Mục đích của Satoshi rõ ràng là muốn bitcoin được coi như tiền, một loại “tiền tệ kỹ thuật số” thay thế tất cả các loại tiền tệ pháp định. Liệu ước mơ của Satoshi có trở thành hiện thực, và nếu không, liệu có bao giờ điều này sẽ thành hiện thực?
Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải biết: Tiền là gì? Hãy cùng tìm hiểu về khái niệm này để bạn có thể quyết định xem bitcoin hay bất kỳ tài sản kỹ thuật số nào khác có thể đáp ứng (hoặc sẽ đáp ứng) được định nghĩa - hoặc liệu chúng có thiết yếu hay không. Điều này cũng giúp bạn quyết định xem bạn có muốn sở hữu bất kỳ tài sản kỹ thuật số nào hay không và nếu có, thì là tài sản nào.
Tiền là gì?
Tiền đã phục vụ chức năng điều phối cốt lõi của xã hội trong nhiều thế kỷ. Tiền hỗ trợ chúng ta thực hiện giao dịch một cách hiệu quả, vì vậy chúng ta không phải dựa vào hệ thống trao đổi hàng hóa kém hiệu quả.
Nếu bạn cho người hàng xóm của mình một lít sữa để đổi lấy một hũ đường, đó là trao đổi hàng hóa. Các ghi chép cho thấy cách thức này đã được sử dụng bởi người Lưỡng Hà, người Phoenicia và người Babylon từ 6000 năm trước Công nguyên - rất lâu trước khi tiền tệ được phát minh.
Tuy nhiên, việc đổi hàng hóa là một quá trình phức tạp, bởi vì bạn phải mang sữa đó theo bên mình cho đến khi bạn tìm thấy ai đó có đường. Cần phải có một phương tiện trao đổi dễ dàng hơn - và đó là điều đã tạo ra khái niệm về tiền. Thay vì mang theo hộp sữa, tôi có thể mang theo những mảnh giấy nhỏ, kim loại hoặc một số vật dụng khác. Khi bạn nói với tôi rằng bạn có một ít đường, tôi có thể đưa cho bạn tờ giấy để đổi lấy chúng. Sau đó, bạn có thể sử dụng những tờ giấy đó để đổi lấy sữa.
Tiền khiến cho cuộc sống hiệu quả hơn. Bạn không cần phải nhận sữa ngay khi cho tôi đường. Bạn có thể mang theo và bảo vệ tiền dễ dàng hơn sữa. Và tờ giấy đó có thể thay thế cho bất cứ thứ gì - bạn không cần phải sở hữu thứ mà người có sữa muốn trao đổi.
Tổ tiên của chúng ta đã sử dụng tất cả các loại vật phẩm như một hình thức của tiền, bao gồm động vật, cây trồng, vỏ sò, kim loại, giấy, muối, thậm chí cả những tảng đá lớn.
Sữa là sữa, và giả sử là sữa tươi, sẽ có rất ít sự khác biệt giữa một phần tư này với một phần tư kia. Vì vậy, mọi người dễ dàng thống nhất về lượng sữa cần thiết để có được một hũ đường. Nhưng nếu tôi muốn mua đường của bạn bằng tiền, bạn sẽ đòi hỏi bao nhiêu xu?
Bạn sẽ muốn biết người đã tạo ra đồng xu. Và đó là vấn đề đầu tiên. Trong những ngày đầu của tiền, bất kỳ ai cũng có thể tạo ra chúng - giống như bất kỳ ai cũng có thể vắt sữa một con bò. Kể từ khi các cá nhân và doanh nghiệp tạo ra đồng tiền của riêng họ, rất nhiều trong số đó đã được chứng minh là vô giá trị. Do đó, mọi người miễn cưỡng chấp nhận tiền như một phương thức thanh toán - đưa chúng ta trở lại hệ thống trao đổi hàng hóa có nhiều vấn đề.
Để mọi người tin tưởng và chấp nhận giá trị của những đồng tiền này, các chính phủ bắt đầu tuyên bố rằng họ và chỉ họ mới được phép in tiền. Các chính phủ ổn định hơn và có quyền (nhờ quân đội của họ) để thực thi các quy tắc của họ. Tuy nhiên, vấn đề là các chính quyền thay đổi liên tục và thường sẽ có nhiều hơn một phe nắm quyền lực.
Ví dụ ở Mỹ, tất cả 13 thuộc địa đều phát hành tiền. Nhưng đơn vị tiền tệ của bang Massachusetts không có cùng đơn vị tiền tệ của bang Pennsylvania, cũng như không có thỏa thuận công khai nào về những giá trị tương đối.
Đây không phải là một cuốn sách về lịch sử kinh tế, vì vậy tôi sẽ bỏ qua các chi tiết không liên quan, nhưng tôi cũng nên nói sơ qua về tình hình: ở Mỹ, chính phủ liên bang hiện là nhà phát hành tiền duy nhất và giá trị được in lên mỗi tờ tiền, loại tiền đó có thể thanh toán tất cả các khoản nợ, công cộng và tư nhân. Các chính phủ khác cũng in tiền để sử dụng trong lãnh thổ của họ, nhưng nhiều người từ chối chấp nhận những loại tiền do nước khác khác in. Tuy nhiên, đồng đô la Mỹ được khá nhiều người trên thế giới chấp nhận.
Nhưng đô la Mỹ vẫn đang được in trên giấy27. Cục Khắc và In của Bộ Ngân khố Mỹ in 4,2 tỷ tờ mỗi năm, với mệnh giá từ 1 đô la đến 100 đô la.
27 Trên thực tế, chất liệu của tờ tiền là 75% cotton và 25% vải lanh - một phần trong nỗ lực chống hoạt động phi pháp của chính phủ.
Chắc chắn, việc mang theo tiền trong ví của bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc mang theo sữa. Nhưng vẫn có một rắc rối với tiền - đặc biệt là khi bạn có nhiều tiền. Bạn có muốn đi dạo với hàng trăm nghìn hoặc hàng triệu đô la trong túi của mình không?
Vì vậy, mọi người nghĩ rằng họ cần một nơi để cất tiền của mình - và điều đó dẫn đến sự ra đời của ngân hàng. Lúc đầu, bạn gửi tiền mặt tại ngân hàng địa phương và ngân hàng này sẽ để tiền của bạn trong kho tiền. Nhưng giờ không còn nữa. Ngày nay, tiền gửi của bạn được thực hiện bằng các giao dịch điện tử; các ngân hàng địa phương chỉ cất giữ một số ít tiền mặt. (Ở Thụy Điển, các ngân hàng yêu cầu khách hàng thông báo trước khi họ muốn rút tiền mặt.)
