Cuộc sống là một hành trình với những khởi đầu và kết thúc đan quyện vào nhau. Trước khi bắt đầu một giai đoạn mới bất kỳ trong cuộc sống, ta phải đến được điểm kết thúc của giai đoạn hiện tại.
Nhiều trải nghiệm cuộc sống đến lúc cũng cần phải kết thúc. Ta thường chỉ nhận ra ý nghĩa của sự việc hay tầm quan trọng của một bài học khi mọi việc đã đến hồi kết. Cũng có thể đó là khi ta hoàn tất một chặng đường, một giai đoạn và muốn tôn vinh kết thúc ấy. Cảm xúc có được khi hoàn thành một chặng đường giúp ta tự tin bắt đầu hành trình mới. Sự kết thúc sẽ thắt chặt hay cắt đứt suy nghĩ về những kết cuộc lỏng lẻo, giúp tâm trí ta thanh thản dẫu còn nhiều điều chưa được giải đáp chăng nữa. Nó còn báo hiệu kết thúc một trải nghiệm và những đổi thay đang đến.
Điểm kết thúc không chỉ là dấu hiệu của một sự chấm dứt mà còn là bắt đầu của một sự chuyển đổi. Khi tìm kiếm điểm kết thúc, điều ta thực sự cần là hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra và mong có được cơ hội đúc kết bài học kinh nghiệm. Thiếu điều này, chúng ta sẽ thiếu luôn quyết tâm phải tiến về phía trước, cứ day dứt kỷ niệm cũ, cứ quyến luyến người cũ để rồi chỉ biết đến đau khổ và thất vọng. Cảm xúc kết thúc một sự việc nào đó cũng sẽ xuất hiện khi ta thừa nhận bản thân đã cố gắng hết sức.
Nếu không thể chính thức kết thúc quan hệ với ai đó, bạn có thể tự tạo cảm giác kết thúc bằng cách viết thư vĩnh biệt người ấy rồi trang trọng đốt đi. Cách thức này cho phép bạn thể hiện sự tôn vinh, trân trọng những gì từng có giữa đôi bên, để những kỷ niệm thuộc về quá khứ và bạn có thể thanh thản hơn trong hiện tại.
Một kết thúc có thể giúp ta giải tỏa cảm giác giận dữ hay vướng mắc trong quá khứ, dẫu rằng ta vẫn rất trân trọng những kỷ niệm vui buồn ấy như một phần không thể thiếu trên hành trình cuộc sống. Điều này giúp ta giải tỏa những cảm xúc từng làm tinh thần ta mệt mỏi. Khi kết thúc một chặng đường, bạn đã khẳng định việc mình làm là cần thiết, bạn cũng sáng suốt hơn sau những trải nghiệm và sẵn sàng đón nhận những điều sắp đến.