Tìm hiểu về tình yêu
Ngay từ nhỏ, chúng ta đã được học về tình yêu. Một em bé lớn lên luôn được dạy là phải biết yêu ông bà, cha mẹ, yêu những người xung quanh, yêu thiên nhiên vạn vật. Vậy mà ở vào độ tuổi chúng mình, hễ cứ nói đến “yêu” là mọi người (người lớn) lại giãy nảy lên: Ôi, sao lại thế, mới tí tuổi đầu, lo mà học đi chứ. Hì hì buồn cười thế chứ. Bởi khi đó, mọi người đương nhiên đã đặt “những tình yêu khác” là chuyện đương nhiên, là chuyện không cần bàn đến. Cái cần bàn đến là chuyện tình yêu giữa con trai và con gái, bạn nam và bạn nữ kia. Chà chà, bắt đầu phức tạp rồi đây.
Tớ có may mắn là khi nói đến cái gọi là tình yêu, bố mẹ không có phản ứng trái chiều như tớ đã nói ở trên. Thậm chí, mẹ còn là người chủ động hỏi về những tình cảm khác lạ của tớ ở lớp. E hèm, như đã kể ở cuốn sách trước, tớ cũng có đôi lần “cảm nắng” một bạn nữ nào đó. Nhưng mọi chuyện cũng nhanh chóng qua đi. Cả bố và mẹ tớ đều cho rằng, đó là những tình cảm đẹp, cần trân trọng. Hãy hình dung nó giống như một chiếc lá, một giọt sương. Hãy giữ gìn sự mỏng manh, trong sáng của nó, đừng làm đau. Những điều bố mẹ giải thích khiến tớ thấy mọi việc trở nên rất tuyệt. Tớ không thích trò chơi ghép đôi vì nó có vẻ trẻ con. Tớ thích cái cảm xúc mình ngẩn người ra khi bỗng nhiên thấy một bạn gái bên cạnh mình tự tin, hăng hái làm một việc gì đó với khuôn mặt đỏ bừng, mồ hôi lấm tấm và rạng rỡ nụ cười.
Tớ nuôi dưỡng cảm xúc ấy và không hề giấu giếm bố mẹ. Mẹ thậm chí còn rất “teen” khi biết hết cả những ngôn ngữ mà chúng mình thường dùng. Ở nhà tớ có một tiết mục yêu thích là nghe bố kể về các “cuộc tình” đã qua, từ khi bố còn nhỏ chỉ như tớ bây giờ. Hi hi, thế mà bố đã có một người bạn gái (chắc tớ phải gọi bằng bác) khá riêng tư. Khi bố chia tay xuống tỉnh học trường chuyên, bác ấy đã tặng bố một quyển sổ tay bé xíu, trong đó ghi lời bài hát Tự nguyện và hai câu thơ: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Đời hết vui khi giữ trọn câu thề. Tội nghiệp bố, suốt bao năm trời cứ đi tìm lời giải cho những dòng chữ “bí ẩn” ấy. Tại sao tình lại dang dở (chỉ là xa nhau đi học dưới tỉnh thôi mà), tại sao đã dang dở lại còn đẹp? Và bố cứ ngơ ngác thế cho đến tận khi bác ấy lấy chồng. Hì hì, buồn cười ghê. Tớ đã cho bố vài lời khuyên về chuyện này và bố nói, nếu gặp tớ sớm hơn, bố đã không khổ sở ngác ngơ dài dài như thế. À mà nếu vậy thì làm sao có tớ nhỉ? Đau đầu quá đi! Những “chuyện tình” dài vô tận của bố bao giờ cũng kết thúc bằng lời dặn dò của mẹ: Con có thể có những xúc cảm mới lạ của một cậu con trai mới lớn. Nhiệm vụ của con là phải làm cho nó trở nên đẹp đẽ, lành lẽ. Cố gắng ít nhất là như bố, khi nhớ lại, thấy trong mình toàn những kỉ niệm vô cùng thơ mộng. Nói xong mẹ nheo mắt đầy hàm ý.
Tớ thích cách nói chuyện cởi mở đó của bố mẹ. Suy cho cùng, những tình cảm yêu thương làm cho cuộc sống này thêm đẹp. Chúng chắp cánh cho trí tưởng tượng của mỗi người. Và bạn có tin không, nếu bạn có một cái nhìn hoàn toàn vô tư, không bị lệ thuộc quá nhiều vào cảm xúc cá nhân, bạn sẽ học tốt hơn đấy. Người ta thường bảo tình yêu làm cho cuộc sống thăng hoa mà. Tất nhiên chắc còn khá lâu nữa, chúng mình mới có được cái gọi là tình yêu đích thực ấy nhưng một chút bồng bềnh “say nắng” cũng thú vị phải không.