Chưa hết, Bộ Ngân khố vẫn tiếp tục sản xuất tiền giấy.
Chúng ta đã số hóa hầu hết mọi thứ - từ ảnh cho đến hồ sơ sức khỏe - vì vậy không thể tránh khỏi việc ai đó tìm ra cách số hóa tiền. Ai đó không phải là Cục Dự trữ Liên bang, Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đó là Satoshi Nakamoto. Thật khó để tin được đúng không.
Nhưng bitcoin có thực sự là tiền không?
Định nghĩa về tiền
Để trả lời câu hỏi đó, hãy xem những đặc tính gì được coi là tiền. Tiền thường được phân biệt bằng ba đặc điểm chính sau:
1. Giá trị lưu trữ
2. Đơn vị tính toán
3. Phương tiện quy đổi
Hãy phân tích từng đặc điểm một.
Giá trị lưu trữ
Bạn tin rằng đồng đô la trong ví của bạn sẽ luôn duy trì giá trị của nó. Nhờ sự tự tin này, bạn sẵn sàng nhận một đô la ngay hôm nay mặc dù bạn không định tiêu nó trong nhiều ngày - hoặc nhiều thập kỷ. Trong thời gian chờ đợi, bạn có thể dễ dàng cất giữ hoặc lấy ra bất cứ lúc nào. Sữa không thể làm được điều này, vì sữa sẽ phân hủy theo thời gian và vì vậy, giá trị của nó không còn như ban đầu.
Tuy nhiên, tiền không phải là một kho lưu trữ giá trị hoàn hảo vì sức mua của tiền sẽ giảm dần theo thời gian. Đó là do lạm phát. Tại Mỹ, mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang là giảm 2% giá trị của đô la mỗi năm. Vì là một vấn đề được đề cập đến trong chính sách này là 1 đô la trong ví của bạn sẽ chỉ còn trị giá 98 xu kể từ bây giờ.
Nếu việc mất hai xu mỗi năm khiến bạn khó chịu, hãy quan sát những quốc gia có chính phủ và nền kinh tế kém ổn định hơn. Tỷ lệ lạm phát của Venezuela vào năm 2021 là 2300% - món hàng tạp hóa thông thường bạn mua vào buổi sáng với giá 100 đô la sẽ có giá 300 đô la vào đêm đó. Năm 2021, bạn sẽ cần 400 tỷ đồng bolivar của Venezuela để mua những gì bạn có thể mua bằng một đô la Mỹ.
Vì vậy, nếu đồng tiền của bạn không có giá trị lưu trữ thì đó không phải là tiền.
Đơn vị tính toán
Tiền còn được sử dụng để đại diện cho giá trị tương đối của hàng hóa và dịch vụ, tài sản và cả các khoản nợ. Điều này cho phép chúng ta định giá cho thứ gì đó và so sánh chúng với những thứ khác.
Khi chúng ta thấy một chiếc ô tô trị giá 30.000 đô la và một chiếc khác trị giá 100.000 đô la, chúng ta ngay lập tức hiểu được giá trị tương đối của chúng. Nếu không coi tiền như một mẫu số chung thì xã hội hầu như không thể giao dịch thương mại.
Phương tiện quy đổi
Tiền là vật trung gian; tiền tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hoá và dịch vụ. Nếu không được sử dụng phương tiện trao đổi, chúng ta buộc phải dựa vào những bất tiện của hệ thống trao đổi hàng hóa.
Liệu bitcoin có thỏa mãn ba đặc điểm trên không?
Có, dựa vào ba đặc điểm này, bitcoin chính là tiền.
Nhưng một số người cho rằng chúng ta cần phải xem xét nhiều khía cạnh hơn. Họ nói rằng bitcoin không thể được coi là tiền vì chúng không được hỗ trợ bởi bất kỳ tài sản hữu hình nào, chẳng hạn như vàng hoặc bạc. Lập luận đó không hiệu quả - vì đơn giản là đô la Mỹ cũng không được hỗ trợ bằng vàng hay bất kỳ thứ gì khác.
Đô la Mỹ có giá trị bởi vì hai bên sử dụng chúng chấp nhận giá trị của đồng tiền này trong giao dịch. Và họ đồng ý giá trị đó là gì. Các bên có sự tự tin đối với tiền tệ và do đó sẵn sàng sử dụng chúng. Họ có niềm tin vào tiền tệ.
Liệu sẽ có sự chấp thuận, sự tự tin và sự tin tưởng tương tự với bitcoin không?
Không tới được mức độ chấp thuận, tự tin và tin tưởng mà mọi người dành cho đồng đô la Mỹ. Có lẽ, khi bitcoin được sử dụng nhiều hơn, mức độ chấp thuận, tự tin và tin tưởng vào nó sẽ tăng lên. Hàng triệu người trên toàn thế giới đã tin rằng bitcoin là một loại tiền - bởi vì chúng vượt qua bài kiểm tra về ba đặc điểm ở trên - và có lẽ một ngày nào đó tất cả mọi người sẽ đồng ý.
Vào lúc này, hãy giả sử rằng bạn nằm trong số những người đồng ý rằng bitcoin là tiền. Điều đó có nghĩa là bitcoin cũng là tiền tệ?
Định nghĩa về tiền tệ
Tiền tệ là đại diện vật lý của tiền. Vì vậy, khi chúng ta băn khoăn liệu bitcoin có phải là tiền hay không thì chúng ta cũng phải hỏi liệu bitcoin có thể được coi là tiền tệ hay không.
Tiền tệ có sáu đặc điểm sau:
1. Tính lâu bền
2. Tính dễ dàng vận chuyển
3. Khả năng chia nhỏ
4. Tính đồng nhất
5. Tính khan hiếm
6. Tính dễ được chấp nhận
Hãy xét từng cái một để chúng ta quyết định xem bitcoin có thể vượt qua bài kiểm tra không.
Tính lâu bền. Tiền tệ phải lâu bền thì mới tồn tại dài lâu để tái sử dụng. Gia súc và hàng hóa không đáp ứng được bài kiểm tra này, nhưng đồng đô la và tiền xu thì có.
Tính dễ dàng vận chuyển. Tiền tệ phải dễ dàng để vận chuyển và sử dụng. Đồng đô la rất dễ mang theo; nhưng những thùng dầu thì không. Những lượng vàng nhỏ có thể dễ dàng mang đi, nhưng với một lượng lớn thì không.
