*
Tôi có nên dạy con mình học đọc sớm?
Tất nhiên là có!
*
Mặc dù có rất nhiều luận điểm tranh cãi về chuyện dạy trẻ biết đọc sớm, nhưng Tiến sĩ Glenn Doman, người sáng lập “cuộc cách mạng êm ái” đã chỉ ra:
1. Trẻ em có thể học đọc
2. Trẻ em muốn được học đọc
3. Trẻ em đang học đọc
4. Trẻ em nên được học đọc
Sau đây là câu chuyện về những khám phá của Tiến sĩ Doman và việc phát triển những luận điểm của ông về vấn đề học đọc của trẻ:
Câu chuyện của Tiến sĩ Doman
Câu chuyện bắt đầu vào những năm 1940, khi Tiến sĩ Doman bắt đầu làm việc với một nhóm các chuyên gia bao gồm một bác sĩ phẫu thuật não, một bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, một nhà vật lý trị liệu, một nhà trị liệu ngôn ngữ, một bác sĩ tâm lý, một chuyên gia giáo dục và một y tá.
Mỗi thành viên trong nhóm chịu trách nhiệm cho một giai đoạn điều trị của những đứa trẻ bị tổn thương não. Họ nhận ra họ đã tập trung vào những vấn đề không quan trọng như nguyên nhân của việc tổn thương, trong khi họ không biết được tổn thương ở mức độ nào, ở những thành phần nào, và họ sẽ có thể làm gì với chúng.
Cả nhóm thấy rằng tất cả họ, cả những cá nhân hay nhóm khác trong cùng lĩnh vực, đã cố gắng một cách vô vọng trong việc chữa trị những triệu chứng tồn tại ở toàn bộ cơ thể người bệnh, gồm cả các giác quan, các khớp nối, và cả những chức năng chính của các bộ phận cơ thể. Tiến sĩ Doman và nhóm của mình đã quyết định cách duy nhất để tiến lên, đó là tấn công trực tiếp đến trung tâm vấn đề – tức bộ não bị tổn thương của đứa bé.
Sau vài năm nghiên cứu, cả nhóm lại nhận ra điều thậm chí còn quan trọng hơn cả việc chữa trị bộ não bị thương tổn là “quay trở về” những năm hình thành nên bộ não, và cho phép nó một lần nữa trải qua những giai đoạn phát triển bình thường các hoạt động như trườn, bò. Đây là những hoạt động rất cần thiết cho sự phát triển và phối hợp của bộ não.
Đồng thời với phát hiện này, cả nhóm đã tập hợp thêm một nhóm nhỏ các chuyên gia giải phẫu thần kinh, những người đã phát minh ra cách thức hỗ trợ thông qua phẫu thuật bỏ bớt bộ phận não đã tổn thương nặng đang lấn át những bộ phận bình thường khác của não. Sau vài cuộc phẫu thuật, cả nhóm đã thu được những thành tựu đáng kể.
Sau khi huấn luyện cho trẻ bước vào những giai đoạn đầu tiên của sự phát triển trí não và thể chất… một lần nữa, rất nhiều trẻ đã đạt điểm trên trung bình trong kỳ thi trắc nghiệm trí thông minh, thậm chí ít nhất một bé trong số đó có chỉ số thông minh thuộc hạng thiên tài.
Tiến sĩ Doman phát biểu:
“Thậm chí trong những giấc mơ điên rồ nhất, chúng tôi cũng không dám tin rằng một đứa trẻ với triệu triệu tế bào não đã chết lại có thể thể hiện tương đương, thậm chí còn tốt hơn một đứa trẻ bình thường.”
Đến đây, hẳn mọi người sẽ thắc mắc, vậy điều gì đã xảy ra với những đứa trẻ bình thường, với bộ não lớn gấp đôi bộ não của người bạn mình, lại không giỏi gấp đôi bạn được?
Lý do nằm ở chỗ, nếu đứa trẻ bình thường có được sự quan tâm và giáo dục như với đứa trẻ bị tổn thương não, thì nó đã phát triển hơn rất nhiều rồi.
