*
Con bạn khi sinh ra đã là một nhạc sĩ. Bé được tạo hóa trao tặng đầy đủ những yếu tố cần thiết để tạo ra âm nhạc – nhịp điệu, cao độ và giọng nói/hát.
*
Không một em bé nào không sở hữu tài năng âm nhạc tuyệt đỉnh.
Nhưng bằng cách nào chúng ta biết được điều đó?
Câu chuyện về Suzuki
Suzuki là một giáo viên, nhạc sĩ và cũng là người chế tạo nhạc cụ nổi tiếng người Nhật. Có ba nhận thức đã làm cuộc đời ông thay đổi hoàn toàn, đồng thời cũng làm thay đổi cách cả thế giới này nghĩ về trẻ em và bộ não của trẻ.
Nhận thức đầu tiên là khi Suzuki đến thăm một vườn nuôi chim sơn ca, một loài chim hót rất hay. Ông thấy người nuôi chim tập hợp hàng ngàn trứng chim một lúc, đặt vào trong một căn phòng rộng, ấm áp và yên tĩnh như một chiếc tổ lớn. Căn phòng này hoàn toàn yên tĩnh, chỉ trừ một âm thanh duy nhất: tiếng hót của con chim sơn ca hót hay nhất đàn.
Suzuki kinh ngạc nhận thấy những chú chim bé xíu mới nở tự động bắt chước tiếng hót nó nghe thấy. Sau vài ngày, mỗi chú chim ban đầu chỉ đơn thuần bắt chước hoàn toàn, đã bắt đầu có những biến đổi khác nhau trong giọng hót. Người nuôi chim đợi đến khi nào chúng phát triển được “phong cách riêng” của mình rồi lựa chọn một “giọng ca chính” trong số chúng để huấn luyện cho lứa chim non sau.
“Thật kỳ diệu!”, Suzuki thầm nghĩ. “Nếu bộ não bé xíu của chim sơn ca lại có thể học hót một cách hoàn hảo như vậy, thì bộ não con người với những khả năng siêu việt, chắc chắn có thể học được nhiều điều hơn thế”.
Nhận thức đầu tiên này đã dẫn Suzuki đến nhận thức thứ hai. Với niềm hào hứng tột độ, ông hồ hởi nói với tất cả mọi người ông biết về phát hiện mới của mình: tất cả trẻ em Nhật Bản đều học nói tiếng Nhật!
Bạn bè và đồng nghiệp của Suzuki vỗ vai ông kèm với thái độ lo lắng, bảo ông rằng họ đã nhận ra điều này từ lâu trước đó. “Nhưng không… không…” – ông tuyên bố – “chúng học thật đấy. Điều đó thật kỳ diệu!”.
Và Suzuki đã đúng. Cũng giống như Newton, ông đã khám phá ra điều kỳ diệu từ những điều mà rõ ràng ai cũng biết.
Điều ông khám phá được đó là mỗi đứa trẻ sinh ra ở bất kỳ nước nào, trong vòng hai năm, sẽ tự động học ngôn ngữ của đất nước đó.
Như vậy có nghĩa là bộ não của mỗi đứa trẻ bình thường có khả năng học hàng triệu ngôn ngữ khác nhau.
Bạn có thể thấy được điều này khi trải qua, hoặc biết tới trường hợp những người đang sinh sống ở một nước nào đó nhưng đã từng sinh ra và lớn lên vài năm đầu đời ở một nước khác. Những người này không chỉ học được ngôn ngữ của đất nước nơi mình sống, mà thậm chí còn học được chính xác ngôn ngữ của miền quê hương mình.
Một em bé sinh ra ở Trung Quốc sẽ không tròn mắt thốt lên: “Ồ, tiếng Trung Quốc cơ à. Quá khó đối với mình, chắc mình sẽ im lặng suốt cả quãng đời còn lại”.
