Tự bảo vệ bản thân
Kĩ năng tự bảo vệ bản thân là một kĩ năng vô cùng quan trọng, nó liên quan đến sự an nguy của mình và có thể cả người xung quanh nữa. Bố mẹ tớ luôn đề cao việc này và tớ đã được hướng dẫn một cách tự nhiên ngay từ khi còn nhỏ xíu.
Đây là một “bài thơ” dán trên tường nhà, được dán từ khi tớ chưa biết đọc cho đến lúc đã ra dáng một chàng trai:
Bạn Nhím ơi hãy nhớ
Không lại gần nước sôi
Chơi không gần bếp lửa
Cũng đừng ra mở cửa
Khi người lạ bấm chuông
Hãy lịch sự cười tươi
Nói xin chào thôi nhé
Mỗi khi bạn vấp té
Tủ thuốc đã sẵn sàng
Hãy lấy nhanh bông băng
Tớ cùng đau với bạn
Chơi ngoài hành lang ấy
Bạn nhớ vịn vững vàng
Đừng có chơi một mình
Chúng tớ lo lắm đấy
Nếu thấy khi lửa cháy
Hãy chạy nhanh khỏi phòng
Mọi việc sẽ ổn thôi
Siêu anh hùng xuất hiện.
Bài thơ này tớ học thuộc lòng ngay từ đầu vì tớ thích hình ảnh “siêu anh hùng”. Không ai xa lạ đâu, “siêu anh hùng” chính là bố tớ. Bố luôn xuất hiện vào những tình huống tớ cảm thấy khó khăn nhất. Chỉ vài dòng thơ đơn giản vậy mà nhắc nhở rất nhiều điều. Tớ nhớ không chơi gần lửa, nhớ kĩ năng tránh hỏa hoạn, khi bị ngã, khi người lạ đến nhà.
Cũng từ khi còn bé, tớ và bố thường chơi: Tập làm lính cứu hỏa. Tớ cùng bố hì hục lấy các tấm bìa để dựng thành một “ngôi nhà”. Nói là ngôi nhà cho oai chứ thực ra nó chỉ giống như một cái hộp có nắp che. Xong rồi. Bây giờ thì tớ sẽ nằm trong ngôi nhà, đợi khi nào có tín hiệu của bố (là tiếng gõ vào chiếc bát leng keng), tớ sẽ có nhiệm vụ bò ra ngoài thật nhanh. Càng nhanh càng tốt. Nhưng trong quá trình bò, phải tuân thủ những điều sau đây: Chỉ được bò bằng một tay, tay kia dùng một cái khăn để bịt lên mũi; khi bò, phải áp sát bụng xuống đất. Với cái mông to bè, ì ạch của mình, để làm được điều đó với tớ không dễ chút nào. Chơi xong, mồ hôi tớ tứa ra ướt đầm áo. Bố nói, đây là trò chơi giúp tớ hiểu những việc cần làm khi gặp hỏa hoạn. Khi đó, phải dùng khăn bịt mũi để che khói, cúi thấp người để tránh hít khói vào và tìm cách thoát ra ngoài thật nhanh.
Từ ngày nhỏ, tớ đã được học cách tự vệ khi gặp người lạ tấn công. Nghĩ đến điều này tớ sợ lắm. Bố nói, thông thường, mọi người xung quanh ta đều rất tốt, rất yêu quý trẻ con nhưng không thể không đề phòng. Trong một khu rừng, ngoài những con vật hiền lành, dễ thương, vẫn có cả những loài thú dữ đấy thôi. Vậy nên, mình phải biết cách tự bảo vệ mình. Bố thường bắt đầu bài học này bằng một câu chuyện. Những câu chuyện của bố bao giờ cũng hấp dẫn và thú vị. Nghe xong chuyện, tớ và bố sẽ cùng thảo luận để tìm cách giải quyết những vấn đề câu chuyện đặt ra. Ví dụ thế này:
Tôm là một chú bé vui vẻ. Chú ca hát suốt ngày. Tôm thích tranh luận với mẹ về đủ thứ chuyện. Cái giọng líu lo của chú làm huyên náo cả căn nhà. Không chỉ thích nói chuyện với mọi người, Tôm còn trò chuyện cả với bạn bè xung quanh. Chú trò chuyện với những bông hoa. Chú cúi xuống chạm mũi vào những giọt sương để cảm nhận cái mát lạnh, trong ngần từ sương mai. Chú thò tay ngắt những quả sim ven đường và đôi lúc, khi mẹ cho đi chơi công viên, Tôm còn cố gắng nhảy lên với tay vào những chú bướm làm cả đàn bướm vàng giật mình chao nghiêng. Đặc biệt, Tôm mê chơi bóng đá. Cả ngày Tôm có bóng đi theo làm bạn, lúc ăn cũng như lúc ngủ. Mỗi lần quả bóng lăn đi là Tôm chạy theo, đuổi lấy và ôm bằng được quả bóng lại vào lòng.