Câu chuyện về Tommy
Ông bà Lunski là những người Ba Lan nhập cư đến Mỹ. Họ có ba người con bình thường. Cậu con trai thứ tư, Tommy, khi sinh ra đã bị tổn thương não rất nghiêm trọng. Năm Tommy hai tuổi, cậu bé được kiểm tra sinh lý học thần kinh tại một bệnh viện lớn ở New Jersey. Lần đó, ông bà Lunski được thông báo rằng con trai của họ sẽ trở thành “người thực vật”, rằng cậu sẽ không bao giờ đi được hay nói được, rằng cậu có thể phải nằm viện cho đến hết đời.
Ông bà Lunski vốn là những người rất kiên trì. Họ đi khắp các bệnh viện mong tìm được một câu trả lời khác cho tình trạng của con mình. Nhưng đáng tiếc, các bệnh viện đều cho ra kết quả tương tự. Cho đến khi họ đến bệnh viện nhi ở Philadelphia và nói chuyện với bác sĩ Eugene Spitz, trưởng khoa Giải phẫu Thần kinh và là đồng nghiệp của Tiến sĩ Doman, thì tia hy vọng mới bắt đầu lóe lên. Lúc này, Tommy ba tuổi hai tháng.
Tommy được nhóm chuyên gia, với hai thành viên mới tham gia là ông và bà Lunski, tập cho cách trườn và bò. Cậu bé cũng được Tiến sĩ Doman khám thường xuyên, được giám sát kỹ lưỡng sự thay đổi về khả năng vận động thể chất và khả năng nói chuyện. Tommy tiến bộ rất nhanh. Chỉ tập trung vào khả năng vận động và nói chuyện của Tommy, nên không ai, kể cả Tiến sĩ Doman, chú ý đến nhận xét của bà Lunski về khả năng đọc của cậu bé. Bởi ông bà Lunski đã quyết định tập cho con trai mình làm quen với chữ cái, với từ và “sách trẻ em”.
Khi Tommy bốn tuổi, ông Lunski thông báo rằng Tommy có thể đọc tất cả các từ trong quyển sách nhỏ của cậu dễ dàng hơn việc hiểu và nhận dạng chữ cái.
Hai tháng sau đó, Tommy có thể đọc cả quyển Green Eggs and Ham của Tiến sĩ Zeus.
Khi Tommy bốn tuổi rưỡi, ông Lunski thông báo rằng cậu bé đã đọc hết các tác phẩm của Tiến sĩ Zeus.
Trong lần đến thăm khám với nhóm chuyên gia khi Tommy lên năm tuổi, ông Lunski tự hào kể rằng Tommy đã có thể đọc gần như mọi thứ, và cậu cũng có thể hiểu rất tốt những gì mình đọc.
Một lần nữa, Tiến sĩ Doman và nhóm chuyên gia không mấy chú tâm đến điều này, họ tiếp tục tập trung vào sự phát triển thể chất và ngôn ngữ đáng kể của Tommy.
Nhưng lần này, ông Lunski không muốn chỉ thông báo suông mà thôi. Trước mặt tất cả mọi người trong nhóm chuyên gia, ông viết một số câu phức tạp miêu tả những gì nhóm chuyên gia đang làm, rồi đưa cho Tommy. Tommy đọc rất nhanh, phản ứng nghiêm túc hay bật cười rất phù hợp với ngữ cảnh từng câu.
Tất cả mọi người đều sững sờ.
Với sự trợ giúp của ông bà Lunski và Tommy, nhóm chuyên gia đã “nhảy” từ lĩnh vực thể chất và ngôn ngữ nói của các em bị tổn thương não sang lĩnh vực đọc.
Nếu một đứa trẻ “thực vật” có thể học đọc một cách thành thạo như vậy trước khi lên năm tuổi, thì khả năng của những đứa trẻ không hề tổn thương não sẽ thế nào?
Năm lên sáu, Tommy có thể đi được. Khả năng đọc của cậu ngang bằng một đứa trẻ 11 – 12 tuổi.
Dạy bé đọc cách nào đây?
Tiền đề cơ bản của phương pháp này nằm ở việc quan sát thấy trẻ em khó phân biệt những chữ nhỏ, nhưng dễ dàng nhận ra những chữ in lớn. Ví dụ điển hình cho điều này là rất nhiều trẻ ở độ tuổi 1 đến 2 có thể “đọc” quảng cáo trên ti-vi, đọc những chữ in hoa trên gói thực phẩm và nhiều logo của công ty.