Khả năng chia nhỏ. Tiền tệ cần phải có khả năng chia thành những mệnh giá nhỏ. Đồng đô la có thể được quy về đồng xu. Các thanh vàng có thể được cắt thành từng ounce hoặc gram - thậm chí có thể được phân chia xuống thành phân tử nếu bạn có thiết bị phù hợp.
Tính đồng nhất. Mỗi một đơn vị tiền tệ cần phải có cùng giá trị với đơn vị tương ứng, bất kể là đơn vị đó có được tạo ra vào lúc nào. Ví dụ như, mỗi đồng đô la đều có cùng giá trị với đồng đô la khác.
Tính khan hiếm. Để tiền duy trì được giá trị của mình, tiền tệ đó phải khan hiếm. Cục Dự trữ Liên bang kiểm soát chặt chẽ việc phát hành đô la Mỹ để ngăn chặn nguồn cung quá mức xâm nhập vào thị trường. Chúng ta đã thấy hậu quả của điều đó ở đồng bolivar của Venezuela và đô la Zimbabwe, việc phát hành quá nhiều tiền tệ sẽ làm giảm mạnh giá trị của tiền.
Tính dễ được chấp nhận. Tiền tệ cần được chấp nhận rộng tãi bởi công chúng vì mục đích trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Đồng đô la Mỹ được chấp nhận trên toàn thế giới, chứ không chỉ trong mỗi 50 bang.
***
Bitcoin có thỏa mãn sáu định nghĩa trên không?
Tính lâu bền. Tài sản số cực kỳ bền vững bởi vì chúng là bit và byte - mã phần mềm sẽ không bao giờ giảm hay bị thổi phồng giá trị. Những số 1 và 0 (nhị phân) vốn tạo dựng nên kỷ nguyên điện tử có thể tồn tại mãi mãi.
Tính dễ dàng vận chuyển. Tài sản số mang tính chất di động hoàn toàn. Vì dữ liệu được lưu trữ trên internet và được truy cập bằng các ứng dụng trên điện thoại nên tài sản kỹ thuật số luôn ở bên bạn. Bạn có thể truy cập ngay lập tức và chuyển tài sản kỹ thuật số của mình sang cho người khác trong vòng vài giây.
Khả năng chia nhỏ Mệnh giá nhỏ nhất của bitcoin là satoshi (gọi tắt là sat); mỗi sat có trị giá 0,00000001 bitcoin. Một trăm triệu satoshi bằng một bitcoin28.
28 Vì lý do này, việc giá bitcoin cao bao nhiêu không còn quan trọng nữa. Giá đã cao đến mức hầu hết mọi người không đủ khả năng mua một đồng. Thay vào đó, mọi người mua satoshi - một phần của bitcoin (Tương tự, không ai có đủ tiền để mua công ty Apple, vì vậy họ mua một phần của công ty Apple - một cổ phiếu duy nhất - và bởi vì một cổ phiếu của Apple hiện nay rất đắt, bạn có thể mua một phần cổ phiếu chỉ với 5 đô la). Trong tương lai, mọi người sẽ không để ý đến bitcoin. Họ sẽ quan tâm đến satoshi.
Tính đồng nhất Bitcoin cũng giống như đô la và vàng; hai loại tiền này có giá trị giống nhau. Nhưng không giống gia súc, hoa quả, rau củ, nhà hay xe.
Tính khan hiếm Không giống như đô la - thứ mà nguồn cung luôn tăng do chính phủ luôn in thêm chúng (đặc biệt trong những cuộc khủng hoảng tài chính) - bitcoin có một nguồn cung khan hiếm. Chỉ có 21 triệu bitcoin sẽ được sản xuất.29
29 Nguồn cung khan hiếm không phải lúc nào cũng là đặc điểm của tài sản kỹ thuật số. Một số tài sản kỹ thuật số đã sản xuất với số lượng không giới hạn (Ví dụ: Dogecoin có hơn 130 tỷ tồn tại và 5 tỷ khác đang được bổ sung hàng năm- một trong nhiều lý do giải thích tại sao việc đầu tư vào Dogecoin vừa ngu ngốc vừa nguy hiểm. Thông tin thêm về điều này sau.)
Tính dễ được chấp nhận. Bitcoin ngày càng được chấp nhận như một phương tiện thanh toán. Hàng chục triệu thương gia trên toàn thế giới chấp nhận thanh toán bằng bitcoin qua PayPal và các chính phủ (bắt đầu từ El Salvador) đã bắt đầu coi bitcoin là tiền tệ chính thức cùng với tiền tệ pháp định của họ, nhưng sự chấp nhận vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.
Bitcoin rõ ràng sở hữu tất cả các đặc điểm của tiền tệ, ngoại trừ tính dễ được chấp nhận. Vì vậy, bitcoin có đủ tiêu chuẩn làm tiền tệ không? Tôi đoán điều đó phụ thuộc vào người bạn hỏi và quốc gia bạn đang ở. Cuối cùng, câu trả lời chỉ có thể là có hoặc không. Nhưng bây giờ, quyền quyết định thuộc về bạn.
Nhiều người (có cả tôi) tin vào nguồn cung khan hiếm của bitcoin sẽ giúp giá của đồng tiền này tăng. Đó là một lý thuyết điển hình của cung và cầu trong kinh tế, thứ mà chúng ta sẽ tìm hiểu vào chương 11. Ta phải thừa nhận rằng điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến việc bitcoin được coi là một loại tiền, bởi vì nếu bạn tin vào việc giá trị chúng tăng, bạn sẽ không muốn tiêu chúng vào bất kỳ món đồ nào. Bạn sẽ tích trữ chúng. Trên thực tế, có một tên gọi dành cho những người này: HODLer - giống như viết tắt của cụm Hold On for Dear Life30. Hay còn được gọi là Diamond Hands31 - Bàn tay kim cương, dựa theo câu nói “Kim cương là vĩnh cữu.”
30 Cụm từ này có nghĩa là giữ chặt cái gì như thể cuộc sống của bạn phụ thuộc vào nó.
31 Là một thuật ngữ được dùng để chỉ những nhà đầu tư có khả năng chấp nhận rủi ro đối với tài sản của mình, không hoảng sợ và bán bớt số tài sản đang nắm giữ bất chấp sự biến động giá mạnh hoặc thua lỗ.
Một đồng tiền số tốt hơn Bitcoin
Một trong những mối quan tâm lớn nhất về việc sử dụng bitcoin như một loại tiền tệ là tính biến động của chúng. Làm thế nào bạn có thể tin tưởng vào một loại tiền tệ có giá biến động liên tục, thường xuyên theo kiểu đột ngột?
