Có quá nhiều lời than phiền của các bậc cha mẹ khi con cái bước vào tuổi dậy thì. Nào là, bỗng nhiên con lầm lì, ít nói. Từ cậu bé, cô bé con ngoan hiền bỗng trở nên cực kì khó chịu. Bố mẹ rơi vào những cơn hoang mang dài, tưởng như sắp tuột mất trong tay báu vật mà mình vẫn thường cầm, thường nắm. Tớ đã tìm hiểu về vấn đề này. Từ góc độ của một người đang trong giai đoạn “nhạy cảm” tớ muốn: Các bậc phụ huynh ơi, chúng con muốn nói…
- Khủng hoảng thần tượng: Giai đoạn tuổi thơ, có vẻ như chúng mình tìm thần tượng rất dễ. Thần tượng chẳng đâu xa, thần tượng chính là bố mẹ mình đấy. Không biết các bạn thế nào chứ với tớ tất cả những lời nói của bố mẹ khi tớ còn nhỏ đều đúng, đều rất chính xác. Khi đó, hễ nghe ai nói không hay về “thần tượng” của mình, chúng mình chắc hẳn đều ngơ ngác: Tại sao lại như vậy được? Và cũng vì thế, tất thảy những điều bố mẹ làm đều là tuyệt vời. Chúng mình sống trong một thế giới được bao bọc và cảm giác an toàn. Nhưng tất cả những điều đó sẽ thay đổi khi chúng mình bước vào tuổi dậy thì.
Thần tượng trước đây (có thể) sẽ bị hoán ngôi một cách nhanh chóng. Hình như trong tâm lý học, người ta gọi đây là giai đoạn: Thần tượng bị sụp đổ.
Chà chà, điều này nói ra không biết bố mẹ chúng mình có buồn không nhưng thực sự thì hình ảnh bố mẹ khi chúng mình bước vào tuổi dậy thì không còn giữ được sự “lung linh” như vốn có nữa. Thay vì ngưỡng mộ, làm theo thì chúng mình quay sang xét nét, phân vân. Tại sao bố mẹ lại làm như thế? Ôi, hóa ra bố mẹ không hạnh phúc như mình nghĩ? Sao bố lại hay đi nhậu vậy? Mẹ ơi, sao mẹ tốn quá nhiều thời gian để nói chuyện với bạn bè thế?... Hàng ngàn câu hỏi được đặt ra. Hỏi mà rất khó có câu trả lời. Trong lòng chúng mình bị giằng co giữa hai làn nước: một trong veo của sự yêu thương, sự biết ơn, làn nước kia đã có chút “thay màu” bởi những nghi ngại, dò xét. Và dùng dằng giữa hai làn nước ấy.
Khủng hoảng về “thần tượng” quen thuộc, chúng mình bắt đầu tìm đến với những “thần tượng” mới. Nhiều bạn trong lớp tớ mê mệt những nhóm nhạc Hàn Quốc, những cô nàng hoặc anh chàng từ xứ sở Kim chi xa xôi, chưa một lần được tiếp xúc trong đời. Nhưng vì không tiếp xúc nên hình ảnh ấy, dĩ nhiên là tròn vành vạnh, tuyệt hảo, gọi đúng là “đẹp không tì vết”. Và khi tìm được “thần tượng” mới, chúng mình nhanh chóng quên nỗi buồn với “thần tượng” cũ. Có bạn suốt ngày chỉ quan tâm xem thần tượng của mình ăn gì, chơi gì, lịch diễn ở đâu, đang yêu ai. Có bạn dễ dàng bật khóc khi nghe tin thần tượng đã có người yêu. Không cần biết người nắm vững ngôi vị thần tượng cũ đang điêu đứng khổ sở vì những đứa con của mình bỗng dưng thay đổi tính nết đến chóng mặt. Chúng mình bám lấy cái hình ảnh của thần tượng vừa tìm được như một cái phao của niềm tin. Và nếu lúc này, cha mẹ càng cư xử quyết liệt, thậm chí thô bạo càng đẩy con cái ra xa mình. Giữa hai thế hệ càng không tìm được tiếng nói chung. Chắc chắn như thế.
Trong một thời gian, tớ cũng gặp phải tình trạng tương tự. Lúc ấy, tớ bắt đầu nhìn bố mẹ bằng con mắt có phần dò xét. Nhưng thay vì đi tìm thần tượng mới, tớ đã tìm thấy “một cái phao” bé nhỏ, dễ thương ở ngay dưới gối. Một buổi sáng kia, khi tỉnh dậy, tớ đã thấy ngay “cái phao” này.
Gửi con trai của bố,
Khi con ra đời, việc đầu tiên bố làm là xem những ngón tay, ngón chân của con có đủ đầy không. Việc làm đó chỉ để thấy, khi con ra đời, lành lặn, đủ đầy cũng làm niềm hạnh phúc trong bố dâng lên ngập lòng.
Nhìn con lớn lên, khỏe mạnh, vui vẻ, hồn nhiên, bố còn mong gì hơn thế.
Mỗi ngày của bố ùa tràn tiếng cười của con, chút rạng rỡ, chút ngơ ngác, chút lí lắc, chút xăng xái… mỗi thứ tí ti thôi mà cứ làm tim bố chừng như loạn nhịp.
Được ôm con vào lòng, được nắm bàn tay của con dọc dài những chặng đường bố qua, tin cậy và ấm áp vô bờ.
Bố biết một ngày nào đó, tay con sẽ nắm bàn tay khác. Bờ vai con là chỗ tựa cho một ai đó khác. Trái tim con không chỉ dành riêng cho bố mẹ.
Và bố thật vui mừng vì điều đó.
Như nhìn cái cây lớn lên, nhìn ánh nắng lướt qua bên cửa sổ, nhìn bông hoa hướng dương vươn về phía mặt trời.
Bố biết rằng con đã lớn.
Rằng bố đã dần tính thời gian của mình theo chiều ngược, còn con, thời gian đang tính thuận chiều.
Trong quá trình bước về phía trước đó, con trai, hãy nhớ: Bố không hề hoàn hảo, mẹ không hoàn hảo và con cũng không hoàn hảo.
Sự hoàn hảo trong cuộc đời này chỉ có trong những câu chuyện cổ tích, những con người đẹp như mơ, tốt như thơ và không bao giờ mắc lỗi.
Chúng ta được phép phạm sai lầm và chúng ta cũng được phép gặp thất bại.
Bố không đặt lên vai con những ước mơ dang dở của bố. Trong mọi điều cuộc sống dành cho con, con được tự do với tình yêu thương của bố mẹ. Nhưng có thể cách yêu thương của bố mẹ lại chưa phải là điều phù hợp với con. Sự khác biệt hai thế hệ gây ra những nỗi hoang mang dài. Cho ai kia phải băn khoăn, cho ai kia phải âu lo, cho ai kia nhẹ khóa cửa phòng như cách đưa ra thông điệp: Xin đừng làm phiền! Cho ta đây thắc thỏm, cho ta đây trăn trở, cho ta đây thoáng chút buồn lo. Nhưng để bố kể cho con nghe câu chuyện này: Một người nọ vì sống tốt nên khi mất đi đã được Thượng đế cho phép đi tham quan cả địa ngục lẫn thiên đường. Khi đến địa ngục, anh ta nhìn thấy rất nhiều người đang ngồi xung quanh bàn ăn với những chiếc thìa dài quá tầm tay. Bởi vậy nên họ không ăn uống được vì không thể nào xúc thức ăn với những chiếc thìa quá dài đó. Còn ở thiên đường thì sao? Bữa ăn cũng có những chiếc thìa dài y như thế, nhưng thay vì nhăn nhó, kêu khóc, mọi người dùng thìa để đút cho nhau một cách vui vẻ và vô cùng hạnh phúc. Con thấy không, hãy tìm cách để tiến tới nhau chứ đừng tìm cách lánh xa nhau hoặc chỉ nghĩ đến “nỗi khổ” của mình, khi đó, con sẽ tìm được hạnh phúc ngay bên cạnh mình. Còn bố mẹ, chắc từ đây cũng nên học cách “dùng cái thìa khi quá dài” phải không con trai?
