Chúng ta không thể chữa lành những nỗi đau, vượt qua những tổn thương và hoàn thiện bản thân nếu không thành thật với chính mình. Hầu như chúng ta đều nghĩ mình rất chân thành và đáng tin cậy nhưng trên thực tế không phải ai cũng làm được như thế. Làm sao có thể trung thực với người khác nếu ta không thành thật với chính mình? Chúng ta chỉ để những người xung quanh nhận thấy những biểu hiện mà ta biết là sẽ được họ đánh giá cao. Những điều đó khiến chúng ta tự hào và ngỡ rằng chúng rất có giá trị trong mắt người khác. Thậm chí ta đánh lừa cả bản thân khi lấy đó làm phương châm sống của mình, thế nhưng thật sự trong lòng ta lại cảm thấy cả thẹn và tầm thường. Lý lẽ ta dùng để biện minh cho điều đó là nếu ta lờ đi những khía cạnh không hoàn hảo của bản thân thì những điều ấy sẽ dần mất đi, hay ít ra ta có thể che giấu được. Song, không thể như vậy!
Đó là vì cách sống này khiến ta cảm thấy nặng nề và giả dối. Tôi nhận ra rằng khi tôi thành thật với chính mình thì tôi cũng dễ dàng chân thành với người khác, và mọi người vì thế mà yêu mến tôi hơn, như một phần thưởng cho cách sống thật lòng này. Giờ đây bạn bè đã thấu hiểu và chấp nhận mọi nết tốt, tính xấu của tôi vì tôi đã thể hiện đúng bản chất của mình. Và như thế, chúng ta sẽ không phải chịu áp lực đè nặng như khi lẩn tránh bản thân, không dám nhìn thẳng vào chính mình.
Thật lòng là khi viết quyển sách đầu tay(*), tôi đã không dám mong đợi bất cứ điều gì. Tôi sợ mọi người không thích mình, sợ họ bàn tán, chỉ trích. Tôi cũng rất sợ mình nói điều gì sai hoặc tệ hơn là sẽ bị tẩy chay. Vì vậy tôi cố tình lánh mặt trong một thời gian dài. Thậm chí nhiều năm liền tôi không dám ký tên dưới bài viết của mình chỉ vì sợ dư luận xung quanh.
Còn nhớ trước buổi phỏng vấn đầu tiên trên đài phát thanh, tôi đã đi đi lại lại mà lòng thầm mong sẽ có người gọi điện hủy cuộc phỏng vấn. Vì quá hồi hộp, người tôi đẫm mồ hôi và tôi phải thay áo đến hai lần. Tiếng chuông điện thoại vang lên, trống ngực tôi đổ dồn và dường như tôi không còn biết gì nữa. Lúc đầu, tôi vô cùng bối rối nhưng các phát thanh viên đã giúp tôi trấn tĩnh lại, rồi tôi chợt nhận ra mọi việc đã hoàn tất. Hai mươi phút vụt trôi qua, tôi đã vượt qua chính mình để bước lên một tầm cao mới. Ngay lúc đó tôi những muốn được thực hiện cuộc phỏng vấn thêm lần nữa! Trong khoảnh khắc ấy, lòng tôi tràn ngập một thứ cảm xúc lạ lùng, vừa lo sợ, vừa hào hứng. Nếu bạn từng có cơ hội biểu diễn trên sân khấu, hẳn bạn sẽ hiểu được cái cảm giác lo lắng, bồn chồn trong giây phút chờ đợi sau cánh gà là thế nào, nhưng khi tấm màn nhung mở ra, bạn lại thả hồn trọn vẹn vào không gian ấy.
Rốt cuộc, điều tôi lo sợ trong lúc phỏng vấn cũng đã xảy ra. Lần nọ, trong khi đang trả lời phỏng vấn, bỗng nhiên đầu óc tôi trở nên trống rỗng. Tôi bật cười và thành thật thừa nhận với phát thanh viên rằng tôi đã quên khuấy những điều mình định nói. Đây chỉ là một chương trình thu âm nên tôi đề nghị anh cắt bỏ đoạn đó, nhưng anh bảo rằng không nên làm thế vì theo anh, cứ để nguyên như vậy sẽ giúp phản ánh chân thực hơn về con người tôi. Thế rồi cả hai chúng tôi cùng cười phá lên.
