*
“Ta sẽ được là chính mình khi ta thoải mái nô đùa như một đứa trẻ.”
- Heraclitus
*
“Tôi nên để con vui chơi thỏa thích, cho chúng học ở trường chú trọng đến giờ chơi, hay là nên hạn chế việc chơi đùa, gửi chúng đến ngôi trường chỉ tập trung vào việc học – khía cạnh 'quan trọng hơn cả'! – để chúng có được điểm số cao và bằng cấp tốt?”
Đây là điều trăn trở của rất nhiều bậc cha mẹ. Họ thực sự bối rối giữa một bên là bản năng mách bảo rằng vui chơi cũng rất cần thiết cho trẻ nhỏ với một bên là nhận thức thành công trong học thuật rõ ràng có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công ngoài xã hội.
Cũng giống như những cuộc tranh cãi về IQ với trí tưởng tượng, về thiên hướng tự nhiên với điều kiện nuôi dưỡng, về khuynh hướng thuận tay phải hay tay trái, sai lầm ở đây là sự tách bạch “hoặc cái này, hoặc cái kia” mà không nhận ra đóng góp của cả hai hay việc sử dụng cả hai sẽ tốn ít thời gian và mang lại nhiều năng suất hơn so với chỉ một.
Những cuộc nghiên cứu
Các nhà nghiên cứu thuộc trường Y Baylor ở Houston, Texas đã tuyên bố rằng những món đồ chơi ở lứa tuổi còn nằm nôi có liên quan đến sự phát triển trí thông minh của bé năm lên ba. Với những trẻ không chơi đùa, sự phát triển não bộ sẽ thấp hơn 20 – 30% so với những đứa trẻ thường xuyên được vui chơi.
Nghiên cứu này nhận được sự ủng hộ của cả Tiến sĩ Glenn Doman và Tiến sĩ Kathleen Alfano, hai nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về trẻ em và hoạt động vui chơi ở trẻ. Tiến sĩ Alfano đã chứng minh quan điểm của mình bằng việc đưa ra bản chụp cắt lớp bộ não của trẻ bình thường và trẻ bị bỏ rơi (những đứa trẻ bị bỏ rơi trong nghiên cứu là nạn nhân chiến tranh sống trong những trại mồ côi ở Rumani, thường phải ngồi cả ngày trong cũi).
Trong ảnh, bà chỉ ra những đường liên kết sáng màu ở trẻ bình thường, và những mảng tối rất dễ nhìn thấy ở trẻ bị bỏ rơi. Bà cũng cho rằng những đứa trẻ vui chơi, hoạt động nhiều thì sẽ đạt thành tích học tập cao hơn và phát triển được những kỹ năng cần có trong tương lai.
Nghiên cứu của bà chỉ ra sự sai lầm trong tranh cãi “hoặc cái này, hoặc cái kia” mà chúng ta đã nói đến ở đầu chương. Câu trả lời là cả hai: chơi và học! Nghiên cứu cũng đưa ra cùng một kết quả khả quan như nghiên cứu của Tiến sĩ Doman – đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vận động đối với sự phát triển của trẻ.
Theo bà, vận động – cũng như vui chơi – là rất quan trọng bởi nó được điều khiển bởi cùng một phần não kiểm soát khả năng học tập, tiếp thu; do đó bà hoàn toàn ủng hộ ý tưởng cho rằng hoạt động thể chất là cần thiết để kích thích khả năng trí tuệ (Mens sana in corpore sano – một trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh).
Bà đã đưa ra một ví dụ ấn tượng về một đứa trẻ đang học đọc nhưng gặp vấn đề về liên kết từ. Nhưng khi thực hiện những bài tập vận động giống như Tiến sĩ Doman đã đề nghị, kết quả là khả năng liên kết từ của bé cải thiện một cách đáng kinh ngạc.
Có một sự thật rất thú vị đó là loài người được ưu tiên có một tuổi thơ dài nhất trong tất cả các loài động vật. Mẹ Thiên nhiên đã cho phép những bộ não đang phát triển của trẻ được trải qua quãng thời gian tối đa để khám phá, thử nghiệm và chơi đùa với biết bao hoạt động khác nhau để giúp đảm bảo sự tồn tại lâu dài của loài người.
Món quà mà Mẹ Thiên nhiên đã trao tặng cho con bạn là “công cụ tối thượng” cho sự phát triển và giúp bé nhận ra khả năng vô tận của mình thông qua hoạt động quan trọng, thú vị, quý giá nhất trong tất cả các hoạt động của loài người: VUI CHƠI.
Quan điểm sai lầm
Mặc cho ngày càng có nhiều bằng chứng được đưa ra bởi những nhà nghiên cứu như Tiến sĩ Alfano nhưng nhiều người không quan tâm đến giá trị của việc vui chơi. Họ đánh đồng việc vui chơi với sự thiếu nghiêm túc và “nhác việc”.