Tôm đáng yêu như thế này này
Và đây là câu hỏi của bố: Một chú bé đáng yêu và linh hoạt như thế, khi gặp những tình huống khó khăn, chú ta có sợ hãi không nhỉ?
Tớ thì nghĩ là không vì Tôm rõ ràng là một chú bé luôn luôn vui vẻ, linh hoạt. Với chú, mọi vật xung quanh đều vô cùng thân thiện, chẳng có gì đáng sợ cả. Bố nói, chưa chắc đâu. Có nhiều bạn nhỏ, bình thường thì rất lí lắc, linh hoạt nhưng khi gặp phải tình huống khó khăn hoặc chuyển sang một môi trường không còn thân thiện thì lại sợ sệt, nhút nhát. Nhưng bây giờ chưa phải là lúc nghĩ ngợi lâu đâu, hãy xem những chuyện gì xảy ra tiếp theo với Tôm nhé.
Một hôm, cả nhà đi vắng, sau một hồi chơi bóng mệt nhoài, Tôm đặt quả bóng dưới đầu và gối lên nằm ngủ. Bỗng nhiên, Tôm thấy chiếc ghế dường như chao đảo và nhà mình rung lắc dữ dội. Có phải là ai đó đùa nghịch làm cho chiếc ghế của mình đang quay tít mù không? Quả là một trò đùa ác ý. Tôm cố gắng cho đầu óc bớt quay cuồng và thầm nghĩ như vậy.
Câu hỏi tiếp theo của bố là: Điều gì đang xảy ra với Tôm vậy?
Sau đây là những phán đoán của tớ:
Có thể cái ghế mà bạn Tôm đang nằm bị hỏng chăng? Nhưng không thể nào một chiếc ghế bị hỏng lại có thể xoay tít mù như thế được. Hay đúng như Tôm nghĩ, có một ai đó đã cố tình xoay tít mù chiếc ghế để trêu chọc Tôm? Cũng không phải, nếu có, bạn ấy sẽ phát hiện ra ngay. Vậy thì phải chăng, mặt đất đang quay? Có thể lắm chứ, tớ đã nhìn thấy mô hình quả địa cầu nằm trên một trục và hoàn toàn có thể xoay quả địa cầu đó theo mọi hướng. Chắc hẳn có một người khổng lồ nào đó đã dùng sức mạnh của mình để xoay Trái đất rồi. Tớ nói phán đoán của mình và nhận ngay được một cái ôm rất chặt của bố. Bố reo lên: Quả là một phán đoán rất tuyệt! Tất nhiên để tìm hiểu về người khổng lồ có khả năng xoay chuyển trái đất là một câu chuyện dài, còn bây giờ hãy quay lại với chú bé Tôm đã nhé.
Chính xác là nơi Tôm ở đang gặp phải động đất. Bây giờ thì mỗi đợt rung lắc ngày càng trở nên dữ dội hơn. Không chỉ ghế của Tôm nằm mà ngay cả các đồ vật trong nhà cũng va vào nhau loảng xoảng và rơi xuống đất vỡ tan.
Câu hỏi đặt ra là: Động đất là gì mà kinh khủng thế?
Động đất là đất bị động! Với suy nghĩ của cậu bé năm tuổi, tớ chỉ có thể trả lời được như vậy. Lúc bấy giờ, bố mới đưa ra một loạt tranh ảnh có liên quan đến động đất và giải thích: Tại sao lại có động đất. Tớ hiểu, động đất là dư chấn của những biến động trong lòng trái đất. Bố chỉ vào hình vẽ cho tớ thấy những rung động bên trong tạo nên các vết nứt trên bề mặt trái đất. Nói nôm na thì giống như có một gã khổng lồ nằm ngủ dưới lòng đất. Do bị các vị thần cai quản, nên hầu hết thời gian gã khổng lồ này ngủ, chỉ đôi lúc do các vị thần sơ ý, hắn vươn vai thức dậy và gây ra cảnh đổ nát trên mặt đất. Bố giảng giải nghe thật dễ hiểu và sinh động.