Tớ đã đọc được ở đâu đó câu nói: Theo logic, những thứ quý giá của cuộc sống dần mất đi, đầu tiên là cái nôi, chiếc bàn học rồi đến mối tình đầu. Đơn giản vậy mà đầy tính triết lý. Nó cũng tuần tự như việc chia tay thời ấu thơ với lời ru của mẹ mát lịm những trưa hè, rồi chia tay với thời đèn sách, chia tay với mối tình đầu trong sáng. Bởi hầu hết người ta sẽ khó đi được đến cùng với “mối tình đầu” của mình. Khái niệm “mối tình đầu” có thể khác nhau. Có người cho đó chỉ là cái nắm tay đầu tiên với người bạn khác giới, cái nhìn e lệ, thẹn thùng hoặc đơn giản chỉ là người bạn gái đã chia cho mình thanh kẹo. Những cảm xúc đó sẽ ra khỏi cuộc đời mình, chỉ để lại những dư vị ngọt ngào trong kí ức. Đáng trân trọng biết bao là những mối tình xuyên thời gian rộng dài năm tháng. Bố mẹ nói vậy. Để minh chứng cho điều này, bố còn tặng tớ một bức thư tình mà bố đã sưu tầm được. Bức thư cảm động của một cụ ông 90 tuổi gửi cho người vợ thương yêu của mình:
Nhớ cách đây chừng 60 năm em nhỉ, chúng mình chạy ào ào trên bãi biển. Em thì lúc nào cũng hét lên: Thích quá cơ. Còn anh thì chạy theo sau nhìn em, thấy đôi chân em trắng loáng trong ánh chiều hoàng hôn ở bãi biển mà nhớ mãi. Giờ vẫn nhớ đấy. Hôm rồi, nhớ em quá bảo đứa cháu nó đưa ra biển. Định nhấc chân bước, định hổn hển nhắc lại lời em nói, thích quá cơ, nhưng suýt nữa người anh đổ chúi xuống vì gió biển thổi.
Nhận được tin em đã hết ốm, đã ăn được mỗi bữa năm thìa cháo bột mà mừng quá. Ăn năm thìa là tốt rồi, ăn nhiều quá không nên em ạ. Anh khỏe thế này mà chỉ ăn bốn thìa thôi là thấy no căng. Nhớ ngày xửa ngày xưa vẫn thích ăn cơm nguội với nước cá kho. Vừa rồi, tự dưng thèm cơm nguội cá kho, ăn một chút thôi mà miệng anh như ăn phải đá hộc, đau tê tái.
Anh nhắc nhé, nếu ngoài trời có gió là em không được ra ngoài. Hôm qua, mấy đứa cháu bảo ông ơi, ra sân hóng mát, gió nồm mát lắm ông ạ. Theo chân nó vừa ra tới sân, ngọn gió nồm suýt thổi anh bay lên nóc nhà, may có hai thằng cháu giữ chặt.
Sắp tới ngày sinh nhật em nhỉ. Thế là em đã tròn tuổi 80. Hôm đó anh sẽ cố gắng gọi điện thoại. Nhưng anh nói trước, nếu em nghe tiếng xào xào tức là anh nói rằng em đấy hả. Khi nghe tiếng thùm thùm tức là anh đang chúc em sinh nhật vui vẻ. Đến khi nghe tiếng phù phù nhiều lần là anh đang hôn em.
Nhớ hồi ấy, anh đưa hai tay lên nhấc bổng em quay mấy vòng giữa trời, em cười rất to. Giờ anh nhìn lại đôi tay mình, hình như là tay ai ý, nhìn rất tội. Hôm qua anh cố nhấc con búp bê bé tí lên cao mà nghe tiếng xương cốt kêu răng rắc, sợ quá nên thôi.
Em ngủ ngon không?
Anh chợp mắt từ chập tối, đến khoảng 9 giờ là dậy, ngồi, nhìn ra trời đêm. Mấy đứa cháu nói ông ngủ ít quá. Anh bảo, thì đến khi ông ra đi, xuống đất, ông ngủ cả ngày lo gì.
Thỉnh thoảng, anh vẫn mở máy tính, xem lại mấy bài viết trên blog hồi ấy, thấy rất vui. Chắc giờ mấy ông, mấy bà blogger cũng không còn mấy ai nữa, lâu chẳng thấy ai vào blog cả. Lũ cháu hỏi, ông ơi, blog là gì. Chúng nó bây giờ chẳng có blog. Thời buổi giờ hiện đại quá, mình chẳng biết gì. Nhà anh, có cái máy giặt, con cháu nó đi làm, điều khiển từ xa, điều khiển cả robot. Anh ngồi, robot nó đến, nó cởi áo anh ra, nó gội đầu cho anh, tắm táp, rồi còn mang áo quần đi giặt. Lũ trẻ bây giờ yêu nhau cũng nhờ robot làm hộ. Máy chữ không cần đánh, muốn viết gì, chỉ cần đọc là máy tính tự gõ chữ. Nhưng tiếng Anh phì phèo quá nên máy chữ nó đánh sai hết cả. Ai đời anh viết, “Em ơi, anh nhớ em lắm” nhưng vì miệng anh móm mém phì phò nên máy nó nghe không rõ, nó đánh thành: “Phem phơi, phanh phớ phem phắm”. Thế mới bực!