Hệ quả của những suy nghĩ sai lầm này là nhiều trường học đã quyết liệt cắt giảm, thậm chí hoàn toàn loại bỏ giờ chơi khỏi chương trình giảng dạy. Quyết định này dựa trên luận cứ rằng trẻ em đến trường là để học, rằng chơi đùa thật ngớ ngẩn và không thích hợp với môi trường học tập.
Đây rõ ràng là một tai họa đối với trẻ em và cả xã hội, bởi nó “cướp” đi của trẻ công cụ học tập hiệu quả nhất: VUI CHƠI.
Những lợi ích của vui chơi
1. Vui chơi vận động thân thể
Các hoạt động vui chơi, vận động là bài tập rèn luyện thân thể tuyệt vời nhất, giúp:
(a) Thân hình phát triển cân đối
(b) Cơ bắp mạnh mẽ
(c) Cơ thể cử động linh hoạt
Hơn nữa, các hoạt động này góp phần không nhỏ cho sự phát triển các khả năng của cơ thể như:
(a) Phối hợp
(b) Thăng bằng
(c) Tăng tốc độ nhận thức thông qua các giác quan
(d) Tăng tốc độ phản ứng của các giác quan
(e) “Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ” – những hoạt động này rất vui nhộn, mang lại nhiều tiếng cười, được xem là liều thuốc giảm mệt mỏi, căng thẳng hiệu quả nhất
2. Vui chơi vận động trí óc
Lợi ích của dạng hoạt động này được trình bày rõ trong chương Trò chơi Vận động Trí óc ở phần ba quyển sách này. Tóm lại, nó giúp phát triển các kỹ năng: tư duy phân tích, hoạch định chiến lược, sáng tạo, tổng thể; tập trung; ghi nhớ; độc lập; tương trợ; tự lực.
3. Vui chơi nói chung
Bên cạnh những lợi ích đã nhắc đến ở trên, các hoạt động vui chơi nói chung sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng như:
(a) Lãnh đạo/Tuân phục – Trẻ rất thích trò chơi lãnh đạo, thường là do các bé tự nghĩ ra; vai trò lãnh đạo sẽ lần lượt được các bé thay phiên nhau đảm nhiệm.
(b) Kết bạn – Thông qua những hoạt động vui chơi, trẻ sẽ tìm thấy được những người bạn có chung sở thích.
(c) Quan hệ xã hội – Thông qua các trò chơi, bé trải nghiệm được các mối quan hệ xã hội, từ đó giúp hình thành nên hành vi ứng xử. Chẳng hạn như, trò chơi mua bán là bước chuẩn bị tuyệt vời cho công việc kinh doanh sau này.
(d) Thắng/Thua – Nhiều trò chơi có sự phân định thắng - thua rõ ràng, qua đó rèn cho bé cách phản ứng phù hợp mỗi khi thắng cũng như khi thua.
(e) Bắt chước – Các trò chơi cho bé vô số cơ hội để phát triển khả năng bắt chước. Tiến sĩ Alfano đã quan sát thấy rất nhiều trò như vậy, ví dụ cô bé gái hai tuổi khi chơi với chiếc máy pha cà phê nhựa, bé cũng tạo ra âm thanh ùng ục giống hệt như tiếng nước sôi; hoặc một cậu bé ba tuổi khi chơi với bộ đồ chơi tiệc nướng cũng lui cui dùng chổi quét dầu lên thịt trước khi nướng, sau đó chùi tay vào tạp dề chính xác như bố bé vẫn làm.
4. Nghỉ ngơi và ở một mình
Khi chơi, con bạn thường xuyên có những giây phút yên lặng bất chợt, ví dụ khi bé ngồi trong lùm cây bên dòng suối để trốn “người đi tìm”; khi bé bỏ xa hết thảy bạn bè lúc đi dạo, thi chạy hoặc rượt đuổi; khi bé và đám bạn mỗi người chiếm cứ một cành cây; hoặc đơn giản là khi cả hội cùng nằm dài trên bãi cỏ ngắm mây trời.
Những hoạt động chậm đó cũng quan trọng như những hoạt động nhanh nhẹn không ngừng của bé.
Để nhận thức được tầm quan trọng của những khoảnh khắc chậm rãi ấy, chúng ta hãy xét lại bản thân mình – Thường là vào lúc nào thì những ý tưởng mới bất chợt xuất hiện, giải pháp cho vấn đề rắc rối đang gặp phải bỗng lóe lên, hay ta bất ngờ nhớ lại điều tưởng đã quên trong quá khứ? Câu trả lời thường gặp là:
• Khi đang tắm
• Trong nhà vệ sinh
• Đi dạo ngoài trời
• Chạy bộ đường dài
• Lúc đang bơi
• Trong lúc lái xe
• Đi máy bay chặng dài
• Trước khi ngủ hoặc khi vừa thức dậy
• Đang mơ
• Đang nghe nhạc
• Đang ngắm nước chảy
• Điểm chung của những câu trả lời trên là gì?