Không chỉ dừng lại ở đó, tớ và bố còn chơi trò chơi động đất để hiểu cảm giác của bạn Tôm thế nào. Trò chơi cực đơn giản. Bố nằm trên giường, trùm chăn bông kín đầu. Tớ sẽ nằm lên trên rất thảnh thơi. Khi nào bố hô: Động đất! Nghĩa là khi đó bố sẽ không nằm yên nữa. Bố vùng vẫy, quẫy đạp, cong người hết bên nọ sang bên kia. Nhiệm vụ của tớ là phải bám thật chặt cái chăn, không ra khỏi vị trí, cứ thế tớ lao từ bên này sang bên kia theo chiều rung lắc của bố nhưng tuyệt đối không được rơi xuống giường. Khó lắm đấy các bạn. Sự “rung lắc” của bố mạnh khủng khiếp và thông thường kết thúc trò chơi cả tớ và bố đều… ở dưới đất. Chơi xong, mở chăn ra, bao giờ bố cũng mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Tớ cũng nhễ nhại không kém. Nhìn lại cái giường mới kinh khủng. Chăn gối xộc xệch, lăn hết xuống đất. Mẹ sợ nhất khi hai bố con chơi trò này. Bố nói, tớ rất cừ, rất dũng cảm và cũng rất khôn khéo khi chống lại “động đất”. Nhưng động đất thực sự thì không dễ và không vui như thế đâu. Cùng quay lại xem bạn Tôm thế nào nhé:
Bạn Tôm vẫn đang hoang mang tột độ. Lúc ấy, bạn chợt nhớ ra cần phải gọi điện cho mẹ. Bạn đi đến chỗ để điện thoại nhưng khó quá. Nhà cửa vẫn tiếp tục rung và bạn thấy mình chao đảo. Để dễ di chuyển hơn, bạn chuyển sang bò. Bạn với lấy cái điện thoại nhưng không thể được, điện thoại đã bị mất liên lạc.
Trời ơi, tình huống khó khăn quá! Bạn Tôm ơi, cố lên! Nghĩ xem cách nào có thể giúp được bạn Tôm bây giờ? Tớ cứ cuống hết cả lên. Làm thế nào bây giờ. Cách thông thường nhất khi gặp khó khăn là cầu cứu bố mẹ. Nhưng bạn Tôm thì sẽ như thế nào nếu không gọi được mẹ? Tớ nhìn bố tớ, cái nhìn lo lắng. Bố nói: Ai cũng có thể gặp phải những tình huống như bạn Tôm. Điều đầu tiên cần phải làm trong những tình huống đó, con luôn nhớ: Bình tĩnh, bình tĩnh, thật bình tĩnh! Không được la hét, gào thét sẽ không thể tìm ra được phương án nào tốt cả. Hãy xem bạn Tôm sẽ làm thế nào nhé:
Sau khi bò trên mặt đất, bạn thấy bò sẽ tốt hơn là đi. Bình tĩnh nhìn lại cả căn phòng, bạn thấy chỗ gậm giường có vẻ là nơi trú ẩn an toàn nhất vì không thấy nó rung lắc nhiều và nếu nấp trong đó, có thể không bị các đồ vật khác rơi vào. Tôm bò thật nhanh. Với một cậu bé ham chơi thể thao, việc đó không có gì là khó. Ngày nào Tôm chả bò vào gậm giường để nhặt bóng lăn vào đó cơ chứ.
Theo tớ, việc làm của bạn Tôm rất khôn ngoan. Và tớ rút ra kết luận: khi động đất, hãy tìm những nơi như gậm bàn, gậm giường để chui vào ẩn nấp tạm thời, tránh bị các đồ đạc khác rơi vào đầu. Tớ nhớ đã được nhìn thấy một hình ảnh kiểu như thế này rồi mà. Khi đó tớ đã rất buồn cười vì không hiểu sao người lớn tự nhiên lại chui xuống gầm bàn làm gì. Chắc là đang chơi trốn tìm với con mình. Nhưng khi có câu chuyện của bạn Tôm và hiểu thế nào là “động đất”, tớ mới biết, đó là cách phòng tránh khi có động đất xảy ra.
Bố rất hài lòng với những lập luận của tớ. Bố nói, cả tớ và Tôm đã rất bình tĩnh xử lý khi có động đất. Tuy nhiên đó chưa phải là phương án tối ưu nhất. Phương án đó chỉ phù hợp với những trận động đất nhỏ. Còn tối ưu nhất sẽ là gì? Đó là nằm xuống bên cạnh (nhớ là bên cạnh các đồ vật như bàn, ghế cao, giường). Tại sao lại nằm bên cạnh? Câu trả lời dễ thôi. Bố lấy luôn chiếc ghế trong phòng thờ ra minh họa. Bố nói: Bây giờ giả sử cái ghế này đổ, nếu con nằm trong đó, nó có thể sẽ đè lên người con, nhưng nếu con ngồi cạnh, có thể con sẽ lọt vào ngay khoảng trống của cái ghế đó. Người ta gọi đó là tam-giác-sống.