Hãy tìm hiểu về stablecoin. Chúng ta đã được nghe giới thiệu về Tether trong chương 7. Tether và tất cả các stablecoin đều tuyên bố làm được điều mà bitcoin không thể: cung cấp một mức giá ổn định. Nếu đúng, điều đó sẽ cho phép chúng thực sự hoạt động như một loại tiền kỹ thuật số. Vì vậy, hãy cùng xem xét các stablecoin kỹ hơn.
Đồng tiền ổn định
Không giống như bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác có giá trị theo dạng “bất kể nhà đầu tư nói chúng là gì thì chúng là thế”, giá trị của đồng tiền ổn định (stablecoin) luôn bằng giá của loại tiền mà nó dùng để thay thế - do đó chúng loại bỏ sự biến động.
Giả sử bạn mua một đồng tiền ổn định của Mỹ trị giá 100 đô la. Nhà tài trợ sử dụng tiền của bạn để mua một trăm đô la Mỹ, do đó tạo ra tỷ lệ 1-1 giữa đồng coin đó và đô la. Trên thực tế, việc sử dụng đồng tiền ổn định giống hệt như sử dụng đô la Mỹ.
Vậy tại sao chúng ta lại cần bận tâm đến đồng tiền ổn định? Chúng ta chỉ cần sử dụng đồng đô la như chúng ta luôn từng làm?
Đơn giản thôi: Đô la hoạt động trong hệ thống tài chính liên bang. Vì vậy bạn cần có tài khoản ngân hàng để lưu trữ chúng và bạn phải tuân theo các quy tắc của ngân hàng để có thể gửi tiền - như chúng ta đã tìm hiểu ở chương 2, rất tốn thời gian và chi phí. Ngược lại, bạn có thể thực hiện giao dịch bằng đồng tiền ổn định 24/7/365, hầu như miễn phí.
Tuy nhiên có hai vấn đề với đồng tiền ổn định, vấn đề thứ hai là kết quả của vấn đề thứ nhất. Điều đầu tiên, như đã nói ở trên, là đồng tiền ổn định không nhất thiết phải tuân theo luật ngân hàng liên bang. Ví dụ, các ngân hàng được yêu cầu duy trì một lượng vốn nhất định, nhưng đồng tiền ổn định không có yêu cầu như vậy. Họ cũng không bắt buộc bạn phải tuân thủ phương pháp phòng chống rửa tiền, thuế hoặc các quy tắc khác. Và không có FDIC nào bảo vệ bạn.
Một số đồng tiền ổn định được gắn với đồng đô la Mỹ. Một số khác được gắn với đồng euro hoặc yên - hoặc một tập hợp gồm nhiều loại tiền pháp định.
Các đồng tiền ổn định khác được gắn với một loại hàng hóa, chẳng hạn như vàng, bạc hoặc dầu. Một số thậm chí còn được hỗ trợ bởi một thuật toán để điều khiển tình trạng cung và cầu, từ đó ổn định giá đồng tiền của họ. Và, vâng, có một đồng tiền ổn định được hỗ trợ bởi các đồng tiền kỹ thuật số khác.
Điều đó dẫn đến vấn đề thứ hai. Trong khi mọi người cho rằng tất cả các đồng tiền ổn định đều được chốt tỷ lệ 1:1 so với loại tiền tương ứng đã chọn, nhưng không có luật hoặc quy định nào yêu cầu chúng phải làm như vậy. Do đó, như bạn có thể dự đoán, những câu hỏi về các tài sản có mục đích hỗ trợ một số đồng tiền ổn định đã được dấy lên.
Hãy xét đến đồng Tether. Đây là đồng tiền ổn định lớn nhất và được tuyên bố rằng tất cả các khoản tiền gửi của chúng được hỗ trợ độc quyền bằng đô la Mỹ. Nhưng SEC cho biết phần lớn tài sản của Tether được giữ trong Kho bạc Hoa Kỳ, các ngân hàng CD, thương phiếu, trái phiếu công ty và nợ đô thị. Những tài sản đó không an toàn bằng đô la Mỹ (Tether và Bitfinex đã nộp phạt 41 triệu đô la cho Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn vào tháng Mười năm 2021 khi nói rằng các token kỹ thuật số của họ được hỗ trợ hoàn toàn bằng đô la Mỹ - điều này hoàn toàn sai sự thật).
Chính phủ đang lo lắng vì các nhà đầu tư và người tiêu dùng đã đầu tư 120 tỷ đô la vào đồng tiền ổn định. Một loạt các cơ quan liên bang đang giải quyết vấn đề này, bao gồm Nhóm Công tác của Tổng thống về Thị trường Tài chính, Cục Dự trữ Liên bang, Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ và Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính. Liệu đồng tiền này có bị quản lý hoặc thậm chí bị cấm không? Câu trả lời đó sẽ có trong phần tiếp theo của cuốn sách này.
Nhưng không phải chính phủ khá ngớ ngẩn hay sao? Ý tôi là, tại sao họ phản đối đồng tiền ổn định? Về khái niệm, đồng tiền này là sự lựa chọn tốt hơn so với hệ thống tài chính hiện tại của chúng ta - mất quá nhiều thời gian (năm ngày) và tốn quá nhiều chi phí (trung bình là 6,7%) để chuyển tiền đi nước khác. Thậm chí, có lúc chúng ta phải mất một tuần hoặc hơn để chuyển tiền trong chính quốc gia của chúng ta (bạn hãy thử gửi séc cho một người sống ở bang khác và xem mất bao lâu để séc đó được xử lý sau khi được ký gửi). Và nếu bạn chuyển tiền, bạn phải chịu các khoản phí chuyển khoản. Giả sử, bạn có một tài khoản ngân hàng ngay từ đầu. Hệ thống hiện tại của chúng ta có khả năng bảo vệ tài sản cách đây 50 năm, nhưng so với sự phát triển của công nghệ ngày nay, hệ thống của chúng ta đã lỗi thời trầm trọng.
Vì vậy, thay vì lo lắng việc đồng tiền ổn định không tuân theo quy định và lo ngại về việc không đủ nguồn hỗ trợ, tại sao chính phủ không tạo ra đồng tiền ổn định của riêng mình ?!
Tin tức nhanh: họ sẽ làm vậy.
Các đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung Ương (CBDCs)
Trước khi thập kỷ này kết thúc, bạn có thể kiếm được, nhận, sử dụng và lưu trữ đô la kỹ thuật số. Chúng sẽ giống như những đồng đô la trong ví của bạn, do Cục Dự trữ Liên bang phát hành và được hỗ trợ bởi niềm tin và tín dụng đầy đủ của chính phủ liên bang Hoa Kỳ.