Cứ phân vân, cứ lo lắng, cứ hoang mang, cứ lặng lẽ nhưng đừng quên, luôn bên con là bố mẹ.
Để nhẹ nắm tay con, để dịu xoa khi con vấp ngã, để ôm con vào lòng khi con chẳng biết tìm ai.
Vì đơn giản, bố mẹ mãi yêu con!
Tớ đã bật khóc khi đọc lá thư này. Việc làm của tớ sau khi đọc thư là lặng lẽ… cất cái khóa cửa phòng riêng của mình vào một góc khuất…
Không chỉ có bức thư, gia đình tớ cũng có nhiều, thật nhiều những buổi nói chuyện với nhau mà trong đó, bố mẹ không đóng vai trò “quan tòa”, chỉ đơn giản là lắng nghe thôi. Chúng mình hạnh phúc vì những điều như vậy, phải không nào?
- Khổ sở với cơ thể: Chắc chắn các bạn cũng như tớ thôi, vào giai đoạn chuẩn bị làm người lớn, sao mà mình khổ sở với cơ thể của mình quá chừng. Một số bạn nam trong lớp tớ thì bắt đầu mọc ria mép, các bạn nữ thì dường như nhẹ nhàng và ý tứ hơn. Nhưng bạn nào cũng cao nhanh với tốc độ đáng ngạc nhiên. Cùng với sự phát triển chiều cao, chắc bạn nào cũng có cảm giác như tớ về sự vụng về, lóng ngóng của tay chân trong sinh hoạt. Mặc dù chưa thực sự bước vào tuổi dậy thì nhưng tớ đã cảm nhận rõ điều này, đôi lúc thấy chân tay mình như thừa thãi. Mỗi khi làm việc gì đòi hỏi sự khéo léo như rửa bát, nấu ăn, giặt quần áo, tớ thấy đôi tay hình như không theo sự điều khiển của bản thân mình.
Tớ được mệnh danh là “chuyên gia” gây đổ và làm vỡ các đồ đạc trong nhà. Các bạn trong lớp tớ cũng rất khó khăn trong những việc đòi hỏi sự tỉ mỉ. Tớ nghĩ, chúng mình đang trong giai đoạn phát triển của các cơ xương nên mới như vậy. Hy vọng qua giai đoạn dậy thì mọi việc sẽ đâu vào đấy. V ì thế, chắc các bạn cũng mong bố mẹ mình sẽ “chậm lại một chút thôi” để chờ khi chúng mình khéo léo hơn. Tất nhiên, để có được điều đó, chúng mình phải rèn luyện thường xuyên chứ khéo léo không tự dưng từ trên trời rơi xuống.
Những thay đổi về thể chất và tâm lý khiến chúng mình quan tâm nhiều hơn đến hình thức. Bố mẹ đừng ngạc nhiên khi thấy cậu con trai thường ngày vẫn có thể mặc quần soóc đến lớp, thậm chí tắm xong còn tồng ngồng ra hẳn giữa nhà thay quần áo thì bây giờ đã biết ngắm nghía trước gương mỗi khi đi học. Cảm giác tất cả mọi người đang nhìn mình là cảm giác mà bất kì bạn nào ở tuổi dậy thì cũng đều trải qua. Tâm lý học cho rằng, thời gian này là giai đoạn có “khán giả tưởng tượng”, nghĩa là, bạn luôn tưởng tượng mình đang là một đối tượng có rất nhiều “khán giả”. Họ đang chăm chú nhìn mình, xem mình ăn mặc ra sao, nói năng thế nào. Bây giờ tớ mới hiểu và xót xa thương cái tuổi dậy thì của bố ngày xưa. Tớ hiểu bố đã tủi thân, mặc cảm thế nào khi phải mặc bộ quần áo vá đứng giữa đám bạn bè phổng phao nơi phố thị.
Việc quan tâm đến hình thức (nhiều khi thái quá) của tuổi dậy thì khiến chúng mình mất nhiều thời gian hơn. Một số bạn nữ còn có thói quen lên mạng tìm hiểu những mẫu quần áo mới phù hợp với xu thế thời trang hiện đại. Nhiều bạn còn hay đánh giá, bình phẩm về nhau qua cách trưng diện quần áo, đầu tóc. Không chỉ các bạn nữ, nhiều bạn nam cũng khổ sở không kém với quần áo, giày dép, ba lô, rồi cả mùi cơ thể của mình nữa. Ai cũng muốn mình xuất hiện một cách “long lanh” trong mắt người khác. Xin bố mẹ đừng nghĩ đó là những dấu hiệu gì kinh khủng. Việc ăn mặc sạch sẽ, đẹp mắt cũng là cách tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác. Nếu được bố mẹ tư vấn và ủng hộ chuyện làm đẹp cho bản thân (như kiểu mẹ tớ í) thì chắc các bạn sẽ vui vẻ hơn.
Đó cũng có thể sẽ là tiếng nói chung dễ dàng tìm thấy giữa bố mẹ và con cái ở độ tuổi dậy thì. Bố mẹ thường có xu hướng cằn nhằn, rồi la mắng, nói sao không lo mà học đi, quần áo, hình thức thì quan trọng gì, nhưng nhiều khi chính các bậc cha mẹ (hình như vô tình) lại là một tấm gương cho con cái về việc coi trọng hình thức. Ở nhà, mỗi lần mẹ kêu ca về việc tớ ăn nhiều sẽ lên cân, thế nào bố cũng nhắc: Em đừng làm tấm gương cho con về việc coi trọng hình thức hơn cả nội dung đấy. Mặc dù bố chỉ nói đùa nhưng tớ nghĩ, các ông bố, bà mẹ hãy luôn cho con biết và cảm nhận được rằng, sự thành công và hạnh phúc của mỗi người không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào hình thức bên ngoài. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” mà.
Ở tuổi dậy thì, năng lượng trong người của chúng mình dường như thừa thãi. Ngồi học thấy bứt rứt không yên (may mà tớ đã được học thói quen kiên nhẫn, nếu không chắc tớ cũng luôn bồn chồn chân tay lắm). Hết giờ học, chúng mình chỉ muốn chạy nhảy, đấm đá chân tay vào đâu đó cho đỡ khó chịu. Có thể vì khi đó, chúng mình đã có thừa năng lượng của một người sắp đến độ trưởng thành nhưng lại chưa biết sử dụng những năng lượng đó một cách thích hợp. Nếu bố mẹ chưa hiểu điều này, cho rằng sao có lúc con mình chạy nhanh như con sóc, lúc lại ngồi thừ người, thì mong bố mẹ đừng quá bận tâm, bố mẹ hãy nghĩ đến cách để con mình có thể “giải phóng năng lượng”.
Theo tớ, cách giải phóng năng lượng tuổi dậy thì tốt nhất, lành mạnh nhất chính là tập thể thao. Sự tiêu hao năng lượng này không chỉ tốt cho việc phát triển thể chất mà còn giúp cho chúng mình thêm sảng khoái, đầu óc hưng phấn và đặc biệt không nghĩ đến những điều không hay. Chả thế mà ở trường phổ thông của các nước tiên tiến giáo dục thể chất là môn học bắt buộc với những đòi hỏi rất cao. Các bạn phải cố gắng hết sức mới có thể hoàn thành được.
Cùng với việc quan tâm đến hình thức, chúng mình hầu hết bị rơi vào một nỗi ám ảnh có tên là “béo”. Lạ thế, bố tớ ngạc nhiên vì điều này. Vào thời của bố, ai trông “có da có thịt” mới được coi là đẹp. Còn bây giờ có những bạn gầy còm nhom vẫn luôn sợ lên cân. Tớ tự lý giải điều này, có lẽ bởi thực phẩm bây giờ quá dễ để lên cân, những chất phụ gia gây tăng trọng được ướp trong thức ăn hàng ngày khiến không chỉ chúng mình mà tất cả mọi người đều ở tình trạng dễ tăng cân.