Nhưng một câu hỏi đặt ra là: Liệu có nấp mãi trong đó được không? Hãy giả sử, một mình bạn Tôm bị mắc kẹt trong nhà, mọi người không phát hiện ra, xung quanh mình là đống đổ nát. Bạn Tôm sẽ phải làm thế nào? Chà chà, cái này khó. Bố nhăn trán hỏi: Nếu bạn Tôm muốn thoát ra khỏi ngôi nhà thì sẽ làm thế nào?
Tớ nêu ý kiến: Bạn sẽ lại bò ra, mở cửa và thoát ra ngoài. Bố đồng ý nhưng vẫn còn băn khoăn: Nhỡ động đất đã làm cho cửa bị kẹt rồi thì sao? Con hãy nhìn quanh nhà mình xem, giả sử khi cửa bị kẹt, con sẽ ra ngoài bằng cách nào? À, con chạy ra ban công ạ. Bố nhất trí. Và bạn Tôm của chúng ta cũng làm như vậy. Bạn chạy ra ban công. Ngoài ban công bây giờ cũng đang rung lắc. Cây hồng trồng ở ban công đã bay vèo xuống đất. Tôm sợ lắm. Bạn ước có thể có chiếc thang máy ở đây. Nhưng nhớ nhé: Khi có động đất thì không được dùng thang máy. Rất may là Tôm đã nhớ điều này. Việc cần làm tiếp theo là thu hút sự chú ý của mọi người, của xe cứu hộ. Theo con, để thu hút sự chú ý của mọi người thì phải làm thế nào?
Cái này thì dễ hơn rồi, tớ trả lời rất nhanh là: hét lên thật to ạ. Bố gật đầu nhưng lại khuyến khích tớ nghĩ thêm các cách khác. À, tớ nghĩ ra rồi, dùng các mảnh vải để vẫy như kiểu những người ngoài hoang đảo vẫn làm khi thấy tàu đi qua, dùng còi để thổi, dùng các vật có âm thanh để gõ. Rất tuyệt vời! Bố khen và dặn thêm, đây là tình huống khẩn cấp nhé, không có nhiều thời gian để tìm các đồ vật đâu. Vậy tốt nhất là có thể cởi áo ngoài của mình và vẫy để kêu gọi sự chú ý của mọi người. Một bài học tớ cho là rất thú vị.
Bạn Tôm đã ra ngoài ban công, bạn dùng hết sức để kêu gọi mọi người giúp đỡ. Một xe cứu hộ đã đến. Một tấm bạt được căng ra phía dưới và bạn được khuyến khích nhảy xuống. Xung quanh bạn có nhiều người làm như thế. Tôm nghĩ đến hình ảnh của một quả bóng nảy trên tấm bạt. Rất nhẹ nhàng, bạn nhảy xuống. Rất nhiều người đỡ bạn phía dưới và nhanh chóng đưa bạn đến nơi an toàn. Ở đó, đã có mẹ của Tôm chờ sẵn. Mẹ ôm choàng lấy Tôm mừng rơi nước mắt. Hai mẹ con đã cùng nhau vượt qua được cơn địa chấn của tự nhiên.
Tớ thích mê đoạn cuối này. Thích chi tiết bạn Tôm thả mình xuống tấm bạt có người đợi sẵn, dù bố nói, việc ấy không đơn giản chút nào. Chỉ được nhảy khi gặp trường hợp cực nguy cấp, khi và chỉ khi có bạt ở dưới. Bố nói cách nhảy cũng không phải đơn giản, phải làm thế nào để khi rơi xuống mình không bị thương. Đừng chúc đầu xuống, hãy thả lỏng và để cơ thể rơi theo chiều thẳng đứng. Vui hơn cả là bạn Tôm đã an toàn một cách vô cùng ngoạn mục. Cảm phục bạn ấy quá.
Không chỉ có thế, sau khi nghe xong chuyện, bố còn dành ra hẳn một tuần nói chuyện về chủ đề này. Tri thức trong sách vở và việc sưu tầm tranh ảnh về động đất đã giúp tớ hiểu rằng: Khi động đất, nếu ở trong nhà, hãy thực hiện như bạn Tôm nhưng có thể thêm một số thao tác khác như: tắt bình gas, mở sẵn cửa đề phòng cửa sẽ bị kẹt không mở được, chạy theo cầu thang thoát hiểm và trong bất cứ tình huống nào cũng phải bình tĩnh. Còn nếu ở ngoài trời thì không được hoảng hốt, không xô đẩy giẫm đạp nhau. Hãy nghe theo sự chỉ dẫn. Cách tốt nhất là chọn một nơi có không gian rộng, tránh các nhà cao tầng, các cột đèn đường… Tóm lại là tất cả những thứ có nguy cơ đổ lên mình.