Để hiểu lý do và cách thức điều này xảy ra, hãy lùi lại một bước và quan sát cách các chính phủ (đơn thương độc mã hoặc hợp tác với các quốc gia láng giềng) phát hành tiền tệ.
Quá trình bắt đầu khá đơn giản: Chính phủ thuê một ngân hàng. Ngân hàng in tiền tệ và phân phối cho các ngân hàng khác. Do điều lệ, ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm theo chính sách tiền tệ của quốc gia. Điều này bao gồm việc đặt lãi suất và xác định số tiền mà ngân hàng sẽ phân phối trên khắp đất nước. Thậm chí, ngân hàng còn có thẩm quyền quản lý đối với các ngân hàng khác, chẳng hạn như thông báo cho các ngân hàng đó biết họ phải giữ bao nhiêu tiền mặt so với số tiền gửi của họ (điều này ảnh hưởng đến tiềm năng lợi nhuận của họ). Và ngân hàng nhận được điều lệ này từ chính phủ có thể nắm giữ độc quyền về tất cả các chính sách này; không có ngân hàng nào khác trong cả nước có thẩm quyền tương tự.
Rõ ràng, đó là một thỏa thuận tuyệt vời. Bạn có thể nghĩ rằng mọi ngân hàng trong nước đều tranh giành cơ hội để được chọn. Nhưng, không, đó không phải là cách điều này hoạt động. Thông thường, các chính phủ chỉ cần thành lập một ngân hàng mới và trao tất cả các quyền hạn và trách nhiệm cho ngân hàng đó. Vì ngân hàng này rất quan trọng, là trung tâm đối với hệ thống kinh tế của quốc gia, nên ngân hàng này được gọi là ngân hàng trung ương.
Hầu như mọi chính phủ trên thế giới đều có ngân hàng trung ương. Thậm chí còn có một hiệp hội của họ, được gọi là Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Hiện tại, 63 trong số 179 ngân hàng trung ương trên thế giới là thành viên của hiệp hội đó.
Tất cả các ngân hàng trung ương đều hoạt động như nhau. Trong số tất cả các cách vận hành chung, có một điều đặc biệt (điều mà chúng ta quan tâm) đáng chú ý: tất cả bọn họ vẫn in loại tiền tệ của riêng mình.
Điều này là thật ư?
Vâng, ngay trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, họ vẫn vận hành theo cách cổ điển. Ngay cả bạn, với tư cách là một công dân bình thường, đang quản lý tiền của mình theo cách tiên tiến hơn hầu hết ngân hàng trung ương. Bạn nhận được tiền lương, tiền lương hưu, tiền trả góp hàng năm và các quyền lợi An sinh xã hội thông qua ngân hàng điện tử. Bạn thanh toán hóa đơn bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, đồng thời gửi và nhận tiền qua các ứng dụng kỹ thuật số như PayPal, Venmo và Zelle. Bạn thậm chí không bận tâm đến việc thanh toán hầu hết các hóa đơn bằng cách thủ công; bạn chỉ cần đặt chế độ thanh toán tự động nếu bạn không muốn gặp phiền phức với chúng. Bạn khai thuế, nộp thuế và nhận tiền hoàn thuế điện tử.
Bạn mua sắm trực tuyến nhiều. Và khi bạn ở trong một cửa hàng, bạn chỉ cần thanh toán bằng điện thoại tại quầy thu ngân. Bạn không thể nhớ lần cuối cùng mình thanh toán một thứ gì đó bằng tiền mặt là khi nào. Thậm chí, bạn còn không còn cầm theo tiền mặt vì không cần thiết nữa.
Tuy nhiên, chính phủ vẫn tiếp tục in chúng.
Việc in tiền mặt thường đi kèm với các vấn đề. Một là khối lượng khổng lồ của quá trình này. Cục Khắc và In ấn của Mỹ chi hơn 1 tỷ đô la mỗi năm để in 8 tỷ đô la của năm tờ tiền có mệnh giá từ 1 đô la đến 100 đô la. Số tiền đó phải được bảo vệ khi chuyển đến các ngân hàng địa phương và ngăn chặn việc in tiền giả. Và hàng năm, có rất nhiều tiền bị tiêu hủy - điều này cũng phát sinh thêm chi phí.
Ngay chính bản thân tiền mặt cũng tạo ra vấn đề. Vấn đề đầu tiên liên quan đến khủng bố và các tổ chức buôn bán ma túy. Những kẻ lừa đảo và khủng bố không thanh toán cho những vụ giao dịch ma túy hoặc bom bằng thẻ Visa hoặc MasterCard. Chúng sử dụng tiền mặt. Ví dụ, vào năm 2007, chính quyền của Mỹ và Mexico đã thu giữ 200 triệu đô la tiền mặt trong một vụ buôn bán ma túy. Các quốc gia bất hảo và tổ chức khủng bố phần lớn hợp tác với nhau thông qua việc sử dụng tiền mặt bất hợp pháp.
Vấn đề còn lại là trốn thuế. Khi bạn trả cho người giữ trẻ 50 đô la32, có thể bạn sẽ không đi nộp Biểu mẫu thuế IRS số 1099 - và người giữ trẻ cũng có thể không khai thu nhập trên tờ khai thuế của họ. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra đối với một thợ xây nhà nói rằng cái mái nhà mới mà bạn muốn có trị giá 25.000 đô la, nhưng bạn sẽ chỉ phải chi 20.000 đô la nếu trả bằng tiền mặt, vì vậy bạn đã tạo điều kiện cho người thợ lợp mái tôn “lờ đi” báo cáo thu nhập cho IRS - có thể tiết kiệm được 10.000 đô la tiền thuế. Vấn đề này nghiêm trọng đến mức nào? Ông Charles - ủy viên IRS - nói rằng các khoản thuế chưa nộp lên tới 1 nghìn tỷ đô la một năm - bằng với toàn bộ thâm hụt ngân sách trước đại dịch Covid của chính phủ liên bang. Nói theo cách khác, Quốc hội không cần tăng thuế suất đối với những người nộp thuế; họ chỉ cần thu từ những người trốn thuế do gian lận.
32 Bằng Venmo hoặc Paypal phải không? Còn ai giờ này sử dụng tiền mặt nữa? Có ai không?
Chắc chắn, từ góc độ thực thi pháp luật và tuân thủ thuế, tiền in ấn chứa những tác động nguy hiểm và có hại. Nhưng một giải pháp hiện đã tồn tại: tiền kỹ thuật số.