Bây giờ việc ăn uống cũng tốt hơn, các thực phẩm đa dạng nhưng người dùng lại không thích sự đa dạng đó, điển hình như tớ, tớ rất ngại ăn rau. Đó cũng là tác nhân làm mình nhanh tăng cân đấy. Nhưng một điều quan trọng nữa, chính sự cổ súy của các phương tiện truyền thông cho những thân hình siêu gầy nên hầu hết các bạn đều nghĩ, chỉ có gầy mới đẹp. Các bạn nữ thích “mình hạc xương mai” để bộc lộ sự nữ tính của mình, các bạn nam cũng thích gầy để trông có vẻ thư sinh, điển trai giống như các nhân vật trong phim Hàn Quốc. Chính vì những lý do đó mà rất nhiều bạn rơi vào cảm giác ăn gì cũng sợ lên cân. Khổ thế, bố mẹ thì bất bình, kiểu như, có mà ăn đã là tốt rồi, con người ta còn đang nhịn đói nhịn khát kia kìa. Các bạn thì rên rẩm, sao cứ bắt con ăn vậy trời. Việc không lấy gì làm to tát ấy đang gây nên những mối bất hòa bất tận trong mỗi gia đình.
Những việc này nếu không có sự tư vấn tích cực của bố mẹ, sẽ có thể ảnh hưởng không nhỏ đến việc học hành của tuổi dậy thì. Bạn nào cũng mong muốn, bố mẹ sẽ hiểu hơn về ước mơ “chính đáng” của mình. Một chế độ ăn cân đối, khoa học, một không khí ăn vui vẻ trong mỗi bữa ăn gia đình sẽ làm chúng mình bớt đi cảm giác căng thẳng mỗi khi ngồi vào bàn ăn. Bố tớ thì luôn có một liệu pháp tinh thần rất dí dỏm là thường xuyên sưu tầm những bức ảnh ngộ nghĩnh về người béo. Nhiều liệu pháp của bố, tớ thấy vui và thay vì sợ béo, tớ lại yêu luôn cái sự ục ịch của mình. Tớ thấy đó là một việc hoàn toàn bình thường, không việc gì phải “xoắn” cả.
Cách để giải quyết những bất đồng giữa cha mẹ và con cái hiệu quả nhất, theo tớ chính là cách tìm ra tiếng cười. Bạn nói một câu gì đó hài hước, bố mẹ kể lại một câu chuyện vui vui hoặc cả nhà cùng xem một bức ảnh, một bộ phim hài hước, thế là những mâu thuẫn sẽ được hóa giải. Ví dụ như để dạy tớ về sự khiêm tốn, thay vì những lời dặn như: Khiêm tốn quan trọng lắm con ạ, phải khiêm nhường con mới được bạn bè yêu quý, con mới tiến xa bla, bla… thì mẹ tớ lại kể câu chuyện vui sau bằng một vẻ mặt không-thể-vui-hơn được nữa:
Trong buổi lễ tốt nghiệp ở một trường cấp II, thầy hiệu trưởng đọc tên học sinh xuất sắc nhất trong năm học. Thầy đọc to, đọc đến lần thứ ba mà vẫn không thấy ai bước lên sân khấu. Lúc ấy, thầy nhìn xuống cậu học sinh xuất sắc đang ngồi yên bên dưới và hỏi:
- Em không nghe thấy thầy gọi tên à? Cậu học sinh lễ phép:
- Dạ thưa thầy em đã nghe thấy rồi. Nhưng em sợ các bạn khác chưa nghe thấy ạ!
Kể xong, khỏi phải nói, hai mẹ con lăn ra cười. Bài học đã đến với tớ nhẹ nhàng nhất có thể. Tớ sẽ nhớ rất lâu những tình huống cần đến sự khiêm tốn. Đừng làm điều gì “quá lên”, sẽ rất buồn cười. Và các bạn của tớ, các bạn cũng thích những bài học kiểu đó, đúng không nào?
- Muốn khẳng định giá trị của bản thân: Vào tuổi dậy thì, hơn lúc nào hết, chúng mình có nhu cầu khẳng định giá trị của bản thân. Cũng dễ hiểu, chúng mình đã chia tay thời thơ ấu và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thực sự làm người lớn. Chúng mình chỉ muốn quên thật nhanh cái “quá khứ trẻ con” với những trò mà khi nghĩ lại các bạn cho là hết sức nhảm nhí và vớ vẩn để có thể sớm trở thành một người lớn thực thụ. Chúng mình “sợ” nhất bị ai đó nói: Sao mà trẻ con thế! Câu nói này có lẽ được xếp vào top những câu nói gây động chạm nhất đấy. Sự tự khẳng định giá trị bản thân thể hiện qua việc được bố mẹ, thầy cô, bạn bè công nhận giá trị của mình trong tập thể thông qua những hoạt động như: học tập, chơi thể thao, có năng khiếu một môn gì đó, có những biệt tài riêng.
Những mong muốn đó khiến chúng mình nhiều khi thật khổ sở. Các bạn thường hay nghĩ: Làm như thế có “ép phê” gì không nhỉ? Liệu đã đủ để gây ấn tượng với “một-ai-đó” chưa? Suy nghĩ ấy dẫn đến hoặc là hành động rất tích cực như cố gắng học thật giỏi, chơi thể thao thật cừ hoặc quyết tâm làm được một việc gì thật xuất sắc. Nhưng không phải ai cũng có đủ năng lực để làm việc đó vì chúng ta đều không ai hoàn hảo. Thế là những hành động tiêu cực có thể ra đời. Cách một số bạn quậy phá, ăn mặc không đúng quy định, nói bậy, tập hút thuốc, uống rượu… Những việc làm tiêu cực ấy cũng là cách tuổi teen đang vùng vẫy để đi tìm giá trị của bản thân mình. Vào lúc này, những lời tư vấn nhẹ nhàng, một sự định hướng đúng mức, một sự can thiệp đầy đủ và hiểu biết, chắc sẽ giúp tuổi teen dần lấy lại thăng bằng và hiểu được giá trị đích thực của mình.
Nắm được tâm lý muốn khẳng định giá trị bản thân của bạn bè ở tuổi chúng mình, bố mẹ sẽ hiểu rằng, đôi khi cần đề cao con mình hơn một chút, khích lệ con một cách đúng mức, nhìn nhận những sự việc con làm dưới góc độ tích cực. Cái nhìn bao dung ấm áp ấy sẽ giống như một “chất kích thích” khiến bạn bè mình phát huy hết những khả năng vốn có. Tớ không nghĩ “bố mẹ mình là hoàn hảo” nhưng thực sự là bố mẹ đã khiến tớ luôn ở trạng thái hưng phấn. Bố mẹ có cách ghi nhận những cố gắng của tớ, không làm tớ ảo tưởng về bản thân nhưng lại giúp tớ có thêm niềm tin, tin vào những cố gắng và những thay đổi của mình. Ví như khi tớ muốn tự mình đi may quần áo, bố mẹ không hề can thiệp, không tham gia vào quá trình mua sắm hay lựa chọn vải, màu sắc. Tớ đã chọn, xấu hay đẹp tớ đều phải chấp nhận.
Hoặc khi tớ muốn một mình đi Thái Lan để tham dự kì thi Tiếng Anh ISEE. Thay vì tỏ ra không tin tưởng liệu tớ có an toàn khi đi ra nước ngoài hay không, bố mẹ chỉ hướng dẫn tớ lên mạng, tìm hiểu kĩ càng về đường đi, về khách sạn, về việc mua bán, về những điều khác biệt giữa hai nước… Rồi tớ tự làm một mình. Tớ biết rằng, bố mẹ vẫn “đang ở đâu đó” quanh mình tuy bố mẹ vờ như không cho tớ biết điều đó, để tớ tự lo liệu.