Từ câu chuyện của bạn Tôm, tớ còn nhận thức được nhiều điều khác nữa. Quan trọng hơn cả là chuẩn bị được tâm thế bình tĩnh khi gặp nguy hiểm. Ở Nhật Bản, động đất xảy ra thường xuyên nên trong gia đình hay trường học, bố mẹ, thầy cô đều có trách nhiệm hướng dẫn để mọi trẻ em đều biết cách phòng tránh giảm nhẹ hậu quả của thiên tai. Nhưng tớ thích cách hướng dẫn của bố. Nó làm tớ thấy tự tin và cũng nhớ những điều bố dặn một cách lâu thật là lâu.
Không chỉ dạy tự vệ với các tình huống như hỏa hoạn, thiên tai, bố còn dạy tớ các tình huống tự vệ khi gặp những người lạ, người không tốt bằng nhiều cách mà tớ cũng rất thích. Tuy nhiên những lời dặn dò của bố lâu lắm rồi nên tớ không thể nhớ hết.
Lớn hơn, khi tớ chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì, bố lại dạy tớ những bài học khác về tự bảo vệ bản thân. Chỉ có điều theo một cách thức mới, một kiểu “rất người lớn”.
Trước hết bố dạy tớ tập bơi. Bố thường đọc câu: Có phúc đẻ con biết lội/ Có tội đẻ con biết trèo để nói về tầm quan trọng của việc biết bơi. Bố bảo, là một người đàn ông nhất định phải biết bơi. Ngoài lợi ích về mặt sức khỏe, đó còn là kĩ năng cần thiết để “tự vệ” với sông nước.
Nhưng dạy biết bơi là một chuyện, bố còn hướng dẫn thêm cho tớ rất nhiều những điều liên quan đến chuyện bơi lội. Mỗi lần ra bể bơi, ra biển tắm, bố thường giải thích về những điều thiết yếu trước khi cả hai bố con cùng nhảy ùm xuống nước. Nhờ đó tớ hiểu và nắm rất vững cách xử lí khi gặp những tình huống như đang bơi lỡ bị chuột rút hoặc do quá mải mê lỡ bơi quá xa bị đuối sức, cách có thể cứu giúp người bị đuối nước. Bố còn giúp tớ hiểu những kiến thức liên quan đến tự nhiên, đặc biệt những tri thức về dòng chảy ngược và cách phát hiện các dòng chảy ngược để phòng ngừa khi tắm biển. Có ba loại dòng chảy ngược, là:
- Dòng ngược tức thì (Flash Rip Current): dòng chảy hình thành, biến mất nhanh chóng do sự giảm của mực nước biển và độ cao của sóng tăng đột ngột.
- Dòng ngược cố định (Fixed Rip Current): hình thành do nước biển bị chắn bởi 2 đường cát, có thể tồn tại trong khoảng thời gian từ vài ngày đến hàng tuần, thậm chí hàng tháng.
- Dòng ngược vĩnh cửu (Permanent Rip Current) hình thành do địa hình vùng biển. Ở vùng biển có nhiều san hô, dòng chảy này có thể tồn tại vĩnh viễn.
Trong ba loại đó, đáng sợ nhất là Dòng ngược tức thì. Bố nói, khi bị cuốn vào đó, nếu không biết cách thì ngay cả những người được coi là kình ngư cũng không thể sống sót.
Theo bố, để phát hiện ra những dòng chảy ngược này không quá khó, chỉ cần chịu khó quan sát thật kĩ trước khi xuống tắm. Ví dụ, có thể xác định dòng chảy ngược nhờ việc dòng nước bị khuấy tung, đục ngầu, nổi bọt và bập bềnh. Dòng chảy ngược thường cuốn theo rong biển và các vật trôi nổi khác như rác, tạo thành một dòng hướng ra xa bờ. Nó cũng thường khuấy cát từ dưới đáy nên nếu bạn đột nhiên thấy vùng nước có màu đục hơn hẳn so với các vùng xung quanh, hãy tìm cách tránh xa. Còn nếu chẳng may bị cuốn vào dòng chảy ngược thì sẽ phải làm thế nào? Cái này bố để tớ tìm hiểu và tự tìm câu trả lời. Tất nhiên là tớ hiểu ngay, với tốc độ dòng chảy như thế, nếu mình cố tình chống cự lại, mình cầm chắc phần thua. Hãy thả lỏng, thật bình tĩnh và bơi vuông góc với bờ chứ không phải bơi ngược, sau đó hãy tìm cách gọi cứu hộ.