Tiền kỹ thuật số có thể gây cản trở nghiêm trọng - nếu không loại bỏ hoàn toàn - việc tài trợ cho khủng bố, buôn bán ma túy và trốn thuế. Đó là bởi vì tiền kỹ thuật số để lại dấu ấn kỹ thuật số. Mọi giao dịch điện tử bạn thực hiện đều có thể bị theo dõi - và mặc dù điều đó có thể làm phiền những người ủng hộ quyền riêng tư, nhưng lại khiến bọn tội phạm hoảng sợ.
Đấy là lý do tại sao tài sản kỹ thuật số tồn tại: chính phủ yêu thích chúng. Và đó là lý do tại sao mọi ngân hàng trung ương trên thế giới đang điều tra hoặc phát triển các CBDC - tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Bahamas đã tung ra đồng tiền kỹ thuật số của riêng họ, được gọi là đô la cát (Đơn vị tiền tệ của nước này được gọi là đô la). Chính quyền của hòn đảo nhận ra rằng các ngân hàng địa phương buộc phải đóng cửa trong nhiều tuần do những cơn bão - ngăn cản người dân tiếp cận tiền của họ ngay lúc họ cần rất nhiều tiền. Đồng đô la cát cho phép nền kinh tế của hòn đảo hoạt động bình thường ngay cả khi các ngân hàng không thể.
Không riêng gì Bahamas, Trung Quốc đang thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, Nga cũng làm vậy với đồng rúp kỹ thuật số và Nhật Bản với đồng yên kỹ thuật số. Nigeria ra mắt đồng tiền kỹ thuật số vào năm 2021, Brazil và Thụy Sĩ cũng làm vậy vào năm 2022, Thụy Điển vào năm 2023. Các ngân hàng trung ương của Úc, Malaysia, Singapore và Nam Phi đang thử nghiệm một CBDC chung với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế; các ngân hàng trung ương của Hồng Kông, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Thái Lan cũng làm điều tương tự.
Tại Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston đang làm việc với dự án Sáng kiến Tiền tệ Kỹ thuật số tại Viện Công nghệ Massachusetts để xác định những lợi ích và thách thức của đồng đô la kỹ thuật số. Trợ lý Phó Chủ tịch Hệ thống dự trữ Liên Bang (Fed) tại Boston Robert Bench gọi tiềm năng của dự án là “vô cùng lớn”. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang đã thuê Giám đốc Sáng tạo đầu tiên. Lael Brainard, Phó Chủ tịch trong Ban Giám đốc của Fed, đã nói như này vào tháng Bảy năm 2021, “Điều quan trọng là Cục Dự trữ Liên bang vẫn đang nghiên cứu và phát triển chính sách liên quan đến CBDC,” và còn lưu ý thêm rằng “đồng đô la chiếm ưu thế rất lớn trong thanh toán quốc tế, và nếu khách hàng có mặt ở khu vực pháp lý lớn khác trên thế giới cung cấp dịch vụ CBDC, còn ở Mỹ thì không có, tôi đơn giản là không thể chấp nhận được chuyện đó. Mọi thứ nghe có vẻ như không phải là một tương lai bền vững đối với tôi.”
Những người khác cũng đồng tình. Một báo cáo vào tháng Bảy năm 2021 của Ngân hàng Trung ương Anh ghi nhận, “Các loại tiền kỹ thuật số mới sẽ là sự đổi mới mang tính đột phá nhất trong giai đoạn phát triển về các phương thức thanh toán trong nền kinh tế hiện đại. Chúng sẽ khiến việc thanh toán nhanh hơn, rẻ hơn và hiệu quả hơn và có khả năng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính. Các loại tiền kỹ thuật số mới có thể mang lại những lợi ích tiềm năng về chi phí và chức năng. Việc tài trợ dựa trên thị trường cũng chứa nhiều lợi nhuận tiềm năng hơn. Điều này cũng giúp chúng ta phổ biến chính sách tiền tệ một cách rộng rãi.” Ngay tháng sau đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu, bà Christine Lagarde nói, “Chúng ta cần đảm bảo rằng chúng ta đang đi đúng hướng - chúng ta đang mắc nợ người dân châu Âu.” Và các ngân hàng trung ương của Nhật Bản, Canada và Hàn Quốc đều đã phát hành sách trắng để ca ngợi những lợi ích của CBDC.
Tất cả những điều trên đều cho thấy, 80% ngân hàng trung ương trên thế giới đang nghiên cứu về CBDC, theo BIS, dự án sẽ được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới vào năm 2025. Không có gì ngạc nhiên khi 76% chuyên gia tài chính trên toàn thế giới được Deloitte khảo sát vào năm 2021 đều đồng ý rằng tài sản kỹ thuật số “sẽ đóng vai trò là thay thế mạnh mẽ hoặc thay thế hoàn toàn cho các loại tiền tệ pháp định trong vòng 5 - 10 năm tới.” Một nghiên cứu của Ngân hàng Deutsche đã đưa ra kết luận tương tự, nói rằng tiền điện tử có thể thay thế tiền mặt vào năm 2030.
Mối đe dọa từ Facebook
Nhưng chúng ta cũng không nên tự lừa chính mình. Các ngân hàng trung ương không có kế hoạch tung ra các CBDC chỉ vì những lợi ích của chúng. Họ đang triển khai CBDC vì họ cảm thấy sợ hãi về những gì có thể xảy ra với họ và chính phủ nếu họ không làm như vậy.
Nỗi sợ hãi của họ trở nên rõ ràng vào năm 2019 khi Mark Zuckerberg thông báo rằng anh ấy sẽ thành lập một tổ chức phi lợi nhuận ở Thụy Sĩ để ra mắt đồng tiền ổn định Libra (hiện được gọi là Diem). Được gắn với các loại tiền pháp định hàng đầu thế giới, Diem sẽ chỉ có sẵn cho người dùng trên các ứng dụng do Facebook sở hữu như WhatsApp và Messenger và họ có thể sử dụng Diem để gửi tiền và mua sản phẩm trên Facebook Marketplace, thị trường cạnh tranh với Amazon, Walmart, Craigslist và eBay.
Facebook có gần 3 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Đó là gần một nửa dân số của cả hành tinh này; 2/3 tổng số người có kết nối internet có tài khoản Facebook. Nếu mọi người trên thế giới giờ đây có thể sử dụng đồng tiền do tư nhân tạo ra để mua bất cứ thứ gì hay gửi tiền cho bất kỳ ai thì điều này vượt ngoài tầm kiểm soát hoặc mục đích của chính phủ, vậy thì tại sao chúng ta còn cần đến đồng đô la, bảng Anh hay đồng euro nữa? Một thế giới, một loại tiền tệ - tất cả đều do một người điều khiển, Mark Zuckerberg.