Suzuki đã phát hiện rằng hệ thống giọng nói/tai/não thật sự là một “cỗ máy sao chép” hoàn hảo, có khả năng vô tận trong việc học âm nhạc và ngôn ngữ.
Không hề bận tâm tới việc ngôn ngữ mẹ đẻ của mình là tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Trung, tiếng Miến Điện hay tiếng Nhật, chỉ cần có được một môi trường học hỏi đúng đắn và sự khuyến khích thích hợp, bé của bạn sẽ học được mọi thứ.
Nhận thức thứ ba của Suzuki đến từ lời đề nghị của người bạn nhờ ông dạy vĩ cầm cho cậu con trai bốn tuổi của ông ta. Chẳng cần suy nghĩ, Suzuki xin lỗi ngay và bảo rằng điều đó là không thể, bởi cậu bé còn quá nhỏ. Cậu sẽ không thể điều khiển một chiếc đàn vĩ cầm to tướng.
Mới vừa chia tay với người bạn ấy, Suzuki bỗng chốc nhận ra suy nghĩ của mình thật nông cạn. Ông bảo rằng cậu bé ấy còn quá nhỏ, trong khi ông đã từng tuyên bố trẻ em ở khắp mọi nơi đều có thể học nhạc từ lúc lên ba. Ông bảo rằng chiếc đàn vĩ cầm quá lớn, vậy thì tại sao không thử chế tạo một chiếc đàn khác phù hợp hơn với kích cỡ của bọn trẻ.
Hứng thú trước suy nghĩ đó, Suzuki bắt đầu chế tạo những chiếc đàn vĩ cầm nhỏ hơn, vừa tay với các bé. Nhưng làm thế nào để dạy bọn trẻ đây? Ông nhận ra câu trả lời chắc chắn là bắt chước. Hơn 95% số người trong chúng ta sẽ không bao giờ có thể học hát, học đàn hay học vẽ, đơn giản bởi vì chúng ta luôn được dặn dò rằng không được bắt chước. Chúng ta đã bị cướp đi công cụ học tập hoàn hảo nhất này!
Bé có thể chơi vĩ cầm nếu được hướng dẫn đúng cách
Có trong tay những chiếc đàn vĩ cầm loại nhỏ, với nhận thức mới và hiểu rõ phương pháp dạy thích hợp, Suzuki bắt đầu hỏi những người bạn có con nhỏ rằng họ có thích cho bọn trẻ học đàn hay không.
Ở lớp học đầu tiên, Suzuki đặt đồ chơi và những cây đàn rải rác quanh phòng, rồi cho phép những học trò của mình chơi với bất kỳ thứ gì chúng thích. Ông ngồi xếp bằng trên sàn giữa phòng, cầm lấy một cây đàn rồi kéo thử vài nốt. Đúng như ông nghĩ, lần lượt từng đứa trẻ bắt chước cách ông làm. Hoàn toàn giống lũ chim non học hót theo tiếng hót của “giọng ca chính” bằng cách lắng nghe và lặp lại, học trò của Suzuki cũng tiến bộ dần theo thời gian.
Và bé con của bạn cũng là một nghệ sĩ tài năng đang chờ đợi được tỏa sáng đấy!
Trẻ nhỏ là những thiên tài âm nhạc bẩm sinh
ĐIỀU CẦN LÀM
• Hãy cho con bạn được thưởng thức tất cả các loại nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển; nếu bạn thích nghe nhạc, con bạn cũng sẽ thích âm nhạc.
• Cho bé những món đồ chơi có thể biến thành nhạc cụ gõ, đàn dây, nhạc khí hơi… lý tưởng nhất là những nhạc cụ thực thụ nhưng cỡ nhỏ cho phù hợp với bé.
• Hãy lắng nghe những âm thanh con bạn tạo ra.
Bạn sẽ nhận ra độ cao, độ sâu của những âm thanh đó thật mê đắm. Cứ khuyến khích bé tiếp tục sự nghiệp âm nhạc đó của mình.