Điều quan trọng nhất trong mọi tình huống để “tự vệ” là phải bình tĩnh. Bạn không được làm cho mọi chuyện trở nên rắc rối thêm do việc bạn hoảng loạn, không điều khiển được cảm giác, không điều khiển được hành động bản thân. Những điều ấy, bố nhắc nhiều đến nỗi tớ thuộc lòng. Nhưng từ thuộc lòng đến thực hiện là điều không hề dễ dàng. Rất nhiều trường hợp, tớ đã tự làm khó mình do không bình tĩnh khi xử lý. Nhưng bố cũng động viên, tớ chưa hẳn đã là một người đàn ông trưởng thành nên mọi việc còn phải học trong suốt cả quá trình, suốt chặng đường rộng dài phía trước.
Đi bơi với bố, ngoài việc được tìm hiểu về thiên nhiên bao la, về những kĩ năng sinh tồn để bảo vệ mình nơi sông nước, điều làm tớ cảm nhận rõ rệt hơn là sự gần gũi của tình cảm cha con. Trong làn nước mát lạnh, giữa những trận cười sảng khoái, lòng tớ cứ lâng lâng thứ cảm xúc đẹp đẽ thuần khiết khi nép mình bên bố giữa biển xanh bao la. Tớ cứ thích nắm chặt bàn tay bố để mãi được bé bỏng, được chở che, nương tựa. Từ cái nắm tay hữu hình, tớ cảm nhận được, rồi đây, bất cứ thử thách nào tớ gặp phải trên đường đời, sẽ luôn có bàn tay của bố làm điểm tựa. Bởi không bao lâu nữa, tớ sẽ rời xa bố mẹ để tự lập và trưởng thành.
Cảm giác thật hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười lấp lóa của bố dưới làn nước trong xanh, cái lắc đầu hất nước ra khỏi tai của bố mỗi lúc tắm xong. Và, tớ như được nhìn thấy “một hình ảnh khác” của bố thường ngày, không còn là một ông bố trầm tư, thích lui vào góc khuất yên tĩnh để đọc sách, nghe nhạc, một ông bố hay quan tâm đến chuyện thế sự hơn là chuyện thường ngày, nói tóm lại là một ông-bố-trầm-tĩnh nữa. Dòng nước, những hoạt động bơi lội phóng khoáng dường như làm bố thay đổi hẳn. Nụ cười sảng khoái, yêu đời, cái nháy mắt nghịch ngợm, sự hò hét thái quá cổ vũ mỗi khi tớ bơi được xa hơn của bố làm tớ thấy bố gần gũi hơn biết nhường nào.
Vì gần gũi ràng rịt đến vậy nên bố có thể nói những chuyện “rất chi là đàn ông” với tớ. Bố dặn, không phải là con trai thì không cần ý tứ đâu, nhất là những nơi như bể bơi. Có nhiều người đàn ông khác, do sự phát triển sinh lý không bình thường nên thường lợi dụng những chỗ công cộng để làm điều xấu. Từ đó tớ có ý thức hơn, khi bơi dưới bể, khi ở phòng thay đồ. Điều bố nhắc nhở, luôn là: Có ý thức nơi công cộng, tự giữ gìn, bảo vệ cơ thể, không để những người xấu có thể lợi dụng tình huống (khi mình đang thay đồ, khi đang bơi dưới nước) để làm những hành động không tốt. Và đặc biệt, hãy nói to lên nếu phát hiện ra bất kì hành động lạm dụng nào hoặc nếu không, hãy tránh xa, càng xa càng tốt.
Như vậy, đi bơi đối với tớ không chỉ là việc học một môn thể thao mà quan trọng hơn là cơ hội để tớ được dịp gần gũi với bố, học được những bài học về “tự vệ” cho cơ thể mình một cách tốt nhất. Hè năm ngoái, khi tham gia vào “đội bơi mũ đỏ”, tớ đã cực kì phấn khích khi được trải nghiệm những bài học của bố với bạn bè, những kĩ năng vượt lên thử thách để có thể bơi nhanh, bơi mạnh như một con cá khỏe khoắn vùng vẫy dưới làn nước mát. Tớ thấy thân thể mình nhẹ nhõm (dù tớ vẫn vô cùng ục ịch), cái nhẹ nhõm có được từ tâm trạng thoải mái, vui vẻ.
Từ cách tự vệ bản thân khi gặp hiểm nguy, bố mẹ còn hướng dẫn tớ “tự vệ” bằng cách nói KHÔNG với những lôi kéo, cám dỗ thông thường khác ở lứa tuổi chúng mình.