Ngay lập tức, các chính phủ trên toàn thế giới phát hoảng. Chỉ vài phút sau thông báo của Zuckerberg, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết Pháp sẽ không cho phép đồng Diem tồn tại ở Liên minh châu Âu, với lý do là đồng Diem có thể trở thành mối đe dọa đối với chủ quyền tiền tệ của nước này. Nhật Bản ngay lập tức bắt đầu điều tra về tác động tiềm tàng của đồng Diem đối với chính sách tiền tệ và quy định tài chính của Nhật Bản. Và các quan chức từ 26 ngân hàng trung ương nhanh chóng được triệu tập để thảo luận về đồng Diem.
Tại Mỹ, một nhóm các nhà quản lý và lập pháp Mỹ đã reo mừng trong vòng vài giờ sau thông báo của Zuckerberg. Đại diện Hoa Kỳ ông Maxine Waters, chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, đã triệu Zuckerberg đến Điện Capitol để điều trần và sau đó gửi cho Facebook một lá thư yêu cầu ngừng phát triển đồng Diem, vì những quan ngại về quyền riêng tư, an ninh quốc gia, giao dịch và chính sách tiền tệ. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, ông Jerome Powell, nói với Quốc hội rằng Hệ thống Dự trự Liên Bang có “những quan ngại nghiêm trọng” về đồng Diem và Tổng thống Donald Trump đã đăng trên tweet rằng nếu Facebook muốn tiếp tục, đồng tiền đó “phải tuân theo Điều lệ Ngân hàng mới và tuân theo tất cả các Quy định Ngân hàng.” Vào ngày 19 tháng Mười năm 2021, các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ bao gồm Richard Blumenthal, Sherrod Brown, Brian Schatz, Tina Smith và Elizabeth Warren đã viết thư yêu cầu Mark Zuckerberg “không đưa đồng Diem ra thị trường.”
Và chính quyền không dừng lại ở đó. Quốc hội cũng yêu cầu Visa, PayPal, MasterCard và Stripe giải trình những gì họ sẽ làm nếu đồng Diem được tung ra.
Đối mặt với quá nhiều sự phản kháng, Zuckerberg đã làm chậm tiến trình lại. Anh ta đã chuyển tổ chức phi lợi nhuận từ Thụy Sĩ về Hoa Kỳ để đảm bảo với Quốc hội rằng Facebook không cố gắng trốn tránh luật pháp Mỹ. Khi tôi viết cuốn sách này, đồng Diem vẫn chưa được tung ra thị trường, nhưng Zuckerberg khẳng định rằng việc này sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai.
Bất chấp những âm mưu của họ, nhiều chính phủ trên thế giới không thể ngăn chặn điều này. Chắc chắn, họ có thể cho dừng hoạt động của Facebook - nhưng chỉ vì Facebook là một công ty lớn với các lợi ích kinh doanh mà họ mang đến. Việc một người chơi khác có thể xuất hiện không thể trở thành điểm yếu của Facebook. Internet có ở khắp mọi nơi và công nghệ blockchain cho phép người ta thành lập những tổ chức phi tập trung mà không cần có những cơ quan trung ương hoặc có thẩm quyền (thông tin thêm về DAOs - các tổ chức tự trị phi tập trung - trong chương 10), khiến các chính phủ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn hoặc thậm chí chỉ là điều chỉnh chúng.
Vì vậy, chắc chắn, CBDC mang lại những lợi ích tuyệt vời cho tất cả mọi người - chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhưng điều đó cũng tạo động lực cho các ngân hàng trung ương trên thế giới tạo ra các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ vì họ biết rằng nếu không, những người như Mark Zuckerberg sẽ thay thế, loại bỏ họ và hệ thống tài chính hiện tại của thế giới.
Nếu bạn không thể đánh bại được đối thủ thì hãy sát cánh cùng họ.
Do đó, các ngân hàng trung ương đang “sát cánh”. Và khi họ làm vậy, một câu hỏi mới sẽ nảy sinh: Nếu chính phủ cung cấp tiền kỹ thuật số cho chúng ta, liệu chúng ta có còn cần đồng tiền ổn định nữa không?
CBDC có đe dọa đến Bitcoin không?
Các nhà quản lý không cần phải cấm đồng tiền ổn định. Họ chỉ cần làm cho chúng trở nên không cần thiết nữa - bằng cách tạo ra đồng tiền ổn định của riêng họ. Thật vậy, một đồng đô la kỹ thuật số do Cục Dự trữ Liên bang phát minh sẽ phổ biến với các doanh nghiệp và người tiêu dùng hơn so với một đồng tiền ổn định do một tổ chức tư nhân nào đó phát minh ra. Thị trường sẽ quyết định, nhưng chắc chắn CBDC của Fed sẽ là đồng tiền ổn định chiếm ưu thế.
Nếu đồng CBDC giành chiến thắng trong cuộc chiến, điều đó có ý nghĩa gì đối với bitcoin? Liệu CBDC có gây ra mối đe dọa đến sự sự tồn tại của bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác không - vì các chính phủ có thể cấm bitcoin (giống như họ có thể cấm đồng tiền ổn định) hoặc vì sự quan tâm của người tiêu dùng sẽ mất dần (và bitcoin sẽ chết dần, vô giá trị) khi mọi người chọn đồng CBDC của Fed?
Tôi không nghĩ rằng cả hai trường hợp sẽ xảy ra. Triển vọng của Bitcoin với tư cách là tiền tệ vẫn còn nguyên vẹn, được chứng minh bằng quyết định của El Salvador biến bitcoin trở thành một loại tiền tệ chính thức (tiếp theo có thể là Panama, Ukraine và Paraguay ngay sau vụ kiện khi tôi đang viết những dòng này). Nhưng ngay cả khi bitcoin không được coi là tiền tệ rộng rãi, chúng cũng không phải là mối đe dọa đối với ngân hàng trung ương - không giống như đồng Diem.