Anh không muốn gọi em là bà. Cứ gọi nhau bằng anh, bằng em thế nghe ngọt ngào. Hai ngày nữa anh tròn 90 tuổi. Anh đợi thư em.
Mà nếu không gửi được thư thì bảo robot nó mang thư đến cho anh, em nhé.
Anh dừng bút.
Thằng chắt nội đang mang chén cháo bột đến để anh ăn.
Chúc em ngủ ngon nhé. Nhớ đừng ra gió.
Ôi, đọc xong bức thư này, tớ đã cười ngất ngư. Một cụ ông hài hước và lãng mạn đến mức không tả nổi! Tớ thích chi tiết cụ ông muốn ra hóng gió để nhớ lại kỉ niệm ngày nào nhưng gió to quá, may mà có hai đứa cháu giữ chặt nếu không cụ đã bay lên nóc nhà! Rồi cụ còn tự “phiên dịch” , những tiếng xào xào, những tiếng thùm thùm… cụ sẽ nói khi gọi điện nghĩa là gì. Trời ơi, ông cụ dễ thương quá! Đọc xong tớ cứ hình dung ra điệu cười móm mém nhưng rất xì tin của cụ ông giống hệt ông nội mình. Đọng lại sau nụ cười là rất nhiều yêu thương, cảm thông và có chút gì như xót xa nuối tiếc. Tuổi già đến cùng với những phiền toái: đau xương, ngủ ít, ăn cháo tính bằng từng thìa. Nhưng tuổi già sẽ dừng lại mãi đó nếu có tình yêu, nếu có ngọn gió biển của kỉ niệm năm nào cứ thổi hoài, thổi mãi. Bức thư bố tặng khiến tớ hiểu và trân trọng hơn tình yêu. Và tớ nghĩ là mình sẽ cố gắng để có được những tình yêu đẹp trong đời, một cách không - hề - giấu - giếm.
Nhiều bạn bè trong lớp và cả các anh chị lớp trên trường tớ thường hay phàn nàn vì bị bố mẹ để ý “canh chừng” từng chi tiết. Dường như các bậc cha mẹ chỉ sợ mình thoáng quay đâu đó một chút thôi là thần tình yêu sẽ đến ngay trên lưng con của mình. Nó sẽ khiến con mình còng lưng gánh những lo âu, rồi mất thời gian, rồi vô bổ, rồi “vớ vẩn”, rồi cả nguy hiểm nữa. Tớ may mắn có bố mẹ rất tâm lý và không quá lo lắng về việc này. Nhờ thế mà tớ có trách nhiệm hơn với những lựa chọn cũng như việc làm của mình. Tớ nghĩ mãi về những điều đẹp đẽ, trong sáng, lung linh, như nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã gìn giữ trong bài thơ Chiếc lá cuối cùng. Bố tớ thích mê bài thơ này và đọc cho tớ nghe không biết bao nhiêu lần:
“Có một nàng Bạch Tuyết, các bạn ơi
Với lại bảy chú lùn rất quấy”
“Mười chú chứ, nhìn xem trong lớp ấy”
(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao).
Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy
Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm.
Vậy đó, lớp học của mình, những kỉ niệm trong như pha lê với bạn bè, thầy cô sẽ còn mãi cùng “những trận cười trong sáng đó lao xao”. Từ xôn xao chứa đựng cái rộn ràng, náo nức xen lẫn chút bâng khuâng, mộng mơ. Không một tình yêu nào ở tuổi học trò không xuất phát từ tình bạn. Vì vậy, kỉ niệm và nỗi nhớ tình yêu ở đó đầy ắp hình ảnh, âm thanh, màu sắc… của mái trường và tuổi học trò. Mối tình đầu ở học đường đẹp một cách gần gũi, hồn nhiên mà trong sáng, thánh thiện. Nó mãi như chiếc lá bàng được định vị trong buổi đầu hò hẹn của hai người nhưng vẫn mướt xanh và lẩn khuất đâu đó trên cành cao, chẳng dễ gì mới ngước nhìn qua mà nhận ra ngay. Bài thơ là một giai điệu đẹp về tuổi học trò, được diễn tấu bằng guitar theo phong cách flamenco, mở đầu bằng một hợp âm trưởng lảnh lót, chơi vơi và kết thúc bằng một gam thứ lắng đọng, day dứt (Thai Sắc). Và vì thế, nói như nhà thơ Thai Sắc, bài thơ xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy trong nhà trường.
Tớ cũng thích mê điều này. Thay vì những lời giảng khô khan về những thứ gần như “điều luật”, hãy cho tuổi học trò được lắng lại và suy ngẫm về những điều giản dị mà trong veo như con mắt lá nhìn trời xanh, như chiếc lá bàng mỏng manh rơi trên sân trường buổi chiều đầy gió. Điều đó quả thực rất tuyệt!