Bạn đang học bài, bạn nghĩ là bạn có thể cùng một lúc vừa chat với bạn bè cũng không sao, không ảnh hưởng gì lắm. Tớ thi thoảng cũng làm điều này và thấy ổn. Cứ một lát, tớ lại ngẩng lên chat với bạn sau đó lại quay về bài học. Ban đầu bố không nhắc nhở gì. Một hôm bố đố tớ cầm hai tay hai cái bút và vẽ hình tròn trên giấy sao cho hai hình tròn giống như nhau. Tớ hào hứng lắm vì tin vào khả năng viết tay trái của mình. Nhưng hì hục đến hết cả một tập giấy mà tớ không thể thực hiện được yêu cầu của bố. Bố nói, nếu con vừa làm việc này, con lại đồng thời làm việc khác thì kết quả sẽ giảm đi, giống như cách con vẽ hai vòng tròn mà cả hai đều méo mó thế này. Nói đến đó, bố cắt một trong số những “tác phẩm” của tớ dán lên trước bàn học. Sau này, mỗi khi học bài, nhìn hai “hình tròn” do mình tạo ra, tớ nhớ ngay lời dặn của bố.
Bố xa nhà cũng vào tầm tuổi tớ bây giờ. Từ vùng chiêm trũng xa xôi, nghèo nàn, bố xuống thành phố học trường chuyên. Khoảng cách từ quê xuống phố không chỉ được đo bằng quãng đường xa hút mà còn là sự khác biệt giữa một đứa trẻ nông thôn nghèo với những điều quá mới mẻ và lạ lẫm hấp dẫn chốn thị thành. Ước ao cháy bỏng ban đầu của bố là được ăn mặc lành lặn, thơm tho giống như bạn bè cùng lớp, thay cho chiếc quần vá chằng vá đụp mà bố vẫn mặc hàng ngày. Những mâu thuẫn, dằn vặt cứ đầy ắp trong suy nghĩ của bố. Lại nữa, khi ấy, sách vở và báo chí lại quá ít, ông bà thì thuần nông dân chất phác làm gì có thời gian để dạy con những kiến thức về giới tính. Bố mày mò tự tìm hiểu và trang bị những kiến thức cần thiết để thắng những cám dỗ bản năng, nuôi ý chí vươn lên học hành thành đạt.
Tớ và bố cũng đã tranh luận (khá quyết liệt đấy, hihi) về một luận điểm vô cùng lý thú là: Giữa một người có hoàn cảnh không được thuận lợi và một người có hoàn cảnh thuận lợi (mà chúng ta thường gọi là con nhà giàu ấy) thì ai sẽ dễ học tập tốt, đạt được những thành công trong cuộc sống hơn.
Nghe qua thì chủ đề có vẻ buồn cười. Bởi vì, điều dễ nhận thấy bằng trực giác là, rõ ràng người có hoàn cảnh thuận lợi hơn thì học tập phải tốt hơn. Ngẫm nghĩ thêm chút nữa, cả tớ và bố tớ đều thấy, thực tế có vẻ không như vậy.
Bằng chứng là, trong các kì thi tuyển sinh đại học, thủ khoa vào các trường top trên, hầu hết là các anh chị có gia cảnh khó khăn, xuất thân từ những vùng quê nghèo khó, thậm chí vô cùng nghèo khó. Nếu tính tỷ lệ đỗ đại học thì chắc chắn các trường ở thành phố sẽ cao hơn nhưng nếu tính tỷ lệ thủ khoa, tớ tin chắc, các trường “vùng sâu, vùng xa” sẽ chiếm ưu thế. Và ngay cả với bố cũng vậy, từ thời phổ thông cho đến khi học đại học, bố luôn đạt giải cao hơn so với nhiều học sinh thành phố trong các kì thi.
Vậy câu trả lời nằm ở chỗ: Phải chăng hoàn cảnh thuận lợi sẽ nảy sinh nhiều cám dỗ hơn? Và nếu không vượt qua được cám dỗ, không có khả năng tự vệ, người ta sẽ không phấn đấu phát huy hết được những tiềm năng mà mình sẵn có.
Xã hội càng hiện đại, điều này càng phổ biến. Ngay trong bạn bè của tớ, cụm từ “nhà giàu vượt sướng” được sử dụng rất nhiều. Tớ thấy ngoài chút bông phèng, nó là vấn đề rất lớn cần được suy ngẫm và tìm ra lời giải đáp thỏa đáng.
Bố rất thích cách lập luận của tớ. Bố nói bố ngạc nhiên vì cách nhìn nhận cuộc sống rất “ông cụ non” của con trai. Điều đó cho thấy tớ đã khá trưởng thành rồi (Hi, thích quá). Vậy nên, trang bị cho tớ những kiến thức để có thể vượt qua “những điều thuận lợi, những điều sẵn có” đúng là một việc rất hợp lý. Bố tâm đắc rút ra kết luận đó sau buổi tranh luận. Tớ thích việc được cùng bố thảo luận, bày tỏ quan điểm của mình, không sợ sai, tớ phải có lý lẽ để phản biện và bảo vệ ý kiến của mình đến cùng. Có thể tranh luận hăng hái đến toát mồ hôi, “chém gió” phần phật nhưng sau đó, hai bố con lại ôm nhau cười xòa.