Nguyên nhân ư? Trong khi chúng ta vẫn đang tranh luận về vấn đề có nên coi bitcoin là một loại tiền kỹ thuật số hay không, thì chúng ta mặc định việc bitcoin là một tài sản kỹ thuật số là điều đương nhiên. Và tài sản kỹ thuật số thì sẽ không đe dọa đến Fed. Để chứng minh, hãy xem xét rằng đã có rất nhiều tài sản kỹ thuật số - như thẻ tích điểm bay, thẻ quà tặng, điểm tích lũy, v.v. - và chúng chẳng khiến bất kỳ ngân hàng trung ương nào sợ hãi. Chắc chắn, bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác phải đối mặt với các vấn đề về giá trị, tính khả dụng, tính bảo mật và quyền riêng tư, nhưng những vấn đề đó có thể dễ dàng được quản lý - giống như thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã được quy định.
Điều đó cũng giải thích tại sao sự hứng thú với bitcoin sẽ không hề phai nhạt. Việc biến động giá của tất cả các tài sản sẽ thu hút hơn là đẩy lùi các nhà đầu tư. Bạn không thể làm giàu bằng cách mua tiền tệ, nhưng bạn có thể trở nên giàu có khi mua cổ phiếu, bất động sản và thẻ bóng chày. Nếu mọi người nghĩ rằng họ có thể kiếm tiền khi mua bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác thì họ sẽ tiếp tục mua chúng.
Do chính phủ đã công bố đồng CBDC của riêng mình trên toàn thế giới nên tính hợp pháp của bitcoin sẽ tăng lên chứ không giảm đi. Việc phát hành đồng đô la kỹ thuật số là sự thừa nhận thẳng thừng của chính phủ liên bang rằng tiền kỹ thuật số hoạt động và có các tính năng và lợi ích mà tiền giấy thiếu. Đây là sự xác nhận ngầm của blockchain (công nghệ sẽ được sử dụng để khởi chạy và quản lý tất cả các đồng CBDC) và tiếp theo, là tất cả các tài sản kỹ thuật số.
Vì vậy, bạn sẽ có thể mua một loại tiền kỹ thuật số do chính phủ phát hành với giá trị ổn định hoặc tài sản kỹ thuật số do tư nhân phát hành mang lại cho bạn cơ hội tạo ra nhiều của cải. Hai điều này sẽ cùng tồn tại một cách hòa bình.
Vàng vs Bitcoin
Chúng ta không thể chỉ nói về tiền mà không nói về vàng. Không phải vì vàng là tiền, mà bởi vì một số người khăng khăng rằng vàng là như vậy. Những “con bọ vàng”33 tin rằng vàng là loại tiền thật duy nhất - và cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản và tất cả các tài sản khác đều không đáng sở hữu.
33 Dùng để chỉ những người quan tâm và đầu tư vàng.
Nhưng những người đầu tư bitcoin tin rằng bitcoin tốt hơn vàng. Một số còn gọi bitcoin là “vàng kỹ thuật số”.
Chà, đối với những người đam mê vàng, họ sẽ không ngừng chiến đấu cho vàng. Và chắc chắn, những người yêu thích vàng đưa ra rất nhiều lý do để sở hữu vàng:
• Vàng đã là một kho lưu trữ giá trị trong hơn 5.000 năm - mang lại sự đảm bảo mà tài sản khác không thể làm được.
• Vàng là một tài sản vật chất thực sự. Chúng không chỉ đơn thuần là một tờ giấy đại diện cho một thứ khác.
• Vàng chống lại được lạm phát và bất ổn địa chính trị.
• Vàng có thể sử dụng ở nhiều mục đích thương mại vì tính chất trơ của chúng; không bị xỉn màu hoặc ăn mòn; không yêu cầu bôi trơn, bảo trì hoặc sửa chữa; có thể được nấu chảy và dễ dàng làm thành dây, rèn thành các tấm siêu mỏng, hoặc kết hợp với các kim loại khác; dẫn điện; và không gây dị ứng. Vàng được sử dụng để làm đồ trang sức, đồ điện tử, các thiết bị trong chương trình vũ trụ và chăm sóc sức khỏe (bao gồm nha khoa và điều trị viêm khớp dạng thấp và ung thư). Vì vàng luôn được dùng để thể hiện sự xuất sắc, các giải thưởng và huy chương thường được làm bằng vàng.
• Khai thác vàng đã giảm kể từ năm 2000, trong khi nhu cầu vẫn tăng. Luận điểm về cung/cầu cho rằng giá vàng sẽ tăng.
• Vàng hoàn toàn không có tương quan với cổ phiếu hoặc trái phiếu, khiến chúng trở thành một sự bổ sung tuyệt vời để đa dạng hóa danh mục đầu tư.
• Có nhiều cách để mua vàng - vàng thỏi, tiền vàng, cổ phiếu của các công ty khai thác vàng, hợp đồng tương lai vàng và ETF vàng.
Tôi không ấn tượng về những lý do trên. Lịch sử của vàng không liên quan; tương lai mới là thứ quan trọng.
Xét vể mặt bất ổn địa chính trị, nếu thế giới sụp đổ, vàng sẽ không phải là thứ mà bạn muốn, mà là đạn và rượu whisky. Xét về lợi ích của việc vàng là một tài sản vật chất, một triệu đô la quy ra khoảng 35 pound vàng (xấp xỉ 16kg). Hãy thử mang theo mình cả ngày xem.
Ngoài ra, vàng không phải là biện pháp hiệu quả duy nhất để phòng ngừa lạm phát. Trong hàng trăm năm qua, đôi khi giá vàng tăng theo lạm phát. Nhưng cũng có lúc, giá vàng lại sụt giảm. Vì vậy, việc vàng sẽ bảo vệ bạn khỏi lạm phát cũng không đáng tin lắm.
Hơn thế, các đại lý vàng, giá cả và phí không được quy định. Do đó, giá cổ phiếu khai thác vàng thường chênh lệch với giá vàng. Đúng là vàng không bao giờ biến mất hoặc hết hạn sử dụng, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc nguồn cung của vàng tăng lên hàng năm - đòi hỏi nhu cầu tăng chỉ để ngăn giá sụp đổ.
Vì vậy, tôi có nói với bạn rằng bạn không nên sở hữu vàng không? Không hề. Thay vào đó, tôi tin rằng cuộc tranh luận về vấn đề “vàng so với bitcoin” là ngớ ngẩn. Hai loại tài sản không hề có điểm chung nào và các từ bitcoin và vàng không nên xuất hiện trong cùng một câu.
Toàn bộ cuộc tranh luận này được tạo ra bởi những người quá khích (ở cả hai bên), những người tin rằng cách duy nhất để lập luận họ đúng là lập luận của người khác phải sai. Bạn không cần lựa chọn một trong hai. Nếu bạn là một người đi theo sự đa dạng hóa danh mục đầu tư (một khái niệm chúng ta sẽ khám phá trong chương 14), bạn nên sở hữu cả hai!