Để giới thiệu với con bạn thế giới tuyệt vời của việc đọc, hãy làm những thẻ chữ dài khoảng 30 – 60 cm và cao từ 5 – 13 cm. Tốt nhất ở những tháng mới bắt đầu, bạn nên dùng mực đỏ để in chữ lên những tấm thẻ đó, bởi đây là màu dễ nhận thấy nhất đối với mắt trẻ.
50 – 100 từ đầu tiên nên là danh từ bởi chúng dễ nhận biết và giữa chúng có mối liên kết tự nhiên, rõ ràng.
Phương pháp của Tiến sĩ Doman hoàn toàn phù hợp với nguyên lý Kết hợp (một trong những nguyên lý ghi nhớ) và sự phát triển vốn từ vựng. Đối với sự phát triển vốn từ vựng, trẻ sẽ nghe âm thanh và liên kết với đúng sự vật. Tương tự như vậy đối với việc đọc, trẻ sẽ nhìn từ (đối với bộ não của trẻ, việc tiếp nhận thông tin ở dạng sóng âm hay sóng ánh sáng là không quan trọng) và liên kết nó với đối tượng có liên quan.
Danh sách từ bạn chuẩn bị cho con mình nên bắt đầu với những từ “tiêu chuẩn” như “cha” và “mẹ”, rồi mở rộng thêm ở những vật hay người mà con bạn thể hiện sự quan tâm đặc biệt, ví dụ như thú cưng, đồ chơi, những con vật dễ thương, vật dụng gia đình, tên của những người bạn hay người thân…
Đừng ngại đưa ra cho trẻ những từ khó. “Chim vành khuyên” hay “hoa phong lan” sẽ gây hứng thú hơn nhiều so với những từ mơ hồ, nhạt nhẽo, như từ “ở đây” chẳng hạn.
Hãy biến những thẻ chữ trở thành một phần tự nhiên trong môi trường (học hỏi) xung quanh con bạn, như một món đồ chơi thú vị.
Còn giờ thì chúng ta hãy xem cậu bé OJ đã chơi với những thẻ chữ của mình ra sao qua câu chuyện tuyệt vời sau. Câu chuyện này không chỉ minh họa cho tính hiệu quả của phương pháp dạy trẻ đọc chữ sớm, mà còn thể hiện khả năng tư duy đáng kinh ngạc của con trẻ.
Câu chuyện về OJ
OJ là một cậu bé hai tuổi, con trai của John Bush – một luật sư, nhà soạn nhạc, tay chơi guitar, ca sĩ và còn là học viên đai đen của lớp võ karate. Như tất cả những ông bố, bà mẹ khác được đề cập đến trong những câu chuyện thuộc quyển sách này, John là một người cha đặc biệt quan tâm tới vấn đề phát triển tối đa những tiềm năng của con mình.
John hỏi tôi nghĩ thế nào về việc dạy trẻ biết đọc sớm, và tôi trả lời anh giống như những gì bạn đọc được ở chương này vậy.
Chỉ vài tuần sau, John đã thông báo thành công. Trong vòng vài tháng nữa, anh tự hào báo rằng OJ đã nhận dạng được 100 từ một cách hoàn hảo.
Trò chơi từ của OJ
Nhưng vài tuần sau cuộc gọi trước, John gọi điện thoại đến cho tôi và bảo rằng việc đọc của OJ xuất hiện vấn đề. Dường như khi đạt đến trình độ ghi nhớ 100 từ, OJ bắt đầu thoái lui. Vì lý do lạ lùng nào đó, khả năng đọc chính xác 100% của cậu bé chỉ còn 75%, với những từ đã rất quen thuộc.
Hiện tượng này của OJ tiếp diễn liên tục 3 tuần sau đó, không có dấu hiệu tiến bộ nào, và cũng không đi xuống hơn nữa, chỉ ở mức chính xác khoảng 75% mỗi lần.
Tôi xung phong đến thăm gia đình họ để “điều tra” về bí ẩn nào đó đang diễn ra với OJ. Sau bữa ăn, OJ hào hứng rủ tôi xem qua thùng đồ chơi của cậu. Trong vòng 20 phút, tôi được giới thiệu những báu vật của cậu bé, gồm thú nhồi bông, vỏ sò, những quyển truyện tranh màu, vài cuộn băng cát xét, khối hình, và đặc biệt là những thẻ chữ.