Tất nhiên quá trình làm sẽ có nhiều sai sót. Nhưng không sao, bố luôn nói, dưới tuổi 20, không có gì gọi là sai lầm cả vì bạn luôn có cơ hội làm lại nó. Bạn quyết định không đúng khi theo học một môn ngoại ngữ mà bạn không hề có năng khiếu? Không sao, hãy tìm môn học khác. Bạn quyết định kết thân với một người mà sau bạn thấy không hợp? Không sao, còn có những người bạn khác. Bạn chọn đi học ở một nơi không phải như hình dung ban đầu của bạn? Không sao, hãy quay về và làm lại. Chúng ta được quyền làm và được quyền sai, tất nhiên hãy tính toán thật kĩ để sai sót ít nhất. Những điều đó, chính là cách bố mẹ giúp con mình khẳng định giá trị bản thân, các bạn cũng nghĩ thế đúng không nào?
Từ khía cạnh muốn khẳng định giá trị bản thân, điều teen chúng mình buồn nhất có lẽ là việc bị bố mẹ đem ra “bêu xấu” trước mặt bạn bè hoặc những người khác. Việc làm đó có cảm giác như bố mẹ “chẳng coi mình là cái đinh gì”. Có trường hợp bạn bè tớ đã từng có ý muốn bỏ nhà đi khi bị bố mẹ gọi là “dở hơi” dù chỉ là trước mặt của… một đứa trẻ hàng xóm.
Ôi chà chà. Mặc dù có thể, khi nói những điều đó, bố mẹ cũng chẳng hề có ý gì. Ừ thì nó còn ngây ngô thế, ngây thơ và lông ngông thế. Ừ thì nó giữa mùa đông mà bật quạt vù vù. Ừ thì nó ngồi lì hàng tiếng trong toilet. Như thế chẳng phải “dở hơi” là gì. Vâng, vâng ạ, tuổi teen chúng con biết hết điều đó nhưng nói những điều không hay trước mặt người khác là “chống chỉ định” đấy. Ngoài ra, ấy còn là cách nhìn nhận về cùng một vấn đề giữa bố mẹ và con cái tuổi teen cũng khác nhau. Tớ nhớ đã được đọc một câu chuyện như thế này:
Một ngày nọ, người cha giàu có dẫn con trai đến một vùng quê để thằng bé thấy những người nghèo ở đây sống như thế nào. Họ tìm đến nông trại của một gia đình nghèo nhất nhì vùng. “Đây là cách để dạy con biết quý trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình” – người cha nghĩ đó là bài học thực tế tốt cho đứa con bé bỏng của mình. Sau một thời gian ở lại và tìm hiểu đời sống ở đây, họ trở về nhà. Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười: “Chuyến đi như thế nào hả con?”
- Thật tuyệt vời bố ạ!
- Con đã thấy người nghèo phải sống một cuộc sống như thế nào rồi đấy!
- Ô, vâng!
- Thế con rút ra được điều gì từ chuyến đi này? Đứa bé không ngần ngại:
- Con thấy chúng ta có một con chó, họ có bốn. Nhà mình có một hồ bơi dài đến giữa sân, họ lại có một con sông dài bất tận. Chúng ta phải treo những chiếc đèn lồng vào vườn, họ lại có cả bầu trời sao lấp lánh vào đêm. Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân thì họ có cả chân trời xa tắp. Chúng ta có một miếng đất để sinh sống và họ có cả những cánh đồng mênh mông trải dài. Chúng ta phải có người phục vụ, còn họ lại phục vụ người khác. Chúng ta phải mua lương thực, thực phẩm, còn họ lại nuôi và trồng ra những thứ ấy. Chúng ta có những bức tường bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở nhau…
Đến đây người cha không nói gì cả.
Bố ơi, bây giờ thì con đã biết chúng ta nghèo như thế nào rồi… – cậu bé nói thêm.
Cách nhìn nhận và đánh giá của bố mẹ có thể rất khác so với con. Có những điều bố mẹ cho rằng, mình đã tạo đủ điều kiện để cho con có một cuộc sống sung sướng, con còn mong điều gì hơn nữa? Thì con cái lại nghĩ: Sao bố mẹ không làm giống như bố mẹ bạn A, bạn B có phải tốt hơn không?
Sự khác biệt đó làm cho những điều mà tuổi teen muốn khẳng định dường như càng khó khăn hơn. Khi bố mẹ hiểu những diễn biến tâm lý này, thay vì đánh giá, phán xét, hãy đón nhận bằng tất cả sự mong ngóng, hồi hộp, niềm vui như khi mình trồng một cái cây, mình không biết nó sẽ cho ra loại quả hình dáng thế nào, vị nó ra sao… Sự chờ đợi đó chính là khoảng thời gian tĩnh lặng cần thiết để tuổi teen chúng mình lớn lên cùng với bao ước mơ và khát khao đẹp đẽ.
- Không thích sự áp đặt của bố mẹ: Mọi sự áp đặt của bố mẹ đối với tuổi teen thường tạo ra khoảng cách lớn giữa bố mẹ và con cái. Trong khi bố mẹ nghĩ rằng, với trải nghiệm của mình, với những kinh nghiệm mình có được trong thực tế, điều mình nghĩ nhất định đúng. Còn chúng mình thì lại cho rằng, bằng những hiểu biết rộng mở, bằng sự hỗ trợ của các phương tiện công nghệ hiện đại, sự tích lũy và tìm hiểu thông tin của mình, chúng mình nhất định đúng.
Tuổi teen sợ bị bố mẹ áp đặt vì nghĩ rằng: làm như thế, mình làm sao có thể trở thành người lớn được. Rằng, tại sao bố mẹ lại khẳng định ý nghĩ của mình luôn luôn đúng. Rằng, con lớn rồi, con có quyền quyết định riêng của con chứ. Trên các diễn đàn, tớ thấy có bao nhiêu lời phàn nàn của các ông bố bà mẹ về tính ương bướng đến mức không chịu nổi của những đứa con tuổi teen. Từ một đứa bé dễ thương, gọi dạ bảo vâng, bây giờ nó quay ra cãi mẹ, luôn khăng khăng là mình đúng. Cái thói “trứng khôn hơn vịt” không thể chấp nhận được trong các gia đình Việt Nam truyền thống, nơi con cái nhất nhất phải tuân theo những mệnh lệnh của bố mẹ.
Mẹ tớ cũng cho rằng, khái niệm “ngoan” với nội hàm là con cái phải nhất nhất nghe lời theo bố mẹ cũng cần được xem xét lại. Tớ đã đọc đâu đó rằng, khi con còn nhỏ, bố mẹ dạy con biết nghe lời nhưng khi con lớn, bố mẹ nên dạy con biết “cãi”. Tất nhiên tớ cũng hiểu, “cãi” ở đây không có nghĩa là nói lại bằng những lời lẽ không tốt mà chính là cách đưa ra những lý lẽ để bảo vệ ý kiến của mình một cách đúng và chừng mực nhất.