Vào lần khác, một người bạn thông thái của tôi đã đưa ra một nhận xét chí lý là những việc làm có ý nghĩa trong cuộc sống thường chứa đựng nhiều yếu tố khiến ta sợ hãi. Quả đúng như vậy! Tôi hồi tưởng lại những việc từng khiến mình lo sợ và thấy
rằng một khi đã vượt qua được khó khăn thử thách, ta như được chào đón để hòa mình vào một thế giới rộng mở. Nếu mọi việc đều dễ dàng, thuận lợi thì quả thật chẳng có gì để ta lưu tâm, học hỏi. Rất nhiều bài học quý báu tôi gặt hái được đều hàm chứa cả nỗi lo sợ lẫn niềm phấn khích. Cảm giác đó cũng giống như lúc đi máy bay vậy: xen lẫn với tâm trạng lo sợ khi đang ở độ cao hàng nghìn mét là cảm giác hào hứng, nôn nóng được chiêm ngưỡng, được khám phá điểm đến hấp dẫn, thú vị ngay phía trước. Thật tuyệt vời làm sao!
Trong quá trình nỗ lực để thành thật với chính mình và chữa lành nội tâm, cũng có lúc tôi rơi vào bế tắc, cảm thấy mình đang ở ngưỡng bão hòa. Tôi thấy như mình đang hủy hoại bản thân khi dấn bước vào hành trình chữa lành nội tâm! Rồi tôi lắng lòng, chiêm nghiệm thật lâu để nắm bắt được bản chất của sự việc đã xảy ra. Nhờ vậy tôi mới hiểu rằng phần nào đó trong bản thân tôi không muốn được chữa lành.
Mặc dù điều này nghe có vẻ vô lý nhưng đó là sự thật. Ẩn chứa bên trong mỗi người là nỗi lo sợ bộc lộ bản thân. Để chữa lành nội tâm và để trưởng thành, chúng ta cần cởi mở trái tim. Song, ta nghĩ
rằng làm vậy sẽ khiến mình dễ bị tổn thương hơn, dễ bị những tác nhân từ bên ngoài tấn công. Thật ra, phần nội tâm cần được chữa lành chẳng hề bị hủy hoại; phản ứng đau đớn đó chỉ nhằm ngăn ta đừng dứt bỏ những lề thói cũ và những "nhãn mác" giả tạo ta dùng để định dạng bản thân. Cuộc sống có rất nhiều điều khiến ta sợ hãi. Với tôi, tôi sợ hãi khi bị buộc phải bước ra và đối mặt với thế giới bên ngoài hay khi để cho người khác biết được cảm xúc thật của mình… bởi vì như vậy nghĩa là tôi đã trở thành tấm bia hứng chịu sự chế giễu, nhạo báng của người khác.
Phần con người không muốn trải qua thử thách, trui rèn trong tôi giữ tôi trong "vùng an nhàn", tránh xa những muộn phiền, đau khổ và nỗi sợ hãi chốn đông người. Nhưng khi sống thật với chính mình, một thế giới toàn vẹn như chợt hiện ra trước mắt tôi vì tôi nhận thức được rằng tôi không hề bị tổn thương, thay đổi không phải là hành động rồ dại hủy hoại bản thân; nhờ đó tôi có thể dũng cảm đối mặt và thích ứng với sự thay đổi. Phương châm của tôi là hãy bắt đầu quá trình thay đổi từ sự thay đổi trong nhận thức. Giờ đây, những nhận thức sâu sắc trở thành nguồn động lực bên trong không ngừng khích lệ tôi hoàn thiện mình. Bằng cách chuyện trò với phần tâm hồn còn đang muốn trú ẩn an toàn, tôi dần trở nên tự tin, thoải mái, sẵn sàng đón nhận những đổi thay.