Tôi hỏi OJ có thích cùng tôi chơi trò luyện chữ hay không, cậu bé gật đầu đồng ý ngay lập tức. Tôi cho OJ xem mỗi thẻ chữ, rồi đáp lại một cách hào hứng với những câu trả lời chính xác của cậu. Cũng như John, kết quả tôi nhận được là khoảng 75% từ đúng. Tôi giữ 25% từ sai riêng một bên, rồi sau khi đã đi hết một lượt 100 từ, tôi cho OJ xem lại, đồng thời đưa ra những liên tưởng và gợi ý đặc biệt để giúp cậu bé nhớ tốt hơn.
Chúng tôi chơi lại lần nữa, nhưng trước sự kinh ngạc của tôi, OJ vẫn tiếp tục sai, với 25% từ sai hoàn toàn khác lần trước.
Tôi lặp lại những gì mình đã làm trước đó, lấy 25% từ sai ra để OJ xem lại, rồi chúng tôi chơi lại lần nữa.
Kết quả vẫn như cũ. Khoảng 25% từ sai hoàn toàn khác những đợt trước.
Chúng tôi lặp lại. Kết quả vẫn không thay đổi.
Lần chơi tiếp theo, mỗi khi OJ trả lời đúng, tôi đều hào hứng khen: “Đúng rồi”, và với từ sai cũng như vậy. Khi hết 100 từ, tôi reo lên: “Tốt lắm OJ, 100% chính xác! Giỏi quá!”.
OJ muốn chơi lại ngay.
Một lần nữa, tôi reo lên: “Đúng rồi” cho cả câu trả lời đúng lẫn câu trả lời sai của cậu bé.
Sau khoảng 80 từ, khi tôi cho OJ xem “con chó” mà cậu lại đáp “con mèo”, tôi vẫn hào hứng: “Lại đúng nữa rồi!”. Ngay lập tức, OJ dùng nắm tay nhỏ xíu của mình nện xuống sàn và nói: “Sai rồi, sai rồi, sai rồi!”.
Tất cả chúng tôi đều giật mình kinh ngạc trước những gì mình đang được chứng kiến. Cậu bé chỉ mới hai tuổi bốn tháng, đã trở nên chán chường với “sự hoàn hảo giới hạn”. Để làm cho trò chơi thú vị hơn, cậu không chỉ nhớ chính xác 100 từ mình được học, mà còn ghi nhớ luôn 25 từ mình đã cố tình sai lần trước để không lặp lại ở lần sau. Không những vậy, cậu cũng điều chỉnh cảm xúc, nét mặt, giả vờ như mình thật sự bối rối trước từ nào đó mình không nhớ.
Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng OJ chỉ là một cậu bé chưa tròn hai tuổi rưỡi. Vậy mà cậu đã hoàn toàn đánh lừa được cha mình, một người đầy kiến thức và kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Khi con bạn đã đạt tới giai đoạn “hoàn hảo bước đầu” như OJ, trò đọc chữ có thể mở rộng hơn thành Bản đồ Tư duy, giúp thể hiện rõ hơn những mối quan hệ đa chiều giữa các từ mà bé đang học.
ĐIỀU CẦN LÀM
• Dạy con bạn cách đọc!
Khi bạn nghi ngờ về khả năng đọc của bé, hãy nhớ lại câu chuyện về Tommy.
• Tập cho bé làm quen với sách càng sớm càng tốt.
Bạn có thể đặt bé ngồi dựa trong lòng mình, đọc cho bé nghe những sách truyện đầy màu sắc. Bé sẽ nhanh chóng hiểu được rằng có rất nhiều điều thú vị trong quyển sách ấy.
• Đừng để bé phát chán vì những từ đối với bé là quá dễ dàng.
Nhớ lại câu chuyện về OJ khi dạy con đọc.
Bạn cũng nên thay đổi những tài liệu đọc khác nhau và để bé chọn thứ mình thích nhất. Nếu bé thích khủng long, hãy để bé đọc về chúng cho đến khi bé chuyển sang chủ đề mới.
• Đừng bao giờ đánh giá thấp con bạn.
• Hãy tìm hiểu những bé được dạy đọc sớm.
Thường những bé này sẽ có thành tích học tập tốt hơn các bạn khác ở trường.