Vào tuổi dậy thì, hình như trong mỗi gia đình đều xảy ra tình trạng mà tớ tạm gọi là “tranh giành quyền lực”. Cha mẹ thì cố giữ lại hình ảnh một đứa con bé bỏng, dễ thương, mình thích vuốt ve âu yếm lúc nào cũng được, mình nói gì nó nghe nấy. Con cái thì mong được bố mẹ cư xử như một người lớn thực thụ. Mâu thuẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Bạn bè hay tâm sự với tớ về những nỗi bất bình, những oan ức không thể giải tỏa giữa bố mẹ bạn với bạn về vấn đề gì đó mặc dù ngay chính bạn cũng thừa nhận vấn đề đó chỉ “bé như con kiến và chán như con gián” thôi. Nhưng từ những chuyện nhỏ, với tính khí bốc đồng, mong muốn được khẳng định như đã nói ở trên, tuổi teen có thể dẫn đến những hành động, những hậu quả đáng tiếc. Chúng mình chắc sẽ mong muốn lắm, khi có những mâu thuẫn nảy ra, bố mẹ sẽ cố gắng thể hiện như sau:
Mong bố mẹ hãy bình tĩnh: Chúng mình không phải sẽ cố gắng bảo vệ lý lẽ đến cùng nếu như bố mẹ không nổi khùng lên thậm chí nói những điều không hay hoặc tồi tệ hơn nữa là dùng vũ lực. Tất cả những điều đó, hầu như không có tác dụng răn đe, nó chỉ chứng tỏ một điều, bố mẹ đang sử dụng “quyền” của mình trong sự bất lực (chúng con xin lỗi bố mẹ). Nếu bố mẹ bình tĩnh và nói: Vấn đề này còn nhiều điều phải bàn, chúng ta sẽ đợi đến khi nào cả hai bên cùng có cái nhìn khách quan và tỉnh táo hơn nhé. Chỉ cần thế thôi, chắc hẳn, khoảng thời gian đó kịp cho chúng mình suy nghĩ và điều chỉnh lại hành vi của mình với bố mẹ cho phù hợp.
Mong bố mẹ hãy hiểu những áp lực của tuổi teen: Nếu nói đến điều này, có thể các bậc cha mẹ lại đặt câu hỏi: Tại sao lại “áp lực”? Từ này chỉ dùng cho những người lớn, những người đang phải chịu trách nhiệm về công việc với xã hội, chịu gánh nặng về kinh tế trong gia đình thôi chứ? Nhưng thực sự thì tuổi teen hoặc nhỏ hơn nữa vẫn có những áp lực mà đôi khi rất khó nói thành lời. Đó có thể là áp lực từ chính sự kì vọng của bố mẹ vào con cái. Bố mẹ luôn mong muốn “sản phẩm” mình đúc ra, mình làm ra đúng theo như khuôn mẫu mà mình mơ ước. Sự áp đặt cũng từ đó mà ra. Áp lực thứ hai đôi khi chính từ sự yêu thương của bố mẹ. Áp lực thứ ba từ việc học ở trường. Áp lực nhiều nhất, đôi khi chính từ bạn bè của chúng mình. Không ai bảo ai, chúng mình đều có mong muốn được “lên chân kính” với bạn bè xung quanh. Ngay cả việc “nổi loạn” nhiều khi cũng do trào lưu. Không muốn mình có vẻ ngoan hiền, như một học sinh tiểu học, chúng mình mong muốn được nhìn nhận và đánh giá như một người lớn thực sự và đó chính là một gánh nặng. Nếu bố mẹ hiểu điều này và tìm cách tháo gỡ những áp lực, chắc chúng mình sẽ thấy lòng nhẹ nhõm vô cùng.
Trong một buổi tư vấn tâm lý, một chuyên gia đã hỏi các bậc cha mẹ: Điều gì nguy hiểm nhất đối với tuổi teen? Các bậc cha mẹ kể ra nhiều thứ như: môi trường xã hội, bạo lực học đường, các tệ nạn… Chuyên gia nói: Những thứ đó đều đúng nhưng không nguy hiểm nhất. Nguy hiểm nhất đối với tuổi teen là áp lực bạn bè. Tớ thấy điều này rất đúng. Chính sự mong muốn “như bạn như bè”, rồi việc khích bác “Ấy có vẻ hèn nhỉ”, sự tặc lưỡi “Ai sao mình vậy” và vốn sống non nớt khiến tuổi teen lệ thuộc rất nhiều vào những đánh giá của đám đông bạn bè. Bố mẹ rất hay chia sẻ với tớ “gánh nặng” áp lực này. Có thời gian, tớ cũng khổ sở ghê gớm vì một số bạn bè cho rằng tớ “ông cụ non”, “khác người”, tớ “chảnh”. Những lúc ấy, bố mẹ đã luôn ở bên, điều hòa các cảm giác, chỉ cho tớ những điều thực sự đẹp đẽ để tớ cân bằng lại. Sự cân bằng trên cơ sở thấu cảm, hiểu biết về những áp lực bên trong khiến mình không muốn “xù lông nhím” trước những phân tích hoặc áp đặt của bố mẹ nữa mà bình tĩnh để tìm tiếng nói chung.
Mong bố mẹ hãy công bằng: Tuổi dậy thì rất nhạy cảm với sự công bằng. Việc đánh giá đúng sai của bố mẹ nếu chỉ dựa trên kinh nghiệm cá nhân thì khó thuyết phục đối với những cái đầu đầy ắp lý thuyết của tuổi teen. Nếu bố mẹ để chúng mình có thời gian tự phân tích hoặc cả bố mẹ và chúng mình ngồi lại với nhau để phân tích đúng - sai thì chúng mình sẽ dễ dàng “tâm phục - khẩu phục” hơn. Công bằng khi xem xét sự việc cũng là cách thể hiện thái độ tôn trọng - điều mà tâm lý tuổi teen đang tìm kiếm. Tớ thích cách của bố mẹ. Nếu thực sự bố mẹ cảm thấy mình có những phân tích hoặc hành động chưa đúng, bố mẹ tớ sẵn sàng nhận lỗi ngay. Về phía tớ, tớ cũng làm như vậy. Nhận lỗi không phải là một việc xấu, nó chỉ chứng tỏ mình là một người văn minh, cầu thị và sẵn sàng sửa sai mà thôi.
Thuật ngữ “dậy thì” (pubertal) xuất phát từ một từ La tinh có nghĩa là “ẩn dưới lớp lông vũ”. Chim non chưa bay ra khỏi tổ nhưng lông vũ của nó đã đủ. Chim non vẫn nghĩ rằng lông của nó mềm mại và óng ánh hơn lông của mẹ, rằng đôi cánh của nó sẽ đưa nó bay cao hơn mẹ, xa hơn mẹ. Con chim non còn quá ít kinh nghiệm. Con người cũng vậy, các bậc cha mẹ càng nghiêm khắc với bản thân con cái bao nhiêu thì các bạn tuổi chúng mình càng dễ dãi với chính mình bấy nhiêu.
Những ngộ nhận có phần hơi ảo tưởng về sức mạnh của bản thân khiến tuổi teen nhiều khi có những hành động mà người lớn cho là “ngông nghênh”, “dại dột”, “dở hơi”, “không hiểu nổi”. Nhưng cũng chính những ảo tưởng, những mơ ước xa xôi, những khát vọng mạnh mẽ, nếu được vun đắp, được kích thích, được cổ vũ đúng hướng sẽ giúp những chú chim non bay ra khoảng trời xanh bên ngoài một cách vững vàng, mạnh mẽ. Bay đi cùng những ước mơ xanh non. Bay đi cùng niềm tin xanh non.
Việc không hiểu nhau, không tìm được tiếng nói chung có thể dẫn đến “ngay trong chuyến bay đầu tiên ra khỏi tổ ấm của lòng mẹ, con chim non đã bị thương một cách vô ích”. Vết thương này có thể chính là mối quan hệ không yên ả, là khoảng cách ngày càng xa giữa cha mẹ và con cái. Có thể một vài năm sau, “vết thương” đó sẽ lành. Đó là khi, con cái đã lớn, đã hiểu hết, hiểu thấu những ân tình nặng sâu của đấng sinh thành, và chính cha mẹ cũng có thời gian để hiểu quá trình lớn lên, trưởng thành của con. Nhưng thực sự đó vẫn là “những vết thương vô ích”. Hoàn toàn có thể tránh được nó khi có những hiểu biết giữa con cái với cha mẹ và ngược lại.
Mong được bố mẹ nói về những chuyện “nhạy cảm”:
Tâm lý của tuổi dậy thì là hỗn hợp của những tâm trạng không lấy gì làm dễ chịu. Tuổi teen lúc này thường lơ đễnh, thiếu tập trung, kết quả học tập nhiều lúc giảm. Tâm trạng khá thất thường: Đang nóng nảy, phóng túng bỗng trở nên nhút nhát, ủy mỵ. Tính khí cũng đa dạng: Lòng tự tin rất cao, thích làm mọi người ngạc nhiên, nhưng cũng rất dễ buồn vì những lý do ít ai hiểu nổi. Họ bướng bỉnh ở nhà cũng như ở trường, tỏ ra rất khó dạy dỗ.
