*
Tiến sĩ Betty Edwards, trong quyển sách nổi tiếng Drawing on the Right Side of the Brain (tạm dịch Vẽ trên bán cầu não phải), đã trình bày quan điểm rằng tất cả mọi người đều có thể học vẽ, miễn là họ được giới thiệu đúng phương pháp. Quan điểm đó của bà đã được chứng minh tính chính xác qua hàng trăm ngàn độc giả cũng như sinh viên.
*
Lorraine Gill, một họa sĩ người Úc, đã trải qua ba năm chung sống trong một cộng đồng thổ dân Úc. Bà cũng là “người ngoài” duy nhất được phép làm điều đó từ trước tới nay. Lorraine đã quan sát thấy rằng nghệ thuật đối với người thổ dân cũng là một thứ ngôn ngữ, và mọi người đều học cách “nói chuyện” bằng ngôn ngữ đó bên cạnh ngôn ngữ chính của họ.
Nghệ thuật được người thổ dân truyền lại cho con cái họ như một phần tự nhiên trong quá trình lớn lên và trưởng thành. Ngay từ thời thơ ấu, các em bé thổ dân đã có thể vẽ một cách tự nhiên và uyển chuyển vô cùng. Cũng giống như Tiến sĩ Edwards, Lorraine đã đưa ra kết luận: “Mỗi em bé bẩm sinh là một nghệ sĩ”.
Conni Gordon, một họa sĩ cực kỳ khỏe khoắn và năng động dù đã ở vào độ tuổi tám mươi, là người giữ kỷ lục Guinness cho nghệ sĩ có lượng học trò theo học đông nhất: trên mười triệu người. Conni tuyên bố rằng trong cuộc đời dạy học của bà, bà chưa bao giờ gặp một người nào không có năng khiếu vẽ.
Phương pháp 4 bước của Conni Gordon
Trái ngược với điều này là số liệu thống kê mà tôi đã đề cập trước đây, rằng ở độ tuổi 15 và cho đến hết phần đời còn lại của mình, đến 95% người tin một cách sai lầm rằng họ sinh ra đã là người không có khả năng vẽ.
Lý do của điều này cũng có thể là lý do mà bạn đã từng gặp phải khi còn là một đứa trẻ.
Hãy nhớ lại thời điểm khi bạn còn là một đứa trẻ, và đang tham gia một trong những buổi học đầu tiên của lớp mỹ thuật.
Giáo viên nói với bạn rằng: “Các em, hôm nay chúng ta sẽ học bài mỹ thuật đầu tiên. Cô đã đưa cho các em giấy và bút màu, và giờ, cô muốn các em vẽ một chiếc máy bay!”.
Trong vòng một phút sau khi nghe đề tài của cô giáo, phản ứng đầu tiên của bạn là gì? Bạn nhìn quanh, so sánh, ngó ngang ngó dọc các bạn khác, và rồi tập trung tất cả những quan sát đó, cộng với hiểu biết của mình để thực hiện nhiệm vụ cô giáo đề ra.
Và bạn được bảo sao? “Đừng nhìn quanh, đừng copy bài của các bạn, vì như vậy là dối trá. Dối trá không được chấp nhận trong lớp học này.”
Thế là bạn chỉ còn lại một mình với hình ảnh một chiếc máy bay tuyệt đẹp trong đầu, nhưng đôi tay với kỹ năng chưa được huấn luyện đã không đủ khả năng để chuyển tải hình ảnh hoàn hảo ấy lên giấy.
Cuối cùng bạn cũng vẽ xong chiếc máy bay tí hon, và bạn được phép nhìn xung quanh. Bạn nhìn thấy gì? Những chiếc máy bay đẹp hơn hẳn so với máy bay của mình.
Gần như mọi đứa trẻ đều nhìn thấy “những chiếc máy bay đẹp hơn”, bởi ngay từ lứa tuổi mẫu giáo, chúng đã được dạy rằng mình không được thất bại, không được copy – hai trong số những “kẻ hủy diệt” đối với việc học hỏi và khả năng tưởng tượng. Thế là mỗi đứa trẻ sẽ chỉ để ý đến phần xấu nhất của mình và phần đẹp nhất của bạn, rồi theo đó đánh giá thấp về khả năng của bản thân.
Những đứa trẻ khác cũng thường “hỗ trợ” bạn trong việc nhận ra những thiếu sót trong tác phẩm nghệ thuật của mình. Không những thế, giáo viên cũng bước xuống, khoanh tay lại, nhíu mày và nói: “Không tốt lắm! Trò nên vẽ thêm cánh nữa chứ!”.
Và rồi tình trạng còn tệ hơn nữa. Trên bức tường phòng học không treo bức tranh chiếc máy bay nhỏ của bạn, và thậm chí còn đáng sợ hơn khi nó xuất hiện ở đó, và bạn sẽ phải nhìn thấy nó mỗi ngày suốt ba tuần tiếp theo.
Vào buổi học mỹ thuật tiếp theo, khi giáo viên vào lớp và thông báo rằng cả lớp sẽ tiếp tục bài học, trong đầu bạn sẽ ngay lập tức vang lên tiếng nói: “Không thể nào! Mình sẽ nói chuyện với bạn, hoặc nhìn ra ngoài cửa sổ, hoặc mơ mộng cả buổi chứ không thể tiếp tục môn học này, bởi vì mình không thể!”.
Như vậy đấy, chỉ đơn giản không được phép copy, rất nhiều nghệ sĩ tài năng đã không vượt qua được chướng ngại đầu tiên.
Nếu biết được nguyên lý bắt chước của bộ não, giáo viên sẽ biết được cách tiếp cận rất khác đối với những chiếc máy bay của các bạn nhỏ. Thay vì chỉ trích hay cười nhạo, giáo viên sẽ nói: “Ồ, chiếc máy bay của em dễ thương đấy! Lần tới, em có nghĩ mình thích một chiếc khác có cánh không? Thầy chỉ gợi ý là em nên vẽ thêm hai đường chỗ này, hai đường chỗ này nữa. À, em qua xem bạn Sally vẽ thế nào đi. Bạn ấy cũng có một chiếc máy bay khá đẹp đấy. Em có thể bảo bạn cho em xem cách bạn vẽ. Xong rồi em về đây với thầy, chúng ta sẽ cùng làm cho chiếc máy bay của em đẹp hơn nữa, và em sẽ trở thành một họa sĩ rất tuyệt đấy!”.
Nếu cách thức như vậy được các thầy cô giáo thực hiện, thế giới của chúng ta sẽ đầy ắp những họa sĩ, nhà điêu khắc tài năng.
ĐIỀU CẦN LÀM
• Bạn nên tham gia học vẽ để con mình có thể bắt chước.
Bạn có thể chỉ bé cách vẽ trước khi bé được một tuổi. Khi bắt chước bạn, việc vẽ vời với bé sẽ trở nên dễ dàng.
• Cho bé làm quen với bút chì, bút màu, giấy vẽ, cọ vẽ…
Những quyển sách về nghệ thuật với phần minh họa là tranh của các họa sĩ nổi tiếng cũng rất cần thiết cho bé.
• Bạn cũng có thể dành riêng cho bé một mảng tường để bé được tự do sáng tạo nên những bức tranh mình thích.
Nếu nhà bạn không đủ diện tích, một giá vẽ cũng rất lý tưởng, nhưng hãy nhớ lót giấy báo bên dưới để tránh vương vãi màu ra sàn.
• Treo những tác phẩm của bé lên tường để mọi người có thể cùng chiêm ngưỡng.