Đó là khi bộ não được NGHỈ NGƠI và Ở MỘT MÌNH.
Vào những lúc ấy, những ý tưởng sáng tạo vĩ đại sẽ nảy sinh. Bằng chứng là hàng triệu bài thơ đã được sáng tác trong những hoàn cảnh đó; và những khám phá của các nhà khoa học vĩ đại như Archimedes, Newton, Kekulai, Robert the Bruce và Einstein đều là kết quả của việc ngâm mình trong bồn tắm, nằm dài dưới tán cây táo, lơ mơ trước bếp than hồng, ngồi một mình ngắm nhện giăng tơ và mơ về chuyến du hành đến nơi tận cùng vũ trụ trên một tia nắng.
Do vậy, những khoảnh khắc nghỉ ngơi tuyệt vời – một phần trong hoạt động vui chơi – là yếu tố quan trọng giúp bé rèn tính điềm tĩnh, trí tưởng tượng, sự sáng tạo, đồng thời cho bé khoảng thời gian thư giãn cần thiết và giảm bớt nỗi lo âu, căng thẳng.
Làm việc và vui chơi
Giải pháp của thế kỷ 21 là không chọn lựa hoặc chỉ làm việc hoặc chỉ vui chơi, không làm việc một chút rồi vui chơi một lúc, mà là kết hợp cả hai với nhau. Những người làm được việc này – chẳng có gì là ngạc nhiên! – đều là những bộ óc vĩ đại của thế giới. Một trong những điều dễ thấy ở những bộ óc vĩ đại ấy chính là khả năng làm việc không ngơi nghỉ và sức tưởng tượng vô tận.
Họa sĩ thiên tài Rembrandt được biết đến là người có khả năng làm mệt lử nhóm đồng nghiệp và bạn bè vào buổi sáng, nhóm khác vào buổi trưa, và nhóm khác nữa từ tối cho đến tận sáng hôm sau. Năng lượng làm việc tương tự cũng được tìm thấy ở Marie Curie, Alexander Đại đế, Mohammed Ali (người thường phải bị đuổi mới rời khỏi phòng tập), Beethoven, Pablo Picasso, Maria Montessori, Nữ hoàng Elizabeth I, Thomas Edison và còn hàng ngàn thiên tài khác nữa.
Vậy, bí quyết của họ là gì?
Đơn giản thôi!
Họ xem công việc của mình như là trò chơi. Công việc không phải là điều bắt buộc đầy vất vả cực nhọc họ phải gánh, mà là cốt lõi, là trọng tâm, là niềm vui, là màn kịch của cuộc đời mình. Phòng thí nghiệm, xưởng vẽ, phòng làm việc, sàn đấu, rạp hát và thế giới họ sống chính là sàn diễn, là sân chơi, là nhà trẻ, là thiên đường của họ.
ĐIỀU CẦN LÀM
Cứ thoải mái vui chơi!
Dành thời gian nghỉ ngơi, không làm gì cả.
Dành thời gian để mơ mộng.
Đừng rơi vào “cái bẫy - cảm giác” mọi phút giây của cuộc đời mình phải gắn với một hoạt động có mục đích nào đó.
Điều này rất có ích cho bạn, và cũng rất quan trọng với con bạn nữa. Với bé, chơi là để sống và sống là để chơi. Vui chơi chính là “công việc” của trẻ.
Chọn cho con những món đồ chơi chất lượng cao.
Chất lượng cao ở đây nghĩa là những món đồ giúp kích thích các chức năng não bộ và giúp phát triển các loại hình trí thông minh.
Đừng phí thời gian và tiền bạc cho những món đồ chơi hoạt động bằng pin hay có chức năng/mục đích hạn chế.
Tránh xa loại đồ chơi chỉ để ngắm. Hãy chọn cho bé những món đồ chơi kích thích trí tưởng tượng.
Sớm cho bé tiếp cận với những Trò chơi Vận động Trí óc.
Biến ngôi nhà của bạn thành sân chơi.
Sắp xếp không gian để bé có được chỗ vui chơi rộng rãi, nơi bé có thể bày bừa thoải mái và thực hiện những “dự án” kéo dài từ ngày này sang ngày khác của mình.
Mang thiên nhiên vào nhà và mang bé ra hòa nhập với thiên nhiên.
Dành một góc riêng trong khu vực chơi của bé làm “Góc thiên nhiên” – đặt vài chậu cây, rải vài chiếc lá, xếp vài chiếc vỏ sò, những viên đá cuội… mà bạn và bé tìm được.
Nên thường xuyên dẫn bé đi dạo công viên gần nhà hay cánh đồng ở ngoại thành.
Hãy mang đến cho bé người bạn chơi tuyệt vời – thú cưng.