Sự phát triển không tương ứng giữa tinh thần và thể chất của thế hệ trẻ ngày nay làm cho tuổi dậy thì phải được tính dài ra. Sự phát triển về thể lực của họ diễn ra sớm hơn, trong khi đó môi trường xã hội thì ngày càng phức tạp. Lẽ ra trong thế kỷ của thông tin, thế hệ trẻ ngày nay phải trưởng thành sớm hơn về tính cách. Nhưng dường như điều kiện xã hội càng phát triển thì lại càng thủ tiêu mất sự chín chắn của cá tính với tư cách là một quá trình vận động tự thân. Trước kia, người ở tuổi dậy thì hay bị đau đầu, thiếu máu, mất ngủ. Ngày nay, hiện tượng đó mất dần.
Nói chung, người ở tuổi dậy thì ít tính kiên nhẫn, hay sốt ruột, thích trở thành người lớn. Họ có đủ khả năng hoạt động tình dục nhưng về mặt tâm lý tình dục thì vẫn còn non nớt. Vì vậy, người ở tuổi này thường hay bối rối.
Trên đây là những điều tớ đã đọc được từ một bác sỹ tâm lý khi ông nói về tuổi dậy thì. Tớ cho rằng những điều này vô cùng bổ ích không chỉ với chúng ta. Các bậc cha mẹ khi đọc cũng có thể hiểu và thông cảm với con cái khi bước vào tuổi dậy thì. Vì đây là một thời kỳ phát triển phức tạp nên cha mẹ rất nên tôn trọng nhịp độ sinh học tự nhiên trong sự phát triển của con cái. Dậy thì không phải là bệnh, nhưng không phải là thời kỳ mà con người ta được phép làm mọi chuyện. Đây là thời kỳ mà tuổi teen cần phải học cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, tập làm chủ mọi hành vi, ngôn ngữ, phải biết tự kiểm tra tâm trạng cũng như bản năng tình dục của mình. Trước khi có dấu hiệu của tuổi dậy thì, cần biết trước cái gì sẽ diễn ra trong cơ thể mình, nó sẽ biểu hiện ra sao trên cơ thể và trong tâm lý.
Hầu hết các bậc cha mẹ thường ngại ngùng khi nói đến những chuyện được coi là “nhạy cảm”. Có một tâm lý e ngại rằng nói về chuyện đó cũng giống như mình “bật đèn xanh” cho con để con có thể thoải mái nghĩ đến và thực hiện những hành vi mà bố mẹ không hề mong muốn. Nhưng thực ra, phía sau bố mẹ, chúng mình đã tự mày mò tìm hiểu. Những sự tìm hiểu đó có thể đúng và cũng có thể sai. Sự sai lầm đôi khi gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Điều này, báo chí, các phương tiện thông tin đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo. Trong lĩnh vực tình dục, thời kỳ mạo hiểm của lớp trẻ ngày nay được kéo dài ra. Điều kiện sống thuận lợi thường kích thích nhu cầu tình dục. Vì vậy, nếu không được chuẩn bị, không được dạy dỗ một cách khoa học, khi bước vào tuổi dậy thì, họ dễ bị quật ngã bởi sức ép của bản năng.
Mọi người thường hay nói, cần đưa việc giáo dục giới tính vào trường học một cách quyết liệt và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tớ nghĩ, giáo dục giới tính ở trường mới chỉ dừng lại ở góc độ khoa học của vấn đề. Chính trong gia đình, sự chia sẻ thân tình của bố mẹ, sự trải nghiệm, sự thông cảm, gần gũi mà bố mẹ tạo nên sẽ làm cho những bài học về giáo dục giới tính trở nên nhẹ nhàng hơn.
Mong bố mẹ đừng ngại chia sẻ: Việc chia sẻ của bố mẹ với con cái về những chủ đề “nhạy cảm” không làm cho chúng mình “bị kích thích” mà chỉ làm cho vấn đề trở nên đơn giản và ngày càng dễ nói. Nếu cả tuổi thơ của con, bố mẹ không hề nói đến những vấn đề đó, đột nhiên đến ngày thấy con phổng phao mới đề cập đến thì hoặc là quá muộn hoặc là không biết bắt đầu từ đâu bởi quá ngại ngùng. Như tớ đã kể, khi còn nhỏ xíu, bố mẹ đã cho tớ hiểu về các bộ phận trên cơ thể người, cách tự vệ khi có người lạ muốn chạm vào vùng kín… nên sau này, bố mẹ thoải mái hơn khi nói những chuyện “người lớn”. Theo tớ nghĩ, các bậc cha mẹ thường hay rơi vào hai xu hướng sau:
- Trầm trọng hóa mọi chuyện: Có một câu chuyện vui thế này: Một em bé lớp 3 về nhà hỏi mẹ: Mẹ ơi, con sinh ra từ đâu? Thoáng đỏ mặt, bà mẹ nghĩ “đã đến lúc rồi đây”. Bà tìm cách thoái thác: À, ờ tối nay mẹ sẽ có câu trả lời. Tối đến, chuẩn bị tinh thần, bà mẹ nói: À thực ra thì đầu tiên phải có cuộc gặp gỡ của bố và mẹ… Cô bé ngắt lời: Sao lại phải dài thế mẹ, mẹ không nhớ được địa chỉ của quê mình à? Ôi chà, đúng là tiếng Việt và đúng là sự lo lắng của các bà mẹ! Nếu suy nghĩ theo hướng tích cực và nhẹ nhàng, các bậc phụ huynh cũng không còn quá căng thẳng mỗi khi đề cập đến chuyện “nhạy cảm” nữa.
- Đơn giản hóa mọi chuyện: Trái với những ông bố và bà mẹ thuộc “style” trầm trọng hóa, nhóm các bậc cha mẹ đơn giản hóa mọi chuyện lại cho rằng, đó là việc rất chi tầm phào. Những thứ thuộc về bản năng ấy không cần dạy cũng biết. Lại nữa, thời trước, có ai cần dạy bảo gì đâu, cũng có cần sách vở gì đâu mà mọi việc vẫn diễn ra bình thường đấy thôi. Cách nhìn nhận đơn giản ở một thế giới đầy thông tin như bây giờ có thể khiến chúng mình trượt trong sự ngộ nhận về “muốn thế nào cũng được” và gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Không biết các bạn thế nào chứ với tớ ngay từ khi còn nhỏ đến lúc bước vào tuổi dậy thì, tớ mong được bố mẹ chia sẻ những vấn đề sau:
* Sự khác nhau giữa hai giới tính nam và nữ.
* Vì sao cần có những đứa trẻ ra đời?
* Các em bé ra đời bằng cách nào?
* Cấu trúc và chức năng của các bộ phận sinh dục.
* Các biểu hiện thường gặp ở tuổi dậy thì.
* Các biện pháp tránh thai.
Trong gia đình, tớ đã được bố mẹ, bằng cách này hay cách khác chia sẻ và hướng dẫn những điều mình mong muốn tìm hiểu. Bố mẹ đã có những cách rất thú vị để một mặt vừa chuyển tải được thông điệp cho tớ vừa mang lại niềm vui cho cả nhà. Chuyện khó nói nhất trong mỗi gia đình chắc là chuyện: làm thế nào để có một em bé đúng không? Nhưng ở nhà tớ, nó lại được “chuyển thể” như thế này:
Hary là một chú tinh trùng bé nhỏ, chú sống trong cơ thể của bố. Trong đấy tối và ngột ngạt. Nhưng từ khi sinh ra các chú đã được nói với nhau rằng, các chú chính là những chàng “hiệp sỹ 23”.
Tại sao lại có tên như vậy?
