cái nồi đến bàn bếp. Giá trị dinh dưỡng của món ăn, hay chính xác hơn là nguồn sống của con người, phụ thuộc vào cách thức chuẩn bị món ăn và những giá trị tinh thần ta thổi vào đó.
Những suy nghĩ và cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực của ta đều được hấp thụ vào món ăn ngay từ quá trình chế biến. Hãy hình dung tác dụng chữa bệnh diệu kỳ của món ăn khi tự tay ta nấu cho một người thân đang bệnh. Món xúp gà bình thường sẽ trở nên đặc biệt bởi tấm lòng người nấu mong người thân mau khỏe. Khi nấu ăn, những suy nghĩ của ta - dù là thương mến, buồn phiền, phá hoại, sáng tạo hay vui sướng - đều được hấp thụ vào món ăn. Món ăn nào được chuẩn bị với tấm lòng chân thành và thiện chí sẽ rất bổ dưỡng cho cơ thể và cả tâm hồn.
Trước khi quyết định nấu món nào đó, chúng ta hãy giải tỏa mọi điều khiến ta khó chịu, phân tâm. Hãy biến khu vực nấu ăn thành một không gian thoải mái, thư giãn và khơi gợi cảm hứng để khi bước vào nơi này, tâm hồn ta chỉ hướng đến những suy nghĩ tích cực mà thôi. Những suy nghĩ tiêu cực có thể ảnh hưởng không tốt đến hương vị, giá trị dinh dưỡng của món ăn. Có thể ví quá trình chuẩn bị món ăn như một dạng thiền định, khi đó, mọi suy nghĩ của ta đều thoát khỏi thế giới náo động bên ngoài và tập trung vào những việc trước mắt: thái rau, đong nước, pha chế, nêm gia vị…
Dù là khi chế biến một món ăn đơn giản hay phức tạp, chúng ta cũng nên bày tỏ sự quan tâm thực sự đối với từng công việc sơ chế, luôn hướng tâm hồn đến những giá trị dinh dưỡng và tình cảm yêu thương mà mình muốn gởi gắm vào món ăn. Nếu thích, bạn có thể trò chuyện, ngân nga một bài hát bất kỳ… chắc chắn cảm xúc phấn chấn của bạn sẽ truyền vào món ăn đang được chế biến kia. Cuối cùng, hãy nhớ luôn tập trung vào suốt quá trình chế biến món ăn, điều đó thể hiện qua việc chú ý đến chất lượng của các nguyên liệu chuẩn bị và sáng tạo ra những cách kết hợp khác nhau để tạo ra nhiều món ăn mới lạ, ngon miệng và đẹp mắt.
Đạo Phật đã nói về việc nấu ăn như sau: "Ta xem cái nồi như chính đầu của mình, và nước là sinh huyết". Rửa, gọt vỏ, cắt khúc, và xào các nguyên liệu cùng với một tấm lòng chan chứa yêu thương sẽ giúp ta có gắn bó hơn với món ăn, với người sẽ thưởng thức món ăn đó. Trong quá trình chuẩn bị ấy, bởi tâm hồn ta luôn hiện diện trong từng thời khắc và truyền thụ nguồn dinh dưỡng cho món ăn nên món ăn ta nấu sẽ mang lại nguồn sinh lực mạnh mẽ, niềm hân hoan cho bản thân ta và cho cả người thương của ta.