Thay vì những lời dạy giáo điều, những lời khuyên chung chung mà ta có thể tự tìm thấy trong nhiều sách vở, tớ cảm nhận và thấu hiểu, chia sẻ và đồng cảm với người bạn lớn là chính bố. Bố chỉ cho tớ thấy, cuộc sống càng hiện đại, những cám dỗ ngày càng nhiều lên. Chỉ cần mở mạng, ta sẽ dễ dàng truy cập vào những trang web “đen, bẩn”. Bố mẹ không bao giờ nói cấm tớ vào những trang web đó. Thậm chí, mẹ còn nói: Nếu con tò mò muốn xem thử thì cứ mở. Nhưng khi xem, con hãy nhìn nó ở khía cạnh sinh lý, khía cạnh bản năng nhất của con người. Tình dục không bao giờ chỉ được đề cập ở vấn đề bản năng. Nếu không có tình yêu, đó sẽ giống như cách để các loài thú duy trì chức năng sinh sản. Từ sự phân tích của mẹ, tớ hiểu, tình yêu chính là một “lớp áo” tự vệ trước những cám dỗ của giới tính. Những kĩ năng tự vệ khi ta phải sống tự lập sẽ giống như những “lá bùa hộ mệnh” giúp ta có thể an toàn, vui vẻ và làm chủ bản thân mình.
Điều đặc biệt thích thú là trong quá trình học về các kĩ năng liên quan đến tự vệ, tớ hiểu được khái niệm động đất từ khi còn nhỏ xíu, hiểu về sự bí ẩn của thiên nhiên khi tạo ra những dòng chảy ngược, biết đến sự mênh mông của bao la sông nước, biết đến những chức năng tạo ra các hoocmon giới tính của đàn ông… Những kiến thức ấy đi vào đời sống tinh thần của tớ một cách nhẹ nhàng và vô cùng sống động. Nó khác hẳn với các bài học yêu cầu phải học thuộc lòng từng câu, từng chữ. Viết đến đây, tớ bỗng nhớ đến câu chuyện:
Một lần, Edison đưa vỏ thủy tinh của một chiếc bóng đèn cho trợ lí của ông, yêu cầu người trợ lí này tính thể tích của chiếc bóng đèn đó. Vì chiếc bóng đèn không phải là hình tròn, nên người trợ lí tính cả buổi chiều cũng không ra. Khi Edison trở về, người trợ lí vẫn loay hoay mãi với các công thức dày đặc. Anh ta nhìn Edison với vẻ mặt có lỗi, đồng thời giải thích lí do chưa hoàn thành nhiệm vụ. Ông cười, không nói gì rồi mang chiếc bóng đèn ra vòi, hứng đầy nước rồi đổ vào chiếc cốc thủy tinh có hình dạng theo quy tắc, xem thể tích cốc là bao nhiêu thì đó là thể tích của bóng đèn, người trợ lí lúc này mới hiểu ra.
Như vậy, kiến thức không phải chỉ là những công thức, định lí và lý thuyết trong sách vở; kiến thức chính là năng lực vận dụng chúng vào thực tiễn đời sống của chúng ta.
Vậy đó, cách bố mẹ hướng dẫn tớ vận dụng kiến thức đã học vào những tình huống mô phỏng hoặc tình huống thực khiến tớ dễ hiểu, dễ nhớ và quan trọng là dễ gần, dễ nói chuyện với bố mẹ hơn. Sâu xa hơn tớ cũng cảm nhận được tình yêu thương bố mẹ dành cho mình thông qua việc chăm chút từng li từng tí cho cây tâm hồn của tớ được xanh tươi, trong veo, mát lành. Không thô bạo uốn nắn cái cây ấy theo như ý mình nhưng bố mẹ đã tạo được một môi trường đủ dưỡng chất, đủ khí trời, đủ sự bảo vệ cần thiết để cây lớn lên. Trong môi trường đó, tớ cũng phải tự gắng sức để bảo vệ mình khỏi những tấn công, những tác động tiêu cực từ xung quanh. Tớ đã lặng người hồi lâu khi đọc câu nói của Nick Vujicic: “Khi còn nhỏ, không phải lúc nào tôi cũng hiểu được tại sao cha mẹ tôi lại muốn tôi tự làm tất cả mọi việc, nhưng bây giờ thì tôi hiểu và tôi biết ơn cha mẹ vì điều đó. Tôi không có chân nhưng cha mẹ tôi muốn tôi đứng bằng đôi chân của chính mình”.
Đứng bằng đôi chân của mình, đôi chân của cơ thể hay đôi chân gánh đỡ sức nặng của lý trí, đều có ý nghĩa như nhau. Tớ tin là như vậy!