Động cơ hành động
Đã từ lâu, con người vẫn luôn đau đáu với câu hỏi Hành động của chúng ta bắt nguồn từ tình yêu thương hay nỗi sợ hãi. Cảm nhận sự việc qua góc độ này thì những gì ta làm không quan trọng bằng cảm giác ta có được ẩn sâu đằng sau hành động đó. Chẳng hạn, chúng ta tận tâm với công việc có thể chỉ vì sợ phải lâm vào cảnh túng bấn, nhưng cũng có thể chúng ta thật sự say mê, yêu thích nó. Mọi người đều biết làm việc bằng cả tấm lòng thì sẽ đạt được kết quả tốt hơn so với khi làm việc đó trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi. Đa số mọi người cho rằng cả hai động lực này đều giữ vai trò ngang nhau trong cuộc sống, và việc quan sát chính mình, cố gắng tìm hiểu nguồn gốc của các động lực bên trong là một trải nghiệm thú vị.
Hầu như con người ai cũng sợ vi phạm pháp luật, thế nên dù vô tình hay chủ ý, ta đều tránh những hành động có thể dẫn đến tình trạng đó. Như vậy, chúng ta tự động tuân thủ pháp luật chỉ vì sợ mà thôi. Tuy nhiên vẫn có thể tránh được việc phạm luật khi ta yêu thương và sống có trách nhiệm với bản thân, với mọi người xung quanh. Đây chỉ là sự thay đổi trong suy nghĩ bằng cách nhìn nhận sự việc theo một góc độ khác. Đôi khi chỉ một thay đổi nhỏ thôi cũng tạo nên sự khác biệt lớn trong cuộc sống của bạn.
Qua quá trình chiêm nghiệm bản thân, chúng ta nhận thấy có rất nhiều việc làm bắt nguồn từ nỗi lo sợ, song chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra hướng để thực hiện chúng bằng tình yêu thương. Ví dụ, thay vì phải làm việc với tâm trạng lo lắng về chuyện "cơm-áo-gạo-tiền" nuôi sống gia đình thì ta có thể thay đổi cách nghĩ của mình, chẳng hạn như lấy tình yêu thương đối với gia đình làm động lực để nỗ lực trong công việc và xem đây là cách tốt nhất để hỗ trợ gia đình. Đừng nghĩ mình làm việc vì bổn phận mà hãy nghĩ rằng những gì ta làm sẽ mang đến hạnh phúc cho những người ta thương yêu. Và như vậy, chỉ với một bước chuyển thái độ - từ lo sợ thành yêu thương - chúng ta đã có thể làm biến chuyển cuộc sống của mình theo hướng tích cực mà không cần thay đổi thêm điều gì khác nữa.