Sức sống của cây cối thể hiện qua sự xum xuê của cành lá, qua sự mạnh mẽ của bộ rễ đâm sâu vào đất. Theo thời gian, tán cây mỗi lúc một rộng thêm. Để lớn lên trong quá trình sinh trưởng, chúng sẽ rũ bỏ từng lớp vỏ trước đó vẫn bao quanh bảo vệ thân cây. Cũng như cây, ta tự tạo ra những ranh giới để tự vệ và tất nhiên đến một lúc nào đó, ta phát triển vượt qua khỏi những lằn mức ấy. Nếu không tự cởi bỏ lớp áo bảo vệ đã chật, ta sẽ không thể phát huy hết tiềm năng cá nhân.
Con người chúng ta cũng có những lằn ranh, những cơ chế phòng vệ để tự hàn gắn những tổn thương và để được sống thật. Song, sự trưởng thành của con người tùy thuộc rất nhiều vào khả năng linh hoạt, nới lỏng, loại bỏ các ranh giới phòng vệ không còn cần thiết. Trong cuộc sống, những ưu điểm ta từng phát huy để trưởng thành cuối cùng lại thường bó buộc chính chúng ta.
Khác với cây cối, chính ý thức của con người sẽ quyết định lúc nào ta cần cởi bỏ lớp vỏ, nới rộng không gian cho mình để bước vào giai đoạn trưởng thành tiếp theo. Theo lời thánh hiền, cái tôi của chúng ta không biến mất mà là ranh giới cái tôi đã mở rộng để chứa đựng thêm những đối tượng khác. Mỗi khi cởi bỏ một lớp vỏ phòng vệ, nới lỏng ranh giới không cần thiết tức là ta đã trưởng thành hơn.
Khi tâm niệm điều này, ta hãy dành thời gian nhìn nhận lại các ranh giới và cơ chế phòng vệ của mình. Duy trì và tôn vinh những rào cản mình đã thiết lập là điều cần thiết, nhưng điều quan trọng không kém là phải biết nới lỏng, thoát khỏi chúng đúng lúc. Có như vậy ta mới tạo cho mình cơ hội trưởng thành hơn.