Bởi khác với các bạn bè khác sống trong cơ thể bố được cấu tạo bởi 46 phần tử nhỏ bé, Hary và các bạn chỉ mang có 23 phần tử thôi.
Hiệp sỹ 23 sẽ nhận nhiệm vụ phải lên đường để gặp một “công nương 23” có tên là Trứng. Công nương 23 nằm trong cơ thể mẹ.
Việc “hiệp sỹ 23” có gặp được “công nương 23” không phụ thuộc rất nhiều vào bố và mẹ nhé. Bố và mẹ sẽ tìm cách để có thể trao đổi bản đồ của nhau.
Đêm đó, bố mẹ đã thực hiện việc trao đổi.
Nhận nhiệm vụ, Hary cùng các bạn lọt vào cơ thể mẹ để đi tìm công nương. Đó là cuộc thi bơi gay cấn mà chỉ duy nhất một hiệp sỹ mới giành được vinh quang.
Nhờ khỏe mạnh nên Hary dễ dàng bỏ xa đồng đội và vượt lên trước. Trong cơ thể mẹ, chú khéo léo đi theo sự chỉ dẫn của bản đồ để tìm được công nương trứng 23 đang nằm đó chờ sẵn. Quá đỗi vui mừng, Hary tìm cách chui tọt vào trong lòng công nương trứng.
Họ vui sướng về cuộc gặp gỡ. Chính thức từ đây, Hary thành một thành viên trong ngôi nhà của mẹ.
Hary nằm trong lòng trứng, vui mừng, hạnh phúc. Được mẹ nuôi nấng vì mẹ rõ ràng là khéo léo hơn bố, nên hiệp sỹ Hary của chúng ta không chỉ dừng lại là một hiệp sỹ bé nhỏ nữa.
Có một điều kì diệu xảy ra, một hạt mầm, à không, hẳn một em bé đang hình thành. Hary chờ đợi sự hóa thân kì diệu.
9 tháng 10 ngày nằm trong bụng mẹ, công nương và hiệp sỹ nay đã hóa thân thành một em bé dễ thương, bụ bẫm.
Theo đúng con đường lúc đi vào mà bây giờ đã trở nên quá quen thuộc, em bé tìm cách chui ra ngoài.
Em bé lớn lên như một cái cây non. Và em bé đó giờ đây đang ngồi nghe bố mẹ kể chuyện xem mình đã hình thành thế nào.
Ôi chà chà, tớ thích câu chuyện này lắm. Mẹ kể cho tớ nghe từ khi tớ còn nhỏ. Tớ bị cuốn hút vào các tình tiết hấp dẫn của câu chuyện nên không hề thắc mắc gì cả. Và tớ hoàn toàn hiểu về sự ra đời của mình, về sự kết hợp giữa cơ thể mẹ và cơ thể bố. Hiểu tại sao mình lại có những điểm giống bố đến kì lạ. Đơn giản là vì tớ xuất thân từ Hary - Hiệp sỹ 23 mà. Không cần đợi những lời giải thích đại loại như: con cò mang con đến, mẹ nhặt con từ một cánh đồng hoa, con là báu vật mẹ được bà tiên trao tặng… Cách giải thích của mẹ tuy đơn giản nhưng cũng phần nào nói lên được sự ra đời của mỗi người. Cứ tiếp tục như thế, khi tớ lớn hơn, mẹ lại có cách giải thích khác, khoa học hơn và không cần vin vào những câu chuyện cổ tích nữa. Hiểu những điều bố mẹ nói, tớ thấy mình sống có trách nhiệm hơn với bản thân và với mọi người xung quanh. Và tớ tự tin, tràn đầy năng lượng cho những hoạt động thú vị khác mà không mất thời gian cho việc tò mò tìm hiểu những điều mà các bạn đồng trang lứa hay xì xầm.
Không chỉ có việc chia sẻ, để giúp tớ hiểu hơn về những chuyện liên quan đến giới tính, mẹ còn “khích” tớ làm một website về Giáo dục giới tính. Khi đó, tớ ngây thơ lắm, không biết đó là “chiêu” của mẹ. Tớ chỉ muốn được thực hành cách làm website thôi. Nhưng trong quá trình thực hiện, để “làm đầy” trang web của mình, tớ đã phải đọc rất nhiều tài liệu cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Chính quá trình đọc và chọn lọc tài liệu này lại một lần nữa giúp tớ hiểu hơn về những vấn đề liên quan đến giới tính, đặc biệt cách để đề phòng bị lạm dụng, bị xâm hại, cách để giữ an toàn... Trang web này của tớ đã nhận được giải trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2012. Đúng là một mũi tên trúng hai đích.
Tuổi dậy thì rất có nhu cầu cần được chia sẻ, được cảm thông. Nhiều bậc cha mẹ khi nghe con nói đến những nhu cầu này thường gạt đi: Thôi tập trung học đi con, mày còn nhỏ mà đã lo những chuyện vớ vẩn. Thế là bao nhiêu dự định trong đầu con tiêu tan. Lần sau khi có “chuyện khó nói” các bạn thường có xu hướng đi tìm lời giải ở bạn bè mình, những người cũng đang hoang mang y như mình. Việc được chia sẻ đúng sẽ khiến cho mối quan hệ bố mẹ, con cái được phát triển trong sự gắn kết ruột rà, trong tình thân mà khó có thể tìm thấy ở nơi nào khác. Mẹ đã cho tớ đọc trích đoạn bức thư của một người mẹ gửi con gái khi cô 18 tuổi. Mẹ khuyên cô hãy gìn giữ sự trong sáng và nếu có trao gửi cho ai thì hãy chọn đúng chỗ. Tớ nhớ nhất đoạn cuối của bức thư:
Và nếu như, nếu như có bất kì sự cố nào xảy ra, vượt ra cả ngoài sức chịu đựng của con, nếu có nỗi đau đớn nào con không thể đối mặt, nếu người đàn ông con yêu trốn tránh con, ba con đòi đuổi con ra khỏi nhà, họ hàng dè bỉu con, bạn bè khinh thường và cả thế giới quay lưng với con, cho dù có ra sao đi chăng nữa, thì, tuyệt đối, dứt khoát, phải nhớ rằng, mẹ sẽ không bao giờ ngoảnh mặt, không bao giờ bỏ rơi con. Mẹ ở đây, để cam chịu, giải quyết, đấu tranh, bênh vực và làm tất cả, để bảo vệ con.
Hãy nói với mẹ, dù là chuyện gì đi nữa, chỉ cần nói với mẹ!
Tớ tin nhiều ông bố bà mẹ cũng muốn nói với con của mình điều này. Và tuổi teen chúng mình rất muốn được nghe, được cảm nhận về điều đó, có đúng thế không hỡi bạn bè thân yêu của tớ?
- Thể hiện tình yêu: Thực ra, mục đích duy nhất của giáo dục tình dục là chuẩn bị cho con cái một tâm lý phù hợp nhất trong cuộc sống yêu đương, để con có được đời sống tình dục thực sự hạnh phúc trong quan hệ vợ chồng sau này. Cha mẹ có nhiệm vụ rất nặng nề là dạy con mình biết yêu. Để biết yêu, các cô các cậu rất cần một chuẩn mực tình yêu được hình dung, xây dựng dần từ tình yêu của cha mẹ với con cái. Một đứa con trai nếu không biết tới tình mẫu tử trong thời thơ ấu thì lúc lớn lên thường có cảm giác bất lực và vô nghĩa trước cuộc sống, thậm chí sau này anh ta cũng chẳng quyến luyến gì con cái của mình. Tuổi ấu thơ đã không được yêu thương thì khi lớn lên cũng chẳng biết yêu thương người khác.
Tất cả những phân tích ở trên đã nói khá rõ về việc cần thiết thể hiện tình yêu giữa cha mẹ với con cái và ngược lại. Trong một gia đình, ngoài ông bố ra, còn ai tốt hơn, thông qua tình yêu của mình, dạy con cách làm một người đàn ông lịch lãm, hiểu biết, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Và cũng còn ai tốt hơn người mẹ, thông qua sự dịu dàng chăm chút của mình, dạy con gái về những biến đổi của cơ thể, về cách cảnh giác trước những lời đường mật, cách có một tình yêu đúng đắn.
Tuy nhiên, việc thể hiện tình yêu giữa bố mẹ và con cái tớ đã đề cập nhiều rồi. Ở đây, tớ muốn mạo muội nói với các bậc phụ huynh về việc thể hiện tình yêu giữa bố và mẹ. Mọi người sẽ ngạc nhiên vì cho rằng việc này thì có liên quan gì đến việc giáo dục giới tính. Nhưng đứng dưới góc độ của những đứa con, chúng mình chắc cũng đồng ý với tớ rằng, việc bố và mẹ thể hiện tình cảm với nhau chính là bài học đẹp đẽ nhất về giới tính.
Chúng ta thường được học rằng, tình dục phải gắn liền với lý trí, với sự an toàn, tách khỏi những điều đó, tất cả chỉ còn là bản năng. Và còn một điều quan trọng nữa, nó chỉ có thể coi là một hành động “người” khi gắn với hai chữ “tình yêu”.
Một mối quan hệ thiêng liêng và thực sự bền vững khi và chỉ khi gắn liền với sứ mệnh của tình yêu. Vậy chúng ta học tình yêu đó từ đâu? Từ chính bố mẹ của chúng mình.
Có một điều rất buồn cười là các bậc cha mẹ nhiều khi có thể cãi vã trước mặt con mình nhưng khi cần thể hiện tình cảm thì lại không. Điều này rất không tốt cho việc hình thành nhân cách và hành vi của những đứa con. Lúc còn nhỏ, con sẽ nghĩ là bố mẹ không yêu thương nhau, lớn lên, với cái nhìn hiểu biết hơn, con cái sẽ nghĩ, bố mẹ không thực sự là “một cặp đôi”.
Suy nghĩ này có thể cứ âm ỉ lớn dần trong lòng mỗi đứa bé. Vậy hệ quả tất yếu là khi gặp một người bạn khác giới nào đó, dù chưa thực sự yêu thương nhưng chúng lại có thể dễ dàng tiến tới những chuyện khác. Bởi lúc đó chúng nghĩ, cũng làm: “giống như bố mẹ mình”.
Sẽ thật tuyệt vời nếu bố mẹ dành cho nhau những tình cảm âu yếm đúng lúc. Bố lau vết nhọ trên má mẹ, dắt tay mẹ khi đi qua đường, kéo hộ mẹ cái khóa đằng sau váy. Mẹ nhổ sợi tóc bạc trên đầu bố, đấm lưng cho bố khi mệt mỏi, dựa vào vai bố khi đi dự tiệc. Và cả hai không ngại dành cho nhau những lời nói dễ thương trước mặt con cái của mình. Chính những điều đó làm thiêng liêng hóa các mối quan hệ gia đình và tình yêu sẽ có chỗ đứng tự nhiên, tự giác trong lòng mỗi người.
Xem phim tâm lý Tây Âu có thể thấy các ông bố bà mẹ không hề ngại ngần trong việc bộc lộ tình cảm yêu thương trước con cái. Họ coi đó là việc hết sức bình thường, tự nhiên. Có lẽ tư tưởng Á Đông và việc sống cùng nhau nhiều thế hệ trong một gia đình chính là rào cản lớn nhất cho việc này. Tuy nhiên, tớ vẫn mong muốn được thấy những lúc bố mẹ ý nhị trao cho nhau những câu nói tình cảm, những ánh nhìn tha thiết. Điều thật tuyệt vời đó giúp tớ hiểu, để đi đến hôn nhân, nhất định phải có tình yêu. Và chính những điều giản dị, đẹp đẽ ấy sẽ đẩy lùi suy nghĩ không hay về những chuyện vốn được coi là nhạy cảm.
Tớ thích lời nhận xét của bác sỹ Phan Xuân Trung về vấn đề này: Với tư cách là một bộ phận quan trọng trong đời sống con người, tình dục vừa là yếu tố đồng sáng tạo vừa là yếu tố phản ánh nhân cách cá nhân. Tình dục chỉ làm phong phú cuộc sống cho những ai có khả năng biết đưa vào nó dấu ấn con người, những ai biết xây dựng nó trên cơ sở của tình yêu thương. Riêng điều ấy, thiên nhiên không ưu đãi cho con người. Điều ấy chúng ta phải tự tạo lấy, bằng cách giáo dục những con người còn như những mầm cây non nớt trước mặt ta kia.
Mẹ nói, khi nuôi nấng, theo dõi quá trình tớ lớn lên, mẹ đã học lại cách thể hiện tình yêu của tớ. Tớ rất thích cách đánh giá này của mẹ. Này nhé, mẹ bảo tình yêu của tớ dành cho mẹ tuy hơi ồn ào nhưng mà rất tinh tế. Tớ không giận mẹ được lâu, chỉ cần thấy mẹ nhoẻn cười là chạy ra ôm chầm lấy mẹ. Đi học về là chạy ào vào ôm mẹ. Hễ mẹ quay lại là thơm tới tấp. Đi đâu, làm gì cũng nhớ đến mẹ. Câu chuyện giản dị của mẹ không chỉ là sự thấu hiểu, trân trọng một tình yêu đẹp mà còn làm hành trang cho mình trong chặng đường mình sẽ lớn lên, trưởng thành, sẽ yêu và được yêu.
“Câu chuyện giới tính” của tuổi teen chắc còn nhiều, nhiều lắm. Tớ không có tham vọng bao quát toàn diện vấn đề này mà mỗi câu chuyện tớ kể chỉ là những tổng kết nho nhỏ với mong muốn: Xin bố mẹ hãy để những “con hươu” của mình biết chạy đúng đường. Mọi người đều thừa nhận, nếu đằng nào hươu cũng chạy thì việc “vẽ đường” cho hươu là việc làm cần thiết, có ý nghĩa. Tâm lý học hiện đại đã đặt dấu mốc cho việc trưởng thành toàn diện và mãi mãi vào tuổi 24. Từ tuổi teen đến lúc đó là một quãng thời gian dài đủ làm nên sự chín chắn, nghiêm túc cho các mối quan hệ nếu chúng mình biết tích lũy, rèn giũa và lắng nghe. Và nếu bố mẹ luôn đồng cảm, chia sẻ một cách cởi mở với các con thì chúng mình sẽ đón đợi dấu mốc tuổi 24 trong một trạng thái tinh thần hưng phấn, một tâm hồn thảnh thơi, một cơ thể khỏe mạnh, một trí tuệ minh mẫn. Tớ tin là như thế.
Các bạn thân mến! Tuổi dậy thì đang đến với tớ và bạn bè cùng trang lứa. Như những con chim đang khao khát bầu trời cao rộng, chúng mong muốn được học hỏi mỗi ngày, tìm hiểu mỗi ngày, khám phá mỗi ngày. Với tớ, quá trình sải cánh bay lượn trong bát ngát mênh mông đó, tớ thật hạnh phúc vì luôn có bàn tay chở che của bố mẹ. Bằng sự dịu dàng, ân cần, tha thứ, mẹ cho tớ cảm giác an toàn. Bằng sự nghiêm túc, chỉn chu, độ lượng, bố đem đến cho tớ sự bình yên, nhẹ nhõm. Tớ viết cuốn sách này với một khao khát sẻ chia, một niềm vui về hạnh phúc mong muốn được tỏ bày. Tớ hy vọng, cuốn sách sẽ như một thông điệp của các bạn cùng tuổi mình gửi đến các bậc làm cha làm mẹ. Những tổng kết nho nhỏ trong cuốn sách này sẽ giúp chúng ta góp phần cùng nhau vun đắp, dựng xây những giá trị sống - những giá trị làm nên niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi người, từng ngày, từng ngày…